Trong một thời gian rất ngắn, có ít nhất hai vụ kết án và bắt giữ công dân Việt đã diễn ra. Cả hai vụ đều thiếu sự công minh và thiếu cả tư cách của một quốc gia có luật pháp về quyền con người.
Hai người phụ nữ lớn tuổi, tiểu thương ở Đồng Nai, bị kết án 11 năm tù vì đã viết biểu ngữ và kêu gọi chống luật đặc khu vào năm 2018. Chị Vũ Thị Dung, một trong hai người, bị bắt cóc khi đi đám cưới của bạn. Và cả chị Dung lẫn chị Nguyễn Thị Ngọc Sương đều không được yêu cầu luật sư hay gặp mặt gia đình trong một thời gian dài, cho đến khi họ chuẩn bị ra tòa. Thậm chí, ra trước phiên tòa giả hình ấy, người nhà của hai phụ nữ ấy cũng không được vào dự.
Gần hơn là vụ bắt giữ công dân Nguyễn Vượng ở Lâm Đồng. Cả trăm công an rầm rộ bao vây nhà của anh, bắt đi, lục soát căng thẳng – mà theo mô tả thì không khí còn nghiêm trọng hơn cả vụ vây bắt 4 người Trung Quốc làm và tàng trữ 13 tấn ma túy ở Gia Lai. Nguyễn Vượng chỉ dùng công cụ livestream của facebook để bày tỏ chính kiến của mình, bày tỏ sự dứt khoát với chủ nghĩa cộng sản. Dù quan điểm chính trị riêng của Nguyễn Vượng được bảo vệ bằng Hiến pháp Việt Nam, nhưng tiếc là ở đất nước mà chúng ta đang sinh tồn, Hiến pháp thuộc về nhân dân, đành thúc thủ trước bạo cường và man rợ thuộc về nhà cầm quyền.
Hiến pháp Việt Nam vẫn ghi rằng bất đồng chính kiến với chủ nghĩa cộng sản là quyền, chứ không phải là tội.
Rất nhiều những chuyện quái gở như vậy đã xảy ra tại Việt Nam, đến
mức dần trở thành chuyện bình thường. Và bình thường đến mức bị nhạt
nhòa trước mắt của đám đông. Đoàn Thị Hồng, bà mẹ có con nhỏ dưới 36
tháng tuổi vẫn bị công an bắt cóc và phớt lờ lời chất vấn từ phía luật
sư. Những vụ điều tra dài ngày kèm thêm sự khủng bố tinh thần nhiều hình
thức trong trại tạm giam để buộc nhận tội như trường hợp anh Lưu Văn
Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ… đều là những vết nhơ của đời sống có luật pháp,
nhưng lại không được nhiều sự chia sẻ, không được nhiều người dám cùng
lên tiếng kêu đòi công lý cho họ. Sợ hãi và thủ phận vẫn còn là một màn
sương dày đặc, không cho con người nhìn thấy nhau, không cho phẩm giá
và lẽ phải của con người được trỗi dậy.
Nhưng đám đông người Việt lại vẫn luôn truyền tai nhau một cách hớn hở về những thông tin Hoa Kỳ thương chiến với Trung Quốc, ra những đạo luật về vấn đề Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông… như một phép cứu cánh tinh thần. Nhưng đã đến lúc mọi người cần phải nói với nhau tỉnh giấc, thoát khỏi giấc mơ chờ sung rụng.
Sẽ chẳng có tổng thống Trump nào, hay sự tan rã nào của Trung Quốc sẽ
tự nhiên đem lại dân chủ và nhân quyền cho người Việt Nam cả.
Chỉ vỗ tay và hy vọng thì không đủ. Một nước Việt Nam cần những con
người cùng nhau thực sự hành động để đi đến những sự thay đổi mang tính
hiện thực. Sẽ chẳng có trái sung ngon ngọt nào rơi vào cái miệng sợ hãi
và há to chờ thời mang tên Việt Nam.
Bài tập đầu tiên cho những đổi thay, là từ ngay bây giờ, mỗi con người cần quan tâm hơn và lên tiếng về việc vì sao người dân Việt đang rên xiết với đất đai bị cướp bóc, vì sao những người tù nhân lương tâm đang bị đối xử hà khắc và oan ức từng ngày, vì sao luật pháp đang bị chà đạp bởi những kẻ đang cầm nắm quyền lực…
Hãy tự hỏi mình, bạn đã tìm thấy sự phẫn nộ trước sự bất công đang
chà đạp đồng bào chưa? Bạn đã bao lần quay mặt để được yên phận mình mà
không ray rứt trước nỗi đau của người cùng màu da, tiếng nói?
Đừng tự so sánh với Hồng Kông, đừng lo sợ tương lai Việt Nam sẽ như Tây Tạng…nếu chỉ là chờ đợi thụ động. Nếu có một thể chế mới ngẫu nhiên xảy đến, đất nước này nhiều khả năng sẽ lại bị cầm nắm bởi bọn cơ hội, hèn nhát và vô lương tâm mà thôi. Bởi nuôi dưỡng hèn nhát, chúng ta sẽ nhận lại hèn nhát. Nuôi dưỡng sự ích kỷ, chúng sẽ là nạn nhân của ích kỷ.
Tôi viết những dòng này, bởi có không ít người Việt hôm nay thích
chọn làm khán giả thông minh trước thời cuộc hoặc đóng vai tiên tri đại
ngôn sáng thế, né tránh thực tế đầy nước mắt, máu và oan khiên của đồng
bào mình. Đừng quên bất kỳ sự thay đổi nào trong lịch sử, khán giả vô
tâm hay tiên tri đại ngôn rồi chỉ lộ hình là kẻ ăn bám và đánh cược với
thời đại. Bạn không thấy dân tộc này đã mang nặng và đủ đau về những kẻ
như vậy sao?
Tuấn Khanh's Blog
No comments:
Post a Comment