Tuesday, December 10, 2024

Có Phải Làm Ơn Là Mắc Oán? - Huỳnh Quốc Bình

 

Con người có lòng nhân, nhưng một khi con người đánh mất lòng nhân, con người sẽ trở thành kẻ độc ác. Sự độc ác của con người, loài vật không thể sánh bằng.


Nhân ngày “Lễ Tạ Ơn” người viết muốn lạm bàn vài điều liên quan đến chuyện ơn nghĩa giữa con người với nhau. Trong cuộc sống hằng ngày, người ta thấy thiện hạ phản bội nhau hà rầm. Chuyện lấy oán trả ơn, đầy dẩy ra đó. Người với người ở gần mà còn phản bội nhau, còn cư xử với nhau tàn tệ như thế, “Ông Trời” hay “Thiên Chúa”, hoặc “Ngọc Hoàng Thượng Đế” của họ, nhằm nhò gì đối với họ. Tôi dám nói mà không sợ sai: Những kẻ bội ơn người không thể biết ơn Trời.

Có người than phiền là thời đại ngày nay con người sống ích kỷ lắm. Thiên hạ chỉ lo cho cái thân của mình, còn “ai sống chết mặc bây”. Họ cũng lý luận rằng, “Xã hội ngày nay là như vậy đó, không ai có thể trách ai ích kỷ bởi vì khi thi ân cho thiên hạ, người ta không đền ơn đã đành, nhưng lại còn đem lòng phản phúc và oán hờn người làm ơn cho mình. Có ai còn dám thi ân người nữa đây?”

Đối với người viết bài này, thời nào cũng có người tốt kẻ xấu. Ở đâu cũng có người tử tế và đứa gian manh. Chỗ nào cũng có thành phần biết ơn và đồ vô ơn hay kẻ phản phúc. Xã hội mà, con người yếu đuối, bất toàn mà, làm gì có chuyện ai cũng tốt lành như nhau.

Hầu hết những kẻ gian manh thường nói điều nhân nghĩa trên môi miệng. Có nhiều bằng chứng cho thấy những ai thọ ơn người khác mà vội vàng “trả ơn” chừng nào, sự quên ơn đến với họ càng nhanh hơn chừng ấy. Trong chính trị, những tay có đầu óc gian tà thường lấy huy chương, bằng khen ra để tấp nập “ghi công” người, nhưng khi cần loại trừ ai, chúng không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn tàn độc hay hèn hạ nào theo kiểu “lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện”.

Không chỉ riêng bọn vô thần hay độc tài mà ngay trong những người nhận mình là “hữu thần”, “trí thức” hay “tu sĩ”, cũng có khối đứa không thiếu tâm địa phản phúc y như bọn vô thần gian ác. Mới ngày nào chúng chỉ có cái quần xà lỏn, trông rất dễ thương, nhưng khi đã thành danh, chúng quay lại hãm hại chính những người ân của chúng. Những hành động “lấy oán trả ơn” đã khiến cho những người tử tế phải lắc đầu ngao ngán. Thật ra, Thánh Kinh cũng đã khuyến cáo về thời kỳ sau rốt. Đó là thời kỳ mà không thiếu kẻ “Thù người lành và lường thầy phản bạn…” (II Ti-mô-thê 3:3-4).

Người đời có câu, “Cứu vật, vật trả ơn; cứu nhơn, nhơn trả oán”. Có người đem những hình ảnh loài vật trả ơn con người để so sánh với thái độ vô ơn của người này đối với kẻ khác. Họ kết luận rằng “loài vật biết ơn hơn loài người.” Thực tế, không phải như vậy đâu. Cứ thí dụ về con chó thôi, người ta cho rằng trong các loài vật, con chó là con vật trung thành với chủ nhất. Họ cho rằng chó ít khi phản chủ, còn con người, thường phản chủ. Thật sự, chưa có một thống kê hay một bằng chứng gì để chứng minh rằng lời xác quyết này đúng hay sai. Thực chất, con chó không khôn hơn con người. Loài người có tri thức nên thường biết phải biết quấy. Loài chó, ngoài những con chó điên ra, những con còn lại luôn trung thành với chủ vô điều kiện theo phản ứng tự nhiên của chúng. Việc so sánh này có vẻ không ổn bởi vì chó là chó, mà người là người. Chó có thể cắn càng, hay tấn công phe nghịch để tự vệ, nhưng chó không nghĩ ra được những chiêu thức hại người một cách tàn độc. Chó không thể nghĩ ra cách giết hại đồng bào hay đồng loại hằng loạt. Chó không biết cách hãm hại chủ của chúng theo kiểu hết sức nhẫn tâm hoặc đến mức kinh hoàng mà con người sử dụng để hãm hại nhau.

Con người có lòng nhân, nhưng một khi con người đánh mất lòng nhân, con người sẽ trở thành kẻ độc ác. Sự độc ác của con người, loài vật không thể sánh bằng. Con người không chỉ độc ác qua hành động mà còn bằng lời nói dối trá nữa. Chỉ có con người mới có khả năng nói trắng thành đen, đen thành trắng, chứ loài vật không có khả năng này. Kinh Thánh đã xác định, “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9).

Tôi không biết rõ cái câu “Làm ơn mắc oán” có tự bao giờ? Tôi thấy người đời thường than vãn là làm ơn mắc oán khi họ bị người khác “trả ơn” bằng những lời nói hay hành động theo kiểu vô ơn. Tàn tệ hơn nữa khi có kẻ còn quay lại đặt điều nói xấu, nói sau lưng, hay vô cớ hãm hại người ơn. Dù vậy, người Âu-Mỹ cũng nói, “Nếu bạn làm điều thiện, có thể người ta sẽ cho là bạn làm vì tư lợi, nhưng dù sao, cũng hãy làm điều thiện.” (If you do good, people will accuse you of selfish ulterior motives. Do good anyway)

Thành ngữ Việt Nam có câu, “Thi ơn bất cầu báo”. Cũng có người nói, “Nếu bạn muốn sống đời hạnh phúc, đừng nhớ những gì đã cho và chớ quên những gì bạn nhận từ người khác.” Triết lý sống này tôi thấy hợp lý. Nếu chúng ta không chịu quên những gì mình cho người này, còn thì giờ đâu mà nhớ ơn người kia, hoặc mình sẽ “đau khổ” vì gặp phải kẻ vô ơn. Đành rằng người ban ơn không cần báo đáp, nhưng kẻ thọ ơn cũng phải biết ơn người, mới phải. Ngoài ra có một điều tôi dám cho là “chắc ăn như bắp” đó là: Đối với một số người, trong mười lần giao tiếp, chúng ta có thể bày tỏ lòng nhân ái bằng cách giúp đỡ họ được chín lần, nhưng chỉ cần một lần nào đó chúng ta không giúp họ được, họ liền tỏ ra oán hận chúng ta.

Trong xã hội, kẻ vô ơn tuy nhiều, nhưng người biết ơn cũng không phải là ít. Cá nhân tôi từng bị những kẻ từng thọ ơn tôi quay lại “đâm sau lưng” tôi bằng những “nhát dao” chí tử. Tạ ơn Chúa, tôi vẫn là tôi và tôi vẫn bình an. Có người biết chuyện hỏi tôi là những lần bị phản bội hay bị “đâm sau lưng” như thế tôi có đau và có giận không? Tôi trả lời với họ rằng, tôi đâu phải là Thánh mà không đau, không giận. Tôi có đau nhưng rồi cũng hết đau. Tôi có giận nhưng rồi cũng hết giận. Nhiều khi ngồi suy nghĩ lại tôi thấy tội nghiệp cho những kẻ phản bội tôi. Tôi nói thật chứ không phải cố nói giọng đạo đức, thiêng liêng gì ở đây bởi vì thà tôi là người bị phản bội, hơn là trở thành kẻ bội phản.

Trong cuộc sống người ta thấy không ít người hết sức vô cảm. Nhìn người khác bị nạn, bị hà hiếp, bị “vu oan, giá họa”, nhưng họ lại tỏ ra bàng quan, không muốn can thiệp. Đối với thành phần này, họ lý luận rằng có giúp người, rồi người cũng phản bội thôi. Để hóa giải suy nghĩ yếm thế này, người Mỹ có câu “People really need help but may attack you if you do help them. Help people anyway”. Tạm dịch: (Người ta hết sức cần sự giúp đỡ của bạn đó, nhưng rồi người ta cũng có thể phản bội bạn dễ dàng. Dù vậy, cứ giúp đỡ mọi người.)

Kết luận
Không phải lúc nào làm ơn cũng đều mắc oán. Cho dù chúng ta thường gặp cảnh “làm ơn mắc oán” đi nữa, chớ nên oán hờn. Con người có trái tim cũng phải ra tay giúp người hoạn nạn hay những ai cần sự giúp đỡ của chúng ta. Mà cứ cho là lần nào hễ giúp người là bị người phản bội đi nữa, lòng nhân của chúng ta không cho phép chúng ta nhìn đâu cũng thấy phường gian ác, phản bội, để có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi khổ đau hay tiếng rên siếc của người khác.

Đừng ngại ban ơn bởi vì nếu ở đâu có loại gian ác như Bàng Quyên, ở đó cũng sẽ có người hiền như Tôn Tẩn. Ở đâu có đứa hèn hạ, ác ôn như Lý Thông, ở đó cũng có người tốt như Thạch Sanh. Ở đâu có bọn gian ác, bất lương, hay đê tiện, nơi đó cũng còn thiếu gì người chân chính. Chúng ta chớ nên “mệt mỏi” làm điều thiện. Chúng ta hãy tránh xa những kẻ có hành động lấy oán trả ơn. Khi chúng ta chọn làm điều thiện, đương nhiên sẽ nghịch lại bọn gian tà và chắc chắn chúng nó sẽ tìm cách hãm hại mình. Dù vậy, đừng e ngại giúp đỡ người cần giúp đỡ. Cứ tiếp tục “làm ơn” và đừng bao giờ ngại “mắc oán”.


Huỳnh Quốc Bình
Mùa Lễ Tạ Ơn 2024

No comments:

Post a Comment