Ông Hai Thìn tập kết ra Bắc năm 1954. Sau 30-4-1975, Hai Thìn trở lại
miền Nam, không biết làm nghề gì nhưng lương ba đồng ba cọc, sống ở
thành phố không nỗi, phải về quê làm ruộng. Từ ngày ông Năm là em ruột
Hai Thìn vượt biên qua Mỹ, Hai Thìn gần như hoàn toàn dựa vào nguồn tài
chánh của ông Năm. Ông Năm chỉ có Hai Thìn là thân nhân gần nhất. Cho
tới lúc đó ông Năm vẫn chưa lập gia đình. Một hôm bỗng nhớ lại những lời
cay nghiệt trước đây của Hai Thìn nói với bạn bè về ông: “Hắn chỉ là
khúc ruột thối của cha mẹ tui”, ông Năm cưới vợ, cắt gần hết nguồn tài
chánh dành cho người anh, giống như Mỹ bỏ rơi Việt Nam. Nhưng rồi ông
Năm ly dị vợ.
Nghe tin này, Hai Thìn vui mừng không kể xiết. Vậy là “Mỹ trở lại
Việt Nam”. Hai Thìn gởi cho ông Năm một bức thư qua ngã bưu điện.
Chú Năm thân nhớ,
Nay anh có mấy lời gởi thăm chú, chúc chú được mọi sự an lành thì anh
lấy làm mừng lắm. Về phần anh và gia đình vẫn thường, không có gì lạ
cả. À, hiện nay mồ mả ông bà, cha mẹ chỗ lỡ chỗ bồi, cỏ mọc tùm lum, bờ
xi-măng chung quanh không thấy mô cả, nhìn kỹ mới thấy mấy cục gạch đen
thui. Phần mộ ông bà nay thua cả phần mộ của gia đình thằng Ngụ, trước
làm đầy tớ cho ông nội mình. Còn con mẹ tên chi đó ba đời ăn xin, nay
nằm trên đầu Bà Nội, lại cao hơn mấy tất. Nghĩ mà tủi thân cho người nằm
dưới 3 tất đất…
Ông Năm đọc tới đây hiểu ý anh mình muốn gì, nên chỉ liếc sơ qua đoạn
thư còn lại. Ông thấy thương anh, ít ra cũng không mất cảm tình như
trước đây. Bức thư không “nói chính trị”, lại không hề có ý thức giai
cấp. Thằng Ngụ là con anh mõ làng, người cùng khổ trong thôn, sau
30-4-1975 làm lớn. “Con mẹ tên chi đó” sau khi “giác ngộ Cách mạng”,
không bị gậy nữa. Một người từng tập kết ra Bắc mà có lời lẽ như vậy thì
đâu khác gì ông Năm. Nhân dịp Tết và cũng buồn về việc vợ nộp đơn ly
dị, ông Năm mua vé máy bay về Việt Nam.
Ông chỉ ở Sài Gòn một đêm rồi về quê. Hầu như tất cả thân thuộc trong
quê đều ra sân bay đón ông. Hình như ai cũng ăn vận tươm tất hơn thường
lệ. Ông ngạc nhiên thấy Hai Thìn đội nón cối, vận áo đại cán, đeo huy
chương. Ông hỏi:
-Anh còn đi dự lễ chi nữa hả?
-Lễ chi? Tui chỉ đi đón chú.
-Đón tui cần chi phải ăn mặc…trái ngược như vậy?
Hai Thìn ngạc nhiên nhìn em mình:
-Sao lại trái ngược?
Ông Năm cũng nhìn Hai Thìn ngạc nhiên, nhưng không nói gì. Một lát
sau ông mới “ngộ” ra rằng bây giờ ở Việt Nam gần như ai làm gì thì làm,
nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong, nhưng áo đại cán vẫn mặc, nón
cối vẫn đội.
Tất cả kéo nhau đến một tiệm ăn. Ăn uống, nghỉ ngơi xong mọi người
cùng nhau về quê. Khi gần đến nơi ông Năm ngạc nhiên thấy có đông người
tụ tập. Người ngồi, người đứng, người đi, người mắc võng nằm, người cắm
lều lấn ra gần hết nửa con đường nhỏ. Có người mang hương đèn hoa quả,
chiên trống. Có cả thầy chùa.
Ông Năm hỏi:
-Hôm nay có hội hè chi hả?
-Không-Hai Thìn trả lời.
-Sao có đông người vậy? Thấy chỗ nào cũng vắng vẻ, chỉ có nơi đây là vui. Không hội chợ thì chắc dân đi đón quan chức nào đây.
-Không, họ vào nghĩa trang.
-Ủa?
-Bây giờ người ta khẩn trương xây mồ mả hoành tráng lắm. Bọn người
chú vừa thấy phần đông là thợ nề. Họ đổ xô về đây kiếm việc làm. Có cả
kiến trúc sư nữa, có cả nhà thầu, bà đồng bà cốt, thầy bói…
Cả bọn đi vào cổng nghĩa trang. Bên cổng có một cái nhà nhỏ, trong
treo đầy những bức họa đồ vẽ đủ kiểu mồ mả. Mả trệt có, mả 2 tầng có, mả
3 tầng có. Có những kiểu mả giống như lăng Khải Định nửa Tây nửa ta. Có
những kiểu mả giống như lăng Tự Đức. Có những kiểu mả chẳng khác gì mả
Tào Tháo, nghĩa là không thấy mả đâu cả mà chỉ thấy cái hầm.
Đến một khu nghĩa trang có tường thấp bao quanh với một tấm bia lớn
ghi mấy chữ: “Nguyễn Xinh và Trần Thị Đẹp. Ngày 22-12-20…”, ông Năm hỏi:
-Ủa? Hai vợ chồng Nguyễn Xinh chưa chết mà sao có nhiều mả vậy?
-Không. Nguyễn Xinh trước đây nghèo rớt mồng tơi, nay là đại gia. Anh
ta bỏ tiền ra chịu sửa sang khu này với điều kiện phải ghi tên vợ chồng
anh ta như vậy.
Ông Năm nhớ lại khoảng thời gian 3 năm trước đó, khi ông từ Mỹ về quê
dự hiệp kỵ (đám giỗ chung cho các cụ đã mất, thường cách ba đời kể từ
đời trẻ nhất), ông ngồi cùng bàn với Nguyễn Xinh, người mới giàu, có ô
tô con, có tài xế. Ông là vai chú nhưng Nguyễn Xinh cứ nhìn ông như nhìn
cái cột nhà thờ. Để tránh không khí tẻ nhạt khó chịu, ông nói:
-Anh Xinh đây hả? Mau lớn quá, lại thành công nữa. Tui và ông già anh
thân nhau lắm. Còn nhớ ông ấy khi đi làm rể, vận quần trắng, áo dài
đen, đứng thập thò ngoài cửa, không dám vào…
Ông chưa kịp nói hết câu thì Nguyễn Xinh trừng mắt nhìn ông, đứng dậy
bước ra ngoài. Ông đang ngạc nhiên thì người ngồi bàn kế bên nói:
-Bây giờ Nguyễn Xinh không muốn ai nhắc đến thuở nghèo khổ của gia
đình mình nữa. Cả gia đình anh ta làm nghề đơm đó, nhưng ở đâu anh ta
cũng khoe cha mình làm quan. Nguyễn Xinh thường lấy ví ra đếm tiền, để
người đứng gần thấy hình cha mẹ anh ta lồng trong ví, mặc áo thụng, đầu
bịt khăn. Có người mỉa mai: “Không hiểu đi nơm cá dưới ruộng, dưới lạch
thì làm sao mặc áo thụng được. Ai cũng ở trần, có khi ở truồng. Chắc
Nguyễn Xinh nghĩ đã là quan mà đi cưới vợ chẳng ai đứng thập thò ngoài
cửa. Quan thì thường đường bệ đi vào nhà gái, có người hầu”.
Sáu Lực, một thương binh bộ đội, nói lớn:
-Phải, có khi quan còn bắt mẹ nó làm vợ, hiếp mẹ nó, đẻ nó ra, mặt mày như con C.
Sáu Lực là người bạo mồm bạo miệng trong thôn, khi bất bình và có hơi
men, chửi từ trên xuống dưới, chẳng nể ai. Thôn này nổi tiếng có nhiều
thương binh. Trong số này Sáu Lực là người lành lặn nhất, nội thương
không trầm trọng, còn được nửa bao tử để ăn uống lai rai. Thương binh
còn lại không cụt tay thì cũng què chân. Do đó Sáu Lực rất có giá với
phụ nữ ở đây. Hồi đó phụ nữ sồn sồn dư thừa, không lấy thương binh thì
lấy ai, nhất là thương binh như Sáu Lực. Sáu Lực cưới một cô vợ đẹp nhất
thôn. Nhưng được một năm vợ Sáu Lực thấy chồng mình, ngoài tiêu chuẩn
lương thực và thực phẩm ra, anh ta chẳng có gì khá hơn mấy cái bằng
khen, nên chị đi buôn lậu thuốc Tây. Có tiền chị khinh chồng ra mặt, đâm
đơn ly dị. Ly dị xong chị cặp bồ tùm lum, tài xế quá cảnh (tài xế lái
xe qua biên giới), Việt Kiều, thủy thủ viễn dương…
Sáu Lực chửi Nguyễn Xinh. Hắn nghe nhưng không nói gì, chỉ để bụng,
chờ dịp trả thù. Một hôm dịp đó đã đến. Nguyễn Xinh về làng tuyển mộ
nhân công dọn rác. Anh ta mặc áo có thắc cà-vạt, ngồi sau cái bàn lớn,
kê ngay trước nhà thờ tộc, có bảo vệ mặt đồng phục đứng phía sau. Tuy
chỉ là việc làm vệ sinh như dọn phân, nhặt rác, cắm bản cấm đái ỉa,
nhưng Nguyễn Xinh phỏng vấn kỹ lắm. Anh ta hỏi một người xin việc:
-Trên cơ sở vệ sinh, anh có mang khẩu trang khi thu mua, à thu nhặt phân không?
-Dạ có.
-Trường hợp không có khẩu trang thì sao?
-Dùng tay bụm miệng.
-Trên cơ sở lao động, sản xuất, làm ra của cải vật chất, như vậy là
năng suất làm việc đã mất một nửa rồi. Hồ sơ anh sẽ được triển khai.
Nghe Giám đốc Xinh nói vậy, người xin việc ngơ ngác, không biết mình có được thu nhận không nên hỏi:
-Thưa Giám đốc…
-Xong!-Xinh xua tay bảo người xin việc rời chỗ.
Cho đến 7 người xin việc được phỏng vấn mới đến phiên Sáu Lực. Anh ta
bước lên đứng trước mặt Giám đốc Xinh cười cầu tài, thái độ chẳng
nghiêm túc chút nào cả.
-Tên, họ tuổi, quá trình công tác?-Giám đốc Xinh hỏi.
-Chú biết tui mà còn hỏi…
-Trên cơ sở công việc, tôi là giám đốc, tôi phải làm việc theo quy định.
-À, Nguyễn Lực, 56 tuổi…
-Quá tuổi quy định. Xong!
Sáu Lực quắt mắt nhìn Giám đốc Xinh:
-Đ mẹ! Trong Thông báo thu nhận công nhân, đâu có nói tuổi. Đ mẹ, tao đi bộ đội hồi mày còn giữ trâu. Đ mẹ…
Người bảo vệ đến kéo Sáu Lực ra khỏi sân nhà thờ. Hai bên đấm đá nhau cho đến khi Công an đến can thiệp.
Nguyễn Xinh làm rất nhiều cái “không giống ai”. Khổ nỗi anh ta nay là
người giàu nhất thôn, phần nhiều việc gì trong họ tộc anh ta cũng bỏ
tiền ra, nên mọi người nghe lời anh ta răm rắp, không cần biết đúng sai.
Cái thôn này, từ ngày khai thiên lập địa đến nay, đã nghèo mà cũng
chẳng có ai hay chữ.
Năm 1919, thời vua Khải Định, khoa thi hương cuối cùng, thôn này có
được một Tú tài nhưng lại là “tú rút”, nghĩa là Hội đồng thi lấy quyển
(bài thi) của một số thí sinh để trong hộp rồi chọn một số Tú tài cho đủ
chỉ tiêu bằng cách “rút” bài thi theo hên xui may rủi.
Cái thôn này như vậy nên dân thích “cách mạng”, mong được đổi đời.
Khi bọn người đến một khu nghĩa trang rải rác có những cái gì dưới
đất như miệng giếng xây bằng xi-măng trên đó ghi “Nguyễn Xinh”, ông Năm
hỏi:
-Cái chi vậy?
-Những ngôi mộ vô danh do Nguyễn Xinh trùng tu.
Ông Năm phá ra cười:
-Vậy mà tui tưởng ở đây có mỏ dầu hỏa.
Ra khỏi nghĩa trang tất cả gặp một đám đông trong đó có Sáu Lực. Ai
cũng tay bắt mặt mừng, rồi đưa nhau vào tiệm mì Quảng gần đó. Ở đây có
bán bia. Rượu vào lời ra. Ông Năm hứng chí uống luôn mấy lon bia và mời
mọi người nốc bia lia lịa. Ông Năm nhớ lại bọn người chầu chực ở cổng
nghĩa trang, hỏi Hai Thìn:
-Năm nào cũng ào ào vào nghĩa trang như vậy hả anh Hai?
-Chỉ có năm nay như vậy thôi- Hai Thìn trả lời.
-Sao đã hơn 8 giờ rồi mà họ vẫn án binh bất động.
Sáu Lực nói oang oang:
-Sợ động mả.
-Động mả?
Ông Năm hỏi, thoáng trên mặt hiện ra vẻ sợ hải.
-Chỉ hôm nay thôi. Bà con cô bác cứ nhìn ra phía cổng. Hể thấy đất cát bay mù mịt là…
Nghe Sáu Lực nói, ông Năm hỏi dồn:
-Là gì! Là động mả?
-Không, là hết động mả.
-Nói chi lạ.
Sáu Lực cắt nghĩa:
-Có chi mô! Dân thôn này không trùng tu mồ mả chỉ vì mồ ông bà Hương
Sửu, cha mẹ ông Trần Lâm, bí thư tỉnh ủy, chưa trùng tu. Hai cái mả này
chỉ là hai nấm đất chung quanh có bờ xi măng với 2 lỗ cắm hương, nằm gần
sườn đồi. Người ta lấy làm lạ sao Trần Lâm không trùng tu, mà cứ để sụt
lỡ, bờ xi măng có chỗ chỉ còn mấy cục gạch. Có lần một nông dân đi thăm
ruộng về, ngang qua đó trong lúc đêm hôm, thấy hai con chuột như hai
người tí hon từ dưới mồ chui lên. Anh ta chạy như bị ma đuổi về làng,
miệng la ơi ới: “Ôi chao ôi! Ông bà Hương Sửu”. Anh ta kêu lên rồi lăn
đùng ra giữa đường, nằm như chết.
Việc này tới tai Công an xã, Công an huyện, Công an Tỉnh, rồi tới
Trần Lâm. Ai cũng tưởng chỉ ngày hôm sau thôi, sẽ thấy hai cái lăng
hoành tráng nhất làng, nhưng rồi cho đến nay vẫn là hai nắm đất.
Dân làng bàn tán, thì thầm nguyên cả mấy tháng. Đa số đều cho rằng
Trần Lâm là người cách mạng chân chính, không quan tâm đến thế giới bên
kia, cái thế giới có cha mẹ ông. Do đó ông cũng chẳng quan tâm gì đến
hai nấm mồ. Trần Lâm như thế mới là người để nhân dân noi gương. Nói cho
công bình, thời nay là thời “dân chủ tập trung”, dân chẳng sợ gì Bí thư
Tỉnh ủy đến nỗi không dám trùng tu mồ mả, mà có nguyên nhân như sau.
Quan chức dưới quyền Trần Lâm có nhiều người lo xa, sợ bóng sợ gió. Mồ
mả gia đình lãnh đạo như vậy mà mình trùng tu mồ mả cha mẹ mình cho
hoành tráng thì … hỗn. Họ to nhỏ với nhau, nói này nói nọ, rồi đợi. Dân
cũng bắt chước theo, đợi.
Thật ra Trần Lâm cũng như một số không ít quan chức ngày nay, rất mê
tín, nhất là khi họ đã ăn nên làm ra, cần phải mê tín để…phòng hờ sự cố.
Trần Lâm được “thầy” mách bảo: Phần mộ hai cụ thân sinh táng đúng “long
mạch”, nhưng vẫn chưa “an vị” trong vòng 6 tháng. Để khỏi bị “động” sau
6 tháng mới được trùng tu. Trần Lâm nghĩ “thầy” nói đúng, nhờ hai ngôi
mộ được táng như vậy mà Trần Lâm lên như diều. Trần Lâm nghĩ không việc
gì phải “động” tới cha mẹ mình, cứ để hai cụ nằm yên đó, sau này khi lên
đến tột đỉnh vinh quang rồi xây lăng tẩm cho hai cụ cũng đươc. Bây giờ
mà “động” tới hai cụ, biết đâu Bí thư tỉnh biến thành Bí thư xã.
Đợi mãi cho đến Chủ Nhật vừa rồi, vợ cũ Sáu Lực cho biết tin quan
trọng: Sáng hôm nay Trần Lâm trùng tu phần mộ của hai cụ thân sinh vì
hai cụ “về” đây đã 7 tháng rồi. Dân làng tin vào lời chị nói vì chị là
bạn của Trần Lâm phu nhân, vẫn lui tới nhà ông bà Bí thư như cơm bữa.
Hôm nay mọi người chăm chăm nhìn ra cổng nghĩa trang. Đúng 8 giờ 30
ngoài cổng cát bụi bay mù mịt. Xe chở vật liệu, xe ủi đất lù lù tiến
vào. Sáu Lực chạy ra ngoài bãi cát trống, bụm hai tay vào miệng làm loa
kêu to:
-Hết động mả! Hết động mả!
Bên kia nghĩa trang, về hướng đông, mặt trời vừa nhú lên làm sáng lóa
cả một vùng cát trắng. Từ sau hàng tre từng đoàn người lũ lượt đi như
chạy, tỏa ra các ngôi mộ. Ai cũng tay xách nách mang: cuốc, xẻng, dụng
cụ thợ nề, hương đèn vàng mã. Họ cúng lạy. Chiên trống vang lừng như
Nguyễn Huệ đánh quân Thanh. Sau đó họ bắt đầu công việc đã chờ hơn 7
tháng nay.
Chưa tới 3 ngày nghĩa trang như một thành phố không người với nhà
lầu, nhà trệt, nhà ba gian…Có những “ngôi nhà” như nhà thật, có thể vào
trong đó mắc võng ngủ, ăn nhậu, đánh xì phé … Có những ngôi nhà chứa
“phiên bản” các đồ dùng thường ngày trước đây của người quá cố: Súng AK,
mìn, lựu đạn… Riêng hai ngôi mộ của hai cụ thân sinh ông Bí thư, tuy
không chiếm mặt bằng nhiều sợ dân di nghị là chiếm đất, nhưng “nội
thất”, “ngoại thất” đều được trang hoàng như lăng vua thu nhỏ. Người ta
đã chở mấy thùng chén kiểu về đây đập vỡ ra để gắn vào tường, vào cột.
Đặc biệt nơi trưng bày ảnh hai cụ, một như vua, một như hoàng hậu, cả
hai ngồi nhìn người đi ngang qua, cười trịch thượng, thỏa thuê.
Nói là “Thành phố không người” chỉ đúng lúc đầu thôi. Mấy tuần sau,
không biết nghe ai nói mà vố số đệ tử Cái Bang từ thành phố kéo vào, xâm
chiếm các ngôi mộ lớn có mái che. Có bọn giành nhau, đấm đá nhau túi
bụi. Có mấy tay anh chị trong bọn lại chia nhau cai quản từng khu vực.
Mấy tuần sau nửa có bọn lại chôm đâu được một máy hát karaoke dùng pin,
thi nhau hát vang cả “thành phố”, cách xa mấy cây số cũng nghe.
Bồ Tùng Ma
No comments:
Post a Comment