Ngày nầy cách đây 49
năm...
Sau khi tiểu đoàn đi hấp
ở Chi Lăng về, tiểu khu bàn giao cho hậu cứ ở xã Hòa Thuận, cách cầu Long Bình
khoảng cây số, đối diện với trụ sở xã. Bây giờ nơi nầy là trụ sở xã Hòa
Thuận. Trụ sở xã cũ là trường chính trị tỉnh Trà Vinh.
Tiểu khu trang bị thêm quân
số, quân trang, quân dụng, vũ khí...Cấp trên muốn nâng cấp đơn vị tôi thành
tiểu đoàn trừ bị cho tiểu khu. Đâu cần thì thảy vô.
Sáng sớm ngày 28/7/1973,
đoàn xe GMC đã vận chuyển tiểu đoàn đến quận Tiểu Cần, cách tỉnh lỵ khoảng hơn
20 cây số. Một cuộc hành quân qui mô lớn do quân khu tổ chức tại đây. Một
viên đại tá từ Cần Thơ sang chỉ huy. Đơn vị tập trung quân ở sân rộng của
trường tiểu học, cách chi khu Tiểu Cần không xa.
Theo tin tức tình báo,
một số đơn vị VC đang dưỡng quân ở vùng Tập Ngãi, quân số không hơn 1 tiểu
đoàn. Thực tế là 1 trung đoàn. Trung đoàn D3 của khu 9.
Theo kế hoạch, 2 tiểu
đoàn sẽ tảo thanh dọc theo sông Tập Ngãi. Dùng chiến thuật trực thăng vận.
TĐ 404, tiểu đoàn thiện
chiến nhất của tiểu khu Vĩnh Bình, nhảy vào vùng Chánh Hội, Trà Mềm, vùng tạm
chiếm. Đánh thốc ra cặp bờ đông sông Tập Ngãi, về hội quân ở xã Hùng Hòa.
TĐ của tôi, 473, nhảy vào
phía tây sông Tập Ngãi, cách trụ sở xã hơn cây số, cũng là vùng tạm chiếm, đánh
cặp theo bờ tây của con rắn xanh, về hội quân ở xã Hùng Hòa.
Trước đó, trực thăng võ
trang đã quần thảo, tác xạ vào những điểm khả nghi.
Thằng 404 nhảy vào trước.
Sau đó là đơn vị của tôi. Từng đợt 5 chiếc trực thăng, mỗi lần bốc 1 đại đội
thảy vào.
Đoàn quân di chuyển được
vài trăm mét, đại bàng ra lệnh dừng quân bố trí. BCH/TĐ đóng ở ngôi chùa bỏ
hoang. Đại đội 3 và 4 bố trí mặt trước. Đại đội 2 và 1 bọc hậu.
Đại bàng vào tần số, theo
dõi cánh quân bạn di chuyển. Môi hở răng lạnh. Có nghe tiếng súng nổ, giao
tranh nhẹ vài phút rồi im lặng. Kẻ địch cũng biết ở hướng đông là thằng 404 nên
né tránh, tạt sang bên nầy, bày binh bố trận để đánh thằng yếu hơn.
Khoảng 15 giờ, nghe tin
cánh quân đầu của thằng 404 về gần đến xã Hùng Hòa, đại bàng hạ lệnh di chuyển.
Chúng tôi ở hướng ruộng, đã thấy mấy đứa con đi đầu của 404. Đại đội 3 đi thọc sâu
vào vườn cây, là điểm trú quân của du kích. Đại đội 4 đi tiếp theo. Trung đội 2
của tôi đi đầu. Đi đến đầu vườn, đã thấy bảng đề, Ấp Chiến Đấu. Vào vài mét là
trạm thông tin, có bảng để ghi tin tức. Có nhà làm bằng tre nứa, có bàn ghế để
đọc sách, hội họp. Đi vào trong, hướng sông, có những mương nước nhỏ, ẩm ướt,
dừa nước bao quanh. Hướng phía ruộng là những gốc dừa, cây còng, tạo bóng mát
cho cả khu vực. Âm u. Lạnh chân. Rồi những ụ công sự chiến đấu. Dò dẫm từng
bước đi vì sợ mìn bẩy...
Thấy chúng tôi đã lọt vào
thế trận. Họ bắt đầu nổ súng. Trước đó các tiền sát viên của họ đã được bố trí
trên các cây cao để quan sát hướng quân di chuyển và điều chỉnh súng cối tác
xạ. Đa số là cối 61 ly. Họ nhắm vào BCH/TĐ trước tiên. Thấy đi tụm cở dưới
chục người, ba bốn cái máy PRC 25 với cần ăng ten giương cao là biết cánh
chỉ huy. Họ cũng chọn thời điểm đánh là sau 16 giờ, trời gần sụp tối. Quân cứu
viện khó tiếp cận.
Đại bàng bị trúng đạn gảy
chân. Cố gắng liên lạc được BCH hành quân. Các quan thầy đang nhậu ở Long Toàn,
nghe tin báo cáo, vội bốc trực thăng lên vùng. Đại đội 3 phụp vào sâu đã bị mần
thịt. Đại đội 4 của tôi vội rút ra. Thầy trò bố trí cạnh bờ đê. Khẩu đại liên
M60 của đại đội 1 nằm phía sau tôi chực chờ nổ súng. Nhưng trước mặt là bạn
chạy ra nên họ không vội.
Từ trong vườn, trước mặt
tôi khoảng 50 mét, VC phất cờ xung phong, la vang inh ỏi chạy ra. Tốp lính ở
đầu hoảng loạn tháo chạy. Phía sau thấy vậy cũng chạy theo. Vọt...
Thời điểm đó, mưa nhiều,
mặt ruộng đầy nước. Và sình lầy. Tôi cởi bỏ đôi giày vải cho không bị té. Chạy
khoảng mười bước nghe tiếng cối 61 sau lưng nổ vang. Nhờ nước và bùn sình nên
miểng không văng xa. Đạn súng nhỏ léo véo sau lưng. Vài người lính gục ngã. Đến
con rạch nhỏ, bề ngang không hơn 10 mét, mấy người lính nói,
- Qua con rạch nầy là
an toàn rồi đó ông thầy.
Họ là lính của đại đội
tôi, đại đội 217 cơ hữu của chi khu trước khi nhập vào tiểu đoàn nên họ thành
thuộc địa hình.
Bước xuống rạch, tôi đành
cởi bỏ ba lô cho nhẹ người. Vì lệnh đi hành quân mấy ngày nên phải mang ba lô.
Xuống nước, chỉ còn, tay
phải là cây colt 45, tay trái là trái lựu đạn tròn M67. Có gì cưa đôi. Nước
lớn, chảy xiết, đến giữa rạch nước ngụp đầu, khẩu colt rớt xuống nước. Đành
chịu. Qua rạch xong, thầy trò nghỉ ngơi chốc lát, rồi tiếp tục lội bộ về điểm
xuất phát hồi sáng. Sân trường tiểu học. Trời đã nhá nhem tối. AC 123 đã lên
vùng thả hỏa châu và xạ kích.
Sau đó chi khu cho người
ra tiếp nhận những người lính trở về.
Các thương binh được sơ
cứu rồi chờ trực thăng tải thương. Một toán lính cũng được ra chốt chặn ở cầu
Song Lộc, sợ lính bỏ ngủ.
Tối hôm đó đơn vị được
quân xa chuyển về hậu cứ. Mấy bà vợ lính hay tin nhốn nháo, chạy ra bệnh viện
quân y tỉnh để nắm tình hình.
Trung sĩ Tuấn, trung đội
phó của tôi, về đại đội trước tôi một hai tháng, hồi ở điểm tiếp nhận của chi
khu thì có mặt. Về đến hậu cứ điểm danh thì mất tiêu. Mấy người lính nói, ổng
vọt về Vũng Tàu rồi.
Sáng hôm sau, mấy tiểu
đoàn vào chiến địa để thu dọn tử sĩ.
Thượng sĩ Sáu Rổ, người
Miên, thường vụ đại đội 3 kể lại,
- Tui chạy ra không được.
Đêm đó leo lên ngọn cây để trốn. Thấy dưới đất họ đốt đuốc sáng rực để thu gom
chiến lợi phẩm rồi chất lên xuồng máy chạy đi. Xế trưa lính vào tôi mới leo
xuống...
Đại đội 3 bị thiệt hại
nặng nhất. Đại đội trưởng, phó, và mấy người lính bị bắt làm tù binh. Đem giam
giữ ở Cồn Cù, Ba Động. Thời gian sau họ trốn thoát được, đại đội trưởng bị bắn
chết. Những người còn lại chạy về, bị ANQĐ mời để thẩm vấn và điều tra tin tức.
Về đến hậu cứ, đại đội
trưởng của tôi được điều động làm xử lý thường vụ tiểu đoàn để điều hành công
việc. Lo hậu sự cho đại bàng và thương binh tử sĩ. Phòng 5 tiểu khu cử sĩ quan
xuống để làm công tác quân huấn. Tiểu khu bổ sung quân số, trang thiết bị.
Mỗi tối, tôi bị điều động
dẫn lính đi nằm chốt, làm tiền đồn. Tối thì nằm ngủ ở đình thần hướng ra sông
Long Bình. Đêm thì đóng chốt ở chùa Miên gần xã Hòa Lợi. Dần dần bạo dạn, hết
sợ chết. Nghĩ rằng có số mạng.
Sau đó tiểu khu có quyết
định cử tiểu đoàn trưởng, và phó, mới. Khung cán bộ các đại đội, các ban của
BCH/TĐ được sắp xếp lại . Lại bắt đầu lao vào cuộc chiến mới. Làm công tác bình
định, đóng đồn, lập ấp ở vùng chiến địa cũ. Xã Tập Ngãi.
Chiến trận đã đúng 49
năm. Nếu vận đen, ngày hôm nay là giỗ lần thứ 49 của tôi.
Cũng như đại bàng, cố
thiếu tá Thạch Ngọc Nhường, đã có 49 lần đám giỗ.
Khoảng gần một tháng sau,
quân xa vận chuyển cả đơn vị đến ngã ba Giồng Lức, xã Thạnh Mỹ. Từ đây cả đơn
vị lội bộ theo con kinh đào thẳng tắp. Rộng khoảng đôi ba mét, nước trong vắt,
nhìn thấy cát ở đáy. Các sĩ quan kỳ cựu nhắc lại, dòng kinh này đã thấm máu
những người lính của tiểu đoàn 472, trong một trận bị phục kích, cách đấy vài
năm.
Một chiến đoàn, gồm 3
tiểu đoàn, được thành lập, đưa vào vùng này. BCH chiến thuật đóng ở nhà thờ Tập
Ngãi. Đơn vị tôi tiến qua chợ Tập Ngãi, đóng quân ở nơi tháng trước nhảy trực
thăng vào. BCH/TĐ đóng ở ngôi chùa. 4 đại đội bao bọc xung quanh.
Một đơn vị bạn vào trước,
đóng hơi xa chúng tôi. Vào đến nơi, lính để ba lô súng đạn, lo đào hố phòng
thủ. Du kích bên kia sông sang tập kích. Mất một số súng đạn quân trang.
Đại đội tôi nằm án ngữ,
hướng nhìn ra sông. Dừa nước mọc dầy, không thấy mặt nước. Mỗi tối nghe xuồng
máy chạy cũng chẳng làm được gì.
Hôm sau, thằng 404 hành
quân vào vùng Chánh Hội Trà Mềm, ổ kiến lửa, đi từ Trà Cú qua. Đơn vị
tôi được lệnh ra án ngữ mặt sông sau xã để giữ an ninh cho đơn vị bạn trở về.
Họ bị vây đánh truy kích, nhưng vẫn chống trả quyết liệt. Phi tuần A37 từ Trà
Nóc sang đánh bom hổ trợ. Chiều tối, đơn vị bạn về cách chỗ chúng tôi
khoảng 1 cây số. Mỏi mệt, họ khoanh vùng nằm lại, dù biết bị bao vây. Đêm đó
chúng tôi cũng nằm lại. Tờ mờ sáng đã nghe tiếng súng nổ, VC tấn công. Họ chống
trả quyết liệt. Ở hướng chúng tôi, thấy bóng người chạy lố nhố. Khoảng 9 giờ
sáng, đơn vị bạn di chuyển ra bằng xuồng ghe. Gặp chúng tôi, họ giơ cao những khẩu
B40, B41, súng AK chiến lợi phẩm. Cũng có thương vong. Một đại đội trưởng tử
thương. Sau đó, số vũ khí nầy được đem triễn lãm ở chi khu, khỏa lấp cho
thất bại của đơn vị tôi.
Khoảng tháng 9/2010, tôi
cùng hai người bạn về thăm lại chiến trường xưa. Đến Tiểu Cần, chỗ ngã ba. Một
đường về xã Hùng Hòa. Một đường ra quốc lộ 60 về Trà Vinh. Anh em ghé quán nước
ven đường nghĩ ngơi uống nước. Thấy chị chủ quán lớn hơn tôi cở 5-6 tuổi, tôi
hỏi thăm,
- Chị ở đây từ hồi đó đến
giờ...
- Đúng vậy. Tôi sinh quán
ở đây.
- Khoảng giữa năm 1973,
có trận đánh lớn ở Tập Ngãi, chị biết chứ...
Đúng ngay tần số,
chị trả lời vanh vách.
- Ở ấp Cây Gáo đó mà. Hồi
đó ông xã tôi làm huyện đội trưởng, dẫn mấy ông D3 đánh trận đó. Quốc gia bị
thương chết nhiều lắm. Tịch thu nhiều súng ống. Sau đó mấy ông 404 vào đánh ở
Chánh Hội Trà Mềm, lấy được mớ súng đem về quận triễn lãm. Ông xã tôi sau
nầy chuyển qua công an quận, làm tới trung tá, rồi về hưu...
Chuyện xưa sau nầy mới
biết...
Tôi và người âm thoại
viên, nôm na là lính mang máy, thầy trò đào chung một hầm. 4 thân dừa chôn 4
góc. Nắp đấp cây chuối còn. Nóc hầm gác lá dừa, lấy bùn đất đắp lên. 2 thầy trò
nằm ngủ ôm máy, có gì mở máy nghe. Lần nầy cho an toàn, tôi thủ cây
M16 cùng mấy băng đạn.
Tháng 11/1973, tôi đi
phép thường niên. Trung đội giao cho chuẩn úy Lam mới về nắm giữ. Một lần đi
giải tỏa cho đồn của đại đội 1, trên đường về, đại đội và BCH bị phục kích ở
kinh Ngọc Hồ, Tam Ngãi Cầu Kè. Nhờ cây cối 81 giải vây. Nhưng có thương vong.
Hạ sĩ Được, âm thoại viên, bị tử trận. Đại đội trưởng và em vợ nó bị thương.
Ngủ yên đi Được nhé !!
Ở chiến trường này, nơi
hoang vắng, những đêm mưa dầm, ếch nhái kêu buồn da diết.
Nhớ bạn bè. Nhớ thành
phố. Người lính có tâm trạng...
Thư Cho Bằng Hữu Ở Biên
Hòa
Xa chúng mày tao buồn cô
độc
Ngồi làm thơ hút thuốc
đốt thời gian
Những kỹ niệm chợt khơi
nguồn sống dậy
Bên cà phê bên khói thuốc
miên man.
Tao nhớ quá những ngày
xưa thân ái
Mình chung trường chung
màu áo học trò
Giờ sách vở cũng trở
thành xa lạ
Cổng trường xưa còn có
đợi chờ.
Bạn bè chung lớp giờ còn
dăm đứa
Áo chinh nhân bên gươm
súng miệt mài
Đứa trở lại nửa hình hài
tàn phế
Trắng cuộc đời trắng cả
tương lai.
Tao rồi cũng lăn thân vào
sương gió
Nắng quê hương in mái tóc
phiêu bồng
Chút nước mắt tưới xanh
hồn cây cỏ
Trả ơn đời trả nợ núi
sông.
Đêm chiến tuyến với nỗi
buồn ngút mắt
Trời vào đông sương buốt
lạnh tái tê
Tay gối súng chừng nghe
đời ngoảnh mặt
Rừng cây xanh ngăn kín
lối đi về.
Lần về phép gặp nhau mừng
kể lễ
Chung bàn tròn ly rượu ấm
chuyền môi
Men rượu đắng nhưng thâm
tình vẫn ngọt
Ngôn ngữ nào kể hết
chuyện chia phôi.
Uống dùm tao tách cà phê
nóng
Đắng cay nào nồng đậm
trên môi
Như thiếu chút gì trong
cuộc sống
Tao ngồi đây nghe thương
nhớ đầy vơi.
Mai hết giặc tao về bên
gối Mẹ
Ôm cuộc đời rao bán người
mua
Đời sẽ buồn và đời sẽ
chán
Vì tương lai có cũng bằng
thừa.
Điếu thuốc tàn như ngày
chợt tắt
Tao trở về hiện tại của
tao
Những hào lũy kẽm gai
giăng mắc
Ngày mai ơi, xin vẫy tay
chào...
Tôi có người bạn chung lớp. Nó đi HSQ từ sau Mậu Thân. Sang mùa hè đỏ lửa, nó tình nguyện qua binh chủng dù, tiến đánh tái chiếm cổ thành Quảng Trị. Nó bị pháo dập nát một tay một chân, thành TPB chưa bao lâu thì mất nguồn thu nhập. Nó lang thang chỉ tìm bạn bè rồi chết trong cô độc. Nghiệp ơi !!
Đào hầm hố phòng thủ
xong, mỗi sáng đi phát quang. Mỗi người được phát một cây rựa. Toán phát quang.
Toán cảnh giác. Đi về hướng xã Tập Ngãi là vùng rừng thưa, nhiều cây còng, cây
dừa ăn trái. Mỗi cây được quấn 1 thỏi TNT, kích điện nổ là đổ ngã. Trái dừa thu
lượm để uống. Nếu nhiều thì nấu cơm bằng nước dừa. Mỗi cây có 1 củ hũ dừa. Hầm
vịt hoặc thịt heo thì ngon ngọt béo. Đời lính có những giây phút huy hoàng.
Rồi cũng có thương vong. Một lần phát quang, đánh nổ cây còng. Thiếu úy Châu, ban truyền tin tiểu đoàn, bị một miếng vỏ cây nhỏ trúng hư một con mắt. Sau này được giải ngủ. Tháng 1/1974, tôi được đề cử thay thế và sau đó đi học khóa chuyên môn căn bản truyền tin.
Khoảng một tuần lễ hoặc
mươi hôm thì có chuyến tiếp tế từ quận vào. Xuồng chở qua những con rạch nhỏ,
có lính nằm án ngữ. Tiếp tế thực phẩm thuốc men đạn dược...
Cần gì có nấy.
Khoảng 10 ngày sau, xung
quanh có phần trống trải, dân công, nghĩa quân ở xã, ở quận lên lập đồn,
lập ấp.
Cái chết thì không đối
diện, nhưng tử thần rình rập xung quanh. Dưới chân phải đi cẩn thận. Một cái
hộp lon cá mòi, nhét thuốc nổ vào, gài kíp nổ. Một trái đủ loại 3 người ra
ngoài vòng chiến đấu. Một người bị thương. Hai người tải thương. Trái đạn 105
ly lép, đạn cối lép, cũng đủ hốt xác một người. Rồi bắn sẻ. Pháo kích bằng lựu
đạn bắn ná giàn thun.
Anh bạn sau nầy kể
lại. Anh ta đi học khóa không trợ, theo chuyến tiếp tế vào trình diện đại bàng.
Chưa kịp ngã lưng, bị dính miểng lựu đạn pháo kích trúng vào đùi. Hên là trực
thăng tải thương có liền. Lại được nghỉ dưỡng thương mấy tháng.
Có 1 người lính của trung
đội tôi, muốn được giải ngủ. Anh ta tháo trái lựu đạn ra. Lấy kíp nổ kẹp vào
ngón chân. Lấy sợi dây kẽm buột vào chốt an toàn. Nằm trong hầm, đưa bàn
chân ra giật chốt. Mất 3 ngón chân, và mất máu. Đại bàng thấy vậy cho sơ cứu,
rồi gọi trực thăng chuyển thương. Nhưng tức giận, ông làm báo cáo tự hủy hoại
thân thể, không được ra hội đồng, phải ra tòa án binh.
Cứ thế, ngày lại qua
ngày.
Sau 5 tuần lễ, tiểu đoàn
khác vào thế chân. Đơn vị tôi được rút quân. Lại phiêu bạt ở vùng đất Vĩnh Bình
Trà Vinh.
BCH/TĐ và đại đội 4 về
làm trừ bị, phòng thủ cho chi khu Cầu Ngang. 3 đại đội khác, mỗi đại đội về một
chi khu, đóng đồn. Kế hoạch của tiểu khu muốn nâng cấp đơn vị tôi không hiện
thực, vì thiếu yếu tố con người, và lòng can đảm.
Tuổi trẻ chúng tôi là như vậy đó. Phiêu lưu trong cuộc chiến. Đối đầu với cái chết hiểm nguy. Có những người trẻ đã vĩnh viễn ra đi. Tôi còn có cơ hội gặp lại đại bàng, tháng 3/2011, sau 37 năm xa vắng. Dù sao cũng là một người anh đáng kính. Một niên trưởng đáng yêu.
Đại bàng, cố thiếu tá
Thạch Ngọc Nhường, ngủ yên đi nhé.
Những bạn bè một thời
khói lửa, sát cánh bên nhạu, hãy ngủ yên đi bạn.
Tôi còn sống, còn thức,
còn trăn trở với những gì có được hôm nay.
Rồi tất cả sẽ đi vào quên
lãng khi ta thành cát bụi...
Viết cho ngày 28/7/1973.
49 năm sau...
Đỗ Công Luận. 28.07.2022
đánh trận dỡ như vầy kể làm chi!
ReplyDeleteTôi mới về đơn vị hơn 3 tháng. Trước đó mấy tháng, TĐT đã tử trận. Vị sau nầy là người thứ 2 tiếp tục tử trận. Tinh thần binh sĩ quá tệ. Lãnh đạo cũng vậy. Đến người thứ 3, cho đến ngày tan hàng, cầm quân có hiệu quả. Đánh đấm có bài bản. 2 lần bị phục kích, phá được thế trận, dù có chút hi sinh. Quan trọng là người chỉ huy can trường. Tinh thần binh sĩ phải quả cảm. Ít ra như TĐ 404.
ReplyDeleteTôi viết lại để nhớ về kỹ niệm đời lính. 14 tháng ở đơn vị tác chiến. Nếu không, còn gì để viết.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ.
Xin cảm ơn chị NPN đã giới thiệu bài viết đến mọi nhà...
Bài viết về chiến trường xưa của quí Niên Trưởng hay quá
ReplyDeleteXin cảm ơn chị NPN đã chia sẻ bài viết đến mọi người.
ReplyDeleteXin cảm ơn vi hữu đã chia sẻ, dù chỉ là kỹ niệm buồn, đong đầy máu xương...ĐCL