Friday, May 12, 2023

Người Đàn Bà Việt Nam - Nguyễn Viết Trường

 
Mẹ vợ của tác giả

Khi nói về người đàn bà Việt Nam, Tôi lại thường nghĩ đến Bà Mẹ Vợ của Tôi, hiện nay vẫn còn sống và đang ở tại Việt Nam…

Ngày theo chân người con gái Tôi yêu (về sau là Vợ Tôi) về nhà nàng để trước là ”hợp thức hóa” tình trạng quen biết của hai đứa chúng tôi, sau là Tôi muốn biết ông già, bà già vợ tương lai ra  sao?

Người Tôi gặp đầu tiên chính là Bà Mẹ của nàng.

Vì hôm ấy Ba nàng đi vắng nên Tôi chỉ gặp Mẹ nàng (tức Bà già vợ tương lai của Tôi) Bà thật thà, hiếu khách, thương con, nên rất dễ dàng tiếp chuyện, vốn là tay”măng dê pạc lê” nên với Tôi chỉ sau một hồi xã giao đã lấy được cảm tình của Bà ngay trong ít phút …

Bà là người miền Nam, chân chất và ít khi đi xa khỏi Xã Lương Hòa Lạc, (Mỹ Tho) suốt ngày chỉ lăng xăng với cửa hàng tạp hóa phía trước của nhà,

Bà có tài mài dao kéo rất sắc, nên bà con trong Xã khi dao kéo bị”lụt” đều đưa đến cho Bà làm…

Ấy, cái tài vặt này của Bà xem ra cũng “đắt hàng” ra phết!

Vấn đề mua hàng để bán đều do một tay của Hạnh (người con gái tôi yêu), vì cả ngày Bà bận rộn với khách hàng nên muốn đi đâu cũng chẳng được!

Tôi là người Bắc, gốc Hà Nội, từ bé đến nay chỉ sống ở thành thị nên khi tiếp súc với dân quê, tôi thấy thích thú lắm, và lạ lắm, Bà dắt Tôi sang chào hàng xóm, như ngầm khoe ”chàng rể tương lai”, tướng Tôi được cái cao ráo, dễ nhìn, lại giả bộ ”hiền khô” nên ai trong Xã cũng có cảm tình, mà ngay lũ trẻ con trong Xã cũng ”khoái” Tôi ra mặt, có lẽ vì mỗi lần về Xã Tôi đều mua kẹo cho chúng nó ăn thả cửa!..

Bà thứ bảy trong gia đình, nên mọi người đều gọi Bà là “Bà Bảy” chứ chẳng  bao giờ gọi tên thật.( cái tên Nguyễn Thị LÝ, giản đơn như tâm tính của Bà) đó cũng là cái đặc thù của người miền Nam chúng ta.

Mỗi lần Tôi đến là “cơm gà cá gỏi” lia chia, vì Bà ân cần phục vụ ăn uống tối đa mà!

Gia đình Tôi vốn dòng dõi Khoa Bảng, ( ngoại tổ là Ngài Ngô thời Nhậm ),  nên cũng rất khó khăn  trong việc Hôn nhân, con cái lớn lên dựng vợ gả chồng là “Quyền” của cha mẹ, do đó khi nghe phong phanh Tôi đang “quen đậm”với một người con gái miền Nam, gia đình lại sống ở Xã, thì chẳng ai trong nhà ưng chịu,

Nhưng khi Tôi đưa nàng về giới thiệu cùng gia đình, thì mọi người đã bị chinh phục liền bởi tính tình hiền dịu,  đoan trang, dáng điệu e ấp ngoan hiền trong bộ quần áo dài trắng học trò, và tài nấu nướng tuyệt vời mấy món ăn miền Nam của Nàng, chả biết có phải Bà Mẹ vợ Tôi “gù” cho không!?…

Người đời vẫn thường nói “giặc bên Ngô, không bằng bà cô bên chồng”,  nên khi Tôi thấy nàng thân thiện được hai cô em gái của tôi là Tôi “yên trí lớn”, an tâm vô cùng…

Sau khi làm chạm ngõ, đám hỏi xong xuôi thì một năm sau chúng Tôi được Cha Mẹ hai bên đồng ý cho làm đám cưới.

Ngày cưới của Tôi bạn bè quen biết và bạn bè trong Phi Đoàn đi dự rất đông, có lẽ người trong Xã Lương Hòa Lạc lần đầu tiên mới nhìn tận mắt những chàng Phi Công “lắm túi, nhiều phẹc ma tuya” nên ai cũng trầm trồ, khen gia đình nàng tốt phúc! (Chẳng hiểu có thật vậy không? Nhưng nghe thiên hạ đồn như vậy là Tôi “khoái” cuời“tít mắt”!!!)

Xem ra người sung sướng nhất lại là Bà già vợ của Tôi thì phải?

Ngày làm đám cưới cho con, Bà đã thức suốt mấy đêm để đôn đốc mọi người làm những món ăn đặc sắc, bà con chòm xóm nghe đồn bên đằng Trai là người Hà Nội (Bắc kỳ rặc) nên ai nấy cũng hăng hái tham gia giúp đỡ, họ đến một phần vì tò mò cũng có, một phần vì quen biết chòm xóm nên “mỗi người một tay”cho vui tình chòm xóm ấy mà?

Nhớ trong thời gian còn “Bồ Bịch” mỗi khi biệt phái Mỹ Tho, sau những lần hoàn tất phi vụ, Tôi đều bay sát nóc trường Lê ngọc Hân, mục đích báo hiệu ngầm cho nàng biết là Tôi đã sẵn sàng có thể hẹn hò với nàng rồi, mỗi lần như vậy, nàng thích lắm, có dịp “lấy Le” với bạn bè!

Hoặc có những lần nàng được nghỉ học ở nhà, Tôi bay sát nóc nhà nàng, làm những vòng tròn nhỏ xung quanh nhà nàng, và đột nhiên bay vút lên cao, rồi chúc mũi máy bay đâm xuống ngay nhà nàng, khi xuống thật thấp mới luợn bay lên cao lại, làm Bà Mẹ vợ “xanh máu mặt” tưởng phi cơ rớt, nên la “bài hãi”, trong khi nàng thích thú cười vang…

Nghĩ lại bây giờ mà cho làm thì dại gì dám làm “điên rồ” như vậy! Cũng may lúc ấy mấy ông An Phi không hay, chứ nếu biết thì chắc tôi cũng “tả tơi hoa lá” không chừng?

Vì Cuộc Chiến, nên vợ Tôi và hai cháu gái, con của chúng tôi, vẫn ở Xã Lương Hòa Lạc, và Sài Gòn, thỉnh thoảng nàng và hai con mới sang Cần Thơ chơi vài ngày rồi về…

Những lúc ấy, Tôi thật hạnh phúc, căn nhà do Sư Đoàn cấp cho Tôi trong khu Cư Xá Gia Đình Sĩ Quan bên cạnh sông Hậu giang, lại vang lên những tiếng cười nói của trẻ thơ, những hoan ca chồng vợ...

Ôi cuộc sống mến yêu làm sao….


Nếu không có ngày 30 tháng 04 năm 1975 oan nghiệt! Tôi bị đi tù khổ sai trong các trại tù mang tên “cải Tạo” tại miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa “mút mùa Lệ Thủy”, qua những năm tháng tù đầy mới biết cuộc sống “đá vàng” “tình đời đen bạc”!!!

Cái Hạnh phúc Gia đình ngày nào, trôi theo thời gian, nhạt nhòa theo năm tháng có Bác và Đảng,

Trong thời gian Tôi bị bệnh “Kiết Lỵ”, anh em nghĩ Tôi chắc không thể qua khỏi cơn bệnh ngặt nghèo này, vì Tôi đi đại tiện liên tục, nên anh em đã phải mắc một cái võng bằng bao cát có khoét một cái lỗ ngay dưới phần bụng để Tôi đại tiện lúc nào cũng chẳng sao, ngay sát cạnh một cái hố nhà cầu, cách xa Lán Trại…Anh em cùng chung cảnh tù khổ sai như tôi cũng đã thương tình làm cho một mái che sương che gió…

Tiết trời lạnh giá, nhưng đâu giá lạnh bằng trong tim, khi vào giai đoạn này Tôi như linh cảm ra được Vợ Tôi đã “ôm cầm thuyền khác”…

Trong cùng cực của đớn đau riêng mình,  ý trí sinh tồn vươn mạnh trong Tôi…Tôi tự nhủ lòng quyết trí vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần và vật chất lúc này,  phải sống mà về lấy lại hai con, và nhìn tận mắt sự đời đen bạc....

Những ngày bệnh hoạn nặng nề dần trôi, Tôi luôn xin Trời Phật chở che, xin hương hồn Mẹ Tôi và anh Cả Tôi đã mất, hãy linh thiêng cứu giúp Tôi tai qua nạn khỏi….

Và như một phép mầu, Tôi may mắn được chuyển ra bệnh viện của dân ở ngoài tỉnh, và Tôi đã đuợc cứu sống, nhờ ở đó có những bác sĩ Quân y VNCH cũng bị đi tù như tôi, nhưng vì là bác sĩ nên  bị điều ra đây để làm việc.

Vừa khỏi bệnh, trở lại Trại chưa được bao lâu, sức còn yếu, mặt mũi còn xanh sao như tàu lá chuối, nên chỉ làm công tác trực nhà cho anh em đi Lao động, thì Tôi được tin có thân nhân ra thăm nuôi!

Sung sướng làm sao, đang đói khát mà được thăm nuôi thì thật là chuyện không tưởng đối với Tôi…Càng ngạc nhiên bội phần khi thấy người đi thăm nuôi Tôi chính là Bà Mẹ Vợ!?

Gặp nhau tại nhà thăm nuôi, phút giây đầu tiên cả Tôi lẫn Bà Mẹ vợ đều sững sờ, nghẹn ngào không nói lên lời,

Nhìn Bà vốn đã nhỏ con gầy guộc, nay xác sơ tiêu điều, hai hàng nước mắt của Bà tuôn chảy, làm nhạt nhòa đôi mắt nhân từ vốn sẵn có…

Bà đứng như trời trồng bên mấy bao tải đựng đồ thăm nuôi Tôi, lòng Tôi vốn đã nát tan bây giờ như tan nát não nùng, cố nén để khỏi bật ra tiếng khóc tức tưởi, Tôi chạy lại ôm chầm lấy Bà, thân thể Bà nhỏ nhoi trong vòng tay dài ngoằng gầy guộc của Tôi…

Tôi thương Bà quá…Một người đàn bà trọng tuổi, cả cuộc đời chỉ quanh quẩn ở trong nhà, thế mà bây giờ dám vượt vạn dặm, từ Nam ra Bắc, thăm hỏi nhiều nơi mới biết chỗ Tôi đang Cải Tạo mà đến thăm, Bà đã phải lội qua 07 con suối, có lúc nước cao ngang lồng ngực, cứ mỗi lần đến con suối nào cũng phải hai tay ôm chặt bao đồ đội trên đầu, bì bõm lội qua lội lại 07 lần mới xong…

Gặp nhau trong giờ phút éo le này, với Tôi sao như nghe trong tim mình như đang ruớm máu…

Ít lâu sau, cả Tôi và Bà đã lấy lại sự bình tĩnh, Bà từ tốn thăm hỏi sức khoẻ của Tôi cùng sinh hoạt trong trại ra sao? Tôi chỉ ầm ừ cho qua chuyện vì cách chúng Tôi khoảng 03 thước, anh “Cán gáo” Việt Cộng đang đưa đôi mắt “cú vọ” dò xét từng cử chỉ, từng hành động của chúng Tôi,

Qua những lời Bà kể lại, Vợ Tôi đã đi lấy chồng khác, người đàn ông này lớn tuổi, đã có vợ và bầy con gần khôn lớn,

Tay này cũng cùng nghề Cây, như Bố vợ Tôi, nhưng có thân nhân bên phía Việt Cộng do đó không bị “đánh Tư Sản” như Bố vợ Tôi, nên vì tiếc của, bỗng nhiên mất trắng mấy cái xe Be, mấy trại cưa, trại cây, nên ông già Vợ Tôi đã “đành lòng” ép con ( là vợ Tôi) lấy tay này, với hy vọng sẽ được can thiệp để lấy lại gia tài…Nhưng “Tham thì Thâm” cũng “xôi hỏng bỏng không”, chẳng “nước non” gì!!!

Vừa kể cho Tôi nghe, Bà mẹ vợ của Tôi vừa khóc nức nở, Bà khẳng định một điều chỉ có Tôi mới xứng đáng là rể của Bà, tuy sống cùng nhà, nhưng Bà  và tay kia luôn tránh gặp mặt nhau…

Vì quá nhớ thương Tôi, mà Bà đã lén bán tư trang, gom góp tiền nong rồi dò đường mà ra Bắc thăm nuôi Tôi…Bà nói dọc đường ăn cuớp, ăn cắp đầy rẫy, nhưng chắc thấy Bà quê mùa, yếu ớt, lại ngơ ngáo nên bọn bất lương cũng chẳng màng để ý tới, do đó mà Bà tới đây, đồ đạc thăm nuôi Tôi vẫn còn nguyên vẹn…

Trước giờ chia tay, Bà nắm lấy hai bàn tay Tôi, nghẹn ngào căn dặn:

-Hãy giữ thân, để về với Má, Má đợi con nghe không?

Ôi! Sao Tôi nghe mà não lòng biết mấy, lòng dặn lòng sẽ phải sống để có ngày về.

Ước hẹn đó Tôi khắc trong tim, nên Tôi đã nén thương đau để sống tiếp cuộc đời Cải Tạo.

Là một trong những người tù không mang số, chuỗi ngày “Cải Tạo” nào ai biết ngày được tha, nên “ước hẹn” tự đặt ra đó, chính là cái phao giữ lấy thân Tôi, cho đến một ngày bỗng nhiên Tôi được gọi cho ra trại, chấm dứt giai đoạn tù đầy khổ sai tại miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa của một người tù không mang số…

Tôi gặp lại Bà Mẹ vợ, sau nhiều năm trời xa cách, Bà nay đã “Lão” và Tôi đã “Già”, chúng Tôi vẫn giữ liên lạc với nhau, thường xuyên, Bà vẫn coi Tôi như là ”con rể” của năm xưa, và Tôi vẫn gọi Bà bằng cái tên trìu mến: Má.

Thời gian sau, Chính quyền sở tại gây khó dễ tứ bề với những người Cải Tạo đuợc tha cho về như Tôi,

Tôi thấy cần phải có một người phụ nữ làm lá chắn mới tồn tại trong nước được, nên sau một thời gian quen biết và hợp tính hợp nết với một người con gái gần nhà, Tôi chính thức lập gia đình mới, Bà vẫn giữ quan hệ bình thường với Tôi, những lần gặp nhau, hai Má Con vẫn chuyện trò quên cả giờ giấc, Bà thông cảm với số phận bọt bèo của Tôi, nên cũng rất vui khi thấy Tôi buớc thêm một bước nữa, và gặp được một người đàn bà hiền lành…

Rồi đến cuối năm1991, gia đình Tôi được sang sống bên Hoa Kỳ theo diện Tỵ Nan Chính Trị, (HO8)

Ngày lên đường rời nước, tại Phi Trường Tân sơn Nhứt, Bà lại nghẹn ngào nắm lấy tay Tôi và nhắn nhủ:

-Con mang 02 đứa con của con đi được như thế này là Má yên tâm rồi, hãy nhìn về phía trước mà thẳng tiến…Nên nhớ sau lưng con Má vẫn dõi bước con đi…Má tôn trọng quyết định của con, dù biết trước khó có ngày gặp lại….

Bây giờ đã hơn mấy chục năm xa cách, Bà vẫn thỉnh thoảng nói chuyện với Tôi qua điện thoại,  mỗi lần Tôi gửi quà về biếu Bà, Bà quý lắm,  đi khoe cùng khắp xóm.

Tiếng nói của Bà nay đã khác xưa, yếu lắm thì phải, nhưng khi Tôi hỏi thì vẫn ráng cười vui, thều thào nói dối cho Tôi yên lòng:

-Má vẫn sống, đợi con về…

Tiếng nói chân tình, đầy luyến nhớ của Bà, đã khiến Tôi canh cánh bên lòng câu ước nguyện: Sẽ trở về,

Nhưng:

-Má ơi! Làm sao con biết được ngày về?  

 Khi Quê hương vẫn chìm trong sầu thảm,

Thành phố đã đổi tên, biết đến ngày nào lại đổi lại như xưa Má nhỉ???

 

Cali Những ngày mong nhớ (2006)

KQ: NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG

No comments:

Post a Comment