1. Lời mở đầu
Một hiện tượng mỗi ngày một thêm nóng hổi trong cộng đồng Việt tị nạn. Đó là Giải Phẫu Thẩm Mỹ (Plastic* Surgery).
Giải Phẫu Thẩm Mỹ gồm 2 ngành khác nhau:
– “Giải phẫu chỉnh hình” (Reconstructive Surgery) sửa chữa lại các
bệnh bẩm sinh như sứt môi, ngón tay hoặc ngón chân dính liền với nhau,
bớt hay bướu to trên mặt, thiếu tai, dư ngón tay ngón chân..v.. v.. có
mục đích tạo cho bệnh nhân một hình dáng khả dĩ hơn để sống và sinh hoạt
tạm gọi là bình thường trở lại. Thường thường sự giải phẫu này được bảo
hiểm sức khỏe trả cho một phần.
– “Sửa sắc đẹp” (Cosmetic Surgery) nắn sửa lại các bộ phận của cơ thể
đang mạnh giỏi, chẳng hư hỏng gì cả. “Sửa sắc đẹp” có mục đích làm cho
vóc dáng trở thành đẹp mắt và hấp dẫn hơn. Đây là sự tự ý lựa chọn của
riêng từng người và dĩ nhiên bảo hiểm sức khỏe không trả cho đồng nào.
Đại đa số các trường hợp “giải phẫu thẩm mỹ” là “sửa sắc đẹp” vì vậy
“giải phẫu thẩm mỹ” và “sửa sắc đẹp” được vẫn thường được hiểu lầm thành
một nghĩa. Trong khuôn khổ bài này tôi chỉ xin bàn về phần “sửa sắc
đẹp”. Nhưng đôi khi, như đã trình bày, chữ “sửa sắc đẹp” và “giải phẫu
thẩm mỹ” được dùng lẫn lộn.
2. Tất cả sắp trở thành họ hàng gần…
Trong các dịp họp mặt như đám cưới, đám hỏi, đám ma, đám giỗ, hội hè,
đại hội… mọi người đều không ít thì nhiều nói về chuyện sửa sắc đẹp.
Nhìn chung quanh chúng ta, người nào cũng có thân nhân, bạn bè, đồng
nghiệp đã sửa sắc đẹp. Trong các dịp họp mặt thế nào cũng phải có sự
hiện diện của một số “người đẹp” có nhan sắc mới sửa hoặc sửa lâu rồi.
Gần một phần ba số quảng cáo lớn đầy một trang trong các tờ báo lá
cải Việt ngữ dành để quảng cáo sửa sắc đẹp. Nội dung và hình thức của
các quảng cáo loại này đều giống, tương tự như nhau: sự hứa hẹn tuyệt
vời của các ông Bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ và nét mặt của các cô người mẫu
của các trang quảng cáo này. Cứ cái đà (sửa sắc đẹp) này, các ông bác
sĩ thẩm mỹ sẽ biến tất cả phụ nữ Việt (Nam, Trung và Bắc) trong cộng
đồng Việt tị nạn thành họ hàng gần cả. Người nào cũng có cặp mắt, sống
mũi, làn môi, gò má và bộ ngực giống y hệt nhau! Từ sự giống nhau đi đến
sự đoàn kết chắc cũng chẳng bao xa! Chúng ta cũng nên có lời tri ân các
quí vị bác sĩ thẩm mỹ đã có công đem cộng đồng sát lại với nhau.
Qua lời quảng cáo lôi cuốn và sự đại hạ giá cho việc sửa sắc đẹp của quý vị bác sĩ, mọi người thuộc mọi tầng lớp của cộng đồng, hôm nay, đều có đủ khả năng tài chính và can đảm để đến lấy hẹn tại văn phòng giải phẫu thẩm mỹ của quý vị chứ không chỉ riêng người giàu có hoặc nghệ sĩ như lúc trước đây.
3. Cái đẹp đánh bẹp cái nết
Cô cháu gái 30 tuổi của tôi với đầu óc cởi mở và tân tiến đã trình bày với tôi như sau:
“Bác ạ, nhiều khi cháu muốn tin là ‘cái nết đánh chết cái đẹp’ nhưng
trên thực tế và theo kinh nghiệm của cháu, câu nói đó không đúng nữa. Nó
phải được sửa lại là ‘cái đẹp đánh bẹp cái nết’ mới hợp tình hợp cảnh.
Bác có đồng ý với cháu là người đẹp luôn luôn được hưởng và đón nhận
những cái gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống hay không?”
Cô cháu còn sốt sắng bàn vấn đề sắc đẹp rộng hơn trên khía cạnh chính trị và xã hội:
“Tuổi trẻ phải kính trọng người già cả. Cháu cũng nghĩ như vậy. Nhưng
chỉ có người trẻ mới thực sự đóng góp cho nhu cầu sản xuất và tiêu thụ
của xã hội này, làm dân giầu nước mạnh. Ngay cả những người đã già rồi
bây gờ vẫn còn muốn làm cho mình trẻ lại. Như thế có gì sai lầm đâu nếu
người trẻ muốn có cái đẹp của họ được đẹp hơn” Trong cái tình trạng kinh
tế khó khăn này, nếu hai người xin cùng một việc và có cùng khả năng
như nhau thì chủ sẽ chọn người đẹp hay người xấu” Nói chung, sắc đẹp sẽ
là cái chìa khóa để mở tất cả các cánh của ‘cơ hội’ đang bị đóng chặt!”
Tôi thuộc loại già cả, lẩm cẩm. Tôi cố gắng muốn tìm cách giải thích cho cô cháu gái về việc đề cao cái đẹp tự nhiên. Phân trần về cái tai họa 5, 10 hoặc 15 năm sau khi sắc đẹp được sửa nhưng cô cháu gái không có kiên nhẫn và thiện chí để nghe những lời “quê mùa lạc hậu” của tôi. Tôi đành chào thua.
4. Phải đốt hết các tấm ảnh cũ mới ngủ yên được…
Tôi còn nhớ một quang cảnh không thể quên được vào ngày 30 tháng 4
năm 1975. Đó là khói mù mịt trong xóm, trong thành phố. Nhà nào cũng có
khói bốc ra từ bếp, từ ngoài sân trước, từ sau vườn. Mọi người vội vã và
bận rộn đốt hết những giấy tờ cũ, hình ảnh cũ để may ra tránh những khó
khăn, tai họa về sau khi thành phố, đất nước bị mất. Hơn ba mươi hai
năm sau, chẳng còn nước đâu để mà mất. Chẳng có ai dám đe dọa an ninh
của mình trên cái đất tạm dung này. Nhưng lần này, các bà các cô mới sửa
sắc đẹp xong, phải đốt hết các tấm ảnh cũ chụp trước khi giải phẫu thẩm
mỹ thì mới ngủ yên được.
Hình cũ đã cháy rồi, đã bị tiêu hủy rồi, nhưng trí nhớ của mọi người thì sao? Không có gì ngỡ ngàng cho bằng tôi nhìn thấy bà chị họ ba bốn chục năm liên tiếp rồi. Đã quen mắt rồi. Bỗng một hôm đẹp trời, gặp bà chị họ ở chợ Việt Nam, cứ tưởng rằng đang gặp nữ tài tử Kiều Chinh! Nếu bà chị không gọi tên tôi, có lẽ tôi cũng chẳng nhận ra.
Đâu cần gì phải có còn mắt tinh đời. Một người với con mắt bình thường, lần đầu tiên nhìn thấy người đẹp sẽ nhận ra ngay là sắc đẹp là do giải phẫu thẩm mỹ hay là đẹp tự nhiên. Giải phẫu thẩm mỹ vẫn chỉ là giải phẫu thẩm mỹ. Thật dễ hiểu!
5. Lời của người cầm dao…
Tôi có một ông bạn là bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ rất thành công. Trước
đây ông học cùng chung lớp kỹ sư Điện với tôi. Ra trường làm việc cho
hãng điện tử một thời gian, ông bạn trở lại học cao học [Master of
Sciences] về ngành điện tử áp dụng cho các máy dụng cụ y tế dùng trong
nhà thương. Trong khi đi học cao học, ông bạn xin làm tình nguyện cho
một “clinic” thẩm mỹ. Sau khi lấy bằng cao học, ông bạn quyết định không
đi làm nghề điện nữa, mà tiếp tục học Y khoa để trở thành bác sĩ thẩm
mỹ.
Ông bạn bác sĩ sau mấy năm hành nghề giải phẫu thẩm mỹ, khi gặp lại
tôi đã giải thích các lý do thúc đẩy anh theo đuổi ngành Y khoa giải
phẫu thẩm mỹ như sau:
“Người Việt qua đây ai cũng giầu có (hơn lúc ở Việt Nam). Một số
không nhỏ người Việt trong lớp người mới giầu thấy cần phải thay đổi cái
nhìn quê mùa nghèo nàn cũ. Cần phải thay vóc dáng mới cho hợp với cái
xe mới và cái nhà mới. Thành ra cái thị trường sửa sắc đẹp rất hứa hẹn.
Bệnh nhân sửa sắc đẹp thuộc loại “low risk:” họ chỉ sửa sắc đẹp khi đang mạnh khỏe và có sẵn tiền mặt trong túi. Bác sĩ thẩm mỹ ít khi nào phải gặp các trường hợp cấp cứu (“emergency”) hoặc phải giằng co với các hãng bảo hiểm sức khỏe về khoản nào được trả, khoản nào không, rất mất thời giờ. Ông ta có thể mở cửa văn phòng lúc 9 giờ sáng và đóng cửa lúc 5 giờ chiều, nghỉ cuối tuần như công chức nhà nước. Không phải trực bệnh viện, không phải làm “overtime.” Về vấn đề tài chánh, bệnh nhân phải trả tiền mặt đầy đủ trước khi giải phẫu bởi vì các hãng bảo hiểm sức khỏe không trả. Hơn thế nữa, trả trước bằng tiền mặt đầy đủ để tránh trường hợp bệnh nhân bỏ cuộc, rút lui giữa đường. Khách hàng đã đến một lần rồi, chắc chắn họ sẽ trở lại cho các “mục” khác. Đâu có ai đi sửa xe mà chỉ thay có một cái vỏ xe mới bao giờ! Đã thay đồ đạc mới rồi, còn phải trở lại để bảo trì nữa chứ!
Phải lấy làm ngạc nhiên là nhiều bà đi chích ngừa cảm cúm thôi mà đã sợ rồi. Nay lại đưa đầu, mặt, ngực, bung, đùi mình ra các ông bác sĩ thẩm mỹ cắt, thẻo, lụi như con heo bị thọc huyết mà vẫn thấy cười sung sướng. Không thấy ai than thở kêu đau gì cả!”
6. Same day services…
Cách đây vài năm, cô bạn gái của bà xã tôi, người đã có mẹ và chị
sửa sắc đẹp rồi, muốn sửa ngực mặc dù đã chị đã có 3 đứa con trưởng
thành rồi. Ông chồng của chị dĩ nhiên là không đồng ý. Thật ra, gia đình
tôi đã quen biết anh chị qua nhiều năm rồi. Tôi chưa bao giờ nghe và
thấy anh phàn nàn về vợ, nhất là trên vấn đề sắc đẹp của chị! Mười mấy
năm trước, khi anh gặp chị lần đầu là anh đã yêu chị rồi. Anh quyết định
phải lấy chị cho bằng được mặc dù gia đình anh không đồng ý chấp nhận
cuộc hôn nhân có lẽ chỉ vì tính tình của chị.
Như vậy đủ biết là mặc dầu nhan sắc của chị không phải là “chim sa cá lặn,” nhưng chắc chắn chị không phải là người xấu. Ngoài ra, sự không đồng ý của anh về việc chị đi sửa ngực còn vì lý do kinh tế nữa. Anh đang ở trong tình trạng không biết sẽ bị thất nghiệp lúc nào. Kinh tế gia đình anh nói riêng và kinh tế nước Mỹ nói chung đang gặp khó khăn. Bỗng nhiên phải chi tiêu một lúc ba bốn ngàn đồng tiền mặt thì thấy cũng ngặt. “No problems!” Chị đã có sẵn giải pháp cho chương trình sửa “ví” rồi. Chị “recycle plastic”: Lấy tiền từ “credit line” của “plastic card” để trả cho “plastic surgery!”
Sau khi đã lấy hẹn sửa “ví” và thu xếp tiền bạc với văn phòng bác sĩ thẩm mỹ xong, một buổi sáng đẹp trời chị nói với chồng là phải đi ra chợ mua ít đồ cần thiết. Chị nhờ một người bạn gái chở thẳng đến “clinic” giải phẫu thẩm mỹ. Chị dặn dò cô bạn gái là chỉ thông báo cho chồng chỉ biết sau khi chị đã lên bàn mổ hẳn hoi rồi.
Anh chồng tá hỏa khi nghe báo tin vợ anh đang nằm trong bệnh viện. Đến 3 giờ chiều, giải phẫu hoàn tất. Anh được gọi đến “clinic” giải phẫu thẩm mỹ để chở chị về. Anh đành phải chấp nhận cái hoàn cảnh mà anh không thể thay đổi được.
Anh nhìn vợ, nhớ lại lúc gặp chị lần trước vào 9 giờ sáng, ngực chị còn là “size” 35A , mà bây giờ là 3 giờ chiều, ngực vợ đã đổi thành “size” 36D và căng cứng như trái “cantaloupe” cắt làm hai.
Lúc chị tỉnh táo và vết cắt lành lặn lại rồi, chị rất mãn nguyện về
bộ ngực mới toanh nầy. Chị phải trích trong ngân quỹ gia đình một số
tiền đáng kể để mua sắm một lô áo mới có cổ thấp dành riêng cho bộ ngực
mới của chị. Chị nhận ngay ra là “xếp” của chị, đồng nghiệp đàn ông của
chị ở sở làm, các ông ở nơi công cộng..v.. v.. đối xử với chị nhã nhặn
và ân cần hơn lúc trước. Chị cũng để ý là ngày nào chị mặc áo có cổ càng
thấp thì ngày đó công việc làm của chị càng dễ dàng hơn. Cái “size” của
bộ ngực chị gia tăng làm nghề nghiệp của chị tiến triển nhanh hơn. Một
điều nữa làm chị để ý là, vào khi chị tắm, nước chảy cả 5 phút từ trên
đầu rồi mà chân chị chưa ướt!
Một năm sau cái “same day services” đầu tiên, anh chồng đã không cản được vợ sửa “ví”, thì làm sao anh có thể cản vợ đừng sửa mũi, mắt và mà lúm đồng tiền. Lần lượt chị biến các ác mộng của anh thành sự thật hết qua một loạt “same day services” nữa. Đây là một chuyện dài chưa có đoạn kết. Còn các tiết mục khác dành cho các bộ phận nằm phía dưới thắt lưng chị giữ kín, lo liệu lấy một mình, không nhờ bạn bè như những lần trước. Thế rồi cuộc đời chị cứ bình thản trôi qua.
7. Có phải chị bị chồng đánh làm mũi bị méo qua một bên không?
Thông thường vì lý do thương mại, các văn phòng giải phẫu thẩm mỹ hay
đăng các bộ ảnh 2 tấm: Trước khi giải phẫu và 2-3 tháng sau khi giải
phẫu. Dĩ nhiên là sự khác biệt giữa 2 tấm ảnh sẽ lôi cuốn sự chú ý của
rất nhiều người khách hàng mới. Không thấy văn phòng giải phẫu sắc đẹp
nào đăng bộ ảnh 3 tấm: Trước khi giải phẫu, 2 tháng sau khi giải phẫu và
5 hay 10 năm sau. Khách hàng nhìn vào bộ ảnh 3 tấm này sẽ chạy làng
hết.
Một khoảng thời gian 5 năm sau khi sửa sắc đẹp, một buổi sáng thức dậy, chị bạn gái của bà xã tôi thấy mũi cong quẹo qua một bên. Sau đó không lâu, hai lỗ mũi biến đổi thành một lớn một nhỏ. Tiếp đến, mắt bị kéo làm sao mà một mắt lớn một mắt nhỏ. Còn hai nửa trái cantaloupe thì sao? Nửa trái “cantaloupe” bên phải, bị kéo xa ra khỏi nửa trái “cantaloupe” bên trái, và méo mó đi giống như nửa trái đu đủ xanh. Nếu có người nào cắc cớ hỏi về cái sự quẹo hoặc méo mó trên cơ thể của chị, thì chỉ đổ thừa là bị chồng say rượu đánh trúng mũi, mắt, ngực…
Tội nghiệp anh chồng khi không bị mang tiếng xấu, vũ phu. Anh ở Mỹ đã lâu rồi, đã hiểu rõ luật lệ Mỹ rồi. Đã hiểu cách xã hội Mỹ đối xử với phụ nữ và đối xử với chó thế nào rồi. Anh đâu có dại gì để cảnh sát Mỹ bắt bỏ tù và được tên tuổi anh được đăng trên báo chí. Anh trước đây đã bất lực trong việc ngăn cản vợ đừng sửa sắc đẹp bây giờ lại mang thêm tiếng đánh vợ.
Sự méo mó đó là do các bắp thịt, các mô bị cắt chung quanh chỗ giải phẫu thẩm mỹ phản ứng qua thời gian. Danh từ y khoa gọi là “capsular contracture.” Tôi không phải là chuyên viên y tế, xin tạm dịch là “sự co rút của các vết thẹo.”
Trong thủ tục sửa sắc đẹp, cơ thể bị cắt, xẻ để tạo các chỗ trống (pocket) cho nhiều ngoại vật (foreign objects) như “collagen,” “silicon,” “plastic,” kim khí được đặt vào. Phần cơ thể bị cắt, tiếp xúc với ngoại vật này sẽ phản ứng và tạo thành một vòng đai thẹo, còn được gọi là “lining” hay “capsule,” giống như thẹo phát triển trên da sau khi da bị cắt hoặc bị phỏng.
Nên biết thêm, phản ứng này xảy ra không riêng gì với giải phẫu thẩm mỹ, mà cả các trường hợp giải phẫu để đặt máy trợ tim, đặt các vòng sụn nhân tạo ở giữa các đốt, khớp xương… Sau khi giải phẫu, tùy trường hợp, dần đã các vòng đai thẹo này bành trướng đè nén trên các ngoại vật hoặc co rút lại làm cho các ngoại vật bị lỏng. Kết quả là mũi giả, ngực giả..v.v.. bị méo mó ít hay nhiều sau một thời gian dài hay ngắn tùy từng cơ thể của mỗi người. Nhiều cô đã ngay sau khi sửa sắc đẹp, bị phản ứng quá phức tạp, phải đi giải phẫu lại để lấy “implant” ra liền tức thì. Đâu có quảng cáo về giải phẫu thẩm mỹ nào nêu ra những chi tiết phức tạp nầy, hoặc đâu có quảng cáo nào đăng bộ ảnh 3 tấm như tôi đã trình bày bao giờ!
Sau khi sửa sắc đẹp được 5-10 năm, vào các dịp “Halloween,” nhiều cô, sau khi sửa sắc đẹp bị lủng, đi ngoài phố, bị hiểu lầm là đang đeo mặt nạ để nhác thiên hạ. Quý vị đã thấy ảnh mới nhất của Farah Fawcet chưa? Thật đúng là tiền mất tật mang.
8. Khi sinh ra là con trai da đen. Lớn lên trở thành con gái da trắng…
Mới nghe qua, không hiểu đây là phép lạ hay ác mộng. Bài học mà chúng
ta nhìn thấy từ Michael Jackson rất thích đáng. Tôi xin ghi ra đây để
mọi người cùng đọc và suy gẫm.
Michael Jackson sinh ra là một cậu bé da đen bình thường, dễ thương và tài hoa có một không hai. Mỗi năm đi qua, Michael Jackson dần dà biến thành một “quái vật” trước mắt mọi người. Năm 1984 sau khi tung ra cái album “Thriller,” một album được công nhận là bán chạy nhất trong lịch sử nhân loại, hình ảnh của Michael Jackson đăng trên báo cho thấy có sự thay đổi trên nét mặt: Mũi của anh ta được sửa “nhè nhẹ coi rất thanh nhã [Michael Jackson được ông bố gọi với cái “nickname” là “big nose” hồi còn bé,] cặp mắt cũng được nắn lại đôi chút nhìn rất “sexy”. Ngoài ra, Michael Jackson trả lời các câu hỏi của báo chí một cách rõ ràng, mạch lạc bằng cái giọng thật của chính mình.
Ngay sau đó mọi sự chuyển hướng một cách rùng rợn: Michael Jackson mướn cả một tiểu đội bác sĩ thẩm mỹ để, cứ 3-4 tháng, làm cho anh ta một cái mũi mới, một cái cằm mới, lông mày mới, gò má mới… mới đầu, Michael Jackson muốn mình nhìn giống như Diana Ross. Nhưng sau khi nhìn vào gương, anh ta đổi ý muốn mình giống như Liz Taylor. Độc đáo nhất là trong vòng một năm rưỡi, từ 1987 đến giữa năm 1988, da của Michael Jackson thay đã từ mầu “cocoa” thành màu trắng như da bụng cá bông lau. Michael Jackson biến khuôn mặt và cơ thể của mình thành một cái khung vải cho các ông bác sĩ (hay họa sĩ) muốn vẽ gì trên đó thì vẽ.
Người ta còn đồn là mũi của Michael Jackson vì bị sửa đổi nhiều quá đã rụng mất rồi. Hiện anh ta đang đeo một cái mũi giả! “Make up” làm chúng ta không thấy chỗ ráp nối. Báo chí cũng viết về chuyện Michael Jackson uống thuốc kích thích tố phụ nữ để có giọng nói thỏ thẻ như cô đào Marilyn Monroe.
Tôi không hiểu các bác sĩ giải phẫu sắc đẹp cho Michael Jackson có ngủ yên vào buổi tối sau khi đã sửa sắc đẹp cho Michael Jackson hay khôn.” Theo ý kiến cá nhân của tôi, tôi đề nghị vĩnh viễn rút tất cả giấy hành nghề của các ông bác sĩ nầy.
9. Lời kết
Trước khi lấy hẹn sửa sắc đẹp, xin quý vị (nên biết là 15% khách hàng
sửa sắc đẹp là đàn ông) hãy dùng chút thì giờ phân tách những lời bình
phẩm mà thiên hạ nói tại các cuộc họp mặt xem sao. Nhiều lời bình phẩm
có ác ý. Nhưng cũng có nhiều lời nói đúng sự thật. Chúng ta sống trên
đất tự do, dĩ nhiên muốn làm gì thì làm trong khuôn khổ luật pháp, nhất
là chính mình trả phí tổn cho việc sửa sắc đẹp của mình chứ chẳng có ai
đóng góp cắc nào. Tuy nhiên, phải trả một món tiền rất lớn cho một cái
giải phẫu trên cơ thể mình, cái giải phẫu sẽ ảnh hưởng suốt đời mình thì
không nên vội vàng. Tôi xin ghi lại những lời tiêu biểu như sau như là
một cái máy thâu băng:
– Dân Việt làm gì có cái đầu mũi nhọn. Mũi có thể đâm thủng tờ báo!
– Cái sống mũi bén quá có thể dùng cắt dưa hấu được!
– Da mặt căng nhiều lần quá chắc phải cạo râu mỗi sáng vì râu ở bộ phận phía dưới rốn bị kéo lên tới cằm!
– Mắt sửa quá ngủ không nhắm được. Chết cũng không nhắm được. Nhìn mặt lúc nào cũng như đang ngạc nhiên (permanent surprise!).
– Cặp “ví” nhìn như trái “cantaloupe” cắt làm đôi.
David Letterman của đài CBS có nói là:
“Dù cho bạn có xấu xí cách mấy đi nữa. Luôn luôn có ít nhất một người yêu bạn và muốn lập gia đình với bạn”.
[No matter how ugly you are, there is always someone falls in love with you; someone wants to marry you.]
Câu nói này rất phải. Đâu chỉ riêng những người đẹp trai hay đẹp gái
mới có vợ có chồng. Nếu lời nói đó chấp nhận được, thì sửa sắc đẹp là
chuyện không cần thiết!
Riêng tôi, tôi chỉ xin phép được đóng góp một câu về vấn đề sửa sắc đẹp như sau:
“.Trong cuộc sống vật chất này, nếu chỉ có một vật được coi là thiêng
liêng thôi, thì đó phải là thân thể cha sinh mẹ đẻ của mình.”
Ghi chú:
(*) “Plastic”, derived from the ancient Greek word “plastiko,” meaning to mold, to form to reconstruct.
Trần Văn Giang
Đọc xong bài nầy hết dám nghĩ tới chuyện đi sửa sắc đẹp, chi T K chọn bài hay quá ( mình gửi cho bạn mình đọc rồi ) Cám ơn chi nhé !
ReplyDeleteThân.
Vinh
Cái gì tự nhiên cũng tốt hơn phải không chị?
DeleteTK