Ai cũng biết giấy là một vật rất quan trọng
trong cuộc sống của nhân loại. Thời xa xưa, giấy vừa quý hiếm vừa mắc, chỉ được
dùng trong việc ghi chép kinh kệ trong các nghi lễ tôn giáo, và cho các văn tự
trong cung đình của vua chúa. Giấy được chế tạo lần đầu tiên vào năm 105 AD trước
Công Nguyên, bên Tàu, bởi một quan thái giám tên Ts’ai Lun (1). Nhưng hôm nay, tôi
chỉ xin nói đến một khía cạnh “cực kỳ” quan trọng không kém của giấy, có khi
quan trọng hơn là đằng khác trong thời đại chúng ta đang sống hôm nay, là giấy
vệ sinh (toilet/bathroom tissue), nói nôm na là giấy đi cầu.
Ở các nước giàu có, văn minh, giấy vệ sinh
được bày bán rất nhiều trong các tiệm hoặc các chợ bán thực phẩm; còn ở Việt
Nam, giấy đi cầu cũng thừa mứa đến nỗi người dân dùng để…lau miệng trong các tiệm
ăn, nhà hàng. Hầu như toàn thế giới đều không biết quý trọng giấy vệ sinh cho đến
khi nhân tai Covid xảy ra, giấy vệ sinh trở nên khan hiếm; không nói ra, ai
cũng biết và từng chứng kiến cảnh xếp hàng dài ở các tiệm, giành giật nhau từng
cuộn giấy vệ sinh. Không khéo còn xảy ra chiến tranh vì giấy đi cầu.
Sau trận đại dịch, nhiều người bắt đầu chuyển
sang xài nước để nếu bất cứ chuyện xảy ra lần nữa, họ cũng vẫn có thể giữ cho
thân thể mình được sạch sẽ. Thế mới hay giấy đi cầu, sau vài ngày bỗng trở nên
quý hiếm y như mấy thế kỷ trước đây lúc nhân loại vừa biết cách làm ra giấy. Họ
trang bị cho các bàn cầu trong nhà bằng một loại dụng cụ được gọi là “bidet” (2),
tức máy rửa phần dưới, thay cho giấy.
Tại đất nước con cháu Thái Dương Thần Nữ, người
dân đã đi trước thế giới một thời gian dài. Những lần ghé nước Nhật, ở trong
các khách sạn, tôi đều có dịp sử dụng máy rửa này, thật tiện lợi vì ấm áp trong
mùa Đông, mát mẻ trong mùa Hè. Phiền một điều là những cái nút xử dụng chỉ được
viết bằng tiếng Nhật; may nhờ hồi nhỏ hay coi truyện tranh có hình, tôi cũng mò
mẫm xử dụng đúng “chức năng” chùi rửa và hong khô của nó. Về lại Mỹ, tôi mua
ngay 1 cái gắn trong bàn cầu nhà, xài thử để bắt kịp nền “văn hóa rửa” của Nhật
Bản, để cho bằng anh và bằng em, và quan trọng hơn nữa là để khỏi lo thiếu giấy
khi khan hiếm.
Thật ra bidet được sáng chế ở Pháp vào cuối
thế kỷ thứ 17, không được thịnh hành cho lắm vì chỉ nhà giàu mới dám xài; nhưng
lịch sử Châu Âu có ghi, vào hậu bán thế kỷ thứ 18, hoàng hậu Maria Carolina của
xứ Sicily và Naples đã cho gắn bidet trong phòng tắm của nàng.
Xin trở lại đề tài chính là giấy vệ sinh.
Tuy hiện nay, con người đã khôn ra và biết xử dụng cả giấy lẫn nước, nhưng có
bao giờ chúng ta thắc mắc, tò mò, thời cổ đại, con người ta khi cần phải giải
quyết “bầu tâm sự”, nghĩa là phải xách cuốc ra đồng hay ôm bụng chạy ra sau hè,
họ xài gì để chùi khi chưa có giấy? Rồi khi có giấy, tại sao con người vẫn chưa
dám xài? Ngày nay, trong các nước nghèo như các nước cộng sản và một số nước ở
Châu Phi, không có tiền mua giấy, họ dùng cái khỉ khô gì để làm sạch phía dưới?
Giờ nói chuyện bên Tây trước: khi chưa có
giấy, người cổ La Mã và Hy Lạp ngày xưa xài một cây gậy, một đầu được quấn bông
gòn hay miếng bọt bể, sau khi xài xong, ngâm đầu gậy vào thùng nước, rửa xong
đem phơi khô để xài cho lần tới. Họ gọi cây gậy này là Tersorium. Năm 850 trước
Công Nguyên, hai thày trò nhà thơ Hy Lạp Homer hay đi rong ruỗi trên đường, khi
mắc đại tiện, họ xài cái gì để chùi? Homer là một đại thi hào mù, ông là tác giả
thiên trường thi nổi tiếng “The Odyssee” được truyền tụng đến bây giờ. Theo
truyền thuyết, trong túi đồ đeo bên vai của chú tiểu đồng đi theo hầu, lúc nào
cũng có vài viên đá cuội dành cho việc đại tiện của chủ mình. Nếu hơi nhám, xài
3 viên, còn trơn láng, xài 4 viên. Nhiều nhà sử học kết luận, đế quốc La Mã
cũng chấp nhận thời đó người dân đều xài đá cuội hay miếng giẻ từ quần áo cũ,
được giặt sạch sau mỗi lần dùng.
Châu Âu thời Trung Cổ, thời các hiệp sĩ,
vua quan, và dân thường. Họ xài gì khi cần đi “trút bầu tâm sự”? Ngoài xài nước
là thứ không phải lúc nào cũng sẵn một bên, các chàng kỵ sĩ, quân lính trên đường
ra mặt trận, họ phải xài một cành cây nhỏ hơi cong ở một đầu, hoặc lá cây, rơm,
cỏ khô hay một cục đất khô, còn sang hơn một chút là miếng rong rêu phơi khô vì
thứ này mịn và êm ái hơn nhiều.
Thời Phục Hưng bên Pháp: vua chúa và giới
thượng lưu, mỗi khi “đi việc cần” , họ đi đâu, xài vật liệu gì để chùi? Nhà xí
của họ hình dáng ra sao? Thời này văn minh hơn, giấy đã bắt đầu phổ biến nhiều
nhưng vẫn rất đắt đỏ vì hầu hết chỉ được xài trong văn tự cung đình và trong văn
chương, thi phú và hội họa cho giới thuợng lưu. Thời hoàng đế Napoleon, người
giàu đã dám xài giấy, loại giấy xài rồi, có chữ viết bị bỏ đi, họ chỉ vò cho nó
mềm để chùi. Còn dân nghèo vẫn phải xài giẻ rách, chùi rồi giặt lại xài tiếp
cho đến khi nào tả tơi thì thôi.
Có truyền thuyết ghi chép rằng trong
triều đình Pháp còn xài dây thừng. Trong nhà vệ sinh của hoàng gia lúc nào cũng
có 1 sợi dây thừng treo toòng teng kế bên dành cho việc đi ngoài. Khi xong việc
đại quan trọng, người ta chỉ cần lòn dây thừng qua giữa hai chân, rồi kéo tới
kéo lui như chơi đàn violon vậy. Quả là “đại tiện…lợi”. Họ không thích thay dây
mới: đức vua xài xong, đến hoàng hậu, rồi các triều thần. Người ta giải thích
vì việc này tượng trưng cho vua tôi một dạ một lòng, trung thành và chí tình với
nhau. Nhưng tôi ngờ rằng họ không thay vì lý do “nhạy cảm” như các vị “tủ lạnh”
trong nước hay nói; dây cũ thì trơn tru, kém độ ma sát, còn dây mới thì nhám
nhúa, coi bộ hơi thốn dữ đa. Cứ tưởng tượng một tờ giấy nhám còn mới, độ nhám số
80 hay số 120 mà chà vào nơi nhạy cảm thì phải biết, còn xót xa hơn cả một mùa
Đông tê tái.
Bây giờ nói về giấy vệ sinh bên ta mà 3 nước lớn và văn minh tiêu biểu như Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản.
Thời cổ bên xứ Phù Tang, hoàng gia và triều thần, các Samurai và quý tộc đều xài Chugi vì chưa có giấy. Chugi là những thanh gỗ hay thanh tre dùng để quẹt phía dưới sau khi giải tỏa xong “bầu tâm sự”. Nó trở nên thịnh hành vì rẻ và rửa lại xài tiếp, nói theo ngôn ngữ trong nước là xài “liên hoàn”, có nghĩa là cứ xài đi xài lại, càng xài càng bóng và càng êm. Họ đã xài Chugi trong cả ngàn năm mà vẫn chưa bao giờ lỗi thời. Chỉ những gia đình vua chúa, quyền quý mới biết xài giấy vào thế kỷ thứ 7 sau công nguyên.
Có truyền thuyết hoàng gia Nhật cũng xài
cánh của con ve sầu. Cánh ve cứng và giòn, nên người hầu phải ngâm trong nước ấm
3 ngày mới đem ra dùng được. Phương cách này có điều lợi là cánh ve sầu trong
suốt nên có nhìn thấu qua để biết hoàng tộc có bị bệnh đàng dưới như táo bón,
kiết lỵ, hoặc có bị “Tào Tháo rượt” hay
không? Điều này rất dễ dàng cho các ngự y chẩn và chữa bệnh cho hoàng gia.
Còn anh hàng xóm khổng lồ 4 tốt, 16 chữ
vàng kế bên, thời xưa xài cái gì? Vào thời Tam Quốc khoảng năm 220-280, trong
sách Tư Tri Thông Giám có viết rằng người Tàu cũng xài một thanh gỗ hay thanh
tre được vuốt theo hình cái thẻ, gọi là Xí Trù (廁籌).
Thời Phật Giáo còn sơ khai, sau khi Đức Phật đã nhập Niết Bàn cả trăm năm rồi, các đệ tử mới ghi chép lại trong Tì Ni Mẫu Kinh, lời Đức Phật dạy khi đi nhà xí, ta phải đem theo thẻ tre và cỏ khô đến trước nhà xí, ta phải búng ngón tay 3 lần để người bên trong biết có người đang ở bên ngoài chờ đến phiên. Khi xong, nếu không có thẻ tre thì không được chà lên vách, ván, hay cột của nhà xí. Không được dùng đá, đất nhuyễn, cỏ tươi, lá cây mềm, hay các loại cây lạ. Chỉ được xài gỗ, tre, hay cỏ lau làm thành thẻ tre dài nhất một gang tay, ngắn là 4 lóng tay. Cái nào xài rồi, không được để lẫn lộn với thẻ sạch. Qua chuyện này, chúng ta biết người Ấn Độ đã đi trước người Tàu trong việc xử dụng thẻ tre trong việc vệ sinh cá nhân.
Dù người Tàu đã sáng chế ra giấy từ năm
105, nhưng giấy vẫn là một món hàng quý và đắt, là một trong văn phòng tứ bửu gồm
Bút, Nghiên, Giấy, Mực. Giấy cũng được dùng trong việc thờ tự và là một phương
tiện giao tiếp với trời đất thần linh bằng cách viết chữ trên đó, đốt tờ giấy để
dâng lên thần thánh. Vì vậy, đối với người Tàu, giấy vẫn là một thứ linh thiêng
và quý hiếm.
Lúc hoạn quan Nguyễn An xây Tử Cấm Thành
năm 1420, không hề có bất cứ một cầu tiêu hay nhà xí nào trong khuôn viên. Người
hầu phải khiêng những thùng gỗ chất thải, đi theo một lối đi riêng, sau khi
hoàng gia xài xong, họ xịt nước hoa để khử mùi. Khi Càn Long lên ngôi (1711-1799), ông mới cho
xây 3 nhà xí trong cung điện của mẹ mình, có giấy chùi đầy đủ kèm theo.
Người Ấn Độ dạy cho người Tàu cách dùng thẻ
tre trong một thời gian rất lâu; rồi đến con cháu Thành Cát Tư Hãn mới chỉ cho
người Tàu cách thay que bằng giấy khi họ chiếm toàn cõi Trung Hoa. Người Mông Cổ
vốn không đặt nặng vấn đề tín ngưỡng nên không coi trọng giấy trong việc thờ
phượng. Theo Nguyên Sử, phần liệt truyện của Du Tôn Huy Nhân Dụ Thánh hoàng hậu,
có ghi: nàng Bá Lam Dã Khiếp Xích, khi còn là vợ của thái tử, sống rất hiếu thuận
với mẹ chồng, tức mẹ của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt; nàng thường dùng má của
mình để thử độ mịn màng của giấy trước khi đưa cho Chiêu Duệ Thuận Thánh hoàng
hậu dùng trong việc vệ sinh cá nhân.
Thời nhà Minh, trong sách sử cuốn 50, có
ghi về một cơ quan chuyên lo việc về giấy đi cầu trong cung đình được gọi là Bửu
Sao Ty. Đến thời nhà Thanh, có nhiều sử sách có viết về việc dùng giấy đi cầu.
Trong truyện Hồng Lâu Mộng, giữa thế kỷ thứ 18, đời Càn Long, nhà Thanh, hồi thứ
41, có đoạn tả cảnh lão Lưu bất giác thấy
bụng sôi sùng sục, bèn hét một a hoàn lấy cho mấy tờ giấy, rồi định cởi quần
ra. Mấy người gần đó vừa cười vừa quát to: “Chỗ này không đi được đâu!”. Rồi
sai một bà già đưa lão Lưu đi về hướng Đông Bắc. Đưa lão Lưu đến nơi, bà già vội
lẩn đi nơi khác.
Viết về đủ các thời kỳ, cách thức các nước
trên thế giới xài giấy đi cầu mà không viết về thời văn minh đỉnh cao đi thụt
lùi của người và của chế độ cộng sản sau năm 1975, sẽ là một thiếu sót lớn lao
trong lịch sử Việt Nam thời cận đại. Cái thời mà người người, nhà nhà, ngoại trừ
mấy mấy “ngài tủ lạnh” cao cấp và gia đình họ, dân đen, ai nấy đều phải “tư duy
sâu”, “phát huy sáng kiến”, tận dụng và “cải thiện” tối đa phương tiện có được
trong thiên nhiên, ngoài nước sông, nước giếng, nước hồ, ai nấy lo bứt lá cây mềm,
xui tận mạng mới hái lầm lá Poison Ivy, xài lá chuối khô mà phải đúng lá chuối
xiêm phơi một nắng cho nó mịn màng; nếu đang ở ngoài ruộng thì bờ cỏ non, xanh
mềm như nhung là tuyệt vời nhất, xong việc, cọ bàn tọa lên bờ cỏ êm ái, thì cảm
giác còn mê ly hơn lý tưởng cộng sản gấp vạn lần.
Riêng tôi lúc đó đang phá rẫy trồng đậu và
bắp ở trong rừng nên có dư dả vật liệu cho việc “đi đồng”. Tôi phơi khô và tích
trữ cùi bắp và vỏ trái bắp rất nhiều, cả một kho. Ai thiếu thốn, tôi không biết,
tôi chỉ biết tôi dư thừa “giấy đi cầu” cho riêng bản thân tôi, lại còn có dư để
tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội mà không cần đến cái thứ giấy “Kiss
Me” của bọn tư bản giãy chết.
Một lần tôi từ trên rẫy về thăm nhà, chở
theo về một ít nông sản trồng được ở rừng về cho gia đình. Tôi bắt gặp đứa em
gái từ trong nhà xí bước ra, trên tay cầm một tập thơ Tố Hữu trong tủ sách của
tôi, chỉ còn lam nham vài tờ. Thấy tôi, mặt nó tái xanh, thất thần và hoảng sợ;
còn tôi giật mình, đau nhói trong tim, không phải tiếc tập thơ mà vì thương em
gái mình. Từ một đứa bé gái quen sống ở thị thành, không biết khổ là gì, nay phải
xài cái thứ giấy màu nâu nhám nhúa, thô ráp, lòng tôi quặn đau vì thương em.
Chiều hôm đó, một bà ve chai đi ngang nhà,
rao bán giấy vụn cân ký cho người ta gói hàng, tôi kêu vô và thấy mấy chồng báo
Nhân Dân, một cuốn Tư Bản Luận, vài cuốn sách về chủ nghĩa cộng sản đóng bìa da
mạ vàng còn mới tinh do nhà xuất bản Chính Trị Sự Thật in ra còn thơm mùi mực,
giá rẻ rề. Tôi mua hết cả gánh cho bà ra về được nhẹ nhàng. Bà cho hay, nếu cần
thêm, bà còn cả đống sách mới nguyên, còn ràng giây cẩn thận, cũng do những nhà
xuất bản nhà nước mới in xong, chưa ráo mực, bà sẽ gánh đến bán cho tôi, giá rất
phải chăng. Tôi vui vì đã có một quyết định đúng lúc và tôi tự hứa không để gia
đình mình phải xài cùi bắp do tôi mang về.
Có lẽ do sống khá lâu trong xứ thiên đường nên bà xã tôi có cái tật đầu cơ tích trữ, kể cả tích trữ giấy đi cầu, nhờ vậy trong thời đại dịch, chúng tôi chưa bao giờ thiếu giấy. Bây giờ lại có thêm bidet hỗ trợ thì tôi chẳng còn phải lo chi việc giấy…tờ. Dầu sao qua những thăng trầm lịch sử của giấy đi cầu, tôi cũng rút ra được kinh nghiệm sống: trong cái khó, nó ló cái khôn; ở trong nước thì trong cái khó, nó ló cái gian. Nếu không có cả hai thứ cần thiết là giấy và bidet, tôi vẫn sống khỏe bằng chính đôi tay của mình, bằng những cái mình tự có khi phải trả lời tiếng gọi thiên nhiên của cơ thể mình mà người Mỹ vẫn nói với đùa với nhau một cách dí dỏm và văn hoa khi con người phải “answer nature’s call”, be ready.
Nguyễn Văn Tới (LT). 7/2022.
Chú thích:
1.
https://en.wikipedia.org/wiki/Cai_Lun
2.
https://en.wikipedia.org/wiki/Bidet
3. https://www.travelchinaguide.com/attraction/beijing/are-there-toilets-inside-forbidden-city.htm
Hình như người Ấn Độ và các nước theo Hồi Giáo họ không dùng giấy đi cầu để chùi đít thì phải, mà họ chỉ rửa đít thôi, rồi sau đó họ dùng Xà Phòng ( Xà Bông) rửa tay. Tuy nhiên đây là điều có thật đa số các bà mẹ Việt Nam thích rửa đít cho con mình khi đứa trẻ mới sinh ra cho đến khi chúng hai hoặc ba tuổi vẫn còn rửa đít cho tụi nhỏ vì họ sợ giấy làm ghẻ đít chúng nó và những người quá già cũng rửa đít thay vì dùng giấy đi cầu vì họ sợ dùng giấy đi cầu không sạch và bị lở đít giống như các dân tộc có truyền thống rửa đít bằng nước thay vì dùng giấy đi cầu.
ReplyDeleteKhoảng năm 1981, tôi đi Chợ Lớn lấy hàng về bán. Đi đến ga Bình Triệu, trước nhà máy Mytox, có ao rau muống. Có cầu cá. Tôi dựng xe vào đó đi vệ sinh. Mấy người đi móc bọc vào đó dùng kẹp gấp lượm tất cả giấy đi cầu. Sau nầy tập vở học trò cũng màu vàng ố, làm gì có hóa chất tẩy trắng. Đến sau 2.000, vở học sinh bóng láng trắng trẻo. Có cả giấy nhập. Các hãng vở cũng cạnh. Đứng đầu là Vĩnh Tiến, của ông trùm giấy Liên Xô. Bây giờ cũng tiêu tùng. Giấy vệ sinh cũng vậy, các nhà đầu tư ngoại quốc vào cạnh tranh. Chùi mát đít. Xin lỗi. Một thời để nhớ...
ReplyDeleteVậy là hai vị cũng đã từng sống qua thời đỉnh cao văn minh cộng sản nên hiểu rõ cả sự "đại tiện lợi" này. Tôi sống ở Trung Đông nhiều năm. nên biết các nước Hồi giáo họ rửa chứ không chùi như các dân tộc khác và họ chỉ dùng tay trái để rửa, còn tay phải chỉ dùng để ăn.
ReplyDeleteQuên thưa với hai vị, tôi cũng là tác giả bài này.
ReplyDelete