Sunday, December 29, 2024

Chuyện Vợ Người Tù Cải Tạo...... Chồng Tù, Con Tù, Con Tử… - Hoàng Oanh

 

Trời hè Cali năm nay rất nóng, ánh nắng chói chang. Những đám mây chuyển động cuốn theo chiều gió trong hoàng hôn đổi thay màu sắc với ánh vàng tươi đẹp có lúc đỏ rực góc trời như máu lửa chiến tranh. Sức nóng nơi đây làm tôi lại nhớ về Việt Nam, nơi khí hậu nóng gay gắt vào hè… và trong thâm tâm gợi lại: Vì sao tôi đến nơi nầy, để lòng luôn nhớ về quê hương?!

Ngược dòng thời gian, từ khi đất nước Việt Nam với chiến tranh, để có những chiến binh tàn phế lê lết đau khổ cả cuộc đời và những người tử thương vùi thây dưới lòng đất hoang vu… để lại những quả phụ cô nhi, mẹ góa con côi bất hạnh trong cuộc sống tương lai mờ mịt đau thương!

Vì thế mọi người đều mong mỏi đất nước được thanh bình.

Ngày 30-4-75, quân Cộng Sản đã tràn vào dinh Ðộc Lập. Ðài phát thanh phát lời Tổng Thống Dương văn Minh ra lệnh tất cả chiến sỉ hãy ngưng chiến, buông súng. Các chiến sỉ VNCH đang chiến đấu mãnh liệt, cuộc chiến chưa tàn, giã từ vũ khí…khi vận nước đến hồi đen tối.

Thế là hết, nước mất, nhà tan trong nổi hận! Lệnh của chánh quyền Cộng Sản:

Tất cả ngụy quân từ cấp tá trở lên và ngụy quyền cao cấp phải đi trình diện ở những điểm…trong hạn định ngày 13, 14, 15/6/1975, để học tập cải tạo, đem theo hành trang và tiền ăn 1 tháng.

Chồng tôi từ giã vợ con, dặn dò tôi bao nhiêu điều… Tôi đưa chồng tôi đến điểm tập trung và chia tay trong đau buồn, lo ngại cho lần đi nầy.

Chồng tôi bước chân vào đời binh nghiệp tại trường Võ Bị Ðalạt năm 1951.

Ðã bao năm tôi sắp xếp quân phục cho chồng trong những lần đi… trên bâu áo từ mai vàng đã đổi màu mai trắng và hẹn ngày về… Lần đi nầy với thường phục, một túi xách đen…không biết được ngày mai!… Khi không còn “chiến tranh” để không có cảnh cô nhi quả phụ, thì có những người đi tù “không hẹn ngày về” cũng vẫn đưa đến cho những đứa con và những người vợ trong cảnh khổ cực cuộc đời với những nỗi niềm:

“Người vợ tù cải tạo”

Ngày tháng nặng nề trôi qua khi chồng tôi đi tù ở tuổi 45, và tôi, một người mẹ 44 tuổi với 10 đứa con, 4 gái, 6 trai. Bây giờ, tôi vừa làm mẹ lại vừa thay cha để nuôi và hướng dẫn các con làm sao cho nên người… được cơm no và bước đường học vấn được tốt đẹp…Ðiều tôi mong mỏi cũng là điều tôi lo ngại trong hoàn cảnh nầy. Bao nhiêu gia đình có chồng đi tù, những người vợ, người con lắm cực nhọc với sinh kế khó khăn hiện tại. Phải ra những lề đường, các chợ và chợ trời mưu sinh.

Những đứa con của tôi đều đi làm thuê khi rảnh giờ học. Con trai thì làm phu khuân vác hoặc xây cất rất nặng nề. Mấy đứa con gái thì đi lãnh sợi nylon về móc giỏ, từ chợ Hòa Hưng qua chợ Tân Qui Ðông rất xa. Hai đứa con gái nhỏ, tuổi 9-15, chở nhau bằng xe đạp, lãnh sợi và giao giỏ. Còn tôi cũng ra đi từ sáng sớm, đến tổ thêu may gần chợ Bến Thành để may mướn. Mẹ con tôi đi trong mưa nắng… cũng mặc. Chiều về, tôi luôn không được nghỉ ngơi, vội vã nấu ăn rồi đi họp tổ. Lời Tổ trưởng:

-” Các người vắng mặt là điều không tốt. Khi xét cho chồng đi cải tạo về, cũng do vợ con tham gia tích cực mọi việc được tốt nơi địa phương”.

Những lần họp từ 7 giờ tối, có khi đến gần 10 giờ mới xong, họ luôn nhắc nhở câu: “Chúng ta được sống trong Ðộc Lập- Tự do- Hạnh phúc…nhờ ơn Bác và Ðảng”. Thật là mệt thể xác lẫn tinh thần. Vì tranh thủ, có người đem len theo vừa nghe vừa đan, đã làm nhiều, cực, nhưng mấy ai được no. Những bữa ăn của con tôi thường là: dưa mắm, tương, chao, rau luộc, mấy khi có cá thịt. Còn cơm thì độn bo bo và chia từng phần cho 10 đứa con. Ðói no chỉ bấy nhiêu, rồi uống nước nhiều. Tôi nhìn con trong cảnh đó mà lòng quá đau xót!

Gia đình tôi luôn bị thúc giục đi Kinh Tế Mới để tăng gia sản xuất. Tôi đã nghe những người đi nơi ấy về nói lại “ Rất khó sống “. Vì thế nếu không ở được thành phố thì tôi sẽ đến một nơi khác. Tôi về quê chồng ở Mytho để tham khảo ý kiến nơi ở và sinh kế thì được lời: “ Về đây, sẽ tùy việc… và đùm bọc lẫn nhau”. Tôi cũng về quê tôi Bạc Liêu tìm hiểu, thì bà con có ý kiến: “ Hãy nuôi chim cút vì đang có phong trào”. Quê hương sẽ là nơi dung thân. Tôi sẽ chọn một trong hai nơi nầy để có người thân giúp đỡ... Và tôi lại nghĩ đến chồng, từ ngày ra đi, bản thân và sự sống ra sao không rõ; còn tôi và các con trong cuộc sống, nơi ở, cũng không yên, rồi đây sẽ đi đâu, về đâu?!


Những gì tôi lo ngại về đường học vấn của các con tôi rồi cũng vỡ lở, không khỏi được. Ðứa con lớn đang học luật khoa, thì khoa nầy bị bỏ. Ðứa học đại học y khoa cũng bị đuổi. Một đứa kế tiếp đang bước vào ngưỡng cửa đại học lại phải đi nông trường lao động Thanh Niên Xung Phong. Ðường học vấn của các con, ước vọng tương lai đen tối. Chúng buồn và khóc nhiều. Cũng bởi vì “vợ con ngụy”, nên lắm phũ phàng! Vào một đêm, tiếng chuông cổng nhà reo vang cùng tiếng gọi:

-“ mở cổng, mở nhanh, chủ hộ!”

Tôi nhìn đồng hồ biết thời gian, 12 giờ 18 phút. Thì ra những người gọi là công an phường, tổ trưởng khu vực và một phụ nữ. Họ cho biết có lệnh xét nhà. Họ buộc tôi mở các tủ lớn, nhỏ để lục xét và bắt ghế lên 2 giường sắt chồng mà trèo lên trần nhà qua khung gỗ vuông. Người phụ nữ, mà người ta gọi là dân 30 tháng 4, cũng trèo lên theo. Họ rọi đèn pin, không hiểu họ tìm gì trên ấy. Xong việc, xét không có gì đễ lập biên bản, họ cũng không ra về mà ở lại, gọi là “đóng chốt” một đêm, một ngày. Khi rút đi thì tịch thu 1 máy ảnh trong còn phim chưa chụp hết, một máy quay phim cùng bao nhiêu phim kỷ niệm đám cưới trong gia đình, cả đám tang của cha mẹ, tôi năn nỉ thế nào xin lại cũng không được. Họ nói là để chiếu xem, nếu có tài liệu xấu, sẽ” mời ra phường làm việc”. Nếu không có gì thì gọi ra nhận lại trong 10 ngày, nhưng rồi họ im lặng luôn.


Sau việc xét nhà, tôi luôn lo ngại” tai họa” cho những đứa con trai của tôi. Và nghỉ có đi đâu khỏi nơi nầy, cũng không đem đồ đạc trong nhà theo được, để lại họ xài, khi họ chiếm nhà, cho nên tôi đã bán giường, tủ, bàn, ghế salon… mọi đồ vật trong nhà cả bộ lư trên bàn thờ ông bà, tôi cũng bán. Giờ đây, nhà trống trải từ trên lầu xuống từng dưới, từ trước ra sau, các con tôi có thể đá banh thoải mái. Tôi ứa nước mắt, vì tiếc những gì mình mua sắm theo sở thích qua bao năm đều là kỷ niệm.

Rồi việc gì đến đã đến, vào một đêm mưa nhỏ, vẫn sau 12 giờ khuya, có tiếng gọi to:

-“ Mở cổng, mở nhanh”

Cùng tiếng chuông cổng vang liên hồi, những người gọi vẫn là công an phường, tổ trưởng khu vực. Khi vào nhà, họ liền hỏi: “ Có đứa tên này … không?

Tôi trả lời:

“ Ðó là con tôi, nó đang ngủ”

Họ đến tận giường kêu nó dậy. Nó đang ở trần, mặc quần đùi. Họ hối lấy quần dài, áo dài tay mặc… với lời: ” Mời ra phường làm việc” rồi bắt dẫn đi. Con tôi trong ngơ ngác. Tôi đi theo ra công an phường, lúc 1 giờ 10 phút. Họ để mẹ con tôi nơi phòng đợi, còn họ, người ra về, người vào phòng… ngủ. Mãi cho đến sáng, khi có tiếng rao bán hàng, họ mới mở cổng. Nhìn mẹ con tôi, thốt:

“ Chờ làm việc”.

Thấy con lắng nghe tiếng rao bán hàng thí biết con đang đói. Con lại nói nhức đầu. Tôi cũng quá mệt mõi cả đêm ngồi không ngủ, lại lo ngại việc gì sẽ đưa đến. Nuôi con, ai hiểu con bằng cha mẹ! Tôi an ủi con:

-“ Chờ làm việc rồi sẽ về. Con không làm gì sai, đừng sợ”... Tôi về nhà lấy tiền, để mua gì cho con ăn và đem thuốc nhức đầu cho con uống

Tôi vừa đi vừa chạy vì nhà không xa lắm. Tôi mua 3 củ khoai lang luộc còn nóng. Tôi đi… chạy nhanh trong vòng 30 phút. Khi trở lại thì… không còn con tôi ở đó nữa. Họ đã đem con tôi nhốt nơi khác. Tôi hỏi, họ trả lời:

“ Chị đi về đi sẽ cho biết sau”.

Tôi đau khổ quá, nước mắt tuôn trào. Tôi đem khoai và thuốc mà con không được nhận trong lúc đang phải chịu đói và đau. Không biết họ đã đem con tôi nhốt ở đâu và nghĩ khi bắt đi, không có mẹ, con tôi sẽ hoảng sợ như thế nào? Tội nghiệp cho con, tôi khóc trong tức tưởi…ra về. Tôi đi tìm hiểu sự việc. Có đứa lứa tuổi, trùng tên, nhà ở gần, nó chỉ “thả diều” nhiều ngày trên nóc nhà. Họ cho là nghiên cứu truyền tin, thành phần bất hảo. Tôi đi khiếu nại nhiều lần, nhưng vẫn cái câu“ chờ cứu xét”.

Ðã hơn 5 tháng thì vào 1 ngày tôi được tin con, tôi xách giỏ thức ăn, vất vả đi tìm thăm con. Nhìn con đau ốm, hai chân sưng phù, mặt hốc hác. Người bịnh lại mặc áo còn ướt, giặt phơi chưa khô, vì đêm bị bắt, chỉ mặc một bộ quần áo… ra đi. Mẹ con đều khóc trong đau khổ. Tôi muốn dắt con ra khỏi chốn tù… con tôi theo nắm tay mẹ, vì muốn cùng mẹ đi về…nhưng…!

Nỗi tức lòng, người ở tù thì phải đúng tội, tôi khiếu nại đến Viện Kiểm Sát Quận…, gặp viện trưởng Ng….trình bày con tôi được thả với giấy: “ bắt nhầm vì trùng tên”... Khi đem về, họ bỏ ở đầu đường, con tôi bị phù chân không đi được- có ông bán cháo lòng quen- giúp cõng về nhà. Con tôi ở tù oan 8 tháng, bị đuổi học, đang học Trung Học Kỷ Thuật Toán lớp 12, trong tuổi 17, ra tù 18, từ tháng 12-1976 đến 8-1977, giam ở Xuyên Mộc.

Lại 1 việc cực khổ nữa đến với đứa con trai khác, 17 tuổi, cũng đang học lớp 12, phải bỏ học đi lao động nông trường, rồi đưa đi nghĩa vụ thủy lợi, đào kinh vùng duyên hải Cần Giờ, từ 9-1978 đến 12-1980, tính ra hơn 2 năm, xong công trình mới được về.

Tôi lại xách giỏ thức ăn đi thăm con. Nhìn con gầy ốm, hốc hác, da mặt đen nám vì phơi nắng mưa. Quần áo rách rưới, đưa lưng, đưa đùi, vì luôn trong sình đất dưới nước ngày nầy qua ngày khác, quần áo đâu cho đủ, thật quá đau lòng. Trên người, da cũng ngứa lở, kẽ ngón tay, chân bị nước ăn, luôn ngứa, gãi... rướm máu. Hình ảnh con dưới nước lội lên bờ, như con vật bị thương, uể oải đến bên mẹ… Mỗi lần đi thăm là đem thuốc ngứa lở, cảm. Thật tội nghiệp con tôi. Thỉnh thoảng, con tôi về thăm nhà, thấy con ốm, bơ phờ vì bao gian lao, cực khổ, vác đạn nơi chiến trường nguy hiểm, canh gác trong đêm, đói khát đủ mọi thứ, ngoài sức chiu đựng.


Con tôi đã hẹn ngày đưa Ông Táo, 23 âl tháng chạp, sẽ về thăm trong dịp Tết, thì đúng ngày 23 âm lịch, được hung tin nó đã “tử thương” vì trúng mìn tan xác nơi biên giới Campuchia, ngày 11-1-1979, tức ngày 13 âl tháng chạp. Ðến ngày 20-1-1979, họ mới báo tin, đã 10 ngày, tức ngày 23 âm lịch, đưa ông Táo, con tôi đã về trong vong hồn như nó đã hẹn! Họ chỉ có 1 tờ “giấy báo tử”, không xác, không thây, không nói đến nấm mồ, mà chỉ đem về một balô của con tôi, trong có 1 nhật ký, 1 tấm ảnh, 1 mền, 2 áo, 1 quần tây đều củ…

Với hung tin và những chứng vật đau lòng, nước mắt tôi tuôn trào, không còn đứng vững, tối tâm mặt mày. Còn nỗi thống khổ nào hơn?! Giữa lúc gia đình tôi bối rối, có một người đàn ông tìm đến hỏi:

-“ Chừng nào đi Kinh Tế Mới?” Trong tận cùng đau khổ, tôi la khóc, trả lời:

“ Cứ đem xe đến chở mẹ con tôi đến bất cứ rừng sâu núi thẳm nào, tùy, trong vòng 1 giờ, nếu qua giờ, tôi sẽ đốt căn nhà nầy, rồi có ra sao thì ra. Tôi hết muốn sống nửa rồi”!

Với bao nỗi khổ vồn vập với gia đình: nơi ở không yên, con bị đuổi học, con đi lao động cực khổ, con bị tù oan, con bị chết thảm không xác không thây... những ai là mẹ trong cảnh này sẽ thấu nỗi khổ của tôi...


Ðang có bà Hội trưởng Phụ Nữ Phường trong toán đến báo tin con tôi tử thương, bà nói lời gì không rõ, người nầy bỏ đi, nét mặt khó chịu. Tết đã đến, mọi người nhộn nhịp, đi mua sắm… và những cành mai vàng, hoa đào thắm đỏ. Ngoài kia, tiếng pháo nổ vang trong đêm giao thừa. Ai ai cũng vui mừng đón xuân, riêng tôi trong căn nhà yên lặng, 1 cái Tết trong nước mắt chờ con như lời con đã hứa hẹn, nhưng con không bao giờ trở về nữa! Con tôi đã chết trong tuổi 23(1956-1979). Lòng mẹ tiếc thương, thương tiếc 1 đời trai trẻ bất hạnh. Viết về con mà không cầm được nước mắt.

Từ ngày xảy ra “cái chết” của con, tôi bị ám ảnh, buồn không nguôi và phát bịnh. Ðến nay, chồng tôi đi tù đã 4 năm, chỉ có tin thư, không gặp mặt.

Tháng 3-1979, thư chồng tôi cho biết đang ở trại Hà Sơn Bình và được phép đi thăm. Ðây là sự an ủi nhiều nhất trong giai đọan nầy. Tôi cố gượng để có sức khỏe vì hành trình phải qua nhiều ngày đêm. Tôi đi tìm những bạn có chồng ở cùng trại để đi chung, có gì cần thì cùng chia sẻ giúp đở nhau. Có người bạn ở gần nhà đồng ý cùng đi với tôi, chúng tôi lo ngại nhiều về “ tiền” vì đến nơi xa, xứ lạ.

Qua giấy tờ xin phép ở Phường, chúng tôi mua lương thực: gạo, thức ăn khô, tôm khô, mắm ruốc…thuốc men, sắp vào giỏ bàng, quấn dây kẽm thêm 2 quai giỏ cho chắc. Ðã chờ nhiều ngày nơi ga Bình Triệu quá mệt nhọc mới mua được vé xe lửa.


Ngày ra đi, tôi xách cái giỏ đựng lương thực, đã bao lần tôi xách giỏ đi thăm con. Nay xách giỏ đi thăm chồng với hành trình rất xa 1760 km từ Nam ra Bắc. Trong 4 ngày 4 đêm trên đường đi, xe có trục trặc một ít, tôi cũng không chú ý đến cảnh vật chung quanh, bởi lòng chi phối “vui buồn”: vui vì sẽ gặp được mặt chồng, buồn vì gia đình… lắm điều. Lòng suy nghĩ miên man những gì mình sẻ nói, những gì không thể nói với chồng. Cuối cùng tôi nhất quyết giấu chồng về việc” con chết thảm” vì chỉ làm chồng tôi đau khổ thêm trong cảnh tù. Từ ngày con tôi chết đến khi đi thăm chồng đã hơn 3 tháng. Trong mấy ngày đêm không ngủ được, khi xe dừng ở những ga trên đường và hành khách lên xuống rần rộ…

Chúng tôi đã đến ga Hàng Cỏ- Hà Nội, đi tìm nhà trọ, ở nơi đây gặp các chị em, đi thăm chồng, còn chờ mua vé xe về. Có chị gợi lời: “ Nếu… có thể cho tiền” để gởi mua thức ăn, nhưng bị xét kỷ lắm, nếu bị phát hiện, sẽ bị tịch thu và còn bị phạt nữa, vì thế tôi không dám thử “. Bạn tôi cũng sợ, dặn tôi đừng cho tiền để được yên, lại hối đi nghỉ để ngày mai vào trại. Tôi lặng lẽ đi mượn, trong nhà trọ, một cây kéo và sắp xếp lại giỏ lương thực.


Sáng hôm sau, chúng tôi ra chợ Ðồng Xuân mua thức ăn tươi, thuê xe xích lô vào Hà Sơn Bình. Ðường đi hơn 20 km mới đến nơi, nhìn cảnh trại tù mà lòng ngao ngán! Chúng tôi vào trình giấy tờ nơi cán bộ quản giáo thăm nuôi. Khi được gọi, tôi liền xách giỏ bước nhanh. Nơi phòng chờ, tôi ngồi một bên bàn, cán bộ ngồi ở đầu bàn và nói với tôi những lời:” Chị được thăm, gặp mặt chồng 15 phút, chỉ thăm hỏi, nói điều tốt… có tính cách động viên, không được than khóc; trao quà xong, ra ngoài!” Tai tôi nghe, mắt nhìn nơi cửa thì chồng tôi bước vào, đầu đội nón lá dừa vành to. Tôi không nhận ra chồng vì quá ốm, mặt đen, môi thâm, trông thiểu não, mặc bộ đồ màu xanh có chữ CP số… viết bằng sơn đỏ. Chúng tôi gặp nhau trong nghẹn ngào, cố dằn nước mắt. Tôi quá xót lòng vì hình ảnh ngày ra đi và ngày gặp lại… Cán bộ bảo chồng tôi ngồi. Chúng tôi ngồi đối diện nhau. Cán bộ ngồi đầu bàn, theo dõi…! Ðầu óc tôi quay cuồng vì phải giấu bao nhiêu điều:- gia đình không yên- các con bị đuổi học- con đi lao động cực khổ- con bị ở tù oan- con chết thảm. Nay trước mắt người chồng tù, trong nông nổi nầy.. thì chồmg tôi có tiếng hỏi:

“ Em mạnh giỏi thế nào? Gia đình thế nào? Các con học hành và sức khỏe ra sao? Mẹ con làm ăn gì, có được tốt???

Tôi chợt tỉnh qua cơn mê khổ tâm, trả lời:

-“ Em và các con mạnh khỏe. Chúng nó học hành tốt. Gia đình bình yên. Mẹ con em làm ăn buôn bán được lắm “( chỉ những lời dối…ngược ). Chồng tôi cho biết đã nằm bệnh viện Hà Ðông vì đau bao tử nặng. Tôi đã không thăm và chăm sóc được trong tình vợ chồng, trong phút chạnh lòng, tôi với nắm lấy bàn tay chồng trên bàn. Tay nóng hăm hẳm. Tay trong tay, lòng hiểu lòng trong đau xót và nhìn nhau, bản thân đều xơ xác! Chợt thấy cán bộ nhìn chăm chăm chúng tôi, tôi vội buông tay chồng, rút tay nhanh vì sợ chồng bị đuổi vô trại. Và 15 phút ngắn ngủi qua mau. Cán bộ bảo: “ Nhận quà, hết giờ”! Tôi trao giỏ lương thực cho chồng, nói lời: “ Quai cột chắc, xách không đứt, có quấn thêm dây“ quài tiên”. Chồng tôi chớp mắt, hiểu ý. Chúng tôi từ giã nhau… "cố ngăn dòng lệ”, khi nhìn chồng bước vào cổng trại cho đến khi khuất dạng. Với sanh ly, tử biệt gây cho tôi bao nỗi khổ đau. Tôi trở lại ngồi bệt ở một góc thềm, chờ bạn để cùng về, chua xót...

Tôi bậc khóc, không còn ai cấm ngăn nước mắt tôi cứ tuôn. Tội nghiệp cho chồng, những gì đau buồn về con cũng không hay biết và vợ chồng cũng không chia sẻẻ với nhau được.

Bạn tôi thăm chồng xong, đã đến bên tôi. Chúng tôi nước mắt chan hòa trên bước đường ra về. Rời trại tù, nhìn lần cuối, một nửa vương vấn, một nửa nghiệt ngã.


Chúng tôi đi tìm không gặp 2 chiếc xích lô. Bạn và tôi phải bi bộ ra Bình Ðà, cả 6 km để đón xe về. Mặt trời đã lên cao, nắng nhiều, nón lá trên đầu, bất chợt gió thổi mạnh làm nón bay vì không còn quai. Tôi chạy theo lượm. Nghĩ đến chuyện… tôi bậc cười. Bạn tôi an ủi: “ chị vừa khóc, cười như người điên… hãy dằn lòng”. Cảm động vì lời bạn… Khi họ cho là con kiến cũng không qua được mặt họ, nhưng 2 tấm giấy bạc cuốn tiền đã qua lọt. Trong đêm ở nhà trọ, tôi mượn cái kéo cắt đôi sợi dây vải quai nón lá, luồn tiền vào rồi quấn vòng theo 2 quai giỏ, quấn lại dây kẽm như trước. Tôi nói với chồng: “ dây quài tiên”(tiền quai, giỏ- nói lái) nên tôi cười là được trọn vẹn như ý. Chúng tôi ra đến Bình Ðà, đón xe thật là khó. Rất may có xe chở đá gạch chịu chở vì thấy chúng tôi đàn bà đang giữa đường mà trời đã về chiều. Chúng tôi ngồi trên gạch, xe chạy dằn ê ẩm cả người. Về đến Hà Nội, đã tối.

Sáng hôm sau, chúng tôi ra ga mua vé xe về, nhưng không mua được vé, vì đã bán hết cho đoàn thể đi vào Nam. Mỗi ngày chúng tôi đều ra ga. Ðã qua 4 ngày, chúng tôi cũng không mua được vé. Trong thời gian chờ, chúng tôi với áo bà ba, quần đen, đầu nón lá, chân dép xẹp lội bộ, lang thang qua 36 phố phường Hà Nội. Chúng tôi lo ngại, nếu còn phải chờ mua vé lâu ngày, còn phải trả tiền nhà trọ, nên chúng tôi bắt đầu ăn bánh mì không có thịt, chã… Bạn tôi nói đùa để có nụ cười là “ bánh mì không người lái”. Chúng tôi nở nụ cười trong héo hắt. Ðến ngày thứ năm, người ta chen lấn quá đông, ai mạnh tay cứ xô đẩy, chúng tôi quá mệt mỏi vẫn không mua được, cuối cùng phải mua vé chợ đen… mà cũng mừng.


Trên đường từ Bắc về Nam, tôi có phần bớt chi phối vì đã thăm gặp mặt chồng. Yên lòng, tôi ngắm cảnh vật trong hành trình, không như chuyến đi ra lắm lo nghĩ... Và những ngày nơi đất Bắc, trên cầu Thăng Long, nhìn con sông Hồng Hà, môt màu nước hồng như máu… mà lòng nghĩ về…những người tù.

Khi vào miền Trung, đến con sông Bến Hải, nhìn dòng nước chảy lững lờ và chiềc cầu Hiền Lương chia đôi bờ Nam Bắc mà lòng ngậm ngùi xót xa! Ði lần về miền Nam, qua những chiếc cầu sắt gập ghềnh, những con sông nước trong, đục…chảy ngược, xuôi… Lại nghĩ về dòng đời những người vợ tù...và đời tôi...


Qua bao ngày đêm ngồi trên xe lửa rất mệt mõỉ… cuối cùng xe đã về đến ga Bình Triệu. Từ ngày tôi ra đi đến ngày trở về, trong 2 tuần lể với nhiều vất vả, tôi bị cảm, nhức đầu, lại ăn uống thất thường, nên ốm nhiều. Về đến nhà, các con tôi rất mừng vì tôi đi đến nơi về đến chốn. Các con hỏi về tin tức cha rối rít. Tôi kể rõ những sự việc cho các con nghe. Các con rất cảm động… thương cho cha phải chịu bao điều cực khổ bản thân lẫn tinh thần trong trại tù. Các con nghe chi tiết sự việc có vui, giận, thương, ghét. Từ đây các con tôi đã hiểu nhiều nỗi lòng của cha mẹ và tôi thấy chúng lo lắng mua bán thêm nhiều hơn để có tiền cho mẹ đi thăm cha. Tôi cũng lãnh hàng vải về thêu, may thêm để có tiền đi thăm chồng được nhiều lần hơn vì nơi xa kia, chồng tôi với những phút giây chờ đợi. Những đêm nằm trằn trọc không ngủ được, tôi lại ngồi may có khi đến gần sáng. Lắm lúc tủi thân, nước mắt tôi tuôn rơi trên mặt hàng. Khi họ mặc, có mấy ai đã hiểu biết?!


Sau 4 năm kể từ lúc đi thăm chồng lần đầu, những năm kế tiếp tôi thăm được 5 lần... Chồng tôi ở tù hơn 10 năm thì được về. Gia đình vợ con đều vui mừng xum họp. Chồng tôi chợt tắt nụ cười khi nhìn trên bàn có lọ nhang và ảnh của con. Tôi kể lại sự thể con chết thảm, tan xác nơi biên giới Campuchia, không nắm mồ để thăm. Từ ngày anh đi tù, gia đình chịu lắm điều đau khổ! Nhìn cảnh nhà trống trải, đồ đạc không còn, đến cái giường ngủ kỷ niệm ngày cưới cũng bán…Vì bao nỗi buồn… chồng tôi với chứng bịnh bao tử càng ngày càng nặng đến xuất huyết phải nằm bịnh viện. Thân nhân thăm và khuyên: “Ðã thoát địa ngục môn, hãy nguôi tâm sự”. Chồng tôi cố gượng nhưng lòng vẫn không yên vì gia đình đông con trong khó khăn. Khi đở bịnh, chồng tôi cùng các con phụ tôi đi mua bán cho cuộc sống mới.


Ðã bao nhiêu năm nước mất nhà tan! Bao nhiêu người phiêu bạt! Gia đình tôi đến xứ tự do theo diện H.O. Hơn 10 năm trôi qua và luôn nhớ về quê hương. Nay tôi đã 71 tuổi mà lòng không thể nào quên bao khổ đau kể từ khi 30 tháng tư 1975 ập đến....

Chồng tù, con tù, con tử… mà bao nhiêu ngưòi đàn bà đã chịu đựng, với những… Nỗi niềm nơi người vợ tù cải tạo...


Tác giả: Bút hiệu: Hoàng Oanh

1 comment:

  1. Bài của tác gĩa đưa mình trở về dĩ vãng đau thương. Buồn quá !

    ReplyDelete