Wednesday, January 30, 2019

Cành Mai Ngày Tết - Trần Hữu Thuần


Lật bật rồi Tết đến, mà Tết thì không thể thiếu cành mai. Hương mai không sắc sảo như hồng, không ngạt ngào như huệ, không lộ liễu như lan, nhưng dịu dàng nhè nhẹ như rón rén báo hiệu mùa xuân tới. Người Trung chuộng mai; người Bắc chuộng đào. Nói người Trung chuộng mai thôi chưa đủ, phải nói cành mai với người Trung chính là linh hồn của mùa Xuân, của ngày Tết. Một cành mai dù khẳng khiu lèo tèo vài bông cũng đem mùa Xuân về cho một gia đình dù đang thiếu thốn túng cực. Thiếu cành mai, mùa Xuân như chưa về, ngày Tết như chưa đến, căn nhà trở nên hoang vắng trống trải. Gia đình tôi còn hơn thế, chuộng cành mai mừng Tết hơn bánh mứt cỗ bàn. Ông nội tôi, ba tôi, rồi đến tôi, chưa giữa tháng chạp đã lặn lội đến tận các vườn mai chung quanh thành phố đang sống để tìm mai, ngắm nghía chọn lựa. Sau khi cân nhắc bốn năm cây được tuyển chọn, chúng tôi hỏi mua nhưng chưa chắc đã mua được vì thời đó người ta trồng mai chủ yếu để ngắm, ít người trồng chuyên nghiệp để bán. Do đó, một gốc mai đẹp trong vườn, cũng là gốc nằm trong sự chọn lựa của tôi, thường khó có thể mua được dù với bất cứ giá nào.

Năm đó tôi còn trẻ lắm, chừng vào khoảng hai ba hai bốn tuổi, ra khỏi trường đại học tay còn ướt mực, đầu còn vướng vít lời giảng và cách giảng của các giáo sư Đại học Văn khoa Huế thời đó như Giáo sư Linh mục Cao Văn Luận, Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Giáo sư Lê Tuyên. Không xuất thân đại học sư phạm, tôi xin vào dạy “giờ” tại một trường trung học công lập, dạy thêm mấy trường tư thục. Thời đó, thầy cô dạy tiểu học được gọi là thầy cô, dạy trung học được gọi là giáo sư, không như bây giờ giáo sư chỉ dành riêng gọi thầy cô dạy đại học đã chính thức được phong chức danh này. Năm sau, có chút “tiếng tăm,” tôi được “mời về” dạy cho một trường bán công ở một quận. Tôi được biết mình có chút tiếng tăm nhờ may mắn tình cờ nghe một nhóm nữ sinh bảo nhau:
“Tụi mày biết tao mong gì không?”
“Mong gì?”
“Mong mau hết năm nay để lên lớp học với thầy…”
Tôi nghe nói đến tên tôi. Ở tuổi vừa quá đôi mươi, tôi phồng mũi khi được nghe khen gián tiếp như vậy. Sau thời chiến tranh, số tuổi của học sinh phần lớn ngang ngang tuổi các thầy cô trẻ chúng tôi. Năm tháng dưới quyền Việt Minh, các em hoặc thất học hoặc học chẳng đến nơi đến chốn, phần do chương trình học chắp vá, phần không có thầy đủ kiến thức để dạy. Vì vậy, học sinh chỉ kém thầy cô vài tuổi, thậm chí có em đã có vợ con ở nhà, trong khi chúng tôi đa số đều còn độc thân. Một lần tôi đã được một người đàn bà đến xin phép cho một học sinh nghỉ bệnh, về sau tôi mới biết người đàn bà đó là vợ của học trò tôi!

Tôi dạy Quốc văn và Anh văn. Trong một buổi dạy Quốc văn, tôi thao thao bình giảng một đoạn văn của Khái Hưng trích từ tác phẩm Trống Mái. Bài giảng văn cuốn tôi đi. Nếu các tác giả lãng mạn Pháp Lamartine, Chateaubriand, Verlaine, Rimbaud, Victor Hugo, Alexandres Dumas đã cho tôi thấy gần gũi với sông Seine, với vườn Luxembourg, với Notre Dame de Paris, thì Tự lực Văn đoàn cho tôi cảm thấy gần gũi Hà Nội với năm cửa ô quan, với đê Yên Phụ, với cốm mới, với xóm hoa của các cô gái trên vai kĩu kịt gánh hàng hoa, tưởng chừng tôi đã sống ở đó, đã đi qua đó. Tôi như thấy bóng Loan đang đi ngược lên đê Yên Phụ, thấy Hiền trên bãi biển Sầm Sơn, thấy Bạch Tuyết, Vân Lan, Thu Cúc trên bãi biển Đồ Sơn. Tôi như thấy nước sông Hồng Hà cuồn cuộn mỗi lần vỡ đê, cả con sông cả chuyện vỡ đê tôi đều chưa một lần tận mắt chứng kiến. Tôi mô tả Hiền say mê ngắm thân hình lực sĩ của Vọi trên bãi biển Sầm Sơn, mô tả Sầm Sơn đẹp như thế nào, hùng vĩ như thế nào, một bãi biển Sầm Sơn nào đó ở miền Bắc mà tôi chưa hề bước chân đến. Tôi nói đến tình cảm lãng mạn của Hiền, loại lãng mạn chịu ảnh hưởng của văn chương lãng mạn Pháp. Tôi nói đến tâm hồn đơn sơ chất phác của Vọi, của người Việt Nam thôn quê, nói đến tình yêu mộc mạc Vọi dành cho Hiền, một tình cảm mà Vọi không hề định nghĩa được đó là tình yêu. Nghe tôi nói, cả lớp tưởng chừng các nhân vật của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam đang ngồi giữa thầy trò chúng tôi. Các em mở lớn đôi mắt như muốn nuốt hết bài giảng văn của tôi vào tâm trí. Không nghe tiếng thở mạnh. Không nghe tiếng xào xạc. Thỉnh thoảng, có tiếng bút ghi chép chạy rì rào trên giấy. Cũng như tôi thuở nào, các em giờ đây cũng đang mơ đặt chân đến Hà Nội, đến Sầm Sơn Đồ Sơn, mơ bước vào cửa ngõ văn chương mà Tự lực Văn đoàn đã mở ra, mơ bước vào cửa ngõ tình yêu lãng mạn của yêu là chết trong lòng một ít.

Hầu hết thầy cô chúng tôi đều từ thành phố lên dạy, ở lại vài hôm rồi quay về. Mùa nắng, tôi không chạy chiếc xe gắn máy Gobel trên đường chính để về thành phố mà men theo các con hẻm trong xóm để ngắm cảnh chiều xuống trên các cánh đồng lúa, trên các vườn cây trái nặng trĩu cành, và trên các nóc nhà vươn khói bếp của thôn quê thanh bình yên lặng. Gobel và nhiều loại xe gắn máy thời đó trông như một chiếc xe đạp với giàn khung cồng kềnh, gắn một động cơ hai thì ở chỗ trục hai bàn đạp. Một lần trên đường về, xe tôi bị hư. Dừng lại bên con hẻm, tôi hì hục tháo bugi chùi, ráp lại rồi cong lưng đạp.. Máy không nhúc nhích. Mồ hôi tháo ra ướt áo. Thử đi thử lại mấy lần không kết quả, tôi bối rối nhìn quanh chẳng biết phải làm gì. Chung quanh không có tiệm sửa xe; từ xóm ra đường cái còn là một quãng đường xa. Tôi hì hục dẩy xe lội bộ, mỉm cười một mình bảo chiếc xe:
“Hằng ngày tao hành mày, giờ mày trả thù hành lại tao.”
Có tiếng xe đạp phía sau. Con hẻm hẹp vừa một người cỡi xe nên tôi nép vào hàng rào nhường đường cho người đang đi tới. Không thấy xe đạp trờ tới, tôi nghĩ mình lầm, định đi tiếp nhưng có tiếng hỏi sau lưng tôi:
“Xe sao vậy thầy?”
Một cô học trò của tôi. Tôi ngước nhìn. Đôi mắt đẹp của cô học trò sáng ngời một chút vui mừng lẫn chút kinh ngạc khi tình cờ gặp được tôi ở con hẻm này. Và ngay trong lòng tôi cũng đang rộn lên một niềm vui vì tình cờ gặp được người vừa là học trò tôi vừa là người con gái tôi đã không giấu giếm tình cảm đang nghiêng hẳn về phía nàng. Mỉm một nụ cười thật tươi, tôi hỏi:
“Em ở đây?”
Cô gái cười, chỉ tay vu vơ về khu xóm phía trong:
“ Em ở hẻm bên kia, chỗ ngã ba thầy vừa đi qua đó.”
Thoáng ngập ngừng, cô học trò nói tiếp:
“Thầy ở đây, chờ em một chút.”
Không đợi tôi trả lời, cô đạp xe chạy về phía trước rồi khuất sau một ngõ có hai hàng dậu cao ngang ngực cắt xén bằng phảng. Mấy phút sau, cô học trò đi ra, theo sau là một cụ già có chòm râu bạc phất phơ. Nhìn thấy tôi, ông cụ trịnh trọng chắp tay chào:
“Chào thầy.”
Hai tay đang giữ tay lái xe, không thể chắp tay vái chào được, tôi đành cúi đầu sâu đáp lễ:
“Cháu không dám, xin phép chào cụ.”
Cô học trò bảo tôi:
“Thưa thầy, đây là ông nội em.”
Tôi hốt hoảng:
“Ấy chết, cháu thất lễ nữa rồi, chẳng biết cụ là ông nội của cô đây.”
Ông cụ cười:
“Cháu tôi đã nói với tôi nhiều về thầy. Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình; vạn hạnh cho tôi hôm nay được diện kiến thầy.”
Tôi hoảng hốt:
“Cụ dạy quá lời, cháu thực tình không dám. Có vạn hạnh chăng chính là cháu đây mới phải.”
Ông cụ đưa tay mời:
“Thôi, nhất kiến vạn kiến, mời thầy quá bộ vào dùng chung trà.”
Tôi nhìn chiếc xe, ngần ngừ:
“Vinh dự cho cháu, nhưng…”
Ông cụ chỉ tay vào hai người đàn ông đang đứng đó, bảo tôi:
“Thầy đừng lo, để xe đó hai ông con tôi lo cho.”
Vào nhà, ông cụ mời tôi ngồi. Lát sau, cô học trò bưng lên một khay trà. Đặt một tách trước mặt ông cụ, cô lễ phép nói:
“Con mời nội.”
Đặt một tách khác trước mặt tôi, cô nói:
“Em mời thầy.”
Ông cụ nâng tách trà lên:
“Mời thầy. Trà Long Tĩnh đó thầy, tôi đặt mua tận Hồng Kông.”
Tôi bối rối nâng tách mời cụ:
“Xin mời cụ. Chà, đúng là danh trà, thơm thật, uống vào ngọt lịm trong cổ họng.”
Thấy tôi biết thưởng thức trà, ông cụ đặt chén trà xuống, vuốt chùm râu lưa thưa:
“Không ngờ hôm nay tôi được gặp thầy nói lời cám ơn thầy đã dạy dỗ cho con bé cháu tôi biết đạo làm người. Người ta nói, Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.”
Tôi đứng lên khiêm tốn trả lời:
“Dạ, cháu không dám. Cháu chỉ làm việc bổn phận.”
Cụ nói:
“Thầy coi đó, thời đức Thánh, đạo đức hưng thịnh, ngoài đường không ai lượm của rơi, nhà nhà tối ngủ không cần đóng cửa cài then, vợ chồng lúc nào cũng tương kính như tân. Thời nay đạo đức suy đồi, xã hội suy vong. Cũng may cụ Diệm về nước phục hồi lại được đôi chút.”
Tôi đưa đẩy:
“Dạ, cụ Diệm đã học chữ thánh hiền đỗ đạt làm quan.”
Tôi nói mấy câu khiêm nhường rồi đứng lên cáo từ vì trời đã sụp tối. Chẳng biết cách nào và do ai, xe tôi đã nổ máy được, đang dựng chân chống chờ tôi ở ngõ. Ông cụ bảo cô học trò đưa tôi ra tận cửa. Cô bảo tôi:
“Nội em quý thầy lắm đó, khen thầy hoài, mời thầy hôm nào lại đến chơi.”
Tôi mỉm cười nhìn sâu vào mắt cô học trò:
“Ngoài nội mời tôi, còn ai khác nữa mời tôi không?”
Cô học trò mỉm cười trong khóe mắt, giọng bẽn lẽn:
“Thầy biết rồi, hỏi em làm gì.”
***
Sau ngày gặp gỡ đó, tôi thường đi về nhà theo con đường ngang qua nhà ông cụ nhưng không ghé thăm ông cụ lần nào, định bụng chỉ ghé thăm khi nào lại tình cờ gặp được cô học trò như lần trước. Thế nhưng năm lần bảy lượt, chuyện tình cờ vẫn không xẩy ra, trong khi hình bóng cô học trò vẫn vương vấn trong lòng tôi.
Nửa tháng chạp, xóm nhà ông cụ bỗng sáng rực lên. Các vườn mai đang đến độ nở hoa. Hóa ra xóm này cũng trồng nhiều mai mà trước đây tôi không chú ý đến, có lẽ vì tâm trí tôi đã bị một bóng hình xâm chiếm. Hàng ngày, sau giờ tan trường, tôi rong xóm, dừng lại trước nhà này nhà kia ngắm nghía chọn mai, cũng không quên khao khát sẽ lại xẩy ra chuyện tình cờ. Chuyện tình cờ không đến hay chưa đến, nhưng mai thì tôi chọn được năm gốc vừa ý trong năm vườn khác nhau. Chọn thì chọn, tôi không chắc rồi sẽ mua được gốc nào vì đã nhiều lần các chủ vườn bảo tôi:
“Ông mua gốc nào khác tôi bán nhưng gốc này thì không vì đó là gốc mai già do cụ tổ nhà tôi trồng. Cắt bán cho ông, chẳng khác nào tôi bán cội nguồn nhà tôi.”
Biết vậy cho nên bước vào một vườn mai, nếu chủ nhà không hỏi tôi muốn mua gốc nào, tôi không bao giờ nói đến việc mua bán mà chỉ xin phép được dạo quanh vườn ngắm mai. Khi đến gốc mai trong vòng tuyển chọn của tôi, làm như tình cờ, tôi mập mờ lên tiếng hỏi:
“Thưa ông, giả như có người hỏi mua gốc này, ông có định bán không?”
Chín trong mười lần, tôi bị từ chối. Năm nay cũng vậy, tôi thi hành chiến thuật hàng năm của tôi, và đã thất bại bốn gốc liên tiếp. Gốc thứ năm tôi chọn nằm trên con hẻm mà cô học trò có lần chỉ vu vơ nói nhà em ở trong hẻm đó. Tôi vào vườn, xin đi ngắm mai rồi với bài bản cũ hỏi mua gốc mai tôi ưng ý. Chủ vườn lắc đầu quầy quậy:
“Thấy ông thích chơi mai, tôi sẵn sàng nhượng ông bất cứ gốc nào khác ngoại trừ gốc này.”
Không đợi chủ vườn mô tả tiếp chuyện gốc mai cụ Tổ, tôi định quay xe ra ngõ bỗng nghe một tiếng va chạm mạnh. Chủ vườn la lớn:
“Con gái mà đoảng hậu. Chạy xe thì cũng từ từ, chạy chi ào ào để té chỏng gọng thế?”
Tiếng con gái trả lời:
“Đâu phải tại con, tại đứa nào để hàng gạch chắn đường ngay chỗ quẹo vào.”
Tôi giật mình. Giọng nói nghe rất quen thuộc. Chủ vườn vẫn lớn tiếng:
“Gạch đá thì cũng phải có mắt mà nhìn. Hai chục tuổi đầu đâu phải con nít nữa.”
Tôi quay lại nhìn ra ngõ, đúng lúc cô gái phủi tay đứng dậy rồi reo lên:
“Ủa, thầy? Sao thầy biết nhà em đây mà đến?”
Chủ vườn nhìn tôi rất nhanh rồi hỏi con gái:
“Thầy con đây sao?”
Cô gái cười:
“Dạ, con tưởng ba biết rồi.”
Chủ vườn cười dễ dãi bảo con gái:
“Con cái thế thì thôi, thầy đến nhà chơi mà con cũng không báo trước cho ba biết.”
Cô gái nhìn tôi, mỉm cười. Tôi mỉm cười lại, ý nói tôi có biết nhà ở đâu đâu mà báo trước. Ba cô gái quay sang tôi:
“Tôi xin lỗi, xin lỗi thầy.”
Tôi bối rối:
“Dạ, xin bác tự nhiên cho.”
Tôi giật mình thấy đã đổi cách xưng hô với chủ vườn một cách phản xạ. Cô học trò bảo tôi:
“Nội em nhắc hoài sao thầy không đến chơi.”
Giọng nói và ánh mắt của cô học trò cho phép tôi hiểu câu nói của cô theo một ý nghĩa khác. Chủ vườn bảo tôi:
“Tôi xin lỗi thầy lần nữa. Ông nội cháu khen thầy mãi, tôi vẫn mong có dịp gặp thầy.”
Ngập ngừng một chút, ông nói tiếp:
“Quả không phải, nhưng mời thầy quá bộ vào nhà dùng chén nước.”
Quan vài tuần trà, tôi đứng lên xin phép ra về. Cha cô gái đột ngột hỏi tôi:
“Thầy ở đâu dưới phố, cho tôi địa chỉ được không?”
Tôi nhìn ông ngạc nhiên:
“Dạ được thì hẳn rồi. Nhưng cháu chẳng hiểu bác cần đến để làm gì?”
Ông mỉm cười:
“Thì… để có dịp xuống phố, tôi đến chào thăm bà cụ trả lễ thầy đến thăm chúng tôi.”
Cô học trò đưa ra một tờ giấy tập và cây bút máy cô quen dùng. Tôi hí hoáy vừa viết địa chỉ vừa nói:
“Khi nào tiện dịp xuống phố, cháu mời bác đến nhà chơi, còn nói để bác trả lễ thì thực tình cháu không dám.”
Ông bảo con gái tiễn tôi ra ngõ. Trời nhá nhem tối. Cô học trò ái ngại nhìn tôi:
“Sắp tối rồi, thầy chạy xe cẩn thận. Trong xóm, đường tối, khó nhận ra ổ gà. Để em đưa thầy ra hẻm ông nội.”
Tôi nhìn cô học trò, nói một câu nói nhiều ý nghĩa:
“Em đừng sợ tôi đi lạc. Tôi thuộc lòng đường nhà em rồi.”
Cô học trò mỉm cười đồng lõa. Tôi dẫn xe đi; cô gái đi sát vào người tôi, không biết tại ngõ hẹp hoặc tại cô tìm hơi ấm nơi tôi. Cả hai im lặng đi bên nhau, tưởng chừng nghe tiếng hai con tim đang đập mạnh. Chiều thôn quê xuống thật nhanh, thật yên lặng nếu không có tiếng côn trùng rả rích. Đến một khúc quanh vắng trước khi rẽ ra hẻm nhà ông nội cô, tôi đứng lại gọi nhỏ:
“Thúy!”
Tôi vòng tay qua kéo nhẹ Thúy sát vào người tôi. Thúy ngại ngùng đẩy tôi ra:
“Đừng anh, hàng xóm thấy bây giờ.”
Tôi nói nhỏ vào tai Thúy:
“Anh yêu em.. Em yêu anh không?”
Thúy dịu dàng nói:
“Anh biết rồi, em đâu cần nói ra…”
Tôi dùng dằng một chút rồi nói:
“Anh về. Mai gặp em ở trường.”
Thúy hôn rất nhanh lên má tôi:
“Em về đây. Mai gặp anh.”
Tôi hôn trả lại, không phải lên má mà lên môi Thúy. Thúy thẹn thuồng đẩy vội tôi ra, e lệ chào tôi rồi quay ngoắt theo hướng về nhà. Dẫu vậy, ánh mắt Thúy vẫn lưu luyến nhìn tôi. Đi mấy bước, Thúy quay người lại mỉm cười khi thấy tôi vẫn còn đứng đó nhìn theo. Thúy vẫy tay ra hiệu cho tôi đi về. Tôi nổ máy. Xe chạy. Thân xác tôi đang về nhà nhưng tâm hồn tôi đã gửi lại căn nhà nằm sau khúc quẹo.
Hôm sau, tôi có giờ lớp Thúy. Hết giờ, Thúy làm bộ sửa lại cặp sách, chần chừ trở thành người ra sau cùng để nói nhanh bảo tôi:
“Em có quà cho anh.”
Tôi thì thào như hơi thở:
“Quà gì vậy em?”
Thúy mỉm cười bí ẩn, hỏi lại tôi:
“Mai anh không có giờ phải không?”
“Anh xong rồi, mai anh về phố. Quà gì cho anh đâu?”
“Về nhà rồi biết.”
“Nhà em?”
“Không, nhà anh.”
Không đợi tôi thắc mắc tiếp, Thúy vụt chạy ra sân với bạn bè. Tôi lửng thửng đi lên phòng giáo sư, bụng phân vân chẳng biết quà Thúy nói đến quà gì và sao lại ở nhà tôi.
***
Thành phố đã lên đèn khi xe tôi chạy vào con đường chính dẫn về nhà tôi. Mưa nặng hạt. Đèn nhà tôi đã bật sáng. Nhìn vào nhà, tôi có cảm giác nhà tôi sáng hơn bình thường. Nghe tiếng máy xe tôi, cô em út chỉ mới ba tuổi đội mưa chạy ra đón tôi. Tôi lật đật dựng xe, bế em lên cho vào trong áo mưa cho em khỏi ướt. Em bí bô:
“Anh Hai, hoa đẹp.”
Tôi không hiểu, hỏi lại:
“Hoa gì?”
Em không trả lời, chỉ tay vào phòng khách. Tôi bế em đi nhanh vào. Phòng khách rực sáng. Chính giữa phòng khách, vị trí tôi vẫn đặt cây mai hằng năm, một cây mai lớn cao đến trần nhà đang khoe một số bông vàng rực. Tôi hỏi mẹ tôi:
“Mai đâu vậy mẹ?”
Mẹ tôi trố mắt nhìn tôi:
“Mẹ tưởng con mua.”
“Con đã mua được cây nào đâu. Hỏi năm chỗ đều bị từ chối năm chỗ.”
Mẹ tôi nói:
“Hồi trưa, có chiếc xe lam và hai người chở cành mai đến nhà, hỏi mẹ đặt vào đâu. Mẹ tưởng mai con mua nên chỉ chỗ cho họ. Họ đặt mai vào, xoay thế này thế khác cho đến khi mẹ vừa ý mới ra về.”
“Lạ chưa? Con có nhờ ai chở mai đến nhà đâu?”
Bỏ em tôi xuống, tôi đi quanh cây mai một vòng và đột nhiên nhận ra dáng dấp quen thuộc không thể nhầm lẫn được của gốc mai. Đây là gốc mai nhà Thúy mà ba Thúy đã không muốn bán cho tôi, nói là gốc mai truyền từ cụ Tổ xuống, không nỡ cắt đứt. Mẹ tôi nói:
“Người đem mai đến đưa bức thư này, bảo mẹ đưa cho con khi con về. Tôi vội vàng mở thư. Nét chữ của Thúy ngoài phong bì, nét chữ sau mấy năm trời đã thành quá quen thuộc với tôi. Bên trong phong bì, nửa tờ giấy học trò ghi mấy chữ của ba Thúy:
Kính thầy,
Mai quý hay không không phải do mai mà do người biết trân trọng nó. Gia đình thầy trân trọng cành mai nên tôi biếu thầy và bà cụ, và cũng để như lời nói lên tình tri ngộ.
Kèm theo là thư của Thúy:
Anh,
Đây là món quà ba em và em dành cho anh. Biết anh là người biết thương hoa tiếc ngọc nên em đã giục ba đưa cây mai này làm quà biếu anh. Anh hiểu ý em muốn nói gì với anh qua cây mai này rồi. Em đã thuộc về anh, như cây mai này đang thuộc về anh. Hết xuân mai tàn, nhưng tình em dành cho anh không bao giờ tàn. Ước gì anh cũng dành cho em tình yêu không bao giờ tàn như vậy.
Tôi mỉm cười, giấu bức thư vào túi áo trên ngực. Mẹ tôi yên lặng nhìn tôi:
“Thư gì vậy con?”
“Không gì đâu mẹ. Ông chủ vườn ban đầu từ chối nhưng nghĩ sao đó lại đồng ý bán cho con.”
Mẹ tôi gật đầu:
“Con trả tiền chưa?”
“Dạ, chưa.”
“Mai con ghé trả tiền, nhớ thêm tiền xe chuyên chở cho người ta nghe con.”
“Dạ.”
Tôi dạ nhưng lòng nghĩ thầm:
“Tại mẹ không biết đó thôi. Người ta chẳng những không lấy tiền mai, chịu mất cho con gốc mai, mà còn chịu mất cho con một thứ quý hơn gốc mai, một thứ vô giá nữa đó mẹ.”
Mẹ tôi ngẩn ngơ nhìn tôi khi thấy tôi mỉm cười một mình với nét mặt rạng lên vì hạnh phúc, chẳng hiểu con mẹ đang nghĩ gì và muốn gì. Tôi bảo mẹ:
“Năm nay gia đình mình hạnh phúc.”
Mẹ tôi cười:
“Ờ, gốc mai đẹp thật, đúng là gia đình mình năm nay sẽ gặp vận hên.”
Trần Hữu Thuần

No comments:

Post a Comment