Tuesday, May 16, 2023

Chặng Đường Quê Hương - Nguyễn Thế Hoàng

 

Chiếc Vietnam Airline đang trên đường bay chặng cuối từ Singapore về không phận Việt Nam. Phi cơ đang trên độ cao lướt đi trong không gian mênh mông chói nắng. Gần 20 tiếng đồng hồ ngồi máy bay tôi cảm thấy bần thần hơi mệt, cố dỗ giấc ngủ trong sự chờ đợi nhưng không tài nào ngủ được, lòng cứ phập phồng nôn nao. Sự nôn nao của kẻ ly hương sau những năm tháng dài trở về quê nhà.


Nhìn qua ô cửa sổ nhỏ ra bên ngoài chỉ là biển mây trắng xóa bồng bềnh trôi. Thỉnh thoảng vẫn nhìn được những lõm màu nước xanh của đại dương bao la bên dưới qua những lỗ hổng của biển mây.

13 năm xa quê chua xót trong niềm đau mất nước, kéo lê cuộc sống nơi đất tạm dung, dù no cơm ấm áo, dù được hít thở không khí tự do, nhưng tâm vẫn không yên, lòng không ổn triền miên như giấc mộng, nhìn lại như đã thấy mới ngày nào.


13 năm rời quê hương khoảng thời gian có khác nào cho 13 năm nằm trong lao tù Cộng sản. Một đàng no ấm tự do, một đàng đói khát, bẩn thỉu, kềm kẹp, chết chóc. Ngày mất nước, tôi cảm nhận cuộc sống đã hết, không còn gì nữa. Thực tế phũ phàng. Từ nay, tôi không còn có dịp để còn đưọc mang lại đôi giày, mặc chiếc áo sơ mi bỏ vào quần, không còn dịp mang cà vạt, mặc veston, và có lẽ sẽ không bao giờ còn được hân hạnh bước chân lên máy bay đi đây đi đó. Mọi người phải buông súng theo lệnh đầu hàng, rồi tan hàng tìm mọi cách để cứu lấy thân. Kẻ lên bưng biền, kẻ về đồng quê tập tành đồng áng, rẩy vườn, con trâu, cái cày. Rồi tất cả đều bị lùa vào tù. Thế là hết. Cuộc sống tự do đã mất, phiêu lưu thãm bại biết bao.


Vậy mà những suy nghĩ ngày xưa bây giờ vẫn còn ray rứt. Với tôi, và những người chạy trước được ra nước ngoài, giờ đây ai ai cũng đầy đủ mọi thứ, còn có thể thừa thãi trong cuộc sống. Trong lúc đó thì người dân trong nước vẫn lầm than, bần cùng, đói rách, bệnh tật từ ngày đất nước đổi chủ đến nay vẫn chưa ngoi lên được trong cuộc sống thê lương, bi đát.

13 năm xa quê hương tôi trở lại thăm nhà. Nói là thăm nhà cho có cách nói, thực ra, tôi chẳng có nhà cửa. Năm 75 giặc đến, nhà cửa tài sản tiêu tùng. Cha mẹ không còn nữa vì những trái phá đạn bom của phía bên kia gởi đến. Vừa vào tù thì gia sự quay lưng đi tìm phú quý vinh hoa. 13 năm tù đày là 13 năm đắng cay tủi nhục dưới sự kềm kẹp của lũ người man rợ. Khi ra khỏi tù, không nhà cửa, không nơi cư ngụ, khởi đầu cuộc sống lang thang, bấp bênh trong sự giúp đở đùm bọc của bạn bè. Ngoài bạn bè thân hữu, tôi chỉ còn người chị ruột duy nhất, tuổi già sức yếu, đói rách, nghèo khổ sống chui rúc trong ngôi nhà tranh vách đất nằm tận sâu vùng quê của một tỉnh miền Trung. Những lần đến thăm người chị, tôi chua xót cho cuộc sống đói nghèo của chị tôi và cảm thấy mình bất lực trước hoàn cảnh. Những năm tháng cuối cùng ở Việt Nam, tôi đã ráng phấn đấu, vật vã với cuộc sống trong mọi tình huống. Được bạn bè giúp đở cho vay mượn, tôi đã đến được bến bờ tự do, làm lại cuộc đời bằng tất cả nghị lực, lòng can đảm, sự nhẫn nại.


Mơ màng trong suy nghĩ những đổi thay, những chặng đời đã đi qua từ lúc mới được sinh ra, lớn lên, trôi nỗi bao thăng trầm, tôi chợt mở mắt nhìn qua ô cửa nhỏ trong lúc máy bay đang lắc lư nhẹ, trụt xuống thấp từng chặng. Bên dưới là những dãi rừng cây xanh mờ mịt tiếp nối nhau. Những con đường nhỏ như sợi chỉ ngoằn ngoèo loanh quanh. 


Khu nhà cửa li ti rải rác. Tôi đang ở trên vùng trời Việt Nam, quê hương tôi chao nghiêng bên dưới qua ô cửa nhỏ. Đất nước thân yêu của tôi qua bao năm cách xa vẫn còn đây, nơi tôi được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong khói lửa, tạo cho tôi cuộc sống không an bình ngày cũ. Nơi đây, quê hương tôi đã thăng trầm trong vinh quang, trong tủi nhục qua 4 ngàn năm lập quốc, đang mở rộng bàn tay đón chào người con xa trở về hoặc giã từ kẻ ra đi. Tình yêu bao la của Đất Nước chan hòa gắn bó từng mỗi con người. Tôi cảm thấy lòng rung động một tình yêu quê hương rạt rào thân ái.

- Úi chà!... có lẽ máy bay đang sắp đáp phi trường Tân Sơn Nhất?


Câu hỏi bâng quơ của người đồng hành chuyến bay như một nhắc nhở. Tôi không đáp lời, quay nhìn anh chàng người Việt Nam có lẽ cùng xấp xỉ tuổi mà từ lúc lên máy bay mải mê ngủ gà ngủ gật. Anh ta cũng về Việt Nam thăm nhà. Tâm tư anh cũng nôn nao sau những năm tháng ly hương mệt mõi. Cùng một thế hệ thì quá khứ cũng tương tự, hoàn cảnh cuộc sống không mấy khác là bao, dễ dàng làm thân. Tôi hỏi anh một câu thừa thãi:

- Anh về thăm nhà?

- Ừa...như anh vậy. 15 năm rồi mới về một lần.

- Ngày trước ở trong quân đội?

- Vâng, đúng thế. Còn anh?

- Cảnh Sát Quốc Gia.

Anh chàng mĩm cười thân thiện:

- Cảnh Sát, Quân Đội là tập thể chiến sĩ VNCH hải ngoại đang nhận trọng trách của Đất Nước giao phó. Hân hạnh được biết anh. Tôi là Thiện.

- Tôi là Hòa, quê tận Phan Rang miền Trung. Anh Thiện ở Saigon?

- Đúng vậy.

Thiện trả lời dáng vẻ trầm ngâm, rồi hỏi:

- Anh Hòa về chừng nào qua lại? Anh đang ở tiểu bang nào?

- Florida. Tôi về vui thì ở, buồn thì qua lại sớm. Tôi không có nhà cửa. Chuyến về chưa một dự định gì ngoài việc thăm bà chị và mồ mã ông bà cha mẹ tôi. Đất Nước mình có gì vui hả anh Thiện? khi mình chưa làm tròn trách nhiệm.

- Đành vậy. Đó là một của những lý do mất nước. 30 năm sau mọi người đã cảm thấy chua xót. Nếu các ông lãnh đạo biết can đảm ở lại chiến đấu đến giây phút cuối cùng và biết hành sự quyền tự quyết thì chúng mình không phải sống lang thang vất vưởng.

Thiện ngừng giây lát, nhìn tôi dò xét:

- Mời anh về với tôi khi nào thấy cần. Tôi ở Saigon. Đừng ngại. Phe ta cả mà. Tôi cho anh địa chỉ.

- Cám ơn anh Thiện. Cũng có thể lắm. Nếu cô đơn quá tôi có thể đến anh. Bạn bè thì cũng đông, nhưng không biết đứa mất đứa còn.

Phi cơ xuống thấp hơn khiến tôi cảm thấy choáng ngợp. Mọi người khóa dây an toàn. Tiếng nói của tiếp viên hàng không vang vang nhắc nhở và thông báo hành khách những điều cần thiết. Tôi dựa lưng vào ghế trong tư thế thoải mái, nhìn quang cảnh quen thuộc của phi trường qua ô cửa nhỏ mà trước đây tôi thường lui tới. Cảnh cũ người xưa tái ngộ. Tôi cảm thấy lòng mình thản nhiên không chút giao động rộn ràng như lúc bước chân ra đi ở Mỹ. Thật sự tôi không có gì nôn nao, lo lắng. Tôi chẳng có người thân đưa đón tại phi trường như mọi người. Chuyến đi về thăm bất ngờ do một thôi thúc nào đó rồi hứng thú mà đi. Lại nữa, cũng không thông báo cho bà chị. Mà có thông báo thì địa chỉ, điện thoại cũng khó khăn. Tôi không có hành lý tay xách nách mang. Chỉ vỏn vẹn chiếc xách tay bằng vải theo người, gọn gàng, nhẹ nhàng như người tản bộ. Phi cơ đáp xuống phi đạo. Mọi người rộn ràng chuẩn bị xuống tàu. 


Khi vào đến phòng khách để làm thủ tục nhập cảnh, tôi và Thiện đến quầy kiểm soát nhập cảnh, chuẩn bị hộ chiếu có đóng dấu visa, làm tờ khai hải quan.

Cầm tờ khai hải quan trong tay tôi loay hoay gần 10 phút để suy nghĩ có cần phải ghi món quà mang về cho đứa cháu con bà chị. Một máy quay phim nhỏ trị giá 500 đô la. Một máy ảnh trị giá 200 đô la. Không biết có phải đóng thuế? Lại nghe nói trên 300 đô la phải đóng thuế. Quà tặng chắc miễn nạp thuế. Tôi quyết định ghi vào tờ khai.

Thiện nhìn vào tờ khai, rồi nói:

- Kẹp vào hộ chiếu tờ 20 đô la là yên chuyện. Nếu không rắc rối đấy.

- Tôi không muốn làm như vậy. Rõ ràng là mình nuôi tham nhũng. Chúng tôi cùng mọi người đứng xếp hàng chờ đến lượt. Tôi quan sát mọi việc. Tôi chú ý viên công an hải quan vẻ mặt thật lạnh lùng, lầm lì, ăn nói bất lịch sự, thỉnh thoảng lại quát tháo vì một vấn đề gì không vừa ý. Tôi thầm nghĩ đến lượt mình thế nào cũng có chuyện. Hay là cứ làm theo lời anh Thiện. Rồi tự nhủ, không được. Chẳng có gì phải lo cả. Đến lượt tôi, viên công an hải quan cầm hộ chiếu và tờ khai của tôi quát lớn:

- Khai cái gì đây... hả?

- Quà tặng cho đứa cháu, chẳng có gì.

Mặt hắn đỏ rần nhìn lườm lườm vào tôi như muốn ăn tươi nuốt sống kẻ đối diện. Cơ cực, trông hắn còn hơn quỷ dữ. Hắn vụt mạnh tờ khai và hộ chiếu của tôi xuống bàn rồi cầm cuốn tập vở nhỏ lật từng trang, từng trang đầy chi chit chữ. Có lẽ hắn đang tìm giá biểu đóng thuế cho 2 món quà tôi khai. Tôi chờ đợi. Mọi người nhìn chòng chọc tôi như một tội phạm. Qua hơn 5 phút, miệng hắn lè nhè, gầm gừ, rồi nhìn tôi bằng ánh mắt soi mói khiến tôi không hiểu hắn muốn gì.

Thiện đứng sau lưng tôi nhắc nhỏ:

- Lấy hộ chiếu kẹp vào tờ 20 đô là yên chuyện. 

Tôi như cái máy vói tay lấy hộ chiếu trên bàn, móc túi lấy tờ 20 đô la để vào rồi để hộ chiếu lại trên bàn. Tôi thấy nét mặt viên công an hải quan dịu lại ngay. Hắn vội kéo hộc bàn, rút vội tờ bạc 20 đô la cho nhanh vào ngăn kéo. Miệng hắn lí nhí một cách tội nghiệp:

- Được rồi, tha đóng thuế. Đi mau đi. 

Nhưng rồi, nhanh như chớp, hắn cầm tờ khai của tôi đọc lại lần nữa. Bỗng hắn ném mạnh tờ khai vào mặt tôi, quát lớn:

- Không ghi địa chỉ đến thì biết đâu mà mò, hả cái anh kia? Dốt thế chứ! Anh ra phía sau xếp hàng trở lại, nhanh lên. Vớ vẩn thế?

Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm danh dự. Nổi nóng, tôi muốn quát to lên rằng tôi không có địa chỉ tại Việt Nam. Tôi không có nhà cửa lấy địa chỉ đâu mà ghi. Vừa thôi chứ. Hãy đối xử lịch sự giữa con người với con người. Tôi cũng là người Việt Nam kia mà. Nổi uất ức sắp bật thành tiếng, Thiện vội kéo tôi đi nhanh ra phía sau. Mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại, vừa tò mò. Thật bỉ ổi nhớp nhúa quá! Một chế độ kiềm kẹp hút máu dân. Hút từ thượng tầng xuống hạ tầng. 20 đô la được chia chác nhiều người cùng đớp. Hằng năm trên triệu người dân Việt Nam nhập cảnh thì số tiền đớp được chẳng phải là nhỏ.


Tôi có chống đối, chưa chắc đã yên thân vì đây là luật lệ của chế độ này đang áp dụng chặt chẽ, sít sao. Cuối cùng tôi phải mất thêm 10 đô la nữa về cái tội không có địa chỉ để ghi vào tờ khai, tôi mới bước qua được cửa khẩu.

Tôi rời bến xe thị xã Phan Rang vào lúc 2 giờ chiều để tìm xe đò về thôn Láng Don cách đây hơn 5 cây số. Từ đó phải lội bộ qua khu rừng nối tiếp các đồng ruộng và nương rẩy hơn cây số nữa mới đến chỗ ở của chị tôi. Tôi cảm thấy người mệt nhoài vì đêm qua ở nhà trọ khu bến xe An Đông tôi không hề chợp mắt cộng với thời gian ngồi máy bay hơn 20 tiếng đồng hồ. Saigon có nhiều thay đổi trông khác đi. Xe cộ, nhất là các loại xe gắn máy tràn ngập. Đời sống thủ đô ngày xưa giờ thật ồn ào, hấp tấp và mang đầy nét giả tạo. Con người như vội vàng, đua chen và lạnh lùng trong từng bối cảnh cuộc sống. 13 năm xa quê hương tôi cảm thấy có nhiều mất mát và chua xót cho nếp sống truyền thống tốt đẹp của dân tộc tôi đang xói mòn. Tôi cảm thấy lòng không được vui, có sự chán chường, có tiếc nuối, có sự so sánh. Tôi chưa làm gì được cho quê hương dù một việc làm hết sức tầm thường nhỏ nhoi. Tôi chưa dám đòi hỏi quê hương đền bù cho tôi những ưu đãi nào. 


Người ta về quê hương với những dự tính nhiều cuộc vui và hưởng thụ. Tôi không mang tâm trạng của kẻ đem đô la về vung vãi để cố chiếm đoạt những lạc thú nhục dục thấp hèn, để sống phè phỡn trụy lạc thừa mứa trên nỗi khốn khổ bần cùng đói rách của người dân đang rộng khắp cùng Đất Nước. 

Tôi cũng có thể thuê xe đi rong nhiều nơi trong thành phố Saigon, vào những nhà hàng sang trọng để ăn nhậu thả giàng, trọ những khách sạn nhiều sao, có gái hầu bao suốt đêm, vung vãi đô la cho người đời nể mặt. Đối với tôi, quán cơm vệ đường, nhà trọ rẻ tiền... vẫn là chuyện hấp dẫn. 


Chiếc xe đò chậm lại rồi ngừng tại đầu cổng thôn Láng Don. Nhìn xung quanh bây giờ nhà cửa được cất thêm nhiều hơn, nhưng nếp sống vẫn như xưa không có gì thay đổi. Mà có chăng là cái đói, cái nghèo đang thường trực. Xóm Láng Don, nơi chôn nhau cắt rún của tôi, nơi tôi được sinh ra lớn lên và trưởng thành trong khói lửa bom đạn, nơi tôi ra đi để vào tù khi tên Sáu Tre bí thư xã ủy xách súng đến nhà chị tôi vây bắt và trói ké tôi dẫn đi sau ngày giặc tràn vào và cũng là nơi tôi ra đi tạm rời khỏi Đất Nước để lánh nạn ở phương trời xa. 


Xóm Láng Don sau ngày đổi chủ được gọi là thôn Láng Don đất rộng, người thưa ở rải rác xen kẻ giữa những đồng ruộng, những vườn rẩy và rừng thưa bao quanh. Nơi đây đã ghi dấu trong tôi vô vàn kỷ niệm vừa êm đềm, vừa khủng khiếp lại vừa hoang mang lo sợ. 

Người trên xe đò bước xuống cùng với số người đang họp chợ chồm hỗm ở đầu cổng vừa nhìn thấy tôi họ trố mắt ngỡ ngàng một vài giây rồi ào đến bao vây lấy tôi thăm hỏi rối ra rối rít như chào mừng đứa con của thôn xóm ngày xưa đã lạc loài nơi phương trời nào nay lại trở về sum họp. 

- Con là tư Chiếu hả? 

Cái tên cúng cơm của tôi đã quen thuộc với xóm làng.

- Đúng rồi. Thằng tư Chiếu đây mà. Con anh giáo Phụng ngày xưa ở bãi Đình đó mà.

- Con là diệt kiều mới dề phải không?

- Con là diệt kiều sao con ăn mặc như thế này hả con?


Một bà lão trông rất quen với gia đình tôi ngày xưa vừa hỏi vừa âu yếm đôi bàn tay nhăn nheo mân mê lên tóc tôi, lên vai tôi tỏ lộ tình người thôn xóm. Thật sự là tôi không có gì se sua trong chuyến về thăm này. Chiếc áo sơ mi ngắn tay bỏ ngoài quần, đôi giày da bạc màu, đầu trần, trên vai mang chiếc xách vải trông chẳng khác nào những lái buôn đi chào hàng.

Bà lão vẫn nắm chặt tay tôi và nhìn thẳng vào tôi bằng đôi mắt hom hem gần như ứa lệ:

- Con ở đâu dề dậy, Mỹ hả con? Con giống anh giáo Phụng ngày xưa quá trời đất! Tội nghiệp cho ảnh. Ảnh "đi" sớm quá!

Một bà già khác gầy còm, đầu bạc phơ, nhai trầu bõm bẽm, gọi tên tôi:

- Chiếu à, má mày ngày xưa là bạn thân với tao đó, mày còn nhớ không? Tao với chỉ hồi đó đã hứa làm xui mà không được. Tại tụi bây không duyên nợ... trất quất cả... Uổng thiệt..!


Nghe bà nói, tôi bổng trực nhớ đến Thắm, người con gái có nước da thật trắng, tính tình vui nhộn, bạn cùng lớp Đồng ấu rồi lớp Năm, lớp Tư... tại trường làng này do ba tôi làm thầy giáo. 7,8  tuổi chúng tôi rất nghịch ngợm. Chơi nhảy dây, đánh đáo, đánh khăng, cút bắt, u mọi... Bên thua phải cõng bên thắng. Tôi phải cõng Thắm những lần trên lưng khi phe tôi bị thua. Những lần như vậy, Thắm dùng hai chân thúc thúc vào hông tôi, hai tay của Thắm nắm hai vai tôi giục giục với giọng rít đanh thép "ép! ép! nhanh lên!" Thỉnh thoảng đang cõng chạy, tôi giả vờ té ngã lên bãi cỏ, hai đứa chồng lên nhau, nằm im, nhìn nhau cười nắc nẻ! Vui đáo để! Chưa hết, tuổi 13, 14 vậy mà tôi và Thắm, cùng vài đứa khác cùng lứa, trai có, gái có, cỗi bỏ hết quần áo, ở truồng đâu thấy có gì mắc cở, nhảy ùa xuống hồ sen lớn trước Đình làng tập bơi, rồi vật lộn nhau la chí chóe, đứa nào thua bị ghìm xuống nước. Tắm dưới hồ, chúng tôi nghịch ngợm đủ chuyện mà không biết e thẹn, cho đó là điều vui lạ thỏa tính tò mò của tuổi thơ nhà quê..

Tôi hỏi:

- Chị Thắm giờ ở đâu bác?

- Nó theo chồng dề miệt lục tỉnh xa lắm con ơi! Nghèo rách mồng tơi, bữa đói, bữa no.


Bà vừa nói vừa chậm nước mắt nhìn tôi trìu mến như đang có một tiếc nuối cho sự mất mát nào đó của ngày xưa... Mọi người vẫn bao quanh tôi, hỏi han, thắc mắc, vừa nói chuyện riêng tư đủ mọi thứ chuyện. Lại có vài người nhìn tôi trân trối từ đầu đến chân, từ chân lên đầu như thể tò mò tìm kiếm những dấu vết gì đó có khác lạ của xứ người mà tôi đang mang về in trên vóc dáng.


Tôi sung sướng lòng tràn ngập niềm vui trước những người đồng hương thôn xóm thân thương. Đời sống họ bình dị, chất phác, hiền hòa, bộc trực, nghĩ sao nói vậy. Đa số nghèo đói, bệnh tật, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đầu trần, đi chân đất, sớm tối bán lưng cho trời, bán mặt cho đất cày sâu cuốc bẩm moi móc cái ăn. Họ chỉ ước mong ăn được no, mặc được ấm, được tự do sống, được thờ phượng, tín ngưỡng theo lòng tin của họ. Lòng họ thật trong trắng, không tranh giành, không hận thù, không ưa chiến tranh chém giết, không mang lòng vị kỷ, gian manh, xảo trá. Tôi thực sự đang đứng giữa lòng dân tộc, tâm tư đang rạo rực lắng đọng tình tự quê hương. Bối cảnh tình người, tình nước, tôi đang ngây ngất nổi lòng trên từng chặng đường giữa quê hương tôi.


Tôi lấy tiền trong túi, rảo mắt nhìn lẩm nhẩm số người trên dưới 30 bao quanh tôi, rồi trao tận tay mỗi người 10 đô la làm quà: 

- Xin cô bác chú dì cậu mợ của con nhận tấm lòng thành của người con xa xóm xa làng trở về. Con cầu chúc quý cô bác an bình trong cuộc sống.


Tôi vẫy tay chào bà con lầm lũi bước vào con đường đất nhỏ dẫn về nhà chị tôi phải hơn cây số, lòng lâng lâng âm vang tình tự dân tộc. Nắng chiều le lói. Bầu trời mát dịu. Con đường đất nhỏ hẹp hai bên là đồng ruộng, là rừng cây xen kẻ những mãng vườn nhỏ, những thửa đất rẩy cằn khô. Vừa đi tôi ngắm nhìn từng cảnh vật quen thuộc đã cưu mang tôi từ tuổi ấu thơ qua những tháng năm cuộc đời phía trước. Gọi Xóm Bãi Đình, nơi đây có ngôi Đình làng thật bề thế, cổ kính, linh thiêng, có vòng thành cao bao quanh, có cổng Tam quan đồ sộ, có cột cờ thật cao nằm trên một khu đất rộng được xây dựng từ thời Minh Mạng nhà Nguyễn, thờ một vị Tướng tài được vua phong Sắc thành Thần để chăm sóc con dân bá tánh trong vùng. Cạnh đó, là ngôi trường làng 3 lớp, nền cao ráo, vách xây gạch vữa rất chắc chắn. Suốt cuộc đời ba tôi đã miệt mài nghề giáo, khai tâm trí những lớp trẻ mới lớn trong các thôn xóm lân cận. Thanh niên, thiếu nữ lớn lên qua nhiều thế hệ tại đây đều là học trò của người từ lớp Đồng ấu, lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba để được đi thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược. Trường có ngôi nhà nhỏ 3 gian riêng biệt dành cho gia đình thầy giáo, trong đó tôi đã mở mắt chào đời. Giặc đến, ngôi nhà đổ nát, ngôi trường cũng đổ nát. Không người trách nhiệm. Không ai lai vãng ghé mắt ban phát ân huệ. Bụi thời gian, rong rêu, cỏ cây phủ kín xóa nhòa những thần tiên tuổi ngọc một thời vang bóng của thế hệ chúng tôi.


Có tiếng chó sủa từ hướng nhà chị tôi. Trời nhá nhem tối. Tôi bước vội vào sân nhà. Thấy tôi, con chó từ trong cửa phóng ra định xông vào tôi làm dữ khi nó nhìn thấy người lạ. Tôi vẩy vẩy tay làm thân với nó. Ngôi nhà tranh, vách đất thấp lè tè, chật hẹp đang tối om, vắng ngắt. Không lẽ lại không có ai trong nhà. Kẹt con chó, tôi đứng tần ngần hồi lâu. Con chó vện ốm tong teo vẫn cố tru mỏ gầm gừ nhìn tôi canh chừng. Nó không còn đủ sức hung hăng để sủa, để cào cấu. Nó đứng không vững, 4 cẳng run run, nhưng nó vẫn cố gắng gầm gừ cố làm tròn trách nhiệm giữ nhà giữ của cho chủ. Nó đang đói lê đói lết mà vẫn ra sức làm tròn chức năng. Tôi cảm thấy thương hại nó với ý nghĩ là phải cho nó ăn cho thật no để thưởng công nó. Tội nghiệp! Nó đáng thương hơn những thứ khác ở cuộc đời này.

Có tiếng chị tôi từ trong nhà nói ra:

- Ai đó? sao không chịu vô nhà?

Tôi mừng rỡ, chạy ùa vào nhà, bất chấp con chó. Nhà vẫn tối om, không nhìn thấy gì cả.

Tôi kêu lên:

- Em đây chị Hai. Em mới về. Chị làm sao đó, chị đau hả chị Hai? Sao nhà tối om vậy?

- Trời! cậu Tư! cậu mới về hả cậu? Hòa ơi! em ơi! Thiệt em về đó hả em?! 

Tôi thấy bóng chị tôi từ chiếc giường nhỏ kê bên trong cùng ngồi phắc dậy tiến nhanh đến phía tôi.

Tiếng chị lắp bắp đứt quãng:

- Em ơi!... em ơi!... em đó hả? Sao không cho chị hay, chị đi đón em... cơ cực... quá thế này!

Chị Hai vừa hỏi, rồi nhìn tôi trân trối, chị nắm tay tôi như để xác nhận thực hư 

- Sao nhà tối om vậy chị Hai?

- Ồ! ồ! để... để chị kiếm diêm quẹt thắp đèn.


Tôi đặt chiếc xách vải lên bộ ván gỗ, nơi mà tôi đã ngồi, đã nằm nhẳn bóng qua nhiều năm tháng. Ánh sáng chiếc đèn dầu lờ mờ tôi nhìn thấy rõ dáng chị tôi gầy hẳn đi. Người chị hốc hác tiều tụy xanh xao. Tóc chị gần bạc trắng. Chị đi chân đất. Quần áo chị đang mặc tồi tàn thảm hại. Nhưng tiếng nói, dáng người của chị so với má tôi ngày trước như đúc khuôn. Tôi nhìn chị là hình ảnh người mẹ thân yêu của tôi đang hiện diện trước mắt tôi. Ba Má ơi! con đã về đây. Con đã trở lại trên khuôn đất cội nguồn ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm mà gia đình mình đã một thời an bình cuộc sống, giờ thì... chỉ còn hai chị em con..!


Chị tôi trở lại ngồi xuống ghế trìu mến nhìn tôi trong ánh mắt sâu thẳm. Chị không nói gì hơn, chị bật khóc, khóc mùi mẫn. Chị đang tỏ lộ tình thương cùng niềm vui đang tràn ngập tâm cang chị, đón mừng đứa em trai ruột thịt duy nhất đã trở về với chị. Tôi giữ im lặng để nguồn vui của chị tôi được thoải mái trong tiếng nấc, tiếng sụt sùi qua nước mắt. 13 năm tôi ra đi từ đây, trong ngôi nhà tranh vách đất này vẫn không có gì thay đổi. Nếu có là cuộc sống lam lũ, đói khát, bần cùng, là chứng nhân của biết bao nhiêu triệu chứng nhân quằn quại dưới chế độ phi nhân.


Nhìn trong nhà, vẫn chiếc giường tre ọp ẹp bên trong cùng. Bộ ván gỗ, một chiếc bàn gỗ tạp trốc sơn, mấy chiếc ghế và đau lòng nhất là chiếc bàn thờ kê sát vách đất giữa nhà trống trơn, bụi bặm, chỉ có võn vẹn bát hương để chính giữa bàn. Nhang tàn khói lạnh. Nơi đó, từng năm tháng dài, chị tôi đã phụng thờ cha mẹ, ông bà, tổ tiên trong gia tộc họ Nguyễn này.

Chị tôi lên tiếng:

- Em về... em có đi nữa không?

- Em ở vài tuần rồi qua lại. Chị an tâm, từ nay em không để chị khổ nữa. Em có phần lỗi với chị rất nhiều.

- Chị nói, em đừng cười. Chị không biết phải làm gì sinh sống. Thời buổi khó khăn quá, đóng góp này, đóng góp nọ quá nhiều, còn sách nhiễu đủ thứ. Mấy năm trước em cho chị chút ít, hơi dễ thở. Bây giờ thì bữa có, bữa không. Trong nhà không còn cái gì để bán mà mua gạo.

Tôi trực nhớ, hỏi chị:

- Mấy đứa cháu đi đâu không thấy hả chị Hai? 

Nghe tôi hỏi, chị lại khóc kể lể: 

- Thằng Thống trong thôn bị bắt đi nghĩa vụ, đóng đâu tận biên giới, mấy năm bị sốt rét rừng chết rồi em ơi. Chết mà không biết xác nó ở đâu. Họ chỉ báo rồi im re luôn không thấy nhắc nhở gì nữa. Chị đâu có tiền bạc mà đi tìm đi kiếm. Mạng người rẻ hơn con kiến. Đành chịu thôi em. Chị buồn chị tủi cho thằng con. Lúc còn sống đi bộ đội tháng nào cũng nhắn về xin tiền, than thở ăn đói ăn cực. Ngày trước đi lính, chết có tiền trợ cấp, tiền tử tuất, được đưa xác về tận nhà chôn cất, được ân huệ này nọ. Bây giờ thì trơ khỉ mốc... khiếp quá!

Chị ngừng lại vì cơn ho, rồi nói tiếp:

- Còn con Huệ thì năm nay đã 30 tuổi, không có tiền ăn học, đi làm thuê gánh mướn trần ai, quần áo không có mặc lành với người ta. Cơ cực quá. Không biết nó nghe lời ai dụ dỗ bỏ nhà trốn vào Saigon gần hơn tháng nay để kiếm chồng Đài loan. Chị nghe thiên hạ đồn đàn bà mình lấy chồng Đài loan nhiều lắm, có tiền xài, lại giúp đở gia đình, sung sướng cuộc đời...

Tôi ngắt lời chị tôi và giải thích:

- Sao chị lại để con Huệ đi như vậy? Chị đừng nghe thiên hạ đồn sai bét. Lấy chồng Đài loan là lấy mấy thằng già khú đế tuổi bằng chị không hơn không kém, lấy mấy thằng tật nguyền đui què mẻ sứt, mấy thằng quê mùa dốt nát, lấy mấy thằng bệnh hoạn kinh niên chó chê, mèo ớn, chứ không phải lấy bọn thanh niên trai tráng mạnh khoẻ, giàu có sang trọng đâu. Bọn chúng lấy được gái Việt Nam mang về nước vừa làm vợ, vừa làm tôi đòi, đầy tớ, chúng hành hạ như súc vật. Biết bao nhiêu đàn bà nghe dụ dỗ ngon ngọt, mùi mẫn, tưởng của béo bỡ sa chân vào, bây giờ dỡ khóc dỡ cười, trốn về nước thì không dám về sợ thiên hạ cười chê xấu hổ, cắn răng đành chịu, có người tự tử, có người bỏ trốn đi ăn xin, nhục nhã lắm.

- Chị đâu có cho nó đi. Nó trốn đi gần nửa tháng nay. Chị đã tìm người thế cái nhà này để có ít tiền cho thằng Thái đi Saigon tìm con Huệ về. Chị cũng làm hết nước như vậy mà không được thì thôi, khổ hay sướng nó ráng chịu, nếu so ra thì cũng còn hơn ở xứ này em ơi.

Chị tôi ngừng nói lại thêm cơn ho sặc sụa, nước mắt nước mủi tèm hem nhầy nhụa. Lòng tôi cảm thấy đau thắt chua xót cho người chị ruột thân yêu đã từng chịu đựng khổ cực, nâng niu lo lắng tôi trong tuổi ấu thơ.

Chị lại tiếp lời:

- Em nhớ không, lúc giặc tràn vào năm 75 thì em đã 30 tuổi rồi, có vợ con, làm việc ngoài tỉnh, đâu gần ba má, chỉ mình chị lo cho ba má. Khi ba má qua đời vì bom đạn, chị vẫn cố bám giữ chỗ đất này cho đến bây giờ. Bám giữ như giữ của hương hỏa. Nhờ có sào đất sau nhà trồng bắp, trồng khoai, lúc được lúc không. Chị và mấy đứa nhỏ ra công làm mướn nhưng ít ai mướn mình vì họ cũng khổ cũng nghèo đói rách tả tơi. Ai có người thân nước ngoài thì may ra dễ thở đôi chút. Chỉ những kẻ có quyền có thế là phè phỡn no cơm ấm cật, của ăn của để thừa mứa. Họ có vô số kiểu bóc lột, ức hiếp người dân. Gia đình chị vẫn có đi làm vậy mà đói dài dài. Họ bắt đóng đủ thứ thuế, nay quyên góp, mai ủng hộ hết chịu nổi nữa em ơi! Không biết tính sao nữa.


Những lời chị nói ra nghe thật chua xót đắng cay quá. Tôi tìm lời an ủi:

- Em thừa hiểu những điều chị đã nói đó chị Hai, mặc dù là em ở xa. Chị khổ và ai ai cũng khổ như chị. Em sẽ đi Saigon vài ngày tìm cho ra con Huệ bắt nó về, tìm công việc cho hai đứa nó làm. Em sẽ cất lại ngôi nhà này trên nền nhà cũ của mình để có nơi thờ phượng ông bà và ba má, đồng thời, em xây mả cho ba má được êm đẹp. Trách nhiệm của em phải lo như vậy và chị cùng chung sức lo với em. Xong công việc em sẽ về bên đó lại. Thỉnh thoảng em giúp chị chút ít để chị bớt khổ cực. Cầu xin ba má phù hộ chị em mình.

Nói xong, lòng tôi nhẹ nhõm, đã san sẻ niềm vui với người chị ruột.

Chị tôi tỏ vẻ vui mừng, chị bảo:

- Lạy ơn trên phù hộ. Chị mừng lắm. Từ lâu chị cần có chỗ đàng hoàng để thờ phượng mà khả năng chị không kham nổi.

- Chị vui không? Em muốn ngày mai làm mâm cơm cúng ba má nhen chị Hai? 

- Ừ, em nói phải. Bây giờ em ở nhà, chị lại đàng này chút xíu.

- Chị đi đâu vậy?

- Chị đi mua gạo. Nhà hết gạo từ 2 hôm qua. Mua gạo làm cơm cho em ăn.

- Chị cầm tiền mua gì thì mua chị Hai.


Chị Hai đi rồi, tôi ra phía sau tìm nước rửa mặt. Các lu nước khô cạn. Bếp núc lạnh tanh. Tôi ra quần áo, xách nước từ giếng đổ vào lu, hốt củi vào nhúm bếp lửa. Tôi muốn tạo không khí ấm cúng tươi vui trong gia đình chị tôi. Tội nghiệp người chị góa bụa đã 30 năm khi ông anh rễ của tôi đã mất tích trong lúc nhảy toán ra Bắc để lại 3 đứa con thơ. Sống chết ra sao, bặt tin bặt tức. Những năm sau đó, nhà có thêm đám giỗ ông anh rễ. Đám giỗ không có thịt cá bánh trái đầy bàn mà chỉ là nhánh chuối, bình bông bẻ ở cây bông điệp ngoài sân, ly nước lạnh với 3 cây nhang vọng trên chiếc bàn gỗ tạp đặt giữa nhà.


Trăng 16 lên rất nhanh. Đêm trăng sáng quá. Không khí đồng quê trong lành mát rượi. Tôi đi vòng quanh nhà bình thản ngắm nhìn từng cảnh vật quen thuộc đã gắn bó nửa đời người phía trước. Kìa là ngôi Đình làng cổ đang ở trước mặt tôi có cột cờ cao ngất, xung quanh dưới cột cờ có những bực cấp. Mấy người thời đó gọi là Việt Minh đem máng lá cờ màu máu có ngôi sao vàng chính giữa khiến cho tôi một phen kinh hoàng hồn phi phách tán khi mấy tên lính lê dương Pháp vào nhà tôi lôi cổ tôi ra chỉ về hướng cột cờ của Đình. Chúng la hét tri trô những tiếng gì lạ hoắc nghe không được. Chúng chỉ cho tôi phải lên lấy lá cờ màu máu xuống. Tôi không dám, sợ mấy ông Việt Minh, liền bị ăn mấy bạt tai nổi đom đóm. Một tên xách tôi ném lên bậc cấp buộc lòng tôi phải giật lá cờ máu xuống rồi ù té chạy về nhà trốn chui trốn nhủi mấy ngày, chỉ sợ mấy ông Việt Minh tới bắt bỏ tù. Mới 5, 6 tuổi mà tướng tá cao ngồng, nên dễ bị để ý, lại còn biết sợ tù thật cơ cực..!

Trước Đình làng là hồ sen lớn nên chúng tôi rất thích thú bơi trong mùa hè. Bên cạnh là những đám ruộng của Đình bỏ hoang, cỏ da mọc dày cứng. Bọn chúng tôi đá banh, chạy đua, cút bắt, u mọi... niềm vui của tuổi ấu thơ rất sung mãn. Những lần thấy người lớn đi xe đạp hồi đó gọi là xe máy tôi thèm muốn chết. Tôi lừa vào ngày nghỉ học, ăn cắp tiền của má tôi chạy một mạch vào xóm Láng Don đến quán hớt tóc chú Tư Bửu có cho mướn xe đạp, tôi mướn một xe đạp đòn dông dắt bộ về đem xuống mấy đám ruộng bên Đình để tập cỡi. Cứ hễ ngồi lên đạp tới là ngã nghiêng, không tài nào đi được, cứ tưởng là dễ. Tập hoài tập mãi mồ hôi ra ướt cả áo, khốn thay sợi dây sên xe bị đứt, không đạp được nữa. Tôi sợ điếng người hồn vía lên mây, tôi cuống quít lật đật đem giấu xe đạp vào bụi rậm không dám hé môi với ai. Về nhà tỉnh bơ, nhưng trong lòng sợ mất ăn mất ngủ dại người ra. Một tai họa đang vây hãm tôi. 2 hôm sau chú Tư Bửu tìm ra nhà đòi xe, tôi bị ba tôi nện cho một trận đòn nên thân. Tôi nhớ mãi lời chú Tư Bửu nói: "Đứt dây sên, con đem ra cho chú nối lại, sao con dại lại giấu xe trong bụi"-Thì ra là thế! Tuổi con nít ở nhà quê thật dại khờ hết nói được.

Chợt có bóng người đang tiến vào sân. Tôi nhướng mắt nhìn thấy quen quen. Tôi hỏi lớn:

- Ai đó?

- Tre đây anh Tư. Anh ở Mỹ mới về hả anh Tư?

A! thì ra là tên Sáu Tre. Hắn là học trò cũ của ba tôi ngày xưa, cùng lớp với tôi. Mới 16 tuổi hắn đã nhảy núi trong lúc tôi đang ra tỉnh học. Mấy năm sau đó, lâu lắm hắn về quy thuận trá hàng rồi tiếp tục hoạt động giữ chức bí thư xã ủy. Ngày mất nước, lúc tôi tạt về thăm chị tôi, hắn dẫn du kích xã đến nhà bao vây, dí súng trói ké tôi dẫn ra huyện với tội danh ác ôn nợ máu phải đền tội. Hắn bới móc tôi nhiều tội, có ít nói nhiều, bày vẻ các đơn nặc danh... nên tôi phải ngồi gỡ lịch 13 năm. Tôi không thù ghét hắn, vì đó là nhiệm vụ hắn phải làm để được ân thưởng, tỏ rõ lòng yêu chế độ của hắn. Gần 30 năm tôi quên đi chuyện cũ. Bây giờ hắn nghe tôi ở Mỹ về, tìm đến làm gì đây? Lại có chuyện gì không hà?


Tôi bước đến gần Sáu Tre vồn vã hỏi:

- Anh Sáu đó hả? Sao anh biết tôi về mà đến thăm tôi đây? Có chuyện gì hôn?

- Tôi gặp chị Hai ngoài xóm, chị nói tôi mới biết... lật đật đến thăm anh Tư. Không có chuyện gì đâu anh. 

Nói xong hắn cười hì hì, cái giọng cười tục tĩu của hắn vẫn không bỏ được. Bây giờ tôi mới nhìn rõ tên Sáu Tre. Trông hắn tiều tụy, ốm tong ốm teo. Cùng lứa tuổi mà đầu bạc trắng, đi chân đất, chiếc quần xà lõn bạc thếch trễ quá rún, chiếc áo thun màu cứt ngựa rách lỗ chỗ, tồi tàn dơ bẩn khác một Sáu Tre của thời quyền uy dí súng trói dẫn tôi đi đòi bắn bỏ. 

Tôi vờ hỏi:

- Lúc này anh Sáu làm ăn khá không?

- Chị Hai ở nhà biết mà anh Tư. Nghèo mạt rệp, chỉ thiếu cây gậy và cái bị để ăn xin.

Tôi vặn hỏi:

- Anh là đảng viên, viên chức nhà nước, ai cũng giàu có, sang trọng được nhiều ưu đãi, sao anh nói vậy?

Sáu Tre thở dài:

- 30 tuổi đảng suốt đời sống chết với tụi nó, khi hết xài chúng nó vứt bỏ như chó ghẻ. Một chế độ vắt chanh bỏ vỏ, đồ khốn nạn, lưu manh, ghê tởm lắm anh Tư ơi!

Nghe Sáu Tre kể lể chửi bới, tôi nực cười, tống cho hắn thêm một phát:

- Tôi cứ ngỡ anh cũng đã là Tỉnh ủy viên, là bí thư tỉnh ủy hay hơn nữa phải là ủy viên trung ương đảng. Nào ngờ... nếu anh còn đeo theo có thể leo lên ghế Tổng bí thư như chơi...!

Tôi cười ngất, nhìn hắn, hắn cũng phụ họa cười theo tôi, miệng méo sệch:

- Không dám, không dám... chuyện ngày trước xin anh Tư bỏ qua cho, đừng để bụng. Tôi làm chuyện đó rồi tôi hối hận. Tôi là học trò cũ của thầy ngày xưa, vậy mà tôi lại có thể làm như thế. Quân Sư Phụ, thầy là cha tôi, tôi và anh là anh em ruột. Bao nhiêu đó đã dằn vặt tôi.

Tôi cười làm lành:

- Tôi không oán hờn anh điều gì đâu anh Sáu. Chuyện gì rồi cũng qua đi, cuối cùng chúng ta chỉ còn cái tình, tình người, tình bạn, thiêng liêng hơn, tình dân tộc. Tôi tin chắc lúc đó anh trói ké tôi, dí súng vào đầu tôi đòi bắn bỏ, tôi nghĩ rằng anh có biết việc mình làm là đúng hay sai. Anh chỉ làm theo bản năng cuồng tín của anh lúc đó. 

Sáu Tre nói như mếu:

- Anh có mạt sát tôi, tôi xin nhận. Vì tôi đã lầm để làm công cụ cho một chế độ phi nhân. Khi thức tỉnh đã không còn cơ hội. Tôi nguyền rủa chúng như một tội đồ đã hủy diệt đời tôi và bao nhiêu người khác.

Sáu Tre im lặng như suy nghĩ một điều gì, hắn lại cười pha trò:

- Anh Tư xem nè, anh và tôi cùng lứa tuổi mà tôi già hơn anh gấp bội. Đời sống của tôi đói rách bần cùng thua anh xa quá.

Tôi cười xòa kéo tay Sáu Tre vào nhà:

- Tôi biết về anh nhiều, tôi chỉ đùa với anh cho vui. Anh là một nạn nhân. Chế độ cộng sản là một chế độ phi nhân. Bây giờ vợ con anh ra sao rồi?

Giọng Sáu Tre nghe buồn thảm:

- 2 thằng trai đi nghĩa vụ, 1 thằng bỏ mạng ở Kampuchea, 1 thằng mất tích ở biên giới Trung quốc Việt Nam năm 79 hay 80 gì đó. Còn đứa con gái thì đi lấy chồng Đài loan, biệt xứ không tin tức gì cả hơn 3 năm nay rồi anh Tư, khốn đốn quá. Còn vợ tôi thì...

Sáu Tre bật khóc:

- Bị ung thư... không tiền chạy chữa... chỉ chờ chết. Tôi tìm người bán căn nhà tranh và nửa sào đất để đưa mụ ấy đi Saigon chữa, mà chưa ai mua. Bó tay chịu chết anh Tư ơi..!

Tôi nghe xúc động hoàn cảnh của Sáu Tre:

- Tội nghiệp chị ấy, phải bằng mọi cách lo cho chị, không lẽ anh ngồi chờ chết hay sao? Anh hỏi vay mượn Nhà nước thử xem.

- Làm gì có chuyện đó anh Tư. Bản thân tôi còn chưa ra gì, thì vợ con có chết có sống đếch ai cần biết đến. Khốn nạn thật..!


Vừa lúc chị Hai tôi về. Chị xách một giỏ xách nặng có đeo theo con gà mái tơ. Thấy Sáu Tre, chị nói:

- Chú Sáu đến chơi ở ăn cơm với chị em tôi. Ngày mai có nấu mâm cơm cúng ông bà, chú rảnh lại phụ tôi một tay, được hôn?

Nghe chị tôi bảo, tôi thấy Sáu Tre mừng húm, cười đon đả:

- Dạ, dạ... ngày mai em đến sớm giúp chị với anh Tư. Em biết chị mua đồ nhiều, em ở lại xách phụ cho chị. Từ ngoài xóm vào đây xa lắc, chị lại già yếu nữa... 

Sáu Tre vừa nói vừa nhìn giỏ thức ăn và con gà trông thèm thuồng. Tội nghiệp cho hắn có khi nào ăn ngon đâu!

Tôi gợi ý:

- Con gà đem làm thịt mời anh Sáu nhậu bữa cho say với tôi. Ngày mai mình mua thêm cặp gà khác nấu cúng, chịu không anh Sáu?

- Anh Tư nói thì tôi phải chịu. Lâu lắm 2 anh em mình mới nhậu chung.

Chị Hai nói:

- Em à! Tội nghiệp cho chú Sáu, từ ngày thất sủng, chú sống lang thang lếch thếch, ai nhờ gì chú cũng làm để có ăn, ăn no về ngủ. Đối với bà con thì chú tốt bụng. Đảng viên, viên chức nhà nước mà tìm cách vượt biên, nhưng cái tội là nghèo xơ nghèo xác, phải chịu thua. Chú đến nhà mình thường xuyên đó cậu Tư, tội nghiệp có gì ăn nấy, có bữa chị đói, chú ấy cũng đói. Mỗi lần chú đến, chị nhờ chú việc này việc nọ. Chú nhắc đến em, và tỏ ra hối hận việc làm ngày trước.

Sáu Tre thở dài:

- Em chấp nhận sống như vậy thấy đời có ý nghĩa hơn. Có chức có quyền hà hiếp bóc lột dân, xa rời dân thì lương tâm không ổn. Em tội nghiệp cho vợ em... nghèo chịu chết! 

Dứt lời Sáu Tre lại khóc tức tưởi.

Chị tôi nhìn Sáu Tre than thở:

- Tội nghiệp! Không còn cách nào cứu thím Sáu. Trời kêu ai nấy dạ. 


Tôi thấy lòng mình thắt lại, đau nhói. Tình người trổi dậy trong tôi. Tôi nghĩ cần giúp đở vợ Sáu Tre. Cứu người như cứu hỏa. Tôi ý thức lương tâm phải hành động, không chờ sự van xin. Tôi hiểu rõ mục đích Sáu Tre đến tôi hôm nay.

Tôi móc túi lấy 500 đô la nói với Sáu Tre:

- Anh cầm tiền này về chạy chữa cho chị, còn nước còn tát, anh Sáu!

Sáu Tre thấy tiền mừng húm, cám ơn rối rít, đứng lên định đi về, nhưng tôi ngăn:

- Khoan về, anh ở lại đây ăn cơm với tôi. Đêm nay anh phải nhậu với tôi cho say để thấy đời có ý nghĩa hơn. Mình còn nhiều kỷ niệm của tuổi thơ để nói. Ngày mai rồi lo cho chị. 

Vui vẻ, xúc động Sáu Tre đứng lớ ngớ, ngọng người không còn biết nói gì hơn. Chị Hai tôi ngồi ngây người nhìn công việc tôi làm, tôi thấy chị tỏ lộ sự vừa ý.

Chị cảm động:

- Em giúp cho chú Sáu là chị mừng cho em. Mình làm phước cứu một người là được phước.

Rồi chị Hai nói với Sáu Tre:

- Chú giúp tôi làm con gà để nấu cháo. 

Chị Hai xách giỏ thức ăn xuống bếp. Sáu Tre dạ một tiếng, tay ôm con gà lon ton theo sau. Tôi nhìn Sáu Tre càng cảm thấy thương hại và tội nghiệp cho anh ta. Lòng tôi tràn ngập niềm vui, ít ra tôi cũng đã làm được việc, đem tình thương đến với nhau giữa con người và con người.


Tôi đứng dậy, vươn vai, bước ra sân. Trăng sáng quá. Bầu trời trong xanh. Hình ảnh quê tôi đẹp dịu dàng, trầm lặng đang thực sự ở chung quanh tôi. Đâu nơi nào trên trái đất này đẹp bằng quê hương mình. Tôi thấy lòng ấm lại, lâng lâng rung động theo hơi thở, nhịp tim, theo từng chặng đường quê hương mà tôi đã đi qua...!!!

 


Nguyễn Thế Hoàng

No comments:

Post a Comment