Nhờ nhạc phẩm “Ave Maria”, tên tuổi của nhà soạn nhạc người Áo Franz
Schubert được cả thế giới biết đến. Tuyệt tác của ông đã được dịch ra nhiều
thứ tiếng. Nhiều danh ca nhờ bài thánh ca này mà được nổi danh ở tầm mức
quốc tế. Thật tuyệt vời khi thấy Đức Trinh nữ Maria được ca tụng tôn vinh
qua bài ca này. Từ những đại nhạc hội hàng ngàn hàng vạn thính giả, đến
những nghệ sĩ violon hát rong ngoài đường phố, tất cả đều ca lên lời chào Đức
Trinh nữ Maria: Mẹ đầy ơn phúc. Từ những tín hữu đạo đức đến những người
vô tín ngưỡng, tất cả đều chăm chú cảm nhận những lời ca và âm điệu ngọt ngào của
bài thánh ca để tôn vinh Mẹ Chúa Trời.
Ave Maria là lời chào của thiên sứ Gabrien khi đến gặp Đức Mẹ trong ngày truyền tin. Thiên sứ từ trời cao, xuống trần để gặp một phụ nữ khiêm hạ. Ave Maria vừa là lời chào, vừa là lời mời gọi hãy vui lên vì “Đức Chúa ở cùng Bà.” Qua lời chào kính trọng ấy, thiên sứ tỏ bày sự cung kính trước người phụ nữ được Chúa chọn làm thân mẫu của Ngôi Lời nhập thể. Khi muốn cứu chuộc con người, Thiên Chúa mời gọi sự cộng tác của một người phụ nữ. Ngài đã chọn Đức Trinh nữ Maria như một “điểm đỗ” để Con của Ngài giáng trần. Thánh Luca đã diễn tả cuộc gặp gỡ kỳ diệu ấy, là một cuộc gặp gỡ giữa trời với đất, giữa Thiên Chúa cao cả và con người phàm trần. Trinh nữ Maria đã thưa lời “Xin vâng” để mở lòng đón nhận Ngôi Lời nhập thể. Với lời thưa “Xin vâng” của Mẹ, Con Thiên Chúa đã đến thế gian, khởi đầu công cuộc cứu độ loài người.
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, trước hết là lời kinh ca
ngợi. Chúng ta hợp lời với sứ thần chào kính và ca tụng thiên chức cao cả
của Đức Mẹ. Mẹ là người được Thiên Chúa chọn lựa trong muôn người, để làm
ngai tòa cho Đấng Cứu thế ngự khi đến trần gian, mặc lấy thân phận con người.
Lời Mẹ nói tiên tri về chính mình nay đã được thực hiện: “Từ nay, hết mọi đời,
sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 2,48). Qua cuộc đời của Mẹ, chúng ta ca tụng
quyền năng vô biên của Thiên Chúa, đã thực hiện những việc lạ lùng. Mẹ được
tôn vinh làm Nữ Vương trời đất, cùng với Đức Giêsu là Vua Vũ trụ để chúc phúc
cho muôn loài.
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, đó là lời kinh của niềm
phó thác cậy trông. Khi lần hạt Mân Côi, chúng ta xin Đức Mẹ cầu bầu cho
chúng ta được những ơn lành phần hồn phần xác, nhất là được ơn trung thành như
Đức Mẹ. Lời kinh thấm nhập mỗi con tim, diễn tả tâm tư trìu mến của chúng
ta dành cho Mẹ. Lời kinh đem lại sự ngọt ngào mỗi khi chúng ta âu sầu đau
khổ; đem lại hy vọng mỗi khi chúng ta gặp khó khăn thất bại; đem lại niềm vui mỗi
khi chúng ta buồn bã; đem lại sức mạnh mỗi khi chúng ta yếu đuối; đem lại sự đỡ
nâng mỗi khi chúng ta có nguy cơ gục ngã trên đường đời. “Thánh Maria Đức
Mẹ Chúa Trời”, đó là lời cầu nguyện của Giáo Hội, cũng là lời cầu nguyện của mỗi
con tim, xin Đức Mẹ bầu cử cho chúng ta đang còn bước đi trong cuộc sống dương
gian đầy gian nan thử thách. “Kinh Mân côi không những kéo ơn trên trời
xuống cho tội nhân, khiến họ mau mắn về với Mẹ, nhưng còn làm cho họ đứng vững
trên con đường sùng kính mến yêu Mẹ. Nơi nào đông người chuyên chăm lần hạt,
nơi ấy giáo hữu tiến nhanh trên đường thánh thiện, trái lại nơi nào thờ ơ, giáo
hữu sẽ lâm vào tình trạng hư hỏng” (Thánh Grignion de Monfort).
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, đó là lời kinh của tâm
tình hiếu thảo chúng ta dâng lên Mẹ Thiên Chúa. Có người thắc mắc tại sao
phải lặp đi lặp lại nhiều lần kinh Kính mừng khi lần hạt Mân Côi. Điều đó
thật dễ hiểu! Người con hiếu thảo nào cũng muốn nói ngàn lần lời yêu
thương với cha mẹ mình mà vẫn chưa đủ. Ngôn ngữ diễn tả tình yêu giống
như dòng sông tuôn chảy mãi không dừng, cũng thế, những lời chào kính Đức Mẹ dù
có lặp đi lặp lại là bằng chứng của tình mến chúng ta dành cho Đức Mẹ.
Kinh Mân Côi sẽ giúp khơi nguồn dòng chảy yêu thương từ nơi Đức Mẹ đến với
chúng ta.
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, mỗi lời kinh là một bước
đường đời dẫn ta đến gần Chúa hơn, và giúp chúng ta nên giống Chúa. Bởi lẽ
kinh Kính mừng được đọc trong tâm tình suy niệm, chiêm ngắm những mầu nhiệm của
cuộc đời Chúa Cứu thế, từ ngày Truyền tin cho đến khi Người sống lại và lên trời
vinh quang. Mỗi bước đường của chúng ta đều có Đức Mẹ đồng hành. Mỗi
lối đi dương thế đều có Chúa dẫn đưa. Đó là giá trị của Kinh Mân Côi.
Kinh Mân Côi là hình thức cầu nguyện được chính Đức Mẹ khuyến
khích. Quả vậy, khi hiện ra ở Lộ Đức cũng như ở Fatima, Đức Mẹ đã cùng lần
hạt với các thị nhân, trong tình thân thương trìu mến. Vì thế, tượng Đức
Mẹ được trình bày tại hai nơi thánh địa này đều có cỗ tràng hạt nơi tay của Đức
Mẹ. “Hãy siêng năng lần hạt”, đó còn là lệnh truyền của Đức Mẹ khi hiện
ra với ba trẻ chăn chiên ở Fatima năm 1917.
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, ước chi lời kinh này luôn
vang lên nơi môi miệng chúng ta, từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời, nhờ đó,
chúng ta luôn được Đức Mẹ phù hộ độ trì. Nhờ Mẹ và qua Mẹ, chúng ta sẽ gặp
Đức Giêsu, và đạt được sự sống đời đời.
ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên
No comments:
Post a Comment