Hình chỉ có tính cách minh họa
Số là trong những chuyện tôi viết có nhắc nhở đến người cha nuôi tôi ở
thành phố Long Xuyên. Ông có người con gái út tên là Xuân Phương, năm
nay 48 tuổi. Khi 18 tuổi lấy chồng thì lên ở Bình Dương.
Thứ 5
vừa qua 21/6, hai vợ chồng qua Mỹ thăm tôi. Chúng tôi mua vé tour bus đi
thăm Yellowstone để đi 7 ngày vào sáng thứ bảy 23/6.
Mới vô tới
Utah thì Xuân Phương kêu mệt, nhưng buổi sáng vẫn còn cười đùa. Đến trưa
kêu khó thở và mặt tái mét nên xe chạy thẳng vô Emergency. 5 phút sau
em tôi qua đời. Chồng nó và tôi còn nắm 2 tay.
Xe bus còn cả đoàn
khách nên họ tiếp tục lên đường. Chúng tôi còn kẹt lại ở một thành phố
rất nhỏ cách Denver 5 giờ lái xe tên là Grand Junction, xa nhà hơn 2000
Km.”
Nhận thư trên, Việt Báo và nhiều anh chị em Viết Về Nước Mỹ
đã trân trọng phân ưu cùng ông Tân và tang quyến. Bài viết sau đây không
phải là bài báo mà là một “tâm thư Kính gửi Thân Bằng Quyến Thuộc” giãi
bày về trường hợp đột tử và hoàn cảnh khó khăn của công việc hậu sự.
Tuy là nỗi đau riêng nhưng cũng là kinh nghiệm về bịnh tật nói chung và
nhất là khi có thân nhân từ VN qua Mỹ bị bệnh hay đột tử. Do vậy, Việt
Báo đã xin phép phép phổ biến. Tựa bài là do toà báo đặt.
***
Tôi
tên là Nguyễn Viết Tân, xin đại diện người em tinh thần của tôi là
Nguyễn Văn Đức gửi đến bà con thân thuộc, bạn bè xa gần bức tâm thư về
việc qua đời của người thân chúng tôi là Trịnh Xuân Phương, người vợ
thân yêu của Đức.
Năm 1966 tôi nhận ông Trịnh Huỳnh Chung làm cha
đỡ đầu, lúc đó Xuân Phương mới lẫm đẫm biết đi. Qua bao nhiêu năm, cuộc
sống gia đình cha nuôi tôi và bản thân tôi trải qua biết bao thăng
trầm, khi nghèo khổ cũng như lúc thịnh vượng, chúng tôi vẫn chia sẻ cùng
nhau.
Gia đình các em coi tôi như người anh trai trưởng.
Năm nay hai em qua Mỹ thăm tôi, có ý muốn đến thăm Yellowstone và núi đá có tạc tượng 4 Tổng Thống Mỹ rất nổi tiếng.
Sau
khi tới San Francisco thăm họ hàng một tuần, chiều thứ năm 21/6/2012
tôi đi đón 2 em từ bến xe đò Hoàng về ăn bữa ăn họp mặt. Sáng hôm sau đi
thăm bà con, đi câu cá ngoài bãi biển, rồi về nhà dự tiệc do cô Hồng
khoản đãi. Sáng sớm thứ bảy lên đường đi du lịch trong 7 ngày bằng tour
bus qua các tiểu bang: Nevada, Utah, New Mexico, Colorado, South Dakota,
Wyoming.
Qua một đêm nghỉ tại Hotel ở Utah, sáng điểm tâm xong
để lên xe thì bốn đứa chúng tôi còn cười đùa vui vẻ, tới trưa Xuân
Phương kêu mệt. Lúc xuống chụp hình thì tự nhiên kêu lên sao em thấy tối
quá và muốn khuỵu xuống đất.
Trưa hôm đó em không xuống ăn uống
gì được nên tôi tính mua đồ ăn đem lên xe. Nhưng càng lúc em càng kêu
khó thở nên tài xế phải lái thẳng tới phòng cứu cấp của một bịnh viện
rất lớn là St Mary. Tại đây có đến sáu bảy Bác sĩ, Y tá cấp thời cho thở
ốc xy và kim chích với dây nhợ lòng thòng.
Bỗng dưng Xuân Phương cứng người lên và thở ra. Đức và tôi phát hoảng và khóc nức lên. Đức kêu lớn:
-Em ơi, em sao vậy?
Bác sĩ vội mời chúng tôi ra phòng đợi để họ làm hồi sinh.
Ngồi
được ít phút, tôi thấy một bà vô phòng hỏi han, đang kể với bà về
chuyến đi của chúng tôi, bất ngờ tôi ngưng lại, hỏi bà là bác sĩ hay làm
chức vụ gì trong nhà thương. Bà nói mình là Tuyên Úy (Chaplain).
Tôi tự hỏi không lẽ Xuân Phương đã chết? Sao kỳ vậy? mới mấy phút trước nó còn nói rảng rảng đây mà.
Bác sĩ trưởng bước vô phòng đợi, ông nói chúng tôi đã làm hết sức, nhưng không cứu được bịnh nhân. I'm so sorry!
Chúng tôi oà lên khóc. Em tôi còn nhỏ tuổi hơn tôi rất nhiều, mới còn rành rành đây mà sao qua đời mau như vậy?
Lúc đó là 4g 47 chiều ngày 24/6/12 (tức là 4g47 rạng sáng ngày 25/6/12 giờ VN)
Họ cho chúng tôi vô thăm Xuân Phương. Trời ơi, thân thể còn nóng ấm như người đang nằm ngủ.
Nhà
thương báo cho sở Cảnh Sát ngành Pháp Y (Coroner) vì muốn điều tra xem
có bị đầu độc, trúng thực hay bị bịnh truyền nhiễm gì chăng.
Nhân viên trong nhà thương biết chúng tôi từ xa tới, nên tận tình giúp đỡ, kêu tắc xi, mướn hotel, gọi văn phòng Coroner v v...
Cổ họng tôi đắng nghét và khô khốc, còn Đức thì bị sốc quá nặng như chết đứng.
Chúng tôi đứng kế bên xác của Phương, ngậm ngùi từ giã em mà về khách sạn.
Đêm đã xuống, chúng tôi lủi thủi đi ra, để em nằm lại bơ vơ một mình nơi xứ lạ quê người.
Than ôi, ông Trời sao nỡ để cảnh đau đớn này xảy ra?
Ngày
hôm sau họ giải phẫu pháp y, đến chiều mới thông báo là Xuân Phương
không bị bịnh tim gì hết, mà là do máu đóng cục trong các mạch máu hai
lá phổi. Thế mà các Bác sĩ bên VN đã định bệnh rằng "Hở van tim" và cho
uống thuốc lung tung, không nhằm bịnh gì hết mà còn làm hại nữa.
Nếu trường hợp máu đóng cục tại não, ta gọi là tai biến mạch máu não
(stroke). Óc có thể bị hư hại một phần hay toàn phần, nhưng lúc đó tim
phổi còn hoạt động khá tốt; còn đàng này, máu đóng cục trong các mạch
máu hai lá phổi, phổi không còn đưa ốc xy đến các cơ phận được nữa, thì
toàn thể con người chết ngộp ngay lập tức.
Bịnh này cho đến nay không có thuốc chữa, và tại xứ Mỹ chưa cứu được ai cả.
Trước
đây người ta cứ tưởng rằng cho uống aspirin là tốt cho bịnh nhân, nhưng
bây giờ giới y khoa Hoa Kỳ khám phá ra rằng, đã không hết bịnh mà thêm
chứng loét bao tử.
Đến trưa thứ ba ngày 26/6/12 mới có giấy chứng tử, từ cơ quan Coroner và Bác sĩ cuả bịnh viện St Mary.
Theo như Bác Sĩ cho biết thì bịnh của Xuân Phương như sau:
-Thromboembolism + Pulmonary
Thuyên
tắc phổi là sự tắc nghẽn của động mạch trong phổi. Nó gây ra bởi một
cục máu đông đi theo mạch máu đến phổi. Khi cục máu này mắc kẹt trong
một động mạch phổi, nó sẽ ngăn chặn máu từ phổi đem ốc xy đi nuôi dưỡng
cơ thể. Các mô ở phía bên kia nơi bị tắc nghẽn có thể chết, nếu nó không
nhận đủ máu từ các nguồn khác. Phổi có thể trở nên hư hỏng và ngừng làm
việc. Trong trường hợp nghiêm trọng này sẽ dẫn đến tử vong.
- Nguyên nhân:
Một
cục máu đông hình thành và vẫn còn trong tĩnh mạch được gọi là huyết
khối. Nó thường bắt đầu trong một tĩnh mạch ở chân hoặc khung xương
chậu.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ các triệu chứng sau đây:
-Máu cục đông trong tĩnh mạch sâu của một chân hoặc khung xương chậu, mắt thường nhìn thấy vết thâm tím.
Bịnh này thường xảy ra:
- Sau một cuộc phẫu thuật lớn, đặc biệt là phẫu thuật vùng chậu, thay thế đầu gối, hoặc phẫu thuật tim.
-Tổn thương tĩnh mạch ở chân hoặc khung xương chậu, làm chân sưng, phù nề.
-Gãy xương hông hoặc đùi (xương đùi).
-Nhồi máu cơ tim, đột qụy (Stroke).
-Một số rối loạn máu.
-Ngồi một thời gian lâu, chẳng hạn như trong một chuyến đi dài.
-Mang thai.
-Uống thuốc tránh thai.
-Hút thuốc lá.
-Béo phì.
Trưa hôm thứ hai, đại diện nhà quàn (Funeral home) tới gặp chúng tôi đề nghị ba giải pháp:
- Hoả táng rồi đem tro cốt về.
- Mua hòm, mua đất và chôn tại thành phố Grand Junction tiểu bang Colorado, cách nhà tôi hơn 2000 Km.
- Đưa xác về VN.
Khởi
đầu hai anh em tính theo đề nghị thứ ba, nhưng họ nói theo luật lệ tại
Hoa Kỳ, phải mổ ra lấy hết nội tạng, kể cả bộ óc, tiếp theo là phải hâm
nóng xác lên để bơm nước vào các mạch máu hầu "xúc sạch" như ta rửa cái
chai. Sau đó mới dồn mốp hoặc bông gòn vào thân thể rồi may lại, đông
lạnh, bỏ vô hòm 2 lớp.
Nơi Xuân Phương mất là Grand Junction,
cách Little Saigon hơn 2000 km. Vì nơi đây là một thành phố nhỏ, máy bay
nhỏ không chở được hòm nên phải dùng xe chuyên dụng chở tới Denver hay
Salt Lake City cách chừng 5 giờ lái xe, chuyển về Los Angeles rồi về VN.
Đoạn đường dài ấy biết bao lần chờ đợi ở các phi trường để chuyển đổi
máy bay. Bao lần mang em lên xuống, rồi nếu có bất cứ một trục trặc nào
xảy ra thì than ôi, thật tội nghiệp cho thân xác của em.
Khi nghe
xong qui trình ướp xác, chúng tôi thấy quá nhẫn tâm, nó làm cho người
thân càng thêm đau lòng, khi chết rồi mà chẳng toàn thây.
Nếu làm như vậy thì dễ gì 2 tuần lễ đã về đến VN. Về đến đó rồi khi mở được áo quan ra, biết mọi sự ra sao?
Rồi
sau đó lại mang đi thiêu, y như ý nguyện của hai vợ chồng đã định là
đứa nào chết trước, thì đứa kia phải mang đi thiêu, y như cha mẹ hai bên
nội, ngoại cũng đã từng làm mấy năm trước đây.
Vậy thì hoả táng ở Mỹ hay ở VN có khác gì đâu? Chỉ thêm đau đớn và kéo dài thời gian, sự mệt nhọc cho tất cả mọi người còn sống.
Ngoài ra chi phí giữa hai đề nghị thì đúng là một trời một vực. Tại sao lại phí phạm tiền của rất nhiều mà cùng một kết quả?
Tại sao không dành tiền đó mà để lại cho con cháu có vốn làm ăn, hay dùng làm việc từ thiện?
Tôi
không biết họ hàng bạn bè còn ở VN sẽ nghĩ thế nào, nhưng mọi người ở
đây đều cho rằng hoả táng ngay tại thành phố Grand Junction, rồi đưa tro
cốt về VN là một quyết định đúng đắn.
Riêng hai em Trịnh Hậu Dũng và Trịnh Quốc Dũng đã gọi điện thoại cho chúng tôi và Đức để bàn về chuyện này.
Trong
năm hay sáu bữa nữa, khi tro cốt em chúng tôi về đến Santa Ana, nam
Cali, tôi sẽ thiết lập bài vị, tụng niệm tại gia đình tôi để tiễn đưa em
về VN.
Dĩ nhiên bạn bè của hai em và riêng tôi, có nhiều người
theo đạo Chúa, chúng tôi cũng có một thời kinh để cầu cho em chóng siêu
thoát.
Nghiã tử là nghiã tận, nay em tôi đã qua đời, nếu còn
vướng mắc hay trước đây trong cuộc sống có mích lòng ai, thì xin lượng
cả bao dung, xí xoá hết lỗi lầm để em ra đi thanh thản.
Chỉ có
điều rất đau xót, là Xuân Phương đã mua quà rất nhiều cho con, dâu, cháu
nội, bạn hữu cùng các cháu, nhưng lần này không còn tận tay đưa nữa mà
thôi.
Xin cám ơn các bậc trưởng thượng, thân quyến, bạn bè đã lưu tâm, chia sẻ nỗi buồn của gia đình tôi
Giấy vắn tình dài, mong mọi người hiểu cho chúng tôi.
Chân thành cảm tạ.
Nguyễn Viết Tân.
vvnm.vietbao.com
vvnm.vietbao.com
No comments:
Post a Comment