Tôi đọc tác phẩm “Human Destiny” của
tác giả Pierre Lecomte du Nouy (1883-1947) khi còn nhỏ, ở tuổi mà các cụ
thường nói: “ăn chưa no, lo chưa tới”, chưa có một chút ý thức, kinh
nghiệm nào về cuộc đời, nên hai chữ “Số Mệnh” cứ ám ảnh tôi mãi.
Nhiều người không tin là có số mệnh, cho rằng đó chỉ là sự may rủi xảy
ra từng giai đoạn trong cuộc sống chìm nổi của con người. Trong thế kỷ
vừa qua, nhờ khoa học tiến bộ, ở nhiều điểm, đã thay đổi quyền năng của
tạo hóa. Các quan niệm về số mệnh bị cho là huyền hoặc, đã lui vào quên
lãng.
Tôi đã tự hỏi: liệu con người có “số mệnh” không. Lấy gì minh xác cho
sự hiện hữu của định luật này, khi mà con người bị ràng buộc, dập vùi
bởi vận nước nổi trôi. Nhất là dưới chế độ cộng sản, vì theo thuyết duy
vật biện chứng, chỉ chú trọng về phần vật chất, đã gạt bỏ phần duy
tâm.
Mặc dù bán tin bán nghi vào hai chữ số mệnh, nhưng lời đoán của bác Đạt
lại đúng vào trường hợp của tôi sau ngày 30-4-1975. Tôi đã phải ra khỏi
“nhà ở” để bước vào “nhà tù”.
*
Tình hình mỗi lúc thêm căng thẳng. Tôi có cảm tưởng vòng vây ngày một
xiết chặt hơn, nên chỉ tới chỗ hẹn vào khi thật cần thiết. Nỗi lo âu
thoáng hiện trên nét mặt vợ tôi, như linh cảm một điều gì bất thường sẽ
xảy ra. Nàng khóc mỗi lần tôi ra khỏi nhà và đợi cửa khi tôi về trễ.
Tôi nhớ mãi gương mặt nàng đầm đìa nước mắt, lời nói nghẹn ngào: “Anh nỡ
bỏ mẹ con em. Nếu anh không trở về thì mẹ con em biết làm sao đây!”
Những giây phút này lòng tôi chùng xuống. Tôi thương xót vợ con nhưng
không thể dừng lại, tôi đã nợ những người yêu thương của tôi, mà bổn
phận phải có trong lúc dầu sôi lửa bỏng. Chúng tôi bị lôi cuốn vào một
cuộc chiến mới, với mong mỏi giành lại đời sống tự do dân chủ vừa bị
chiếm đoạt.
Cha tôi thấy rõ sự ưu tư của tôi nên rủ tôi đến thăm bác Đạt, một người
bạn thân của ông nghiên cứu về khoa tướng số. Nhà bác trong con hẻm
đường Trần Quang Diệu, gần ngã tư Trương Minh Giảng, để xem số tử vi.
Sau khi xem lá số tử vi, bác suy nghĩ lung lắm. Bác bấm đốt ngón tay
nhiều lần. Đầu bác hơi cúi xuống. Mái tóc và hàm râu dài trước ngực
bạc trắng, phất phơ theo hơi gió của chiếc quạt trần. Cha con tôi im
lặng. Bác không nói một lời hay có một cử chỉ nào có thể khuấy động sự
tĩnh lặng của căn phòng. Tôi có cảm tưởng một cánh ruồi bay ngang cũng
dễ bị phát hiện.
Bác chợt ngẩng đầu quan sát nét mặt tôi, nhíu mày như điều vừa phát hiện
rất quan trọng, có thể làm thay đổi hoàn cảnh một cuộc đời, nhất là ở
vào thời điểm hiện tại, khi sinh mạng con người đã kém phần giá trị.
Bác tính tới tính lui. Ngón tay trỏ của bác kéo theo đường chéo các
giây cung, rồi dừng lại ở cung “Mệnh”, nhẩm tính về đại hạn. Tôi nghe
bác nói thầm: “Thiên tướng gặp phục binh…” Đến đây tôi thấy bác gõ đầu
ngón tay trỏ xuống lá số ở vị trí cung “Mệnh”, mắt nhìn về phía trước
như không thấy cha con tôi, mà dường như bác nhìn sâu vào suy tư của
bác. Bác tính lại một lần nữa để đảm bảo lời sắp nói không lầm lẫn.
Bác nhìn cha tôi rồi quay qua tôi nói:
- “Cháu không thể tránh được nữa. Cháu bị bắt trong tháng này.”
Dù không mấy tin tưởng ở khoa tướng số, nhưng vào thời của tôi, trang
lứa của tôi, ít nhiều cũng bị ám ảnh bởi hai chữ “số mệnh”, nhất là khi
con người bị xô đẩy, dập vùi trong một cuộc chiến huynh đệ tương tàn
suốt 30 năm tang tóc. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, khiến mệnh số
cũng theo đà trở lên khó giải thích.
Nhiều khi tôi tự hỏi có phải con người bị ràng buộc bởi số mệnh không.
“Sinh Bắc Tử Nam” là mệnh số hay chỉ là một sự lường gạt, một lời nguyền
cho một mục đích hoang tưởng, để phải hy sinh oan uổng mà kết quả đã
đưa dân tộc tới chỗ phí phạm máu xương. Vận nước xui xẻo, miền Nam đổi
đời, đất nước lại thêm một lần chìm đắm trong đau thương, tan nát. Có
phải đã tới lúc ứng vào lời Sấm của Trạng Trình, để đất nước này phải
rơi vào kiếp nạn “chết bẩy còn ba…”
Cha tôi chợt hỏi bác Đạt:
- “Anh xem mệnh cháu thế nào?”
Tôi chia xẻ với nỗi ưu tư của cha tôi. Ở vào lớp tuổi “Cỡi hạc về
trời”, với vận nước nổi trôi, ông đã chịu nhiều cay đắng trong cuộc đời.
Đối với ông, còn người thì còn của. Một người cha luôn mong muốn con
cháu mình được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
Nét mặt bác Đạt trở lên bình thản như biết trước câu sẽ hỏi. Bác chậm rãi trả lời:
- “Anh yên tâm. Mệnh nó vững. Không thể chết được. Nó sẽ trở về…”
Tôi chợt suy nghĩ, lấy gì bảo đảm cho mạng sống khi mà có nhiều cái chết
oan khiên đang xảy ra trên mảnh đất này. Chỉ cần gán cho một tội danh
“Phản động chống cách mạng” là một kiếp người dễ dàng bị xóa bỏ, mặc dù
các nạn nhân chỉ đòi lại quyền tự do, quyền sống của con người vừa bị
chiếm đoạt. Hay chỉ cần khoác vào cổ nạn nhân một tấm bìa với hàng chữ
“Trộm cướp” viết vội vàng, là có thể bắn bỏ. Nạn nhân không thể biện
minh. Mặc dù người đại diện của chế độ mới, được luật pháp của guồng
máy mang danh “cách mạng” này, biến đổi thành kẻ có quyền, có lẽ phải,
mà không lâu trước đây trước khi chiếm miền Nam, họ là những tên khủng
bố, cướp của giết người, phá hoại đời sống an lành của người miền Nam.
Sau tuần trà, cha con tôi cáo từ bác Đạt. Tôi suy nghĩ về điều bác nói.
Bây giờ công việc mới ở giai đoạn đầu, thời gian còn lại đối với tôi
quá ngắn ngủi. Sài Gòn đang lên cơn sốt. Người dân miền Nam nóng lòng
chờ đợi một cơ may thay đổi để trở về nếp sống cũ, sống lại khung cảnh
xưa. Nhân dân miền Nam đang một lòng chống cộng. Nhiều cán bộ cao cấp
CS bị thanh toán ngay giữa thành phố. Chính quyền CS gia tăng khủng bố,
đàn áp, tù đầy những người chống cộng. Vụ nhà thờ Vinh Sơn vừa kết
thúc lại tới vụ Song Vĩnh, Phước Tuy. Vì “bắt lầm chứ không tha lầm”
nên mặc dù nhà tù mọc lên như nấm, nhưng trại giam vẫn không còn chỗ
trống.
Tôi tự hỏi, tại sao có nghĩa cử này, nhất là ở vào giai đoạn đầy nguy
hiểm, mạng sống treo đầu sợi tóc. Bất kể nam nữ, già trẻ, kẻ trước
người sau vẫn một lòng hy sinh. Có phải vì lòng yêu mảnh đất tự do miền
Nam, nơi họ đã đổ mồ hôi và nước mắt, đã hy sinh máu xương để được sống
những ngày hạnh phúc. Con đường trước mắt thật chông gai nhưng họ vẫn
dấn thân. Không phải vì chút hào quang bên ngoài, cũng không phải để tô
son điểm phấn cho khuôn mặt hay đánh bóng một cái tên, mà chỉ muốn bảo
vệ khát vọng tự do, duy trì nếp sống dân chủ trong lòng người miền Nam,
mà chế độ cộng sản không thể nào lay chuyển, thay thế.
Thấm thoát hơn 30 năm trôi qua, tôi đã qua tuổi “lập thân”, có vợ và 5
đứa con nhỏ. Trên đường về sau khi rời nhà bác Đạt, tôi nói với cha
tôi:
- “Nếu con gặp chuyện không may, xin bố mẹ giúp đỡ nhà con và coi chừng các cháu.”
Cha tôi không nói. Ông nắm chặt bàn tay tôi. Bàn tay ông xương xẩu,
nhưng tôi vẫn có cảm giác như hồi còn nhỏ, khi bàn tay của tôi nằm gọn
trong lòng bàn tay ấm áp của ông. Tôi đã được bàn tay này ôm ấp vỗ về.
Cũng chính từ lòng yêu thương phụ tử, tôi đã có những bài học làm hành
trang cho cuộc đời. Vào lúc này, tôi hiểu lòng ông đang chua xót. Ông
đoán biết tôi sẽ bước vào con đường gian truân mà ông đã đi qua khi còn
trẻ.
Hình ảnh “đổi chỗ” như lời đoán luôn theo đuổi, ám ảnh tôi. Rồi cái
phải đến đã đến, chưa qua hết những ngày cuối cùng của tháng giêng. Đối
với tôi nó đến quá sớm, tôi không kịp trở tay. Chỉ có điều họ làm tôi
hơi dật mình khi tôi bước tới trước cổng nhà. Hai người đàn ông nhảy ra
từ trong bóng tối sau chiếc cột đèn, mà vì tiết kiệm săng dầu nên con
ngõ không được thắp sáng như trước đây. Họ kê súng vào hai bên sườn bắt
tôi dơ tay, đứng im. Biết tôi không phản ứng như đã từng gặp, một
người đứng xa hai tay hờm súng như sẵn sàng nhả đạn, còn người thứ hai
khám người tôi không bỏ sót chỗ nào.
Họ đẩy tôi vào nhà. Trong nhà đông nghẹt người, gồm những bộ mặt tôi
chưa từng gặp. Họ đến nhà tôi với đầy đủ súng ngắn súng dài, thêm vẻ uy
nghi của đám người với sắc mặt đằng đằng sát khí như muốn ăn tươi nuốt
sống người đối diện. Một người cầm súng đứng chắn nơi cửa ngăn phòng
khách với phòng trong để không cho ai ra ngoài phòng khách.
Cha tôi ngồi im lặng sau bàn viết nơi phòng khách. Mẹ tôi đang thấm khô
những dòng nước mắt. Vợ tôi bật khóc lớn khi thấy tôi vào nhà, như
không cầm giữ được nỗi thống khổ tuyệt vọng trong tâm nàng trong thời
gia qua, đã có dịp bộc lộ trong giờ phút này. Tiếng khóc pha trộn tiếng
nấc uất nghẹn như tất cả đều sụp đổ. Tôi nhìn nét mặt thất vọng, đau
thương của nàng, gợi nhớ gương mặt nhạt nhòa nước mắt mỗi lần tôi về
trễ. Tôi thông cảm sự lo âu của nàng, có thể tôi không trở về sau mỗi
lần hẹn. Nhưng đành vậy. Chúng tôi đã chọn con đường này, đang bị cuốn
lôi trong cơn lốc lịch sử, mà sự sống và cái chết thật mong manh.
Tôi chợt nhận ra lá cờ vàng ba xọc đỏ còn mới, gấp gọn để trên bàn kính
trước mắt cha tôi. Lòng tôi thật chua xót. Một biểu tượng của đời sống
tự do dân chủ mà nhân dân miền Nam đã hết lòng bảo vệ. Hàng triệu
người miền Nam đã nằm xuống, máu và nước mắt đã nhuộm thắm mầu cờ, đã
thấm ướt giải giang sơn gấm vóc này. Nhưng vào giờ phút này lại là bằng
cớ minh xác hành động chống chế độ cộng sản của tôi. Cũng từ giờ phút
này tôi thực sự đối mặt với kẻ thù.
Tôi đứng dậy nghe đọc lệnh bắt giam với danh xưng “Đầu não tổ chức phản
động”. Tôi nhìn mọi người thân yêu trong gia đình mà sự phân ly đã cận
kề. Họ dục tôi đi. Vợ tôi bật khóc lớn, các con tôi khóc theo. Mẹ tôi
luôn tay lau nước mắt như dòng lệ tuôn chẩy không ngừng. Tôi nhìn bà
lòng đầy thương xót, cả đời bà hy sinh cho chồng con, không kể tới thân
mình. Mà bây giờ vào hoàn cảnh này, đã gợi nhớ hình ảnh chua xót nơi
tâm tư bà. Các em tôi ngơ ngác. Tôi quay nhìn người thân lần chót. Có
thể tôi không còn cơ hội trở lại nơi chốn thân yêu này.
Thật trớ trêu. Cũng chỉ một chữ “Nhà”. Tôi vừa rời “Nhà ở” để chuyển
tới đến chỗ ở mới: “Nhà tù”. Mội nơi không xa “nhà ở” của tôi bao
nhiêu. Tôi được gán cho danh xưng “đầu não”, là người quan trọng, nên
cách đón tiếp cũng đặc biệt bằng một xe hơi hiệu Peugoet 404 còn mới.
Ngồi cạnh tài xế là một người trung niên, vẫn giữ im lặng khi tới nhà
tôi, mà sau này tôi mới biết là đại diện công an Thành phố. Hai bên tôi
là cán bộ an ninh quận Bình Hòa và Phú Nhuận. Phía trước là xe Jeep có
võ trang không kể hai xe Honda có võ trang kèm bên xe. Quả là một cuộc
đón tiếp trang trọng với “tiền hô hậu ủng”.
Trái với hình thức đưa đón trang trọng vừa qua, khi tới trại giam Băng
Ky, Bình Hòa, tôi bị đẩy vào căn phòng tối đen, mùi cống hôi nồng nặc
đến ngộp thở với chiếc còng số 8 xiết chặt, kéo hai tay ra sau lưng.
Tiếng cửa sắt đóng mạnh phía sau với âm thanh chát chúa của chiếc bản lề
cũ đã rỉ sét. Trời cuối năm quá tối, tôi không biết phía trong kia có
những ai. Bất chợt một giọng nói của người đàn ông từ phía trong, giọng
nói hơi khó nghe vì âm vang của căn phòng kín:
- “Bác vừa bị bắt?”
Tôi trả lời”
- “Vâng. Vừa từ nhà tôi tới đây.”
- “Tôi vừa bấm quẻ. Bác tới giờ này hên lắm. Mọi thứ sẽ xuông xẻ…”
Qua giọng nói, tôi không biết là ai, già hay trẻ. Ngày hôm sau gặp mặt,
tôi mới biết đó là bác Nam Kinh, người bấm quẻ hôm qua, có Nguyễn Tiến
Đạt mà sau này cùng với tôi dắt díu nhau ra Bắc.
Lời đoán tử vi của bác Đạt còn đang nóng hổi, bây giờ lại thêm một lần
bấm quẻ. Bác Đạt cho hay mệnh tôi vững dù gặp nhiều thăng trầm. Còn
lời bấm quẻ cho biết tôi sẽ gặp hên vào những ngày sắp tới. Chưa có gì
để chứng tỏ về “vận hên” khi những nguy cơ đang dồn dập tới.
Sau nhiều ngày tháng bị đầy ải trong phòng kỷ luật, một căn phòng mỗi
chiều vài bước chân với chân cùm tay xích. Sờ đâu cũng chỉ thấy bóng
tối, một thứ bóng tối bồng bềnh sương khói, gây ảo giác mơ hồ, một thứ
ảo giác dễ làm tinh thần suy sụp. Mọi vật chìm trong bóng đêm, ngăn
cách với sự sống bên ngoài. Nếu không có đàn muỗi đói xúm quanh hay cảm
giác xon xót nơi vết thương đang rỉ máu, tù nhân có cảm tưởng mình đang
sống cách biệt với xã hội.
Ra khỏi phòng kỷ luật, tôi nhận ra một cảm giác lạ khi gặp lại thứ ánh
sáng đã xa vắng lâu ngày. Những tia nắng vàng hâm nóng làn da đã đổi
màu xanh lợt, như tôi vừa trở về từ một thế giới xa lạ. Một cảm giác
lâng lâng dâng lên một niềm hạnh phúc, thứ hạnh phúc thật quý báu, hiếm
muộn.
Khi bị chuyển tới chỗ ở mới, trại Phan Đăng Lưu, đối diện với Lăng Ông,
Bà Chiểu, một khu trại giam xây dựng đã lâu. Tôi vào phòng 6 khu A, một
phòng giam tập thể nhỏ chứa tới 70 người, gồm nhiều thành phần như một
số tỷ phú người Việt và Hoa, đông nhất là chống cộng sản. Tôi gặp nhà
báo Lý Đại Nguyên và một số chức sắc Hòa Hảo.
Sau mấy tuần ở chung, tỷ phú người Hoa tên Lưu Thiệu Khanh, nguyên là
giám đốc công ty cán sắt Vicasa, mời tôi ngồi nói chuyện, ông nói:
- “Tôi quan sát tướng của ông mấy ngày nay nên có mấy điều nhận xét. Ông bị bắt năm bao nhiêu tuổi?”
- “Tôi bị bắt năm nay, 38 tuổi.”
- “Ông may mắn lắm. Nếu không bị bắt năm 38 tuổi thì ông sẽ chết vào tuổi 39.”
Lại thêm một lời đoán theo tướng mệnh. Nhưng lấy gì bảo đảm cho sự sống
của tù nhân dưới chế độ cộng sản, khi mà có nhiều cơ hội đưa đến cái
chết tức tưởi. Ông Khanh tiếp lời:
- “Sau này ông sẽ có tên tuổi trên văn đàn…”
Tôi khá nghi ngờ về lời đoán này, nó quá xa với nếp sống của tôi. Mặc
dù là người thích đọc sách, nhưng tôi chưa có lấy một dòng chữ nào trên
báo chí, lấy đâu mà có tên tuổi trên văn đàn.
Sau vài tuần ở phòng 6 khu A, tôi bị đưa vào phòng 3 khu kỷ luật C2,
cùng dẫy với quý vị trong vụ nhà thờ Vinh Sơn, vì cho là “chưa thành
thật khai báo về hoạt động chống cộng sản”. Sau mấy tháng cùm xích cung
khai, tôi được chuyển tới phòng giam tập thể, phòng 6 khu C1, để lấy
lại sức sau thời gian tinh thần bị căng thẳng. Một phòng mái tôn quá
thấp nên không khí trở lên ngột ngạt. 30 người chia nhau một nền xi
măng nhỏ, vừa đủ chỗ đặt lưng. Cũng may, người mình vốn nhỏ con và sau
năm tháng tu luyện trong “lò cải tạo”, mà theo ý đảng để thành con người
mới XHCN, thân hình không còn dềnh dàng như trước, nên nằm vừa khít
phần đất đo được hai gang rưỡi. Sức nóng của mùa hè Sài Gòn tăng gấp
bội, căn phòng nóng như một lò nướng, hừng hực hơi người. Cái cảm giác
hạnh phúc hiếm muộn qua đi thật nhanh, vừa chợt đến đã mất hút giữa đám
người mình trần, mồ hôi nhễ nhại mà sự đầy ải làm mất dần phong thái con
người.
Nhiều khi tôi tự hỏi, như thế “hạnh phúc” cũng có lằn ranh, một lằn ranh
biến đổi giữa tâm lý và thực tế. Khi hoàn cảnh xã hội thay đổi, cũng
với lằn ranh này, thực tế đã đổi thay. Tuy thật rộng mà cũng thật hẹp,
mà người đời đã “hoa mỹ” hóa thành lằn ranh của “hai thế giới trong một
cuộc đời”, một thứ lằn ranh mờ mờ ảo ảo. Nói nôm na, đó là lằn ranh
giữa “nhà ở” và “nhà tù”, nhìn thật xa mà cũng thật gần, nhất là sau
ngày 30-4-1975. Cá nhân tôi cũng như mọi người đều ngán cái lằn ranh
hắc ám này. Vậy mà, tôi vẫn phải chấp nhận hoàn cảnh cay nghiệt trước
mắt như hàng triệu người miền Nam khác. Cái quy luật bất thường này đã
thay đổi hoàn toàn nếp sống cá nhân, bất kể tới địa vị khác nhau với nếp
sống vàng son thuở trước.
Vào lần lấy cung sau cùng với Trung tá Hai Tiến, một công an thuộc Bộ công an Hà Nội, nói:
- “Tôi đã đọc báo cáo của các cán bộ lấy cung trong thời gian vừa qua,
hôm nay gặp anh, tôi biết anh vẫn ngoan cố, không thành thật khai báo về
hoạt động của tổ chức chống cách mạng của anh. Anh can hai tội:
- Xử dụng chiến tranh nhân dân để chống lại cách mạng
- Là một CIA nằm vùng để cài người trong thế chiến đấu trường kỳ.”
Một câu kết luận thật nguy hiểm chết người. Nhưng còn gì để ngán để sợ. Tôi trả lời hắn:
- “Tôi nói những gì tôi biết, tôi làm. Còn tin hay không tùy ý các anh...”
Một câu trả lời khiến người đối diện, một cán bộ có uy quyền, phải nổi
giận. Nhưng không, mặt hắn vẫn lạnh tanh, mỉm cười. Tôi biết mình đã
gặp một tay tổ trong ngành tình báo của cộng sản.
Tôi lại bị chuyển tới phòng kỷ luật số 24 khu C1, gần phòng của nhà văn
Doãn Quốc Sĩ. Ở được vài tháng tôi được chuyển tới phòng tập thể C1,
đối diện với dẫy sà-lim tôi vừa ở. Tôi gặp nhà văn Duyên Anh đang làm
trật tự của phòng. Ít ngày sau tôi xuống tầu Sông Hương ra miền Bắc.
Tôi tới trại Nam Hà gần Phủ Lý vào tháng 4-1977. Sau nhiều tháng chống
đối, “đả đảo cộng sản” của tập thể cải tạo khu B, những anh em đã cùng
tôi trên chuyến tầu Sông Hương ra Bắc. Vào một đêm không trăng sao cuối
năm, đêm Giáng Sinh, ngày 24-12-1977, 20 anh em chúng tôi lên xe chuyển
trại, trong số đó có Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn
Đức Khuân, Tô Tứ Hướng…
Tôi không ngạc nhiên khi nghe lệnh chuyển trại vào lúc đêm khuya như thế
này, chúng tôi là những “cánh vạc ăn đêm”, nên thường ra đi khi trời
vừa tối. Tôi chợt nhớ tới lời Phó trại nhắn nhủ cách đây vài ngày, sẽ
đưa chúng tôi tới nơi quanh năm sương phủ, một nơi không có ánh sáng mặt
trời. Chúng tôi không biết nơi nào sẽ tới, xa hay gần. Nhưng có điều
sẽ gặp nhiều gian khổ hơn những gì đã trải qua. Khi đó, một người bạn
nói:
- “Kỳ này chết là cái chắc…”
Tôi đồng ý với nhận định của anh. Hai chữ gia đình trở thành xa xôi.
Thật trớ trêu, câu hát, “càng đi xa anh càng nhớ em…” đã khích động tâm
tư của tôi trong hoàn cảnh này. Thôi! Đành vậy! Nhớ thì vẫn nhớ, mà
xa vẫn phải xa. Tôi cảm thấy mình khó có con đường trở về.
Chúng tôi tới trại Quyết Tiến - Cổng Trời tỉnh Hà Giang, chỉ cách biên
giới Việt - Trung mấy cây số đường chim bay. Một vùng núi cao quanh năm
sương phủ. Tôi vẫn bán tin bán nghi về hai chữ “số mệnh”, những rủi
may trong cuộc đời. Liệu lời đoán “mệnh tôi vững, không thể chết được”
và “số tôi gặp hên” vì không chết vào tuổi 39, có thể tin được không?
Chúng tôi lao động quần quật trong mùa Đông giá rét dưới 10 độ C. Thực
phẩm duy nhất là ngô xay cũng không được ăn no, phong phanh với manh áo
mỏng bà ba . Thân hình chỉ còn da bọc xương, bị bệnh vẫn phải đi lao
động.
Vì lao động trong hoàn cảnh khắc nghiệt, tôi bị cảm lạnh, trong người
nóng như lửa đốt còn ngoài da lạnh ngắt. Tôi gặp anh Lượng, một tù nhân
miền Bắc được trại cho làm y tá, để xin thuốc. Lượng bảo tôi:
- “Chúng ta thiếu dinh dưỡng nên dễ bị bệnh, nhất là khí hậu vùng này
quá khắc nghiệt. Nhiều người ở trại này đã chết vì bệnh sốt rét rừng,
mà thuốc duy nhất của trại là Xuyên Tâm Liên không thể trị được bệnh
này.”
Thấy Lượng khác với các tù hình sự khác, nói chuyện về gia đình tôi được
anh cho hay nguyên là công nhân tại Hà Nội trước ngày di cư. Tôi buột
miệng hỏi:
- “Anh có biết anh Bùi Lượng không?”
- “Tôi dưới quyền anh Bùi Lượng. Tôi chỉ biết anh đã di cư vào Nam. Anh có quen anh Bùi Lương?”
- “Tôi thường gặp anh Lượng vì là chỗ quen thân gia đình.”
Lượng chợt bảo tôi:
- “Bây giờ anh uống đỡ thuốc Xuyên Tâm Liên, ngày mai sẽ tính.”
Thuốc “Xuyên Tâm Liên” được mệnh danh là thần dược được xử dụng tại các
trại tù miền Bắc, một loại thuốc mà tù nhân thường nhắc nhở "uống vào
biết liền". Dù không chết ngay nhưng tác hại tới “tim, gan, phèo,
phổi”, trở thành những căn bệnh bất trị, để lại hậu quả khó lường.
Ngày hôm sau Lượng cho tôi 2 viên thuốc Asperin của Liên Xô, một thứ
thuốc rất quý tại miền Bắc. Nhờ 2 viên thuốc này tôi dứt được bệnh sốt
rét rừng.
Tiếng súng nơi vùng biên giới Hoa – Việt ngày một gần. Chúng tôi được
chuyển về trại Thanh Cẩm, tỉnh Thanh Hóa vào cuối tháng 8-1978, trước
khi quân đội Trung quốc đánh phá trại Quyết Tiến. Chúng tôi gặp cơ may
do Tầu đánh chiếm vùng biên giới, đã thoát được con đường thứ hai mà cán
bộ Tố, Trưởng ban Ban Giáo dục, dằn mặt vào ngày đầu tới trại:
- “Các anh có hai con đường, đường thứ nhất là đường đưa các anh vào
trại, còn đường thứ hai là đường đưa lên đồi Bà Then (một nghĩa trang
trên đồi Bà Then, nằm phía sau trại.)
Liệu đây có phải là điều “hên” như bác Nam Kinh bấm quẻ vào ngày đầu tôi
bị bắt vào trại Băng Ky – Bình Hòa, Gia Định và cũng là sự may mắn tôi
đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, gửi xác trên đồi Bà Then.
48 anh em chúng tôi từ trại Cổng Trời về Thanh Cẩm, gồm 12 vị Linh Mục
và 36 người miền Nam bị bắt sau ngày 30-4-1975, vào phòng 5 thành lập
đội 16. Một đội được các bạn đặt tên “Đại đội trừng giới”, luôn luôn bị
canh chừng. Mấy ngày sau khi về trại Thanh Cẩm, quý vị Linh Mục cũng
như một số anh em lên khu kỷ luật. Để đủ nhân số cho một đội lao động,
một số anh từ khu kỷ luật và các đội khác chuyển tới trong đó có anh
Nguyễn Cao Quyền, Nguyễn Văn Thành…
Khi gặp Nguyễn Tiến Đạt từ khu kỷ luật xuống phòng tập thể, em bảo tôi:
- “Nằm trên kỷ luật đợi mãi mà không thấy anh lên…”
Tôi không biết trả lời Đạt thế nào, vì chính tôi luôn sửa soạn tinh thần
đến lượt theo các bạn lên khu kỷ luật. Hay những cay đắng trong cuộc
đời đến với tôi đã quá đủ, nên tôi đã qua hết đoạn đường gian truân “10
năm đại hạn” như trong số tử vi đã định.
*
Tôi nhận được “giấy ra trại” tại trại Thanh Cẩm vào cuối năm 1981. Tôi
đã trả xong “món nợ máu” cho đảng cộng sản như họ thường rêu rao, bằng
thời gian bóc trọn 6 cuốn lịch treo tường.
Tôi gặp lại Linh Mục Cao Đức Thuận, người đã sống và chịu đựng gian khổ
với tôi từ trại Cổng Trời đến Thanh Cẩm, nhân chuyến công tác mục vụ tại
Hoa kỳ. Khi tôi tới cửa phòng khách của nhà thờ Cha Long tiểu bang
Maryland, ông đứng dậy tiến tới, dang rộng đôi tay ôm tôi xúc động:
- “Tôi tưởng chúng mình bỏ xác trên đồi Bà Then, không ngờ được về và bây giờ lại gặp nhau trên đất Mỹ,”
Tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết trả lời ông:
- “Đó là nhờ ơn trên.”
Trong thâm tâm, tôi luôn suy nghĩ về sự bí ẩn của số mệnh, những sự việc
xảy ra cho con người không phải do ngẫu nhiên, mà tuân theo theo một
chu kỳ tất nhiên. Số mệnh con người bị ảnh hưởng bởi vận số của đất
nước, nên vận số thăng trầm của một quốc gia do đó cũng theo một chu kỳ
hưng thịnh và suy vong. Số mệnh con người do tâm ý mà ra, nên sự thịnh
suy của một đất nước do lòng người mà thành. Nhìn vào Việt Nam, dưới
chế độ XHCN, lòng dân bất mãn, căm hờn. Nội bộ giới lãnh đạo đang chia
rẽ, thanh toán nhau vì quyền lợi. Cán bộ đảng không còn tin tưởng vào
chế độ nên tìm cách đào thoát khỏi nước. Đó là dấu hiệu về sự sụp đổ
của CSVN đã gần kề.
Tháng 2-2018
No comments:
Post a Comment