Trời ạ! tôi “xạo” vậy mà vợ cũng tin… Thật là tội nghiệp. Nhưng  cha con tôi còn đáng tội nghiệp hơn, vì nếu vợ còn tiếp tục làm bạn với cọ, với sơn thì cả nhà sẽ tiếp tục được nuôi  sống bằng mì gói, pizza, sandwich.

Từ ngày gác cọ, vợ lại quay sang ôm cái radio suốt ngày để nghe chương trình phát thanh Việt Nam. Nhưng tiết mục vợ ghiền nhất là chương trình nhạc yêu cầu. Mỗi ngày, cứ bốn giờ chiều, từ hãng trở về, bước chân vào nhà là tôi lại nghe giọng vợ ong ỏng trên điện thoại “Cho tôi yêu cầu nhạc phẩm… để tặng chị bạn tên…”. Lắm lúc không giấu được sự bực bội khi nhìn cái bếp lạnh tanh, tôi cằn nhằn:

– Nhà thiếu giống gì băng nhạc mà em phải yêu cầu.

Vợ chu mỏ giải thích:

– Thời buổi này ai mà chẳng có băng nhạc đầy nhà, nhưng vui ở chỗ tuy không ngồi cạnh nhau, nhưng nhờ tặng qua, tặng lại mà mình biết bạn bè cũng đang nghe nhạc với mình.

– Hứ! mất thì giờ lãng nhách.

Vợ đứng lên ngoe nguẩy:

– Ðúng là người không biết giao thiệp.

Tôi lên giọng mai mỉa:

– Ai mà chẳng biết em giỏi về cái khoa giao thiệp rộng.

– Biết vậy thì ráng mà học hỏi người ta.

Nhìn thấy vợ mở tủ lạnh, lấy rau, lấy thịt ra chuẩn bị nấu nướng, tôi liền êm giọng nịnh nọt, vì cái bao tử đang rột rẹt kêu nài:

– Ừ! chắc mai mốt anh phải theo em “học nghề” mới được.

Chẳng cần đợi lâu, ngày hôm sau… vừa bước vào nhà, ngồi xuống cởi giày, vợ đã lôi tôi ngồi xuống ghế, giọng hớn hở:

– Nghe nè! nghe nè.

Một giọng nói quen thuộc phát ra từ radio:

– Bài hát này tôi xin tặng anh chị Sô, chúc anh chị một buổi chiều vui vẻ, hạnh phúc.

Trong lúc nhạc được phát đi, vợ thì thầm vào tai tôi:

– Em chọn bài hát rồi, anh gọi lên đài tặng lại anh chị Thinh nhe.

Tôi trợn mắt:

– Chi cho phiền vậy?

– Phiền cái gì, người ta tặng mình thì mình phải tặng lại. Ðây là một hình thức giao thiệp. Anh muốn “học nghề” của em thì phải bắt đầu từ chỗ này. Nghe chưa?

“Nghe chưa?”.  Sao y như má tôi thường lên giọng dạy dỗ khi tôi còn bé. Tôi ngồi yên mà trong lòng ấm ức. Ít phút sau, vợ nhét vào tay tôi mảnh giấy, ra lệnh tôi đọc nguyên văn những gì vợ đã ghi. Tôi nhìn vợ, đầu gật gù với nụ cười nửa miệng. Sau khi tôi giới thiệu tên và bản nhạc muốn yêu cầu, cô xướng ngôn viên cất giọng trong trẻo:

– Anh có muốn gửi tặng bài hát này cho người thân hay bạn bè nào không?

Sau khi nhìn theo ngón tay của vợ đang di chuyển trên hàng chữ viết sẵn, tôi ngẩng đầu nhìn lên trần nhà, giả giọng chân quê:

– Tui yêu cầu để nghe mình ên chớ hổng tặng ai hết.

Tiếng cười khúc khích vang lên từ máy thu thanh:

– Anh vui tính ghê.  Chúc anh nghe nhạc vui vẻ nhé.

Vui thế nào được khi mắt vợ long lanh lửa, bàn tay móng đỏ chói chang xé toang mảnh giấy nhỏ xíu. Tôi hả hê cúi xuống, xách giày đi thẳng vào phòng tắm, dù biết rằng chiều nay mình bị đói meo vì  “thợ nấu” chắc chắn sẽ đình công, để treo mỏ anh chồng không biết thế nào là lễ độ đối với vợ.

Trong lúc tôi đang tính kế để đối đầu với cuộc chiến tranh lạnh sẽ xảy ra thì vợ gõ cửa phòng tắm, giọng “khẩn trương”:

– Anh ơi! thằng Ray đang ở thư viện, năm giờ anh nhớ đón nó. Em đi công chuyện, chút nữa sẽ mua thức ăn đem về cho ba cha con.

Hả? Tôi đang tỉnh hay mơ? Có thể nào… tôi chẳng những không bị chì chiết mà lại còn được ăn ngon. Chuyện khó tin… nên không biết có thật hay không. Tôi thấp thỏm chờ đợi suốt hai tiếng đồng hồ dài lê thê. Cuối cùng bài toán khó đã được giải đáp.

– Anh nhớ vợ chồng chị Thu Ân không?

Miếng cánh gà chiên nước mắm thơm ngậy chưa kịp đưa lên miệng tôi phải vội vàng buông xuống, ra vẻ chăm chú nghe.

– Nhớ chứ… nhưng lâu lắm mình không gặp.

– Bởi vậy, lúc nghe chị Ân gọi điện thoại em ngạc nhiên vô cùng. Và càng ngạc nhiên hơn khi chị vừa khóc, vừa nói muốn gặp em gấp, vì ngoài em ra, không ai có thể giúp được chị. Biết chuyện quan trọng nên em không dám chần chờ.

Tôi nhâm nhi món ăn khoái khẩu với nụ cười đồng tình. Thì ra, nhờ cú điện thoại đúng lúc của chị Thu Ân mà tôi đã thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Ha! Ha!!! còn ai hiểu vợ hơn tôi. Khi được bốc lên tận mây xanh, vợ sẵn sàng làm tất cả mọi chuyện để chứng tỏ những lời được khen tặng rất đúng, dù cái đúng đó chưa đến năm mươi phần trăm.

– Anh biết chuyện gì đã xảy ra không?

– Chuyện gì vậy em?

– Chồng chị Thu Ân có nhân tình. Chị quá đau khổ chỉ muốn chết mà thôi. Nhưng em nói, nếu có chết thì trước khi chết chị cũng phải trừng trị anh chồng cho đích đáng.

Tôi hớp một ngụm bia – ân huệ vợ ban cho:

– Trừng trị bằng cách nào?

– Ly dị!… cái thứ đàn ông phản trắc đó làm sao có thể sống chung được nữa. Nhưng nếu đã ly dị thì cũng phải làm cho ra lẽ. Làm sao cho “nó” không cất đầu lên nổi. Làm sao cho “nó” thân bại danh liệt. Làm sao cho “nó” bước ra khỏi nhà chỉ có cái quần xà lỏn mà thôi.

Vẻ hùng hổ của vợ làm tôi có cảm tưởng “nó” chính là tôi.

– Chi mà ác vậy em?

– Chưa hết đâu, em còn đề nghị chị  Ân đăng lên báo để “nó” ê mặt với những người từng quen biết và nể trọng “nó”.

– Ác quá em à!

Vợ nghiến răng:

– Chưa đủ ác đâu anh. Em sẽ còn nhiều chiêu ngoạn mục nữa, nếu người đó là anh.

Tôi nghe xương sống mình lạnh toát. Nhưng chưa lạnh bằng lúc  chồng chị Thu Ân hét như muốn đập vỡ cái điện thoại:

– Anh Sô!… sao anh có vợ mà không biết dạy, để chị ta phá gia cang người khác. Vợ tôi đã có tính đa nghi bệnh hoạn mà vợ anh còn đổ thêm dầu vào lửa. Tôi đã thâu được tất cả những lời của vợ anh nói qua điện thoại. Nếu vợ anh còn tiếp tục xúi giục vợ tôi làm điều xằng bậy, gây thiệt hại cho danh dự và hạnh phúc gia đình tôi, tôi sẽ đưa chị ta ra tòa. Còn anh.. lo mà dạy dỗ vợ đi. Tôi cảnh cáo vợ chồng anh đó.

Dù là người vô can, tôi vẫn muốn nói lời xin lỗi. Nhưng chưa kịp mở miệng thì anh đã dập máy một cách giận dữ. Như thế có nghĩa là tôi cũng chưa kịp nói với anh, trong nhà này, tôi là người bị dạy dỗ chứ làm gì được quyền dạy dỗ ai. Tối đến, tôi kể lại nguyên văn những lời hằn học của chồng chị Thu Ân. Vợ không sợ còn vênh mặt tự đắc:

– Như vậy là cái chiêu của em đã làm cho “hắn” rúng động.

Tôi xuống giọng năn nỉ:

– Thôi em ơi, đừng làm quân sư quạt mo nữa, coi chừng có ngày mang họa.

– Bộ anh tưởng ai cũng có thể làm quân sư được sao. Tại anh cứ xem thường em, chứ từ hồi đi học tới giờ, bạn bè em, đứa nào gặp chuyện buồn phiền, rắc rối đều tâm sự với em để nhờ giúp ý kiến.

– Nói thật… anh thấy ý kiến của em lạ hơn mọi người. Trong khi những người khác luôn khuyên can nên “chín bỏ làm mười“ thì em lại chủ trương phải đánh lớn, đánh mạnh, đánh cho đá nát vàng phai.

– Cái kiểu anh nói là xưa rồi. Bây giờ thời đại nào mà người phụ nữ phải nhẫn nhục, cam chịu, lại còn cúi đầu phục tùng, hầu hạ chồng như thời bà nội, bà ngoại của mình. Nè! chiều nay Hải Minh gọi em cho biết, nó có ý định ra một tờ báo và ngỏ ý mời em cộng tác. Anh chờ mà xem tài nghệ của em. Em sẽ thổi một luồng gió mới vào tờ báo qua mục “gỡ rối tơ lòng”.

Hy vọng đây chỉ là tin vịt, chứ nếu không…tờ báo nào đó chưa thấy ngày sinh nhưng tôi đã đoán được ngày tử của nó.

o O o

Ước gì tôi biết độn thổ để có thể biến mất sau khi nghe vợ hí hửng đọc bốn câu thơ mới sáng tác trong lúc ngắm nghía tôi đang chén thù, chén tạc với bạn.

Xin anh đừng uống rượu

Vì khi anh uống rượu

Tóc tai anh dựng đứng

Mặt mũi anh đỏ lè…

Một trận cười nắc nẻ vang lên, vợ hứng chí khoe khoang:

– Từ hổm tới nay em làm được hai mươi bài thơ rồi. Bữa nào em tổ chức một đêm thơ ở vườn hồng nhà em, mời các anh chị đến tham dự để nghe em đọc thơ…

Tiếng vỗ tay lại vang lên đôm đốp, vợ thích chí cười toe toét nhưng không để ý đến những cái nháy mắt đầy vẻ chế giễu của một vài người.

Vợ mê làm thơ không thua gì lúc mê vẽ, cha con tôi lại phải ăn “cao lương mì vị” đều đều. Vì, có khi đang nấu nướng, vợ phải dẹp nồi niêu, xoong chảo qua một bên, khi hồn thơ lai láng bất chợt trỗi dậy. Khổ nỗi, nếu như đánh đổi bữa cơm ngon, để được thưởng thức một bài thơ tuyệt vời thì tôi cũng vui lòng. Ðằng này, chữ đi đằng chữ, vần đi đằng vần. Khi tôi hỏi “Ủa! thơ gì mà vần điệu kỳ cục vầy nè”, thì liền bị  “nàng thơ” mắng mỏ “Làm thơ mà cứ theo kiểu bằng bằng, trắc trắc, bằng bằng trắc là xưa rồi. Thơ của em là thơ tự do, phóng khoáng. Anh chưa đủ trình độ để thưởng thức đâu, nên có nghe thì cũng như vịt nghe sấm thôi”. Tôi còn nói gì được nữa khi bị xếp vào loại thiếu trình độ.

Có lần tôi hỏi vợ:

– Em đã đọc truyện ngắn “Tình không đẹp như thơ ” của nhà văn  Nguyễn Thị Thanh Dương chưa?

– Nguyễn Thị Thanh… Dương… cái tên quen quen. Ồ! có phải  cô nhà văn có cặp mắt liếc sắc lẻm mà lúc trước anh hay nói, nhìn thấy là nhớ ngay bài hát “hồn lỡ sa vào đôi mắt em” đó không?

– Ư…ừ… nhưng điều anh muốn hỏi là em có đọc…?

Tôi chưa dứt lời vợ đã nghiêm nghị chất vấn:

– Chắc người xưa của anh có đôi mắt giống cô Thanh Dương này, nên anh khen hoài phải không?

– Ðừng kiếm chuyện lãng xẹt. Anh muốn đọc cho em nghe một câu văn trong truyện ngắn của cô ấy “Mấy đứa làm thơ toàn là mấy đứa dở hơi, sống trên mây”…

Lần này, tôi cũng chưa dứt lời, vợ đã thút thít:

– Anh đang xiên xỏ em đó phải không? Vợ người ta làm gì cũng được chồng ủng hộ. Còn anh… lúc nào cũng muốn ém nhẹm tài năng của em. Hu hu!!!  Có ai vô phúc như tôi không này?

– Em hiểu lầm ý anh rồi! anh định nói… cô nhà văn này, xưa nay viết rất hay, nhưng lần này thì…  “dở ẹt”.

– Anh đừng có ngụy biện, đừng có xỏ lá.

Vợ đứng lên vùng vằng bỏ đi sau khi ném cho tôi cái liếc mắt sắc hơn dao.

Ông bà ta thường bảo, nồi nào úp vung nấy, nhưng ông tơ bà nguyệt ơi! ngày se tơ, kết tóc cho vợ chồng tôi, chắc ông bà đang say say, xỉn xỉn, nên nồi, vung lệch lạc cho đời tôi nhiều khi… cười ra nước mắt.

NB

(Trích tuyển tập “Như Cánh Lá Mong Manh”)

Nguồn: baotreonline.com