Trong lịch sử nhân loại, đã từng có việc sử dụng nước làm vũ khí chiến
tranh hoặc công cụ của chủ nghĩa khủng bố. Theo các dự báo của Liên Hợp
quốc (LHQ) và nhiều tổ chức quốc tế hiện nay, thiếu nước sạch đang là
một vấn đề nhức nhối, nhưng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nguồn
nước sạch của thế giới cạn kiệt. Chiến tranh nước sạch xảy ra là tất yếu
sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng về mọi mặt, thậm chí có thể còn khốc liệt
hơn cuộc chiến tranh về dầu mỏ.
Cứ 3,5 giây có 1 trẻ em chết do uống nước bẩn
Chiến tranh vì nguồn nước
Cuối tháng 7/2010, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu công nhận quyền tiếp
cận nước sạch và được sống trong điều kiện môi trường hợp vệ sinh là một
trong những quyền cơ bản của con người, sau hơn một thập kỷ tranh luận.
Với lập luận, nước là cội nguồn của tất cả các dạng sống, con người có
thể nhịn ăn nhiều ngày nhưng nếu không có nước sẽ không có sự sống,
quyền tiếp cận nước sạch và điều kiện sống hợp vệ sinh quan trọng ngang
với quyền được sống của nhân loại.
Nước – nguồn tài nguyên quý giá hữu hạn, là đối tượng tranh giành của
nhiều người, nhóm người, quốc gia. Ví dụ, về mặt địa lý, nhiều con sông
lớn trên thế giới như sông Mekong, sông Ấn, sông Nile, sông Amazon…
được chia sẻ giữa 2 hoặc nhiều quốc gia, cung cấp nước cho cư dân những
nước này. Chính những con “sông chung” như vậy đã phát sinh những mâu
thuẫn giữa các nước chia sẻ chúng.
Trong tranh chấp các dòng sông chung, nếu các nước ở thượng lưu mạnh
hơn, họ sẽ gia tăng việc kiểm soát nguồn nước bằng cách xây đập thủy
điện hoặc thủy lợi và các nước ở dưới hạ lưu nhận phải nhiều thiệt thòi.
Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ xây đập chặn sông Tigris và Euphrates khiến hạn
chế nguồn nước vào Irag. Hay tại lưu vực sông Mekong, các nước Việt Nam,
Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar đã nhiều lần lên án Trung Quốc xây
nhiều đập thủy điện trên thượng lưu con sông làm mực nước sông ngày càng
cạn kiệt.
Khi những bất đồng về chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia không thể
giải quyết bằng biện pháp hòa bình, chiến tranh là điều tất yếu. Trong
lịch sử, cuộc chiến dai dẳng giữa người Israel và người Palestine được
cho là một phần do tranh giành nguồn nước. Bờ Tây nằm trên một khu vực
ngậm nước lớn.
Thêm vào đó, Cao nguyên Golan mà Israel lấy đi từ Syria trong cuộc
chiến năm 1967 là nơi bắt nguồn của sông Jordan và các nguồn nước đổ vào
Biển Galilee. Ở một khu vực khô hạn như Trung Đông, kiểm soát nguồn
nước mang tính sống còn đối với cả một dân tộc.
Ở lưu vực sông Euphrates, Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội hùng mạnh hơn Syria,
nhưng điều đó cũng không ngăn được người Syria nhiều lần đe dọa bạo
lực.
Hay nhắc tới Ai Cập cũng đã nhiều lần dọa sẽ tiến hành chiến tranh để
giải quyết mâu thuẫn xung quanh dòng sông Nile. Tuy nhiên cả hai nước
vùng thượng lưu là Sudan và Ethiopia đều bị nhấn chìn trong nội chiến và
quá nghèo để có thể xây đập tích trữ nguồn nước, nên chiến tranh không
phải giải pháp phù hợp.
Tuy nhiên, trong lịch sử khi có tranh chấp nguồn nước xảy ra, giải
pháp hợp tác được đề cao hơn chiến tranh. “Vì nó quá thiết yếu đến nỗi
không thể chiếm đoạt nó bằng chiến tranh”, theo ông. Daniel Zimmer –
giám đốc của Hội đồng Nước thế giới (WWC).
Khủng hoảng nước sạch gây nên mọi cuộc khủng hoảng khác
Nguồn nước ngày càng khan hiếm
Tuy nhiên, với tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng, dân số tăng lên,
biến đổi khí hậu, nước sạch dần trở nên khan hiếm, thứ “vàng lỏng” quý
giá thậm chí hơn cả dầu mỏ. Bởi dầu mỏ có thể thay thế bằng các loại
nguyên nhiên liệu khác như nhiên liệu sinh học, khí đốt, điện, … nhưng
nước lại không thể thay thế, chỉ có thể sử dụng từ nguồn nước tự nhiên,
hoặc tái sử dụng, tái chế từ nguồn nước khác sang nước sạch, nước ngọt.
Theo dự báo của LHQ, đến năm 2025, có khoảng 1,8 tỉ người sống tại
các quốc gia hoặc khu vực “hoàn toàn khan hiếm nước” và vào năm 2030,
một nửa dân số thế giới sẽ sống trong những vùng căng thẳng do nước. Đến
năm 2040, dân số thế giới sẽ đạt mốc khoảng 9 tỷ người, trữ lượng nước
ngọt sinh hoạt trên Trái Đất chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, tức gần 3 tỷ
người sẽ không thể tiếp cận nguồn nước sạch, nước ngọt.
Nghiên cứu của Viện Nước quốc tế Stockholm (SIWI) cho biết, nước bẩn
giết chết nhiều người hơn so với động đất và chiến tranh. Ước tính mỗi
ngày trên thế giới có tới 5.000 trẻ em bị chết do các bệnh liên quan đến
nước bẩn. Theo bà Maude Barlow – cố vấn cao cấp về nước cho Chủ tịch
Đại hội đồng LHQ, cứ 3,5 giây có 1 trẻ em chết do uống nước bẩn.
Cụ thể, nhiều cư dân vùng Hạ Sahara ở Châu Phi có ít hơn 20 lit nước
mỗi ngày và 2/3 dân cư không có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Mặt khác, bình
quân 1 người Anh dùng 150 lít nước/ngày trong khi người Mỹ dùng 600
lít/ngày. Thậm chí, có cư dân ở Phoenix, Arizona (Hoa Kỳ) dùng tới 1.000
lít/ngày, gấp 100 lần so với người Mozambique.
Song, một nghịch lý là người dân các nước nghèo phải tốn nhiều tiền
cho nước sạch hơn hơn so với cư dân các nước phát triển từ 5 – 10 lần.
Theo một thống kê ở khu vực này cho biết, ước tính số tiền người dân Hạ
Sahara bỏ ra mua nước mỗi năm tương đương với cả một năm trời làm việc
của tất cả người lao động ở Pháp.
Thiếu nước sạch đang là một vấn đề nhức nhối, nhưng tình hình cũng
trở nên tồi tệ hơn khi các nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Những sa mạc
như Sahara đang ngày càng mở rộng. Hồ Tchad (Cộng hoà Tchad – Trung Phi)
giảm gần 100 mét khối nước mỗi năm. Mực nước ngầm tại hàng triệu hecta
miền bắc Trung Quốc giảm 1 m/năm, khiến việc đào giếng ngày càng tốn kém
(ước tính các giếng ở khu vực này phải khoan sâu 1 km hoặc hơn mới có
nước sạch).
Những khối băng trên dãy Himalaya – từng được mệnh danh là “tháp nước
của châu Á”, đang tan với một tốc độ báo động… ảnh hưởng nghiêm trọng
đến lưu lượng nước của các con sông chính ở châu Á, như sông Mekong (Bán
đảo Đông Dương), sông Dương Tử (Trung Quốc), sông Hằng (Ấn Độ), sông Ấn
(Pakistan).
Đáng nói, ô nhiễm môi trường là hệ quả nguy hiểm nhất của quá trình
công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trung Quốc bị cáo buộc là một trong những
nước có nguồn nước ô nhiễm nhất thế giới. Các sông hồ bị ô nhiễm nặng,
nhưng hơn 40% trong 662 thành phố lớn của Trung Quốc không có hệ thống
xử lý rác và chất thải. Chính quyền Bắc Kinh cho biết 9/10 thành phố
trong nước có hệ thống nước ngầm bị ô nhiễm, và khoảng 300 triệu người
phải uống nước không an toàn.
Theo đó, thiên tai, sự khan hiếm và chất lượng nước giảm, kết hợp với
đói nghèo, căng thẳng xã hội, sẽ góp phần làm tăng sự bất ổn, có thể
dẫn đến những căng thẳng về chính trị và sự sụp đổ của nhiều quốc gia.
Nguy cơ chiến tranh về nước sạch
Ngay từ năm 2002, trong một cuốn sách, Viện sĩ người Nga Abalkin đã
khẳng định, trên thế giới hiện hữu gần 2.000 điểm có nguy cơ bùng nổ
cuộc chiến vì nước sạch. Trong thế chiến thứ 2, Nhật Bản đã từng dùng
thủ đoạn làm nổ tung ống dẫn nước từ Malaysia sang quốc đảo Singapore,
nhằm cắt viện trợ nước cho quân đội Anh đóng ở Singapore.
Nhiều cảnh báo của các tổ chức thế giới cho rằng, sau năm 2022, việc
sử dụng nước làm vũ khí chiến tranh hoặc công cụ của chủ nghĩa khủng bố
sẽ cao hơn 40% so với hiện nay, đặc biệt là ở Nam Á, Trung Đông và Bắc
Phi, những nơi thiếu nước trầm trọng.
Cạnh tranh, giành giật nguồn nước ngọt xuyên quốc gia cũng là một
thực trạng ở châu Á – nơi trữ lượng nước ngọt bình quân tính theo đầu
người thấp nhất so với các châu lục khác. Cuộc đua giành nguồn nước ngọt
ở châu Á đang gây sức ép lên ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, tàn phá hệ
sinh thái, đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định trong dài hạn tại
đây.
Tháng 4/2012, báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ về an ninh nước
sạch nhận định rằng, lũ lụt, hạn hán và thiếu nước ngọt có thể gây ra
bất ổn toàn cầu và xung đột vũ trang đáng kể trong các thập niên tới và
việc lạm dụng nước có thể đe doạ đến an ninh quốc gia của Mỹ. Các cuộc
giao tranh vì nguồn dự trữ nước đã bắt đầu manh nha, tuy còn cục bộ.
LHQ và các tổ chức môi trường toàn cầu đã không ít lần báo động về
các nguy cơ của tình trạng khan hiếm nước, kêu gọi thế giới hàng năm
dành ra 198 tỉ USD, nhằm cải thiện tình trạng khan hiếm nước, đảm bảo
dân cư trên thế giới được tiếp cận bền vững các nguồn nước sạch. Khủng
hoảng nguồn nước sẽ dẫn tới khủng hoảng về y tế, nông nghiệp, kinh tế,
khí hậu và thậm chí là khủng hoảng về chính trị. Chiến tranh nước sạch
là hậu họa tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai gần nếu tình trạng hiên tại
không được cải thiện. Dân số ngày càng tăng trong khi nước sạch ngày
càng ít đi do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Nguồn: Diệu Bảo/Báo Pháp luật Việt Nam
No comments:
Post a Comment