Friday, August 6, 2021

Sài Gòn Ngày Phong Tỏa Thứ Hai Mươi Hai: Tang Thương - Đỗ Duy Ngọc

                          Những đoàn người khổ sở tháo chạy khỏi Sài Gòn (ảnh: MXH)

Dù là người lạc quan, không chấp nhận chữ “toang” và “bùng” ở Sài Gòn, nhưng đến hôm nay, phải chấp nhận một sự thật là Sài Gòn tang thương như chưa bao giờ thấy. Kể cả trong thời chiến tranh và trong thời điểm đói nghèo sau 1975… Đã qua thời gian dài giãn cách rồi giới nghiêm, từ Chỉ thị 15, rồi 16 rồi phong toả, con số người nhiễm bệnh và tử vong ở Sài Gòn vẫn không ngừng tăng. Rất nhiều khu vực bị cách ly dài ngày, rất nhiều biện pháp, chỉ thị được đưa ra, nhưng bất lực. Không biết bao nhiêu clip, bao nhiêu tin nhắn, bao nhiêu hình ảnh đã cho thấy một Sài Gòn với nhiều bi kịch.

Những thước phim kinh khủng trôi qua khắp ngõ ngách Sài Gòn

Cảnh nhếch nhác, thiếu phương tiện ở các khu cách ly, cảnh người chết đắp chiếu, người bệnh hấp hối trong phòng của bệnh viện chuyên điều trị người dính Covid-19 mà không có một ai chăm sóc, tiếng kêu vô vọng của người đàn ông trong căn phòng đầy những người chờ chết. Cảnh hàng đoàn xe chở xác người chờ vào lò thiêu ở Bình Hưng Hoà. Tiếng kêu tuyệt vọng của một cô gái bên xác mẹ vừa qua đời. Câu nhắn tin cuối cùng của một cô gái thiện nguyện trước lúc lìa đời…

Cảnh một thanh niên được để trên xe đẩy hàng đưa ra từ con hẻm nhỏ ở quận 4, anh ta yếu lắm rồi, không thở nổi, xe đón anh là một chiếc xe vận tải nhỏ chở hàng do y tế đưa xuống, không bình oxy, không có một thiết bị cấp cứu nào, anh được dìu lên xe và ngồi thở dốc. Nghe nói sau đó anh đã không qua nổi và đã tử vong. Cảnh ba chiếc quan tài được đưa ra từ con hẻm nhỏ lên xe đi thiêu giữa buổi chiều nặng hạt. Cảnh người mẹ kêu gào xin cứu con trong khu cách ly… và biết bao cảnh đau thương nữa không viết ra hết. 

Và cảnh những người sống lê lết bên vỉa hè nhận hộp cơm từ thiện, ánh mắt ai cũng buồn, nụ cười của ai cũng méo xệch. Những cảnh bi đát ấy không thể tìm thấy trên báo chí hàng ngày, cũng sẽ không thấy trên tivi. Nhưng đó là những cảnh đời thực đang xảy ra hàng giờ trong lòng thành phố này. Đêm ở Sài Gòn giờ lặng im một cách đáng sợ và đêm Sài Gòn trong nhiều căn nhà, ngõ hẻm, góc phố, trong các khu cách ly, trong các bệnh viện có những con người lần lượt lìa trần trong lặng lẽ, những cảnh đau thương đầm đìa nước mắt.

Chính quyền tiếp tục ngụp lặn trong lúng túng

Cơn đại dịch như một trận cuồng phong kéo dài, nhà nước loay hoay với những kịch bản đối phó nhưng hình như chưa tìm được một liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn chặn cơn dịch. Cứ cách ly, phong tỏa, giới nghiêm, giãn cách với các chỉ thị không còn giá trị với cuộc khủng hoảng. Đã đến lúc lựa chọn phải tập trung vào mục tiêu giảm tử vong, giảm người nhiễm bệnh. Chuyện tăng trưởng, phát triển phục hồi kinh tế cho chậm lại hoặc cũng có thể dừng lại khi không thể bắt cá hai tay trong thời kỳ dầu sôi lửa bỏng này, cứu người là chuyện khẩn cấp nhất.

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định thành lập Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế với tám thành viên do TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam làm Tổ trưởng.

Tổ tư vấn có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất giải pháp, biện pháp cho Chủ tịch UBND TP.HCM để thực hiện tốt công tác chống dịch, phục hồi sản xuất, qua đó góp phần thực hiện “mục tiêu kép”. Đây là danh sách tổ tư vấn:

– TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam (Tổ trưởng)

– TS Trương Minh Huy Vũ, Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM (Tổ phó)

– PGS.TS Trần Hoàng Hải, giảng viên cao cấp, quyền Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM

– PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM

– TS Nguyễn Ngọc Nhã Nam, VNTI và Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM

– PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam

– Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam

– PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP.HCM

Với ý kiến cá nhân, tôi nghĩ nên tách ra hai mục tiêu và hai tổ tư vấn khác nhau dù cả hai có thể tiến hành song song. Tổ chống dịch gồm y bác sĩ, các nhà khoa học tư vấn cho ủy ban các biện pháp chống dịch hiệu quả, nhanh chóng và thiết thực nhất. Tổ tư vấn kinh tế gồm các chuyên gia kinh tế đưa ra những ý kiến để phát triển kinh tế sau cơn dịch. Ở đây, nhìn vào tổ tư vấn chống dịch với tám người mà chỉ có một bác sĩ, còn lại toàn chuyên gia quản lý, giáo sư kinh tế với tiến sĩ phần mềm. Thế thì tư vấn chống dịch cái gì khi nhiệm vụ trước mắt là chống dịch? Các nhà lãnh đạo vẫn băn khoăn và đặt nặng việc phát triển, phục hồi kinh tế hơn là việc chống dịch. Bởi vậy việc đối phó với đại dịch cứ chạy loanh quanh và lâm vào bế tắc.

Những vành khăn tang

Mới đây, khi làm việc với ông chủ tịch nước, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tính đến nay TP.HCM đã trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau. Đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, chủ tịch UBND TP cho biết việc hạn chế ra đường từ sau 18h đến 6h sáng được thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, từ 6h sáng đến trước 18h, nhiều người vẫn ra đường mà không có lý do cần thiết.

Ông Phong nhận định khi thực hiện Chỉ thị 10 trên cơ sở Chỉ thị 15, số ca nhiễm tăng 6,1 lần so với khi áp dụng Chỉ thị 19. Khi áp dụng Chỉ thị 16, số ca mắc tăng bình quân 7,7 lần/ngày so với áp dụng Chỉ thị 10. Khi tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 thì số ca mắc bình quân tăng 1,5 lần so với khi áp dụng Chỉ thị 16. Như vậy, khi tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thì tốc độ tăng ca mắc bình quân đã chậm lại, chỉ tăng 1,5 lần.

Thế nhưng, nếu xem con số thống kê người nhiễm bệnh và số tử vong thực tế, người ta sẽ có kết quả khác.

Ngày 18 Tháng Bảy có 4,693 ca

Ngày 19 Tháng Bảy có 3,074 ca

Ngày 20 Tháng Bảy có 3,322 ca

Ngày 21 Tháng Bảy có 3,556 ca

Ngày 22 Tháng Bảy có 4,218 ca

Ngày 24 Tháng Bảy có 5,396 ca

Ngày 25 Tháng Bảy có 4,555 ca

Ngày 26 Tháng Bảy có 5,997 ca

Ngày 27 Tháng Bảy có 6,318 ca

Ngày 28 Tháng Bảy có 4,449 ca

Ngày 29 Tháng Bảy có 4,592 ca

Qua những con số đó, chúng ta thấy chỉ qua 11 ngày từ 18 Tháng Bảy đến 29 Tháng Bảy, số người nhiễm bệnh không hề giảm dù thành phố đã dùng nhiều biện pháp để đối phó. Tính đến sáng 30 Tháng Bảy, trên địa bàn thành phố đã có 85,288 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị cho 36,378 bệnh nhân dương tính, trong đó có 847 bệnh nhân nặng đang thở máy và 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 1,057 bệnh nhân tử vong sau khi mắc virus, một con số không nhỏ. Và từ con số đó ta hình dung ra nỗi tang thương của nhiều gia đình ở thành phố này trong cơn đại dịch.

Nhưng thật ra con số tử vong ở thành phố không chỉ là con số người chết vì virus mà mỗi ngày còn biết bao nhiêu bệnh nhân chết vì những bệnh tật khác nhưng không được thống kê. Vì cách ly, phong tỏa, giới nghiêm và hệ thống liên lạc với các bộ phận y tế, với bệnh viện tắc nghẽn không liên lạc được hoặc chuông reo không ai trả lời. Vì hạn chế lưu thông cùng các phương tiện giao thông công cộng không được phép hoạt động.

Rất nhiều người mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, tai biến, ruột thừa, viêm gan cấp tính, viêm cầu thận, tai nạn… không thể đến bệnh viện để cứu chữa kịp thời và họ đành lìa đời trong đau đớn và uất hận của thân nhân. Con số người chết này cũng liên quan gián tiếp từ Covid-19. Bệnh viện vắng hẳn người đến thăm khám, người bệnh mãn tính cũng không được tái khám, ngay cả người trong tình trạng cấp cứu khó khăn lắm mới đến được bệnh viện nhưng cũng không được quan tâm chữa trị như bình thường mà phải qua biết bao thủ tục và việc từ chối người bệnh là chuyện đã từng xảy ra.

Cách ly, phong tỏa kéo dài đã hai tháng, nhiều người, nhiều gia đình chẳng còn chi để sống qua ngày. Đã có hiện tượng lây nhiễm tập thể ở các khu dưỡng lão. Những trung tâm nuôi người già, trẻ em lâu nay sống nhờ lòng hảo tâm của bá tánh giờ đây lâm vào cảnh thiếu ăn. Đã đến lúc nhà nước nên tìm ra giải pháp tốt hơn là ra lệnh cấm đoán và giới nghiêm. Càng siết mạnh càng gây hoang mang và âu lo. Bữa cơm càng lúc càng vơi dần đi vì không còn phương sinh kế, ức chế vì bị tù túng và bế tắc vì không kiếm ra tiền mua rau gạo. Những thứ ấy khiến cho người dân dễ sinh ra bất mãn và có những hành vi thiếu kiểm soát.

Ngày mai ra sao?

Những đoàn người tìm cách bỏ thành phố lại sau lưng càng lúc càng nhiều. Họ ra đi với nhiều phương tiện có sẵn để tìm đường về quê. Họ rời thành phố với giọt nước mắt nhưng ngày về nhiều khi cũng chẳng có nụ cười. Quê nhà nhiều nơi cũng chẳng muốn đón nhận họ và nơi quê nhà họ cũng khó kiếm được bữa cơm. Tang thương không chỉ ở số người nhiễm bệnh, số người tử vong hàng ngày mà tang thương còn phủ lên đời sống của nhưng người đang còn lành mạnh đang thấp thỏm âu lo chẳng biết số phận mình ngày mai ra sao.

Cũng chẳng hiểu về công văn hỏa tốc của Bộ trưởng Bộ Y tế gởi cho chủ tịch thành phố ngày hôm qua. Thúc hối tiến trình chích vaccine vì có cảm giác thành phố tiêm chủng quá chậm chạp? Trong khi đó thành phố lại khẩn thiết yêu cầu tăng cường lượng vaccine. Thực tế là thành phố tiêm chủng quá chậm, số lượng người được chích chẳng là bao so với dân số gần chục triệu người. Thiếu vaccine hay thiếu tổ chức, trách nhiệm? Người dân không cần biết lỗi của ai, chỉ mong được chích vaccine để bớt sợ hãi và hi vọng cơn dịch sẽ sớm qua. Lúc này chỉ mong làm sao giảm được người nhiễm dịch và con số tử vong. Bởi thế giới cũng đã biết rằng không bao giờ diệt được con virus khốn nạn này mà chỉ là ngăn chận nó, sống chung với nó bằng vaccine và những viên thuốc của tương lai.

Theo HCDC, tính từ 18h30 ngày 29 Tháng Bảy đến 6h ngày 30 Tháng Bảy, thành phố ghi nhận thêm 2,740 bệnh nhân mới được Bộ Y tế công bố sáng nay. Trong đợt dịch thứ IV bắt đầu từ 27 Tháng Tư đến sáng 30 Tháng Bảy, thành phố có tổng cộng hơn 84,500 người mắc Covid-19. Những con số chẳng có chi vui, nỗi lo còn đó.


30 Tháng Bảy 2021

Sài Gòn ngày lockdown thứ hai mươi hai

DODUYNGOC

No comments:

Post a Comment