1. Điều nên làm ngay
Trong một khoá học chuyên tu ngành tâm lý học, vị giáo sư ra đề bài về nhà:
“Trong vòng một tuần, anh chị hãy đến gặp người mà mình quan tâm và nói với họ
rằng anh chị yêu mến họ. Đó phải là người mà trước đây, hoặc đã lâu anh
chị không nói những lời như vậy.”
Đề bài xem ra đơn giản. Thế nhưng, hầu hết cánh đàn ông trong lớp đều đã
trên 30 tuổi và cảm thấy vô cùng khó khăn khi thể hiện đề bài này vì họ hiếm
khi thể hiện tình cảm của mình với một ai đó.
Đầu giờ học tuần sau, vị giáo sư hỏi có ai muốn kể lại cho cả lớp nghe câu chuyện
của mình hay không. Dường như ông chờ đợi một phụ nữ xung phong trả lời.
Thế nhưng, một cánh tay nam giới đã giơ lên. Anh ta trông có vẻ xúc động
lắm:
“Cách đây 5 năm, giữa tôi và bố có một bất đồng sâu sắc, và từ đó đến nay vẫn
chưa giải quyết được. Tôi tránh gặp mặt ông ngoại trừ những trường hợp chẳng
đặng đừng khi phải họp mặt gia đình. Nhưng ngay cả những lúc ấy, chúng
tôi cũng hầu như không nói với nhau một lời nào. Vì vậy, tôi đã tự thuyết
phục bản thân đến để xin lỗi và nói với bố tôi rằng tôi yêu ông ấy.
Quyết định ấy dường như đã làm giảm đi phần nào áp lực nặng nề trong lòng
tôi. Đêm hôm đó, tôi hầu như chẳng chợp mắt được. Ngày hôm sau, tôi
đến nhà bố mẹ và bấm chuông, lòng thầm mong bố sẽ mở cửa cho tôi. Tôi lo
sợ rằng nếu mẹ mở cửa thì dự định của tôi sẽ không thành, tôi sẽ bày tỏ với mẹ
thay vì với bố. Nhưng may quá, bố tôi đã ra mở cửa.
Tôi bước vào và nói: “Con không làm mất thời gian của bố đâu, con đến chỉ để
nói với bố rằng bố hãy tha lỗi cho con và con yêu bố”.
Có một sự chuyển biến trên khuôn mặt bố tôi. Gương mặt ông dãn ra, những
nếp nhăn dường như biến mất và ông bắt đầu khóc. Ông bước đến, ôm chầm lấy
tôi và nói: “Bố cũng yêu con, con trai ạ. Nhưng bố chưa biết làm thế
nào để có thể nói với con điều đó”.
Đó là thời khắc quý báu nhất trong đời tôi. Hai ngày sau, bố tôi đột ngột
bị một cơn đau tim và vẫn còn nằm trong bệnh viện cho đến bây giờ. "Nếu
như tôi trì hoãn bộc lộ với bố, có lẽ tôi không bao giờ còn có cơ hội nào nữa”.
Dennis E. Mannering
2. Bộ quần áo cũ
Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh, là chuyện không dễ.
Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết.
Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng
son. Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội... ông luôn đặt lý trí lên trên
tình cảm. Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm giác ông sống vì khối
óc chứ không vì con tim, thiếu sự thông cảm.
Hôm nay đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn rách
mang từ Việt Nam sang. Tôi nhẹ nhàng:
- Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá.
- Nhưng bố thích mặc bộ này!
Tôi bắt đầu cau có:
- Nhưng mặc như vậy đi chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ
bê không chăm sóc bố.
Ông già buồn rầu, lặp lại:
- Bố thích bộ quần áo này lắm.
Tôi cũng cương quyết:
- Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó.
Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông minh mẫn
như vậy:
- Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn.
Khi chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này. Ngày đưa mẹ con ra
nghĩa trang, bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui và xúc động khi mặc nó.
Nước mắt ông già hoen trên mi, rơi xuống gò má nhăn nheo. Tôi hụt hẫng và
hết sức bối rối. Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ.
Trước khi quyết đoán người nào đó khô khan không có trái tim, ta nên xét lại
trái tim mình trước đã.
3. Bệnh và Lười
Cũng như các bà vợ khác ở hải ngoại, vợ tui kỳ này làm biếng quá. Đi làm
về là nằm trên giường xem phim bộ, chẳng chịu nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa gì
ráo. Tôi có la, nó ấp úng trả lời:
- Em thấy mệt quá, chẳng làm gì được cả. Nằm nhưng không ngủ được
nên mới bật máy xem phim, chứ không cố ý xem phim.
Con vợ tui chơi chữ ghê, xem mà không xem, nó biện hộ kiểu này ai nghe cho được.
Tui định bụng hôm nay về mà bếp núc lạnh tanh, sẽ đập tan cái TV ra cho biết mặt.
Về nhà, quả nhiên cơm canh không có, đứa con nhỏ hoảng hốt:
- Ba ơi, anh Hai đưa má vào bệnh viện rồi, má bị xỉu phải cấp cứu.
Tui vội vã vào nhà thương. Người ta đã chẩn bệnh xong. Vợ tui có lẽ
bị ung thư xương. Hèn chi mấy tuần nay nó đau nhức, than thở mà tui nghĩ
nó giả bộ nên không thèm nghe, cũng chẳng đưa đi bác sĩ.
Bệnh ung thư phát mạnh quá, sau vài tuần, bác sĩ cho biết nó không còn ở với
tui được bao lâu nữa. Ung thư ngực thì cắt vú, ung thư xương không biết cắt
ở đâu! Phổi vợ tui cũng có vấn đề, vì bao năm qua phải hít thở khói thuốc
lá tui hút. Tui không dám nói với nó tui đã nghĩ xấu và giận nó không chịu
nấu cơm, dọn dẹp. Cô vợ đầu ấp tay gối bao nhiều năm mà nó đau đớn, bịnh
nặng tui cũng không biết. Vậy mà nó vẫn cố gắng đi làm kiếm tiền, chỉ khi
về mới nằm liệt ra thôi. Tui hối hận quá chừng, trốn vào nhà vệ sinh của
bệnh viện khóc rấm rứt. Thằng Tây đen nhìn tui ái ngại, hỏi tui có OK
không. Tui không biết than thở cùng ai, nên dù tiếng Anh dở ẹt, cũng sổ một
tràng. Nó có vẻ thông cảm nhưng chỉ phán được một tiếng “sorry” rồi đi
ra.
Tui trở vào phòng thăm vợ. Mới mấy tuần mà nó ốm nhom xanh lè, tay chân
dây rợ, kim chích chằng chịt. Nó thì thầm:
- Ở đây buồn và ồn quá, em muốn về nhà. Em sẽ nấu món giả cày mà
anh thích đó.
Tui vỗ về:
-Em ráng lo nghỉ ngơi, đừng bận tâm.
Tui ráng nấu mấy món ngon đem vào nhà thương, nhưng nó không ăn được nữa.
Tui lại khóc. Lạ ghê, trước giờ tui rất oai phong, la mắng vợ con mỗi
ngày, uy quyền lắm mà bây giờ mít ướt quá sức…
Bạn hãy dành thời gian cho những người xung quanh mình – cho dù chỉ là để làm một
việc nhỏ nhoi!
Albert Schweitzer
Sống trong gia đình nên săn sóc cho nhau và tìm hiểu cặn kẽ, đừng vội trách
móc, giận hờn. Thiếu hiểu biết săn sóc kịp thời, là vô tình mình đẩy người
mình thương vào cõi chết sớm hơn, do thiếu tìm hiểu, cảm thông và chăm sóc muộn
màng.
Không một ai có được niềm vui thực sự,
trừ khi người ấy được sống trong tình yêu thương.
Bài viết này hay lắm và rất ý nghĩa 🌹
ReplyDelete