Cả nhà ông Ba
vô cùng sửng sốt khi thấy ông Hai lặn lội từ thành phố xa xôi về thăm. Mà đúng
là “lặn lội” thật! Sau khi đã mướn khách sạn ngoài tỉnh cho anh tài xế nghỉ
ngơi và cũng tiện để chăm sóc cho chiếc xe du lịch đắt tiền, ông Hai đón ghe đi
vào cồn. Do đi ghe không quen nên ông bị đám hành khách là bọn du thử du thực
giành xuống ghe lấn té rớt xuống sông, người ông ướt lóp ngóp cứ như chuột lột.
Ông Ba vội hối đám con cháu tìm đồ khô thay cho ông Hai rồi kéo ông Hai ra uống
trà ở góc vườn:
- Anh Hai về đây làm gì? Tui nhớ không lầm thì đã hơn hai mươi năm nay anh Hai
không bước chân về căn nhà nghèo nàn này mà?
- Tôi về là để thăm mẹ cùng gia đình chú Ba. Với lại mẹ năm nay cũng đã gần tám
mươi rồi, tôi tính rước mẹ lên thành phố để làm lễ thượng thọ cho mẹ. Mà sao
chú Ba lại cứ thích nói lời cay đắng thế nhỉ? Tháng nào tôi cũng đều gởi tiền
về cho gia đình chú phụng dưỡng mẹ đầy đủ.
Ông Ba cười mát:
- Vâng, cũng nhờ tiền của anh Hai mà mẹ vẫn thọ cho đến giờ và gia đình tui
cũng được hưởng xái nên cuộc sống cũng được xem là khá phong lưu. Tui và gia
đình tui vẫn luôn nhớ ơn anh Hai. À, anh Hai có nói đến lễ thượng thọ, nghĩa là
sao?
- Mẹ vẫn còn sống, đó là hồng phúc của tui và chú. Để báo hiếu cho mẹ tôi sẽ
rước mẹ lên thành phố ngay chiều nay để làm lễ thượng thọ cho mẹ ở nhà tôi. Chú
yên tâm. Tiệc tùng, trang trí, quần áo cho mẹ tôi đều đã cho người lo hết cả
rồi.
- Không được đâu anh Hai. Mẹ đã già yếu lắm rồi. Ngày nào tui cũng phải kêu con
gái tui là con Sáu ra tỉnh rước bà bác sĩ quen về khám bệnh và chích thuốc khỏe
cho mẹ. Mẹ tự đi còn không được nói chi là lên đến thành phố!
- Tôi sẽ gọi bác sĩ giỏi nhất của thành phố về đây để cùng đi và theo dõi sức
khỏe cho mẹ trong suốt cuộc hành trình. Chú đừng quá lo như vậy.
- Anh Hai có điên hay không mà bắt mẹ phải di chuyển một quãng đường dài trong
một khoảng thời gian rất lâu như vậy? Nào là khiêng mẹ ra bến thuyền. Rồi bắt
mẹ nằm trên thuyền chòng chành gần một tiếng đồng hồ. Rồi lên xe du lịch của
anh, chạy nhanh nhất cũng gần bốn tiếng mới lên được thành phố. Mà anh Hai cũng
biết mẹ vẫn thường hay bị say xe. Người khỏe như tui cũng còn cảm thấy đuối chứ
nói chi đến một bà cụ tuổi đã gần đất xa trời, lại thêm mắc nhiều chứng bệnh
triền miên như mẹ hiện nay.
- Tôi biết sẽ rất khó khăn cho mẹ nhưng vì lễ báo hiếu cho mẹ chúng ta phải cố
gắng chú à.
- Thế tại sao anh Hai không tổ chức lễ thượng thọ tại đây cho tiện? Nói thật,
anh Hai hiện là quan lớn ở thành phố. Anh Hai chỉ cần hú một tiếng là đám quan
con, quan nhỏ của anh sẽ tề tựu về đây đầy đủ ngay.
- Chú đúng là không hiểu gì hết! Tôi còn các quan bạn cùng cấp và các cấp trên
của tôi nữa chứ. Không lẽ chỉ vì lễ thượng thọ của mẹ mà tôi bắt họ phải lặn
lội về tận nơi xứ sở khỉ ho cò gáy này. Chú muốn tôi bị người ta oán à?
- Thế thì anh Hai đừng tổ chức lễ nữa! Anh Hai muốn mẹ chết khi phải hành xác
di chuyển một quãng đường dài vừa đường sông, đường bộ lên nhà anh hay sao?
- Tôi đã nói tôi sẽ gọi bác sĩ giỏi nhất thành phố đi theo suốt cuộc hành trình
để chăm sóc sức khỏe cho mẹ. Chú cứ yên tâm!
- Tui nói thật tui đã chăm sóc cho mẹ hơn hai mươi năm nay, tui biết rất rõ sức
khỏe của mẹ. Tui không đồng ý cho anh Hai đưa mẹ đi.
- Này chú Ba, chú đừng có ngang bướng. Tôi là anh của chú. Chú có nhớ câu
“Quyền huynh thế phụ” không? Tôi đã quyết, chú không được bàn cãi nữa!
- Anh Hai! - Ông Ba bỗng nghiêm sắc mặt, ông bóp mạnh tách trà trong lòng bàn
tay khiến nó từ từ vỡ vụn - Anh đừng có tự dối mình dối người nữa! Anh tổ chức
cái lễ thượng thọ này chỉ nhằm thu lợi riêng cho bản thân của anh mà thôi!
- Này chú Ba, chú không được ngậm máu phun người xúc phạm tôi nghen! Dù sao tôi
cũng là người có chức có quyền và tôi cũng còn là anh ruột của chú!
- Anh Hai, anh hãy để tui nói hết đã. Nếu tui nhớ không lầm thì năm nay anh đã
lần lượt tổ chức sinh nhật cho anh, cho vợ anh, cho thằng Quyền con trai anh
rồi cho con Thúy con gái của anh đúng không? Chưa hết, con Thúy năm nay mới 18
tuổi, chưa biết gì thế mà anh đã vội gả nó lấy chồng để tổ chức đám cưới. Một
cái đám cưới rình rang lớn nhất nhì Sài Gòn.
- Thì nó yêu đâu tôi gả đó, chứ có ép duyên nó đâu.
- Anh không ép nhưng anh và chị Hai cứ nói vô khiến con Thúy phải xiêu lòng.
Tui nói có đúng không? Bốn cái sinh nhật và một cái đám cưới đã giúp vợ chồng
anh năm nay kiếm rất bộn bạc. Rất tiếc là thằng Quyền đã có vợ rồi, nếu không...
- Chú im đi, chú không được bêu xấu tôi!
- Tui nói đúng, tui không im! Năm tới anh về hưu đúng không? Nên năm nay anh
Hai muốn “hốt hụi” cú chót chứ gì? Bây giờ đã “hết chiêu” rồi, anh muốn lôi mẹ
ra làm lễ thượng thọ để kiếm thêm tiền chứ gì? Tui nói thật anh vừa bất hiếu
vừa bất nhân lắm anh Hai à! ...
Ông Hai giận dữ bỏ ra về. Cũng từ đó mọi liên lạc của gia đình ông Ba với gia
đình ông Hai đều bị cắt đứt. Thư từ gởi đi thì bị trả lại, điện thoại gọi thì
bị cúp máy không một ai trả lời ...
Một tuần sau, ông Ba vội vã lên thành phố. Đến biệt thự của ông Hai, ông Ba vô
cùng ngạc nhiên vì thấy có nhiều người ra vào tấp nập. Bữa tiệc lớn được tổ
chức tại sân vườn, có sân khấu được trang trí rất đẹp. Ngồi cạnh ông Hai là một
bà lão tóc bạc phơ, bận chiếc áo dài nhung màu đỏ sậm, nét mặt vô cùng phúc
hậu. Ông Ba nhìn lên sân khấu bỗng điếng hồn khi nhìn thấy một tấm bảng treo
với dòng chữ khổ lớn: Lễ thượng thọ!
Thấy ông Ba, ông Hai vội kéo ông Ba ra ngoài. Ông Ba nhìn thẳng vào mắt ông Hai
rồi nói:
- Chuyện anh Hai đang làm tui không có ý kiến gì cả. Tui lên đây chỉ báo cho
anh biết tin rồi tui về ngay. Mẹ vừa mới mất tối hôm qua!
Ông Hai như người mất hồn lơ ngơ đi vào sân vườn. Một đám người ăn bận sang
trọng mang bia và rượu ào tới vây quanh ông Hai.
- Mẹ của sếp tuy đã lớn tuổi rồi nhưng bà cụ đẹp lão và vẫn còn khỏe mạnh quá.
Sếp thật có phúc. Mời sếp nâng ly cùng bọn em để chúc thọ cho bà cụ. Phải cạn
một trăm phần trăm nghe sếp!
Kim Duncan chuyển
Đúng là chuyện chỉ có ở VN.
ReplyDelete