Tiếng chuông chùa ngân dài, ấm áp, và thuần
hậu như xua tan sự u tịch của chốn trang nghiêm. Tiếng mõ đều đều, khói hương
nghi ngút, cảnh trí thanh tịnh khiến lòng tôi dâng lên một nỗi bình yên nhẹ
nhàng. Hôm nay ghé thăm chùa cũ, bồi hồi nhớ lại nhiều năm về trước khi nơi đây
còn là một ngôi nhà nhỏ trên một miếng đất vắng vẻ, quạnh hiu. Một mảnh ký ức
nhỏ đưa tôi trở về với những ngày xưa, với câu chuyện tưởng đã chôn vùi vĩnh viễn
trong tâm khảm.
Vâng, câu chuyện thật buồn gần 20 năm trước
giờ mới kể. Ngồi một mình ở băng ghế trong sân chùa , thả hồn theo những chiếc
lá rụng đầy sân, những hình ảnh cũ bỗng tràn về như cơn sóng sau đẩy con sóng
trước, các nhân vật hiện ra sống động như
mới ngày hôm qua. Ngày đó, cộng đồng người Việt ở đây không đông như các tiểu
bang khác nên chuyện xảy ra giữa những người Việt Nam thường giữ kín được rất
lâu. Câu chuyện tôi sắp kể ra đây đã ngủ yên trong ký ức của tôi một thời gian rất
dài và không mấy người được biết.
Một tối đầu Đông năm 1999, một sự tình cờ xui khiến tôi đến ngôi chùa gần nhà để gặp sư cô già trụ trì nhờ chuyển một gói quà cho một người quen của cả hai chúng tôi. Vì gõ cửa không nghe tiếng trả lời, nhưng bên trong có đèn sáng, nên tôi đi vòng ra phía sau như lời dặn. Thấy cửa mở, tôi lên tiếng chào sư cô và bước vào.
Một thiếu phụ ngồi xoay lưng lại phía tôi, mái tóc đen dài gọn gàng một bên vai, quay lại, ngước nhìn lên với cặp mắt đỏ hoe còn ngấn lệ, vẻ bối rối khi nhận ra tôi là người quen. Tôi vội xin lỗi và nói sẽ ngồi chờ bên ngoài. Nhưng cô gái cũng đứng lên chào sư cô và chào tôi, rồi xin phép về lấy cớ hai đứa con đang mong. Sư cô tiễn thiếu phụ ra tận cửa rồi trở vào mời tôi ngồi trong khi bà chuẩn bị một ấm trà khác cho tôi.
Như đọc được sự thắc mắc của tôi về sự việc vừa xảy ra, sư cô cho biết đó là cô L., vợ của anh T., và cũng là em dâu của anh D., một người bạn tôi quen. Đồng thời bà cũng dặn tôi đừng nói chuyện gì về buổi gặp mặt hôm nay giữa bà và cô vì có một lý do hết sức tế nhị. Tôi nói tôi cũng là bạn của họ nên sư cô yên tâm. Trên đường lái xe về nhà, hình ảnh vừa qua cứ lẩn quẩn trong đầu óc tôi, nhưng đời sống tất bật khiến tôi quên mất vào ngày hôm sau, cho đến một hôm.
***
T. là em trai út của người bạn tôi, năm đó
khoảng 40. Cả hai từ California dọn qua đã được 2 năm. Bạn tôi khoảng 50 tuổi,
còn độc thân nhưng em trai đã có gia đình, vợ, và 2 con gái nhỏ xinh đẹp như
thiên thần. Vì vậy tôi cũng quen biết T. và L., vợ của anh.
Công việc của T. không có gì vững chắc từ
ngày qua Mỹ đến giờ. T. làm đủ việc từ làm công nhân hãng xưởng, mở nhà hàng, rồi
nghe đâu hiện đang chạy mánh mung buôn hàng từ biên giới Mễ về bán lại trong nước
Mỹ. Nói chung việc không đều, thu nhập lúc có lúc không. Những khi cao hứng, T. thường kể tôi nghe ngày còn ở Việt Nam, anh từng lăn
lóc buôn đồ chợ trời, thuốc tây, tất cả những gì gọi là thượng vàng hạ cám anh
đều kinh qua trong thời buổi ngăn sông cấm chợ.
Có một nghề anh luôn tự hào là kiếm tiền rất dễ, rất nhiều, và rất nhàn hạ; anh nói chắc là không ai có thể làm được như anh: Bán rượu lậu. Đúng vậy, tất cả các loại rượu mà bạn biết tên ở Việt Nam, anh ta đều có thể cung cấp bằng cách “úm ba la” là thành rượu, còn hơn phép lạ tiệc cưới Canaan (1).
Bằng một giọng say sưa, sôi nổi, pha chút hài hước lẫn tự hào, anh khoe: Mỗi ngày, tôi đủng đỉnh đạp chiếc xe cà tàng với hai bình nhựa 20 lít trên yên sau, và hai bình khác kèm 2 bên hông phía dưới cái póoc-ba-ga. Tổng cộng là 80 lít rượu. Ai muốn rượu Nếp Than thì có Nếp Than, ai muốn Bàu Đá (Bình Định) thì có Bàu Đá. Anh biết không, T. vừa nói tiếp, mắt mơ màng nhắc lại một thời “oanh liệt” đã qua, ai muốn gì có nấy. Tôi chỉ móc túi lấy bửu bối ra cho vài viên đường hóa học vào bình đựng cồn, gia giảm chế biến tùy theo yêu cầu. Xong xuôi, leo lên xe đạp là cái máy “trộn” sẽ tự động làm việc theo nhịp dằn xóc xe đạp cho tới quán nhậu là biến thành rượu xịn theo đơn dặt hàng.
Đã vậy, uống xong, các ông con trời còn khen “Ái chà, rượu này dách lầu à nha, chắp chắp đầu lưỡi còn có vị ngọt hậu nữa mới đã quá đi chớ”. Kẻ khác khen “rượu sao thiệt là trong veo!”. Họ không biết chỉ cần đầu đũa chấm vào chai thuốc rầy, nhúng vô can rượu thì cái gì mà không trong veo, nhìn thấu tới kiếp sau luôn! Anh cười thật to sau câu nói ra vẻ thâm thúy ấy.
Đối với anh công thức chế tạo đơn giản lắm, nhưng lúc đó anh luôn giữ bí mật như là cách độc quyền làm ra tiền. Chỉ cần 1 cồn (Alcohol), 3 nước, và vài viên đường hóa học là sẽ biến thành Minh Mạng Tửu, Cây Lý, Gò Đen (Long An), cho tới Cuốc Lủi (vì vừa bán vừa lủi như con Cuốc thời Pháp thuộc đi bắt rượu lậu), và hàng đống tên rượu khác mà bạn có thể nghĩ ra. Riêng rượu rắn hay tắc kè, anh ta nói dễ ẹc, tuy hơi nhiêu khê 1 chút để chiều lòng các bợm nhậu. Mua mấy con rắn đập chết, bỏ vô bình thủy tinh, lấy kim gút tạo hình khối cho ra vẻ rồi đổ cồn vào, thêm chút dầu mè cho có màu hổ phách, bóp mấy viên dầu cá cho có độ tanh, đo nồng độ 28 đến 30, voilà, ông uống bà khen hay. Đầu tuần giao rượu, cuối tuần thu tiền, gom bình. Cuộc sống rủng rỉnh tiền xe cho đến khi vượt biên qua Mỹ.
*
Vâng, cho đến một hôm D. gọi phone cho tôi
hỏi mượn tiền để giúp em trai đang nằm bệnh viện vì một cơn bệnh ngặt nghèo mà
không có bảo hiểm y tế. Bạn chưa bao giờ hỏi mượn tiền nên tôi biết chắc có
chuyện gì quan trọng lắm. Tôi ghé qua đưa tiền và hỏi thăm. Bước vào nhà, một
không khí ảm đạm, u buồn, hai cháu gái ngồi túm tụm, buồn so, đang thì thầm với
nhau không dám lớn tiếng. D. ra dấu cho tôi đừng nói gì và chỉ về phía phòng của
vợ chồng T. Tôi bước đến nói chuyện với hai cháu, xoa đầu hỏi thăm và cho chúng quà. Hai cháu thì thầm “mẹ
đang khóc”. D. lái xe đưa tôi ra quán cà phê để thoát khỏi bầu không khí nặng nề.
Vừa ngồi xuống, D. nói nhỏ và xin tôi hứa giữ bí mật dùm. Tôi gật đầu. D. hạ giọng:
-
Thằng T. bị AIDS (HIV) nhiều
năm nay, chịu hết nổi giờ mới phải vào bệnh viện, chắc không sống được lâu.
Tôi bàng hoàng:
-
Thật không? Sao lại có chuyện
đó?
Bạn tôi ngậm ngùi:
-
Chỉ tội cho hai đứa con gái và
vợ nó.
Tôi thật sự rúng động toàn thân khi chợt nhận ra sự thật, một tiết lộ kinh khủng nhất mà tôi đã từng nghe từ trước đến giờ. Căn bệnh thế kỷ này không chỉ giết chết người mắc phải nó, mà còn giết lần mòn cả những người liện hệ huyết thống trong gia đình nếu như không được ngăn ngừa đúng cách và đúng lúc.
D. tiếp:
- Nó bị lâu lắm rồi, từ những
ngày còn ở California khi qua lại buôn bán ở thành phố Tijuana, biên giới Mễ-Mỹ,
rồi dính với các “mamasita” (2) bên đó. Sau đó, nó về Việt Nam cưới vợ và có
con, rồi dọn nhà qua bên đây sau khi biết căn bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Nó
muốn đi xa để người quen không ai biết gì về nó. Chắc bây giờ đến lúc nó phải
ra đi rồi. Đang xin chính phủ giúp trả tiền bệnh viện, thuốc men mà chưa biết
có được hay không? Trong lúc này cần tiền lo cho gia đình nó. Tội cho con L., vợ
nó còn quá trẻ, và thương hai đứa nhỏ sẽ sớm mồ côi cha.
*
L. là cô gái miền Tây, sinh ra và lớn lên
trong một gia đình nông dân miệt vườn ở Cần Thơ. Với một nhan sắc mặn mà, mày rậm
mắt to, làn da ngăm ngăm đậm đà rất dễ coi, những tưởng cuộc đời cô cũng sẽ êm
trôi bình lặng như những con nước lên xuống quanh con rạch nhỏ trong khu vườn
nhà.
Cô yêu một chàng trai Việt gốc Khmer ở xóm bên. Cha mẹ họ hàng không thừa nhận vì quan niệm người Việt mình, người Miên là người Mọi, không xứng tầm, không môn đăng hộ đối. Hai đứa trốn về Sóc Trăng, nơi quê chồng để xây tổ uyên ương, dựng căn chòi nhỏ ở đầu vàm, gần sông cái. Sống với nhau trong cảnh nghèo khó nhưng hạnh phúc kiểu “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”. Nhưng hình như người tính không qua Trời tính: chồng cô, một ngày đi thăm câu, bị rắn hổ mổ chết.
Phong trào “xóa đói giảm nghèo” bằng con đường lấy chồng Đài (Taiwan) đã đưa L. qua một ngã rẽ cuộc đời khác. Muốn quên đi niềm đau, nàng theo người chồng mới qua xứ lạ, nhưng bị gia đình chồng đối xử khắc nghiệt và cô lập không cho liên lạc với gia đình hay bạn bè ở Việt Nam. Làm việc cực nhọc như con ở, nàng xảy thai, băng huyết suýt chết, rồi được giúp đỡ trốn về Việt Nam.
Trở lại quê cũ, bên căn chòi nhỏ ngày xưa đầy ắp kỷ niệm, người ta thường thấy nàng hay bước chậm rãi, mặc làn nước mơn man những bước chân trần ngập ngừng trên bờ sông. Chiếc bóng mảnh mai đổ dài trên những dấu chân in hằn trên cát đen mịn hòa trong nắng chiều vàng phai. Nàng hay nhìn ra phía mênh mông trời rộng sông dài, duỗi mắt theo những con sóng nhỏ lăn tăn vờn đuổi nhau bất tận. Nàng tưởng sẽ không còn yêu ai được nữa vì niềm thương nhớ về người chồng vắn số và cuộc hôn nhân kinh hoàng vừa qua, vẫn còn ám ảnh không lúc nào nguôi. Biết bao người trong xóm ngỏ lời ong bướm, nàng đều từ chối, tưởng lòng mình đã khép lại sau cơn dâu biển vừa qua.
Nhưng thời gian lúc nào cũng là liều thuốc thật hay cho vết thương lòng. Một ngày kia, qua sự giới thiệu của bạn bè, T. về Việt Nam một chuyến để gặp mặt L.. Sau mấy tuần gặp gỡ và đưa nhau đi chơi đây đó, hai người cảm thấy cần có nhau trong cuộc đời. Chàng hứa sẽ yêu thương, chăm sóc, và bảo bọc nàng từ đây cho đến hết cuộc đời. Ngày ấy, cái mác Việt Kiều còn có giá lắm, nên sau đó một đám cưới nhỏ nhưng ấm cúng ở quê đã chính thức nên duyên vợ chồng cho hai người.
Qua California định cư, nàng sinh cho chàng hai cô con gái xinh xắn, dễ thương, đẹp như hai thiên thần nhỏ. Cho tới một ngày, T. ngã bệnh nặng, bao nhiêu tiền bạc thuốc thang cũng không khỏi. Phải vào bệnh viện, kết quả cho biết chàng dương tính với căn bệnh thế kỷ. Trời đất như sụp đổ, một màu tang ngút trời bỗng đâu ập đến cái gia đình hạnh phúc ấy.
*
Khi bạn tôi và gia đình em trai dọn đến
thành phố này, họ sống âm thầm trong một căn nhà nhỏ và cũ, không giao tiếp với
ai, kể cả cộng đồng công giáo Việt Nam ở nhà thờ, dù hai anh em vốn đạo gốc. Cô
L. là một Phật tử thuần thành, nhưng ai theo đạo nấy. Tôi vốn sống xa thành phố
và xa cộng đồng người Việt vì chỗ làm của tôi gần biên giới phía Nam, tiện cho
việc lái xe đi lại. Trong dịp lễ Giáng Sinh cuối năm ở một nhà thờ Mỹ, chúng
tôi gặp nhau và thân nhau. L. là một cô gái thầm lặng ít nói, khuôn mặt xinh xắn
nhưng u uẩn như mang một tâm sự gì, trong khi T. thì sốc nổi, vui buồn bất chợt,
lúc thì nóng tính la vợ mắng con, khi thì ngồi ủ rũ như con gà mắc nước, ruồi đậu
không buồn đuổi. Đó là nhận xét của vợ tôi về cặp vợ chồng này lúc mới quen.
Hai anh em xin được một việc làm trong một xưởng chế biến thịt heo, bò trong thành phố nên cuộc sống tương đối dễ chịu và đầy đủ. Cô L. ở nhà coi con và lo việc bếp núc. Thỉnh thoảng những ngày cuối tuần, chúng tôi mời nhau đến ăn uống, trò chuyện, hay coi Paris By Night. Dù tuổi tác chúng tôi và vợ chồng T. và L. cách biệt khá nhiều, cô L. vẫn tỏ ra là một cô gái nết na, hiền lành, thùy mỵ, dễ thương, và khá hiểu biết khiến vợ chồng tôi rất quý mến cô. Hai đứa con gái họ nhỏ hơn con gái và con trai tôi vài tuổi nhưng chúng chơi với nhau thân thiết như chị em trong nhà.
Một ngày kia, T. bỏ ngang công việc ở xưởng chế biến thịt và không chịu đi làm nữa. Tâm trạng anh thay đổi đến kỳ lạ. Anh hay cau có, dễ nổi giận với mọi người. Vợ con sợ hãi khi ở gần anh. Chúng tôi đến chơi cũng cảm nhận được một cái gì đó không bình thường trong gia đình, nhưng không thể đoán ra là chuyện gì cho đến khi tôi bất ngờ gặp L. ở nhà sư cô tối hôm đó.
*
Những
ngày nằm ở bệnh viện cũng không lâu. T. gầy ốm đến thảm hại, chỉ còn da bọc
xương. Khuôn mặt lấm chấm đỏ và bị sốt liên miên. Nằm trùm kín mền từ cổ đến
chân như người chết, chỉ nhận thấy sự sống qua lớp vải phập phồng theo hơi thở.
Gia đình đến thăm, T. không còn chút sinh khí nào, chỉ thều thào ra hiệu vợ con
đến gần, thì thầm với họ mà nước mắt lăn dài trên má. Bác sỹ lắc đầu, cho đưa
qua bên nhà vĩnh biệt (hospice care) để làm những thủ tục cần thiết trước khi
ra đi.
Ngày đưa tang T., không nhiều người đưa tiễn, chỉ có sư cô, vợ chồng tôi, D., cô L., hai cháu nhỏ và hai người phu huyệt mộ. Trời bỗng đổ mưa, cơn mưa hiếm hoi giữa sa mạc, như khóc cho số phận của người vắn số và cũng khóc cho những người còn ở lại vẫn đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ mà không biết sẽ ra sao. Cô L. và hai con đứng bên quan tài, băng tang trắng trên đầu, sụt sùi khóc, nước mắt hòa lẫn với nước mưa. Hai đứa nhỏ bám chặt gấu áo mẹ sợ hãi không dám nhìn khi hai người phu mộ hất những xẻng đất lên quan tài. Tôi cũng không cầm được nước mắt, phải quay mặt đi.
****
Rồi từ đó, tôi đi làm xa, không có dịp trở
lại chùa hay tham dự hội chợ tết người Việt trong thành phố. Tôi cũng không có
dịp gọi phone hỏi thăm anh bạn và gia đình cô L. vì điều kiện của công việc. Thỉnh
thoảng về lại thành phố cũ, nghe người ta nói cô L. đã vào chùa tu, nương mình
nơi Phật pháp, tìm quên chốn cửa thiền, sáng tối vui với câu kinh tiếng kệ. Cô
rất siêng năng việc công quả và quét dọn chùa, ai cũng quý mến, nhưng tuyệt đối
cô không bao giờ nói chuyện với ai và tránh đụng chạm tay chân với mọi người.
Phật tử đem phẩm vật cúng dường, cô đợi người ta về hết, bước đến, mang gang
tay rồi đem lên bàn thờ sắp xếp. Nhiều năm trôi qua, cô vẫn ra vào lặng lẽ như
chiếc bóng bên trong khuôn viên chùa.
Vài năm trước, tôi đi chợ Việt Nam, tình cờ gặp lại anh D., nay vợ con đề huề, cha già con mọn vì lấy vợ quá trễ. Bạn cho biết, ngày đó cô L. đã gởi hai con nhỏ cho một người bà con ở tiểu bang khác nuôi vì họ hiếm muộn không có con. Riêng cô vẫn ở lại đây vì được bảo hiểm sức khỏe của chính phủ cho người thu nhập thấp và có bệnh ngặt nghèo. Tôi có hỏi về hai cháu nhỏ, sức khỏe ra sao? Anh cho biết hai đứa vẫn khỏe mạnh bình thường, không thấy có vấn đề gì. Chúng giờ là hai cô gái trưởng thành, xinh đẹp, tốt nghiệp đại học, đang đi làm và vẫn độc thân. Những dịp lễ nghỉ, chúng về thăm mẹ ít ngày rồi lại ra đi. Chỉ riêng cô, thỉnh thoảng cứ ra, vào bệnh viện nằm một thời gian rồi trở lại chùa, tiếp tục tu và làm công quả, nhưng gầy ốm lắm.
Cuộc đời cứ thế trôi đi, ngày như lá, tháng như mây, tôi vẫn chạy theo cơm áo gạo tiền, mãi lê gót nơi các đất nước xa lạ, quên dần những người bạn xưa. Một chiều lạnh lẽo, trong căn lều bạt trong một trại lính ở Trung Đông, tôi nhận email báo tin cô L. vừa qua đời. Đám tang rất đông người, gần như cả cộng đồng người Việt đều đến đưa tiễn. Một kết cục buồn cho một kiếp hồng nhan đa truân. Mong linh hồn cô siêu thoát về chốn vĩnh hằng, nơi cô không còn đau khổ nữa.
Nguyễn Văn Tới. 4/2019
REFERENCES:
Phép lạ đầu tiên Chúa Giê Su làm ở một tiệc
cưới biến nước thành rượu.
Nghĩa là: Little mother. Người mẹ nhỏ bé,
tiếng Mễ, nhưng nghĩa này có vẻ bỡn cợt, không đứng đắn mấy. Như gọi hot
mama/hot babe trong tiếng Mỹ.
Cám ơn chị NPN post, cám ơn tác giả Nguyễn Văn Tới, câu chuyện này quả là một bi kich của cuôc đời bể dâu , thât đau lòng quá!
ReplyDeleteHồng Thúy
Đúng là bi kịch của cuộc đời. Chuyện kể bây giờ mới biết.
DeleteCám ơn Hồng Thúy, người bạn đọc trung thành của Blog NPN.
Thân ái.
NPN
You're welcome chị Hồng Thúy. Chuyện thật, người thật, cảnh thật. Tên viết tắt để không ai biết người còn lại là ai. Tôi viết lại theo trí nhớ mù mờ vì đã khá lâu nhưng đúng mọi chi tiết. Cám ơn HT đã vào thăm viếng.
ReplyDelete