Có những ông chồng cái gì cũng đùn cho vợ làm, cái gì cũng để vợ lo…
còn mình thì cứ ỳ ra đó, không làm gì cả, mà chỉ chờ ngày “Mother’s Day”
hằng năm của người Mỹ, rồi vội vã ra chợ mua một bó bông, tấm thiệp về
tặng vợ để chứng tỏ “tình yêu” của mình ” đối với nàng. Có những người
con hay nói “Mom, I love you”, nhưng “Mom” thì hằng ngày phải làm việc
theo kiểu “đầu tắt mặt tối” hay “đầu bù tóc rối” mà con không hề bận
tâm. Ngoài giờ học, hay đi làm, con chỉ lo vui chơi, riêng “Mom” cực
nhọc muốn “chết Mom của Mom” luôn, mà con không biết. Hoặc các con chỉ
chờ ngày “Mother’s Day” hằng năm mua một bó bông hay tấm thiệp có in sẵn
vài câu tiếng Anh từ tiền của “Mom” và cứ nói như cái máy “I love you,
Mom”. Thế là xong, chờ năm sau nói tiếp.
Xin thú thật tôi không có thói quen mua bông hoa hay thiệp để tặng vợ
vào ngày nêu trên, nhưng hằng ngày tôi luôn tiếp Nhà Tôi một tay cho
bất kỳ công việc lớn hay nhỏ và luôn chú ý đến việc săn sóc nhau. Ngày
lễ dành cho các Bà Mẹ, bài viết này là món quà tôi dành để trân trọng
tặng Nhà Tôi, hầu nói lên sự cảm ơn của tôi đối với nàng, và cũng để các
bà mẹ Việt Nam đọc cho vui hay cho “đời bớt khổ”.
Tại Hoa Kỳ, hằng năm vào Chúa Nhật thứ nhì của tháng 5, nguời bản xứ
chọn làm ngày đặc biệt dành cho mẹ, gọi là “Mother’s Day”. Người Việt
Nam tại hải ngoại chỉ mới “gần gũi” với ngày này về mặt hình thức sau
ngày 30-4-75. Đối với một số người con có hiếu của “phe ta” thì trọn
năm, ngày nào cũng đều đặc biệt dành cho Mẹ hết cả. Tôi tin là người
Việt Nam nào cũng đều biết đến ý tình của nhạc phẩm “Lòng Mẹ” do nhạc sĩ
Y Vân sáng tác. Những câu độc đáo và ý nghĩa như:”Lòng mẹ bao la
như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt
ngào. Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà
soi bóng mẹ yêu…”
Nếu có bà mẹ nào vừa sanh con ra, bị người khác áp bức phải chia lìa
tình mẫu tử, hoặc chính họ quyết định vứt bỏ con mình… thì không tính,
chứ không một bà mẹ nào muốn lìa xa con mình vĩnh viễn. Hầu hết các bà
mẹ trên thế giới, nhất là bà mẹ Việt Nam đều có thể chết thay cho con
mình một cách không cần đắn đo suy nghĩ. Ngay cả các loài vật cũng
thương con. Hổ còn không ăn thịt con. Riêng hình ảnh con gà mái túc con
là gần gũi với loài người nhất. Và trong tiếng Việt, con cái gọi mẹ mình
bằng nhiều cách khác như “mẹ”, “má”, “vú” hay “mạ”… Nói chung, gọi cách
nào thì cũng nói lên ý nghĩa cao đẹp của tình mẹ thiêng liêng.
Trong xã hội, tôi thấy không ít người mơ hồ về tình mẫu tử thiêng liêng,
nên cứ tưởng là một người đàn bà nào khác có thể thương mình hơn mẹ
ruột mình, nên mới xảy ra tình trạng người con quay lưng với mẹ. Tôi có
thể nói mà không sợ sai, chỉ có mẹ ruột mới dám chết cho con mình, chứ
không một người đàn bà nào dám chết thay cho con người khác, dù họ cũng
có lòng thương người. Loài vật có hình ảnh con gà mái hiền hòa xoè đôi
cánh nhỏ bé để che chở cho đàn gà con trước móng vuốt diều hâu, và nó
sẵn sàng sống chết với kẻ địch hung tợn để bảo vệ sự sống cho con mình,
là một hình ảnh chứng minh hùng hồn nhất về tình mẹ thương con của loài
vật. Loài vật mà còn sống chết với con mình như thế thì loài người chắc
chắc phải trội hơn nhiều. Thiết nghĩ tôi không cần phải liệt kê một
trường hợp nào về phía người Việt Nam bởi ai cũng biết nhiều câu chuyện
sống động khác nhau về “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”.
Mẹ mừng đến trào nước mắt khi con chào đời. Mẹ lo đến khóc khi ngày đầu
con vào trường. Mẹ khóc khi con trai nhập ngủ vào quân đội. Mẹ khóc khi
con gái về nhà chồng và khi con trai có vợ đòi ra riêng. Mẹ buồn khổ
khi hay tin con mình dang dở tình yêu. Me đau lòng khi con bị chồng phụ
bạc hay vợ quay lưng. Mẹ thương con, không muốn xa con, nhưng vì tương
lai của con nên đành phải gửi con đi vượt biển tìm tự do cho một tương
lai chói lọi sau này. Mẹ cắn răng nuốt vào lòng điều sỉ nhục từ nàng dâu
hỗn hào để mua hạnh phúc cho con trai. Mẹ nhẫn nhịn thằng rể thiếu lễ
độ để hạnh phúc con gái mình tồn tại. Mẹ nuốt những u uất vào lòng để
các con không biết cha chúng nó phản bội mình, hầu con cái an tâm học
hành đổ đạt. Mẹ chịu khổ để nhịn cho con ăn và nhường cho con mặc…
Không phải vô lý mà người xưa có những lời nói trở thành tục ngữ, ca dao: “Mẹ nuôi con như biển Hồ lai láng, con nuôi mẹ, tính tháng tính ngày.” Hoặc thực tế ngoài đời: “Một bà mẹ nuôi nổi mười đứa con, nhưng mười người con, không nuôi nổi một bà mẹ.”
Ngoài những bà mẹ chồng hay mẹ vợ thuộc thành phần có tánh tình khó khăn, nên không muốn sống chung với con cái đã lập gia đình, thì không nói làm chi; chứ hình ảnh người con trai, hoặc con gái sống trong nhà cao, cửa rộng với chồng con, hay vợ con mà không có được cái phòng hay cái giường cho mẹ mình trong căn nhà to lớn hay biệt thự của mình thì còn gì phũ phàng hơn. Tại hải ngoại này, không thiếu cảnh: “Mẹ già hết gạo treo niêu, mà anh khăn đỏ khăn điều vắt vai.” (CD)
Hình ảnh người con ung dung sống trong nhung lụa với vợ con hay chồng
con của mình, để mặc cho cha mẹ sống trong túng quẫn, cô đơn, cả năm
không thăm viếng được một lần; nhưng sau khi cha mẹ qua đời, mới thi
nhau xây mồ cho thật lớn để “báo hiếu” theo kiểu “sống nhà lá, chết nhà
lầu” như có người từng chua chát qua một bài viết, mà tôi đọc được cách
nay khá lâu. Đúng là “Mẹ già ở chốn lều tranh. Đói no chẳng biết, rách lành không hay” (CD)
Ai được cơ hội phụng dưỡng cha mẹ, nhất là người mẹ, đối với tôi là
một đại phước. Bổn phận làm con phải tuyệt đối cư xử với mẹ mình giống
như câu Ca dao: “Mẹ già đầu bạc như tơ. Lưng đau con đỡ, mắt lờ con nuôi”.
Anh nào, chị nào thấy chồng mình hay vợ mình vì muốn chìu ý mình bằng
cách đẩy cha mẹ ra ở riêng cho nhà cửa không còn mùi dầu cù là, mùi dầu
xanh, hoặc mùi của thuốc dán “salonpas”, hoặc không còn nghe tiếng ngáy
lớn, hay tiếng ho hen v.v… Thì các bạn nên chuẩn bị tinh thần. Khi các
bạn chẳng may đau yếu hay trở nên tàn phế thì các bạn cũng sẽ lãnh hậu
quả tương tự. Tôi dám bảo đảm điều đó.
Có những người con không ý thức là nhờ ai mà họ học hành đổ đạt để
ngày nay có địa vị quan trọng trong xã hội với đời sống vật chất hơn
người. Tôi có thể nói mà không sợ sai, đại đa số bạn trẻ được thành công
là nhờ công ơn cha mẹ, nhất là người mẹ. Tiếc thay, trong xã hội không
thiếu những người con có thái độ khinh thường cha mẹ, hoặc không dám
giới thiệu cha mẹ mình với bạn bè vì thẹn. Cha mẹ người ta sang trọng,
còn cha mẹ mình thì quê mùa, thất học, nếu để người ta biết thì mất mặt.
Loại con này nếu ai dám làm bạn hay chọn làm người phối ngẫu thì quả
thật là một cuộc phiêu lưu tình cảm. Cha mẹ của họ mà họ còn không nhìn,
thì mình sẽ ra sao nếu chẳng may sa cơ thất thế. Thánh Kinh Cựu Ước
khuyến cáo phận làm con như sau: “Chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu.” (Châm-Ngôn 23: 22b)
Con cái không vâng lời mẹ, tin tưởng người yêu rồi bụng mang dạ chửa
và tàn tệ hơn khi tác giả bào thai “xa chạy cao bay”… Mẹ là người lãnh
đủ những cay đắng, tủi nhục đến từ chồng, từ gia đình nội ngoại hai bên
và xã hội. Chỉ có mẹ và chỉ có mẹ mới chịu đựng nỗi mà thôi. Bạn trẻ nào
muốn nên người thì cần nhớ nằm lòng lời khuyến cáo của Thánh Kinh: “Hỡi con, hãy giữ lời răn bảo của cha, chớ lìa bỏ các phép tắc của mẹ con” (Châm-Ngôn 6: 20)
Tại hải ngoại, nhiều bà mẹ hay bà chị trong một số gia đình Việt Nam
đã tình nguyện “mù chữ” để con mình hay em mình trở thành người khoa
bảng, học rộng hiểu cao. Có người may mắn được con hay em trân quý công
lao của họ, có người “bạc phước” nên bị lãng quên vì cái “tội mù chữ”.
Nhắc đến tấm lòng người mẹ thì tôi không thể quên “Khúc Xương Sườn”
của tôi. Tình thương của Bà Nhà tôi dành cho con cái, vô bờ bến. Nàng
làm việc siêng năng, cực nhọc và luôn “hà tiện” cho nàng, nhưng rộng rãi
với chồng con và cư xử hết lòng với ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng
và bằng hữu… Trong đời sống hằng ngày, nàng thường sử dụng các đồ vật
thuộc loại “second hand” từ chồng con. Nàng không màng đến các loại nữ
trang đắt giá hay phải có sự trang sức diêm dúa để “hơn người” thì mới
được. Nàng chỉ có “khuyết điểm” là không giỏi nói yêu thương, hoặc ra vẻ
yêu thương người khác bằng những lời hoa mỹ. Đề cập đến điều này tôi có
thể bị mang tiếng là ca ngợi vợ nhưng tôi không ngại, bởi thà tôi bị
“mang tiếng” là người thích khen vợ, hơn là trở thành thằng chồng bất
nghĩa, chuyên nói xấu vợ mình. Đối với tôi, ông nào thuộc thành phần
“văn người, vợ mình” thì tôi mới phục.
Kết luận: Lòng mẹ thật sự “bao la như biển Thái
Bình”. Chỉ có loại “mẹ mìn” mới cư xử xấu với con mình, chứ không bà mẹ
hiền nào lại có thể ruồng bỏ con cái và có hành động “ruột bỏ ra, da bỏ
vào”. Chỉ có những đứa con bất hiếu mới cư xử tệ bạc với mẹ mình. Đừng
ai vì quá tin tưởng hay mơ hồ về “tâm địa” của chồng hay vợ mà ruồng bỏ
mẹ mình. Đừng vì quá đơn giản trong suy nghĩ, mà vô tình biến mẹ mình
thành một thứ nô lệ không lương, hoặc “mụ già” mang tiếng là ăn nhờ ở
đậu để được hưởng chút “canh thừa cá cặn”. Đừng bao giờ nói yêu mẹ bằng
cái miệng mà hãy để tâm chăm sóc mẹ mình hay mẹ của người phối ngẫu một
cách hết lòng. Đừng vì quá u mê không thấy những hành động, lời nói ngon
ngọt theo kiểu giả dối của người phối ngẫu đối với mẹ mình khi có sự
hiện diện của mình, nhưng khi khuất mắt mình thì bao nhiêu ê chề mẹ phải
cắn răng cam chịu vì hạnh phúc của mình. Đừng ai “ngu xuẩn” để có thái
độ thiếu tôn trọng mẹ của mình. Mình không biết tôn trọng mẹ mình thì
đừng hòng người phối ngẫu trọng mẹ của ta.
Huỳnh Quốc Bình
P.O. Box 20361, Salem, OR 97307. USA
(503) 949-8752
E-mail: huynhquocbinh@yahoo.com
Cám on chị NPN chuyển, bài viết hay và rất chí lý.
ReplyDeleteHồng Thúy
Rất vui khi được Hồng Thúy vào đọc thường xuyên.
DeleteCám ơn HT.
Thương
NPN