Saturday, August 14, 2021

Sống Chung - Khuyết Danh


Buổi sáng ngày đầu open khá đầy đủ những khuôn mặt thân quen . Có điều bữa nay không vui như mọi lần. Không khí có vẻ nặng nề. Ai cũng lo lắng chuyện VN. Chuyện ở xứ tây xứ tàu còn bán tín bán nghi chớ còn chuyện xảy ra ở xứ mình nó rõ ràng vì ai cũng thân nhân ở đó. Những cái chết của những người còn khá trẻ khiến mọi người kinh hoàng. Buồn thay nó là chuyện có thật , không phải fake news nữa. 

Bà con bên đó cũng rên la vì cái cảnh ngăn sông cấm chợ giăng dây... và cứ nghĩ hai tuần rồi hai tuần nữa là hết . Đám tụi tui bên đây năm ngoái cũng nghĩ vậy. Cũng nghĩ ba tháng giới nghiêm là quá đủ. Khi hết locked còn đặt vé đi chơi vào năm 22 vì đã được chích ngừa. Ấy vậy mà hy vọng trở lại bình thường coi bộ tiêu tan... cái con virut ngày càng tinh khôn. 

Bữa cà phê hôm nay có anh H, còn khá trẻ. Anh làm cho một công ty, sau khi lấy vợ mà chị này có nghề nail. Mới đầu chị làm thuê, sau vài năm thì thành chủ một tiệm. Làm ăn phát đạt , đến nay chị có 2 tiệm. H phải nghỉ việc ở công ty để phụ vợ trông coi tiệm thứ hai. Mỗi sáng sớm anh và chị phải lái xe đi rước thợ , vì tiệm của anh chị làm đều ở ngoại ô Melbourne. (Đi khoảng 100 km ). Tui có lần đến sơn sửa chút đỉnh. Tiệm lộng lẫy, khoảng 10 ghế spa mỗi tiệm. Dĩ nhiên thu nhập rất khá. Mỗi ngày kiếm vài ngàn là có thể.

Năm ngoái và năm nay, anh chị đều lỗ . Chính phủ có trợ giúp và chủ cho thuê cũng giảm giá tiền thuê nhưng vấn đề là .... thợ. Không có thợ đủ theo quy mô tiệm lớn. Nhiều thợ nữ có con nhỏ, họ chọn cách ở nhà dù túng thiếu vì họ sợ dính bệnh. Nguồn nhân lực do người nhập cư giờ không còn nữa. Thêm một quy định mới của chính phủ là cấm trả lương bằng tiền mặt, nếu vi phạm , sự phạt vạ có thể làm phá sản. Đây là phát súng ân huệ cho nghề nails. Trả qua banks thì nhiều phụ nữ không dám  đi làm vì đa số dính dáng trợ cấp hoặc chia sẻ lợi tức với lương của chồng. Anh kể : rất đau khổ nhìn khách đông, chờ đợi , rồi bỏ đi kiếm tiệm khác. Anh giờ đã ngồi bàn làm như công nhân mà không xuể. Tui hỏi giờ tính sao? Anh buồn bã: còn tính sao nữa, phải bỏ bớt một và hai vợ chồng làm một thôi. Vấn đề là hợp đồng thuê shop còn mấy năm nữa, bỏ được cái hợp đồng này cũng tiêu nửa căn nhà.... 

Nếu vào các trang mạng bán máy móc thanh lý,  có rất nhiều vào lúc này. Nhiều chủ doanh nghiệp khai phá sản, ngân hàng lấy toàn bộ máy móc, xe nâng, xe tải mang bán đấu giá. Họ cầm cự được một năm rồi, qua năm nay nữa, chịu không nổi. Thuyền to sóng lớn. Giờ là sóng cuốn con thuyền. Tui e rằng con sóng này đang đến VN và đến mọi ngõ ngách của thế giới trừ TQ. Cổ phiếu TQ vẫn lên chứng tỏ sản xuất ở đấy phát triển. Bây giờ mọi hàng hoá đều mua trên mạng và giá rất rẻ nếu mua trong trang mạng của TQ. ( hàng giao từ TQ, mất cả tháng chờ đợi nhưng giá rẻ lắm). Mua trang mạng TQ cũng có nghĩa là các shop buôn bán quanh ta đóng cửa. Chỉ có Amazon là giàu. 

Gặp thời thế thế thời phải thế. Nhiều doanh nghiệp bên Úc đã uyển chuyển theo cái thời này. Hồi trước tưởng vài lần lockdown là xong, nhưng nay thì phải sống chung với dịch rồi. Các tiệm ăn bây giờ phải làm một khu ngoài trời . Tiệm nào có sân trước hoặc sân sau thì đều sửa chữa để có thể bán ngoài trời. Khách gọi làm nhiều lắm mà tui cũng phải từ chối vì... không có thợ làm. Các tiệm khác thì quảng cáo bán online. Nhiều chủ tiệm nói bán online còn thu nhập nhiều hơn bán cho khách đến tiệm. Nếu VN mở rộng chuyện này, tui ở Úc vẫn mời anh em  VN được tô phở chớ không phải nói suông ( phở ngó ). Rất tiếc khi hỏi thì những tiệm danh tiếng  (như phở Quyền   )vẫn chưa có dịch vụ này.( Úc thì các tiệm nổi tiếng đều có bán online nên lâu lâu người Sydney vẫn đãi người Melbourne được). Úc có uber chuyên mang đồ ăn. Tui bây giờ đi làm cũng khỏi mang cơm, ngồi một chỗ cũng ăn được cơm tấm sườn bì chả trứng hoặc bún bò giò heo nóng hổi từ dịch vụ uber. Trả thêm một hai đô mà không mất thời gian đi tiệm, kiếm chỗ đậu xe và chờ đợi. Mình vẫn làm việc, chừng uber đến giao thì bày ra ăn và làm tiếp. Một giờ làm của tui là 50 đô, dùng online ăn uống tiện cả hai bên. Bây giờ quen rồi, sống chung với dịch được rồi. 

Bà con mình ở VN, cứ nghĩ ráng chịu vài tuần lockdown là hết. Chắc là không, sẽ không trở lại bình thường đâu. Sẽ thay đổi. Chuyện người từ nơi này đến nơi khác sẽ dừng lại. Hãng xưởng sẽ không có thợ. Nhà trọ sẽ không có người thuê. Những dịch vụ ăn theo sẽ không còn nữa. Saigon sẽ không là nguồn ngân sách cho cả nước vì thiếu người nhập cư Saigon sẽ chết . Mà cái đầu tàu nó ngừng thì mấy toa sau làm sao chạy. Công chức phải tinh giản. Chính quyền phải vay nợ và nếu không vay được thì sẽ sụp đổ vì không nuôi nổi bộ máy hành chánh nặng nề lâu nay.  Chỉ được một cái là phe ta giỏi chịu đựng. Đã qua bao cái "chịu" rồi. Giờ " chịu " thêm cái nữa chớ biết làm sao. Cái gì rồi cũng qua mà. ...


Khuyết Danh

No comments:

Post a Comment