Saturday, April 19, 2025

Đừng Lo Cho Mỹ, Hãy Lo Cho Chính Mình

 

+Gần đây, nhiều người lo ngại rằng chính sách áp thuế diện rộng của chính quyền Trump đặc biệt là với hàng hóa Trung Quốc và một số quốc gia đang phát triển sẽ khiến thế giới rời xa Mỹ. Một số người còn dựng lên viễn cảnh rằng khối BRICS, với Trung Quốc là đầu tàu, sẽ đứng lên thách thức trật tự do phương Tây dựng nên, tạo ra một đồng tiền chung để thoát khỏi đồng đôla. Với tổng GDP vượt Mỹ, dân số gấp mười lần, BRICS theo họ sẽ là mũi đinh ba mới trong thế kỷ 21. Và Mỹ, trong kịch bản ấy, sẽ bị cô lập.

+Vấn đề là thế giới không vận hành bằng cảm xúc, cũng không chuyển động theo những giấc mơ lãng mạn. Quyền lực toàn cầu xét đến cùng là một trò chơi thực dụng của lợi ích, năng lực và cấu trúc.

+Muốn hiểu vì sao Mỹ không sợ bị quay lưng, phải bắt đầu từ một điều đơn giản GDP bình quân đầu người chứ không phải tổng GDP mới là chỉ số quyết định sức mạnh nội tại của một quốc gia.

+Không ai phủ nhận rằng tổng GDP của Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga có thể vượt Mỹ nếu cộng lại. Nhưng khi chia đều cho hơn 3 tỷ dân, con số này trở nên mong manh. GDP bình quân của Mỹ năm 2024 đạt khoảng 85.000 USD. Trung Quốc mới chỉ chạm ngưỡng 12.000. Ấn Độ chưa đến 3.000. Một cơn gió ngược từ thương mại cũng đủ khiến các nền kinh tế này tụt sâu. Trong khi đó, Mỹ với nền sản xuất đã tự động hóa cao và thị trường nội địa lớn có thể đóng cửa một phần mà vẫn sống khỏe.

+Không chỉ là thu nhập, còn là nền tảng công nghệ. Nói cho gọn, thế giới hiện đại không thể thoát ly khỏi nước Mỹ.

+Từ internet, vi xử lý, AI, máy bay, vệ tinh, hệ thống định vị, các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm Mỹ chiếm gần như toàn bộ hạ tầng mềm của hành tinh. Tất cả những gì bạn dùng để phản đối Mỹ từ điện thoại thông minh đến mạng xã hội đều đang chạy trên nền tảng do Mỹ thiết kế, sản xuất hoặc kiểm soát.

+Ngay cả Trung Quốc, với giấc mơ “tự lực cánh sinh”, cũng chưa thể sản xuất chip 5nm ở quy mô thương mại. Nga sau 3 năm chiến tranh vẫn phải nhờ Iran và Triều Tiên cung cấp thiết bị. Ấn Độ có dân số trẻ, nhưng hệ sinh thái công nghệ lẫn chuỗi cung ứng chưa thể thay thế Trung Quốc, càng chưa thể cạnh tranh với Mỹ.

+Nói cách khác, Mỹ đang nắm giữ những "van tim" của thế giới hiện đại. Ai quay lưng với Mỹ, sớm muộn cũng sẽ quay lưng với điện, mạng, và thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

+Và Trump biết điều đó. Dù mang tiếng là “tân bảo hộ”, “nước Mỹ trên hết”, nhưng chính sách của ông thực chất là một cách định vị lại nước Mỹ trong thế giới hậu toàn cầu hóa. Ông không phá vỡ hệ thống, mà buộc thế giới phải mặc cả lại với Mỹ.

+Khi áp thuế lên hàng Trung Quốc, ông không đơn giản chỉ tạo “rào chắn”. Ông đang buộc các chuỗi cung ứng phải dịch chuyển, tái cấu trúc để trở về gần Mỹ hơn, sang Mexico, Ấn Độ, Đông Nam Á, hoặc thậm chí là nội địa hóa. Việc đó tạo việc làm cho người Mỹ, tăng tính tự chủ chiến lược và làm giảm sự phụ thuộc vào các đối thủ tiềm tàng.

+Một khi đã tái cấu trúc được chuỗi cung ứng, Mỹ không cần nhập nhiều như trước. Đồng đôla không còn bị ép phải "xuất khẩu" để tài trợ cho nhập khẩu. Cán cân sẽ nghiêng về sản xuất trong nước. Và khi đó, Mỹ không cần viện trợ, không cần làm “cảnh sát toàn cầu”, không cần mua hòa bình bằng tiền. Đồng đôla sẽ quay về phục vụ chính người Mỹ.

+Người ta bảo Mỹ ít dân, thiếu lao động. Nhưng Mỹ là quốc gia duy nhất có thể nhập khẩu lao động một cách có kiểm soát và hiệu quả. Với một visa H-1B, H-2A hoặc chương trình EB, Mỹ có thể chọn ai mình cần, từ đâu mình muốn. Trung Quốc có thể làm điều đó không? Ấn Độ có thể lựa dân từ châu Phi rồi cho sống tại Tamil Nadu không? Không.

+Thế giới muốn vào Mỹ. Không ai bỏ Mỹ để vào BRICS. Câu trả lời nằm ở chất lượng cuộc sống, ở nền pháp trị, và ở tương lai mà người ta có thể hình dung khi đặt chân đến đó.

+BRICS có thể hợp tác? Có thể. Nhưng một liên minh dựa trên sự bất đồng sẽ không bền. Nga và Trung Quốc có cùng tham vọng bá quyền. Ấn Độ và Trung Quốc tranh chấp biên giới triền miên. Brazil đang vật lộn với bất ổn chính trị. Nam Phi có nền kinh tế thoi thóp và tỉ lệ thất nghiệp vượt 30%. Họ sẽ ngồi lại được bao lâu, trước khi quay sang cạnh tranh ngầm?

+Còn Mỹ dù có chia rẽ nội bộ, dù Đảng Cộng hòa hay Dân chủ vẫn giữ được nền hành chính, cơ chế kiểm soát quyền lực, và một cấu trúc nhà nước mà không ai trong BRICS sở hữu.

+Nhiều người ở Việt Nam cũng hay “lo hộ” Mỹ. Rằng Mỹ chơi như vậy là liều lĩnh, là đẩy mình vào thế cô lập, là mở đường cho Trung Quốc trỗi dậy. Nhưng thử hỏi nếu cả Mỹ và Trung Quốc cùng bị thương mại toàn cầu giáng một cú giảm 30% GDP, ai sẽ chết trước?

+Chưa kể, nếu không có thị trường Mỹ, phần lớn các quốc gia BRICS lấy đâu ra động lực tăng trưởng? Trung Quốc vẫn sống nhờ xuất khẩu. Ấn Độ vẫn phụ thuộc kiều hối và dịch vụ gia công. Nga sống bằng tài nguyên. Mỹ không phụ thuộc ai cả. Thị trường nội địa Mỹ, nếu đóng cửa, vẫn đủ để nuôi sống gần 350 triệu dân với mức sống cao.

+Trump hiểu điều đó. Và ông đánh cược vào điều đó. Ông không sợ thế giới quay lưng, bởi thế giới không thể rời khỏi Mỹ nếu không muốn cắt đứt với hiện đại. Và nếu thế giới quay lưng thật ông hoàn toàn có thể đóng cửa. Khi đó, thế giới sẽ phải quay lại gõ cửa nước Mỹ, không phải vì Mỹ cần thế giới, mà vì thế giới không thể thiếu Mỹ.

+Người ta bảo ông hung hăng, nhưng kỳ thực, Trump là nhà hiện thực cuối cùng. Ông đánh thuế không phải để gây chiến, mà để đặt lại luật chơi. Luật mà trong đó, Mỹ không còn phải gồng gánh chi phí cho cả hệ thống toàn cầu chỉ để duy trì một vị thế mang tính biểu tượng.

+Nếu có ai cần lo, đó không phải là Mỹ. Đó là những quốc gia đang ăn theo toàn cầu hóa nhưng không đủ nội lực để tự đứng một mình. Những nền kinh tế lệ thuộc vào thương mại, nhưng lại mơ giấc mộng đối đầu với người tạo ra sân chơi ấy.

Và nếu có ai cần tỉnh táo, thì đó là chính chúng ta những người đang đứng giữa cuộc chơi chứ không phải những người đang nắm bàn cờ.


Nguồn: Cu Làng Cát

No comments:

Post a Comment