Người Sài Gòn xưa có cách xưng hô
thứ bậc thú vị: công chức, người có học là thầy Hai, người Hoa buôn bán
là chú Ba, đại ca giang hồ là anh Tư, lưu manh là anh Năm… người lao
động nghèo xếp thứ Tám. Sao lại xưng hô vậy?
Chiều
muộn hôm qua có cậu bạn đi công việc ghé ngang nhà rủ làm ly cà phê tán
dóc. Nói chuyện lan man một hồi, tự nhiên anh chàng kể công ty em có
ông già gác cửa rất hay nói câu “bỏ qua đi Tám”…
“Em
không hiểu, có lần hỏi thì ổng nói đại khái là dùng khi can ngăn ai bỏ
qua chuyện gì đó, nhưng sao không phải là Sáu hay Chín mà lại là Tám thì
ổng cũng không biết”, cậu bạn thắc mắc.
Dựa vào những câu chuyện xưa cũ, những giai thoại, nên kể ra đây chút nguyên cớ của câu thành ngữ có lẽ sắp “thất truyền” này…
Trước
hết, phải biết là câu này phát sinh ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn từ thời
Pháp thuộc, khoảng đầu thế kỷ 20. Thời đó, cách xưng hô thứ bậc trong
xã hội rất phổ biến và phần nào phản ánh vị trí xã hội, giai cấp… một
cách khá suồng sã và dễ chấp nhận.
Thứ Nhất: Đứng trên hết
là các “Quan Lớn” người Pháp hoặc các quan triều nhà Nguyễn, thành phần
này thì không “được” xếp thứ bậc vì giới bình dân hầu như không có cơ
hội tiếp xúc đặng xưng hô hay bàn luận thường xuyên.
Thứ Hai:
Kế đến là các công chức làm việc cho chính quyền, họ ít nhiều là dân có
học và dân thường hay có dịp tiếp xúc ngoài đời, là cầu nối giữa họ với
các thủ tục với chính quyền, hoặc đó là thành phần trí thức, đó là các
“thầy Hai thông ngôn”, hay “thầy Hai thơ ký”…
Thứ Ba:
Là các thương gia Hoa Kiều, với tiềm lực tài chính hùng hậu và truyền
thống “bang hội” tương trợ, liên kết chặt chẽ trong kinh doanh, các “chú
Ba Tàu” nghiễm nhiên là thế lực đáng vị nể trong mắt xã hội bình dân
Sài Gòn – Chợ Lớn thời đó.
Thứ Tư:
Là các “đại ca” giang hồ, những tay chuyên sống bằng nghề đâm chém và
hành xử theo luật riêng, tuy tàn khốc và “vô thiên vô pháp” nhưng khá
“tôn ti trật tự (riêng)” và “có đạo nghĩa” chứ không tạp nhạp và thiếu
nghĩa khí như các băng nhóm “trẻ trâu” hiện đại. Các “anh Tư dao búa”
vừa là hung thần, vừa ít nhiều lấy được sự ngưỡng mộ của giới bình dân
(và cũng không ít tiểu thư khuê các) thời đó.
Thứ Năm: Là vị trí của giới lưu manh hạ cấp hơn: các anh Năm đá cá lăn dưa, móc túi giật giỏ, hay làm cò mồi mại dâm…
Thứ Sáu:
Bị giới bình dân ghét hơn đám lưu manh côn đồ là các “thầy Sáu phú-lít
(police)”, “thầy Sáu mã tà”, “thầy Sáu lèo”. Chức trách là giữ an ninh
trật tự, chuyên thổi còi đánh đuổi giới buôn gánh bán bưng bình dân,
nhưng các “thầy Sáu” này cũng không từ cơ hội vơ vét ít tiền mọn “hối
lộ” của họ để “nhẩm xà” (uống trà).
Thứ Bảy:
Và trong giới buôn bán thì không thể thiếu chuyện vay vốn làm ăn, mặc
dù Tàu hay Việt cũng đều có tổ chức cho vay. Nhưng phổ biến và “quy củ”
nhất ở cấp độ trung – cao khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn thời đó là các “anh
Bảy Chà và”, các anh này là các nhà tài phiệt người Ấn, vừa giàu vừa ít
bị “ghét”, vừa ít nhiều có quan hệ qua lại với giới chức người Pháp, lại
làm ăn đúng luật lệ, ít thừa cơ bắt chẹt lãi suất nên khá được giới
kinh doanh tín nhiệm.
Thứ Tám:
Xếp thứ Tám chính là lực lượng đông đảo nhất xã hội bình dân bấy giờ:
họ là giới lao động nghèo chỉ có sức lực làm vốn nuôi miệng, từ bốc vác,
gánh nước bồng em, đến “sang” hơn chút xíu là phu xe kéo…
Tuy
đông nhưng lại yếu thế nhất vì thất học, không có tiền như thầy Hai,
anh Ba, cũng hiền lành chứ không bặm trợn phản kháng bạt mạng như các
anh Tư anh Năm nên họ thường xuyên chịu sự áp bức, bắt nạt từ mọi phía.
Cách để yên thân khả dĩ nhất với họ là khuyên nhau cắn răng nhẫn nhịn,
quên đi để sống: “Bỏ qua đi Tám”, bây giờ chắc là đã dễ hiểu rồi.
Thứ Chín: Không còn liên
quan nữa, nhưng nhân tiện sẵn nói luôn về thứ bậc chót cùng trong xã
hội thời đó: các cô, các chị Chín xóm Bình Khang chuyên “kinh doanh”
bằng “vốn tự có”.
Dài dòng tí để trình
bày chút kiến giải về một câu thành ngữ đang dần bị quên lãng dùng để
bày tỏ thái độ khuyên người hoặc tự an ủi mình hãy đừng để ý những
chuyện không vui, hay bị ai đó “chơi không đẹp”. Nếu lỡ đọc thấy không
có gì thú vị thì thôi, “bỏ qua đi Tám”.
“Anh
Hai Sài Gòn” thì là cách gọi vui, thân mật, nhưng cũng thể hiện tính
cách phóng khoáng, dám làm dám chịu của dân Sài Gòn nói riêng và miền
Nam nói chung. Vì sao lại là “Anh Hai” chứ không là “Anh Cả”?
Năm
1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, bắt đầu gây dựng chính quyền
Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đây là cái mốc quan trọng của quá trình “Nam
tiến” trong lịch sử Việt Nam, cũng là quá trình hình thành văn hóa vùng
đất phía Nam trong xu thế mang theo và gìn giữ văn hóa cội nguồn, đồng
thời tiếp nhận những yếu tố văn hóa của cư dân vùng đất mới.
Đến
năm 1698, Phủ Gia Định được thành lập, Sài Gòn – Gia Định hình thành từ
đó. Chỉ hơn 300 năm nhưng người Sài Gòn đã kịp định hình một bản sắc
riêng dễ nhận biết giữa những người của vùng miền khác. Điều này hình
thành từ nguồn gốc lưu dân và hoàn cảnh lịch sử xã hội của miền Nam /Sài
Gòn.
Lưu dân người Việt vào Nam trước
hết và đông nhất là những người “Tha phương cầu thực” vì không có đất
đai, không có phương kế sinh sống ở quê hương. Thành phần thứ hai là
những người chống đối triều đình, quan lại địa phương bị truy bức nên
phải tìm đường trốn tránh. Thứ ba là những tội đồ bị buộc phải ly hương
(một hình phạt nặng của thời phong kiến). Ngoài ra, còn có số ít người
tương đối giàu có, muốn mở rộng và phát triển việc làm ăn trên vùng đất
mới nên nhập vào hàng ngũ lưu dân tới miền Nam…
Khi
Sài Gòn được hình thành như một trung tâm của vùng đất phía Nam thời
chúa Nguyễn, một đô thị lớn thời thuộc Pháp thì nơi đây cũng là nơi dân
tứ xứ tiếp tục đổ về. Người nhập cư là thành phần hữu cơ của bất cứ đô
thị nào, Sài Gòn vốn hình thành từ những lớp “người nhập cư” rồi trở
thành “người Sài Gòn”, rồi lại tiếp tục thu nhận và chia sẻ cho những
lớp người nhập cư mới.
Sống trong
những điều kiện lịch sử luôn biến động, người dân miền Nam /Sài Gòn đã
tạo dựng một nếp sống tinh thần ấm áp, bình đẳng, lấy tình nghĩa, nghĩa
khí làm trọng…
Người Sài Gòn không phân biệt “quê”, “tỉnh”, “đồng hương” hay không…
Có
thể nói, tính cách người Sài Gòn bắt nguồn từ yếu tố, điều kiện thực tế
nhất ở Sài Gòn là “Làm”: “Làm ăn”, “Làm chơi ăn thiệt”, “Làm đại”, “Dám
làm dám chịu”… được thể hiện một cách giản dị, thiết thực, “liều lĩnh”
nhưng cũng đầy trách nhiệm
Ở Sài Gòn,
“dư luận xã hội” không nặng nề khe khắt với những cái khác, cái mới.
Người Nam khá dân chủ trong các mối quan hệ xã hội và cả
trong gia đình, từ cách xưng hô (người Nam thường xưng “tui”) đến việc
cá nhân ít lệ thuộc, phụ thuộc vào cộng đồng.
Chỉ
vậy thôi, bất kể người tỉnh nào vùng miền nào, miễn là sống ở Sài Gòn,
rồi có tính cách như vậy, thì đó là Người Sài Gòn… Có lẽ vì vậy mà người
ta thường gọi người Sài Gòn một cách trìu mến là “Anh Hai Sài Gòn”.
Ở
miền Bắc con trai trưởng trong nhà gọi là Anh Cả nhưng miền Nam lại gọi
Anh Hai. Vì sao là Anh Hai mà không phải là Anh Cả? Có thể từ vài giả
thuyết sau: Chúa Nguyễn Hoàng là người con trai thứ hai của Nguyễn Kim,
mở đường vào Nam khai phá nên để tôn trọng ông, người dân gọi người con
lớn của mình, trai hay gái, cũng chỉ là (thứ) Hai.
Hoặc,
có ý kiến cho rằng, khi có phong trào lưu dân vào Nam khai khẩn, trong
gia đình thường để con trai thứ ra đi vì người con trai trưởng có vai
trò ở lại quê nhà phụng dưỡng cha mẹ và thờ cúng tổ tiên. Cũng có người
cho rằng, trong làng quê miền Nam xưa có ông Cả (Hương Cả) là người đứng
đầu, vì vậy trong các gia đình chỉ có người thứ Hai…
Tuy
khác nhau về nguồn gốc “thứ Hai” của “anh Hai Sài Gòn” hay “anh Hai Nam
Kỳ” nhưng có thể nhận thấy có chung một điểm: Đó là người con thứ không
bị ràng buộc trách nhiệm nặng nề “giữ hương hỏa, nền nếp” như người con
trưởng nên có thể “rộng chân” ra đi, tự do hơn khi tiếp nhận cái mới,
thay đổi cái cũ lạc hậu, dễ thích nghi, có khi thử, liều. Nhưng vì không
có gia đình họ hàng bên cạnh để mà dựa dẫm “tại, vì, bởi…” nên phải có
trách nhiệm “dám chịu” nếu lỡ sai lầm.
Nguyễn Thị Hậu
Đăng lại từ bài viết “Chuyện thầy Hai con Tám Sài Gòn xưa” trên Tongphuochiep.com
Đăng lại từ bài viết “Chuyện thầy Hai con Tám Sài Gòn xưa” trên Tongphuochiep.com
https://trithucvn.net
No comments:
Post a Comment