LTG: Nhân thời điểm 30-4 năm nay, tôi xin quảng bá lại những ý
tình liên quan đến đến ngày đen tối ấy mà tôi từng đề cập bàn bạc trước
đây, để kính tặng đồng bào tôi, đặc biệt các bậc trưởng thượng, bậc đàn
anh là những người đã từng hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu, trong
cuộc chiến đấu bảo vệ nền tự chủ cho miền Nam đến 30-4-75; và cuối cùng
tiếp tục chiến đấu đến khi vào tù, để cho người khác đủ thì giờ lên phi
cơ, xuống tàu di tản ra hải ngoại lánh nạn VC.
Bài viết này tôi cũng muốn đặc biệt tâm tình với quý linh mục,
mục sư, giáo sĩ Việt Nam và cấp lãnh đạo những nơi được gọi là “Hội
Thánh”. Nhân tiện tôi cũng muốn đặt câu hỏi với những con dân Chúa là:
Chúng ta nên tuân phục một chính quyền thật sự vì dân như Kinh Thánh đã
dạy, hay lại nghe lời giảng dạy của thành phần “giáo quyền” gồm những
tay sợ VC hơn sợ Thiên Chúa, rồi muốn người khác cũng giống mình là tiếp
tục cúi đầu tuân phục bọn côn đồ VC đã và đang cướp của, giết người và
bán nước hại dân tại Việt Nam ngày nay?
Bài viết này cũng để nói rằng, không một tên cướp hay đảng cướp
nào lại muốn mọi người nhớ mãi những hình ảnh đau thương, tang tóc mà
bọn chúng tạo ra cho những nạn nhân của chúng. Đảng cướp VC cũng vậy,
chúng rất muốn người dân miền Nam Việt Nam chóng quên đi ngày “Quốc Hận
30-4” để chúng an tâm tiếp tục đè đầu, cởi cổ những người thấp cổ, bé
miệng đang nằm trong sự kiềm kẹp của chúng. Để làm được việc đó, chúng
có cả khối đứa muối mặt ăn lương chế độ để viết bài ru ngủ những người
nhẹ dạ.
Theo tôi, muốn thắng VC, muốn ngăn chận tội ác… người ta phải sử
dụng cái đầu khôn ngoan, chứ không chỉ bằng những lời cầu nguyện suông,
hoặc những câu nói thiêng liêng nửa vời, hay những lời chửi đổng, hoặc
dựa vào bằng cấp tiến sĩ, bác sĩ, hoặc kỹ sư… là được. Và để thắng VC,
những ai nhận mình là người Quốc Gia, không thể lâu lâu “trồi lên yêu
nước” một lần hay vài lần trong một năm, hoặc chỉ duy nhất vào ngày Quốc
Hận 30-4, còn những ngày tháng khác thì nghỉ khỏe, không làm gì cả.
(HQB)
***
Đối với người Việt Quốc Gia, ngày 30-4-75 là một ngày đau thương, ngày
miền Nam Việt Nam bị quân cộng sản Bắc Việt thôn tính trọn vẹn, ngày mà
cả hai miền Nam Bắc hoàn toàn rơi vào ách thống trị bạo tàn của những kẻ
vô thần. Tại hải ngoại, hằng năm, người Việt khắp nơi tổ chức ngày 30-4
trong tinh thần “Quốc Hận 30-4” để tưởng niệm biến cố lịch sử đau
thương của dân tộc, hoặc tổ chức ngày “Quốc Hận Đối Kháng 30-4” để lên
tiếng tranh đấu chống lại những bất công và sự đàn áp người dân một cách
thô bạo và tội buôn dân bán nước mà chế độ VC áp đặt lên đất nước Việt
Nam suốt 43 năm qua, nếu chỉ lấy móc điểm ngày 30-4-75.
Nói với người Tin Lành Việt Nam: Trong các sinh hoạt có tính cách đấu tranh, sinh hoạt cộng đồng, người ta thấy hầu hết những người nhận mình là “Đạo Tin Lành” thường không muốn tham dự vì ngại dính dấp đến chính trị. Đây cũng là sự chọn lựa rất bình thường trong phạm vi sinh hoạt tự do, dân chủ. Thế nhưng, những người phản ứng như thế cũng đều biết là: Nếu xét đến bổn phận căn bản của một người công dân bình thường, thì dù là ai, cũng phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với quê hương, dân tộc trên trần gian này. Là một Cơ Đốc Nhân, tôi biết trong Thánh Kinh có dạy: Con dân Chúa là phải tuân phục những chính quyền biết lo cho hạnh phúc người dân, kính kẻ đáng kính, phục kẻ đáng phục (Rô-ma 13); phải lên tiếng bênh vực cho những người thấp cổ bé miệng (Châm-ngôn 31:8-9); kẻ nào làm chứng dối, nói tốt cho kẻ ác sẽ bị dân tộc rủa sả và gớm ghiếc, còn ai quở trách kẻ ác sẽ được đẹp lòng Chúa và phước hạnh sẽ giáng lên người đó (Châm-ngôn 24: 24-25); kẻ biết điều lành mà chẳng làm là phạm tội (Gia-cơ 4:17). “Ðừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn..” (Ma-thi-ơ 10:28). Ngoài ra, tôi cũng biết rằng Chúa Jesus khi còn ở trần gian, Ngài từng cầu nguyện với Đức Chúa Trời rằng: “Con chẳng cầu Cha cất họ ra khỏi thế gian, nhưng con xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác” (Giăng 17:15)
Căn cứ vào những gì tôi đề cập, vậy thì câu hỏi được đặt ra cho người
Tin Lành, là vào những ngày mọi người tưởng niệm Quốc Hận 30-4 thì Cơ
Đốc Nhân phải phản ứng thế nào? Đây là một câu hỏi khá hóc búa liên quan
đến một vấn đề hết sức gai gốc mà hàng giáo phẩm Tin Lành thường không
muốn nhắc đến. Nếu có nhắc, cũng chỉ trong tinh thần khuyên mọi người
nên tìm cách lãng quên, tha thứ cho kẻ thù; phải có tình yêu thương;
phải nhịn nhục, nhân từ; người cộng sản cũng cần được cứu ra khỏi tội
lỗi… Đây là những lời dạy đã được chép bàng bạc trong Thánh Kinh. Thế
nhưng, thiết nghĩ chúng ta cũng cần áp dụng đúng đối tượng, đúng lúc và
đúng nơi, chứ không thể nói chung chung hay nói một chiều.
Chúng ta
không thể nói hay dạy người khác những điều mà chính chúng ta không bao
giờ áp dụng vào đời sống của mình, hoặc có khi còn làm ngược lại. Câu
nói “người Tin Lành không làm chính trị…” chỉ là câu nói khôn ngoan của
một số vị trong hàng lãnh đạo Tin Lành ngày xưa đã phản ứng khi khước từ
hợp tác với Hồ Chí Minh và đảng VC mời gọi góp phần áp đặt chủ nghĩa
cộng sản lên đất nước Việt Nam lúc bấy giờ, chứ không phải đây là những
lời bất di bất dịch của Thánh Kinh để chúng ta dựa vào đó mà né tránh
trách nhiệm.
Ý nghĩa của sự tha thứ: Trước khi chúng ta đi sâu vào những điều có
liên quan đến tiêu đề của bài viết. Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa đích
thực của hai chữ “tha thứ” để chúng ta thấy rõ những gì mình đang quan
tâm. Trọn bộ Thánh Kinh, hai chữ “tha thứ” được nhắc đến ít nhất là 43
lần trong 37 trường hợp khác nhau. Ý nghĩa tha thứ trong Thánh Kinh được
đề cập về sự tha thứ mà Thiên Chúa dành cho con người, và chính con
người dành cho nhau. Tôi xin nói ngay: Tha thứ tức là bỏ qua chứ không
phải vì khiếp nhược mà không dám nhắc đến, hoặc dung dưỡng những điều
sai trái bằng những mỹ từ: tình yêu thương, lòng nhịn nhục, nhân từ, hay
lấy câu Kinh Thánh “khôn như rắn, đơn sơ như chim bồ câu” để làm cái vỏ
bọc cho sự né tránh trách nhiệm bằng lối giả hình mà Chúa Cứu Thế Jesus
từng lên án những tập đoàn thầy thông giáo của Do Thái ngày xưa. Liên
quan đến ý nghĩa “tha thứ”, Kinh thánh chép: “Hãy ở với nhau
cách nhơn từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã
tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy. (Ê-phê-sô 4:32)
Những lời giảng dạy lạc điệu: Chúng ta thường nghe giảng dạy trong
các Nhà Thờ là “hãy quên và tha thứ”, nhưng thực chất thì những ganh
ghét, đố kỵ không phải hiếm thấy từ những người dạy ra điều đó tại các
nhà thờ. Chúng ta cũng thường nghe một số người chủ trương và kêu gọi
“quên quá khứ, xoá bỏ hận thù” nhưng cảnh người dân vô tội bị chế độ VC
đàn áp cũng không hề thuyên giảm bên cạnh những tiếng kêu lạc điệu về
những chủ trương nghe có vẻ hài hoà, đạo đức nửa vời này. Người ta tìm
cách bao che tội lỗi của những kẻ gây ra bao nhiêu tội ác tại Việt Nam
rằng: “kẻ thù của dân tộc Việt Nam là nạn nghèo đói và lạc hậu” và người
ta kêu gọi chất xám hải ngoại về giúp nước, thế nhưng người ta không đủ
công bằng và liêm sỉ để nhìn nhận nguyên nhân nào đã gây ra nạn nghèo
đói và lạc hậu tại Việt Nam? Chính đảng cướp VC đã gây ra tình trạng tàn
tệ đó.
Đừng bẻ cong lời Chúa: Chúa Cứu Thế Jesus từng khuyến cáo các môn đệ
của Ngài rằng: “Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm
tội, hãy quở trách họ; và nếu họ ăn năn, thì hãy tha thứ. (Lu-ca 17:3).
Áp dụng cách tha thứ, chúng ta thấy Chúa Cứu Thế Jesus dạy chúng ta là:
Hãy giữ lấy chính bản thân mình, đừng phạm tội. Nếu biết anh em nào đã
phạm tội, hãy quở trách họ, (Biết chắc và có bằng chứng là họ phạm tội,
chứ không phải nghe những lời đồn đãi vu vơ) nếu người phạm tội biết ăn
năn, thì hãy tha thứ. Ăn năn phải được hiểu là biết lỗi của mình và tỏ
ra thống hối, từ bỏ những sai trái và quay lại với điều ngay, lẽ phải,
chứ không phải chỉ “ăn năn” bằng cái miệng, còn hành động gian ác thì
không chịu ngừng nghỉ. Chúa không dạy chúng ta là cứ làm tội, rồi sử
dụng quyền lực, vây cánh để chểm chệ xét tội người khác. Chúa dạy đối
với kẻ gây ra tội ác, phải lên tiếng tố cáo, quở trách họ. Và nếu những
người phạm tội thật lòng ăn năn thì chúng ta mới tha thứ, chứ Chúa không
dạy tha thứ cho những kẻ ngoan cố, hay dạy chúng ta ngu khờ trước sự
gian manh của những con cáo già đội lốt cừu non.
Theo tôi, thay vì kêu gọi “quên và tha thứ” một cách chung chung,
chúng ta cần tìm cách giúp đỡ nạn nhân của các loại tội ác, có một cuộc
sống ổn định để bù đắp lại những ngày khốn nạn mà họ từng trải qua. Thay
vì kêu gọi “quên quá khứ, xoá bỏ hận thù”, chúng ta cần tiếp tay để
chấm dứt các tội ác, bất công, tàn bạo, được chế độ VC tiếp tục áp đặt
lên những người dân vô tội. Nếu chúng ta không làm được những điều đó,
mà chỉ biết hùng hồn dạy mọi người phải “quên và tha thứ” một cách thiếu
thực tế, là đạo đức giả, là trốn tránh trách nhiệm, là lừa dối chính
mình. Chỉ kêu gọi “quên quá khứ, xoá bỏ hận thù” mà không dám ngăn chận
những nghịch lý đã và đang xảy ra tại Việt Nam là bất công, là dung
dưỡng tội ác, là chiêu bài của những kẻ gian manh, là lối nguỵ biện của
những kẻ mơ hồ về chủ nghĩa cộng sản, là hành động dối trá, chứ không
phải đạo đức.
Những kỷ niệm không thể quên: Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, ngoài
những kỷ niệm đẹp, ai cũng có những kỷ niệm buồn không quên được. Người
ta gọi đó là dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời. Có người thời thơ ấu vì bị
ngược đãi, hoặc chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, đến khi về già vẫn còn
nhớ như in trong trí, và mỗi khi gặp cảnh tương tự như thế thì tinh thần
bị chấn động.
Có người lúc còn trẻ dại bị người lớn nhồi nhét vào đầu những hình
ảnh tiêu cực không đúng sự thật, liên quan đến đấng sanh thành mà mình
không được gần gũi. Khi lớn lên, dù nạn nhân có đủ bằng chứng là những
gì mình biết trước đó là sai sự thật, nhưng vẫn không làm sao bôi xoá
những điều đáng quên đã in đậm trong tâm trí của nạn nhân… Đó là lý do
tại sao, trong ngành sư phạm người ta khuyến cáo các bậc thầy cô phải
tránh tối đa để không vô ý viết sai trên bảng, trên sách, dù sau đó được
lập tức sửa lại. Trong phạm vi gia đình, có những người con bị cha mẹ,
anh em ruồng bỏ, hoặc những bậc cha mẹ bị các con đối xử tệ bạc… Dù họ
tìm cách bỏ qua, không trách hờn, cố lãng quên, nhưng không dễ gì phai
nhoà những hình ảnh phũ phàng mà họ từng chứng kiến. Trong tình yêu, có
người bị người tình, người phối ngẫu phản bội, dù không chủ trương thù
hằn, nhưng mỗi khi có ai vô tình hay cố ý nhắc đến, thì lòng họ quặn
đau… Văn chương Việt Nam gọi đó là “vết thương lòng”. Trong sinh hoạt
chính trị, xã hội, có người bị các chế độ độc tài đàn áp, giam cầm, tra
tấn một cách vô cớ nhiều năm tháng, đến khi được tự do, dù không chủ
trương báo oán những kẻ từng hành hạ mình, nhưng hễ có ai nhắc đến
chuyện cũ là lòng căm phẫn của họ sống dậy…. Đây là phản ứng hết sức
bình thường từ những con người bình thường ở trần gian này.
Làm sao có thể quên?: Một con người còn liêm sỉ và lòng tự trọng
không thể quên được hình ảnh thân nhân của mình bị mang ra đấu tố, chôn
sống trong cái gọi là cải cách ruộng đất năm 1954 tại miền Bắc, hoặc bị
quân VC tàn sát trong biến cố tết Mậu Thân 1968. Làm sao mà quên được
những năm tháng dài, bị hành hạ, bị tra tấn, bị đối xử như một con vật
trong các nhà tù mà chế độ VC gọi là trại “cải tạo”. Làm sao mà quên
được khi con em, chồng cha của họ bị giam cầm hằng chục năm trong tù,
hay phải gục ngã ở những vùng rừng thiêng nước độc, trong khi nhà cửa bị
tịch thu, tài sản bị chế độ VC cướp giựt một cách công khai, khiến cho
họ phải sống lê la trên vỉa hè hay những vùng kinh tế mới dành cho những
người của “chế độ cũ”.
Những người đàn bà Việt Nam có chồng bị tù, phải nuôi cha mẹ mình, cha
mẹ chồng và đàn con dại, chịu những bất công ngược đãi của công an khu
vực; sự tàn bạo, nhẫn tâm của những tên cai tù tại các trại giam chồng
của họ, thì làm sao mà quên được? Làm sao những phụ nữ Việt Nam yếu đuối
có thể quên được cảnh bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp trên đường vượt
biên, vượt biển, vì không thể tiếp tục sống với chế độ VC độc tài? Làm
sao những người con gái thời xuân sắc phải bấm bụng bán thân để nuôi đàn
em nhỏ dại đang cần được no lòng khi cha mẹ bị cầm tù, có thể quên được
những quá khứ tủi nhục đó? Làm sao những người được trưởng thành trong
đau khổ, từng bị ngược đãi, khinh miệt, có thể quên được quá khứ đau
thương của họ?
Tôi xin phép lạc đề một chút: Truyện danh nhân Trung Hoa có nhắc đến
nhân vật Câu Tiễn trong điển tích “nằm gai nếm mật”. Nhân vật Câu Tiễn
có mối thù chung của đất nước cần phải trả. Vì ông sợ mình hài lòng với
địa vị và cuộc sống sung túc mà ông đang có, rồi ngày qua ngày lại quên
đi “nợ nước, thù nhà” nên ông đã tự khắt khe với chính bản thân mình
bằng cách ngày nào cũng vậy; trước khi ăn ông nếm mật đắng, khi ngủ thì
nằm trên đống củi gai để dặn lòng mình không quên mối thù chung…
Tôi nhắc đến câu truyện của Câu Tiễn và thành ngữ “nằm gai nếm mật”
không phải để kêu gọi người khác nuôi lòng hận thù, hay trả hận theo lẽ
thông thường, nhưng tôi xin mọi người đừng vội quên tội ác của VC. Bằng
chứng cho thấy, có nhiều người từng bị VC giam cầm tra tấn trong tù,
từng làm nhục họ, từng cướp giật tài sản của họ và làm cho gia đình họ
ly tán v.v… Nhưng khi được sống đời tự do, cơm no áo ấm, có chút địa vị
hay danh hảo tại xứ người… Thì họ lại quên tội ác của VC ngày xưa và
nay. Có người còn muối mặt quay về Việt Nam móc ngoặc là ăn với kẻ thù
VC qua nhiều vỏ bọc khác nhau. Họ ngang nhiên ngồi chung bàn, ăn chung
mâm với phường gian ác. Tại hải ngoại, có kẻ còn nhậu nhẹt với bọn VC,
Việt gian, nhưng lúc nào cũng trân tráo hô hào chống cộng và “đấu tranh
cho một Việt Nam tự do dân chủ” để lừa những người “không thích chuyện
chính trị” hay thích được an thân và luôn làm thinh trước điều quấy.
Trí thức và thiêng liêng: Có kẻ nhận mình là “trí thức”, thích sử dụng
ngòi bút của mình để bênh vực VC và Việt gian và còn có lời lẽ hay hành
động xúc phạm Cờ Vàng, biểu tượng của người Quốc Gia chân chính. Thành
phần này còn lên giọng thầy đời là khuyên người khác hãy “thức thời”;
hoặc có nhận xét thiếu công bằng khi đồng hoá những bài viết mà bọn VC
hay bọn tay sai của chúng chửi rủa những người Quốc Gia một cách tàn độc
và bẩn thỉu, với những bài viết do người tử tế tố cáo tội ác VC và Việt
gian, rồi cho rằng “người Quốc Gia chửi nhau”… Tôi cũng nhắc lại câu
truyện này để muốn nói rằng: Người Việt Nam tỵ nạn VC cần xét lại vị trí
của mình. Chúng ta là người tỵ nạn VC chứ không phải là thành phần “xấu
xa” trong xã hội bỏ nước ra đi như bọn VC từng nhục mạ chúng ta. Chúng
ta tìm cách vượt thoát khỏi Việt Nam là vì không thể sống chung với bọn
VC gian ác. Xin đừng ai thờ ơ trước tình trạng của đất nước Việt Nam
ngày nay. Xin đừng ai cố tình làm lu mờ ý nghĩa của ngày Quốc Hận 30-4.
Xin đừng ai quên Tháng Tư Đen của đất nước Việt Nam vào năm 1975. Xin
đừng ai xem việc tưởng niệm ngày đau thương của dân tộc là “làm chính
trị”. Xin đừng ai thiêng liêng nửa vời để rồi tự mình đánh mất quê hương
trần gian, mà Quê Hương Trên Trời cũng không vào được, chỉ vì bản chất
đạo đức giả thay thiêng liêng nửa vời của mình.
Trở lại tiêu đề của bài viết: Chẳng những chúng ta không quên những
đau thương mà người khác tạo ra, nhưng còn phải nhớ để dặn chính mình
đừng bao giờ phạm những điều ấy. Nhắc đến những tội ác không phải để thù
hằn, nhưng để giúp mọi người hiểu rõ sự thật và để thế hệ mai sau biết
mà tránh. Cơ Đốc Nhân phải góp phần ngăn chận tội ác bằng những lời cầu
nguyện và những hành động cụ thể. Cơ Đốc Nhân không thể hối lộ kẻ gian
để được yên thân còn ai chết mặc ai. Cơ Đốc Nhân không thể làm chứng dối
về những điều “thật nhưng không thật”, về những ưu đãi mà kẻ gian dành
cho mình để mờ mắt người nhẹ dạ, che đậy những tội ác mà họ đối với anh
em mình, với đồng bào mình. Cơ Đốc Nhân không cường điệu trong lời làm
chứng, hay làm cho người khác hiểu sai giữa kịch tính, và ơn phước thật
của Chúa…
Kết luận: Ngày nào những bất công còn, chúng ta còn nói đến những
điều đó. Ngày nào nhà thờ, thánh đường, chùa chiền, thánh thất còn bị
đóng cửa, bị cào sập, con dân Chúa hay đồng bào còn bị VC đàn áp thì
ngày đó chúng ta còn kêu gọi thế giới can thiệp. Ngày nào đồng bào Việt
Nam chúng ta còn sống trong cảnh đói nghèo và lạc hậu hoặc bị bỏ tù vì
bày tỏ lòng yêu nước thì ngày đó chúng ta còn tranh đấu và còn nhớ đến
tội ác của VC… nhưng không phải để thù hằn như đã nói. Chúng ta không
nhớ để rủa sả, hay nhớ bằng cử chỉ hít hà, tắc lưởi theo kiểu giả hình,
nhưng nhớ để góp phần chấm dứt những khổ đau tại Việt Nam. Vậy thì, nếu
đồng bào ta, anh em ta vẫn còn bị chế độ VC đoạ đày thì chúng ta sẽ
không “làm sao quên được”? Bằng mọi cách, chúng ta phải nhắc cho thế hệ
con cháu chúng ta biết rõ ngày “Quốc Hận 30-4” là gì? Và tại sao chúng
ta cần ghi nhớ ngày tang thương đó.
Huỳnh Quốc Bình
P.O. Box 20361, Salem, OR 97307, USA
(503) 949-8752
E-mail: huynhquocbinh@yahoo.com
No comments:
Post a Comment