Friday, March 4, 2022

Mùa Xuân Hạnh Phúc Trên Đất Úc - Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn


Mỗi lần nhìn ba đứa con xinh xắn và dễ thương, hai trái và một gái, Vũ lại nghĩ tới Phương và tự nhủ thầm: “Đây là một trong những điều may mắn và hạnh phúc nhất mà Vũ đang có”. Cả ba con đang theo học tại một trường tư thục Công Giáo nổi tiếng ở miền Tây Sydney. Vĩnh, con trai lớn, 11 tuổi, học lớp sáu. Đăng, trai kế, 9 tuổi, học lớp bốn và Hạ Đoan, gái út, 5 tuổi vừa vào lớp mẫu giáo. Tình yêu giữa Vũ và Phương đã ươm trồng trên đất Việt vào một mùa xuân cách đây hơn ba mươi năm và nay đã trổ bông trên đất Úc.

Hôm nay, Vũ và Phương đều lấy một ngày nghỉ để cùng nhau ngồi uống cà phê trên ghế đá, dưới bóng mát yên tĩnh của khu vườn đẹp phía sau căn nhà nhỏ xình xinh mà cả hai đã mua cách đây hơn mười năm. Hôm nay cũng là đúng ba mươi sáu năm kể từ ngày Vũ bước lên chiếc ghe gỗ chở người vượt biên, rời xa đất nước Việt Nam vào một buổi tối mùa Xuân có gió nhẹ trên một bến vắng của bờ Bảo Định giang - con sông nhỏ êm đềm của thành phố Mỹ Tho thơ mộng - nơi đã ghi dấu biết bao kỷ niệm đẹp cuộc tình giữa Vũ và Phương.

Buổi chiều ngày ra đi, Vũ và Phương đã cùng sánh vai đi bộ dưới những hàng cây dọc theo con đường Trưng Trắc bên công viên Lạc Hồng.


Thường ngày con đường này khá nhộn nhịp, nhưng hôm nay sao có vẻ yên ắng lạ thường như cùng chia sẻ tâm tư buồn trĩu của hai kẻ sắp xa nhau. Con đường với những hàng cây to trải dài bóng mát. Chiều nay xe cộ không nhiều và người qua lại cũng ít. Đây đó có vài cặp tình nhân đang to nhỏ trò chuyện. Vũ và Phương đã đi bên nhau hơn hai giờ. Chỉ còn ít giờ nữa là họ phải tạm xa nhau. Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Cả hai muốn níu kéo lại và chỉ mong sao cho cả không gian và thời gian ngừng lại. Vũ và Phương lặng lẽ đến ngồi trên chiếc ghế đá khuất nhìn ra dòng sông đang lững lờ chảy. Xa xa ẩn hiện thấp thoáng vài con thuyền nhỏ bập bềnh trên sóng xa xa của cồn Phụng. Họ ngồi bên nhau rất lâu, rất lâu. Có những lúc cả hai cùng im lặng, không nói và chỉ nhìn nhau. Cả hai đang buồn vì sắp phải xa nhau và cả hai cũng đang nghĩ về một tương lai tươi sáng trên một vùng đất tự do mới. Chút nữa đây, Vũ sẽ tạm biệt Phương để được người dẫn đường chở ra một bến vắng sông Bảo Định bằng chiếc xe Honda. Không dằn được xúc động khi nghĩ đến điều này, Phương gục đầu vào vai Vũ và sụt sùi khóc:

- Em lo sợ quá anh ạ!

Vũ vỗ về an ủi Phương:

- Mọi sự dâng cho ơn trên em ạ. Chuyến đi của anh đã được mọi người chuẩn bị hết sức chu đáo. Anh sẽ sang trước và đợi em. Em cố gắng lên. Cũng chẳng còn bao lâu nữa. Giấy tờ bảo lãnh của gia đình em cũng gần xong rồi. Anh nghĩ chỉ chừng hai năm nữa là gia đình em sẽ được sang Mỹ. Khi đó chúng mình sẽ gặp lại nhau. Sẽ làm đám cưới. Sẽ đi học. Sẽ có việc làm và sẽ có những đứa con xinh xắn dễ thương.

Phương vẫn gục đầu vào vai Vũ thổn thức:

- Vâng, em nghe anh. Em sẽ cầu nguyện cho anh. Sẽ cầu nguyện cho chúng ta. Sẽ cầu nguyện cho mọi người trên chuyến đi của anh.

Trời dần tối. Họ vẫy một chiếc xe xích lô để về nhà.

Chiếc xe Honda đã đậu sẵn trước sân nhà Vũ. Không còn thời gian nữa. Vũ đặt một nụ hôn lên má Phương và nói lời từ biệt. Vũ sẽ đi ngay bây giờ, đi ngay trong đêm nay.

Sông Bảo Định (Mỹ Tho)

Vũ và Phương cùng sống trong một khu lao động ở cuối con đường Hùng Vương, thành phố Mỹ Tho. Vũ học trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, còn Phương là học sinh trường nữ trung học Lê Ngọc Hân. Cả hai tuy không học chung lớp, chung trường nhưng cùng học chung trong những lớp luyện thi Pascal do các thầy Thứ, thầy Thông, thầy Kiến … giảng dạy. Sau năm 1975, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cả hai đều tạm nghỉ học để phụ giúp gia đình. Vũ và Phương cùng sinh hoạt trong một số hoạt động của giáo xứ nhà thờ chính toà thánh Giu-Se.


Nhà thờ chính toà Mỹ Tho.

Cả hai đều là huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể và đều tham gia sinh hoạt trong ca đoàn Dũng Lạc của nhà thờ. Cả hai thân quen nhau nhiều hơn từ ngày cùng hát trong ca đoàn. Ngày tháng vun trồng cây tình yêu của họ. Dù đã nghỉ học nhưng Vũ và Phương vẫn dành thời giờ tự học Anh Văn. Cả hai vẫn nghĩ sẽ phải đi xa. Vũ nghĩ đến con đường vượt biên. Gia đình Phương thì được một người anh trước đây làm trong toà đại sứ Mỹ đứng ra bảo lãnh. Họ yêu nhau với một tâm hồn trong trắng. Có những buổi chiều cuối tuần rảnh, Vũ đã đến nhà Phương. Cả hai nói chuyện về tương lai. Cũng ngần ấy chuyện. Chuyện cuộc sống tương lai. Chuyện đi học đại học. Chuyện đi làm. Chuyện con cái. Họ nói với nhau không biết bao nhiêu lần rồi. Đó là những ước mơ của họ.

Có một lần Phương chỉ vào một trang báo trong một cuốn tạp chí Mỹ cũ về xây dựng của người anh cho mượn còn sót lại trong một ngăn tủ cũ và mơ ước:

- Em mong sau này con cái chúng mình sẽ được sống trong những căn nhà sạch sẽ như thế này. Chúng mình sẽ cố gắng hết mình để lo cho tương lai con cái anh nhé.

Vũ véo nhẹ vào má Phương mắng yêu:

- Em hơi còn đầu óc tư sản đó!

Phương dùng dằng phụng phịu:

- Đó là ước mơ chân thành của em chứ bộ. Em nghĩ đâu có gì sai và quá đáng đâu! Tương lai con cái chúng mình nhất định phải sáng sủa hơn hiện tại nhiều chứ!

Vũ mỉm cười:

- Anh nói chơi để trêu em thôi. Anh cũng đã từng nghĩ như em. Chúng ta sẽ cố gắng thực hiện ước mơ đó. Chính vì vậy mà anh mới tính đến chuyện phải đi xa mặc dù anh rất thương những người thân và thành phố Mỹ Tho này … nhưng em biết đó, bao nhiêu năm rồi mình có làm chủ được tương lai của mình đâu. Anh muốn được học đại học nhưng có ai cho học đâu. Cứ nay đi lao động, mai đi thủy lợi … Muốn nói điều gì cũng bị theo dõi, nhòm ngó. Ngay cả việc đi lễ, sinh hoạt hội đoàn trong nhà thờ cũng phải dè dặt nữa.

Phải hơn một tháng sau, Phương mới nhận được tin Vũ tới đảo Galang bình yên. Vũ có một người anh đang định cư ở Úc, do đó Vũ đang làm thủ tục đi định cư tại Úc.

Nhà hát con sò ở thành phố Sydney (Úc) 

Phương nhận được những lá thư của Vũ viết từ đảo. Niềm nhung nhớ như được cô đọng gửi gấm trong những lá thư này. Trong một lá thư, Vũ ép một cánh hoa rừng nhỏ trên đảo gửi về cho Phương. Năm tháng sau Vũ được qua Úc. Vũ đi học Anh Văn rồi ghi tên vào học đại học ngành computer. Gần hai năm sau, Phương cùng gia đình được qua Mỹ. Tuy họ vẫn còn phải xa nhau gần nửa vòng trái đất nhưng cả hai rất mừng vì đều đã được sống trên những đất nước tự do. Cả hai vẫn yêu nhau thắm thiết. Nỗi nhớ thương nhau được gửi gấm qua những dòng chữ trong những lá thư, trong những cuộc nói chuyện qua điện thoại. Ngày gặp nhau, ngày chung sống của họ chắc chắn sẽ không còn xa. Chỉ là thời gian …

Vào dịp nghỉ hè năm sau đó, Vũ sang Mỹ gặp Phương. Cuộc hội ngộ của đôi tình nhân thần tiên như trong một chuyện tiểu thuyết. Buổi chiều họ đưa nhau đến một công viên. Cỏ xanh và hoa đẹp rực rỡ. Phương lén ngắt một bông hoa nhỏ đưa cho Vũ và nói:

- Em mong tình ta sẽ đẹp mãi như thế này!

Vũ cảm động hôn phớt trên mái tóc dài còn phảng phất mùi shampoo gội đầu của Phương và nói:

- Chúng ta sẽ yêu nhau trọn đời.

Một cơn gió nhẹ thổi qua làm những chiếc lá khô bay đổ vào nhau nghe xào xạc. Trời bắt đầu se lạnh. Họ đứng dậy ra về.

Vũ trở về Úc. Một năm sau, Vũ được nhập quốc tịch Úc và sau đó lo giấy tờ bảo lãnh cho Phương qua Úc. Khi sang Úc, lúc đầu Phương ở nhà một người bạn thân. Vũ học xong năm thứ ba đại học và được nhận vào làm programmer tạm thời ở sở thuế vụ.

Đám cưới được tổ chức sau đó vài tháng. Không bao giờ Vũ và Phương quên được những câu nói của người MC trong tiệc cưới hôm đó. Bằng một giọng nói duyên dáng, dí dỏm nhưng chân thật, người MC đã mô tả cuộc tình của Vũ và Phương đẹp, lãng mạn như một bài thơ tình, như một truyện tiểu thuyết có hậu (happy ending).

Cuộc hội ngộ của hai kẻ xa cách từ nửa vòng trái đất. Tháng ngày xa cách không làm cho tình yêu phai nhạt mà trái lại còn hun đúc thêm cho tình yêu của họ. Dù đã xa cách nhau một thời gian nhưng cả hai, lúc nào cũng luôn luôn nhìn về một hướng. Tình yêu của họ vẫn như ngày nào, đúng như một thi sĩ nổi tiếng Việt Nam đã nói:

“Tình muôn thuở nên suốt đời vẫn mới,

Môi đam mê nên vẫn nụ hôn đầu”

Sau đám cưới, Phương xin theo học một lớp về childcare ở trường TAFE. Hai năm sau Phương tốt nghiệp và cũng là lúc Vĩnh, đứa con trai đầu lòng chào đời trong niềm mong đợi của Vũ và Phương. Tình yêu bây giờ đã trổ bông. Sau một thời gian nghỉ vài tháng, Phương được nhận vào làm việc tại một nhà giữ trẻ gần nhà.

Rồi Đăng, đứa con thứ hai ra đời. Mẹ của Phương đã từ Mỹ sang chơi và ở lại giúp đỡ trông coi hai cháu một thời gian. Nhờ làm việc trong nhà trẻ, Phương có nhiều kiến thức về việc nuôi dạy, chăm sóc con cái. Hai đứa bé càng ngày càng bụ bẫm và dễ thương. Vũ và Phương cảm thấy niềm hạnh phúc tràn trề. Họ tính đến chuyện tương lai và tìm mua một căn nhà nhỏ xinh xắn. Những ngày cuối tuần, Vũ dành một ít thời gian sửa sang lại khu vườn sau nhà, tạo thành một khu playround an toàn cho các con của họ chơi đùa cũng như tạo khung cảnh lãng mạn cho Vũ và Phương trò chuyện. Họ lại có thêm một bé gái Hạ Đoan. Trai có, gái có. Cả hai thấy không còn gì phải mơ ước thêm nữa. Rồi Vũ lại tìm được một chỗ làm tốt ở một hãng tư với số lương khá cao.

Vũ và Phương lại tham gia hát cũng như hướng dẫn cho một ca đoàn trong những buổi lễ Việt Nam tại một nhà thờ ở một khu vực gần đó. Khi có thời giờ rảnh, Vũ cũng tham gia một số sinh hoạt cộng đồng. Phương thì thỉnh thoảng viết vài truyện ngắn cho một tờ báo Việt. Các con của họ lớn theo ngày tháng. Chúng được chăm sóc chu đáo, ngoài việc học ở trường, tuỳ theo lứa tuổi, chúng được học thêm về nhạc, về thể thao … Phương đã dành tiền và mua cho các con một chiếc piano xinh xắn.

Trong một lần, khi bàn bạc về chuyện tương lai, Vũ đề nghị:

- Phương, anh tính bàn với em chuyện này. Căn nhà mình đang ở đã trả được gần một nửa. Anh định dùng căn nhà này thế chấp để mượn ngân hàng mua thêm một căn nhà đầu tư. Căn nhà đầu tư này mình sẽ cho thuê. Có thể mình phải tiết kiệm để phụ thêm vào việc trả ngân hàng chút ít nhưng bù lại cuối năm mình sẽ có thể lấy lại ít tiền thuế từ sự đầu tư thua lỗ này. Đây cũng là một hình thức tiết kiệm tiền của phần đông những người đi làm với đồng lương cố định như anh và em. Em nghĩ sao?

Phương hơi trầm ngâm và chậm rãi trả lời:

- Liệu còn đủ tiền lo cho các con không anh? Với em và có lẽ cả anh nữa thì không sao, nhưng em không muốn các con phải thiếu thốn. Nếu các con phải thiếu thốn thì đây là niềm tủi thân của em đó anh ạ.

Vũ phân bua:

- Anh cũng nghĩ như em vậy nhưng anh đã có cách giải quyết. Này nhé, thường thường mỗi tháng mình đều đồng ý bỏ thêm vào ngân hàng một số tiền nhỏ để trả nợ căn nhà đang ở. Nếu căn nhà đầu tư có phải bù thêm chút ít thì chúng ta sẽ không bỏ thêm tiền trả căn nhà đang ở nữa. Anh bảo đảm là các con vẫn được chăm sóc đầy đủ.

Phương nhìn Vũ mỉm cười biểu lộ sự đồng tình.

Vũ nói tiếp:

- Đúng ra đây là kế hoạch đầu tư cho các con của chúng ta chứ không phải cho chúng ta. Anh và em sẽ cố gắng trả cho xong căn nhà đầu tư này trước khi Vĩnh vào đại học.

Anh lo nếu sau này, chính sách giáo dục của Úc sẽ theo Mỹ thì tiền học phí đại học sẽ cao. Dù thế nào, con của chúng ta cũng phải có điều kiện học xong ít nhất là bậc đại học. Em đồng ý chứ?

Phương mỉm cười khẽ gật đầu.

Vũ lại cười.

- Còn một điều này nữa, bí mật mà anh chưa nói với em.

Phương bấu nhẹ vào má Vũ và hỏi:

-Điều bí mật gì mà anh giấu em. Anh phải khai ra ngay!

Vũ cười nhẹ và ghé vào tai Phương nói nhỏ:

- Anh mới được tăng một bậc lương và anh cũng vừa nhận giúp cho chú Nam một phần việc trong cái project mà chú đang làm cho một công ty tư.

Phương ái ngại:

- Em nghĩ anh làm hơi nhiều. Anh đâu còn thời giờ nghỉ ngơi.

Vũ chậm rãi nói:

- Anh chỉ phụ giúp chú Nam một phần nhỏ của cái project này. Chỉ cần dành ra một số buổi sáng thứ bảy là đủ. Nhân tiện anh cũng muốn học hỏi thêm để nếu sau này có điều kiện, khi các con đã lớn, anh sẽ nhận làm thêm.

- Em có thể giúp anh được không? Phương hỏi.

Vũ cười âu yếm:

- Em giúp anh chăm sóc ba cục cưng. Đó là big job đấy em ạ! Và chăm sóc cho anh nữa chứ!

Cả hai cùng cười và vui mừng nói:

- Cuối tuần này chúng ta sẽ đi xem thử vài căn nhà mới xây ở một vùng gần đây nhé.

Ngay lúc đó, bé Hạ Đoan, đứa con gái nhỏ của họ chạy tới ôm chầm lấy Phương và Vũ nói: “Mẹ, Ba”.

Vũ nhìn Phương mỉm cười và nhớ tới câu nói của Phương: “Tình yêu của chúng ta được ươm trồng từ những ngày ở Việt Nam và sẽ trổ bông, kết trái trên đất Úc”.

Đó là cuộc nói chuyện cách đây hơn bảy năm. Giờ đây, ngoài căn nhà đang ở, họ đã đầu tư thêm một căn nhà nhỏ và một căn apartment ngay trung tâm vùng Bankstown.

Vũ bây giờ đã là một manager trong bộ di trú, còn Phương vẫn tiếp tục công việc ở một nhà trẻ gần nhà. Cuối tuần Phương có đi dạy thêm tiếng Việt cho một trường Việt Ngữ gần đó. Ngoài việc làm ở sở, Vũ không làm thêm gì nữa. Giờ đây cuộc sống của họ đã ổn định. Các con đã lớn và cả hai đều muốn dành cho nhau nhiều thời giờ đầu tư cho con cái.

***

Tiếng đàn dương cầm thánh thót phát ra từ căn phòng nhỏ của Đăng đã cắt đứt những dòng hồi tưởng của Vũ và Phương. Cùng lúc đó, Vĩnh cũng vừa được một người bạn của Vũ chở về nhà từ một sân tập tennis của trường. Họ uống hết ly cà phê, cùng nhìn về một hướng và cảm thấy vô cùng hạnh phúc cùng nhau đi tiếp cuộc sống mà họ đã chọn. Vũ thong thả nói:

- Hôm nay đang là xuân. Đúng như em từng nói tình yêu của chúng ta đã trổ bông trên đất Úc. Anh muốn gọi mùa xuân đáng ghi nhớ này là mùa xuân hạnh phúc. Em đồng ý không?

Phương nhìn Vũ trìu mến:

- Hay quá anh ạ, nhưng em muốn thêm cho đầy đủ: “MÙA XUÂN HẠNH PHÚC TRÊN ĐẤT ÚC”.

Vũ cười nhìn Phương âu yếm:

- Nghe hay quá. Em lúc nào cũng đúng mà !!!


Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn 

No comments:

Post a Comment