Ngày miền Nam bị rơi vào tay của
cộng sản Việt Nam, em chỉ vỏn vẹn được 2 tháng tuổi. Bao nhiêu gia đình bị ly
tán, cuộc sống của mọi người bị đảo lộn sau biến cố tang thương đó! Gia đình em
không ngoại lệ; thân phụ em từ đó phải chịu cảnh tù đày. Cuộc sống cơ cực ập
trên đôi vai của thân mẫu của em, một người phụ nữ còn quá trẻ với 5 đứa con mọn!
Em lớn lên trong tình thương yêu bao bọc của mẹ và anh chị trong nhà!
Dưới mái trường "xã hội
chủ nghĩa" họ đã gieo vào đầu em một hình ảnh hết sức thậm tệ của "đế
quốc Mỹ, chế độ Ngụy quân, Ngụy quyền, và em là con Ngụy, là tàn dư của chế độ
cũ.” Nhiều lúc em rất tủi thân và "giận" thân phụ em đã chọn sai đường.
Em không hề biết gì về lá cờ vàng ba sọc đỏ!
Khi gia đình em được sang Mỹ
theo diện HO, lần đầu tiên em biết về lá cờ vàng là khi em được ba mẹ dắt tới
thăm gia đình một người bạn của mẹ. Trong nhà của ông có hai lá cờ được cắm
trong một cái bình thiệt đẹp, thiệt trang nghiêm, một bên là lá cờ của Mỹ và
bên kia là lá cờ vàng! Tính tò mò của em trỗi dậy. Thân phụ em hình như đoán được,
ông tới bên cạnh và nói: "Đây mới là lá cờ của đất nước Việt Nam! Lá cờ của
chánh nghĩa mà ba đã cố gắng bảo vệ và chiến đấu cho tới giây phút cuối
cùng!"
Từ đó, em bắt đầu tìm hiểu,
tìm sách vở, tài liệu để học hỏi về chiến tranh Việt Nam.
Em đi từ ngạc nhiên này, tới
ngạc nhiên khác, cảm giác hối hận đã bám theo em một thời gian dài; hối hận và
cảm thấy có lỗi thực là nhiều đối với thân phụ của em! Những gì em được học là
hoàn toàn dối trá, hoàn toàn sai sự thực! “Con xin lỗi Ba!”
Từ đó, em nguyện với lòng là sẽ
dấn thân, sẽ tham gia những công việc của cộng đồng, hội đoàn để vinh danh lá cờ
vàng thiêng liêng của dân tộc, và rồi cơ hội đó đã tới với em.
Thế là bao nhiêu công sức mà gần
cả năm nay chuẩn bị cũng đã tới. Ngồi trên phi cơ từ phi trường Los Angeles để
tới Honolulu mà em không thể nào quên những gì đã xảy ra để đưa đẩy tôi có được
đi đến Hạ Uy Di lần đầu tiên này.
Em vẫn còn nhớ như in, anh Đạt
gọi em và nói:
- “Bác sĩ!”
(cách gọi rất trìu mến của anh
Đạt luôn dành cho em, tuy em không phải là "medical doctor" nhưng đó
chỉ là vì em đã có bằng "Doctor of Pharmacy.”)
Nhóm đang cần thêm một người để
cùng đứng ra đại diện cho cộng đồng Việt Nam tỵ nạn cộng sản để tham gia vào
"Tuần Lễ Kỷ Niệm 50 Năm chiến tranh Việt Nam.” Tại thành phố Honolulu,
Hawaii.
Hai anh em ngồi nói chuyện, thực
sự mà nói, khi có những công việc của cộng đồng để vinh danh những cựu Quân Dân
cán chính, vinh danh lá cờ vàng ba sọc đỏ dấu yêu! Thì em luôn sẵn lòng, dẫu biết
là công việc luôn bận rộn, với ba đứa con mọn, nhưng em vẫn chấp nhận. Thế là
em nhận lời với trách nhiệm là Trưởng Ban Báo Chí, mặc dù em chẳng có kinh nghiệm
gì về truyền thông cũng như tài viết lách hay như những người chuyên và không
chuyên khác.
Nhóm có 5 người, chị Trưởng
Ban Điều Hợp hiện tại sanh sống ở Honolulu; ba anh em còn lại đều là những người
còn nặng lòng với đất nước, ai cũng có một lý tưởng và nguyện vọng giống nhau,
tiếp tục ngọn đuốc tranh đấu mà ông cha ta đã không có cơ hội hoàn thành. Để chứng
minh cho thế giới và đồng minh biết được là Chánh thể VNCH chưa bao giờ chết,
chúng ta chỉ tạm thời rút lui! Lá cờ vàng của chúng ta luôn là biểu tượng của tự
do, dân chủ và phải được thế giới công nhận.
Dẫu biết đây là một việc làm rất
khó khăn, mỗi người một nơi, những buổi họp báo của 5 chị em, những buổi lên
nói chuyện với đài truyền thông để quảng cáo cho cộng đồng biết về chương
trình, năm anh em gặp phải không ít khó khăn, những đóng góp ý kiến trái chiều
cũng có, nhưng cả nhóm không ai nản lòng, vì trong ý kiến phản bác, luôn có những
lời động viên, ủng hộ tinh thần lẫn vật chất của nhiều người hảo tâm, rồi
chương trình thi hát “Yêu Lính Hát Nhạc Lính” với mục đích gây quỹ cho những hoạt
động của Ban Điều Hợp được diễn ra thiệt suôn sẻ. Nghe những em nhỏ cất lên lời
ca, tiếng hát, vinh danh những người Lính VNCH, hình ảnh thanh bình của một Hòn
Ngọc Viễn Đông xa xưa, làm tôi không khỏi xúc động. Kỷ niệm những chuyến viếng
thăm Đài SBTN tại Dallas để chia sẻ về chương trình với cộng đồng, với một ý
nguyện là nhóm đại diện VNCH cuả mình sẽ tham dự đông đủ.
Từ trên phi cơ nhìn xuống, Hạ
Uy Di hiện ra trong mắt tôi như một thiên nhiên hùng vĩ, biển rộng bao xung
quanh hòn đảo, cây cối xanh rờn, một màu xanh êm dịu và nên thơ lạ lùng quá đỗi!
Qua Mỹ đã 26 năm, đây là lần đầu tiên tôi có dịp được đi Hạ Uy Di, Ba Mẹ của
tôi cũng phấn khởi không kém gì tôi, ba thì biết chắc chắn sẽ gặp được những
quân dân cán chính từ khắp nơi trên thế giới tụ tập về, mẹ thì cũng có một vài
người bạn tới từ những tiểu bang khác cũng sẽ tin tập về đây. Chắc chắn là một
dịp trùng phùng mà ai cũng mong đợi!
“Ngày Việt Nam” được diễn ra
vào ngày hôm sau, đây là một buổi tiệc mà nhóm của chúng tôi đã chuẩn bị nhằm kết
chặt tình thân, tạo cơ hội cho các phái đoàn từ khắp nơi về để được biết mặt
nhau. Tôi thiệt là vui và hạnh phúc khi thấy phái đoàn Gia nã Đại có trên 60,
Úc đại Lợi 32, Minesota 19, ngoài ra còn có các phái đoàn đến từ Nam Cali, Bắc
Cali, Kansas, Georgia, Arizona, Michigan, Florida, Illinois, Virginia, Maryland,
Washington State…trên dưới được tới 300 người! Đêm hôm đó, Hải Quân Đại Tá Huê
Kỳ, Huấn Nguyễn đã chia sẻ hoàn cảnh gia đình ông mà tôi không khỏi chạnh lòng!
Ông là người sống sót duy nhứt khi gia đình của ông bị cộng sản bắn chết, sau
đó Tướng Nguyễn ngọc Loan đã bắn gục tên cộng sản sát nhơn trong bức hình nổi
tiếng đó! Tấm hình đã ít nhiều đem đến phiền toái cho Tướng Loan. Đại Tá Huấn
Nguyễn đã nói một câu: "Được làm vua, thua làm giặc,” nhưng thiệt là đại họa
cho dân tộc Việt Nam, được gì sau 42 năm "cướp đoạt" Miền Nam, tài
nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, "rừng vàng biển bạc,” đã được bị thay thế
bằng những bãi biển tha ma, cá chết lê liệt vì bị nhiễm độc trầm trọng từ nhà
máy thép của Formosa, nền giáo dục bị xuống cấp trầm trọng, đạo đức suy đồi, và
gia phong lễ giáo bị chà đạp cùng với xã hội nhiễu nhương thúi nát của đám lãnh
đạo. Tôi nghe mà không khỏi chạnh lòng, đất nước mình rồi sẽ ra sao?
Sau đó, chúng tôi có cơ hội được
xem bộ phim "Ride the Thunder" (Cỡi Sấm). Tôi đã khóc khi xem bộ phim
này. Sau đó, tôi đã đến ôm chầm ông đạo diễn Richard Botkin để bày tỏ lòng tri
ân của tôi đối với ông! Cảm ơn ông đã trả lại Chánh nghĩa của cuộc chiến Việt
Nam, cảm ơn ông đã trả lại danh dự cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, và Quân Lực
đồng minh Huê Kỳ.
Đêm hôm đó, ba tôi là người hạnh
phúc nhứt, khi anh em quân dân cán chính hỏi thăm nhau, ba nhận ra được 2 người
chú đã từng ở chung trong trại tù với ba khi hỏi bị giam ở ngoài Bắc. Họ ôm chầm
lấy nhau trong tình huynh đệ chi binh! Sống quá nửa đời người, sao gần 35 năm,
họ tìm lại được nhau trong một cuộc trùng phùng đầy xúc động này!
Qua ngày hôm sau, chúng tôi
chia nhau trên hai chiếc xe đò để đưa mọi người đi dã ngoại trung tâm
Polynesian Culture Center. Tôi phụ trách chiếc xe thứ hai, chuyến đi cũng như
chuyến về, kiểm tra đầy đủ mọi người và cũng lo cho sức khỏe của tất cả. Cả
nhóm có được một ngày thiệt là trọn vẹn, những điệu múa hula của những anh
chàng, cô gái của Hạ Uy Di thiệt là dễ thương và mến khách. Tôi có dịp được học
hỏi thêm về lịch sử và truyền thống lâu đời ở đây.
Ngày diễn hành được diễn ra
vào hôm kế tiếp. Chương trình này do Hội Cựu Chiến Binh của Mỹ đứng ra tổ chức,
dưới sự yểm trợ của Tiểu bang Hawaii, nhằm quy tụ các cựu chiến binh các quốc
gia đã tham chiến trong chiến tranh Việt Nam, gồm có: Chiến Binh Huê Kỳ, Quân đội
đồng minh Úc đại Lợi, New Zealand, Đại Hàn dân Quốc, Thái Lan…nhằm mục đích để
tưởng nhớ và vinh danh tất cả đã tham gia trong cuộc chiến Việt Nam. “Luật 2008
Naitonal Defense Authorization Act”, cho phép Tổng Trưởng Bộ Quốc Phòng Huê Kỳ ủng
hộ một kế hoạch gồm các chương trình tại Hawaii, nhằm mục đích để tưởng niệm và
vinh danh Quân Lực Huê Kỳ và các đồng minh đã từng sát cánh bên nhau chống lại
kẻ thù CSVN. Trưởng ban Tổ Chức Tuần Lễ kỷ niệm 50 năm, Chiến tranh Việt Nam là
Cựu Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến Huê Kỳ. Ông Gene Castagnetti và cũng là Phu quân
của chị Nina Nhung Nguyễn, Trưởng nhóm của Ban Điều Hợp của chúng tôi.
Ba tôi, cựu Trung Tá Cao Xuân
Lê được hãnh diện đại diện cho những người lính VNCH đứng lên phát biểu cảm tưởng.
- Trước tiên tôi xin chơn
thành cám ơn Ban Tổ chức đã cho tôi môt ngườ̀i Lính Già VNCH hiện diện trước
mặt mọi người hôm nay để trình bày một vài cảm nghĩ của mình nhơn ngày trọng đại
này! Xin kính gởi lời chào chân thành của chúng tôi và lòng biết ơn sâu xa nhứt
tới các bạn và gia đình. Tất cả đã có một thời sát cánh bên nhau trên chiến tuyến
bảo vệ tự đo trong suốt chiều dài của cuộc chiến VN. Xin quý vị cùng chúng tôi
dành một phút để tưởng niệm các chiến hữu và đồng môn của chúng ta đã hy sinh
trên chiến trường Nam VN. Thưa quý vị, lịch sử đã sang ngang, nhưng âm vang của
cuộc chiến vẫn còn, hôm nay công dạo ngày càng sáng tỏ, 58,000 quân nhân Huê Kỳ
trên bức tường đen lịch sử tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn đã được phục hồi danh dự,
tinh thần chiến đấu kiêu hùng của các đơn vị bạn đồng minh đã được ca ngợi vinh
danh cùng các bạn Nam VN. Tất cả đã hoàn thành xuất sắc tinh thần vì Tổ Quốc-Danh
Dự-Trách Nhiệm. Danh dự của một quân nhân anh hùng. Ngày nay họ đã già nhưng họ
không bao giờ chết như lời của Tướng Quân Douglas Mac Arthur':Old Soldier never
dies". Khi người Lính già, họ chỉ mờ đi, người Lính chỉ mờ đi chứ không
bao giờ chết. Ngày nay, các cựu chiến binh Mỹ chiến đấu tại VN đã được công nhận
qua dự luật S 305 của hai Thượng Nghị sĩ Donnely va Tomey. Tổng Thống Trump đã
ký dư luật trên thành Luật có hiệu lực từ đêm 28/3 và bắt đầu từ ngày 29/3 hằng
năm sẽ là ngày kính nhớ và vinh danh các cựu chiến binh Huê Kỳ từng chiến đấu tại
Nam VN. Hơn 58,000 người đã hy sinh các trên 300,000 người bị thương. Sự hy
sinh cao cả này, những cống hiến to lớn này đã cho chúng ta thấy được thế nào
là lòng yêu nước và phụng sự tổ quốc của họ! Họ xứng đáng được kính nhớ và vinh
danh.
Kính thưa quý vị, sau 30 tháng
tư năm 1975, tiếng súng đã ngưng bắn, toàn thể Quân Cán chính VNCH và toàn thể
đồng bào chúng tôi bắt đầu đổi đời. Từ dân chủ đi qua độc tài cộng sản. Hàng
hàng lớp lớp quân cán chính chúng tôi bị lùa vào các trại tập trung “ khổ sai,”
từ Nam ra Bắc, ra đi không có ngày về, bao nhiêu người đã vùi thây nơi rừng
thiêng nước độc, chết vì thiếu ăn, bịnh hoạn đâu có thuốc men điều trị. Cá nhơn
chúng tôi may mắn còn được sống tới hôm nay sau 10 năm lao tù.
Nói đến đây chúng tôi không
bao giờ quên được tình nghĩa phu thê, của những hiền thê tao khang lặng lẽ
bên chúng tôi lúc bi thương cùng cực nhứt, trong các lao tù khắc nghiệt cộng sản.
Họ đã làm thân cò lặn lội ven sông để nuôi chồng trong những hoàn cảnh với cùng
nghiệt ngã đau thương nhứt, những người vợ quân nhân VNCH suốt đời hy sinh cho
chồng con, làm tròn thiên chức của người mẹ VN. Chúng tôi với cùng biết ơn đất
nước và nhân dân Huê Kỳ đã cưu mang tận tình giúp đỡ chúng tôi trong suốt thời
gian qua. Con cháu chúng tôi sẽ cố gắng hội nhập vào dòng sinh hoạt chính của
đất nước nầy để đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho xã hội Huê Kỳ. Người
Lính già chúng tôi rồi sẽ mờ phai theo thời gian. Ơn nước chưa đáp đền, nợ dân
tộc chưa trả hết, con cháu chúng tôi sẽ cố gắng tiếp bước đường chúng tôi đi.
Chúng tôi hy vọng một ngày Việt
Nam sẽ được hùng mạnh, độc lập tự do và nhơn quyền cho mọi người dân Việt Nam.
Họ xứng đáng được hưởng một nền tự do dân chủ như mọi người dân Huê Kỳ đang có.
Xin chơn thành cảm ơn quý vị, cảm ơn Ban Tổ Chức và kính xin chúc tất cả vạn sự
an lành may mắn. Bài phát biểu của ông đã làm rất nhiều người có mặt ngày hôm
đó cảm động và tất cả đã đứng lên khi ông chấm dứt.
Phái đoàn đại diện cho Việt
Nam Cộng Hoà được trên dưới 300 người từ khắp mọi miền thế giới đã tham dự buổi
diễn hành. Nhóm VNCH của chúng ta đông nhứt so với các phái đoàn đồng minh
khác. Lá Đại Kỳ được tung bay trên đường phố thiệt là oai hùng, tiếng hô vang
chào mừng từ hai bên đường mỗi khi phái đoàn đi qua, lòng tôi không khỏi bùi
ngùi xúc động. Tôi chỉ nghĩ tới cả hàng ngàn cái điện thoại, máy hình chụp lại lá
Đại Kỳ và hơn hàng trăm lá cờ vàng nhỏ được cầm trên tay của từng người, tôi chợt
nhận ra được một điều là chúng tôi đã đem biểu tượng tự do, và chánh nghĩa đến
với cộng đồng người Mỹ và trên thế giới, đâu đó trong đám đông, tôi nghe vang
lên câu: "Việt Nam Cộng Hoà muôn năm!" Niềm hạnh phúc này tôi không
thể nào diễn tả được!
Người Mỹ có một câu rất là
hay: "Save the best for last" mà tôi thấy không sai chút nào! Ngày cuối
cùng của chuyến đi, chúng tôi thức dậy thiệt sớm, áo dài, quân phục chỉnh tề để
đi dự buổi “Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong.” Tại nghĩa trang quân đội quốc
gia Thái Bình Dương. Chỉ mới có 7:30 sáng mà hai bên đường gần nghĩa trang đã
chật kín xe đậu. Nghĩa trang hiện ra trước mắt tôi thực là trang nghiêm nhưng
không kém phần long trọng!
Nơi đây là chỗ yên nghỉ của
38,000 người lính Mỹ đã nằm xuống cho lý tưởng tự do của đất nước, trong ngày lễ
đặc biệt này, mỗi ngôi mộ đều được cắm một lá cờ Mỹ và một vòng hoa nhỏ, như để
bày tỏ lòng tri ân đối với những vị anh hùng này.
Buổi lễ tưởng niệm diễn ra một
cách long trọng và trang nghiêm. Hàng trăm vòng hoa lớn của những binh chủng, đồng
minh đã được kính cẩn dâng lên. Khi Việt Nam Cộng Hoà được giới thiệu, bỗng
nhiên ban nhạc của Mỹ trồi lên bài "Quốc Ca Việt Nam,” không ai bảo ai, những
người con Việt Nam cùng cất tiếng hát trong niềm hân hoan, từng giọt nước mắt bỗng
trực trào thêm từng khuôn mặt mỗi người pha lẫn hạnh phúc và xúc động nghẹn
ngào.
Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn
còn đây, chúng con cảm nhận được nỗi đau mà Mẹ đang gánh chịu! Trong những năm
tháng chiến tranh và hậu chiến sau 1975, những thiệt thòi mất mát quá đỗi lớn
lao mà Mẹ đã hy sinh lặng lẽ vì chúng con!
Tôi đã gặp, và hàn huyên với
ông Đại Tá Steve Lowery. Ông đã tâm sự với tôi: đất nước Việt Nam bị rơi vào
tay cộng sản, dân tộc Việt Nam đau một, chúng tôi đau 10. Khi tôi tới Đà Nẵng,
tôi chỉ muốn lái chiếc xe Jeep trên Quốc Lộ 1, chạy thẳng ra Hà Nội, rút cây cờ
của csvn và thay bằng lá cờ của Mỹ và cờ VNCH thôi. Nhưng thời gian cứ trôi
qua, hai năm rưỡi, tôi đóng đô ở Đà Nẵng, tôi thấy chuyện đó càng ngày càng không
thể thực hiện được. Những người Lính Mỹ của chúng tôi luôn có tâm niệm là nếu
không tham gia chiến tranh, nếu có là phải thắng! Tới tận bây giờ, tôi vẫn còn
ray rứt khi nhớ lại!
Hôm nay, tôi thực là hạnh phúc
và vô cùng ngạc nhiên khi thấy lại được hàng trăm lá cờ vàng được tung bay nơi
đây, nhìn thấy được những quân dân cán chính VNCH trong những bộ quân phục. Tôi
rất là vui, trước khi chia tay ông, tôi đã tặng cho ông một lá cờ vàng mà ông
xem như là một kỷ vật! Tôi cũng có cơ may được gặp và bắt tay Đô Đốc Hải Quân của
Thái Bình Dương. Tướng Harry Harris một vị anh hùng mà tôi nghĩ tôi sẽ không
bao giờ có cơ hội gặp mặt, huống chi được hàn huyên và bắt tay của ông. Ngày
hôm đó, tôi cũng không quên cầu xin hồn thiêng sông núi, cầu xin những anh hùng
tử sĩ hãy thương xót cho dân tộc tôi mau sớm thoát khỏi bàn tay độc tài của cộng
sản Việt Nam. Tôi cũng mong giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại hãy cùng nhau, đồng
lòng kêu gọi chánh phủ Mỹ tạo áp lực đối với những người lãnh đạo tại Việt Nam
ghi nhận nghĩa trang Biên Hoà, nơi yên nghỉ của những người Lính VNCH, là một
đi tích lịch sử, cần được trùng tu, và chỉnh trang đàng hoàng.
Rời Hạ Uy Di mà chúng tôi
không khỏi nuối tiếc! Đây là một sứ mạng mà tôi tạm ghi nhận là tôi đã hoàn
thành. Điều tôi trân quý nhứt đó là có không ít những vị quân dân cán chính đã
ngoài 80 tuổi, họ đến từ Úc Đại Lợi, Gia nã Đại... Họ tới với một niềm hãnh diện,
họ đến với tất cả tấm lòng và nhiệt huyết cho một VNCH được trường tồn. Họ tới
với một niềm hy vọng cho thế hệ trẻ của chúng tôi. Giới trẻ Việt Nam tại hải
ngoại cần phải tiếp tục ngọn đuốc mà ông cha ta đã thắp sáng, con đường mà họ
đã mở ra nhưng không có cơ hội để hoàn thành. Đất nước Việt Nam của mình sau 42
năm bị tàn phá một cách tàn nhẫn; tài nguyên thiên nhiên ngày cạn kiệt, biển
đang chết do sự tham lam của bọn bán nước cộng sản Việt Nam; nền giáo dục suy
thoái một cách trầm trọng… Trách nhiệm của giới trẻ chúng ta là cần phải dấn
thân hơn nữa, phát huy tinh thần yêu nước của cha ông; thay cho dân tộc mình để
nói lên tiếng nói bất công, và cùng nhau mang lại tự do, dân chủ và nhơn quyền
cho dân tộc Việt Nam. Em ước mong lá cờ vàng sẽ tung bay trên mọi miền đất nước
trong một ngày gần đây! Và đó là ước mơ hiện tại của em!
Trong thâm tâm tôi, tôi vẫn
còn nhớ như in lời nhắn của một vì quân dân cán chính đã gởi cho tôi:
"Thanh Ngọc, tiếc rằng dù nửa đời vùng vẫy chú vẫn không giữ nỗi một Viêt
Nam tự do để cháu được cất tiếng ca bài quốc ca và nhìn lá cờ vàng tung bay
trên chánh quê hương mình. Chú cảm thấy mình có lỗi với lớp hậu duệ dù vẫn biết
thân phận nhược tiểu như Việt Nam thì dù có vẫy vùng cũng chỉ là lá bài trong
tay cường quốc. Cháu nhớ tìm đọc: "bài quốc ca hát lần cuối cùng trên quê
hương Việt", tại trường thiếu sinh quân Vũng Tàu để được khóc tấm tức thêm
một lần nữa, như chú vẫn thường khóc mỗi lần đọc lại. Chúc cháu sống vui, mạnh
và an bình.”
Tôi cũng không quên xin tỏ
lòng tri ân của tôi đến với nước Mỹ. Cảm ơn nước Mỹ đã cho chúng tôi một cơ hội
có được một cuộc sống mới, một tương lai xán lạn. Tôi chắc chắn là tôi sẽ không
có những ngày đi ngủ mà cái bụng đói lã như tôi đã từng có khi còn ở Việt Nam.
Tuần Lễ Kỷ Niệm 50 Năm Chiến
Tranh Việt Nam tại Honolulu, HI
Cho Ba Mẹ đi được chuyến này
mà Ba Mẹ cứ nhớ hoài!
CON GÁI YÊU CỦA BA MÁ!
THANH
NGỌC
No comments:
Post a Comment