Ông bà ta thường nói: “Vạn sự khởi đầu
nan” để diễn tả sự phức tạp và khó khăn trong việc bắt đầu một công việc, một dự
án hoặc một cuộc sống mới. Bài viết này không những mang hàm ý đó mà còn ở một
quy mô lớn hơn, có tầm ảnh hưởng đến cả một đời người, lại còn mang ý nghĩa đến
đời con, đời cháu.
Trong chiến tranh Việt Nam, ngày 10
Tháng Ba 1975 Ban Mê Thuột thường được mệnh danh là “sự khởi đầu của một kết
thúc”. Tất cả được bắt đầu từ xứ “Buồn Muôn Thuở”, một cái tên đầy thi vị nhưng
cũng đầy bi thương dẫn đến sự sụp đổ ngày 30 Tháng Tư 1975 tại Sài Gòn.
Đó cũng là “cột mốc đổi đời” hiểu theo cả
hai nghĩa đối với người Việt. Với người (tạm gọi là “lạc quan”) đó là ngày “thống
nhất đất nước”. Còn đối với “người bi quan” thì đó lại là “xuất phát điểm” của
cuộc “di tản chiến thuật” từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh sang những
vùng đất mới.
Người ta “vượt biên” trên những chiếc
tàu cũ kỹ, vượt đại dương để mong tìm được “vùng đất mới”. Cũng có những người
đi đường bộ qua Cambodia để vào Thái Lan, họ sống khắc khoải trong những “trại
tị nạn” với hy vọng được đất nước thứ ba tiếp nhận như “một người ti nạn”.
***
Hỏa tiễn H-12 có tầm bắn 8 km, được Mặt
trận Tây Nguyên sử dụng để đánh chiếm thị xã Ban Mê Thuột ngày 10.3.1975
Trở lại với Ban Mê Thuột vào Tháng Ba
1975, Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4 Tháng Ba đến 3 Tháng Tư 1975), còn được biết
đến với mật danh “Chiến dịch 275”, là hoạt động mở đầu cuộc Tổng tấn công và nổi
dậy mùa Xuân năm 1975 do Quân giải phóng phát động.
Với cuộc tiến công của phía Quân giải
phóng ngày 10 Tháng Ba 1975 vào Ban Mê Thuột, Quân đoàn II thuộc Quân lực Việt
Nam Cộng hòa (QLVNCH) đã bị sụp đổ. Những nỗ lực tái chiếm Ban Mê Thuột của
QLVNCH trong các trận phản công ngày 11 và 13 Tháng Ba 1975 đều thất bại.
Sau các thất bại dồn dập, ngày 14 Tháng
Ba 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, kiêm Tổng tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng
Hòa, đã có một bước đi hết sức sai lầm khi quyết định rút quân trên toàn địa
bàn Tây Nguyên để về giữ miền duyên hải Miền Trung.
Phải nhìn nhận, việc rút quân tiến hành “không theo bài bản” nên chỉ ba ngày sau đó, hầu như toàn bộ Quân đoàn II QLVNCH với 60.000 quân đã bị tiêu diệt, đầu hàng hoặc tan rã trong cuộc rút quân hỗn loạn trên con đường số 7.
Cùng với những sai lầm có tính chiến lược trong phương án và cách thức điều quân, phối trí lại lực lượng của các cấp chỉ huy QLVNCH, chiến dịch này đã tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường mở đầu cho sự thất bại và tan rã toàn diện của QLVNCH tại miền Nam Việt Nam.
Sau này mới biết Lực lượng Quân giải
phóng tham chiến tại Mặt trận Tây Nguyên ban đầu được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ
Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên (mật danh 275). Chỉ vỏn vẹn trong 55 ngày trong
năm 1975, Chiến tranh Việt Nam (kéo dài từ 1954 đến 1975) đã chấm dứt. Tiếp
theo đó là việc “tái thống nhất Việt Nam” sau 21 năm bị chia cắt.
***
Ban Mê Thuột đối với tôi là vùng đất
mang nhiều kỷ niệm, kể từ khi gia đình tôi rời Đà Lạt đến xứ “Buồn Mà Thương”.
Tôi bắt đầu tiếp tục việc học tại Ban Mê Thuột năm Đệ Ngũ khi ông thân sinh
chuyển công tác về đây.
Gia đình chúng tôi trong thời gian đầu ở
tại đường Lý Thường Kiệt, nơi bị chia cắt bởi đường Quang Trung có tiệm ăn
Souris Blanche của người Pháp. Sau đó, chúng tôi dời qua đường Ama Trang Long
nơi Ngã Tư Lý Thường Kiệt – Ama Trang Long, có tiệm ăn Mỹ Cảnh của người Hoa ở
góc đường.
Tôi còn nhớ mãi đã nhìn thấy một anh Việt
Cộng lần đầu tiên trong đời. Chỉ khác một điều là anh đã nằm chết với “chiếc mũ
tai bèo” trên đường phố Ban Mê!
Bạn bè tôi vào Tháng Ba 1975 đã có nhiều
người khoác áo lính. Trong số đó có Vĩnh Anh, một sĩ quan không quân đang nghỉ
phép về Ban Mê Thuột thăm gia đình, anh lái Skyraider tại Biên Hòa. Đêm 10
Tháng Ba 1975 anh đang ở nhà tôi, khi nghe “tiếng pháo”, anh rút khẩu súng lục
bắn chỉ thiên một phát. Ai ngờ “tiếng pháo” đó lại là “tiếng súng” của “quân giải
phóng”! Đến khi nghe tin Việt Cộng đang tấn công Ban Mê Thuột anh bạn thân của tôi
vội vàng tìm đường trở về phi trường Biên Hoà ngay lập tức.
Đó là một kỷ niệm khó quên trong ngày 10
Tháng Ba 1975. Chỉ tiếc một điều là Vĩnh Anh đã qua đời năm 2020 tại Mỹ với lý
do “bệnh tật”, chứ không phải vì “chiến tranh”! Phần tôi cũng vội vàng tìm đường
về Sài Gòn vì khi đó tôi cũng đang nghỉ phép từ trường Sinh ngữ Quân đội.
Gia đình tôi ở Lăng Cha Cả, rất gần với
phi trường Tân Sơn Nhất nên khi phi trường bị pháo kích ngày 29 Tháng Tư 1975,
tôi vội vàng “tránh hòn tên, mũi đạn” bằng cách chạy lên Bệnh viện Sài Gòn trên
đường Lê Lợi.
Bạn không thể nào tưởng tượng nổi chiếc
Honda 67 có thể chở đến 6 người: tôi, bà xã và 4 đứa con, đứa nhỏ nhất chỉ mới
1 tháng tuổi. Nhưng rồi mọi sự đều êm xuôi trong ngày 29 Tháng Tư 1975, chúng
tôi vẫn đến được bệnh viện nơi bà xã tôi đang làm việc.
Một lần nữa, trong ngày 29 Tháng Tư 1975
câu “vạn sự khởi đầu nan” là quá đúng: mọi chuyện có khó khăn, không tưởng khi
nghĩ tới 6 người “chạy loạn” trên chiếc Honda nhưng rồi cũng thực hiện được. Thật
ngoài sức tưởng tượng của con người khi cái chết cận kề!
Nguyễn Ngọc Chính
(Di tản tháng Ba 1975. -Hình: Facebook)
No comments:
Post a Comment