Monday, August 6, 2018

Ám Ảnh - Phan


Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.

*****
Những ngày mới đến Mỹ, tôi còn nhớ cả ngày ngồi trong nhà trông ra con đường vắng tanh vắng ngắt đến rợn người. Mỗi ngày chỉ có một niềm vui là khi trông thấy cái xe thơ của bưu điện tới, chỉ chờ người đưa thơ lái sang nhà bên cạnh là ra mở hộp thư ngay. Vì những ngày tháng ấy không trông mong gì hơn cái thẻ xã hội về để có thể đi làm, để thoát khỏi sự buồn chán của căn nhà Mỹ, xóm làng Mỹ… Và chính trong những ngày hoang hoải đó, tôi đã đọc một truyện ngắn về nước Mỹ mà đến nay không còn nhớ tên truyện, tên tác giả, tên nhân vật trong truyện... Đọc truyện ngắn ấy, tôi chỉ còn lại nỗi ám ảnh về đoạn cuối cuộc đời ở Mỹ đến bây giờ.

    Là một câu chuyện đẹp và buồn. Cái buồn không đột ngột như người lính tử trận trong tích tắc ngoài chiến địa, để lại bao nhiêu hệ lụy cho gia đình, người thương, bạn hữu… và cái đẹp của tình người trong truyện đã làm nên nước Mỹ đặc thù này.

Chuyện kể về người kỹ sư trẻ ở New York, anh ta bị thất nghiệp nên sống tạm với nghề lái taxi. Một hôm, anh được điện thoại đến đón khách tại nhà của họ.

Cánh cửa nhà nọ mở ra là một cụ bà với hành lý gọn nhẹ, chỉ một vali nhỏ như cụ đi thăm con cháu, họ hàng, hoặc bạn bè đôi ngày. Anh ta nghĩ là cụ ra phi trường, nhưng không phải thế! Cụ bà đưa cho anh tài xế taxi mảnh giấy và bảo anh hãy lái đến những địa chỉ đã được cụ ghi thứ tự trong giấy, cụ chỉ ghé mỗi nơi vài phút… Rồi anh cứ tính tiền theo dặm đưởng và thời gian chờ đợi…

Địa chỉ thứ nhất là ngôi nhà cũ kỹ ở ngoại ô New York. Bà cụ lặng lẽ ngắm nhìn ngôi nhà với nét buồn phảng phất trên gương mặt già nua. Khi trở lại thực tại vài phút của thời gian vô nghĩa với tuổi già là nửa tiếng đồng hồ mà anh tài xế taxi còn rất trẻ đã cố gắng đợi.

Bà cụ nói với anh, “Đây là căn nhà mà tôi đã sống hết tuổi nhỏ với cha mẹ và anh chị em tôi…”

Họ đến địa chỉ thứ hai là ngôi trường tiểu học mà cụ đã đi học cùng anh chị em trong gia đình và các bạn nhỏ hàng xóm… Sau đó là ngôi trường trung học. Cụ kể lể về thời mới lớn với những mộng mơ và mối tình đầu của cụ…

Họ đến ngôi trường đại học cổ kính. Anh tài xế taxi được nghe cụ bà kể lại một chuyện tình có hậu là cụ bà đã sống và yêu thương cụ ông đến lúc cụ ông qua đời.

Họ đến thăm công viên là nơi các con của cụ thường được cha mẹ dẫn đến vui chơi khi chúng còn bé…

Bà cụ ngồi trầm mặc như khúc gỗ mục khi họ đến ngôi thánh đường mà cụ cho biết là hôn lễ của cụ đã được cử hành tại đây…

Họ đến thăm nghĩa trang có ngôi mộ của cụ ông, sau đó…

Trời đã về chiều, người lái taxi đã hiểu hết chuyến viếng thăm cuộc đời lần cuối của cụ bà. Anh mở lời mời cụ đi ăn bữa tối với hết lòng ăn năn sự tức giận bà cụ lầm cẩm cả ngày. Sau đó, anh ta đưa cụ đến Viện dưỡng lão. Anh không lấy tiền xe cả ngày anh đã đưa cụ đi từ giã cuộc đời…

Cụ bà cảm ơn anh sau khi xuống xe. Người tài xế taxi ghi nhớ mãi hình ảnh cụ bà kéo vali lặng lẽ vào Viện dưỡng lão. Khi hai cánh cửa Viện khép lại. Anh nghĩ: đã khép lại một cuộc đời…

Tôi đọc câu chuyện đẹp và buồn đầu tiên trên nước Mỹ để quên đi khi đã có đủ giấy tờ cần thiết để đi làm. Cuộc sống mới cuốn hút tôi vào vòng xoáy của xã hội năng động này. Nhưng mỗi lần các thành viên trong gia đình đạt được một bước tiến thì tôi thường trầm tư nhìn lại. Phần cha mẹ không còn phải ở chung cư vì đã mua được nhà riêng. Những chiếc xe cũ đã mua hồi mới đến Mỹ thì bán rẻ lại hay cho không bạn bè mới qua… Đặc biệt là mỗi khi phải nghỉ một ngày làm, rồi nghỉ vài ngày mới đủ thời gian để đi dự lễ ra trường của các con ở những đại học xa nhà. Trong sự vui mừng với thành đạt của con cái, tôi không sao quên được câu chuyện về bà lão và người lái taxi bên New York - một câu chuyện đẹp nhưng buồn luôn ám ảnh tôi về tuổi già gõ cửa đời mình khi con cái đã khôn lớn.

Đến một chuyện thật diễn ra khi tôi còn khá trẻ. Anh bạn tôi bị đột qụy lúc đang lái xe. Anh trở thành cái xác còn thở. Nằm một chỗ trong nhà mình để mong chết quách đi cho rồi khi anh đã thế cả năm trời mà vợ lại mang thai. Đứa con lai với người bạn trai Mỹ trắng của chị vợ ra đời đã chấm hết cuôc đời của anh bạn tôi.

Anh bạn tôi từ đó sống nhờ vào anh chị em ruột của anh giúp đỡ. Nhưng cũng chỉ nằm được ba năm thì anh được Chúa gọi vì thiếu săn sóc cần thiết cho người bại liệt. Nhưng có lẽ nỗi buồn tàn phá anh đến Chúa cũng mủi lòng. Tôi làm sao quên được hai dòng nước mắt người bạn lăn đều trên hai gò má xanh xao mỗi lần tôi ghé Viện dưỡng lão thăm anh vì anh đã không nói được từ khi bị đột qụy. Vợ đã bán nhà và tuyệt giao với chồng cũ để lo gia đình mới. Hai đứa con thì cô nó nuôi giúp một đứa, chú nó nuôi giúp một đứa…

Mỗi người sẽ có một kết thúc mà tuổi tác chỉ là một phần. Câu chuyện về bà lão bên New York được dịp sống lại trong tôi một cách ám ảnh về đoạn cuối đời người trên nước Mỹ mỗi lần tôi đến Viện dưỡng lão thăm anh bạn. Tư tưởng ra về của tôi không thoát khỏi suy tư, người ta đến với cuộc đời chỉ một mình nên ra đi lặng lẽ theo cách riêng của mỗi người. Thật may mắn cho người có thân nhân còn quan hoài đến phút cuối. Nhưng đâu phải ai cũng may mắn được ra đi trong tình thương mến thương trọn vẹn để bức tranh chung về đoạn cuối cuộc đời mỗi người trên nước Mỹ đỡ ám ảnh những người bước vào tuổi già.

Một người bạn khác, làm chung với tôi trong hãng đã ngoài sáu mươi tuổi đời, lại là lính nhảy toán ngày xưa của quân lực VNCH. Nhưng mỗi chiều anh ra làm đều lật đật chạy về nhà chứ không bao giờ bỏ đi nhậu với anh em làm chung, vì “tôi phải về cho mẹ tôi ăn.” Ai có thấy ông già đầu bạc dùng đủ mọi mánh khoé, trò hề, để dụ dỗ mà đút từng thìa cháo đặc cho mẹ già ngoài chín mươi mới thấy phước phần của mỗi người khác nhau khi tuổi già bóng xế.

Thế mà anh đột ngột ra đi trước mẹ với một cơn nhồi máu cơ tim. Phước phần của mẹ anh là dù sao vẫn còn người con dâu hiếu thảo tuy tóc cũng đã bạc trắng như mẹ chồng. Nhưng phước phần lớn nhất đã thuộc về người anh, người con anh dũng của miền nam, người con hiếu thảo của truyền thống. Một chiều cuối đông giá lạnh, anh về nhà với trận cảm lạnh cả ngày đanh hành anh nóng lạnh. Nhưng kệ chị nhà khuyên đừng uống bia. Anh tôi vô vài ve sau khi đút cơm cho mẹ xong. Anh đi nằm lần cuối nhẹ nhàng tới chị nhà nằm bên cạnh mà cũng không biết anh đã lên đường từ nửa đêm. Khi chị gọi anh thức dậy để đi làm thì người anh đã cứng lạnh.

Đi viếng tang lễ anh trong một chiều cuối đông buồn, nhưng tôi vui với phần phước của anh đã ra đi nhẹ nhàng hơn những đoạn cuối cuộc đời mà tôi đã bị ám ảnh từ khi đến Mỹ, từ hai cánh cửa Viện dưỡng lão đã khép lại cuộc đời cụ bà bên New York khi còn thở, trí óc còn minh mẫn và đi đứng mạnh khoẻ. Cuộc đời của người bạn tôi khép lại khi mới ngoài bốn mươi tuổi với một cơn nhồi máu cơ tim; cuộc đời của anh bạn tôi khép lại sau bể dâu quê nhà một cách êm thắm…  Giá người ta chết vì một tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp thì chắc chắn là đau đớn lắm, nhưng đau đớn hơn là đột qụy không làm cho người ta mù; không nói được nhưng tai vẫn nghe rõ những lời cay đắng như anh bạn tôi, người bạn thuộc lớp đàn anh tôi đã gởi lại tôi những mệt mỏi đời lính khi về già nhưng vẫn còn mẹ… những lời trần tình lúc chỉ có hai anh em ngoài bãi đậu xe vào giờ nghỉ giải lao, lúc con đĩ chó mới lên sếp nạt nộ một người anh hùng thuộc lớp cha chú nó.

Nước mắt song song với nụ cười trên nước Mỹ cho mọi người cơ hội để thành đạt theo ý mình muốn. Nhưng khi phải từ giã cuộc đời thì mỗi thân phận người khác nhau đến người khác phải ghen tỵ hay thương hại là do cuộc đời của mỗi người khi còn sống gieo gió gặt bão hay ở hiền gặp lành theo quan niệm đông phương. Nhưng chúng ta đang ở tây phương với tâm thức đông phương mới thật là phiền…

Chuyện mới ra toà hôm thứ Năm ngày 05 tháng 07 năm 2018. Vụ việc là ông cụ 74 tuổi tên là Frank Mansfield tại North Carolina đã bắn chết người vợ 73 tuổi tên là Phyllis Mansfield, sau 53 năm chung sống, vì không muốn người vợ sống như thú vật bị nhốt trong chuồng, bởi người vợ bị bệnh mất trí và ông ta muốn vợ được chết một cách tử tế.

Câu chuyện xảy ra vào ngày 14 tháng 12, 2016. Frank Mansfield gọi cảnh sát báo rằng ông ta vừa bắn chết vợ trong garage tại nhà riêng ở thành phố Elizabeth, tiểu bang North Carolina.

Ông chờ cảnh sát đến và sau khi bị còng tay đã khai rằng: giết vợ là cách duy nhất để cứu bà ta khỏi cảnh sống như thú vật bị nhốt trong chuồng. Vì bà vợ bị bệnh mất trí, và ông không thế lo cho bà ta được nữa, nhưng không muốn đưa bà vào Viện dưỡng lão…

Việc kết án ông ta được trì hoãn 8 tháng để ông hoàn thành việc xạ trị bệnh ung thư của ông ta.

Bản tin còn dài cho đầy trang báo của người viết tin. Nhưng người đọc tin có đủ can đảm để đọc hết nhẫn tâm trong thời đại này không? Tùy người cho sự nhẫn tâm là năm mươi ba năm chung sống vợ chồng mà sao ông Mansfield “nhẫn tâm” nổ súng vào người vợ mất trí? Tùy người (khác) nhìn ngẫm sự nhẫn tâm của xã hội và con người bây giờ có đủ lý do để lãng quên những người già đã hết giá trị lợi dụng. Sự nhẫn tâm của xã hội ngày càng văn minh lên là người ta không còn thời gian để quan tâm đến cha mẹ già nên hai ông bà già này tự xử cho nhau.

Mong giờ đây trên thiên đàng, bà Mansfield đã phục hồi trí nhớ ở nơi không có bệnh tật. Bà đang cầu nguyện cho ông Mansfield qua khỏi được bệnh ung thư ở trần thế đáng buồn này…

Đó chỉ là suy nghĩ qua lăng kính giết vợ vì thương yêu. Nhưng đời thường là phạm pháp thì phải bị trừng phạt theo công lý không thể chối cãi của nước Mỹ vĩ đại vì luật pháp nghiên minh này. Nhưng nếu mỗi người được ngồi ghế quan toà một giây để gõ búa gỗ là ông Mansfield có tội hay không thì lương tâm, lương tri mỗi người sẽ có quyết định cho riêng mình hơn là quyền hạn được cho phép một giây!

Chuyện dài nước Mỹ có chuyện tháng trước ở thành phố San Jose thuộc tiểu bang Calif. Người con trai của gia đình người Việt di dân chưa tới ba mươi tuổi. Nhưng đã cùng đồng bọn trở về nhà để giết cha mẹ ruột nhằm sớm lấy được gia tài của cha mẹ để lại. Câu chuyện thời sự về những người trẻ thiếu giáo dục nhưng lại ham học đòi. Họ có lỗi hay những người nuôi dưỡng họ trước khi trưởng thành đã có lỗi. Dù sao cũng không thể đổ thừa cho nền giáo dục nước sở tại mà chúng ta dung thân. Giáo dục nhà trường nào cũng cần có sự phối hợp và hưởng ứng từ giáo dục gia đình của mỗi học sinh để trở thành công dân tốt sau này! Nhưng vụ việc là người Việt nên làm cho người Việt mủi lòng thương cảm.

Trở lại với ông bà Manfield. Toàn bộ câu chuyện của ông bà Manfield đâu đã hết thuốc chữa. Nhưng sự cô đơn, cô độc của người chồng đã bị bệnh ung thư về thể xác và nặng hơn là rối loạn tâm thần đã dẫm tới hành động giết vợ - không được ai hoan nghênh. Dĩ nhiên có người thông cảm.

Chuyện càng đau lòng hơn trên nước Mỹ là đến hổ không ăn thịt con. Thế mà người mẹ đã quên đôi tay mình đã từng ru con ngủ, bầu vú mình từng nuôi lớn gịot máu yêu thương do mình sinh ra. Nay, tay mẹ siết cò súng vào người con đang ngủ vì ám ảnh tuổi già…

Hôm thứ Ba 3 tháng 7. Hãng thông tấn UPI cho biết, cụ bà Anna Mae Blessing ở thành phố Fountain Hills - Arizona  đã khai với cảnh sát rằng người con trai 72 tuổi muốn đưa bà vào Viện dưỡng lão nên bà đã bắn chết anh ta khi anh đang ngủ trong phòng riêng…

Bản tin còn dài những điều vô nghĩa nhưng lại được quan tâm hơn vì kịch tính dễ thu hút người đọc…

Bà cụ New York bây giờ có lẽ đã ra người thiên cổ. Nhưng chuyện của cụ còn mãi trong tôi nỗi ám ảnh tuổi già trên quê hương thực dụng này. Tôi chọn sự kết thúc của cụ cho mình khi về già vì tóm lại chỉ là sống cho hết nợ đời. Hết chữ duyên trên đời chỉ để trả cho chữ nợ. Nếu không còn nợ đời (từ kiếp trước) thì ắt chúng ta không có duyên để được sinh ra kiếp này.

Nên đừng bao giờ bi quan trước bế tắc vì cánh cửa này khép lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Dù nhà thờ và chùa chiền bây giờ có khoá cổng. Nhưng hãy tin kinh thánh và phật sách có chìa khóa riêng để mở ra một cánh cửa cứu khổ cứu nạn cho người hữu tâm. Đừng làm việc gì trái thiên lý là đắc đạo làm người trong cõi phù du này…

Phan
https://vvnm.vietbao.com

No comments:

Post a Comment