Ông An nhìn xuống bếp nói:
-You nhớ bỏ mấy cục giò sống vào cho cháo nó thêm ngọt
nhe!
Bà mở ngăn tủ lạnh vít vài miếng giò sống bỏ vào nồi
cháo và nói vọng lên:
-OK, nồi cháo nầy mà không ngon là khỏi trả tiền nhe.
Bà nếm thử, rồi quậy nhè nhẹ lên, theo order của ông,
trong nồi cháo nào là thịt xay, giò thịt chỗ bắp đùi phần trên, bây giờ ông lại
còn muốn bỏ thêm giò sống nữa, ăn thế nầy mà không bị bịnh thì cũng lạ.
Lát nữa trước khi múc ra tô, bà phải bỏ nhúm giá trước, bóp nhè nhẹ cho giá gẫy khúc, rồi mới múc cháo ra tô, xong rồi thì bỏ hành ngò lên trên. Tô của bà khi ăn bà phải bóp vào một miếng tương bột Housin sauce, đây là món khoái khẩu của bà từ hồi còn bé, dù hồi đó nhà nghèo con đông, má bà nấu nồi cháo to ít thịt, nhưng lúc nào bà cũng dặn má bà mua một chút tương xay, cho vào cháo ăn mới ngon.
Ngồi nhâm nhi từ từ vì cháo mới múc còn nóng quá, bà để
ông nói gì thì nói, bà cứ ậm ừ cho qua chuyện, nhưng đầu óc bà lạc về phương trời
nào ấy. Bà nhớ lại, thế mà đã 26 năm.
*****
Năm ấy thằng con lớn của bà được 2 tuổi. Khi sanh nó, bà
đau bụng đã hơn tuần lễ mà vẫn chưa sinh được, bụng lúc đầu đau râm râm, tới
ngày thứ nhì đau hơn và cứ đau hơn nữa, cho tới lúc cô y tá khám và nghe tim
thai thì em bé đã thở yếu lắm rồi, nằm ở đây đã 3 ngày, nhưng không có dấu hiệu
gì sắp sinh cả. Năm ấy bà đã 35 tuổi, bà lấy chồng muộn nên có con muộn. Cô y
tá trưởng đề nghị đem bà đi mổ gấp, nếu không mổ kịp sẽ chết cả mẹ lẫn con. Rồi
thì họ cứu được cả 2 mẹ con.
Nuôi thằng nầy thật trần ai khoai củ. Nó vẫn bú nhiều, ăn nhiều, bụ bẫm, nhưng bịnh thì vẫn cứ bịnh, cứ ho, cảm, nóng,... Nó bệnh theo sự trở mùa của thời tiết. Mỗi khi nó bệnh, bà hay bồng nó đi bác sĩ Trinh ở HH. Bà không đem con tới bác sĩ A, vì ông nầy hay cho kèm trụ sinh là Tetraciline, nên phần đông con nít lớn lên răng đều bị vàng khè, mà không thể nào đánh cho trắng được, bao nhiêu tiền lương dạy học, tiền dạy thêm, tiền buôn bán vặt vãnh đều bỏ vào tiền đi bác sĩ, nhà thương, thuốc thang cho nó. Có những lúc, bà hết sạch sành sanh tiền vì nó cứ bệnh đau liên tục. Bà cũng biết nguyên nhân vì đâu, khí hậu Việt Nam, lúc đầu hôm thì nóng, bà để quạt máy, nửa đêm thì lạnh vì nhà máy tôn, khi lạnh thì thật lạnh, mà nóng thì thật nóng.
Hôm ấy nó bịnh, nóng không biết bao nhiêu độ, sờ vào bà biết là không thể để ở nhà. Bà không còn một đồng dính túi. Bây giờ chỉ có cách là đến cầu cứu thằng em. Nó là em thứ sáu, trong nhà nầy ngoài những đứa em còn nhỏ ra, thì những khi quá cần mà không thể chạy được nơi nào khác, thì bà phải cầu cứu nó. Nó làm công trong xưởng vẽ, là họa sĩ, mà họa sĩ vào năm 1988 thì có phải đâu “goodjob.” Năm ấy thì nhà nước "mở cửa" rồi, nhưng đất nước vẫn còn như ngại ngùng, lạ lẫm khi tiếp xúc với các xứ tự do, nên ngành vẽ cũng không lấy gì đắt khách.
Bà dắt xe đạp vào xưởng ở đường 3/2, trên cái giỏ chổ khung xe là cu Tí. Thằng em ngạc nhiên hỏi:
-Chị chở cháu đi đâu mà sớm vậy?
-Đi Nhi Đồng, hồi hôm nó nóng quá mà chị chẳng còn đồng
nào cả.
Thế là nó lấy cái quần treo trên đinh nó móc sạch nhách,
móc cho đến đồng bạc cuối cùng:
-Chị lấy đỡ bao nhiêu đây đi, em lãnh lương rồi tính
sau.
-Em còn tiền xài không?
-Chị khỏi lo. Em còn cơm nguội với hũ chao.
Chị đứng tần ngần, cầm tiền. Thằng cậu sờ trán thằng
cháu thúc giục:
-Thôi, chị chở cháu đi đi, nó nóng quá rồi.
Chị cho mớ tiền vào túi áo và gài cái kim tây cho chắc ăn. Mẹ chở con vào nhà thương bằng xe đạp, thằng con được nằm viện.
Sau khi mẹ con đà yên chỗ, chị xuống căn tin mua cho con
chút cháo, phần chị thì đã có mớ cơm nguội và mấy con khô đây rồi, cũng qua được
bữa nay, tối thì tính sau.
Ở nhà khi nó nóng thì cuống quít lên, vào đây thì cả ngày y tá chỉ phát cho vài viên thuốc uống cho trẻ bớt nóng rồi chờ xét nghiệm máu xem nó có nhiễm virus sốt suất huyết hay không,
Bà sợ bệnh tình con biến chuyển không biết thế nào, nên
chút tiền của đứa em, bà còn để trong túi mà không dám xài, bụng thì lâm râm
đói, nhưng thôi ráng ngủ đi cho quên đói.
Đêm ở nhà thương Nhi Đồng tầng trên nơi con nít nằm, ban đêm sao thanh vắng, thỉnh thoảng vài tiếng khóc của trẻ, tiếng ú ớ, tiếng la, tiếng dỗ con. Bà trằn trọc bên con, phần thì lạ chỗ ngủ, phần thì đói, bụng kêu rồ rồ không sao ngủ được, tiếng mì gõ lốc cốc... Giờ nầy mà có tô mì thì hết xẩy. Bà nghĩ đến quậy ly sữa bò của con để uống, nhưng cũng không được, phải để dành cho nó...
Bà cứ trằn trọc mãi, đoán giờ nầy chắc cũng 9, 10 giờ đêm rồi. Bỗng cuối hành lang có tiếng guốc lạch cạch, lạch cạch, tiếng như có cái gì gõ vào từng cửa phòng dọc hành lang và tiếng nói oang oang trong đêm vắng vẻ “Bà con nào muốn ăn cháo thì đem gà-mên xuống múc." Nghe tiếng trở mình của người đàn bà nằm với đứa con bên cạnh, bà hỏi với sang:
-Bộ họ cho cháo hả chị?
Giọng ngáy ngủ, bà kia ọ ẹ trả lời:
-Ừ, cháo ế, đêm nào nó cũng kêu cho.
Bà nghe vậy, xốc con lên, không cần biết thằng nhỏ ngủ
hay thức, bà cõng nó trên vai, lấy cái gà-mên có 3 ngăn cầm theo, trước khi đi,
bà nói với bà bên cạnh:
-Chị trông dùm đồ đạc của tui, chẳng có gì quý, chỉ có
cái bình thủy là quý thôi.
-Ừ đi đi , không ai lấy đâu.
Thế là vai cõng con, tay xách gà mèn, bà lần xuống căntin,
vừa đi vừa chạy, sợ người khác lấy hết. Bà nói nhỏ vào tai con:
-Con ơi, mình đi xin cháo, vậy là mình có đồ ăn rồi con
ơi.
Thằng con được mẹ cõng chạy tưng tưng, nó cười khanh
khách, tỉnh ngủ.
Hình như mọi người cũng quen với cảnh nầy và thấy cũng ít ai xuống lấy, cô có nhiệm vụ bán căn tin sắp sửa rửa nồi, nên chắc nghĩ rằng đổ thì uổng nên kêu mọi người xuống lấy, buổi sáng mua cho con, họ bán có chút thịt bầm, bây giờ thì thấy múc vào gà-mên 3 cục thịt bầm to bằng bàn tay vắt lại, như cơm vắt, cháo mới hâm sôi còn nóng hổi. Vậy là để dành tới mai còn ăn được.
Hình như từ sau khi lấy chồng đến lúc nầy, bà chưa bao
giờ được ăn tô cháo ngon quá như vậy. Đúng ra vì nghèo quá, con thì cứ đau cứ bệnh,
bao nhiêu tiền đều đổ vào tiền bác sĩ, tiền thuốc, tiền nhà thương mà chẳng làm
gì được ra tiền ngoài việc đi dạy học.
Nguyên cả ngày hôm sau, bà sống lay lất nhờ gà-mên cháo
ban tối, còn thằng nhỏ vẫn phải mua cháo nóng cho nó.
Buổi chiều thì bố nó vào, bà không dám hỏi ông ăn gì chưa, vì nếu hỏi khi ông trả lời là chưa thì bà phải lấy tiền đi mua đồ ăn, mà tiền nầy chưa biết sẽ xài cho thằng con bao nhiêu, và không biết bệnh tình nó ra sao, vì vậy bà không dám hỏi. Ông có ý ở lại, ông nằm dưới nền nhà, thở dài thườn thượt, môi thì khô, chắc là cũng đói, vào với mẹ con, xem con đỡ chưa và đương nhiên thế nào bà cũng phải kiếm gì cho ông ăn, nhưng bà không hỏi, vì bụng bà cũng đang rỗng tuếch đây. Bà nghe bụng ông cũng kêu ồm ộp.
Rồi bỗng nhiên như "đến hẹn lại lên", tiếng guốc lạch cạch, lạch cạch, tiếng gõ côm cóp vào từng cửa phòng, tiếng la oang oang “lấy cháo! lấy cháo! ai xuống lấy cháo!”
Bà ngồi dậy, phản ứng như bị điện giựt, lấy cái gà-mèn để
sẵn. Bà dợm bước đi thì thằng con la lên “Mẹ, mẹ cho con đi với!”
Ông ngồi dậy, vài giây đầu ông không hiểu chuyện gì xảy
ra. Bà nằm kế bên tỉnh giấc hơn tối qua, thấy ông ngạc nhiên, bà nói: “Đi xin
cháo dưới căntin.”
Ông mắng liền, như thường ngày ông vẫn hay mắng bà:
-Đi đâu, đi ăn xin hả -?
Bà nghẹn ngào khựng lại vài giây, nghĩ trong bụng: ông
không biết, ông không hiểu gì cả, từ ngày lấy nhau, bà đã nhịn đói dài dài, để
nhường tất cả cho con và cho ông. Bà đã thường ăn đồ thừa, bà cố che giấu cái bất
lực của mình vì không thể nào kiếm nhiều tiền hơn được nữa, phổi đã nấu thành
cháo và cũng sắp lủng hết 2 lá rồi.
Sau cùng, cơn đói đang hành hạ và hình như ông cũng đang đói mà còn cố giữ cái sĩ diện rỗng tuếch, bà như không còn biết sợ là gì nữa, bất chấp ông chồng đang nổi xung, bà cõng con chạy theo tiếng la còn vọng lại cuối hành lang. Sau đó bà đem về phòng một gà-mên cháo còn nóng hổi. Thằng con vui lắm, tỉnh ngủ, bi bô nói chuyện tiếng được tiếng mất với bố, “Bố, bố, mẹ cõng con mẹ chạy.” Bàn tay ú nần sờ mặt bố, vừa cười vừa nói ngọng nghệu nghe cũng mắc cười. Ông cười theo thằng con.
Bà không nói gì hết, chia cho ông phần dưới là phần to nhất. Ông lặng lẽ ra hành lang ăn. Và bà thấy hình như ông đang khóc (có lẽ ông hối hận vì muốn giữ cái sĩ diện không xin xỏ mà mắng oan bà chăng?)
*****
-Mấy chục năm kinh nghiệm rồi you ơi, nhưng vẫn không
ngon bằng gà-mên cháo ở Nhi Đồng.
26 năm trôi qua, lưu lạc qua xứ Huê Kỳ, cho đến bây giờ
ông cũng không hề biết: nồi cháo ế hằng đêm ở nhà thương Nhi Đồng và cô bán
căntin tốt bụng đã giúp bà đỡ đói trong hai ngày đêm ở đó.
Kim Thoa
Cam on tac gia ve nhung ky niem cua 1 thoi sau ngay mat nuoc, ai cung kho, bay gio ngoi nho lai sao thay thuong nguoi VN minh qua, va cang han CS
ReplyDeleteThời gian đó cả miền Nam phần đông bị đói.....khổ ơi là khổ.
ReplyDeleteNhớ đó để thù Việt cộng
ReplyDelete