Một người trong đám đông tụ tập hát quốc ca Mỹ tại Edinburgh place, Hong
Kong, Trung Quốc, ngày 28/11, sau khi Tổng thống Trump ký ban hành luật
ủng hộ dân chủ Hồng Kông (ảnh: Reuters).
Vào tối 28/11/2019, hàng trăm người dân Hồng Kông tập trung tại
khu vực Edinburgh Place, trung tâm Hồng Kông cho cuộc tuần hành họ gọi
là Lễ Tạ ơn, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành đạo
luật mới cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông vi
phạm nhân quyền. Người biểu tình vẫy những lá cờ Mỹ và bày tỏ biết ơn
Lưỡng viện Hoa Kỳ cũng như Tổng thống Trump đã nhanh chóng thông qua dự
luật.
Ngay trong những ngày căng thẳng tại Đại
học Bách Khoa Hồng Kông (PolyU), khi cảnh sát ở đặc khu bao vây khuôn
viên của trường, nơi những người biểu tình và các sinh viên chống chọi
và cầm cự, Lưỡng viện Hoa Kỳ đã gấp rút thông qua hai dự luật biểu thị
sự ủng hộ cho người dân Hồng Kông.
Ngày 27/11/2019, Tổng thống Hoa Kỳ
Donald Trump đã ký ban hành cả hai luật này, đúng với trông đợi của
nhiều người. Quyết định của Tổng thống Trump diễn ra vào thời điểm giữa
chính quyền của ông và Bắc Kinh đang bước vào giai đoạn đàm phán thương
mại mang tính quyết định. Ông đã ký luật, dù rằng, trước đó ông đã nói,
ông cũng cần một thỏa thuận thương mại.
Người biểu tình cầm cờ Hoa Kỳ trong một cuộc tụ tập tại Edinburgh Place, Hong Kong, Trung Quốc, ngày 28/11/2019 (ảnh: Reuters).
Trong cuộc bầu cử cấp quận ở Đặc khu
trong hôm 24/11, đảng ủng hộ dân chủ đã chiến thắng áp đảo các đảng phái
thân Bắc Kinh. Kết quả của phong trào vì dân chủ ở Hương Cảng đã cho
thế giới thấy rằng tự do là có thể đạt được, nhưng cũng thấy rõ rằng,
người Hồng Kông đã có quá nhiều mất mát.
Những nỗ lực sống còn của người Hồng Kông
Dữ liệu từ các báo cáo cho biết, hơn
1500 người phải nhập viện, hơn 3000 người bị bắt giữ. Một số người đã bị
bắn trọng thương, nhiều cái chết thương tâm của người biểu tình được
cho là do cảnh sát gây ra. Vụ việc cảnh sát vây ráp người biểu tình sinh
viên trong trường PolyU và sử dụng các phương tiện vũ trang như xe vòi
rồng, súng gây choáng… khiến cộng đồng quốc tế thêm phần lo ngại bởi nó
đã phơi bày về hoạt động trấn áp bằng bạo lực của chính quyền Đặc khu
trưởng Carrie Lam.
Hồi tháng 8/2019, Trịnh Văn Kiệt
(Simon Cheng), một nhân viên Đại sứ quán Anh tại Hồng Kông đã bị chính
quyền Trung Quốc bắt và giam giữ 15 ngày, hứng chịu những đòn tra khảo.
Dưới sức ép của Anh, Simon đã được thả và tiết lộ rằng trong quá trình
bị cảnh sát Trung Quốc tra tấn tại Thâm Quyến, anh cũng thấy một nhóm
người Hồng Kông bị hỏi cung tại đó. Đã có tin tức nói rằng, có một lượng
lớn người biểu tình Hồng Kông bị bắt đã bị áp giải đến Trung Quốc.
Giới truyền thông cũng đã đưa tin, người
biểu tình Hồng Kông bị bắt giữ không chỉ bị ngược đãi, tra tấn, xâm
hại tình dục và “tự sát”, việc bị chuyển sang đại lục là điều khiến họ
sợ hãi, bởi người Hồng Kông vốn quen sống trong một môi trường thượng
tôn pháp luật, còn đại lục, là nơi nổi danh không có tư pháp độc lập,
không có những phiên tòa công bằng, nơi mà cảnh sát có thể tra tấn, thủ
tiêu một ai đó mà không để lại manh mối.
Người Hồng Kông đối diện với mất mát ra sao?
Có báo cáo viết rằng, thông qua các cuộc
phỏng vấn người biểu tình Hồng Kông, có một điểm chung là: Mặc dù họ
đều chia sẻ rằng họ có sợ hãi đấy, nhưng họ cũng nói cần phải hành động
để bảo vệ giá trị tự do của Hồng Kông. Một thanh niên sinh ra ở khu
North Point, Hồng Kông, cha mẹ anh là người từ Phúc Kiến, Trung Quốc,
anh chia sẻ với BBC sau khi bị một băng đảng tấn công, anh nói: “Giờ thì
tôi cảm thấy sợ rồi, tôi phải cẩn thận hơn. Nhưng là một người hoạt
động, niềm tin của tôi không thay đổi”.
Là một trong những người bị kẹt giữa
Trung Quốc và Hồng Kông, anh nói: “Tôi yêu đất nước Trung Quốc, nhưng
ngày nay ‘chính quyền Trung Quốc’ đã biến bản thân nó ‘đồng nghĩa’ với
đất nước, và ép buộc bạn phải yêu nó. Tôi ước rằng, mọi người dân Hồng
Kông và Trung Quốc không chỉ có sự giàu có mà còn cả tự do, không ai
phải sống trong sợ hãi. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải bảo vệ lối
sống của Hồng Kông”.
Một người biểu tình cầm một tấm bảng với nội dung Cảm ơn Nghị viện (Mỹ),
trong cuộc mít tinh tại Edinburgh Place, Hong Kong, ngày 28/11/2019
(ảnh: Reuters/ Leah Millis).
Khẩu hiệu phổ biến trong phong trào vì dân chủ ở Hồng Kông là: “Giải
phóng Hồng Kông! Cuộc cách mạng của thời đại chúng ta”, cho thấy, người
Hương Cảng cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ tự do
cho Hồng Kông, chính là sứ mệnh của họ ngay bây giờ chứ không phải là
của thế hệ nào khác.
Người Hồng Kông thức tỉnh
Một người trẻ khác chia sẻ quan điểm
thậm chí vô cùng quyết liệt: “Nếu Trung Quốc đang cố chiếm lấy nơi này,
chúng tôi phải chiến đấu. Việc bảo vệ văn văn hoá của chúng tôi là quan
trọng nhất”.
“Hồng Kông đã trở thành một nơi nguy
hiểm. Kinh tế, du lịch, kinh doanh đang đi xuống. Đó là con đường dẫn
đến cái chết. Bạn biết đấy, phải chết thì mới tái sinh, đúng không?”,
người trẻ tuổi nói.
Cho đến nay, truyền thông Trung Quốc
luôn tuyên truyền với thế giới rằng phong trào dân chủ tự do Hồng Kông
là bạo loạn. Nhưng thông qua các vụ việc cũng như những bằng chứng hình
ảnh, video,
thì thấy rằng cảnh sát ở Hồng Kông đã hành xử như côn đồ, chưa kể tới
những can thiệp, dọa dẫm từ chính quyền đại lục. Người Hồng Kông đã buộc
phải viện đến các biện pháp không ôn hòa như trước đó, trong một bài
phát biểu, cựu lãnh đạo sinh viên Hoàng Chi Phong nói rằng, chúng tôi
biết chúng tôi không thể đạt kết quả nếu vẫn dùng biện pháp hòa bình.
Thực tế, trong vài tháng đầu, người biểu
tình Hồng Kông đã duy trì các hình thức phản kháng ôn hòa – điều mà
tiểu Hiến pháp của Đặc khu cho phép. Tờ BBC đã thống kê, sau 100 ngày
của phong trào, người Hồng Kông đã sử dụng 7 hình thức biểu tình, bao
gồm:
(1) Hát đồng thanh bài “Vinh quang cho
Hồng Kông”, (2) chiếu tia laser, (3) xếp thành dòng người nối dài, (4)
dựng tường Lennon, (5) in thông điệp lên bánh trung thu, (6) in hình
nghệ thuật đa dạng mang đi biểu tình, dựng tượng “người biểu tình” và
(7) thay đổi lá cờ Hồng Kông thành màu đen với đóa hoa Dương tử kinh
nhuốm máu.
Phong trào Dù vàng năm 2014 đã cho người
Hồng Kông một bài học, rằng chính quyền Trung Quốc không bao giờ nhượng
bộ. Người Hồng Kông hiểu rằng, biểu tình ôn hòa cũng không thể đưa đến
sự thay đổi. Họ không còn lựa chọn nào, ngoài việc đẩy hình thức phản
kháng theo hướng cứng rắn hơn.
Một kênh truyền thông của Mỹ đã kể về
“những lá thư cuối cùng”, trong đó giới trẻ Hồng Kông thể hiện những tâm
tư lo nghĩ, nhưng cũng biểu hiện lý tưởng mạnh mẽ: “Ba, mẹ, khi ba mẹ
tìm thấy thư này, có thể con đã bị bắt, hoặc bị chết. Con đã luôn nỗ lực
để trở thành người con xứng đáng của ba mẹ, trong học hành và công
việc. Nhưng hơn thế nữa, con muốn trở thành một người có lương tâm, chứ
không phải là một kẻ hèn nhát ích kỉ”. Một người trẻ khác để lại lời
nhắn nhủ cho cha mình khiến ai nấy nghẹn ngào: “Cha à, khi con đi rồi
cha hãy chăm sóc bản thân cho tốt, và cha nhớ ăn đúng giờ”.
Văn hóa của người Hồng Kông ngày nay là
sự giao thoa giữa văn hóa Trung Hoa truyền thống và văn hóa tự do Tây
phương, trọng tình thân và trọng tự do. Trong trận chiến vừa qua, các
bậc cha mẹ của những người trẻ Hồng Kông cũng lo lắng và sợ hãi, nhưng
thế hệ trước đã chấp nhận để cho thế hệ sau của mình được thực hiện
những gì mà họ tin là tốt đẹp cho thế hệ kế tiếp.
Vùng đất nhỏ bé Hương Cảng đang phải đối
diện với một lực lượng độc tài toàn trị có sức mạnh khổng lồ. Người dân
ở mảnh đất này đã dốc sức cho một trận quyết tử. Hồng Kông có vị thế là
một thành phố quốc tế vì vậy chính quyền Trung Quốc đã không dễ dùng
thủ đoạn tàn độc như ở Đại lục. Nhưng trong trận chiến này, họ đã trải
qua những thương tổn không sớm xóa nhòa.
Cuộc chiến sinh tử tại Hồng Kông có thể sẽ mãi lưu truyền, bởi những khát vọng tự do của một lớp người trẻ!.
No comments:
Post a Comment