Má của tui là một bà già nhà
quê.
Tui nói ra với một chút tự hào.
Bởi hai chữ "Nhà Quê" không làm tui xấu hổ hay mặc cảm mà nó là cái
gì thân thương, rung động tuyệt vời khi tui nói tới nó để chỉ về má.
Má tui nhà quê thì đương nhiên
tui cũng nhà quê không sai chỗ nào, chắc như bắp. Nhưng khi tui hỏi con tui:
- Má là bà già nhà quê, không ăn
mặc sang trọng, không trang điểm thật đẹp như những người má khác, má dở tiếng
Anh con có xấu hổ vì má không?
Con tui ôm hôn tui và nói:
- Má đâu có nhà quê, má của con
vẫn đẹp, ăn mặc lịch sự, biết thương người , sống có đạo đức, hết lòng hy
sinh cho con cái. Má là má của con. Má nhà quê thì con cũng nhà quê hay sao?
Ừa hén! Đơn giản như vậy mà tui
cứ tự hỏi mình. Kỳ thiệt.
Hổng biết sao má tui già rất
sớm. Tui nhớ khi tui học lớp nhì, lớp của thầy giáo Lượm thì má tui đã là
một bà già nhai trầu bỏm bẻm. Đầu niên học, má dẫn tui tới gửi cho Thầy:
-Dạ! Thưa thầy, nó là con
Chín. Con gái mà cũng phá lắm đó thầy, thầy mần ơn cứ quánh nó thẳng tay dùm
tui. Tui gửi nó cho thầy, trăm sự nhờ thầy.
(Tui đâu phải tên Chín, tui thứ
chín trong nhà. Nhưng khi tui học lớp bét (Lớp 1 bây giờ) má tui
cũng đem tui gửi cho cô giáo y chang như vậy. Cô vô sổ tên tui là Nguyễn thị
Chín. Và dù năm nào tui cũng lãnh thưởng hạng nhất, tên tui cũng vẫn là Nguyễn
Thị Chín. Đến khi tui học hết lớp trường làng được ra quận Long Thành học cô
giáo Ba dạy lớp Nhất. Cổ kêu" Nguyễn thị Thêm." Tui tỉnh bơ,
tui tưởng cổ kêu ai. Hóa ra cổ kêu mình.
Thế mà cả năm học, tui không bị
ông Thầy đánh. Tui sợ đòn nên siêng học. Lần nào thầy kêu :"Trò nào xung
phong trả bài trước", tui cũng giơ tay. Khi truy bài xong, thầy còn
cho tui đánh mấy đứa không thuộc bài nữa chớ. Mấy thằng chọc tui "Cái đầu trọc
lóc như cái bình vôi, Mẹ ngồi, mẹ ỉa, mẹ bôi lên đầu" hồi học lớp Ba
ngày nào là tui đót thẳng tay. Bây giờ nghĩ lại còn ân hận.
Ông thầy giáo già trường làng
này nổi tiếng nghiêm khắc. Khi không thuộc bài hoặc làm toán sai ổng bắt nằm
dài xuống. Có khi mấy đứa nằm xếp lớp như cá mòi. Cây roi mây thật dài ổng ngồi
trên ghế quất “Trót, trót” xuống mông. Đứa nào khôn nằm sát bên trong. Đứa nào
phá phách, học dở, ổng cho nằm ngoài. Ngọn roi mây thường quất trúng mấy đứa
nằm xa. Đau điếng.
Quỳ xơ mít là hình phạt trò nào
cũng sợ. Mít đã ăn xong, đem phơi khô, lớp vỏ sần sùi khô cứng. Quỳ xuống đau
thấu trời xanh. Mấy đứa bị quỳ, đầu gối lún xuống lủng từng lỗ nhỏ. Vậy mà
không có phụ huynh nào dám đến trường khiếu nại hay phản đối.
Thầy còn hình phạt mà bi giờ tui
thấy ác không chỗ chê. Đứa nào tay dơ hay móng tay không cắt, viết chữ xấu, vở
bôi bẩn là thầy gọi lên kêu chụm mấy đầu ngón tay lại. Thầy dùng một củ mây
ngắn, nhưng gốc rất to. Thầy gõ mạnh vào đầu mấy ngón tay chúm lại. Đó là
hình phạt đau thấu tim. Càng giựt vào né tránh thì thì thầy đánh càng đau.
Má tui nói "Thầy như cha,
thầy khó, trò mới thành người " nên má rất quý trọng thầy cô. Vào ngày
Tết, Mùng Năm Tháng 5 hay Trung Thu má sai anh em tui mang lễ vật đến nhà thầy
cô kính biếu.
Ông thầy giáo Lượm kiêm hiệu
trưởng trường làng có hai người con gái cũng dạy chung trường. Cô Ngẫu dạy lớp
bét (lớp 1), cô Duyên dạy lới tư (lớp hai), cả hai cô đều lớn tuổi mà không lấy
chồng. Cô Ngẫu rất hiền, cô Duyên khó tánh và nóng nảy. Đứa nào lên bảng làm
sai cô tức mình nắm đầu dọng vô bảng đau điếng. Bảng đen ngày xưa có giá chống.
Bảng bị dọng mạnh ngã cái rầm. Cô bắt học trò dựng lại và nếu sai lại đánh
tiếp.
Có lần cô cho làm toán cộng. Anh
Sáu tui ngồi tại bàn đang làm, quên nhớ giữ số hàng chục. Cô Duyên đi ngang ngó
thấy. Cô nắm đầu anh tui dọng xuống bàn một cái rầm. Anh tui gãy hai cái răng
cửa, máu ra lênh láng ướt đỏ cả tập vỡ. Vậy mà má tui nghe báo tin, má lên
trường đem anh về không hề trách cô giáo một câu. Má nói:
- Có vậy mày mới tởn làm
toán cho trúng."
Nhà tui đâu có giàu, ba tui làm
tài xế lái xe cho đồn điền. Ổng lại hào hoa có vợ nhỏ lung tung. Làm trọng tài
đá banh, huấn luyện viên thể thao, Thanh niên Cộng Hòa, Ôi! Ba tui đủ thứ chức
không có lương, tiền bỏ ra phục vụ nước chanh đá lạnh cho đội banh khi thi đấu,
ăn uống ì xèo khi đá xong, rồi giặt đồ dơ của cầu thủ đủ làm má tui mệt thở
hổng ra hơi. Bản tính má tui kính nể và sợ chồng, cực mấy bà cũng làm thinh. Má
tui còn hãnh diện khi chiều chiều ba tui quần sọt, áo thun hiên ngang đi
ra sân bóng đá.
Má tui mắt hơi lé, người ta nói
là lé kim. Người gầy gầy, nước da thật đẹp, mơn mởn không một tí mụn hay nám
hoặc trổ đồi mồi. Giá má tui ở vào thời đại này, o bế nhan sắc một chút bà sẽ
là một mỹ nhân. Miệng má nhỏ nhắn, môi đỏ hồng. Cậu Hai tui nói hồi đó má tui
đẹp nhất trong mấy chị em. Rất tiếc ba tui đẹp trai, có tài tán gái nên má tui
bỏ phố chợ Phước Thiền theo chồng xa xứ.
Cái điều tui thắc mắc là răng cỏ má tui sao di cư ra ngoài biên giới quá sớm. Mới hơn 50 gì đó mà răng cỏ xệu xạo, ngoáy trầu lọc cọc dòm bắt chán. (hổng biết có phải vì vậy mà ba tui có vợ nhỏ không?) . Cứ ngồi một chút là má kéo cái ổng nhổ, nhổ một cái xoẹt đỏ lòm lòm thấy ớn. Có lần tui tò mò, lén má làm một miếng. Úy chu choa quơi! Tui say trầu, mặt mày đỏ kè, người phừng phừng, muốn ói mà không ói, đầu óc quay mòng mòng, té nằm một đống. Từ đó tui tởn tới già.
Ở vườn dưới ba tui dành nguyên
một liếp để trồng cau và trà. Má tui là dân miệt vườn nên cau có trái ăn được
là má tui trèo lên thử. Sau này tụi tui lớn bộn, anh tui thay má làm cái nhiệm
vụ leo cây này. Cứ làm một cái nài là trèo lên tới ngọn. Sau thắt lưng nhét một
con dao nhỏ. Lên tới quày, hái một trái chẻ làm hai là biết cau đã ăn được hay
chưa? Có khi nghi ngờ anh thảy xuống cho má coi. Nếu được thì rạch hai bên quày
cau một đường rồi giựt mạnh thòng dây thả xuống. Má kể ở những vườn cau
nhiều tuổi như vườn của ông ngoại tui, dân leo cau chuyên nghiệp không leo
xuống khi cắt quày mà nhún người lắc mạnh. Ngọn cau đong đưa và tay nài sẽ
chuyền qua cây cau khác.
Ở vườn trên, cạnh gốc chùm ruột
ba tui làm 4 gốc trầu vàng cho leo lên một cái trụ làm bằng rễ những cây bằng
lăng thật to. Những lá trầu vàng óng dưới nắng mai, má tui hái để ăn và để chị
tui đem ra chợ bán.
Ba tui không thích má tui ăn
trầu. Đương nhiên rồi. Ông đẹp trai, phong độ, trẻ trung mà má tui ăn trầu bỏm
bẻm ra đường làm sao xứng. Có một lần ông lên tiếng về tật ghiền trầu của má.
Hình như lần đó hai ông bà cãi nhau. Ba tui đem chuyện ăn trầu ra
làm đề tài chọc má tui nổi giận. Ông chê dơ, mất vệ sinh, thẩm mỹ. Ông
thách má tui bỏ trầu. Má tui hứ một cái rõ to và tuyên bố:
- Tui sẽ bỏ cho ông coi.
Vậy mà má tui bỏ trầu thiệt, cái
rụp, ngang xương, oai hùng. Bà từ giả ông thần vôi và mấy lá trầu vàng, cau
xanh bắt mắt. Má để bộ ống ngoáy 10 Thông tặng nằm hiu quạnh trong cái
giỏ trầu bỏ ở góc nhà. Ba tui chờ hoài không thấy má tái xuất giang hồ, kết
thân lại với ông thần vôi. Ông đành xuống nước làm hòa. Ông phải tự thú:
- Má mày lớn gan thiệt"
Má tui không thích se sua. Bà ăn mặc đơn giản, khi
giàu tiệm lớn có ba tăng bán rượu thời Tây, hay nghèo bán buôn qua ngày, có
tiền hay không tiền má tui cũng sống y như vậy. Cái áo túi ngăn ngắn, hai cái
túi to tổ chảng, nắp túi đụng tới đầu vú. Mỗi lần tui cần lấy gì trong túi áo
là tay tui chạm ngay đầu vú má tui mềm mềm. Có khi tui bóp một cái chọc má tui
chơi. Má la lên:
- Tổ cha mày, con chó
con. Rồi bà cười hề hề thương yêu
Khi tui lớn rồi, có chồng con,
thỉnh thoảng thương má quá, tui cũng thò tay vào áo mò vú má. Cái vú teo nhách
còn chút xíu, hai cái núm vú mềm mềm, vậy mà măn vú má thấy cũng thiệt phê.
Những lúc ấy tui thấy mình sung
sướng lắm như trở lại thời còn bé. Tui ngụp lặn trong cái ngất ngây của
tình mẫu tử mà quên bao nhiêu đắng cay truân chuyên đã đổ xuống đầu mình.
Má tui không có học nhiều, bà
chỉ biết đọc biết viết để ghi sổ nợ. Cái sổ bán chịu của má tui chỉ có bà mới
đọc được thông suốt. Lâu lâu bà sai anh em tui sang dùm qua một sổ khác, những
lần đó phải có má đứng bên để thông dịch những ám số của bà. Cuốn sổ sang qua
đó để anh em tui đi đòi tiền dùm, còn sổ chính đích thân bà giữ.
Có một điều tui cúi đầu bái phục
má tui. Má tính nhẩm không ai qua mặt. Hàng hóa bán trong nhà, mỗi thứ mỗi
chút, giá cả lung tung loạn xị cả lên mà má tui nhớ đâu ra đó. Bà lấy bán
rồi tính một loáng là xong. Tụi tui đôi khi không tin, lấy giấy ra ghi ghi,
chép chép, tính tới tính lui, khi đọ lại đúng là con số má tui đã ra.
Má tui trúng thầu mua hột mỗi
khi tới mùa hột cao su rụng. Bà lúc nào cũng tin hai bên vai vác làm chứng cho
mình. Bà hay nói với những người giúp việc: "Mình làm điều gian dối, tham
lam thì trời biết, đất biết hai bên vai vác sẽ biết, nên khi đong hột không
được ăn gian lắc thùng mà phải đong sòng phẳng cho họ"
Khi mua đã đầy xe tải má tui chở
lên Sài Gòn giao cho hãng lớn, bà mua sĩ nước mắm tĩnh và lấy hàng về bán. Lúc
đó nhà tui rộn rịp với những món hàng rẻ lấy từ hãng gốc về bán lại. Tui mê
nhất là má mua thịt heo quay, bánh mì và dưa hấu. Trời ơi! một tay cầm khúc
bánh mì Sài Gòn nóng hổi, tay kia cầm miếng thịt có da heo quay giòn rụm. Tuổi
thơ của tui thiệt ngon và béo hết biết. À còn dưa hấu nửa chứ. Cứ chọn trái nhỏ
nhất, cắt mặt dưa và lấy muỗng múc ăn. Vừa ngon, vừa ngọt mát tới tận tim gan
phèo phổi.
Hết mùa hột, má làm bánh
tằm bì, bánh ú, bánh tét, xôi, bắp. Má cho chị em tui tập buôn bán. Hai chị em
tui mang hai cái mâm đi vòng trong xóm. Lần nào thằng út cũng bán sạch trơn.
Còn tui hổng có duyên buôn bán nên lần nào cũng còn. Thằng em lại dẫn chị đi
bán dùm rồi hai chị em dẫn về khoe má.
Tui thương nhất là hình ảnh má
tui đi mua gom tĩnh, những tĩnh nước mắm đã dùng xong. Tĩnh nặng lắm, trời ban
trưa má gánh về đòn gánh cong xuống trên vai má. Mặt má đỏ rần vì nắng và đầm
đìa mồ hôi. Nghĩ lại thương má đứt ruột.
Vậy mà sau 75 đổi iền, má tui
như từ trên trời rơi xuống. Bà tính hoài không ra. Hai đợt đổi tiền ở miền
Nam đã xoay cái não má tui quay mòng mòng. Đi chợ hay mỗi khi tính tiền má
tui ngồi tính toàn bằng tiền VNCH rồi tắt tịt.
-Sao kỳ quá vậy ông. Sao tiền
xài như giấy lộn. Làm sao mà tính hả ông? Ba tui nói với má:
- Bà tính tiền cũ làm chi cho
mệt. Cứ trả theo tiền bi giờ là xong..
Nhưng má tui không quen tính như
vậy, bà tính cứ lộn hoài nên cuối cùng ba tui đành làm thủ quỹ trong nhà. Ông
nói:
- Thôi bà để đó tui lo. Bà mà tính một hồi bà dám vào dưỡng trí viện Biên Hòa lắm đó.
Từ đó má tui dẹp buôn bán, tính toán, an phận làm một bà già nhà quê thứ thiệt. Chuyện tiền bạc ba tui độc quyền giải quyết. Thỉnh thoảng tụi tui đem tiền về biếu, hay chị dâu tui bán trái cây lặt vặt trong vườn má tui dùng để cúng chùa, lì xì cho con cháu,hoặc thích ăn gì gửi chị dâu tui đi chợ mua dùm.
Má tui ít khi nào mang giày dép
khi ra vườn. Má thích đi chân trần trên đất và trên thảm cỏ. Tui nhớ hoài má
tui mỗi khi đi rẫy. Bà không mang dép. Bà nói mang dép vướng víu gánh nặng dễ
bị vấp té.Tui nghĩ hai chân má tui dường như hóa đá nên không biết đau. Trời
nắng chang chang, tui mang dép còn muốn phỏng chân trên con đường tráng nhựa.
Vậy mà má tui đi chân không chạy thoăn thoắt.
Bà gánh đôi quang gióng nặng
trịch đi như chạy. Má nói đi lẹ lẹ lên con, chạy nhanh chân không bị phỏng. Cái
số má tui là số khổ nên bà không khi nào gánh đôi triêng gióng nhẹ. Không
có gì đem về bà cũng ráng chất lên vài gốc củi. Má nói "Nặng nặng để gánh
chạy cho lẹ. Nhẹ khó đi lắm con ơi!" Thiệt là má tui như con trâu kéo cày,
cái ách mang nặng nề mà làm việc vẫn vui.
Người ta dùng hai từ "rẫy
bái" để diễn tả những khó nhọc khi phá rừng làm rẫy. Không kiên trì sẽ bỏ
cuộc ngay. Bây giờ là mảnh vườn cây trái sum xuê, nhưng ngày xưa là rừng hoang,
có cọp có rắn rít và thú rừng, vậy mà má tui vẫn bám đất khai hoang. Những ụ
tre được chất lên từng đống, những ngọn lửa bùng lên, liếm vào đống chà tre,
củi tre kêu lách tách thỉnh thoảng nổ to. Má tui ốm yếu lui cui bên những đống
chà tre đang đốt. Mặt má đỏ lừng bên ánh lửa, cái áo bà ba chằng chịt những vết
hằn mồ hôi muối. Má cầm cái nón lá quạt liên tục cho mát. Miệng la lên:
"Gió! Gió lên, gió lên"
Má là đàn bà má trái tim vững
chãi, kiên cường. Má bỏ hết công sức, tiền bạc để khai khẩn lập vườn. Câu nói
của má mãi mãi tôi không bao giờ quên:
- Con người của má sống
một nhà, thác một mồ. Má lập vườn cất nhà để sống ở đây đến lúc chết. Má không
đến ở nhà một đứa nào. Con ruột thì còn con dâu, con gái thì còn con rể. Má ở
đây không đi đâu hết và sẽ chết trong căn nhà này
Đó cũng là một trong những lý do mà khi liên lạc được với gia đình, em tui không thể bảo lãnh cha mẹ sang Mỹ.
Lúc mới phá rừng làm rẫy, đất
còn mới, mối trùng ụ lên từng cụm. Mỗi sáng bước xuống đất mỗi người phải nhúng
chân vô thau dầu (tui nhớ mang máng gọi là dầu gazon, một loại dầu cặn dùng để
chạy máy cày). Ba tui nói làm như vậy mối trùng không ăn chân. Má tui đi chân
không thì không sao. Còn tui mang giày, dép mà vẫn bị mối trùng ăn lỡ loét thấy
ghê. Nhức và ngứa khóc cả đêm không ngủ được. Má tui lấy thau nước rồi đổ tro
và than đang cháy hừng hực vào thau, bắt tui ngâm chân. Má hái lá thù đủ dầu
nấu cho tui ngâm, ngâm phèn chua, ngâm rượu trắng, xức thuốc đỏ vv..... mà hai
bàn chân tui vẫn lở thấy sợ. Có lần má tui khều trong đó ra những dây dài đo
đỏ. Tui nghĩ là máu kết lại từng dây. Nhưng má tui cương quyết đó là
trùng con và từ đó bà chú ý thật kỹ tui mỗi khi tui xuống vườn.
Má tui có cái tật rất lạ. Ban
ngày bà không mang dép, nhưng buổi tối, tắm rửa xong trước khi lên giường bà
mang dép, giữ chân thật sạch. Bà lau chân cẩn thận bằng cái khăn máng ở cạnh
giường rồi mới vào mùng, tấn cẩn thận để ngủ.
Đừng ai nói má tui nhà quê ít
học không biết lễ nghĩa, phải trái. Má tui là người phụ nữ biết đối nhân xử
thế. Bà vượt lên tất cả những thô kệch, nghèo nàn bản thân để chiếu sáng một
tình mẹ thật vĩ đại vô biên.
Ngày xưa, khi chúng tui còn nhỏ.
Quê tui ở trong vùng xôi đậu. Ban ngày là lính Quốc gia vào kiểm soát. Ban đêm
giao cho nhóm Dân vệ trong làng. Đêm đêm Mặt trận về tuyên truyền, xin thực
phẩm, thuốc men và giao truyền đơn cho dân đi rải. Các anh lớn của tôi đều được
ba má cho lên Sài Gòn học để tránh bất trắc sau này. Nhà chỉ còn hai chị em tui
còn nhỏ nên phải ở nhà với ba má.
Có một lần họ giao truyền đơn
bắt chị em tui phải đi làm nhiệm vụ nguy hiểm đó. Má tui không cho các con làm.
Sáng mờ sương má đi rẫy, dấu truyền đơn dưới lớp đồ dùng lặt vặt. Má rải một ít
theo đường đi xuống rẫy.Lính Quốc gia đi ruồng về sớm. Thấy má và mớ truyền
đơn, các anh dặn : "Má ơi! Thấy truyền đơn đừng có lượm nghen má!.
má đưa cho tụi con đem về quận" Sẵn dịp má tui đưa hết mớ còn lại cho mấy
anh lính rồi đi về. Bà về tới nhà còn mặt xanh dờn vì quá sợ.
Những bà mẹ yêu con đã hy sinh
mạng sống và cuộc đời mình bất kể hiểm nguy. Má tui tuyệt vời như vậy đó.
Má tui chỉ có một thú vui duy
nhất là nghe đọc truyện. Kể từ khi tui đọc được chữ là lúc tui thành người đọc
truyện cho má tui và các bà hàng xóm cùng nghe. Ban đầu đọc chưa chạy chữ, tui
còn đánh vần thì các bà đoán trước rồi chỉnh chữ sai cho tui. Đến khi tui đọc
làu làu thì tui được các bà và má tui cưng lắm. Những truyện Phạm Công Cúc Hoa,
Tấm Cám, Mài dao dạy vợ, Lục Vân Tiên hay Tam quốc chí diễn nghĩa, Tiết Nhơn
Quý chinh Đông, Tiết Đinh San Chinh Tây, Phàn Lê Huê phá vòng vây.v.v là những
truyện má tui mê lắm.
Trong số người nghe đọc truyện có bà Hai. Bà đọc chữ được nhưng vẫn đem sách tới nhà bắt tui đọc. Sách truyện Phạm Công Cúc Hoa của bà đưa không thể đọc dễ dàng. Bởi bà rất ghét Tào Thị nên cứ chữ Tào Thị thì bà lấy nhang đâm lủng lỗ như bà trừng trị con mẹ ghẻ hung ác với con chồng. Mỗi lần đọc những đoạn gay cấn đánh nhau hay mưu lược hại nhau thì bà nghiến răng chửi phụ họa. Những đoạn mũi lòng, tình cảm dạt dào thì bà khóc như mưa. Cái khăn vắt vai dùng để chùi cổ trầu ướt nhèm nước mắt.
Nói sao cho hết những chuyện của má tui. Những
chuyện bình thường, lặt vặt mà sao với tui nó quý quá chừng. Những kỷ niệm hai
mẹ con đi sắn măng trong rừng tre gặp cọp. Chuyện hai mẹ con đi vớt rong lá hẹ
về cho heo ăn, nước chảy siết cuốn tui sắp chết đuối. Chuyện má tui giận ba tui
cạo trọc đầu vì câu hát ngây thơ vô tội của tui. Chuyện má tui giận lẫy anh Sáu
tui không đụng đũa nồi canh chua anh nấu.
Nhưng câu chuyện những tháng
ngày của má tui nơi bệnh viện là hằn sâu trong tui nhiều nhất.
Năm đó tui đang mang thai đứa
con thứ nhì sau khi chồng tui đi tù Cộng Sản về. Nhà tui cách mà cha mẹ hơi xa.
Anh Sáu tui cất nhà trong vườn gần nhà ba má. Lúc đó má tui bệnh nặng mà bà dấu
không nói với ai. Ba tui hỏi bà chỉ nói bị cảm nhẹ không sao đâu. Anh Sáu
tui nhắn tui về :
- Tao thấy má ít ra ngoài, cứ
nằm trong phòng. Hỏi má, má nói khó chịu.
Tui vô phòng má. Rờ đầu thấy má
tôi hơi sốt. Má nói má không sao đâu con. Nhưng tui thấy má tui cứ vài phút là
tuột xuống giường đi tiểu trong cái bô để sẵn trong phòng. Má đi nhiều lần mà
vẫn không tiểu được. Tui đoán má tui bị nhiễm trùng đường tiểu.
Hôm sau tui lại về thăm má. Ba
tui mời một đoàn Phật Tử tới tụng kinh cầu an cho má tui ở nhà trên. Một cô
Phật Tử ( có tiếng dữ hơn bà chằn) xuống trấn an má tui
-Bác Sáu , tụi con tụng kinh,
Bác Sáu có đi thì ra đi cho nhẹ nhàng nghen bác.
Em tui (Thằng em một cha khác mẹ mà má tui chăm sóc từ nhỏ) nghiến răng trèo trẹo. Nó nói với tui:
- Bà này tụng kinh chỉ có quỷ nó chứng chớ Phật nào
chứng. Má mình như vầy mà nói đi với hổng đi nghe ngứa lỗ tai quá. Tụi mình đem
Má đi bệnh viện đi chị.
Thế là chúng tôi đem má đi bệnh viện Bình dân. Ở đây Bác Sĩ nói má tui bị bí tiểu. Họ thông tiểu cho má. Một lương nước tiểu kinh hồn được lấy ra. Má nhẹ đi như hoàn toàn bình phục.
Ít lâu sau, hiện tượng đó lại
tái phát. Lên bệnh viện họ nói má tui bị một bướu nhỏ chận ngay lỗ tiểu cần
phải mổ. Thế nhưng má tui quá yếu, bà chỉ muốn về nhà để chết nên BS bó
tay.
Bác sĩ kêu hai anh tui lại để
hỏi:
- Bà có gì bất mãn không? Sao bà
chỉ cầu chết? Anh tui nói không.
-Bà có ghét ai không? Không. Anh
tui trả lời. Má tui hiền lắm, ai má cũng thương.
-Vậy bà thương ai nhất? Nếu người đó đến khuyên để bà chịu ăn lại sức chúng tôi mới mổ cứu bà được.
-Má tui thương em gái tui nhất. Nhưng
nó đang mang thai, không thể lên đây nuôi bệnh.
Thế là tui quyết định nghỉ làm
lên bệnh viện nuôi má tui. Nhà thương chật chội, ba anh em tui thay phiên nhau
2 người một ca để túc trực chăm sóc. Tui mang thai sau 10 năm nghỉ sanh vì
chồng đi tù Cộng Sản nên má chồng tui không muốn cho tui đi. Thế nhưng chữ hiếu
nặng hơn tui cãi lời mẹ chồng. Tui quyết định phải dùng tâm lý để khuyên má tui
ăn uống cho lại sức để mổ. Tui đến bên má tui vỗ về, năn nỉ, khuyên má cố gắng
ăn thì BS mới cho về và tui mới được về:
- Má ơi! .Má ăn đi má. Má ăn
khỏe lại BS mới cho về, con mới yên tâm về nhà. Má thương cháu thì ráng ăn cho
con khỏi la lết ở đây mất vệ sinh.
Ngày tui chưa lên, má tui cứ trăn trối chờ chết. Lưỡi bà đã rút lại, nói không thành tiếng. Người như một bộ xương khô. Nhưng thương con má tui bắt đầu ăn lại, sức khỏe phục hồi nhanh chóng.
Thời kỳ sau 75 cái gì cũng thiếu thốn. Nhà thương dơ bẩn và đầy những tệ đoan xã hội. Mỗi giường bệnh chỉ cách nhau một lối đi nhỏ xíu. Mấy anh em tui mỗi đêm nằm dưới đất trên lối đi đó, cái đầu nhô ra để thở còn chân phải thọc xuống gầm giường cạnh bịch nước tiểu được thông ra của má. Má thấy con vì mình quá cực khổ nên quyết tâm phải mau bình phục để về nhà.
Đi
nuôi má ở bệnh viện chúng tôi thường là hai người, khi cần anh Tám tui cũng lên
luôn. Một người đi chợ nấu ăn. Khi nấu phải ngồi canh chừng, hở ra một chút là
mất như chơi. Giặt đồ cũng phải ngồi canh kẻo bị mất, phải đi mua thuốc theo
toa Bác Sĩ, phải túc trực chăm sóc, lau người, bóp tay chân, cho má uống
thuốc... Mấy anh em tui bỏ việc nhà để toàn tâm toàn ý nuôi bệnh má.
Tui thương anh Sáu tui lắm. Anh cục mịch, nóng tánh, ít nói nhưng rất thương mẹ. Thường chúng tôi nấu đồ ăn riêng cho má, còn mấy anh em ăn chỉ để sống mà thôi. Mua món gì ngon cho má, tụi tui cũng chỉ dám nói nửa giá tiền. Như vậy má tui mới dám ăn thật tình. Còn không bà chê dở để khỏi tốn tiền mua lần sau.
Có dạo má tui bị biến chứng. Bà run từng cơn, người giật như kinh phong. Chúng tôi đút lót, chạy vạy mới tìm gặp được bác sĩ chủ trị. Ông tới giường, nhìn má tui chỉ một giây rồi đi ra, không nói một tiếng nào. Anh Sáu tui nhào tới muốn thụi ông BS một đấm vì quá nóng ruột. Anh nói ông BS vô lương tâm. Tui kéo anh lại và nói anh đứng canh chừng má, em đi tìm y tá và BS để hỏi má bị gì?. Bác sĩ cho tui một cái toa, bảo ra ngoài mua chợ đen, vì đây là thuốc ngoại, bệnh viện không có bán. Anh Tám tui cầm toa thuốc đi một ngày mới tìm mua được. Quả nhiên, thuốc uống vô má tui dịu lại và bà qua khỏi cơn nguy hiểm.
Cái ống thông tiểu y tá đặt vào
cho má tui không hề thay ống mới. Nước tiểu đầy chất dơ đóng lại bịt kín lỗ
thông. Má tui lại bị bí tiểu trong khi đang điều trị. Anh em tui gọi y tá mấy
lần họ cứ phớt lờ. Cuối cùng đánh liều tui rút ống ra. Hai anh em loay hoay
không biết làm sao tống hết chất dơ bám trong ống để đặt lại cho má. Thương anh
tui lắm, anh dùng miệng để thổi tống chất dơ. Tui tự mình đặt ống thông tiểu
cho má. Từ đó cứ vài ngày là tui rút ống ra, làm vệ sinh và đặt lại cho má tui
ngay trong bệnh viện.
Sau đợt đó má tui về nhà, mấy tháng sau bà lên nhà thương để mổ và sống thêm 4,5 năm nữa.
Má
tui mất vào một sáng mùa xuân. Bà nằm trên giường thiêm thiếp như say ngủ. Tui
ngồi bên giường nhìn má tui đi lần vào cõi chết. Thằng út bò loanh quanh bên bà
ngoại. Nó không hiểu sao hôm nay bà không ôm hôn nó như mọi khi. Ngoài
sân ba tui và các anh đang chuẩn bị mọi thứ.
Tui bồng con xuống. Pha nước ấm với rượu lau khắp người và thay đồ cho má tui. Bộ đồ lụa trắng bà may từ thuở nào mà tui không thấy bà mặc bao giờ. Tui để má tui nằm yên và ngồi một bên cầu nguyện. Má tui ra đi bình an, êm đềm, lặng lẽ như sự chịu đựng câm nín trong suốt cuộc đời bà.
Má ơi! con sông nào rồi cũng trôi ra biển lớn . Người mẹ nào cũng yêu con và hết lòng hy sinh, bảo vệ con mình. Má đã cho con tất cả những gì má có, trong đó có những kỷ niệm tuyệt vời mà con giữ mãi trong lòng cho đến cuối đời.
Con của má sẽ là một bà mẹ hiền,
một bà nội, bà ngoại dễ thương của các cháu. Má là bài thơ tuyệt vời con đọc
hoài mà vẫn thấy hay, là cuốn sách học làm người con học mãi không xong. Con
nhớ mùi thơm của má. Mùi mồ hôi muối mặn nồng và nụ cười móm xọm của má.
Nụ cười từ ái của Đức Phật Quan
Âm.
Nguyễn
thị Thêm
13/5/2023
lối giáo dục tàn bạo dã man (đánh học sinh lớp đến gãy răng) mà xem như chuyện thường để răn đe con nhỏ.... xin đầu hàng, hết chỗ nói, hết thuốc chữa!
ReplyDeletebài đọc này những đoạn viết về cách thầy giáo cô giáo "dạy dỗ" học trò nhỏ thấy muốn ói...
ReplyDeleteCám ơn tác giả, “Người mẹ nào cũng yêu con và hết lòng hy sinh, bảo vệ con mình. Má đã cho con tất cả những gì má có, trong đó có những kỷ niệm tuyệt vời mà con giữ mãi trong lòng cho đến cuối đời.” Con thương yêu và biết ơn mẹ của con suốt đời.
ReplyDeleteBà Mẹ nhà quê của Thêm thật dễ thương, đã hết lòng thương yêu con, thật đáng kính trọng!
ReplyDeleteSương Lam