Người ta nói rằng, nhìn một đôi trai gái trả tiền trong quán ăn,
có thể biết quan hệ của họ. Nếu người đàn ông trả tiền, thì họ là tình nhân.
Còn ngược lại, đó là vợ chồng. Tôi đã thử làm một cuộc điều tra nhỏ, quy luật
này đúng đến 80%.
Đó chỉ là một dẫn chứng
nhỏ, về sự thay đổi khi 2 con người bước vào một cuộc hôn nhân. Thật kỳ lạ, hôn
nhân – bước chuyển trọng đại và chín chắn của đời người – lại thay đổi từ hành
vi đến bản chất của con người ta nhiều đến thế.
Khi
còn yêu nhau, anh luôn là người đón chị. Không những thế, còn luôn đưa chị về tận
nhà, bất kể sớm khuya. Cưới nhau rồi, chị lặn lội đưa đón con 2 đầu thành phố,
cuối tuần đưa con về thăm ông bà, còn thì ngày nào cũng tự đi, tự về. Mặc dù
anh lái xe thạo hơn, mặc dù 2 người đi làm cùng một tuyến đường.
Khi
còn yêu nhau, chị chăm chút ngoại hình. Không quá điệu đà, nhưng luôn chỉn chu,
gọn gàng, nữ tính. Chị nói với anh: Mẹ em dặn, đàn bà con gái không được xuề
xòa. Cưới nhau rồi, chị trang điểm ăn diện gấp đôi khi đến công sở. Còn ở nhà,
và kể cả lúc ra đường với anh, chị còn dưới cả mức xuề xòa. Có lần ngồi ăn sáng
cà phê ở quán quen trên phố, anh thở dài khi thấy chị mặc nguyên bộ đồ ngủ. Chị
nguýt: Đi với chồng chứ với ai mà phải nhiêu khê?
Khi còn yêu nhau, anh
đến chơi nhà chị, lúc nào cũng có quà. Khi cái kẹo cái bánh cho em trai chị,
lúc chiếc khăn cái mũ cho bố mẹ chị. Chị đến nhà anh, lúc vào bếp rửa chậu bát,
khi lẩn mẩn nhổ tóc sâu cho mẹ anh. Cười nhau rồi, cả mấy tháng trời chị giục
anh sang thăm ông bà ngoại, anh cáo bận, ra hàng bia ngồi cả buổi nói cười rổn
rảng. Mẹ anh thấp khớp đi lại khó khăn, chị vẫn hậm hực vì không phơi giúp mấy
bộ ga gối cho được nắng.
Khi còn yêu nhau, họ
quấn quýt hết giờ hết buổi, mà vẫn thấy ôi sao thời gian trôi nhanh như chớp mắt.
Đưa nhau về rồi, vẫn còn nhắn tin tâm sự đến sáng chưa thôi. Cưới nhau, thời
gian là vô tận, nhưng có những ngày, những tuần, họ chẳng nói với nhau câu nào,
thậm chí cả câu chào.
Những điều trên, tôi
chọn lấy một vài điều chung nhất trong các cuộc hôn nhân mà tôi biết. Bạn tôi, một
cây bút có tiếng ngoa ngoắt trong làng báo, có lần gọi tôi ra nhậu. Anh lầm lũi
uống, hết tới nửa chai mới buông: Chắc tôi bỏ vợ ông ạ.
- Nhưng cô ấy tốt thế
cơ mà? Chính ông lúc nào cũng nói đi nói lại với anh em là có vợ tốt lắm, hoàn
hảo lắm.
- Đó là một áp lực. Cô
ấy không hoàn hảo như thế. Nhưng tôi luôn muốn mọi người tôn trọng cô ấy, yêu
quý cô ấy, vì bản thân tôi đã dành thời gian quá ít cho gia đình rồi. Cô ấy
cáng đáng nhiều. Đã đành. Nhưng càng ngày, cô ấy càng bất mãn với cái danh vợ đảm
mẹ hiền mà xã hội gán cho. Cuộc sống gia đình là địa ngục. Cô ấy không chăm
tôi, cũng chểnh mảng cả chăm con. Cô ấy muốn tự do, cô ấy muốn có cuộc sống
năng động xứng đáng với năng lực mà cô ấy cho là mình có.
Anh thở dài – Cô ấy có
bồ rồi ông ạ.
Có bồ, những chả những
nem, là chuyện bình thường đến mức thản nhiên của xã hội hiện đại. Đến mức, những
ai không có, thường xuyên được nhắc đến như là một hiện tượng đáng được trao bằng
khen và tuyên dương trên báo chí. Nhưng có khá ít người cặp bồ vì những điều mới
lạ, thật ngạc nhiên, rất nhiều người cặp bồ chỉ để thấy lại chính hình ảnh người
vợ, người chồng mà mình từng thương yêu. Một lần nữa, lại hẹn hò, lại đưa đón,
lại dịu dàng e thẹn, lại hào hoa ga-lăng, lại quan tâm chăm sóc, lại thương, và
lại yêu.
Tình yêu đến khi người
ta biết đích xác người ta cần phải yêu như thế nào, dù có kém phần nồng nàn so
với tình yêu thuở ban đầu, nhưng chắc chắn là hiệu quả hơn và vì thế mà khó dứt.
Rồi vì thế, những tờ giấy ly hôn được đóng dấu của tòa…
Vợ chồng bạn tôi, cuối
cùng rồi ly dị thật. Thủ tục nhanh gọn đến bất ngờ. Đến nỗi, họ bước ra khỏi
tòa rồi, mà vẫn còn bàng hoàng chưa tin được mình cũng vừa ra khỏi mười mấy năm
hôn nhân. Hai người, giờ thì không gọi là vợ chồng được nữa, rủ nhau vào quán
cà phê bên đường. Chị bật khóc. Anh cũng khóc. Họ cứ ngồi như thế hết buổi chiều,
chỉ khóc thôi, không nói được gì. Rồi không cầm lòng được, anh cầm tay chị. Chị
thảng thốt khẽ giằng lại, nhưng anh giữ chặt không buông, vậy là chị để im.
Bỗng nhiên anh nhận
ra, cuộc hôn nhân này có thể đã khác, nếu như anh làm như vậy. Nếu như nếu người
kia có gì không đúng, thì người này vẫn sẽ níu tay. Và khi người này níu tay,
thì người kia cũng mềm lòng lại. Có ai bỏ nửa đời để đi tìm mãi những bàn tay mới
đâu. Suy cho cùng, ai cũng chỉ muốn được yên ấm trong một bàn tay mà mình tin
tưởng.
Một bàn tay biết giữ lấy
tay mình.
Trí Minh Hoàng
No comments:
Post a Comment