Mỗi lần nhìn từng đàn én bay về cùng những
hoa rừng thi nhau nở rộ nơi dừng quân, báo hiệu mùa Xuân đang trở lại. Người
lính tuy miệt mài trong lửa đạn cũng lang thang đi chặt mai rừng mang vào làng
để tặng những gia đình, đặc biệt là các cô thôn nữ. Đó cũng là niềm vui để an ủi
phần nào cho người ngày đêm đi giữ quê hương, xóm làng. Tình quân dân như cá với
nước là đây. Dân làng cũng luộc những rổ khoai bắp để đáp lại tấm chân tình của
người lính.
Có lần ông đơn vị trưởng thật chịu chơi,
đưa cả Chi Đội M113 vào giữ an ninh để anh em dựng lều, trình diễn văn nghệ
giúp vui đồng bào ngay nhà lồng chợ tại xã Cẩm Mỹ, Long Khánh. Ông Chi Đoàn Trưởng
giao tôi trách nhiệm tổ chức buổi văn nghệ giúp vui này. Thời gian vui nhất là
lúc tập dợt, ai cũng ráng sức để khỏi bị bể dĩa. Chuẩn bị một bộ Treillis ủi hồ
láng coóng, một đôi giày Saut thật bóng. Ngày trình diễn chờ đợi rồi cũng tới,
chương trình cũng có nhạc, vũ, kịch “Tình Chú Thoòng” kiểu tự biên, tự diễn, những
nghệ sĩ nghiệp dư toàn là đực rựa.
Hôm đó tôi phải kiêm đủ thứ, vừa là MC,
vừa là ca sĩ nghiệp dư, vừa là kịch sĩ. Bài hát mở đầu tôi lên hát bài “Người Đẹp
Bích La Thôn”
“…Có chàng hiên ngang ấy”
“Mặc chiến phục đàng hoàng”
“Ra kính thưa quý vị”
“Tôi hát bài Tơ Vương…”
Bài hát này mãi cho tới giờ tôi không
còn được nghe nữa, nó đã đi vào quên lãng !
Tuy là buổi văn nghệ dã chiến nhưng cũng
được đồng bào hưởng ứng, vỗ tay nồng nhiệt, nhất là trẻ em. Sau buổi trình diễn
này cũng xảy ra nhiều mối tình giữa người lính đơn vị với các cô thôn nữ, có những
mối tình đã đi tới hôn nhân, vợ chồng, rồi cũng có những đám cưới nhà binh rất
vui, và cũng có những cô gái trẻ trở thành goá phụ. Tôi cũng đã để lại đây một
mối tình tan vỡ!
Có những mùa Xuân rất buồn vì không được
về nhà ăn Tết với gia đình, tất cả đơn vị cấm trại 100% trên khắp Quân Khu sau
cái Tết Mậu Thân 1968. Bài hát Xuân Này Con Không Về của Duy Khánh nghe mà não
nuột! Ở nơi đóng quân nghe những bản nhạc Xuân từ Radio mà nhớ nhà da diết! Tối
mồng một nghe em gái Dạ Lan chúc Tết các anh chiến sĩ trên khắp nẻo đường đất
nước, giọng Bắc trầm ấm, trong trẻo của Dạ Lan đã làm say đắm biết bao tâm hồn
của những người lính trẻ. Thời đó tất cả chiến sĩ đủ mọi Quân, Binh Chủng khắp
bốn vùng chiến thuật ai cũng yêu mến tiếng nói Dạ Lan.
Mùa Xuân 1975 đơn vị đóng ở ngã ba Ông Đồn
để giữ an ninh trục lộ Võ Đắc, Võ Su thuộc Quận Tánh Linh. Ở đây anh em cắt
tranh dựng lều để chuẩn bị ăn Tết, kho thịt, mua rượu, bánh chưng, bánh tét.
Chúng tôi cũng dựng lên một cây nêu để đón Tết cho đơn vị. Việt Cộng thường lợi
dụng những ngày Tết để đánh phá. Đêm giao thừa chúng đã đánh đặc công vào bộ chỉ
huy Thiết Đoàn làm Thiếu Tá Thân, Thiết Đoàn Phó, Thiếu Tá Viễn Sum tử thương,
Đại Uý Nhơn bị thương vì Beta phỏng rất nặng. Tất cả Chi Đoàn nhận lệnh lên tiếp
cứu, chúng tôi phải thu dọn để lên đường, thế là không còn Tết nhứt gì nữa.
Những mùa Xuân đơn vị có cả kỷ niệm vui
buồn đã lưu lại trong ký ức của anh em Chi Đoàn không bao giờ quên được. Bây giờ
những anh em này có người là thương binh phải ở lại quê nhà sống lây lất với vết
thương trên người lẫn trong lòng, có người đã ra đi vĩnh viễn, và mình cùng nhiều
mảnh đời trôi nổi, tha phương thật buồn!
Lúc hai đứa con gái tôi còn nhỏ, chúng hỏi:
“Sao ba không ở Viêt Nam mà qua Mỹ làm gì?” Tôi nói: “Vì tương lai của con, và
nhất là ba không muốn thấy con đeo khăn quàng đỏ, và hát những bài hát ca tụng
hổ chí minh.” Tôi cũng đã kể lại hành trình vượt biển cho chúng nghe: “Ba đã bỏ
ông bà nội, tất cả để ra đi, phải mang cả sinh mạng mình đổi lấy tự do.”
Đâu có ai muốn bỏ quê hương, đất nước ra
đi. Những người ra đi đều có một ước mơ chung là ngày trở về khi không còn cộng
sản hiện hữu trên quê hương. Bây giờ tóc đã bạc hơn nửa mái đầu mà ngày về vẫn
còn thấy xa lắc, xa lơ. Đôi lúc thấy thèm ly rượu đế ngồi bên cạnh bạn bè ngoài
sân, để nghe bạn bè kể nhau nghe những mẫu chuyện đã qua của đời lính, những
chiến trường đẵm máu, khốc liệt.
Các bạn ơi! Không biết bao giờ gặp lại đầy
đủ như xưa, chỉ còn lại là những kỷ niệm vui buồn trong ký ức, trong giấc mơ.
Những chiến hữu đã hy sinh cho cuộc chiến, những thương binh đang sống lây lất
từng giờ, từng ngày trên quê hương, chúng ta đang mắc nợ họ, nợ ân tình, nợ cho
chúng ta được ra đi và hiện hữu nơi này.
Dù ở đâu, bất cứ nơi nào, vào ngày 30
tháng 4, xin các bạn một phút im lặng để tưởng niệm những chiến sĩ, anh hùng đã
hy sinh bảo vệ Miền Nam Việt Nam, bảo vệ lá cờ Việt Nam Cộng Hoà.
Hieunguyen11
No comments:
Post a Comment