Quê ngoại tôi ở Ninh Bình. Ông bà ngoại tôi được ba người con:người con gái lớn tên Kinh, chúng tôi gọi là bá, lập gia đình sớm, rồi theo chồng vào Nam. Bà mất năm 1947 tại Saigon. Người con thứ hai là bác Sử, cùng học trường Bưởi với cha tôi. Mẹ tôi tên Truyện, là con gái út. Tôi thường thắc mắc, tại sao mẹ tôi không có một cái tên đẹp, nhưng khi xếp tên ba người, KINH, SỬ,TRUYỆN, là tên các sách mà sĩ tử ngày xưa phải học để đi thi, thì tôi hiểu ngay dụng ý của ông ngoại: cụ muốn các con theo đòi nghiên bút. Không may,ông tôi mất sớm, bà tôi bệnh, nên bác Sử, dù rất giỏi, đành phải đi làm sau khi học xong trung học. Bác ở lại ngoài Bắc, có vào thăm cha mẹ tôi sau 1975, và qua đời năm 1988. Bá và mẹ tôi thời đó, chỉ được học tới khi đọc thông, viết thạo, là phải nghỉ để lo việc nhà.
Mẹ tôi chịu khó đọc sách, thơ, văn, ca dao ,bà thuộc rất nhiều. Bà ru tôi bằng Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán, bằng những bài thơ mà hơn 60 năm sau, còn nhớ :
Đêm khuya, ta ngủ trong màn,
Vẳng nghe tiếng muỗi kêu vang phía ngoài,
Khiến ta nhức óc vang tai,
Mẹ ta ngồi cạnh, thở dài bảo ta:
Như con có mẹ có cha,
Có anh có chị sướng là bao nhiêu,
Đêm đêm con ngủ màn điều,
Ngày ngày đi học, chiều chiều đi chơi...
Ngoài kia bao trẻ mồ côi,
Không cha, không mẹ, không người nào thương,
Ngày đi vơ vẩn trên đường,
Tối về gối đất nằm sương đầu hè,
Mùa đông, chẳng có gì che,
Mùa thu đã vậy, mùa hè làm sao?
Sang ngang nhớ lại chuyến đò,
Năm xưa, một cậu học trò sang sông,
Ngây thơ sợ cả má hồng,
Biết nay cô lái có chồng hay chưa,
Bây giờ cậu bé năm xưa,
Qua con đò cũ, lại mơ một người.
Tôi là người đọc sách khá nhiều, mà bài trước, tôi chưa từng thấy. Bài sau, mẹ tôi nói là của Nguyễn Bính, nhưng trong những tuyển tập của tác giả này, tôi cũng không tìm được.
Những nỗi vất vả, sự hy sinh của mẹ tôi trong thời kháng chiến và lúc mới di cư vào Nam, tôi đã có dịp nhắc đến trong bài “Tâm Sự” đăng trên Tập San Y Sĩ, số 132, tháng 8, năm 1996.
Khi xẩy đàn Tấn nghé năm 1975, cha mẹ tôi kẹt lại, tôi một mình chạy thoát từ Cần Thơ, và định cư ở Montreal. Ngày đó, tôi nghĩ rằng không còn dịp gặp lại cha mẹ, nhưng tình thế đổi thay, tôi đã đón được các người qua đây năm 1982. Lúc đó, tôi đã lập gia đình,con trai tôi gần 3 tuổi, con gái chừng 3 tháng, và mẹ tôi vừa tròn 70. Mẹ tôi có cháu ngoại từ năm 1954, lúc di cư vào Nam, khi bà mới 42 tuổi, và bây giờ, tổng cộng 6 đứa.Tụi nó đã lớn, một số có giá đình, lại ở xa, bên quận Cam, nên tình thương của bà bây giờ dồn hết cho mấy đứa cháu còn nhỏ.
Con gái tôi lúc đó chưa biết gì, nhưng thằng con trai yêu bà đến độ có khi theo về ở luôn với bà cả tháng trời, khổng nhớ gì tới cha mẹ cả!
Cha mẹ tôi ở gần nhà thương nơi tôi làm việc, khi nào rảnh là tôi tạt qua thăm, gặp bữa thì cùng dùng cơm, không thì ngồi uống trà, nghe kể chuyện dĩ vãng.
Chiều thứ tư, khi xong phòng mạch, tôi tới dùng cơm tối với song thân. Thứ bẩy, tôi dắt theo hai con đến ở với ông bà cả ngày. Nhà tôi thì chạy tới chạy lui không có giờ giấc.Từ hơn 20 năm nay, tôi chưa hề thay đổi thói quen đó.
Trong tuần, mẹ tôi lo mua sắm lỉnh kỉnh để làm những món ăn ngon cho cháu.
Đó là lẽ sống của mẹ tôi. Bà nôn nao trông đợi ngày thứ bẩy. Khi đến, mẹ tôi đã đứng chờ ở cửa sổ, khi đi, mẹ tôi lại đứng ở cửa sổ trông theo.
Mỗi khi thấy bóng dáng gầy gò, nhỏ bé của mẹ sau cửa kính, tôi lại nhớ tới câu Chinh phụ ngâm mà bà ru tôi ngày xưa “lòng lão thân buồn khi tựa cửa “.Có thể lúc đó, mẹ tôi buồn, nhưng tôi thấy mình tràn trề hạnh phúc.
Thời gian êm đềm trôi, và các em tôi lập gia đình.Mỗi lần thêm một đứa cháu, mẹ tôi lại vui mừng hớn hở, dù bà mỗi năm một già đi.Tóc bà trắng như tuyết và rụng rất nhiều. Mẹ tôi không có bệnh gì nặng,chỉ bị arthrite, arthrose, các ngón tay biến dạng, mấy cục sạn trong túi mật,họa hoằn lên cơn đau vài ngày, và hay ợ chua, nhưng với losec và domperidone, bà không thấy khó chịu nữa. Tai bà còn thính, mắt trái rất tốt sau khi mổ cườm, nhưng mắt phải thì hầu như bị hư hẳn, vì sau khi mổ cườm và ghép giác mạc không thành công. Nhưng chỉ cần mắt trái, bà vẫn đọc sách báo và xem truyền hình được..
Hồi cuối tháng 7 năm 2003, mẹ tôi bị một crise de goutte, phải vào nhà thương ba tuần. Nhân dịp này, tôi đã làm đủ các thử nghiệm cho bà, tất cả đều tốt như những lần trước. Được xuất viện thượng tuần tháng 8, bà phải đi marchette vì chân yếu. Lúc đó, thành phố sửa đường, không cho xe chạy, tôi phải đậu cách nhà 200 thước,rồi dìu mẹ đi.Thấy bà vất vả, tôi cõng bà cho tiện.Tính tôi vốn hoạt kê, vừa cõng mẹ vừa đùa:”Vân Tiên cõng mẹ trở vô,đụng phải cái bồ, cõng mẹ trở ra”. Lúc đó mẹ tôi rất vui, cười tươi như hoa.
Nhưng từ đó, hình như mẹ tôi yếu dần: bà ăn ít hơn,nằm nhiều,bớt hoạt động,và vẫn rên như thường lệ. Mẹ tôi vốn hay rên từ mấy chục năm nay, hỏi tại sao, thì bà nói nhức đầu, hoặc đau răng, nhưng thường thường thì bà cười:”Mợ không sao cả, rên như vậy, thấy dễ chịu “.Tôi hay cằn nhằn: Lúc nào mợ cũng rên thì làm sao con biết mợ bệnh hay không bệnh “. Mẹ tôi chỉ cười!
Ngày 22 tháng 10 năm 2003, mẹ tôi bị ngã, rách da đầu, phải vào nhà thương, chụp hình đầu và may da. Lúc đó, bà sốt tới 39 độ C, bị septicemie, bắt nguồn từ nhiễm trùng đường tiểu, và hơi thiếu máu, có lẽ vì vậy mà bà yếu và bị ngã.
Từ một bệnh tầm thường đó mà phát sinh ra bao nhiêu thứ biến chứng: Chữa septicemie bằng trụ sinh —>Clostridium Difficile.Flagyl không hiệu quả, dùng Vancomycine —>Suy thận.Vì có nước biển,mà suy thận, không thải đủ nước, tim chịu không nổi —>Oedeme aigu du poumon. Bớt nước, cho thuốc lợi tiểu, mẹ tôi yên được mấy hôm thì lại bi Sưngphổi, bronchospasme, bác sĩ chuyên môn lại cho trụ sinh và Solumedrol. Trụ sinh làm mẹ tôi bị lại C. Difficile, Solumedrol giữ nước và làm đường trong máu lên cao, phải dùng Insuline. Chẳng qua mẹ tôi lớn tuổi, không có sức đề kháng, nên mới sinh ra nhiều biến chứng như vậy.
Trong thời gian mẹ tôi nằm bệnh viện, anh chị em chúng tôi chia nhau, khi tới bữa thì vào cho bà ăn uống. Ai cũng cố ép bà ăn nhiều, nên mẹ tôi hay cằn nhằn:” Các con nhồi mợ như nhồi vịt “Tôi cười: “ Thì ngày xưa, mợ cũng nhồi tụi con và mấy đưa nhỏ vậy “
Cha tôi vào thăm mẹ tôi hàng ngày, bằng taxi,vì không muốn phiền con cái. Vì sợ ông yếu sức, bị ngã gẫy chân, hay bị cảm, chúng tôi hết sức can ngăn, nhưng ông nhất định không nghe. Ông rơm rớm nước mắt: Các con đừng cản cậu nữa.
Cậu ở nhà thì cũng chỉ ngồi không,thà vào đây ngồi với mợ.”.
Các thân hữu đến thăm mẹ tôi rất đông. Trong số này, có người mẹ tôi quen, có người bà không biết, nhưng ai cũng đem lại cho bà những giờ phút vui tươi thoải mái.
Rồi mẹ tôi càng ngày càng yếu, càng tiều tuỵ, dù bà rất tỉnh táo, minh mẫn. Chúng tôi bắt đầu thay nhau ở lại ban đêm với bà. Chị thứ hai của tôi vất vả nhất, vừa thăm nuôi mẹ, vừa lo cơm nước cho cha, hị như con thoi, không lúc nào ngưng nghỉ. Chị cả của tôi,từ Californie qua giúp các em. Chị vốn là người vui vẻ, hoạt bát, nhưng vì anh rể tôi mới qua đời hơn hai tháng, chị còn thất thần, cả ngày không nói một câu, ra vào như chiếc bóng. Em trai út của tôi, ở Ottawa, cuối tuần nào cũng về thăm mẹ, túc trực bên giường. Ngày 27 tháng 12 năm 2003, đường trơn, đóng đá, nó bị ngã, gẫy cả hai mắt cá chân trái, phải mổ, đóng 6,7 cái đinh, rồi bó bột, đi nạng.
Đứa em trai kế tôi, lấy vợ hơi trễ, một nách 3 đứa con nhỏ, đi làm cách nhà 80 cây số, nhưng lúc nào rảnh là mò vào nhà thương thăm mẹ.
Trong số anh chị em, tôi là người ít công trạng nhất, vì tôi làm việc tại nhà thương không phải chạy tới chạy lui, lại may mắn được gặp mẹ tôi rất thường. Cứ lúc nào rảnh là tôi lên ngồi với bà,vừa theo dõi bệnh tình, vừa quan sát những thay đổi..
Chúng tôi thường cắt, chải tóc cho mẹ, bóp tay chân cho bà đỡ mỏi, thoa kem cho mềm da, hoặc làm manicure. Mẹ tôi có vẻ thích những sự săn sóc nho nhỏ này. Cầm tay mẹ, tôi mới để ý thấy những ngón tay của bà bị méo mó, lệch lạc một cách thảm hại, chứng tích của cả một đời vất vả vì chồng, con và cháu.
Ngay lúc bệnh hoạn như vậy, mà cứ mở mắt là mẹ tôi hỏi:”Cậu đâu?cậu và các con ăn uống gì chưa? Mợ mệt quá, không làm gì được “Thì ra việc lo lắng cho chồng con lúc nào cũng canh cánh trong lòng mẹ.
Ngày xưa, mẹ tôi rất sùng đạo Phật. Vì cha tôi chỉ thờ tổ tiên, nên từ khi lập gia đình, mẹ tôi ít hay hầu như không có dịp đi chùa. Trong thời gian nằm bệnh viện, ngày nào mẹ tôi cũng tụng khinh “Thiên Trúc độ giang nhân” là những câu kinh mà từ hơn 70 năm, bà không đọc lại.Phòng bệnh tối lờ mờ, tiếng kinh buồn thảm thiết, tôi nghe thấy não lòng và linh cảm tới chuyện không may.
Từ 20 tháng 01 năm 2004, mẹ tôi càng ngày càng yếu, càng tiều tụy, không ăn uống được nữa, chỉ thoi thóp nhờ chút nước biển.Ngày 22tháng 01 năm 2004, lúc 6 giờ 45 sáng,mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng.Hôm đó là mùng một Tết GiápThân,mẹ tôi được 93 tuổi ta.
Mẹ tôi đi an lành như người ngủ say. Cô y tá nhờ tôi gỡ catheter veineux central ở cổ mẹ tôi. Đáng nhẽ cô không nên nhờ tôi làm việc này. Mắt nhoà lệ, tôi loay hoay mãi mới cắt được mấy mối chỉ:tôi cố làm thật nhẹ nhàng, cẩn thận, vì da mẹ còn ấm và mềm, sợ mẹ còn biết đau.
Nhờ sự chỉ dẫn và giúp đỡ tận tình của các bạn, tang lễ của mẹ tôi được cử hành rất chu đáo và trọng thể. Tôi khóc thật nhiều, nhất là lúc đóng linh cữu vàlúc chị tôi cùng tôi nhấn nút để bật lửa lò hỏa thiêu.
Mất mẹ thì ai chả đau. Trong lòng mỗi đứa con đều có một khoảng trống không sao lấp đầy được.Tôi khóc nhiều chỉ vì quá yếu đuối và nhậy cảm. Thật ra thì tôi còn may mắn hơn nhiều người, ngoài 60 tuổi mới mất mẹ, nhưng hình như càng ở lâu với mẹ, thì sự mất mát càng lớn.
Bây giờ, gần đến thất trai tuần của mẹ, tôi đã đi làm lại. Mỗi khi đi qua phòng 244 là nơi mẹ tôi đã nằm trong mấy tháng qua,tôi không sao nén được xúc động. Tôi nhìn vào phòng, mường tượng như mẹ còn nằm đó, và nước mắt trào ra.
Mỗi khi về thăm cha, tôi không còn thấy bóng dáng thân yêu của mẹ đứng chờ sau cửa kính.
Mẹ ơi, đây là bài thơ con làm riêng để dâng lên mẹ:
Mẹ ra đi thanh thản,
Tựa như người ngủ say,
Chúng con lòng nổi sóng,
Mẹ ơi, mẹ có hay.
Ôi cả đời lưu lạc,
Như một áng phù vân,
Nay mẹ về cõi Phật,
Rũ sạch hết bụi trần.
Mẹ đi rồi, đi thật,
Con vẫn tưởng như mơ,
Từ nay còn đâu nữa,
Người tựa cửa mong chờ
Đây là hình tang lễ,
Con không dám mở coi,
Vết thương còn rỉ máu,
Con nhớ mẹ, mẹ ơi.
Tháng 3, năm 2004
Nguyễn Thanh Bình
Mất mẹ vào ngáy đầu năm âm lịch hẳn đã để lại cho con cháu bao nhớ thương mỗi năm khi ngày tết về. Cầu cho bà cụ, sau bao nhiêu năm hy sinh vì chồng, vì con cháu, nay được nghỉ yên nơi cỏi Phật.
ReplyDelete