Có một con ếch muốn rời khỏi vùng giá lạnh phía bắc để đến
vùng phía nam vì mùa đông băng giá sắp tới rồi. Nhưng nó quá lười biếng
không muốn nhảy hàng trăm cây số đường dài nên mới nghĩ ra một kế.
Nó thuyết phục được hai con ngỗng trời lớn. Theo kế hoạch, thì mỗi
con ngỗng ngậm một đầu của một chiếc que gỗ, còn ếch thì cắn vào chính giữa.
Như thế là cả ba bay lên trời về hướng nam. Ếch sung sướng nhìn xuống đồng
ruộng và kiêu hãnh.
Tình cờ có một nhà nông làm ở ngoài đồng với đứa con trai. Cha con ngước mắt
lên trời thấy hai con ngỗng bay mà ngậm ở hai đầu một que gỗ cho con ếch ngoạm
vào. Người cha nói với con:
- Con thấy gì không? Bố không hiểu ai đã thuyết phục hai con
ngỗng đó mà chúng lại cho con ếch bay lên trời như vậy.
Ếch ta nghe được khoái chí lắm, nhưng không dám nói
gì. Sau cùng không chịu được nữa nó nói thật to:
- Ta đây chứ ai!
Vừa lúc ấy nó rơi từ trên trời xuống và chìm sâu trong bùn, vũng
vẫy mãi mới ngoi lên được.
Khiêm tốn là một thái độ sống tích cực, làm phong phú thêm
kiến thức, kinh nghiêm của bản thân từ cuộc sống. Thái độ khiêm tốn thể hiện
qua từng lời nói, hành động và cử chỉ một cách thật tâm đối với mọi người.
Người khiêm tốn không bao giờ biểu lộ sự tự mãn về những gì mình
có, mình biết, nhờ vậy dễ tạo được sự đồng cảm và mối quan hệ thân thiện với
người khác trong giao tiếp.
Có người nói “ Người ta như một phân số mà tử số là giá trị thật
của người ta, còn mẫu số là giá trị mà người ta tưởng tượng là mình có. Mẫu số
càng to thì phân số càng nhỏ. Khi mẫu số là vô cùng tận thì phân số bằng 0.”
Khiêm tốn thể hiện khả năng tự chủ cao, kiểm soát bản thân
tốt, chiến thắng “cái tôi”. Khiêm tốn giúp ta nhìn nhận bản thân đúng đắn, ý
thức được “Nhân vô thập toàn”, không ảo tưởng để bị cuốn theo những tham vọng
cá nhân. Khiêm tốn là phương thức tốt nhất giúp ta tránh xa thói kiêu căng, tự
phụ.
Đừng quên rằng những người quanh ta đều có phương diện nào đó
giỏi hơn ta. Bất kỳ người nào tôi gặp cũng có chỗ hơn tôi, đáng cho tôi bắt
chước. Thế nên có câu “núi cao, còn có núi cao hơn”.
Dù ta có giỏi đến đâu thì chỉ riêng trên đất nước hơn ba trăm
triệu người này, cũng có thể có biết bao người giỏi hơn mình, từng trải hơn
mình, thành công hơn mình, nói chi đến hơn bảy tỷ người trên thế giới.
Nếu sự khiêm nhường gây ấn tượng tốt với người khác, thì càng
khoe khoang, tự đề cao mình sẽ càng tạo ra kết quả trái ngược. Người thông
minh, hiểu biết nhiều thích khiêm tốn để học hỏi, kẻ dốt thích khoe khoang, dạy
người.
Phần lớn những cuộc tranh chấp ở đời thường
xoay quanh những chiếc ghế. Lúc đầu, ghế tượng trưng cho chức vụ, chức năng.
Dần dần, nó tượng trưng cho chức quyền, chức tước.
Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của
mình. Con người vẫn bị ám ảnh bởi những chiếc ghế. Chiếu trên, chiếu dưới chẳng
phải là chuyện xưa ở đình làng. Ngày nay vẫn có những người cố chiếm cho bằng được
chiếc ghế cao để ung dung hưởng thụ hoặc vênh váo với đời.
“Ai tự tôn mình lên, dù lộ liễu hay kín đáo, trước sau gì cũng
sẽ bị hạ xuống. Ai thực tâm hạ mình xuống để phục vụ, sẽ được tôn lên.”
Con người cần phải vượt qua thói háo danh,
để sống khiêm tốn.
- Khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ để
được nâng lên.
- Khiêm tốn không phải là coi thường mình
hay sợ người khác.
- Khiêm tốn không phải là rụt rè, không
dám nhận trách nhiệm.
- Khiêm tốn là biết mình đã nhận và lớn
lên mỗi ngày nhờ tha nhân.
Người khiêm tốn không sợ chức vụ cao hay
ghế nhất. Chiếc ghế không phải là mục đích họ cần chiếm được, nhưng là
phương tiện để phục vụ mọi người. Chức vụ cho họ cơ hội cúi xuống thật gần
với nỗi đau của nhân loại đang chờ họ giúp đỡ.
Người khiêm tốn, không chỉ biết lo cho
mình được “no cơm ấm cật”, mà phải tự cúi xuống, hòa đồng như bao người khác
trong mọi hoàn cảnh, ngoài xã hội cũng như trong cảnh đói khát, tù đày.
Tóm lại, lòng khiêm tốn có thể được coi là một bản tính căn bản
cho con người trong nghệ thuật xử thế và tiếp nhận. Do đó, có kẻ nói rằng
mỗi khi ai tự hào về một việc gì thì người ấy nên được cảnh cáo bằng câu sau
đây: “Cuối cùng rồi cũng hỏng việc. Vì kiêu căng đi trước, thất bại
theo sau”.
No comments:
Post a Comment