Sẽ đến thời chúng ta không còn viết sơ yếu lý lịch
nhưng bắt đầu viết cáo phó cho mình. Tôi không chắc ai là người nói câu
đó đầu tiên, nhưng nó hàm chứa một sự khôn ngoan.
Sơ yếu lý lịch và cáo phó khác nhau ở điểm nào?
Sơ yếu nói lên những thành tựu của bạn, cáo phó thể hiện cách bạn muốn được tưởng
nhớ và những điều tốt lành nuôi dưỡng nào bạn muốn để lại. Nhưng chính
xác làm thế nào để viết được cáo phó sao cho nó đừng chỉ là một phiên bản kiểu
khác của lý lịch? Tôi xin đưa ra gợi ý thế này.
Trong Do Thái giáo, có truyền thống là hằng năm, một
người trưởng thành phải đưa ra một di chúc tâm linh. Ban đầu, nó là kiểu
di chúc thông thường, tập trung vào việc mai táng, phân chia tài sản, cách xử
lý những việc còn dang dở trong đời mình về mặt pháp lý và thực tế. Tuy
nhiên, qua thời gian, nó biến đổi thành dạng di chúc tập trung hơn vào việc xem
lại đời mình, nêu bật những gì quý báu nhất đời, những hối hận và xin lỗi thật
tâm, những lời chúc phúc cho những người mà mình muốn có lời từ biệt thật đặc
biệt. Di nguyện này được xem lại và viết lại hàng năm, cuối cùng là được
đọc to trong tang lễ như là lời cuối cùng chúng ta muốn để lại cho người thân
yêu.
Đây có lẽ là một việc làm rất hữu ích cho chúng ta, trừ
việc di chúc này không phải viết ra để đưa cho luật sư, nhưng trong tinh thần cầu
nguyện, gửi gắm cho một linh hướng, một cha giải tội đang giúp chúng ta.
Vậy di chúc tâm linh này nói đến những chuyện gì?
Nếu bạn đang cần những ví dụ, thì tôi xin đưa ra tác
phẩm và những bài viết của Richard Groves, đồng sáng lập Trung tâm Nghệ thuật
Thiêng liêng của Đời sống. Trong hơn 30 năm ông làm việc trong lĩnh vực
tâm linh cuối đời và cho chúng ta một vài hướng dẫn rất hữu ích về việc lập một
di chúc tâm linh và đều đặn làm mới nó. Di chúc tâm linh tập trung vào ba
điểm này.
Thứ nhất: Trong cuộc đời,
Thiên Chúa muốn tôi làm gì? Tôi đã làm chưa? Tất cả chúng ta đều có
một vài ý thức về ơn gọi, ý thức mình có một mục đích khi tồn tại trên đời, ý
thức mình đã được giao nhiệm vụ để hoàn thành trong đời. Có lẽ chúng ta
chỉ nhận thức thoáng qua về nó, nhưng với một mức độ nào đó, mỗi một chúng ta đều
ý thức về một bổn phận và mục đích nào đó. Việc đầu tiên trong di chúc
tâm linh là cố nắm bắt điều này. Thiên Chúa muốn tôi làm gì trong cuộc đời?
Tôi đã làm tốt hay tệ việc đó?
Thứ hai: Tôi cần phải
nói lời xin lỗi với ai? Tôi có những điều gì hối tiếc? Cũng như người
khác đã làm tổn thương ta, thì chúng ta cũng có thể làm tổn thương người
khác. Trừ phi chết trẻ, tất cả chúng ta đều từng mắc sai lầm, từng làm tổn
thương người khác và làm những việc mà mình hối tiếc. Một di chúc tâm
linh là xác định việc này với một lòng thành thật tận cùng và hối hận sâu sắc.
Chúng ta không bao giờ có tấm lòng cao cả, cao thượng, sùng tín và xứng đáng được
tôn trọng hơn, khi chúng ta quỳ gối chân thành nhận ra điểm yếu của mình, xin lỗi
và hỏi xem chúng ta cần làm gì để sửa chữa.
Thứ ba: Trước khi qua đời,
tôi muốn chúc phúc và trao lại món quà nuôi dưỡng cụ thể cho ai? Chúng ta
được gần giống Thiên Chúa (truyền năng lượng thần thiêng vào cuộc đời) những
khi chúng ta ái mộ người khác, tán thành người khác, cho họ những gì chúng ta
có thể làm để giúp cuộc đời họ tốt hơn. Nhiệm vụ của chúng ta là làm việc
này cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta đâu thể làm cho tất cả, nên chúng ta
làm cho một số người, và là những người cụ thể. Trong di chúc tâm linh,
chúng ta có dịp để nói lên những người mà chúng ta muốn chúc phúc nhất.
Khi tiên tri Ê-li mất, người hầu cận ngài là tiên tri Ê-li-sê nài xin ông để lại
cho mình “phần gấp đôi” thần trí của ông. Khi chết, chúng ta phải để lại
tinh thần của mình làm của nuôi dưỡng cho tất cả mọi người, nhưng có những người
cụ thể mà chúng ta muốn để lại “phần gấp đôi.” Trong di chúc này, chúng ta nêu lên những người đó là ai.
Trong quyển sách đầy thách thức: Bốn điều quan trọng
nhất (The Four Things That Matter Most), bác sĩ Ira Byock, người chăm sóc cho
những người hấp hối, nói rằng có bốn điều chúng ta cần nói với những người thân
yêu trước họ khi qua đời. “Xin tha thứ cho tôi”, “Tôi tha thứ cho bạn”,
“Cám ơn”, và “Tôi yêu bạn.”
Ông nói đúng, nhưng với những chuyện chẳng ngờ, những căng thẳng, tổn
thương, đau lòng và thăng trầm trong tình cảm, kể cả với những người mà chúng
ta yêu thương nhất, không phải lúc nào cũng dễ (và đôi khi là bất khả thi) nói
ra những lời này cách rõ ràng nhất. Một di chúc tâm linh cho chúng ta cơ
hội để nói những lời này với tâm tư vượt lên những căng thẳng thường che mờ
tình cảm giữa chúng ta,
và ngăn chúng ta nói rõ những lời quan trọng này, để rồi
ở tang lễ, sau những lời điếu văn, chúng ta sẽ không còn chuyện gì dang dở.
Rev. Ron Rolheiser, OMI
No comments:
Post a Comment