Loài chó là một tạo vật tuyệt vời Thượng Đế đã ban cho con người, nó có một đức tính mà tự cổ chí kim, ai cũng nhận ra là sự trung thành tuyệt đối. Câu chuyện con chó Hachiko ở Nhật Bản đã làm rung động biết bao con tim trên thế giới. Trong 9 năm liền, ngày nào nó cũng đến nhà ga xe lửa nằm chờ chủ nó đi làm về, nhưng ông đã không bao giờ trở về nhà vì cơn đau tim đột ngột, ông chết tại sở làm. Ngày nào cũng vậy, dù mưa rơi, tuyết đổ, hay nắng hè oi bức, Hachiko vẫn kiên nhẫn chờ đợi chủ cho đến khi nó gục chết vì kiệt sức ở sân ga. Người Nhật đã tạc tượng con chó Hachiko như là biểu tượng của sự trung thành.
Trong xã hội ngày nay, chúng ta có thêm nhiều
loại chó được huấn luyện dể giúp ích cho nhân loại như chó dẫn đường cho người
mù (guide dogs), chó quân khuyển đánh hơi các loại chất cấm, bom mìn …
(detection or sniffing dogs) mà cảnh sát hay quân đội thường dùng, và một loại
chó mà chúng ta ai cũng yêu mến là chó dùng để xoa dịu bệnh nhân bị những biến
chứng về tâm thần được gọi là chó trị liệu (therapy dogs). Như vậy chúng ta có
thể thấy được chó là con vật hữu ích nhất trong những con vật được nuôi trong
nhà.
Gia đình tôi sống trong một thành phố nhỏ
đìu hiu ở tiểu bang Arizona, rất xa cộng đồng người Việt nên bạn bè cũng ngại đến
thăm, vì thế, tôi tìm mua cô cún Sacha về nuôi để có thêm một người bạn 4 chân
dễ thương, trung thành, và chia sẻ buồn vui trong nhà. Chúng tôi có 2 đứa con, nay
có thêm Sacha, đứa con thứ 3, là thành viên không thể thiếu trong nhà. Chúng
tôi vui, nó vui; chúng tôi buồn, nó cũng u sầu. Mỗi khi đi làm về, nó chạy ra đón, vẫy đuôi mừng
rỡ, quấn quýt quanh chân mình khiến quên đi bao phiền nhiễu ở chỗ làm.
Sacha rất tinh khôn và lúc nào cũng dư thừa
năng lượng, nó có thể đọc được nét biểu cảm trên mặt từng người trong nhà và cảm
thông mỗi khi chúng tôi vui hoặc buồn. Khi tôi buồn bực, nó sán lại gần, nằm kế
bên, dụi đầu vào lòng cho đến khi nhìn thấy nét mặt tôi tươi lên, nó mới bỏ đi.
Trong nhà có tin vui, nó cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc, nó chạy lăng quăng
từ chân người này đến người kia với đôi chân thoăn thoắt vui tươi. Mỗi lần tới
giờ ăn, đôi mắt nó sáng lên mừng rỡ và nhẩy nhót không biết mệt, rồi chạy lại
cái tô đồ ăn của vợ tôi đặt trước mặt nó. Cứ như thế, Sacha dần dần chiếm lĩnh
trái tim và nhẹ đi vào tâm hồn chúng tôi từng ngày, từng giờ một cách tự nhiên
như ánh sáng cần bóng tối để ban ngày hiện hữu và ban đêm ngự trị.
Con cái còn có lúc làm cha mẹ buồn lòng
nhưng Sacha thì chưa bao giờ. Có bữa, cô ta không khỏe, lỡ làm bậy trong một
góc nhà, trên sàn gỗ mới tinh thợ vừa làm xong; giận quá, tôi kêu nó đến, đầu nó
cúi gằm, đôi mắt cụp xuống vẻ ăn năn làm lòng tôi mềm lại không nỡ la mắng nó.
Dầu sao cũng phải daỵ cho nó hiểu. Tôi kéo nó đến gần “hiện trường”, dí mõm nó
xuống, lớn tiếng mắng “no, no, and no”. Từ đó về sau, Sacha không bao giờ tái
phạm nữa.
Vợ tôi và đứa con gái chăm sóc Sacha từng
chút một, mua cho nó những bộ quần áo thật xinh, sắm sửa giường nệm mùa đông để
giữ cho nàng ấm áp. Thằng con trai lo tắm rửa và đánh răng, đưa nó đi bác sĩ
thú y theo định kỳ. Tôi hay đưa nó đi xén lông, hớt tóc 3 tháng một lần vì Sacha
là giống Yorkie, lông xù và dài ra rất mau, nhưng đặc biệt lông không bao giờ rụng.
Bản thân tôi chẳng bao giờ tốn một xu hớt tóc cho mấy cô thợ cạo vì chẳng còn …
tóc để cắt; nhưng riêng Sacha, mỗi năm tôi phải trả vài trăm để làm đẹp cho cô
nàng. Mỗi lần từ “thẩm mỹ viện” về, cô nàng đeo cái nơ đỏ hồng, tóc tai chải mượt
mà, người thơm phức, rất đáng yêu.
Tôi thường hay dẫn nó đi bộ bên ngoài để
không bị cuồng chân, được tắm nắng, và có dịp ngắm cây cỏ, trời mây, được đi dạo
trong rừng, Sacha càng vui thích hơn, 4 cái chân nhỏ nhắn tung tăng reo vui
trên đường đầy hoa vàng. Sacha không nói nhưng hiểu được hai ngôn ngữ vì 3 cha
con tôi nói tiếng Mỹ với nó, còn bà xã nói tiếng Việt, vậy mà nàng ta nghe và
hiểu được hết.
Thoáng một cái mà Sacha đã sống với chúng
tôi vui vẻ, hạnh phúc được 14 năm. Năm ngoái, đứa con gái đi làm xa, thằng con
trai còn đi học nên vẫn ở với chúng tôi. Dạo này Sacha có vẻ chậm lại, hình như
nó già đi và hay ho hen. Chúng tôi đưa
nó đi khám bệnh, chích thuốc, giải phẫu cái răng sâu nhưng cũng không thấy khá
hơn, cơn ho kéo dài và nhiều hơn, tôi nghe nó ho mà xót ruột, đau lòng như thấy
đứa con đau ốm.
Mùa hè đang đến gần, gió mang hơi ấm ngấp
nghé tràn về thung lũng, cây cối xanh tươi, hoa lá đâm chồi, nẩy lộc, chúng tôi
hy vọng Sacha sẽ bớt ho. Tiện dịp có mấy người bạn bay qua thăm, chúng tôi đi
hiking lên núi và dẫn Sacha theo, nghĩ rằng được ra ngoài hít thở không khí
trong lành, nó sẽ khỏe hơn. Tôi nắm sợi dây dẫn nó đi, Sacha vẫn chạy nhảy tung
tăng phía trước dáng nhanh nhẹn, khỏe khoắn.
Đang đi lên một cái dốc khá cao, chợt sợi
dây ở tay tôi thấy nặng, quay lại, tôi thấy Sacha nằm lăn quay, thở hào hễn,
tôi vội cúi xuống bế nó lên tay và kiếm bóng mát ngồi nghỉ. Vợ tôi cho nó uống
nước, ăn loại bánh mà nó thích. Lạ quá, nó không ăn mà cũng không uống được
chút nước nào. Chúng tôi ngồi nghỉ 10 phút để Sacha lấy lại sức, lúc đó nó mới
chịu ăn và uống một chút.
Chúng tôi quyết định cắt ngắn chuyến hiking
và quay về. Dọc đường, chỗ nào khó đi, tôi bế nó trên tay, khi xuống tới chỗ đậu
xe, Sacha đòi nằm nghỉ thêm một chút. Tôi thoáng lo lắng nhưng tự trấn an, chắc
hôm nay nó bệnh. Về đến nhà, nó sẽ vui chơi và khỏe lại bình thường.
Ba ngày sau, Sacha trở bệnh nặng, ho nhiều
hơn, hơi thở ngắn, và biếng ăn; thằng con trai đem đi bác sĩ khám và cho toa
mua thuốc, nó đỡ ho hơn một chút. Sáng nay, nó chợt trở bệnh nặng hơn, không muốn
ăn, đôi mắt lờ đờ không còn tinh anh như trước. Nó nằm lặng im, vợ tôi đem nó
ra ngoài cho đi tiểu, nó cũng không muốn nhúc nhích, cứ nằm im một chỗ, cặp mắt
u buồn nhìn chúng tôi như muốn nói điều gì.
Vợ tôi bế nó vô nhà, vừa đặt xuống, nó ói
ra máu. Thằng con trai lấy khăn bọc lại và ôm nó lên xe chạy đi cấp cứu. Đến
nơi, bác sĩ khám xong, lắc đầu, cho hay nó già rồi, lại bị trụy tim (heart
failure), và ngạt thở vì xuất huyết bên trong, không có thể làm gì được nữa.
Sacha lịm dần đi trên giường bệnh, thở hắt ra rồi ra đi mãi mãi.
Thằng con trai tôi vốn là lính Thủy Quân Lục
Chiến mà cũng đứng như trời trồng, hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Nó gọi
cho tôi hay, qua phone, tôi nghe tiếng nó nức nở đứt đoạn; ở nhà, cả hai chúng
tôi cũng không ngăn được giòng lệ, một nỗi buồn thương ghê gớm như vừa mất đi một
đứa con. Tôi dặn con trai phải bình tĩnh khi lái xe về nhà, đừng xúc động thái
quá; nó phải để Sacha lại cho bác sĩ lo việc hậu sự. Gọi cho đứa con gái ở xa,
nó cũng nức nở khóc thương Sacha, nó luôn miệng trách chúng tôi không lo lắng tận
tình.
Thật là đau lòng và không dễ dàng chút nào
khi chứng kiến một sinh vật mình yêu thương biết bao, nay vĩnh viễn mất đi. Thằng
con trai từ nhỏ đến bây giờ, nó chưa hề trải qua một cuộc chia ly nào, chưa từng
cảm xúc, hoặc chứng kiến một thành viên trong gia đình mà nó yêu thương tha thiết
nay phải lìa xa mãi mãi. Mắt nó đỏ hoe suốt dọc đường lái xe về nhà. Cả ngày,
chúng tôi im lặng nhìn nhau, không ai nói một lời, không khí bao trùm một màu
thê lương, buồn thảm. Ai nấy tự dành cho mình một khoảng trống thinh lặng để
thương nhớ Sacha, nhớ đứa con, đứa em yêu thương giờ không còn gặp nữa. Niềm
đau len lỏi vào tâm can, căn nhà như trống vắng hẳn đi khi không thấy Sacha chạy
nhảy hay cào cửa đòi ra ngoài.
Mấy ngày nay, đi ra đi vô, nhìn thấy 2 cái
chén ăn cơm, chén uống nước, sợi giây dẫn Sacha đi chơi, ngăn đựng quần áo của
nó mà chúng tôi mới thực sự thấy một sự trống vắng to lớn, thiếu vắng đi một đứa
con yêu thương. Nhìn cái sofa Sacha hay nằm mỗi ngày, cũng nhớ. Nhớ mỗi sáng, cửa
phòng vừa mở, nó đã đứng chờ trước cửa từ bao giờ, đôi mắt đen to tròn mừng rỡ
như muốn nói “chào bố mẹ”. Hai đứa con chúng tôi đã lớn, hình như đã quên điều
đó, nhưng Sacha thì không; ngày nào nó cũng chào đón chúng tôi bằng ánh mắt yêu
thương không bao giờ mệt mỏi, bằng cái vẫy đuôi mừng rỡ rất chân tình. Hỏi sao
chúng tôi không đau lòng xót xa khi nó bỏ chúng tôi ra đi.
Mấy ngày sau, đứa con trai hỏi tôi lý do
nào mà năm đó tôi đem Sacha về nhà, vì đây là một trách nhiệm rất lớn khi phải
nuôi nấng và săn sóc cho nó. Tôi trả lời cha mẹ nào cũng muốn con cái mình vui,
nên tôi tin sacha sẽ là một niềm vui, hạnh phúc cho các con. Nó nhìn tôi một hồi
lâu và nói con thành thật cám ơn ba má đã cho con một thời gian dài sống vui và
được săn sóc Sacha và cũng cho con biết thế nào là niềm đau của sự phân ly.
Vĩnh biệt sacha, con ra đi bình an, chúng
tôi ở lại với nỗi đau thương sâu thẵm trong lòng và giòng lệ lặng lẽ trong tim.
Nguyễn Văn Tới 5/2023
Cô cún nhà Brandon thật là có phước, sống được cả nhà cưng yêu, chết còn được giữ lại tro cốt, lại còn được chủ viết bài tưởng niệm.
ReplyDeleteHồi trước chị cũng có nuôi hai đời giống chó Maltese Terrier này. Cũng cưng lắm, cho chúng ăn đồ VN của mình, tới chừng cho ăn đồ ăn chó, không đứa nào chịu ăn. Tới chừng tụi nó chết, cả nhà khóc buồn cả tuần lễ. Khổ lắm nên về sau không dám nuôi nữa.
Cám ơn Brandon chia sẻ.
TK
Đúng vậy chị TK ơi. Người bạn an ủi nói đừng buồn, nuôi con khác. Em không dám nuôi vì sợ lại có cuộc chia ly nữa.
ReplyDeleteco tui nua ! con NAM THAN kali cung moi vua pass away tuan roi . Tu nay khong dam nuoi con gi nua nuoi riet roi coi no nhu con cai trong nha. Buon chet duoc
ReplyDeleteCám ơn tác giả Nguyễn Văn Tới chia sẻ câu chuyện thật cảm động về Sacha, thú cưng đươc gia đình anh chị hết lòng thương mến chăm nuôi, vừa từ giã cõi đời. Buồn quá!
ReplyDeleteHồng Thúy
Những người không có chó không thể hiểu tại sao mình thương chó như con và đối đãi nó như đứa con thật sự. Theo kiểu bình dân, họ nói mình "mắc nợ " chó. Khi mình ôm con chó vào lòng tim mình tràn ngập yêu thương như ôm một đứa trẻ. Có nhiều giao tiếp giữa chó và người lắm, nhưng bằng một cách khác thôi.
ReplyDeleteCon chó mi ca của tôi khi bà xã tôi chợt nhận ra mộ nó không chịu về tội nghiệp lắm mấy thằng mấy thằng này nó sống buồn vì lúc bà còn sống bà thương yêu nói lăm ôm trong lòng và cho ăn dẫn đi chơi suốt ngày nó quanh quẩn bên bà như hai Mẹ con
DeleteXin chia sẻ nỗi đau buồn của anh Tới và gia đình về sự ra đi của Sacha....10 năm trước gia đình chúng tôi cũng trải qua sự mất mát đau lòng khi Funny 13 tuổi ra đi..Cháu nội tôi 16 tuổi khóc sưng cả đôi mắt vì Funny vừa là bạn vừa là em của chảu nội tôi vì cháu đơn độc không có anh em......
ReplyDelete