Đây là cảnh “Mưa buồn chung cư” tôi đã chụp ngay hôm đó gửi cho bạn bè
Thật nực cười mỗi khi các quan gặp “sự cố” hay việc quá
tầm tay, vượt quá sự hiểu biết của mình trở nên khó ăn khó nói, khó giải
thích với người dân bèn nghĩ ra một kiểu chơi chữ mới. Cơn mưa quá lớn
ngày 26/9 vượt xa thiết kế hệ thống thoát nước của TP Sài Gòn (nay gọi
là TP HCM). Theo Trung tâm Chống ngập nguyên nhân chính dẫn đến tình
trạng ngập lụt như trên là do trận mưa chiều ngày 26/9 là trận “mưa cực
đoan”.
Lần đầu tôi mới được nghe cái kiểu mưa ấy. Ngồi nghĩ mãi
không ra mưa cực đoan là thế nào. Chữ nghĩa VN đâu có thiếu. Nào mưa
rào, mưa xuân, mưa thu, mưa phùn, mưa bụi, mưa ngâu, mưa đền cây, mưa
lâm râm, mưa rả rích, mưa tí tách… không biết rồi đây cứ mỗi mùa mưa Sài
Gòn sẽ còn có bao nhiêu kiểu mưa nữa. Có thể là mưa lang thang, mưa đột
xuất, mưa đầu đường, mưa xó chợ cho đến khi làm sập mấy cái chung cư
như chung cư tôi đang ở sẽ có thứ mưa đổ chung cư.
Mưa mù trời tại Sài Gòn
Bữa đó vào buổi chiều, tôi đang nằm dài coi phim trên TV.
Bỗng thấy lạnh và nghe gió rít mạnh tôi mới bật dậy nhìn qua cửa sổ. Mưa
gió làm tôi nổi hứng lấy cái Iphone chụp hình cái chung cư của tôi gửi
cho bạn bè, tôi gọi là “tác phẩm mưa buồn chung cư”. Ôi, cái đầu óc của
tôi vẫn chỉ là anh ngồi gõ bàn phím tưởng chuyện gì cũng nên thơ. Tôi ở
lầu 1 nên cứ thản nhiên nhìn mưa tơi tả chẳng ảnh hưởng gì tới tôi và
nhà hàng xóm.
Nhưng chỉ một lát sau xem báo qua internet mới thấy cảnh
hãi hùng của những người dân đang lặn lội ngoài đường cách nhà tôi không
quá 100m.
Chuyện càng trở nên gay cấn thêm khi tất cả các phương tiện thông tin ở VN đều đưa tin chi tiết và hàng ngàn hình ảnh vể nỗi khốn khổ của người dân Sài Gòn và Hà Nội trong cơn mưa này. Điều đáng nói là người ta đi tìm nguyên nhân tại sao năm nào cũng lụt từ năm này qua năm khác… Chính quyền ở đâu? Con số mấy chục ngàn tỉ của các dự án chống ngập đi đâu rồi mà sao ngập vẫn hoàn ngập?
Vậy 20.000 tỷ đã giải ngân chống ngập đi đâu? Chả nhẽ nó cũng bị cuốn trôi theo dòng nước hay vào túi các quan?
Đi tìm nguyên nhân mới biết các quan ngày nay thua các cụ thời xa xưa.
Từ trận lụt lịch sử năm 2008 tại Hà Nội, ông Lê Doãn Hợp –
Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam – nêu một thực tế “ngược đời”:
Phố cũ, phố cổ không ngập; trong khi hầu hết các khu phố mới đều ngập và
ngập dài ngày…
Trận lụt lịch sử năm 2008 tại Hà Nội, chúng ta nên rút ra 3 bài học:
Một là: Phố cổ không ngập, chứng minh cha ông mình tuyệt vời.
Hai là: Phố cũ không ngập chứng tỏ người Pháp cũng đáng để ta học tập.
Ba là: Hầu hết các khu phố mới đều ngập và ngập dài ngày,
khi các cơ quan chuyên môn của chúng ta hiện nay đông hơn, bằng cấp cao
hơn so với cha ông, là một thực tế đáng suy ngẫm.
Đó mới chỉ là ba điều ông Chủ tịch Hội Truyền thông số
Việt Nam tìm ra. Cái “thực tế đáng suy ngẫm” chỉ là cách nói “né đòn”
của ông này thôi. Ông không dám nói thẳng ra là các quan nhà ta ngày nay
dốt, bằng cấp đi mua, làm quan do bè cánh họ hàng kéo nhau vào làm đủ
thứ dù mù tịt về chuyên môn. Cụ thể như thông tin ông Triệu Tài Vinh, Bí
thư Tỉnh ủy Hà Giang, có vợ, em trai, em gái và một số người thân được
cất nhắc, nắm giữ một số vị trí lãnh đạo cơ quan, ban – ngành tại tỉnh
Hà Giang.
Bà Phạm Thị Hà, vợ ông Vinh, đang giữ chức Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang.
Ba em trai ông Vinh cũng được bố trí làm lãnh đạo gồm: ông
Triệu Tài Phong, Bí thư huyện ủy Quang Bình; ông Triệu Sơn An, Phó Chủ
tịch UBND huyện Hoàng Su Phì; ông Triệu Tài Tân, Phó Giám đốc Sở Bưu
chính – Viễn thông.
Em gái ông Vinh là bà Triệu Thị Giang cũng đang giữ chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Mạc Văn Cường, em rể ông Vinh, làm Phó Giám đốc Công an TP Hà Giang…
Ngoài ra, còn một số chức danh lãnh đạo khác là anh em họ hàng với ông Vinh.
Ngày 17-9, trao đổi với báo chí, ông Triệu Tài Vinh
thừa nhận một số mối quan hệ của ông với lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị
của tỉnh là chính xác. Tuy nhiên, ông Vinh khẳng định việc bổ nhiệm các
chức vụ nêu trên đều tuân thủ đúng quy định của Đảng, nhà nước.
Lại cái bùa “đúng quy trình” được mang ra làm bình
phong. Nếu ông không là Bí thư Tỉnh ủy thì cái sự “đúng quy trình” ném
vào sọt rác. Ông là Bí thư nên chỉ cần một cái gật là đàn em giơ tay
đồng ý hết. Thằng nào không giơ tay thì biết tay ông ngay.
Đó chính là nguyên nhân gây ra mọi thứ “tiêu cực”, ngu
dốt, bất lực của các cơ quan nhà nước làm “tê liệt”, “rối loạn”, tắc
nghẽn”, “bất lực”… trong các trận mưa “lịch sử” của Hà Nội và TP. HCM
trong bao nhiêu năm qua.
Một địa danh mới
Năm nay lại vừa xuất hiện một địa danh mới đang lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội: Sông Hà Lội, biển Sài Ùm.
Cái tên Hà Lội đã có lâu rồi. Những bài ca thật và ca
tếu Hà Nội, nơi “chưa mưa đã ngập” từng được gọi là Hà “Lội”, cái miền
đất nhiều lần đi vào thơ ca, nhạc họa với bài ca dao đời mới :
“Ai về Hà Nội mùa mưa – Nhớ rằng không được quên mua bản
đồ – Bản đồ chỗ lội, chỗ khô – Chỗ nào dùng đến ca nô, tàu thuyền – Chỗ
nào nước cống duềnh lên – Chỗ nào rác rưởi phủ trên mặt đường…”.
Hà “Lội” trong nhạc phẩm “Hà Nội mùa vắng những cơn
mưa” của nhạc sĩ Trương Quý Hải được biến tấu “Hà Lội mùa này phố cũng
như sông”… đã chính thức mất ngôi vào chiều 26-9, khi một cơn mưa
“khủng” trút xuống làm người dân cả thành phố nhao nhác. Thế nên Sài Gòn
được gọi là “Sài Gòn ùm” có nghĩa là dân Sài Gòn nhảy “ùm” xuống đường
tắm và bắt cá. Thậm chí nhạc sĩ dạy bơi ở phòng khách và y tá bắt lươn
trong bệnh viện.
* Nhạc sĩ Đông Duy dạy bơi ở Phòng Khách
Tối 26/9, cơn mưa lớn đã làm nước tràn vào nhà nhạc sĩ
Đông Duy (quận Thủ Đức, TP HCM). Nhân dịp này anh tự quay một đoạn video
vui, dạy mọi người các kiểu bơi ếch, bơi bướm, bơi sải… ngay trong
phòng khách.
Nước tràn vào phòng khách, nhạc sĩ Đông Duy cởi áo dạy bơi.
Sau hai ngày đoạn video được nhạc sĩ chia sẻ lên Facebook cá nhân đã thu
hút gần 2 triệu lượt xem, hơn 37.000 người thích và 25.000 lượt chia
sẻ.
Các y tá bệnh viện vui cười khi bắt được một con lươn.
Tại bệnh viện Trưng Vương (quận
10) nước ngập qua mắt cá chân người lớn, các nhân viên y tá đã cầm túi,
vui cười đi bắt lươn bơi vào khu nhà. Sau khi được chia sẻ lên mạng xã
hội, video này lập tức đã gây chú ý cộng đồng. (Chuyện hoàn toàn có thật
(mời bạn xem ảnh ).
Khôi hài hơn, anh NQC cho biết: Tôi chỉ còn 2 bộ đồ nhưng cũng đã ướt và phải ở truồng!
Khôi hài hơn là anh N.Q.C (36 tuổi, làm nghề thợ hồ) trùm
chiếc mềm màu đỏ cho biết, trận mưa vào chiều 26/9 gây ngập, gần như
toàn bộ quần áo của anh bị nước cuốn trôi. “Tôi chỉ còn 2 bộ đồ nhưng
cũng đã ướt và phải ở truồng. Khi có người vào nhà phải lấy mềm trùm lên
người cho đỡ ngại”.
8 nguyên nhân khác khiến cả nước lụt
Thật ra gần như cả nước từ Cần Thơ cho đến Đà Lạt,
Huế, Vinh, mưa to đều thành sông, thành biển, nguyên nhân do đâu? Tôi
xin tóm tắt 8 những nguyên nhân căn bản đó:
1. Thoát nước tự nhiên: Xem bản đồ Hà Nội xưa và Sài Gòn xưa, các bạn có thấy gì không? Thành Hà Nội xưa hồ là hồ, hồ ở khắp mọi nơi.
Thành Sài Gòn thì hệ thống kênh rạch chằng chịt, đó chính
là nơi điều tiết nước mưa, là nơi chứa nước khi mưa, làm mát không khí
thành phố dịu mát và thoát nước khi mưa lớn.
Bây giờ quay về Hà Nội mà tìm được hồ mới lạ: hồ lớn
thì còn tí xíu, hồ nhỏ thì sau một thời gian đổ rác lấp, nay nhà đã mọc
san sát.
Kênh rạch ở Sài Gòn cũng vậy, dân sống ở trên, xả rác
xuống, lại lấn chiếm nữa, thế là hết, thế thì phải ngập thôi. Sài Gòn
xây Khu đô thị ở quận 7 cũng lấp bao nhiêu kênh rạch, thay bằng ống cống
nhỏ xíu.
2. Đô thị hóa: Sân bay Tân Sơn Nhất trước 1975 diện tích 3.600 hecta, gấp 3 lần sân bay Changi ngày nay.
Bên trong khu đỗ sân bay Tân Sơn Nhất mênh mông nước
Nay toàn bộ vùng đất dự phòng mở rộng xung quanh sân bay
đã bị đô thị hóa: đường Hồ Văn Huê, Bạch Đằng, Trường Sơn, Phổ Quang,
Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám v.v… trước kia đều là doanh trại quân đội nay
nhà cửa mọc lên, hệ thống thoát nước bị bóp cổ, sân bay phải ngập thôi,
còn xây sân golf trong sân, nay chỉ còn 1.500 ha, thế thì sao không
ngập.
3. Bê tông hóa: thành phố không còn chỗ nào thoát nước nữa, nhà bê tông, đường bê tông, vỉa hè bê tông, vỉa hè đá hoa cương.
4. Cây xanh: Hà Nội, Sài Gòn xưa đi trên máy bay nhìn xuống cứ tưởng công viên, không thấy nhà cửa đường xá đâu (toàn cây). Bản thân cây xanh giữ nước, rễ cây cũng giữ nước, đất dưới cây xanh thoát nước; chặt hết cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi để thay vào đó là những cây bằng cái que thì phải chịu thôi.
5. Mưa: Sài Gòn diện tích 2.000 km2, tôi chỉ lấy khu trung tâm 225 km2 thôi, nếu mưa 10 cm xuống diện tích đó, thì tức là đã có 225.000.000 (vâng 225 triệu) mét khối nước đổ xuống, tức là 225 triệu tấn nước đổ xuống (tương đương thủy điện Sông Bung vừa rồi vỡ cửa đập!!!), mà mưa hôm 26/9 là 20 cm – gấp đôi số trên.
6. Cao độ công trình: Các thành phố lớn chưa quyết được cao độ là bao nhiêu thì chịu được bão và triều cường cấp 3, mạnh ai nấy làm, công trình sau cao hơn công trình trước thì sẽ đổ về nơi thấp hơn.
7. Nước ngầm: Các nhà máy bia, nước ngọt, nước khoáng, sắt thép, dệt may, da giày tiêu thụ hàng tỷ mét khối nước ngầm, thế thì mỗi năm Hà Nội Sài Gòn phải lún. Mỗi năm lún 2 cm, một nhiệm kỳ 10 cm, nhưng vài nhiệm kỳ là sải tay rồi!
8. Một vấn đề cũng nóng bỏng: Đó là thủy điện, mỗi khi khánh thành thủy điện ta thường nói, đã trị thủy được sông…, từ nay vùng… sẽ không còn thiếu nước, vì mưa lũ thì sẽ giữ nước lại ở thủy điện, mùa khô sẽ cấp nước. Trong khi thực tế, thủy điện mưa là xả lũ, vỡ đập, mùa khô hồ chứa nước dưới mức nước chết, đó là chưa kể đôi lúc còn thay đổi dòng chảy của nước.
Đó là 8 lý do các quan chức VN “tài tình, sáng tạo” đã
làm nên Hà Lội và Sài Gòn thành sông khi mùa mưa tới. Biết đến bao giờ
hay không bao giờ thay đổi được đây. Chắc chắn không thể thay đổi trừ
khi xóa sổ hết nhà cửa lập một thành phố khác.
Lúc đó Sài Gòn chết và Hà Nội cũng tiêu luôn. Tội của các quan lớn lắm còn lưu tuyền mãi trong lịch sử dân tộc.
Văn Quang
No comments:
Post a Comment