Saturday, January 12, 2019

Khi Vợ Vắng Nhà - Tràm Cà Mau


Ông Phú đã tám mươi tư tuổi, bị vợ giận vì suốt ngày ngồi ôm máy vi tính. Bà gọi cái máy nầy là “người tình mặt vuông cổ ngắn” của ông. Bà bỏ về tiểu bang Florida thăm cháu ngoại. Bà rủ ông đi, và nói khích rằng, sức mấy mà ông nỡ xa “con vợ bé mặt vuông”. Ông thì không muốn làm phiền anh con rể gốc Mỹ, tôn trọng đời sống riêng tư của hắn. Nếu đi thăm, thì ngụ tại khách sạn, chứ không ở chung nhà. Bà sợ tốn tiền, và cũng muốn được gần gũi, chơi với cháu ngoại nhiều hơn, nên dù ông không chịu, thì bà cũng cứ đi. Ông dọa bà rằng, con rể Mỹ thường có thành kiến, và xem mẹ vợ như chằn tinh. Người Mỹ có cả trăm ngàn chuyện tiếu lâm về bà mẹ vợ. Chuyện ông Adam là người đàn ông hạnh phúc nhất thế gian, vì ông không có một bà mẹ vợ, là một chuyện điển hình.

Bà nói, không cần biết, và cứ nhất định ra đi. Ông mở “internet”, tìm vé máy bay rẻ mua cho bà. Khi đưa bà ra phi trường, ông ôm tạm biệt và định nói rằng: “Hồi này bà không còn thương tôi nữa.” Nhưng tủi thân mà không nói được. Ông thầm thì: “Bà đi bình an nghe, vui nhiều với con cháu”.

Quay về nhà, tự nhiên căn nhà thành hoang vắng, quạnh quẽ. Buồn buồn, ông lật tờ báo, đúng trang có bài thơ “Hạnh Phúc Từng Phút Giây”. Đọc bài thơ xong, ông hết buồn ngay. Ông gật gù đọc lại hai câu thơ:
“Mỗi ngày qua, men hương đời uống cạn
Sống một giờ, vui sáu chục phút vui”
Ông biết rõ, thời gian còn thấy ánh mặt trời chẳng còn bao lâu nữa. Không tội chi mà phí phạm trong u buồn, dằn vặt, khổ đau, vô ích. Ông vừa đi vừa nhún nhảy hát “Tứng từng tưng, tứng từng tưng, tưng từng..” Rồi hân hoan ngồi vào máy vi tính, thư của bạn bè từ năm châu gởi đến cả trăm cái, chan chứa thân tình. Ông thầm cám ơn kỹ thuật tân tiến, đã thu nhỏ không gian của thế giới lại, để dù cho nghìn trùng xa, mà cũng như gần trong gang tấc. Có nhiều thư kèm theo hình các cô gái thân thể hồng hào lồ lộ, không áo quần, ông nhìn mà không có một chút động tâm nào. Con cái nhà ai mà đi phô trương thân thể cho thiên hạ xem thế nầy? Bố mẹ các cô thấy được, thì có bực mình không? Ông bấm bỏ hết các thư đó. Giá như còn trẻ, chắc ông cũng sẽ cất mấy tấm hình nầy lại và chuyển gởi cho bạn bè khác xem. Có phải các cô gái nầy muốn đem ra chia phần cho thiên hạ thưởng thức đường nét mỹ thuật trời dành riêng các cô không?

Ông Phú cười vì nhớ lại lời vợ nói rằng, đàn ông mà không có các bà nấu cho ăn, thì sẽ chết đói ngay. Có phải bà bỏ đi cho ông chết đói chăng? Mỗi lần nghe bà nói, thì ông cười thầm, vì bà đã quên chuyện thời ở tù cải tạo, ông đã từng nấu cơm cho hàng trăm tù nhân ăn. Nấu cho chín nồi cơm to lớn kiểu đó, thì đâu phải dễ dàng?

Buổi tối, ông ngồi nhấp trà nóng khề khà, nhìn ra cửa sổ, ngâm nga vài câu thơ ca tụng mùa đông. Bên ngoài tuyết rơi trắng xoá. Nhạc Chúa giáng sinh vang vang từ xóm giếng vọng lại.
Bỗng cái máu lãng mạn dậy lên trong lòng, làm ông ngất ngây, muốn một mình đi lang thang trong mưa tuyết giữa đêm Chúa giáng sinh. Nếu có vợ ở nhà, thì làm sao ông dám tự do thực hiện được cái ý muốn ngông nghênh nầy. Ông cười sung sướng và nghĩ rằng, vắng vợ, cũng có cái hạnh phúc riêng khác. Ông nghĩ lại mà thương vợ, bà cấm đoán ông nhiều thứ, vì lo lắng cho ông, sợ ông gặp tai nạn bất ngờ, sợ ông mệt. Nhưng bà quá lo lắng, và xem ông như đứa bé con, đôi khi làm ông bực mình.

Ông Phú mặc thêm áo khoác, kéo cao cổ, quàng khăn kín nửa mặt. Ngoài trời hoa tuyết vẫn còn bay lượn nhởn nhơ trong ánh đèn điện mù mờ. Ông cầm cây dù có cán dài làm gậy chống bước ra đường. Ông tự dặn dò, phải cẩn thận, đường trơn tuyết, đừng để té ngã mà vỡ xương chậu thì khốn đốn. Đêm Giáng Sinh, đường vắng, lâu lâu mới có một chiếc xe của kẻ về nhà muộn vụt qua. Nhà nhà kết hoa đèn màu sắc nhấp nháy. Ông Phú bước đi, lòng lâng lâng đầy sảng khoái. Ông vừa đi vừa hát nho nhỏ ca ngợi cuộc đời tử tế, dễ thương. Chỉ còn mình ông đi bộ giữa đường vắng vẻ khuya khoắt hôm nay. Không chừng ba bốn chục năm rồi, ông mới có dịp đi một mình như hôm nay, với tâm trạng hoàn toàn tự do, thảnh thơi nhẹ nhàng.

Đến một đoạn lề hẹp hơi tối tăm, ông thấy một kẻ không nhà, trùm một đống áo quần, ngồi bên chiếc xe đẩy, tuyết rơi phủ trắng cả xe lẫn người. Có lẽ đây một kẻ bị bệnh tâm thần lang thang. Lòng ông cảm thương. Ông còn mái nhà để về đêm nay, còn chén trà ấm áp để thông cổ, còn có chén rượu nhấp, và đói thì còn có thức ăn trong tủ lạnh. Kẻ không nhà nầy ngồi đây, lạnh lẽo, đói, khát, cô đơn, buồn, lo, sợ đủ thứ. Đoạn lề đường khá hẹp. Ông ngần ngại, sợ bị tấn công bất thần. Ông định quay lui, cẩn thận là hơn. Nhưng chân ông vẫn bước tới. Ông sẵn sàng phản công tự vệ bằng cây dù, nếu cần. Ông cố nhớ cho ra một thế võ hữu hiệu để sử dụng trong trường hợp nầy. Sức ông yếu, mà kẻ kia thì mang áo quần dày, có đánh vào người thì cũng như phủi bụi, không hiệu quả. Chỉ có cách đá vào hạ bộ, mà chân ông thì đi còn chưa vững, sức đá e cũng chẳng có là bao. Chỉ còn cái mũi dù là bén nhọn, đâm vào mắt thì ác quá, ông không dám, có lẽ yếu điểm hữu hiệu nhất là quanh yết hầu. Tim ông đập mạnh, tiến từng bước cẩn thận. Ráng làm ra vẻ bình tĩnh, sao cho kẻ kia đừng biết ông đang sợ. Bỗng ông thấy gã khoa tay, ông nhảy lui và chĩa cán dù ra thủ thế, đồng thời la lớn: “Ya..a..a..a” để cướp tinh thần địch thủ khi phát chiêu. Nhưng chân ông không vững, ngã nhào ra mặt tuyết. Ông lanh lẹ lăn hai vòng, nắm ngửa, hai tay giữ vững cán dù và la lớn: “Muốn chết thì đừng đụng vào ta!”. Trong khi đang hoảng hốt ông đã nói sai. Đáng ra là “Muốn sống thì đừng đụng vào ta”, mà ông nói “muốn chết”. Hình như kẻ kia nhỏm người, định rời chỗ ngồi, đến tấn công hoặc để giúp, đỡ ông dậy, mà nghe thế nên ngồi yên. Ông cẩn thận từ từ đứng lên, nói cho to kẻ kia nghe, để hắn sợ: “Lạy Chúa, con đã giết nhiều người quá rồi, đừng bắt con phải giết người thêm nữa.” Gã không nhà bỗng vùng dậy, bỏ chạy và la lớn “Cứu với, cứu với, kẻ giết người” Nghe thế ông cũng hoảng sợ, và quay gấp lại đường cũ, hấp tấp bước. Trống ngực ông đánh thình thình. Ông rẽ vào một ngõ tối, đi vòng qua đường lớn khác. Tiếng nhạc Giáng Sinh du dương vọng từ các căn nhà ven đường, làm lòng ông dịu lại. Ông ân hận đã làm cho gã kia sợ hãi bỏ chạy. Nhìn xuyên qua cửa sổ nhiều nhà, ông thấy thiên hạ đang họp mặt, ăn uống, ngồi quanh nhau, lòng ông vui, vui lây với hạnh phúc của mọi người.

Khi đi ngang qua một nhà thờ, thấy xe đậu đầy trong sân rộng, ông theo chân vài người bước vào bên trong. Không khí ấm áp. Nhà thờ cao, rộng. Ông ngạc nhiên thấy giáo dân toàn cả đầu đen. Vị Linh Mục đang làm Thánh lễ, nói tiếng Việt. Ghế ngồi không còn, nhiều người đứng xếp lớp đằng sau các dãy ghế bên hông. Họ ăn mặc chỉnh tề, đàn ông áo vét, cà vạt, đàn bà áo dài quàng khăn hoặc “còm-lê” màu sậm. Chỉ có ông là nhếch nhác lôi thôi. Nhiều người đứng dậy nhường ghế, ông không chịu, giả vờ đi qua phía khác cho họ yên tâm. Ông nhìn quanh, trai gái, già trẻ, đủ các lứa tuổi. Nhiều thanh niên mặt mày hung bạo, cũng đứng vòng tay trang trọng thành kính. Vị Linh Mục đọc kinh, ông không nghe rõ lắm. Cứ mỗi câu của vị Linh Mục xướng, thì được toàn thể mọi người đồng thanh đáp lại bằng một câu khác. Lời kinh nghe êm êm với âm thanh khi cao khi thấp như hát hò. Ông chỉ hiểu được mơ hồ thôi, nhưng lòng cũng ấm lại. Ông tự nói cho mình nghe: “Phúc thay cho những ngưòi còn có niềm tin tôn giáo”. Thánh lễ vừa trang nghiêm, vừa như trình diễn văn nghệ, đẹp mắt, đoàn thiên thần áo trắng rộng, xếp hàng đi quanh, thanh thoát như bay lượn. Linh Mục chủ lễ cầm cái dây nối với bình trầm lắc lắc đu đưa, có khói mờ lan tỏa. Tiếng đồng ca đong đưa nhẹ bồng “Bình an dưới thế cho người thiện tâm…” Ông thầm cám ơn Trời, vì ông đang được bình an, đời sống không có gì lo âu, chỉ có chút đau ốm bệnh tật, không có gì khó khăn. Còn chống gậy đi được dưới tuyết, còn nghe được lời ca tiếng hát du dương, còn được thấy cảnh vật, bạn bè, bà con. Không có đạo, nhưng ông cũng quỳ xuống làm dấu Thánh giá. Khi đứng lên, ông chóng mặt, muốn ngã nhào, phải đứng thở sâu, nén hơi xuống bụng một lúc, mới lấy lại bình thường.

Đứng xem lễ một hồi mỏi lưng, ông đi thụt lùi, ra khỏi nhà thờ. Đường càng vắng hơn. Cũng có người đi dự lễ đã lui xe ra về. Đi qua một đoạn đèn mờ, ông thấy cặp trai gái đang ôm nhau, hai tấm thân áp sát, hai vòng tay siết chặt. Có lẽ họ cũng đã trên bốn, năm mươi tuổi rồi. Tuổi nầy mà còn lén lút hẹn hò, thì e cũng có điều đáng đánh dấu hỏi. Sao không vào nhà mà ôm nhau lăn lộn, có khoái hơn không? Đâu phải trẻ con mười bốn mười lăm tuổi, sợ bố mẹ cấm đoán, phải thậm thụt nơi góc xó đường vắng? Có ai dám cấm đoán họ yêu nhau trong tuổi nầy? Hay người đàn ông kia đang có vợ? Có lẽ đàn bà thì ít khi trốn chồng ra nơi bụi bờ ái ân với người khác. Ông nhớ lời trong sách viết rằng, ái tình vụng trộm thì mê nồng say đắm, nhưng thường sợ phải công khai lấy nhau.

Đi trọn một vòng lớn, ông về đến nhà thì đồng hồ đã chỉ gần một giờ khuya. Ông nằm ngửa trên ghế nệm, thở dốc. Mệt, nhưng thấy khoan khoái, sung sướng, hạnh phúc. Ông uống một ly rượu cô-nhắc nhỏ, máu trong người chạy rần rần ấm áp. Thay áo quần xong, ông bật đèn, nằm đọc sách, chưa được nửa trang, thì mắt ríu lại, sách rơi và ông đi vào giấc ngủ ngon lành.

Khi gần sáng, ông lăn người vòng tay qua ôm vợ, nhưng vòng tay trống vắng, làm ông giật mình hoảng hốt. Bà đâu rồi? Bà dậy đi đâu? Nhưng ông chợt nhớ bà đang đi xa. Ông thở dài. Một chút buồn len qua trong ông. Nhưng ngay sau đó, ông cười, và tự bảo lòng, khi nào cũng phải vui, hoàn cảnh nào cũng cứ yêu đời. Vợ có ở nhà, cũng vui, mà vợ đi vắng thì cũng cứ vui theo lối khác. Nếu bà ở nhà, mà cứ gắt gỏng, chê bai, than vãn và làm khó ông, thì bà đi vắng, ông mới hưởng được sự yên bình thanh thản. Nghĩ thế mà lòng ông vui, và ngủ lại rất mau, giấc ngủ ngon lành vào lúc bình minh sắp ló dạng.

Buổi sáng, ông Phú tập thể dục theo lối “Thái Cực quyền”, phất tay đủ 1800 cái. Đáng ra phải để tâm rỗng không như sách dạy, nhưng ông chẳng tội chi bỏ phí thì giờ hưởng thụ cuộc đời. Ông vừa tập thể dục, vừa nghe tin tức buổi sáng. Ông quan niệm, thân thể vận động, mà lòng thì vui, hơn là để tâm trống rỗng. Nhờ nghe tin tức, mà ông không bao giờ chán nản bỏ tập. Chỉ có phất tay trong vòng nửa giờ thôi, mà máu vận động, làm ấm nóng toàn thân.

Trước khi tập thể dục, ông đã bắc lên bếp một nồi cháo gạo tẻ, để lửa riu riu cho khỏi sôi trào. Khi tập xong, ông khuấy cháo cho khỏi cháy dưới đáy nồi. Khi ăn sáng, ông mở nhạc du dương êm dịu từ máy vi tính. Ly cà phê lọc áp suất, nước sánh kẹo đặc màu sậm, tỏa hương thơm thoang thoảng trong phòng. Ông bật đèn bàn, cầm cuốn sách lật mau. Nhấp từng ngụm cà-phê nóng, hít sâu đầy phổi, ém hơi xuống bụng, ông tận hưởng cái yên tĩnh của buổi bình minh êm đềm. Ông tự nhủ, đời thật dễ thương. Tuổi già thong dong sung sướng, không phải bận tâm lo sinh kế là một hạnh phúc lớn của nhân sinh. Mỗi khi múc cháo đặc vào tô, ông ngâm nga câu thơ của một người bạn:
“Vợ cũ, chó già, tô cháo nóng
Ba nguồn thân thiết dạt dào thương…”
Ông ăn cháo với cá nục kho khô, mặn, cay. Thịt con cá săn cứng, thân cá cong lại, và xương thì mềm như làm bằng chất bột. Ông húp cháo thành tiếng kêu lớn sột sột, và hít hà vì cay. Cháo béo, vị cá mặn, bùi, thơm, tan trên thớ lưỡi. Ông thường khen cho ông nghe: “Ngon, tuyệt vời. Cao lương mỹ vị cũng không bằng.” Ông nghĩ, đây là cá nục, chứ có cá bống cát kho khô mà với ăn cháo, thì còn tuyệt vời hơn.

Có lẽ khi còn trẻ, mỗi sáng ông ưa ăn tô phở, hủ tiếu, hoặc bún bò, vì cơ thể cần nhiều năng lượng hơn. Bây giờ già, mới biết giá trị tuyệt vời của tô cháo gạo tẻ. Không trách chi, sách chép rằng, nhiều vị vua nhà Nguyễn thích điểm tâm bằng cháo gạo.

Mấy hôm nay, điện thoại cứ reo hoài. Bạn bè, bà con kêu liên miên, làm ông cảm động. Có lẽ họ biết bà đi vắng, sợ ông buồn vì cô đơn. Con ông kêu, anh ông kêu, chị ông kêu, em ông kêu, và cả mấy bà vợ của những ông bạn thân thiết cũng hỏi thăm sức khoẻ hằng ngày. Họ tế nhị không nói ra, nhưng ông biết. Người nào cũng nói chuyện rất lâu. Có người kêu hai ba lần mỗi ngày. Ông ríu rít chuyện trò, muốn tỏ cho họ biết ông cũng đang vui, bình thường. Ông học được cái lạc quan của sách dạy. Hoàn cảnh nào cũng tìm được nguồn vui đơn giản. Không bỏ phí thời gian để vật vã, để buồn thương, tiếc nhớ bất cứ chuyện gì. Trời nắng thì vui theo nắng, mưa thì vui theo mưa. Vợ có nhà, thì vui với hạnh phúc gia đình, vợ vắng nhà, cũng vui theo cách khác, vì được yên bình, không ai cấm đoán việc nầy việc kia, không ai cằn nhằn, không ai làm khó. Có cả trăm chuyện để làm, để tiêu khiển. Trà, rượu, đọc thơ, sách, truyện, nhạc, máy vi tính, múa “Tài Chi”, làm thơ, viết câu đối, nấu ăn… Chỉ sợ không có đủ thì giờ mà thôi. Có người hỏi ông có cảm thấy buồn, cô đơn không. Ông trả lời rằng, “người tình mặt vuông” làm ông bận rộn suốt ngày, cho ông từng niềm vui nho nhỏ, nở ra vô số nụ cười ý nhị, dạy ông học được nhiều điều hay, lạ, bổ ích cho đời sống, cho tính tò mò của ông. Cái máy vi tính, bị cụ bà gán cho cái tên “người yêu mặt vuông” của ông, bà cụ ghen với cái máy nầy. Ông nói với bạn bè, tuổi nầy rồi mà còn được vợ ghen, phải sướng và hãnh diện, vì mình cũng còn có giá lắm chứ, đâu phải là đồ bỏ đi.

Một ông bạn kêu điện thoại và đem đến cho ông bốn hộp thức ăn, có cá kho mặn, thịt heo nước dừa, tôm rim, thịt bò kho. Thêm một hộp dưa chua lớn. Ông Phú định từ chối, nhưng sợ bạn buồn, nên đành nhận, trong lòng cũng áy náy. Ông hỏi sao mà cho nhiều quá thế. Ông bạn bảo cất vào tủ lạnh, mà ăn cả tuần. Tuần sau ông đem đến thêm. Ông giẫy nẩy bảo, đừng đem đến nữa, tủ lạnh đã chật, đựng đầy thức ăn, không còn chỗ chứa. Ông nói thêm, ông thích nấu ăn lấy, cũng có cái vui riêng. Ông bạn cười, bảo ông đừng có khách sáo, vợ vắng nhà, không ai nấu, thì ăn uống bất thường, dễ phát bệnh. Ông ém thức ăn bạn cho vào ngăn đá. Tủ lớn, nhưng cũng đã chật lắm rồi.
Vợ chồng một gia đình đồng hương Việt Nam khác, ở cách ông mấy căn nhà, thấy ông đi về một mình, biết bà đi vắng. Anh chồng nói:
“Bác gái đi vắng, thì mỗi ngày mời bác đến nhà cháu ăn cơm nhé. Nếu bác ngại, thì cho vợ cháu thêm ít đồng tiền chợ, xào nấu nhiều thêm chút chút, cũng không mất công gì. Chứ bác một mình, nấu nướng cũng bất tiện. Nấu nhiều không ai ăn, nấu ít thì cũng khó. Đi ăn bên ngoài vừa đắt, vừa không hợp với vệ sinh sức khỏe”
Ông cám ơn lòng tốt, nói rằng, khi nào thật cần, thì ông sẽ qua ăn chung cho vui.

Đứa cháu ở thành phố xa, cách ông một giờ lái xe, đem đến cho ông bảy cái hộp nhựa, bên trong mỗi hộp đựng ba thứ thức ăn. Vợ chồng hắn bảo, mỗi ngày đem hâm trong lò vi-ba, ăn một hộp với cơm. Nếu ông ăn được, thấy ngon, thì hắn sẽ đem cho ông hằng tuần. Hắn bảo rằng, tội gì mà nấu ăn. Nếu khi nào hết thức ăn, ra chợ Tàu, mua một con vịt quay, một con gà hấp xì dầu, vài cân thịt heo quay, chia ra thành từng gói, bỏ vào ngăn lạnh, ăn dần, cũng đỡ mất thì giờ nấu nướng. Ông cười, hỏi đó có phải là cách nấu ăn của cháu hồi còn độc thân không. Người cháu lắc đầu, bảo hồi đó, anh ăn đồ Mỹ, tiện đâu làm đó cho mau. Ăn hoài cũng thấy quen miệng và cảm được cái ngon. Bây giờ nghĩ đến, không khỏi rùng mình ớn lạnh.

Có kẽ khuyên ông nên ăn cơm tháng trong thời gian bà vắng nhà, nhưng ông nhớ lời một người khác rằng, ăn cơm tháng ngấy lắm, chán đến độ ghét luôn cả anh chàng đưa cơm, cứ thấy y thấp thoáng đâu đó, là trong lòng chán nản giận hờn vô cớ. Nhưng cũng có ông bạn khác, kiếm được nơi nấu cơm tháng quá ngon miệng, không có bột ngọt, không mặn và ít dầu mỡ. Ông nầy cho rằng, hiếm có các bà nội trợ nấu được ngon như vậy.

Bây giờ, ông Phú mới nhận biết, có nhiều bà con, bạn bè thương mến ông, quan tâm đến ông, mà lâu nay ông không biết. Nhưng ông không muốn được ai thương hại. Ông vui sướng thong dong như thế nầy, thì việc chi mà thương hại? Tại sao đàn bà ở một mình, cũng tự nấu ăn, tự lo lắng, tại sao không ai ái ngại cho họ?

Ông thích tự nấu ăn lấy, nấu những món giản dị, mà ngon, vừa miệng. Mỗi khi đi chợ, ông mở máy vi tính, tìm mục nữ công, gia chánh, dạy cách nấu ăn. Ông ghi chú vật liệu cần thiết để nấu các món ông muốn, rồi xem thêm đoạn phim dạy cách nấu, cho ăn chắc. Xem xong, ông lầm thầm: “Dễ ợt. Dễ như húp cháo thánh.” Cầm danh sách ra chợ, nếu không biết mặt hàng, thì ông mon men hỏi mấy bà. Nhờ chỉ giúp, hoặc nhờ lựa giùm cá sao cho tươi, ngon. Được một cụ già như ông hỏi, các bà các cô có dịp làm phước, vồn vã chỉ dẫn. Có bà hỏi:
“Thế thì cụ bà mất rồi sao? Không ai giúp cụ đi chợ? Tội nghiệp chưa!”
Ông cười và nói đùa:
“Không, bà nhà tôi còn khoẻ mạnh lắm. Bà ấy đang bận xem phim bộ.”
Bà kia trợn mắt lên mà than:
“Trời đất!”.
Ông đùa tiếp:
“Phải biết thương vợ chứ. Phim đang đến đoạn hấp dẫn, bỏ đi chợ thì uổng lắm”
Bà kia nói lớn:
“Ông cụ tốt bụng thật. Cái ông xã nhà cháu lười như hủi. Chỉ đáng đem móc mà làm mồi câu cá sấu”
Ông Phú cười và tiếp:
“Ấy, ấy, không nên, đem ông chồng làm mồi câu sấu, uổng lắm. Thời buổi nầy, và tuổi tác đã lớn, kiếm cho ra một thằng lười như hủi cũng không phải dễ đâu nhé”
Bà kia cười và háy ông một cái.
Ông Phú nấu canh chua tôm đúng theo máy vi tính dạy. Nấu nước với cà chua, trái thơm, rau, hành cắt mỏng, giá, ớt, bột nấm, muối, chút đường, nước mắm. Rồi xào sơ tôm với tàu hũ cắt lát, thả vào nồi canh đang sôi. Ông cho thêm một ít nấm bào ngư cắt mỏng. Thế là xong. Dễ dàng. Ông múc canh, lấy một khúc cá hồi nướng, thêm dĩa xà-lách rửa và cắt sẵn, trộn với nước sốt bán trong chai. Bữa ăn ba món, lịch sự rồi. Bây giờ bụng đã đói lắm, thường ông chờ cho thật đói mới ăn. Ông biết, khi đói thì ăn cái gì cũng ngon, nấu dở cũng thành ngon. Ông vừa ăn, vừa lẩm bẩm “Ngon, ngon quá, tuyệt vời”. Ông cảm thấy ngon thật, nhưng ông biết rõ, cái ngon cảm nhận được, phần lớn nhờ bụng đói. Bởi vậy, khi chưa đói, ông chưa ăn.

Hôm nay ông lái xe ra phi trường đón một ông bạn vong niên cũ từ Na-Uy sang Mỹ Quốc thăm viếng. Gọi là bạn, nhưng họ thua ông chừng trên hai mươi tuổi. Nhờ vỏ vẻ làm được năm ba câu thơ con cóc, mà ông được có bạn thơ khắp nơi trên thế giới. Trẻ có, già có, đã là bạn thơ văn, thì tuổi tác nào cũng được. Họ đối xử với nhau rất chân tình, hào sảng, dù chênh lệch tuổi tác. Ở cổng ra, có hai cái màn hình trên cao, chiếu hình người đang sắp ra cửa quan thuế, để kẻ đi đón, nhận được thân nhân. Ông Phú nhìn chăm chăm lên màn hình để tìm bạn. Nhìn lâu mỏi mắt, ông gục đầu ngủ một giấc rất say, tiếng ngáy làm các hành khách ngồi kế cận mỉm cười. Không biết ông ngủ được bao lâu, và giật mình thức giấc dậy vì có ai đó vỗ vai ông. Ông thấy một cụ già, râu bạc phơ dài xuống bụng, tóc trắng như bông, hai hàng lông mày cũng trắng xoá. Ông Phú vội vã chào: “Lạy cụ ạ”
Kẻ đó cười nói lớn:
“Bác không nhận ra cháu sao? Cháu là Trần đây.”
Ông Phú đứng phắt đậy ôm lấy bạn:
“Khỉ nào! Để râu ria dài, đẹp như thế nầy, làm sao mà ai nhận ra được”
Hai ông cùng cười vang. Ông Phú đưa bạn ra về. Đến nhà, ông bạn hỏi bà đi đâu. Ông Phú cười nói:
“Bà ấy mê thằng cháu ngoại quá, nên bỏ nhà đi theo nó. Thằng nhỏ kháu lắm, mới đầy năm mà đã biết đủ mọi thứ chuyện. Cái thứ con lại, thông minh lanh lẹ lắm. Thằng ôn dịch, cướp vợ của ông ngoại nó”
Ông bạn có vẻ ái ngại hỏi:
“Thế thì ai nấu cơm cho Bác mỗi ngày?”
Ông Phú đáp lớn:
“Tôi nấu chứ ai. Tôi có thể biết cách nấu cả trăm món. Nấu ngon không thua gì đầu bếp nhà hàng. Nấu đúng công thức, và chế biến làm cho đậm đà, hợp với khẩu vị mình hơn. Hôm nay, chúng ta ăn cá hấp tương gừng với nấm tươi, canh tôm cải bẹ xanh, và rau xà lách trộn. Đủ chưa? Bảo đảm, ăn không ngon thì cho anh nọc tôi xuống mà đánh mười hèo”.

Ông bạn cười, nhìn ông Phú với con mắt nghi ngờ. Ông Phú cứ từ từ hâm thức ăn đã nấu sẵn, thong thả dọn ra bàn, phải để ông bạn đói meo, mới cho ăn. Khi ngồi vào bàn, ông bạn ăn ào ào vì đói. Ông khen:
“Không ngờ bác nấu ngon như thế nầy, mấy bà nội trợ chắc cũng chào thua. Bác mà mở tiệm thì mau giàu lắm đó.”
Ông Phú cười:
“Tôi đánh cá, bây giờ đem cơm nguội canh ôi ra cho anh, anh cũng thấy ngon miệng. Bí quyết nấu ăn ngon, là để cho khách đói cho đắng miệng ra, rồi mới cho ăn, thì ăn gì cũng khen ngon.”
Ông bạn vội vã cãi:
“Cá hấp tương gừng ngon quá trời, tôi chưa khi nào được ăn cá hấp ngon như thế nầy”
Ông Phú gõ cái muỗng vào dĩa, và nói:
“Có thể, vì nhờ mua được cá tươi và ngon. Vào siêu thị, cứ thấy thịt, cá với giá trên trời, thì thế nào đó cũng là thức ngon. Thiên hạ họ không ngu đâu. Mình ăn ít, nên mua các thức ăn thượng hạng mà dùng, đừng ham mua đồ rẻ”

Buổi sáng, ông Phú dậy sớm, loay hoay nấu cháo chay đã khách. Nấu theo máy vi tính dạy. Ông không bỏ bột ngọt, vì không có, và cũng sợ độc không dám ăn. Nấu xong, ông nếm thử. Ông lầm thầm than: “Dở ẹc” Có lẽ vì cháo chay, mà thiếu bột ngọt, nên lạt lẽo. Ông lục tủ lạnh, thấy cục xúp bò mà Tây gọi là “Bui-dông” (bouillon), ông thả vào nồi cháo, khuấy đều, rồi nếm thử nữa. Ông rùng vai, vì cháo nầy còn dở tệ hơn nữa. Ông mở tủ lạnh, thấy mấy cây cải xanh, lấy cắt ngắn, thả vào nồi, hy vọng nước cải ra làm ngọt cháo. Nhưng không ngờ, cháo càng tệ hơn, đã dở, mà còn có mùi hăng hăng. Thôi kệ nó. Ráng căng họng ra mà nuốt. Nếu không thì đổ đi, cũng không sao.

Ông Phú pha sẵn cà phê, trà, và mời bạn ra ăn điểm tâm. Ông cười và nói:
“Sáng nay ăn tạm ‘cháo ẹc’ nhá. Đáng ra mình ăn bò kho với bánh mì thì hâm mau hơn”.
“Cháo là quý rồi. Tôi vẫn thích ăn cháo xưa nay. Lại cháo chay. Hết sẩy. Bác tài tình. Chay mặn chi cũng nấu được”
Thấy ông bạn ăn cháo với dáng điệu khổ sở, chậm chạp, phải nhắm mắt, nhăn mặt mới nuốt trôi muỗng cháo. Ông Phú nín cười. Ông bạn cúi đầu, hỏi nho nhỏ:
“Hình như bác gọi cháo nầy là cháo ẹc?”
“Đúng, cháo ẹc”
“Sao lại có tên là cháo ẹc”
Ông Phú cười xòa, nói lớn:
“Vì cháo dở ẹc, nên gọi là cháo ẹc”
Ông bạn cười to sung sướng, nói:
“Thú thật với Bác, tôi nuốt không xuống. Xin Bác tha cho tôi. Tôi xin nhận lỗi bất lịch sự”.
“Tôi cũng không nuốt trôi cháo nầy. Thôi bỏ đi. Tôi chiên cho mỗi người hai quả trứng, ăn với bánh mì giòn, và phô-ma. Sách dạy nấu ăn, đôi khi cũng sai. Có tôi lần nấu xôi thập cẩm, mà thành cháo hổ lốn, đổ đi thì sợ tội của trời, ăn cho hết, thì như bị phạt cực hình.”

Hai người vừa ăn xong, thì ông San, một bạn cũ thân thiết, từ thành phố lân cận ghé lại thăm, vì được tin ông Trần mới từ Na-Uy sang chơi. Ông Phú đốt lò sưởi bằng củi, lửa cháy tí tách, tro tàn bay bay trong lò. Ông nhóm thêm một lư trầm nho nhỏ cho thơm. Dọn rượu ngọt, trà thơm, và vài thức ăn khô. Ba người bạn ngồi quanh lò sưởi râm ran hàn huyên chuyện cũ. Nhạc hòa tấu êm dịu đong đưa. Bên ngoài tuyết vẫn xuống đều.

Khi cao hứng, ông bạn từ Na-Uy tằng hắng, rồi ngâm bài thơ mới nhất của ông. Giọng trầm, ấm, ngôn từ bí hiểm. Ông Phú không khoái bài thơ lắm, nhưng cũng khen cho bạn vui lòng, vì ông nhớ lại câu “Thượng Đế cũng còn ưa nịnh nữa, huống chi người thế gian”. Sau một hồi nói chuyện thơ văn, ba người quay qua đề tài cuộc sống, gia đình. Ông San nói:
“Bây giờ về già, các bà vợ không còn thương chồng nồng thắm như xưa nữa. Họ thương con, thương cháu hơn thương chồng. Và khi có chuyện bất bình, thì cũng khó làm hòa hơn xưa. Hồi chưa già yếu, mỗi lần chồng làm gì sai trái, để các bà hờn dỗi, thì cứ kéo các bà vào phòng, đương nhiên là bà chống cự lại. Đôi khi giả vờ chống cự cho có lệ, có khi chống cự thật, nhưng chỉ cần tăng sức kéo bằng một lực cực-tiểu ép-si-lon thôi, là đủ. Tiếp đó, cá nước vui vầy. Sau khi ra khỏi giường, là hết giận hờn, hết trách móc, và không khí gia đình êm ấm, hòa thuận, vui ngay, rồi sẽ được các bà nấu cho thức ăn ngon lành, béo bổ nữa. Bây giờ già cả, không đủ sức ẵm các bà, mà có đưa được vào phòng nữa, cũng không làm ăn chi được, chỉ tổ làm các bà cáu thêm, giận thêm.”
Ông Phú lắc đầu cười:
“Làm hòa theo kiểu đó, thì cứ bị các bà vợ giận hờn dài dài, mỗi ngày giận hai ba lần, chịu chi cho thấu?”
Cả ba ông già cùng cười với nhau. Ông bạn từ Na-Uy nói:
“Tôi nghiệm, bác San nói có lý. Vợ chồng già, thường thiếu chuyện đó, nên cũng bớt xuề xoà dễ dãi với nhau. Một người bạn tôi nói rằng, ông nào để cho bà vợ biết rõ là hết khả năng sinh lý, thì cái tình nó cũng lạt đi nhiều lắm. Các bà cứ bỏ nhà đi thăm con cháu hoài, không còn thiết tha với ông chồng nữa.”
Ông Phú lắc đầu:
“Làm như các bà vợ già ngu lắm sao? Mấy bà biết tỏng tình trạng sinh lý yếu kém của các ông, có khi cả năm chưa làm gì. Giấu sao nổi? Vả lại, các bà cũng đã qua khỏi thời hăng tiết rồi, không còn muốn cái chuyện nhớp nháp đó nữa. Vợ chồng già, thì cái nghĩa, cái thương, nặng hơn cái tình.”
“Tôi đồng ý với bác, các bà không cần chuyện đó nữa, và cũng biết tỏng tình trạng sinh lý của ông chồng. Nhưng nếu ông chưa thú nhận tình trạng bi đát đó, thì “bí mật” cũng còn trong vòng nghi vấn, chưa chắc. Nên chưa có tình trạng thờ ơ, lạnh nhạt. Tuy các bà không cần, và không còn đòi hỏi sinh lý nữa, nhưng tận cùng trong tiềm thức, che giấu dưới lớp dày của đạo đức, của thành kiến, của xã hội, tuổi tác, vẫn là ám ảnh sinh lý nó kéo dài, dư âm từ thời mới dậy thì còn sót lại, không hoàn toàn xóa bỏ được”.

Rót thêm một ly rượu, uống cạn, ông bạn từ Na Uy tiếp lời:
“Không cần nói đâu xa, kinh nghiệm bản thân tôi đây. Vợ chồng tôi khắng khít nhau, đêm nào thiếu tôi, bà không ngủ được, dù chuyện gần gũi vợ chồng đã hết từ lâu. Nhưng kể từ hôm tôi ngu dại tiết lộ cho bà ấy biết, tôi không “làm ăn” chi được nữa, bà ấy nói là không cần, không quan trọng, thế mà rồi tình trạng đổi khác ngay. Tôi có thể cảm được cái lạt lẽo của vợ đối với tôi. Vòng tay ôm không còn thắm thiết như xưa, nụ hôn không nồng nàn như cũ. Ngay chính trong thâm tâm, bà cũng không biết cái thay đổi đó. Cái ấy tự nhiên nó đến, vì không còn lực hấp lực bí mật của kẻ khác giống tính nữa. Trời sinh ra tự nhiên, con cái, con đực, hấp dẫn nhau. Mà cái hạt nhân của sự hấp dẫn, là tình dục được che rất kín, giấu rất kỹ. Thế rồi sau đó, bà ấy thường hay đi thăm con cháu hơn, ở lại với cháu dài ngày, không lý gì đến tôi nữa. Vậy, các ông già, đừng nên bao giờ thú thật với vợ, tình trạng sinh lý bất lực của mình.”

Ông Phú vuốt cằm trầm ngâm:
“Điều anh nói, có đáng tin cậy không?”
“Lấy lý trí mà xét, thì có vẻ vô lý. Nhưng đó là sự thực. Bác thử xem, bà hàng xóm đối xử với bác, có lịch sự và tử tế hơn là đối với bác gái không? Tuy bà ấy không hề có tí ti tình ý gì với bác, mà nếu bác có tình ý với bà, thì không chừng bà ấy còn nổi giận lên, tuyệt giao. Ngay bản thân bác, có đối xử lịch sự, tử tế hơn với các bà hơn là các ông không? Mà bác đâu có toan tính chinh phục bà già nào đâu? Không lỗi tại ai, không có chi xấu. Tại ông trời bày ra thế, cho muôn loài, muôn vật khỏi bị tuyệt chủng.”
Ông Phú thở dài, nghiệm ra lời nói của ông bạn cũng không phải hoàn toàn vô lý. Ông cũng từng lỡ cho vợ biết tình trạng sinh lý của ông, và từ đó, bà cũng hay đi thăm cháu ngoại ở miền xa.

Đêm đã về khuya, ông Sơn cáo từ ra về. Ngoài trời tuyết còn rơi. Ông Phú khẩn khoản mời ông Sơn ngủ lại, vì không nên lái xe trong mưa tuyết giữa đêm hôm tối tăm. Vả lại, đời dễ chi còn có đêm vui như thế nầy của ba ông bạn già, mà không bị các bà vợ giám sát. Ông Sơn nhất định về, lý do là không nơi nào dễ chịu và êm ấm bằng cái giường nhà mình.

Ông bạn thơ từ Na Uy ở lại chơi ba ngày, ông Phú dạy cho cách nấu những món ngon, nấu dễ, mau chóng. Hôm đầu, thì ông bạn vừa học, vừa thực tập. Hai hôm sau ông Phú nằm xem truyền hình, giao cái bếp lại cho ông khách phưong xa thực hành việc nấu nướng. Ông nầy hăng hái và hớn hở nói:

“Kỳ nầy về nhà, tôi sẽ trổ tài nấu nướng cho bà vợ tôi lé mắt chơi.”
Hôm nào bà vợ ông Phú cũng kêu điện thoại về hỏi thăm, rằng ông có khỏe không? Có buồn không? Có nhớ bà không? Hôm nay ông ăn gì? Có ngủ đưọc không? Khi nào ông cũng trả lời tích cực cho bà vui. Về mục ăn gì, thì ông khai nào là gà bát bửu, vịt nướng chao, cá hấp tương gừng, sườn cừu nướng than, bò chiên lúc lắc, lẩu thập cẩm, gà ác hầm thuốc bắc… Toàn là những món ngon trong các tiệm lớn. Ông nói, ăn ngon lắm, ngon hơn cả các tiệm trứ danh. Bà hỏi ai dạy cho ông nấu? Ông trả lời là “Người Tình Mặt Vuông Cổ Ngắn”, bà tình nhân nầy uyên bác, thông thạo, biết gần hết chuyện trên thế gian. Bà vợ ông nổi cơn ghen lên, dằn điện thoại xuống cái rụp.

Có hôm làm biếng, ông ăn miếng bánh mì Mc Donald. Gặp lúc bà vợ kêu điện thoại về hỏi ông ăn gì hôm nay. Ông trả lời là đang ăn bánh canh tôm thịt.
Hôm nay ông đón tiếp vợ chồng người bạn từ Hawaii về đất liền chơi. Trước khi đón bạn, ông đã lái xe qua thành phố lân cận mua sẵn các thức ăn cất vào thùng đá lạnh: Phở, hủ tiếu, bún bò, bò kho, vịt quay, heo quay, bánh ướt, bánh hỏi, bánh lá, bánh bột lọc. Ông mua thức ăn đủ cho mười ngày, định dành thì giờ đi chơi, thăm phong cảnh địa phương.

Ông bạn nầy cũng là một người thích thơ phú, chuyên làm thơ đường luật. Khi bàn về thơ văn hiện đại, ông bạn nói:
“Bây giờ, người ta làm thơ lung tung lắm. Nào là thơ mới, thơ tự do, thơ tân hình thức, đủ thứ… Muốn được gọi là thơ chính thống, thì phải là thơ Đường Luật, có niêm, có vận, có đối, có ý, có tình. Trong tám câu thôi, mà bao gồm hết toàn diện. Không dư, không thiếu. Bọn trẻ bây giờ, viết văn xuôi rồi ngắt câu, xuống hàng, không vần, không điệu, cũng cứ gán ép cho là thơ. Ngay cả thơ lục bát, cũng chưa biết được căn bản quan trọng, là chữ thứ hai, khi nào cũng phải vần bằng. Ai cũng có thể tự xưng mình là thi sĩ cả. Chán mớ đời.”
Ông Phú cũng không rành về thơ lắm, không muốn bàn luận, chỉ đưa câu hỏi:
“Thế thì thơ của các thi sĩ hiện đại như, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận, Phùng Quán,… không phải là thơ sao? Còn thơ lục bát, anh nói chữ thứ hai phải là vần bằng, tôi không biết luật ấy ai đặt ra, và viết ở đâu. Nhưng có lẽ cụ Nguyễn Du cũng không biết luật ấy, nên viết sai luật như câu ‘Mai cốt cách, tuyết tình thần” và “Khi tựa gối khi cúi đầu. Chín khúc, khi chau đôi mày”
Ông bạn đỏ mặt, gân cổ nổi lên, nói lớn:
“Tôi nói là thơ chính thống, thơ thực sự, chứ không phải viết thế nào cũng gọi là thơ được. Anh tưởng anh giỏi lắm sao? Anh khinh tôi không thông thái bằng anh chắc”
Thấy thái độ hùng hổ vô lý của bạn, ông Phú hốt hoảng:
“Thôi, thôi, tôi đâu biết chi nhiều về thơ văn đâu, chỉ nêu câu thắc mắc nhỏ. Tôi xin rút lại câu hỏi đó.Và nếu anh có hiểu lầm mà buồn tôi, thì tôi thành thật xin lỗi. Chuyện thơ văn, là chuyện nhỏ, chuyện tào lao, khi trà dư tửu hậu, đừng để hiểu lầm buồn nhau, uổng lắm.”
Ông bạn đưa tay chặt chặt giữa không khí, và gằn giọng giận hờn:
“Tôi không hiểu lầm. Anh xin lỗi là xúc phạm đến tôi, xúc phạm nặng nề.”
Rồi ông bạn nói thêm nhiều câu giận dỗi khó nghe khác. Mặt thì hầm hầm như đang muốn gây gổ làm lớn chuyện. Ông Phú dằn lòng, hít vào đầy phổi, chuyển khí sâu xuống bụng, tự bảo trong lòng: “Nhịn, nhẫn nhịn, đừng giận, đừng nói gì cả, hoà nhã tối đa. Bạn từ xa đến chơi, đừng làm mất lòng nhau. Tình bạn cũ, nếu không vun bồi thêm được, thì đừng làm vơi đi.” Ông ngồi yên.
Sau một hồi to tiếng, mà không ai cãi lại, ông bạn bỏ vào phòng nằm, trùm chăn, và tuyên bố tối nay không ăn.

Ông Phú thở dài. Có lẽ bạn đã già nên đổi tính thành trẻ con lại rồi. Ông thầm nghĩ, có lẽ ông cũng đã thành trẻ con từ lâu, mà ông không tự biết. Có thế bà vợ mới chán, bỏ ông đi thăm cháu ngoại. Ông Phú xuống bếp, hâm bún bò, làm ba tô lớn. Bỏ rau cắt nhỏ, bắp chuối thái mỏng, hành lát, rau răm, thơm, và múc nước cùng thịt heo, thịt bò vào tô. Lấy khăn ăn và dọn lên bàn. Ông hé phòng mời bạn ra ăn nhiều lần, ông bạn gắt: “Đã bảo không ăn mà”.
Bà vợ ông bạn vào dỗ dành hơn mười lăm phút, ông mới ra ngồi vào bàn, mặt còn nặng nề, không vui. Đang ăn, bà vợ bạn nói:
“Bún bò bên nầy lạ ghê, chỉ có thịt, nước, và rau thôi, không có bún. Chắc đây là lối ăn sáng tạo mới.”

Ông Phú giật mình, chạy vào bếp, thấy rổ bún đang nằm trên chạn. Thì ra, vì thấy tô đã đầy vun, ông tưởng đã có bún rồi. Ông mang bún ra, cả ba người cùng cười. Bây giờ mới thấy nụ cười trên môi ông bạn, làm ông Phú yên tâm.
Sáng hôm sau, ông bạn nhất định đòi đi, không chịu ở lại một tuần như đã dự định. Ông Phú cầm chân mãi, mà không được. Ông nói, thức ăn đã mua sẵn cho một tuần, các người không ở lại, thì ai ăn cho hết?

Tiễn vợ chồng bạn ra khỏi nhà, ông quay vào, vừa buồn, vừa mừng. Bạn bỏ đi thì buồn, nhưng mừng vì khỏi phải chịu đựng cái chướng ách, kỳ cục của bạn. Ông nghĩ, biết đâu, chính ông cũng chướng kỳ, mà ông không hề biết.
Ông Phú gọi điện thoại ngay cho bà vợ, nói với bà cái điều mà truớc đây ông không muốn để bà biết:
“Thôi, bà về đi, tôi nhớ bà lắm rồi. Tôi có làm gì cho bà buồn, thì bỏ qua nghe, tôi xin lỗi một vạn lần”.
Bên kia đường dây, tiếng bà vợ ông cũng ướt mềm, như nói trong nước mắt:
“Tôi cũng nhớ ông lắm. Nhiều hôm ngủ không được. Tôi sẽ về chuyến bay sớm nhất, ông nhớ đón tôi tại phi trường nhé!”

Ông Phú nghe lòng khoan khoái, mở nhạc êm dịu, nằm trên ghế trên bành và nhớ đến lời ông bạn từ Na Uy rằng: “Vợ chồng già, phải thương yêu nhau nhiều hơn, tử tế với nhau hơn, nhường nhịn nhau, dịu dàng với nhau hơn, để bù đắp vào cái thiếu tình dục mà trời đã lấy đi.”
Ông chìm vào giấc ngủ an bình và chờ điện thoại reo để biết giờ đi đón vợ.

Tràm Cà Mau

No comments:

Post a Comment