Dương Minh Tuyền, một đại ca (lẻ) giang hồ
Chuyện
này chỉ có trong truyện của Kim Dung, truyện của Thi Nại Am bên Tàu và
một vài truyện lẻ trong thời phong kiến Việt Nam, khi mà triều đình lụn
bại, sa đọa, các thế lực nổi lên cát cứ, dân tình oán thán… Trong thời
đại rực rỡ “Đất nước có bao giờ được như hôm nay” – lời của Chủ tịch
nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – sao lại có chuyện giang hồ thế
thiên hành đạo? Có đấy, và chuyện này nghe ra không chỉ khôi hài mà đáng
sợ!
Mới nhìn thấy đơn giản, Dương Minh Tuyền, một đại ca (lẻ) giang hồ,
cũng không mấy khét tiếng bỗng dưng đứng ra thế thiên hành đạo trong vụ
cô bé học sinh lớp 9, trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên
bị bạn đánh đập, lột áo quần và hành hạ đến mức phải nhập viện tâm thần.
Điểm khác biệt ở đây là khi cô bé bị hành hạ, bị bạn cùng lớp đánh đập
và nhục mạ, video clip ghi được từ camera an ninh của trường đã bị “ai
đó” xóa mất và giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng thay vì lên tiếng, lên
kế hoạch bảo vệ cho cô bé học sinh cũng như giáo dục các học sinh đã bạo
lực thì lại giấu nhẹm câu chuyện.
Điều này cho thấy ngay từ trứng nước của sự giáo dục đã có vấn đề,
một kiểu lách trách nhiệm để giữ thành tích nhà trường và hơn hết là sự
dối trá tự thân của những người làm công tác giáo dục. Tuy vậy, đáng bàn
hơn là hệ thống an ninh, cơ quan công quyền địa phương cũng không có
động thái đúng mực, và họ đã vô trách nhiệm. Một học sinh nữ bị rơi vào
trạng thái nạn nhân bạo lực học đường triền miên đến mức phải nhập viện
tâm thần mà cơ quan có trách nhiệm của địa phương vẫn không hay biết.
Trong khi đó, theo luật hiện hành, các trường phổ thông cơ sở, phổ thông
trung học được quản lý và giám sát trực tiếp từ chính quyền địa phương.
Đó chỉ mới một vế! Vấn đề thứ hai là tại sao khi đã biết ban giám hiệu
nhà trường cố tình xóa đi video clip bạo lực học đường mà cơ quan hữu
trách không vào cuộc điều tra, không có động thái chăm sóc với nạn nhân
và không có biện pháp răn đe kịp thời đối với những học sinh đã gây bạo
lực?
Chuyện răn đe học sinh bạo lực và thăm hỏi, chia sẻ với nạn nhân,
dường như giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường không hề có
động thái nào, nó chỉ diễn ra với một đại ca giang hồ. Rõ ràng, ở đây có
một sự bất lực không thể chối bỏ của cơ quan công lực, họ không thể
hoặc có tình không thể làm gì trước một hiện tượng xã hội có tên gọi là
bạo lực học đường một cách dã man, máu lạnh (năm đứa học trò là con gái
xúm vào đánh, hành hạ, lột quần áo một đứa bởi đứa bị đánh là con nhà
nghèo, cô thế và hơi khờ khạo!).
Sự thờ ơ có tính hệ thống từ giáo viên chủ nhiệm cho đến ban giám
hiệu, rồi cơ quan công quyền, thờ ơ đến mức độ chuyện này xảy ra nhiều
lần, diễn đi diễn lại, đến mức nạn nhân trở nên trầm cảm và sang chấn
tâm lý… Lẽ nào camera an ninh của nà trường chỉ sắm ra để cho có? Lẽ nào
ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm không một lần thử nhìn vào màn hình
camera an ninh mà chỉ sắm để gọi là? Và nếu có nhìn thì biết bao nhiêu
lần diễn đi diễn lại, rồi đến khi sự việc tồi tệ xảy ra thì nhà trường
lại tổ chức họp kín với phụ huynh của năm đứa gây bạo lực trước, sau đó
mời phụ huynh của nạn nhân và trước khi mời đã xóa sạch bằng chứng?
Như vậy phải chăng có sự đồng lõa, toa rập giữa nhà trường và các gia
đình của những đứa gây bạo lực? Và khi Dương Minh Tuyền đến thăm hỏi,
tặng tiền cho gia đình nạn nhân, lên Youtube tuyên bố sẽ hỏi thăm gia
đình những đứa gây bạo lực… Thì, xóm làng của gia đình nạn nhân đón
Tuyền như một ngôi sao chính trị, thậm chí mức độ nồng hậu còn cao hơn
cả việc đón Thủ tướng hay Chủ tịch nước về thăm làng. Liền sau sự việc
thăm hỏi của Tuyền là việc ông Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đến
bệnh viện thăm nạn nhân! Chuyện khôi hài và lố bịch ở chỗ, một người đầu
ngành chỉ lên tiếng sau khi giang hồ (mà báo chí trong nước gọi là
“người xã hội”) lên tiếng!
Và chuyện càng khôi hài hơn khi ông Bộ trưởng Nhạ đến thăm, gần như
chẳng có ma nào đón ngoài những người trong ngành giáo dục, nó khác xa
với cuộc đón tiếp hết sức nồng hậu và rầm rộ của người dân khi Tuyền đến
thăm. Mặc dù số tiền của Tuyền mang đến tặng cũng không phải là lớn,
chưa đầy 30 triệu đồng (đương nhiên không phải là nhỏ) nhưng không ít
người cho rằng đó là số tiền “cải cách giáo dục”, số tiền làm thay đổi
tư duy giáo dục, số tiền nhân đạo và sạch sẽ nhất…
Ơ Hay! Tiền của giới giang hồ được xem là tiền sạch sẽ, tiền làm thay
đổi tư duy giáo dục nghĩa là sao? Trong khi tiền của ngành giáo dục là
tiền mồ hôi, xương máu của nhân dân góp trong từng đồng thuế, vậy mà khi
qua tay ông Nhạ, nó trở thành một thứ gì đó vô nghĩa, không ai nhắc
đến, vậy nghĩa là sao? Và, cả một hế thống công quyền, hệ thống pháp
luật, hệ thống giáo dục đang đứng ở đâu mà để cho một kẻ giang hồ với
đúng bộ dạng xăm trỗ đầy mình, vận quần đùi, đi dép lê, tóc húi cua dài
tó, mặt mày bặm trợn lại lên tiếng giáo huấn đạo đức cho những đứa học
trò hư hỏng?
Và hơn nữa, lẽ nào đất nước này không còn có người nào đủ tư cách, đủ
đạo đức và đủ sức hút quần chúng, nhân dân hơn một kẻ giang hồ (mà
trong giới xã hội đen thì Tuyền cũng chả có tên tuổi gì)? Lẽ nào mọi thứ
cơ quan hay quan chức chỉ là loại bù nhìn, việc thu xếp, củng cố trật
tự, đạo đức xã hội lại là trách vụ của giới giang hồ?! Liệu đây có phải
là dấu hiệu cho thấy xã hội Việt Nam đang chạm đáy?! Và giới giang hồ đã
chính thức bước vào “thế thiên hành đạo”?!
VietTuSaiGon's blog
VietTuSaiGon's blog
Ủa! Nếu đấy là đáy thì "Nền Đạo Đức Việt Nam" đã chạm đáy từ thời : "Cải Cách Ruộng Đất" rồi chứ. Nhưng bây giờ nếu có ai hỏi người Việt Nam đang sống ở trong nước, thì thường câu trả lời là: "Việt Nam bây giờ là thế." Và nếu người hỏi có trố mắt ra khi nghe được câu trả lời như thế thì câu trả lời kế tiếp sẽ là: "Nếu không thế, thì không phải Việt Nam."
ReplyDelete