Được biết từ vài chục năm qua tại quê nhà phong trào nuôi cá, nuôi tôm để xuất cảng đã nở rộ lên khắp các tỉnh miền Nam, mà đặc biệt nhứt là tại Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ...Cá tôm bị nhiễm chất cấm là điều làm nhiều người ở trong nước cũng như ở hải ngoại rất lo ngại, nhưng rồi mọi người cũng quên đi và vẫn tiếp tục…ăn như thường.
Đồng bào Việt Nam sống tại hải ngoại vẫn thỉnh thoảng có nghe nói
đến vấn đề thủy sản nhập từ Việt Nam có khi bị nhiễm kháng sinh
hoặc hóa chất cấm. Nào là tôm bị nhiễm kháng sinh Chloramphenicol, cá
basa và cá tra bị nhiễm Fluoroquinolone, v.v… Thường nhất là vụ cá tra
(Sutchi catfish, Pangasius hypothalmus) và cá basa (yellowtail catfish,
Pangasius bocourti) bị nhiễm chất Malachite Green.
Tại Hoa Kỳ, vấn đề cá basa Việt Nam nhập cảng đang gây nhiều sóng
gió vì đụng phải quyền lợi của ngành nuôi cá catfish của Mỹ. Dưới
áp lực của kỹ nghệ catfish, năm 2002, chánh phủ Hoa Kỳ không cho phép
cá basa Việt Nam được gọi là catfish và đến năm 2009, cá tra Việt nam
được họ đặt thêm tên mới là Swai.
* * *
Đọc báo bên nhà
"PNO - Trong số 30 mẫu cá không rõ nguồn gốc được Cục quản lý
chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản lấy kiểm nghiệm, có 13% mẫu bị
phát hiện nhiễm kháng sinh và hóa chất bị cấm tại Việt Nam và thế
giới.
…Malachite Green là hóa chất được sử dụng để diệt vi khuẩn, nấm mốc
ngoài da. NitroFurans là một loại kháng sinh trị bệnh hiện đang sử
dụng cả cho người. Với những thực phẩm nhiễm hóa chất này, ngoài
chuyện tích tụ trong cơ thể người gây ra các bệnh nan y còn có thể
khiến cơ thể bị nhờn, kháng thuốc khi điều trị một số bệnh…"
(Ngưng trích Huyền Anh-Báo Phụ Nữ- 13% mẫu cá nhiễm chất cấm- 08
/07/2013)
"Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông
lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), thời gian vừa qua, nhiều lô hàng thủy
sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn liên tục bị cơ quan thẩm quyền ở
nhiều nước nhập khẩu cảnh báo không bảo đảm ATTP…
Tại Canada, số liệu của CFIA cho thấy tình hình nhiễm dư lượng
Fluoroquinolones trong các lô hàng thủy sản nuôi có nguồn gốc từ Việt
Nam, từ năm 2009 đến nay không có sự cải thiện. Theo đó, kết quả kiểm
tra dư lượng Fluoroquinolones đối với lô hàng thủy sản nhập khẩu do
CFIA thực hiện trong 3 năm qua cho thấy tỉ lệ đáp ứng yêu cầu của
Việt Nam ở mức rất thấp so với các nước khác (tỉ lệ đáp ứng của
Việt Nam trong các năm 2009 - 2010, 2010 - 2011 và 2011 - 2012 chỉ là
72,88%, 59,68% và 64,04%, thấp hơn nhiều so với con số 95%, 96,3% và
95,7% của các nước khác xuất khẩu thủy sản vào Canada). Riêng trong
năm 2011 - 2012, Việt Nam đã có 103 lô hàng thủy sản bị từ chối nhập
khẩu vào Canada do phát hiện dư lượng Fluoroquinolones. Ở thị trường
Australia, DAFF thông báo đã phát hiện 39 lô hàng thủy sản Việt Nam
nhiễm dư lượng Fluoroquinolones trong thời gian vừa qua (chủ yếu là
enrofloxacin, ciprofloxacin, norfloxacin, ofloxacin trong cá fillet"
(Ngưng trích Thanh Sơn- Hội Nông dân VN-Thủy sản Việt bị cảnh báo
kháng sinh cấm- 24/5/2013)
(TBKTSG Online) - Việt Nam mỗi năm thiệt hại hơn 14 triệu đô la Mỹ do
các thị trường nhập khẩu trả về từ các thị trường chính như châu u,
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc
… Cụ thể, Việt Nam đứng đầu trong số các nước xuất khẩu sang EU và
Hoa Kỳ về số vụ từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản trên 1 triệu
đô la Mỹ trong giai đoạn 2002 đến 2010, lần lượt khoảng 160 và 380 vụ.
Tại thị trường Nhật Bản, trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam cũng đứng
đầu các nước xuất khẩu về số vụ từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy
sản trên 1 triệu đô la Mỹ, khoảng hơn 120 vụ.
Riêng thị trường Úc, Việt Nam đứng thứ 4, sau Indonesia, Ấn Độ và
Trung Quốc về số vụ thủy sản bị trả về, gần 350 vụ…" (Ngưng
trích Thùy Dung-Thiệt hại lớn vì thủy sản bị trả về nhiều-Thời
Báo Kinh tế Saigon online- 21/3/2013)
Tình hình tại Canada
Tháng Nov/2005, đài truyền hình CTV và báo chí Canada đã loan tin chất
Malachite Green (MG) hay Vert Malachite, là một loại hóa chất cấm đã lây
nhiễm vào thủy sản ngoại nhập, bán tại các chợ vùng Vancouver và
Richmond thuộc tỉnh bang British Columbia, Canada.
Có chín mẫu đã được đài CTV cho gởi đi xét nghiệm tại một phòng
thí nghiệm độc lập. Tất cả gồm có cá rô Phi Tilapia, lươn, đến từ
Trung quốc và hai mẫu cá basa đến từ Việt Nam. Kết quả thử nghiệm
cho biết có dư lượng Malachite Green trong cá basa Việt Nam...Trên nguyên
tắc, cá bị nhiễm hóa chất cấm không thể được bán ra cho người tiêu
thụ nhưng không ai biết tại sao lại có sự sơ xuất trong vấn đề kiểm
soát như thế. Theo phóng viên đài CTV, thì cơ quan Kiểm Tra Thực Phẩm
Canada (CFIA) đã biết rõ tình hình này từ lâu rồi vì trong năm 2005,
CFIA đã cho thử nghiệm lối 9% cá nuôi đến từ Vn và kết quả cho thấy
43% mẫu cá xét nghiệm có dương tính với chất Malachite Green. Đây là
một kết quả rất nghiêm trọng.
Được biết 80% tôm cá nuôi, nhập từ khu vực Á châu đều xuất phát từ
Trung quốc và Việt Nam. Canada đã đặt Trung quốc (tháng 8/2005) và
Việt Nam (tháng 9/2005) vào trong diện phải chịu sự kiểm soát toàn
diện (surveillance intégrale). Tất cả các lô thủy sản nhập từ hai
quốc gia nầy bị lưu giữ để được thử nghiệm 100%, sau đó nếu kết quả
tốt mới được phép bán ra cho người tiêu thụ...CFIA cũng đã gởi văn
thư chánh thức đến hai đối tác Việt Nam và Trung quốc yêu cầu họ
phải tìm biện pháp thích nghi và cương quyết hơn để giải quyết tình
hình Malachite Green trong cá xuất cảng.
Tôm cá VN nhiễm MG cũng đã được thấy bán tại Hoa Kỳ, Úc Châu và tại
các quốc gia thuộc khối liên u.
Vì thế đối với thủy sản nhập từ những khu vực khác của Á Châu,
CFIA cho gia tăng thêm số thử nghiệm lên từ 5% đến 20%.
Malachite Green là chất gì?
Malachite Green (MG) có tên hóa học là Triphenylmethane...MG là một loại
bột rất mịn có màu xanh được dùng để nhuộm tơ, vải, giấy và da. MG
cũng được dùng trong phòng thí nghiệm để nhuộm vi trùng và bào tử
(spore) của nó.
Từ lâu, MG được xem là chất diệt trùng, sát nấm (loại saprolegnia ssp)
và sát ký sinh trùng nhóm nguyên sinh vật (protozoa)...MG khác với
chất sulfate đồng copper sulfate (CuS04) mà có người còn gọi là phèn
xanh dùng để diệt ốc, diệt nấm và rong rêu trong nông nghiệp...MG đã
được giới nuôi thủy sản trên thế giới sử dụng một cách rộng rãi từ
lâu để phòng và trị bệnh cho cá tôm và sò hến.
Tại Canada trước 1992, các trại sản xuất cá giống cũng thường sử
dụng malachite green (MG) để ngăn ngừa trứng cá bị nhiễm nấm.
Ngày nay, Canada cũng như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới
trong đó có Trung quốc và Việt Nam đều cấm ngặt việc dùng chất MG
trong việc nuôi cá tôm.
Chloramphenicol, Nitrofuran, Malachite Green được thấy liệt kê trong danh
mục các chất cấm sử dụng của Bộ Thủy Sản Việt Nam.
Tại Việt nam, MG có thể được các người nuôi cá tôm xuất cảng lén
lút sử dụng để sát trùng ao hồ, để tắm cá trước khi thả chúng vào
lồng nhằm mục đích ngừa cá bị nhiễm nấm hoặc nhiễm ký sinh trùng…
Khi vào cơ thể cá, MG sẽ bị phân hủy ra thành chuyển hóa chất
(metabolite) Leucomalachite Green (LMG).
Thời gian đào thải của MG thì rất nhanh nhưng ngược lại LMG có thể
tồn tại trong một thời gian rất lâu dài trong thịt và nhứt là trong
mỡ của cá đã bị nhiễm độc.
Tại sao cấm sử dụng Malachite Green?
Thí nghiệm cho thấy MG và LMG làm hại gan, làm biến đổi tuyến giáp
trạng, gây ra tình trạng mất máu, làm đột biến, thay đổi gène
(mutagenic) và gây cancer (carcinogenic) trên loài chuột thí nghiệm. Qua
việc thẩm định các kết quả trên, giới khoa học đưa ra kết luận rằng
MG và LMG là hai chất nguy hiểm có tiềm năng gây cancer cho người.
Năm 2002, Canada cũng như nhiều quốc gia khác đã nhận thấy chất
Malachite Green có thể là một mối đe dọa cho sức khỏe nên bắt đầu đề
ra những chương trình thử nghiệm MG ở các loại cá tôm nuôi bày bán ở
thị trưòng.
Các quốc gia Liên Âu và Úc Châu ấn định dư lượng tối đa của MG và LMG
trong thủy sản không được vượt quá hai phần tỉ (ppb)…
Hoa kỳ và Canada thì cho áp dụng nguyên tắc zero tolerance, nghĩa là
không chấp nhận sự hiện diện của bất kỳ một dư lượng nào dù là
thật thấp của MG và LMG trong sản phẩm.
Tình hình nhập cảng thủy sản Việt Nam vào Canada
Ngày 10/4/2007, Cơ quan Kiểm tra Thực phẩm Canada (CFIA) có phổ biến
danh sách gồm có lối 200 công ty chế biến thủy sảnVN được cho phép
xuất cảng qua Canada.
Các công ty trên đều đã được Bộ Thủy sản VN chứng nhận (certification)
nằm trong loại A và B theo quy định của ngành thủy sản VN. Các sản
phẩm sản xuất từ những công ty nầy đều được Bộ thủy sản VN xét
nghiệm và chứng thật không có sự hiện diện của các hóa chất cấm
như Nitrofurane, Chloramphenicol, Malachite Green và Leucomalachite Green
đồng thời cũng phải đáp ứng đầy đủ và tôn trọng các luật lệ về
nhập cảng thủy sản của phía CFIA, Canada.
Trên lý thuyết giấy tờ là thế đó còn thực tế ra sao các bạn chắc
cũng đã rõ theo như các cảnh báo (alert) của Cơ quan CFIA và FDA trong
mấy năm trước đây.
Theo danh mục của Bộ Thủy sản VN ký ngày 2/2/2005 thì các hóa chất,
kháng sinh sau đây bị cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản:
Aristolochia và chế phẩm, Chloramphenicol, Chloroform, Chlorpromazine,
Colchichine, Dapsone, Dimetridazole, Metromidazole, Nitrofuran (bao gồm
Furazolidone), Romidazole, Malachite Green, Ipronidazole, các Nitroimidazole
khác, Clenbuterol, Diethylstilbestrol (DES), Glycopeptides, Trichlorfon
(Dipterex).
Canada đã làm gì?
Cơ quan CFIA có trách nhiệm kiểm soát tất cả thực phẩm nhập cảng vào
Canada.
Phương pháp và tần số xét nghiệm được dựa trên nguyên tắc thẩm định
mức độ nguy hiểm của sản phẩm và cũng tùy theo loại hàng hóa, tùy
theo quốc gia xuất khẩu và hồ sơ của nhà xuất cảng trong quá khứ.
Ngày 17/7/2006, Cơ quan Kiểm Tra Thực Phẩm (CFIA) đã ký một thỏa thuận
với Cục Quản Lý Chất Lượng An Toàn về Thú Y và Thủy Sản, Bộ thủy
Sản VN (National Fisheries Quality Assurance and Veterinary Directorate of the
Vietnam Ministry of Fisheries, NAFIQAVED).
Theo văn kiện này, phía VN phải chịu trách nhiệm kiểm soát việc sản
xuất và chế biến thủy sản xuất cảng sang Canada, phải cấp giấy
chứng nhận sản phẩm đã được sản xuất trong điều kiện vệ sinh, đáp
ứng đầy đủ các đòi hỏi và quy định về tiêu chuẩn của Canada về
thủy sản nuôi, mà đặc biệt là sản phẩm không được chứa
Choramphenicol, Nitrofuran, Malachite Green và Leucomalachite Green.
Ngày 30 tháng 11, 2006, Canada đã đưa ra quy định mới là kể từ 1/1/2007
tất cả thủy sản nuôi và sản phẩm đến từ VN đều phải chịu sự kiểm
soát toàn diện 100%. Nếu có giấy chứng sức khỏe do NAFIQAVED cấp và
đạt tiêu chuẩn tốt trong quá khứ thì chỉ có 5% sản phẩm bị xét
nghiệm mà thôi.
Ngoài ra, tất cả các sản phẩm có thể bị xét nghiệm bất chợt về vi
trùng học, hóa chất, kháng sinh, chất phụ gia và về các biến đổi
mùi vị, xúc giác.
Nhiễm Malachite Green ở thủy sản nuôi (thí dụ cá Basa) là vi phạm
thường hay được nói đến nhiều nhứt.
Tại sao cá tôm nuôi vẫn còn bị nhiễm MG?
MG là một chất rẻ tiền, dễ tìm mà lại cho kết quả rất tốt trong
vấn đề nuôi thủy sản. Các chất thay thế MG thì hiếm thấy, khó mua
và đắt tiền cho nên một số người nuôi cá ở các quốc gia Á Châu và
Việt Nam vẫn lén xài chất xanh Malachite một cách bất hợp pháp.
Ngoài ra, sự kiện dùng cá và mỡ cá đã bị nhiễm MG để làm thức ăn
nuôi thủy sản cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm lây nhiễm MG ở
các loại cá tôm nuôi.
Hiện nay trên thế giới, chất được cho phép thay thế MG là chất
Bronopol (Pyceze, Onyxide 500). Đây là một chất diệt khuẩn, sát nấm
nhưng không gây cancer. Không có giới hạn về dư lượng của Bronopol…Tại u
châu và Bắc Mỹ, Bronopol phải cần có toa của bác sĩ thú y mới mua
được...Tại Canada, ngoài chất Pyceze ra còn có một vài chất khác
cũng được cho phép sử dụng như Solution de Parasite-S ou de Formalin-R
(dung dịch formaldéhyde có chứa méthanol để ngừa sự tạo ra
paraformaldhéhyde rất độc cho cá), dùng tắm cá để ngừa ký sinh trùng
trên da hay trên mang cá; Perox-Aid (peroxyde d'hydrogène) có tính diệt
nấm nhiễm trứng cá; Ovadine dùng như một chất sát trùng cho trứng
cá.
Cá nhiễm Malchite green cũng đã từng xảy ra ngay tại Canada
Vụ Malachite Green chưa chắc hẳn là chỉ riêng của Việt Nam và của
Trung quốc đâu. Các quốc gia khác như Chile và Scotland cũng gặp phải
vấn đề cá nuôi của họ sản xuất bị nhiễm MG.
Năm 2004, Cơ quan CFIA cho biết là họ đã phát hiện được dư lượng MG
trong một số mẫu thử nghiệm thuộc một lô 36.000kg cá Chinook Salmon
được bán trong các chợ ở tỉnh bang British Columbia và một ít được
xuất cảng sang Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ngoài số cá đã bán ra, trại còn
giữ trên 310.000 con cá sống trong các lồng ở ven biển và dĩ nhiên
tất cả cũng đều đã bị nhiễm MG. Trớ trêu thay, tất cả sản phẩm trên
đều xuất phát từ trại nuôi cá salmon lớn hạng nhứt nhì trên thế
giới, đó là trại Stolt Sea Farm nằm tại East Thurlow Island, British
Columbia Canada.
Người ta nghi cá đã bị nhiễm trong giai đoạn ương trứng để tạo ra cá
con. Tất cả lô cá nhiễm đều bị thu hồi lại và nếu có ai đó đã lỡ
ăn rồi thì theo Health Canada cũng không có hại gì lắm cho sức khỏe
vì dư lượng MG nhiễm rất ư là thấp (trace) không đáng kể và hậu quả nghiêm
trọng cho sức khỏe cũng chỉ là một chuyện xa vời khó có thể xảy
ra…
Lo nghĩ chung của bà con trong nước và hải ngoại
Ăn bất cứ thứ gì cũng đều khó tránh khỏi hóa chất lạ trong đó.
Đâu phải chỉ có tôm cá mới có vấn đề. Chắc gì những loại sản phẩm
khác đều khá hơn đâu?...Nước tương nhiễm độc chất 3-MCPD đã từng làm
dân chúng bên nhà hoang mang tột độ.
Người gõ xin mượn lời trong bài viết của nhà văn Văn Quang gởi đi từ
Saigon và được đăng trong Thời Báo Canada ngày 29/6/2007:"...Nhà
sản xuất cứ việc sản xuất sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng
cứ bị thiệt hại, xã hội cứ lên án nhưng các doanh nghiệp này vẫn không
chịu trách nhiệm pháp lý cũng như trách nhiệm kinh tế đối với người
tiêu dùng cũng như xã hội. Và cơ quan có trách nhiệm vẫn cứ ung dung,
thọc tay vào túi quần rong chơi, chẳng có trách nhiệm gì hết…"
(Ngưng trích Thoi Bao-Văn Quang)
Năm 2007, trang mạng VnExpress cũng cho biết Nhật Bản đã trả lại 299
tấn gạo nhập cảng từ Việt Nam vì có chứa dư lượng chất trừ sâu
acetamiprid gấp hai lần mức độ được cho phép. Biết rằng acetamiprid là
hóa chất trừ sâu được dùng rộng rãi trên thế giới. Cũng như phần
lớn các nông dược khác, nhiễm acetamiprid lâu ngày có thể có ảnh
hưởng không tốt đến chức năng sinh dục, thần kinh và cũng có thể bị
cancer nữa.
Vụ cá ba sa cũng còn một chút hy vọng vì theo các giới y tế Hồng
Kông, thì trên thực tế, Malachite Green chỉ có thể gây hại nghiêm trọng
đến sức khỏe nếu chúng ta ăn mỗi ngày một số lượng khổng lồ cá
chẳng hạn như 290kg cá nước ngọt hay 7kg lươn nuôi.
Malachite Green chẳng phải là một vấn đề mới mẻ gì cả. Nó đã được
thế giới sử dụng trong việc nuôi cá tôm từ mấy chục năm nay rồi nhưng
thật sự mới bắt đầu bị cấm từ năm 1992 trở lại đây thôi.
Tác hại của nó trên sức khỏe chúng ta chỉ là những suy diễn và
phỏng đoán qua các thí nghiệm ở loài chuột. Với tiếng chuông báo
động thế giới vừa qua của cơ quan FDA, Hoa kỳ về thực phẩm và thủy
sản nhập cảng từ Việt nam và Trung quốc có chứa quá nhiều hóa chất
cấm hoặc có dư lượng vượt quá mức cho phép liệu chúng ta có thức
tỉnh hơn hay không mỗi khi sử dụng hàng hóa nhập từ những quốc gia
nói trên?.
VN mea culpa (Tự thú tội): tại, bị, bởi, vì, thì, là…
Published on Jul 22, 2013
Kênh truyền hình VTC14 - Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC
Hết tôm, cá nhiễm chất độc bị Nhật Bản, Mỹ và các nước EU trả
lại, gần đây, sản phẩm chè của Việt Nam tiếp tục bị EU từ chối nhận
hàng vì nhiễm chất hợp chất Acetamiprid và Imidacloprid. Hàng xuất đi
bị trả lại không còn là câu chuyện lạ với nông sản Việt Nam nhưng
những bài học trước có vẻ như vẫn chưa làm những người quản lý,
nông dân Việt rút được kinh nghiệm. Những thiệt hại với mặt hàng nông
sản và người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục kéo dài
nếu cách sản xuất tự hại mình, hại người còn tiếp diễn.
Video: VTC14_Nông sản bẩn bị trả lại - Bài học không ai học! (video
của VN dài 28 phút)
Người gõ xin mượn một đoạn trong bài viết của nhà văn Phương Tôn, để
mọi người cùng suy nghĩ.
"Sự thật quanh chuyện sản xuất cá tra Việt Nam.
Người tiêu thụ bị lừa dối, sức khỏe bị đầu độc" (đăng trong
trang Người Việt Ly Hương-Úc châu)
"Khác với thị trường Việt Nam bán nguyên con hay từng khúc, cá
tra xuất cảng sang u châu chỉ là hai miếng Phi-lê. Cá được vớt từ ao
tù chất chồng lên nhau chuyển về xưởng chế biến. Những miếng Phi-lê
sau khi được lóc ra liền được vào một cổ máy tròn xoay như hình thức
một máy giặt trộn chung với nước có pha trộn Phosphat hoặc Citra. Đây
là những chất có khả năng ngậm nước. Thông thường nhà sản xuất cá
tra tại Việt Nam trộn theo tỷ lệ 4 tấn Phi-lê với 1 tấn nước có pha
Phosphat. Trong cổ máy xoay tròn sau khi Phi-lê cá hút hết nước, liền
được đưa vào phòng đông đá rồi cho vào bao bì. Nói tóm lại người
tiêu thụ bị lừa đảo trắng trợn vì họ không biết rằng, khi mua bịch 1
kí Phi-lê cá tra Việt Nam họ chỉ được 800 gram cá hay nói một cách
khác cứ mỗi 5 Euro trả tiền mua 1 ký cá họ phải trả 1 Euro cho tiền
nước đá!
Phosphat không những chỉ giúp con buôn đánh lừa người tiêu thụ mà lại
còn gây tác hại lên sức khỏe con người. Người tiêu thụ nhiều Phosphat
sẽ bị hoại thận, làm giảm bớt chất Calcium trong cơ thể gây nên chứng
loãng xương. Trong một thí nghiệm mới nhất trên loài chuột các nhà
khoa học đã tìm thấy Phosphat có thể gây nên bệnh ung thư
phổi."đã tìm thấy Phosphat có thể gây nên bệnh ung thư phổi"
(Ngưng trích -Phương Tôn-Sự thật quanh chuyện sản xuất cá tra Việt Nam
22/3/2011).
Sợ nhưng vẫn ăn
Các vụ hóa chất độc ở thủy sản, cũng như ở các loại thực phẩm
nhập cảng từ Việt Nam và Trung Quốc chắc sẽ còn được nhắc đến dài
dài chớ chưa hết đâu…
Các tin tức động trời về thực phẩm nhiễm độc, sản xuất trong điều
kiện vô cùng mất vệ sinh, tắc trách đều do chính phủ và báo chí bên
nhà la hoảng lên chớ chẳng phải bị ai bên ngoài vu cáo cả. Trái cây
nhúng hóa chất Ethrel, Carbendazim, Tebuconazole… cho mau chín, bánh mứt
sản xuất trong điều kiện hởi ôi và còn vô số sản phẩm khác nữa...
"Theo một chuyên viên công tác trong ngành y tế dự phòng, hiện
người ta thường dú chín trái cây bằng hóa chất có tên Carbendazim và
Tebuconazole. Đây là loại hóa chất diệt nấm thuộc nhóm cực độc, phân
hủy chậm và có nguy cơ gây ung thư, quái thai, vô sinh…"
Nguy Cơ Từ Trái Cây Chín Ep Ủ Hóa Chất Độc, Gây Ung Thư (photo vietbao.com
10 /14/2013)
Lý do tại sao có tình trạng bê bối thì tất cả người Việt Nam dù
sống trong nước hay ở hải ngoại đều đã biết quá rõ rồi.
Người Việt hay mau quên
Có một điều chắc chắn là sau năm ba tháng thì sóng sẽ lặng biển sẽ
yên, chuyện đâu vào đó và người ta lại ăn uống ào ào một cách vui
vẻ như thường, tới đâu thì tới, chừng nào bệnh chừng nào chết là
biết liền hà…
Tâm lý chung là mình nghĩ rằng bệnh hoạn nếu có cũng chỉ xảy ra ở
người khác mà thôi.
Có bạn còn phán là…ăn cũng chết mà không ăn cũng chết, hơi đâu mà
lo...Có phải chúng ta sợ vì chúng ta biết quá nhiều chăng? Thà điếc
hổng sợ súng!...
Người mình là thế đó, hay mau quên lắm!
Sông nước Hậu giang: Canh chua cá kho tộ
Cá tôm và sò hến là nguồn protein rất quý báu của chúng ta. Các
nhà dinh dưỡng đều khuyên chúng ta nên ăn 2 hoặc 3 lần cá trong tuần
để mong có đủ số chất acid béo oméga-3 cần thiết cho sức khỏe…
Cá tra, cá ba sa, cá trê, cá rô Phi và tôm tép là những sản phẩm rất
quen thuộc với khẩu vị của người mình từ xưa nay. Những món trên đây
rất thường được bà con tại hải ngoại hết lòng chiếu cố vì ăn rất ngon
và nó còn gợi lại trong chúng ta một chút kỷ niệm quê hương...
Người gõ nghĩ rằng, ngày nay nuôi cá quy mô theo lối công nghiệp, nuôi
thâm canh, nuôi bè hoặc nuôi theo lối đăng quần thì khó mà tránh khỏi
cá bị nhiễm chất nầy chất nọ.
Một số lớn cá mà chúng ta thường dùng tại Canada, như cá salmon và
cá trout, có xuất xứ từ cá nuôi mà ra.
Năm 2007, ước lượng có trên 50% cá bán tại các chợ Canada là cá nuôi
và số còn lại là cá được đánh bắt từ ngoài biển. Nuôi cá cũng như
nuôi heo: sử dụng kháng sinh, hoá chất tùy thích…
Kết luận
Ngày nay các bệnh cancer, hư gan hư thận không ngớt gia tăng thêm mãi.
Thủ phạm một phần lớn là do hóa chất lạ sử dụng quá nhiều và bừa
bãi trong kỹ nghệ thực phẩm. Đây là vấn đề chung cho cả thế giới,
xứ nghèo cũng như xứ giàu nhưng nguy hiểm nhứt là những quốc gia
vùng Á Châu trong đó Trung Quốc và Việt Nam là hai xứ thường xuyên có
khối lượng sản phẩm xuất cảng đáng kể đi khắp thế giới.
Đúng là chạy Trời không khỏi nắng mà thôi!
Nói chung, các nhà chuyên môn khuyên chúng ta, để tránh tình trạng dồn
cộng (bioaccumulation) của một loại hóa chất độc hại tiêu thụ qua
thức ăn.
Đừng bao giờ ăn hoài một loại thực phẩm nào đó.
Nên thường xuyên thay đổi các loại sản phẩm tiêu thụ kể cả các loại
thủy sản được nuôi, đánh bắt và sản xuất ngay tại các quốc gia Tây
phương./.
Tài liệu tham khảo:
(Liệt kê vi phạm của các công ty xuất cảng thủy sản VN)***
- VETERINARY DRUG RESIDUE FINDINGS: VIETNAMESE SEAFOOD EXPORTERS
(Current as of April 9, 2012)
News Alert: FDA Adds Two Vietnamese Shrimp Exporters to Import Alert for
Antibiotic Contamination January 2nd, 2013
- CFIA monitoring activities for malachite green
http://cscb.ca/node/94779
- CFIA, Vert Malachite-Questions et reponses. Nov 30, 2005.
- Le vert de malachite est interdit d'utilisation en pisciculture
- Nguyễn Thượng Chánh-Canada Xét Nghiệm Thủy Sản Nhập Khẩu Như Thế
Nào?
- TS Mai Thanh Truyết-Tôm… Cá Việt Nam
- Phương Tôn-Sự thật quanh chuyện sản xuất cá tra Việt Nam
- Nguyên liệu bánh mứt Tết để cạnh... nhà vệ sinh!
Video 1: Dirty Waters, Dangerous Fish - Vietnamese Pangasius - 01.avi
Video 2: SEAFOOD - CADOVIMEX VIETNAM - Part 1
Montreal, Oct 29, 2013
No comments:
Post a Comment