1. Tâm lý sợ chết
Sinh tồn là bản năng của mọi sinh vật trên trái đất. Con người ta
ai cũng muốn sống và sợ chết. Càng già, càng sợ ngày ra đi sắp đến.
Từ ngàn xưa, vì quá sợ cái chết, nên con người đã nghĩ ra “tiên
cảnh,” là nơi trẻ mãi không già và không bao giờ chết. Hơn nửa. cõi tiên là
nơi sung sướng vì chỉ ăn uống, vui chơi mà không phải làm gì. Trở về với thực tế,
trần gian là nơi “sinh, lão, bịnh, tử,” con người, nhất là các đạo sĩ,
đua nhau lên núi luyện thuốc trường sinh bất tử. Luyện hoài đến khi nhắm mắt mà
thuốc cũng chưa thành. Bậc vua chúa có nhiều tiền của và quyền lực thì cho người
đi khắp nơi tìm dược thảo, thuốc trường sinh như trường hợp của Tần Thủy Hoàng.
Chỉ thấy có đi mà không có về. Vì thế, chúng ta đành chấp nhận thực tế “Có
sinh thì phải có tử.”
Có nhiều người không chịu như thế. Trong số đó là người Cộng sản
khi nói về lý thuyết Max-Lenin. Họ nói rằng xã hội con người từ chỗ sơ khai bộ lạc
với tù trưởng tiến đến phong kiến, quân chủ với vua chúa, qua tư bản với ông chủ
tài phiệt, rồi cộng sản do giai cấp công nhân lãnh đạo. Có người cắc cớ hỏi là
sau cộng sản là cái gì? Họ trả lời láo đại khái là: “Cộng sản là chế độ
tốt nhất rồi; nên sau cộng sảản không còn cái nào nửa (!)” Nói như thế là
trái với nguyên lý sinh diệt của thế gian. Ai nghe cũng phải ráng nín cười
nhưng vì họ là kẻ thắng trận thì nói sao chả được.
Không ai muốn chết trừ nhửng người tìm cách “tự sát” hay “tự tử” để
giải thoát khỏi những thất vọng não nề hay đau khổ quá mức chịu đựng. Các cô cậu
yêu nhau mà không được toại nguyện thì tìm cách tự tử để giải thoát. Nhửng
tướng, tá, binh sĩ VNCH chấp nhận cái chết vì uất hận cảnh rút quân chưa đánh
đã chạy và lịnh đầu hàng ngày 30 tháng tư năm 1975. Đó là nhửng cái
“chết không hối tiếc.”
Nhửng anh hùng, hào kiệt có mộng tranh bá đồ vương, nhửng người
nhân danh thần thánh, chủ thuyết nầy nọ, tìm đủ mọi cách ép buộc, dụ dỗ, khiêu khích
để đưa người ra chiến trường chết cho mình nên sự nghiệp. Nhửng danh từ nghe rất
kêu đã thúc gịục con người lao vào chỗ chết như yêu nước, sinh bắc tử nam, liệt
sĩ, anh hùng dân tộc v..v... Đó là “Chết ngu,” “Chết dại,” “Chết khờ.” Điển
hình là các lãnh tụ của phong trào Cộng sản như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông,
Hồ Chí Minh, Pôn Pốt,.. đã giết hại biết bao triệu người cho mục đích cộng sản.
2. Chết là gì?
Chết còn gọi là ngủm, ngỏm, mất, tắt thở, tử, qua đời, lìa đời, vắn
số, từ trần, lìa trần, tạ thế, ra đi, đi xa, yên nghỉ, từ giả cõi đời, về với ông
bà ông vải, khuất mày khuất mặt, khuất núi, khuất bóng, đi vào cõi thiên thu,
nhắm mắt xuôi tay; Chết nơi chiến trường là hy sinh, tử vong, tử trận, chết trận,
bỏ mình hay vị quốc vong thân; Đối với vua chúa là băng hà; Người bình dân
trong miền Nam thường nói chết là “đi bán muối” (*)
Về sinh lý học, chết là sự ngừng hoạt động của các tế bào, đặc biệt
là tế bào não bộ. Trước kia, người ta căn cứ vào trái tim ngừng đập, phổi ngưng
thở, để kết luận cho cái chết. Bây giờ, phải có thêm óc ngưng hoạt động qua “Điện
não đồ” (EEG) là dấu hiệu của sự chết. Có nhửng trường hợp tim vẫn còn đập
nhưng ống nghe tim của bác sĩ không khám phá được; Vì vậy thỉnh thoảng ở Mỹ có
người tỉnh dậy trong nhà xác là vậy.
Có những người chưa chết thật. Chẳng hạn như “Chết giả,” “Chết ngất”
hay “Chết giấc” là tình trạng chỉ bất tỉnh trong thời gian ngắn; Cơ thể không
liên lạc được với bên ngoài. Dù được cứu chửa hay không, nhửng người nầy sẽ tỉnh
lại. Vì chưa chết nên không thể nói là hồi sinh. Thật ra, hồi sinh là ý
niệm chỉ có trong tôn giáo nhằm tôn vinh các bậc lãnh đạo thành thần thánh.
Trường hợp bất tỉnh lâu ngày (coma) thì cơ thể rơi vào đời
sống “thực vật” (“Chết mà biết thở?”). Đây là tình trạng “dở
sống, dở chết” hay “Chết dở.”
Có một số ít người do luyện tập mà không cần thở qua phổi, tim chỉ
còn thoi thóp như mấy ông đạo sĩ Ấn độ biểu diễn bị chôn dưới đất cả tháng trời
vẫn không sao (?) Đó là phép thở “quy tức” được nói tới trong truyện
kiếm hiệp. Tình trạng nầy không phải là chết mà chỉ là “tiềm sinh”
như loài gấu trắng tại Bắc cực ngủ trong hang suốt mùa đông.
3. Một số trường hợp chết (và chưa chết) khác
- “Chết thiệt,” “Chết thật,” “Chết cứng,” “Chết ngắc” “Chết tươi,”
“Chết tốt,” “Chết nhăn răng,” ”Chết tiêu,” “Chết tuốt,” ”Chết tiệt,” “Chết tận,”
“ Chết queo” là chết thật sự; Trái lại, “Chết hụt” là thoát được cái chết.
“Giả chết,” ”Chết giả” là dàn cảnh như chết mà thật ra chưa chết.
- “Chết đứng” Chết mà cơ thể không ngả. Đó là cái chết của Từ
Hải trong truyện Kiều; Về nghĩa bóng “Chết đứng,” “Chết trân,” “Chết điếng”
không phải là chết, nhưng bị đứng người vì tin tức kinh khủng, hay gặp biến cố dử
dội trong cuộc đời như mất nước ngày 30 tháng tư năm 1975.
- “Chết ngồi,” “Chết đột ngột,” “chết bất ngờ,””bất đắc kỳ tử,”
hay “đột tử,” là do tai biến mạch máu não hay tim ngừng đập.
- “Chết treo” là chết bị treo cổ hay thắt cổ tự tử.
- “Chết lần,” “Chết mòn,” “Chết từ từ,” “Chết chậm” là hậu
quả của cơn bịnh lâu ngày hay kiệt sức. Ngược lại là “Chết mau,” “Chết lẹ,” “Chết
nhanh,” “Chết không kịp ngáp.” Còn “Hấp hối” chỉ khoảng thời gian con người
sửa soạn đi vào cõi chết.
- “Chết nhác,” “Chết khiếp” ý là sợ sệt, không dám hành động chứ
không có ai chết cả.
- “Chết ngộp,” “Chết đuối,” “Chết chìm” là chết do thiếu không
khí. Năm 1945, Việt cộng dùng cách giết người nầy cho nhửng ai không theo
chúng. Họ trói người rồi bỏ vào bao bố, xong đem thả sông.
- “Chết trôi,” “Chết nổi” là thân xác đưa theo giòng nước. Nghĩa
bóng là người sống lây lất, rày đây, mai đó.
- ”Chết cháy” là chết vì lửa; “Chết cóng” là chết vì nhiệt độ xuống
thấp, nghĩa bóng là cơ thể bị cóng vì quá lạnh.
- “Chết xình,” “Chết trương” vì xác chết lâu ngày không được chôn.
- “Chết chùm” có nhiều người chết cùng lúc; Còn gà, vịt chết vì bịnh
dịch là “Chết toi,” “Chết dịch.” “Chết dịch” còn là một loại chết chùm vì một
nguyên nhân gây bệnh (như Virus).
- “Chết trơ trọi” là chết một mình; “Chết trần,” “Chết trụi,” “Chết
lõa lồ” là chết không quần áo che thân.
- “Chết tức tửi,” “Chết tức, chết tối, chết không kịp trối” là câu
nói chỉ cái chết đến thình lình, không lường trước được, còn ấm ức trong lòng
nhửng điều chưa nói. Đó cũng là cái “Chết không nhắm mắt”; Chết khi còn nhỏ tuổi
là “Chết non,” “Chết trẻ,” “Chết yểu,” “Chết sớm.” Trái lại, là “Chết già,” Đàn
bà ế chồng thường cũng bị chê là “Chết già.”
- “Chết bầm,” “Chết dầm” là tiếng chửi khinh miệt.
- “Chết cha,” “Chết mẹ,” “Chết chửa,” “Chết bà,” tiếng kêu ngạc
nhiên khi thấy sự việc lạ.
- “Chết tiệt” hay “Chết biệt” chỉ người đi vắng lâu ngày không thấy
mặt.
- “Chết ở nhà” nói theo tập quán của người Việt, có mặt đầy đủ
thân nhân là điều tốt. Ngược lại, “Chết đường,” “Chết xá,” “Chết chợ,” là không
tốt, nhứt là chết vì tai nạn hay “Tử nạn.” Bởi vậy “Đồ chết đường, chết xá” là
tiếng rủa.
- “Chết bắn” là chết vì trúng đạn. ”Chết đâm,” “Chết chém”
là chết vì gươm đao. Chết vì bom, pháo kích, chất nổ là “Chết không toàn
thây,” “Chết tan xác,” “Chết banh thây,” “Chết phanh thây”; Bọn “Cướp Sạch” (CS)
có cảnh “Chết phơi thây,”“Chết phơi xác” nơi chiến địa vì chúng chỉ cần đạt
mục đích, không màng đến thân xác của đồng bọn.
4. Chết có phải là hết?
Thiên chúa giáo dạy rằng: “Chết sẽ được lên Thiên đàng, nơi có
sự sống đời đời.” Phật giáo thì giảng là “Người chết đi về Tây phương Cực
lạc hay tái sinh kiếp khác theo luân hồi.” Thiên đường hay Cực lạc?
Đường nào nghe cũng hay, nhưng có xảy ra thật như vậy thì không ai biết. Đây
cũng là điểm đánh vào tâm lý sợ chết của chúng sinh. Được về nơi nào đó và sẽ sống
đời đời mà không phải làm gì cực khổ hay lo lắng cho cuộc sống, không phải đóng
thuế, thì còn gì bằng... Có chết đi cũng chẳng sao!
Người ta thường nói “Đời là cõi tạm,” “Sinh ký, tử quy”
(hay “sống gởi, thác về”) để chỉ nơi đi về vĩnh viễn sau khi chết dù
không ai biết nó ở đâu. Bởi thế, mới có nhóm chữ mơ hồ như “Cõi vĩnh hằng,” “Miền
cực lạc,” “An giấc ngàn thu…” Tiếng Mỹ thì họ viết “RIP -
Rest In Peace” ngụ ý được nghỉ ngơi trong yên bình sau cõi đời đầy sóng
gió, khổ đau. Cho nên, mọi lý thuyết được đưa ra nhằm cho con người tin tưởng rằng
chết không (chưa) phải là hết chuyện.
Nếu chúng ta chấp nhận quan điểm chết là hết thì mọi việc trở nên
giản dị, không cần phải suy nghĩ. Ngược lại, nếu tin có kiếp sau, thì bọn cướp sạch
(CS) lợi dụng tư tưởng nầy kêu gọi Việt kiều gởi tiền về VN làm từ thiện để được
phước sau nầy. Làm phước mà còn nghĩ đến lợi về sau thì còn ý nghĩa gì (?).
Thân xác con người sau khi chết dù có được giữ gìn, tẩm ướp bằng
hóa chất cũng sẽ tiêu hủy theo thời gian. Điển hình là xác chết của Hồ Chí
Minh, nay chỉ là da và bộ xương khô. Có một số người chết nơi đồng hoang, rừng thẩm,
trong điều kiện đặc biêt của môi trường, thân xác không thối rửa mà hóa vôi dù
không được ướp hay giử lạnh. Đó là trường hợp rất hiếm. “Núi vọng phu,”
chuyện cổ tích nói về người thiếu phụ trông chồng hóa đá, cũng có thể ở vào trường
hợp nầy.
5. Lời cuối
Trong đời sống người ta thường nói: ”Cọp chết để da, người ta
chết để tiếng.” Những bản hùng ca như “Anh không chết đâu anh,”
“Người ở lại Charlie”của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là tiếng
thơm để lại muôn đời của các chiến sĩ anh hùng chết vì nước.
Dù tốt hay xấu thì tiếng tăm để lại cũng khiến nhửng người còn sống
tìm cách lợi dụng để làm lợi cho cá nhân hay tổ chức.
Nguyễn Đan Tâm
________
Ghi chú
(*) Ngày trước, đi bán muối là một việc rất là nguy hiểm thường
hay đi xa mà lợi nhuận rất cao, và bị nhà nước cấm. Có người đi bán muối không
thấy về, lâu dần rồi dân gian nói tránh người chết là đi bán muối (?)
No comments:
Post a Comment