Chiếc xe lam đỗ xịch lại trước cái quán
bên đường làm cho không khí trong quán bỗng huyên náo hẳn lên. Tiếng trẻ con
chào mời khách mua quà bánh, pha lẫn với những tiếng léo nhéo cười đùa của đám
lính trẻ đang ngồi hút thuốc chờ xe quân vận đến bốc về trại. Tôi lách người
chui ra khỏi chiếc xe lam, nồng nặc mùi mồ hôi xen lẫn thoang thoảng mùi dầu
gío xanh Con Ó của bà cụ ngồi cạnh. Cái nắng buổi trưa của Bình Định như phả
vào mặt làm tôi hoa mắt không nhìn rõ được những gì trong quán.
“Thằng ni sao chừ còn ở đây?”
Tiếng của bà cụ Giáo vang lên mang theo
mùi thuốc lá Cẩm Lệ quen thuộc làm tôi chợt vui vì được gặp lại “Mạ”. Lũ lính
tráng chúng tôi, mỗi khi được xuất trại hoặc đi đâu về, thường hay ghé quán của
cụ Gíáo để ăn bát bún bò Huế cay toát mồ hôi. Có khi hết tiền thì uống cốc cà
phê đen hoặc mua bao thuốc lá trước khi về lại trại. Ghé mãi thành quen rôì cứ
xem cụ như người nhà.
Không biết trong bọn tôi đứa nào khởi sự
gọi cụ bằng Mạ, chẳng bao lâu thì cả bọn tôi cùng gọi cụ Giáo bằng Mạ. Không phải
vì Mạ có hai cô con gái đẹp mà làm tôi muốn gọi cụ bằng Mạ, mà thật sự ở cụ tôi
tìm thấy những lời hỏi thăm chân thật, những ánh mắt tha thiết như của mẹ tôi vậy.
“Mạ sao cũng còn ở đây à? Còn Lan, Hường
đâu sao không vào đưa Mạ chạy tạm vào Qui Nhơn ít hôm?”
Tiếng Mạ lo lắng: “ Con Lan hắn chạy vào
Nha Trang với thằng chồng nó sạng nay rồi. Tau chờ con Hường hai hôm ni mà chưa
thấy hắn về.”
“Đi mô mà mất biệt làm tau lo quạ!”
Tôi vội trấn an cho Mạ bớt lo:
“ Không sao đâu Mạ, Phú Mỹ với đây chỉ
đi hai chặng xe thồ là em Hường về đến nhà ngay ấy mà. Thế Hường có nói với Mạ
là nó có đi theo trường hay không? Giáo viên quận lỵ lúc loạn lạc thì chắc cũng
lu bu với đám học trò. Mạ cứ an tâm, hắn về ngay âý mà.”
Một ngày đầu tháng Tư, 1975…
Từ tờ mờ sáng hôm nay, những đoàn người
chạy loạn xuôi về Nam càng lúc càng đông. Những chiếc xe thồ ba bánh được tận dụng
tối đa, đàn bà con nít, dồn hết lên chiếc xe đã đầy những gồng gánh và ba lô
hành lý. Đằng sau những tiếng súng như càng lúc càng gần, tôi không hiểu đây là
súng của Sư Đoàn 22 Bộ Binh VNCH hay là của Trung Đoàn Sao Vàng của địch quân.
Những chiếc trực thăng chật ních những người như muốn trĩu xuống vì chở quá tải,
bay lè tè dọc theo quốc lộ như để phòng hờ phải đáp khẩn. Cái hỗn loạn mỗi lúc
một trầm trọng, tôi bồn chồn chờ ở phi đạo 243 một cách tuyệt vọng. Tiếng ông
thượng sỹ Quang chua chát:
“ĐM tụi nó bỏ mình rồi!”
Tôi nuốt nhanh ngụm khói thuốc như để tự
trấn an mình cho bớt sợ, cái viễn ảnh bị bắt làm tù binh làm tay tôi bỗng dưng
run lên khiến điếu thuốc lá tuột khỏi hai ngón tay đã nâu đi vì khói .
“ Bây giờ anh tính sao anh Quang? Liệu
mình có đi đường bộ được không?”
Quang hằn học : “ĐM bây giờ mình chỉ có
nước chạy ra khu đổ rác thì may ra thằng Thần Tượng (Phi đội trực thăng) mới
dám xuống, chứ ngôì đây cả lũ thế này thì thằng đéo nào dám xuống.”
Tôi quơ vội cái túi xách và khẩu M16 rồi
phóng nhanh ra chiếc Dodge của Không Đoàn Bảo Trì. Quang cũng hấp tấp nhẩy lên,
đạp ga mạnh cho chiếc xe lao vụt về hướng bãi đổ rác gần vòng đai phi trường.
Bãi đất trống cạnh những đống rác nồng lên mùi rác ẩm. Tôi thầm phục Quang
nhanh trí đã nghĩ đến chỗ này, chẳng một ma nào thèm mò đến đây để dành lên maý
bay với chúng tôi. Quang bắn liên tiếp hai phát flare đỏ làm hiệu, quả nhiên
không bao lâu thì tiếng quạt của trực thăng sập đến mang theo những rác rến
đang bị thổi tung lên cùng với những chiếc lá xoài khô chưa kịp ẩm mục.
“ Lẹ lẹ đi mấy cha, ĐM tụi nó bắn rát
quá!”
Tiếng phành phạch của chiếc UH1* mang
tôi bay bổng vào vùng trời đầy mây xám. Gío phần phật bên tai, tôi tựa cửa con
tầu nhìn xuống phi trường Phù Cát đang nhỏ dần, và chìm khuất trong ký ức của một
người lính thua trận.
Edmonton, một ngày đầu Đông…
Lâu lắm rồi không còn nghe tiếng cánh quạt
của trực thăng, vậy mà hôm nay đang đi bộ dọc theo con lộ Rabbit Hill thì bỗng
đâu có tiếng phành phạch quen thuộc của chiếc UH1 đang lượn ngay trên đầu, tôi
giật mình ngước lên, rồi vội trấn tĩnh và tự bảo “ trực thăng của Global News”.
Tôi lầm lũi đi về phía bờ sông Saskatchewan mà bỗng bồi hôì nhớ lại mùa Xuân
75. Không hiểu giờ đây Mạ của bọn tôi còn ở cái quận lỵ Gò Găng buồn như trấu cắn
ấy hay đã trôi dạt về phương Nam mịt mờ xa tít. Tôi bùi ngùi nhớ lại mùi thuốc
lá Cẩm Lệ hăng hắc của Mạ. Mạ thường ve thuốc hút, vừa nhóp nhép giọng Huế:
“ Biết chừng mô tụi mi mới thôi đánh
nhau. Loạn lạc khổ quạ lấy chi ăn đây?”
Lần này bà lưỡng lự mãi, không muốn hoà
nhập vào dòng người di tản, một phần vì muốn chờ Hường. Cô gái út của bà không
hiểu vì sao đi dạy học ở Phú Mỹ, chỉ cách có một giờ xe mà vẫn biền biệt không
tăm hơi. Tôi bỗng thấy thương Mạ quá, vẫn mỏi mòn chờ con. Tôi ngậm ngùi thương
cho những người đàn bà Việt Nam, miệt mài làm lụng vất vả ,buôn bán lo cho chồng,
cho con, chẳng bao giờ có thời giờ để nghĩ đến mình. Cuộc chiến như luôn đeo đuổi
những người vợ lính như để vội vã quấn vành khăn tang lên những mái tóc vẫn còn
xanh. Chiến tranh như trực chờ để trút lên đầu họ những bất hạnh.
Trong cái tận cùng đau đớn mất chồng lạc
con. Mạ vẫn lặng lẽ cam chịu, vẫn gắng sống mong đợi một ngày khi đất nước
thanh bình để Mạ có thể về lại Huế. Chỉ có Huế của Mạ, mới có sông Hương thơ mộng,
uốn lượn như mái tóc đen bóng, thơm mùi bồ kết của Hường. Những lúc nhớ con, Mạ
mắt long lanh thở dài: “ Tau nhợ con Hường quạ! Con ni đi chi mà đi miệt.”
Những lúc Mạ nói như thế, làm tôi bỗng
nhớ đến đôi mắt tròn đen láy tinh nghịch của Hường mỗi khi tôi ra quán. Cô có
cái cười mim mím như muốn che dấu cái răng hơi hô của mình làm cho hai má cô
như bừng lên vì ấp úng. Tôi yêu cái cười mím đó như thể cô muốn nói một điều gì
đó, mà vì ngượng nên chưa dám nói. Hình ảnh của Hường trong chiếc áo dài mầu mỡ
gà khi cô đứng chờ xe lam dưới bóng cây bàng, cho người ta cái cảm giác cô như
một giòng suối mát, mềm mại chảy ngang vùng đất khô, đang nứt ra vì cái nắng
nóng thiêu đốt của miền Trung.
Mỗi khi nghe tôi ho khúc khắc, Hường hay
nhỏ nhẹ bảo tôi: “ Anh đừng hút thuốc nhiều quá hị! ra đây em pha nước mát uống
cho bớt ho.” Tôi cảm động bởi những cử chỉ săn sóc nho nhỏ của Hường, tôi muốn
nói với Hường nhiều lắm nhung không hiểu vì sao vẫn chưa nói được. Thế rồi những
ngày loạn lạc, bom đạn vang rền trên các quận lỵ của miền Trung, và tôi không
còn bao giờ có dịp để nói với Hường cái ước mơ của tôi được đưa nàng về lại Huế,
dạo phố chợ Đông Ba hoặc đi lên Thiên Mụ hái hoa đại nữa. Tôi vẫn không tin là
chiến tranh đã cướp mất của tôi người bạn gái Huế năm nào. Tôi vẫn hy vọng được
gặp lại nàng, một ngày nào đó khi quê hương không còn ly loạn. Hình ảnh cô giáo
tiểu học trong một quận lỵ nhỏ, với nụ cười mím của Hường như vẫn đeo đuổi theo
cái ký ức mỗi lúc một mờ nhạt của tôi.
Năm ngoái Bình, một người bạn của tôi,
có dịp về thăm lại quê ở Bình Định. Anh có tìm và hỏi thăm tin tức của Mạ thì
được hàng xóm cho biết “bà già Huế” đã chết sau mấy năm lặn lội đi tìm con.
Cũng may có đứa cháu họ xa nó lo cho phần chôn cất chứ hai đứa con gái vẫn biệt
vô âm tín.
Reng reng…reng reng…
Tiếng điện thoại di động rung lên lôi
tôi về thực tại: “Bố đang ở đâu đó? Có về ăn cơm không hay còn đang lang thang
đi đâu vậy?” Tiếng đứa con gái của tôi đang cằn nhằn cái gì đó làm tôi chợt nhận
ra là trời đã tối hẳn, gió lạnh từ bờ sông Saskatchewan thổi tốc lên xô tôi
nhanh về phía bãi parking. Lên được xe, tôi đánh diêm châm một điếu thuốc lá:
“Cái xứ gì mà lạnh quá không biết!”
Quành đầu xe ra xa lộ Whitemud được khoảng
hai phút. Tôi bỗng đổi ý bẻ ngoặc tay lái rẽ vào đường Fox Drive định đi về lại
phố Tầu. Bỗng dưng ngay bên con đường vắng, cạnh cái thành cầu, tôi thâý một cô
gái tóc đen láy trong chiếc áo dài trắng. Kééét!
Đạp mạnh thắng! Hai mắt tôi mở căng ra,
tôi chợt ú ớ “Ủa? Hường!”. Tôi ngừng xe tạt vào bên con đường vắng. Vẫn không
tin những gì mình vừa nhìn thấy, cúi đầu xuống vô lăng, hít mạnh một hơi ngửng
lên, thì không còn thâý bóng Hường đâu nữa. Tôi bước hẳn ra khỏi xe quan sát,
Hường đứng đó xa xa, tái xanh trong chiếc áo dài trắng, nhìn tôi như muốn nói
điều gì đó. Tôi tiến lại gần hơn để định thần nhìn cho kỹ thì hình như bóng cô
cứ lùi dần; và đột nhiên như chìm hẳn vào màn đêm dầy đặc sương lạnh. Một cảm
giác lành lạnh sau gáy làm tôi vội kéo lại cái cổ áo khoác ngoài. Lắc mạnh đầu,
tôi tự nói: “ Chắc mình phải đi khám mắt lại, trông gà hoá quốc rôì!”. Tôi
phóng nhanh về lại nhà trong cơn bão tuyết của muà đông Edmonton.
Không biết tại sao tay tôi run quá, cầm
nén hương trong tay, tôi run run bật lửa, tôi nói thầm:
"Đêm nay là đêm giao thừa, con thắp
nén hương này cho Mạ để Mạ biết là con đã tìm được Hường cho Mạ rồi, Mạ linh
thiêng thì về đón em con Mạ hỉ!”
Bên ngoài, gió Bắc đang thổi rít lên làm
cho những bông tuyết trắng xoá đập mạnh vào cửa sổ như có tiếng ai đó đang gõ cửa
gọi “ Mạ ơi!”.
Edmonton, một đêm Đông gía lạnh.
Thanh Ho
No comments:
Post a Comment