Khi bàn về cái tôi, người ta thường nói hóm hỉnh rằng: trong cuộc sống, cái tôi mà nặng thì thành tội; cái tôi huyền thì thành tồi; và cái tôi sắc thì thành tối. Mà sống trong tội lỗi, tồi tàn và tăm tối đều là sống trong sự thiếu hiểu biết. Vậy phải chăng sự hiểu biết và cái tôi có sự đối lập như Albert Einstein đã từng nói: “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều thì cái tôi càng nhỏ. Hiểu biết càng ít thì cái tôi càng lớn.”
Phát
biểu của Albert Einstein đưa ra một vấn đề cần được xem xét và chứng minh. Vấn
đề đó là mối liên hệ tỷ lệ nghịch giữa sự hiểu biết và cái tôi. Để có thể thấy
được mối liên hệ tỷ lệ nghịch này, chúng ta cần xem xét một số vấn đề như định
nghĩa về “cái tôi”, đặc điểm của “cái tôi” và phân tích “cái tôi” trong mối
quan hệ với sự hiểu biết”
Một cụ ông hỏi một cụ bà về định nghĩa của tình yêu. Cụ bà lắc đầu, không thể đưa ra một khái niệm chắc chắn về tình yêu bởi “yêu” là một khái niệm trừu tượng. Cũng như thế, rất khó để có thể đưa ra một định nghĩa hoàn hảo về khái niệm “cái tôi”. Bởi chúng ta không thể chỉ vào một vật nào đó và nói rằng đây là “cái tôi” hay kia là “cái tôi”. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận biết và gọi danh cái tôi thông qua những biểu hiện của nó. Cái tôi của một người có thể được xem là thái độ nhận định của người đó về chính mình, thái độ đó có xu hướng đề cao bản thân, xem bản thân hơn người khác. Vậy câu nói của Albert Einstein có ý cho mọi người thấy rằng: người càng hiểu biết sâu rộng thì càng tự hạ mình, tôn trọng và chấp nhận người khác. Còn người càng ít hiểu biết thì lại càng cho là mình hơn người khác, đặt bản thân lên trên người khác. Nói đến đây, chúng ta cũng đã có thể phần nào hiểu được về cái tôi. Tuy nhiên, chúng ta cần phải bàn thêm nhiều hơn để có thể thấy rõ những đặc điểm của cái tôi trong mối liên hệ với sự hiểu biết.
Cái
tôi đi liền với việc cá nhân luôn cho mình là đúng là hơn người. Người có cái
tôi lớn tự tin một cách thái quá vào khả năng của bản thân, nên họ cho rằng suy
luận, ý kiến của họ là đúng, là tốt nhất. Và khi nghĩ như vậy thì họ không chịu
chấp nhận những ý kiến trái chiều hay những lời phê bình và chỉ trích. Họ sẵn
sàng phồng mang trợn má, dùng mọi nỗ lực để bảo vệ cho “cái tôi” to lớn kia.
Khi nhìn vào các cây liễu và cây dầu trong cơn bão, cây liễu mềm dẻo, uốn mình
thừa nhận sự yếu đuối của nó trước những cơn gió mạnh bạo. Trong khi đó, cây dầu
lại đứng hiên ngang, giương tất cả các cành to khỏe nhất, cứng cáp nhất để thể
hiện sức mạnh của mình, để khẳng định “cái tôi” của nó. Kết quả là cây dầu đã bị
quật đổ, cành cây xơ xác, còn cây liễu thì mỗi ngày mỗi lớn hơn dẫu cho biết
bao nhiêu cơn bão đã qua đi. Người có cái tôi càng lớn thì họ lại càng không sẵn
sàng tiếp thu những đóng góp của người khác nên chẳng thể thu tích được những
tư tưởng hay những điều hay điều mới lạ. Dần dần, cái tôi của họ trở nên lớn hớn
và sự hiểu biết thì đâm ra hạn hẹp. Còn đối với những người có cái tôi càng nhỏ,
họ sẵn sàng rộng mở, đón nhận những yếu đuối của bản thân từ đó mà khắc phục và
hoàn thiện hơn, hiểu biết nhiều hơn.
Thêm
một đặc điểm nữa khi nói về cái tôi, người có cái tôi lớn là người có xu hướng
che giấu, giữ lấy cái xấu, cái dở và cả cái ngu của họ mà không thèm đến cái
hay cái tốt nơi người khác. Lý do khiến họ muốn che giấu là vì cái tôi to lớn của
họ không muốn người khác biết được yếu điểm của họ, vì như thế thì sẽ rất dễ bị
thua người khác. Khi che giấu cái dốt của bản thân, họ đã vô tình đóng lại cánh
cửa duy nhất của sự hiểu biết. Họ chặn không cho mình tiếp thu những bài học mới
mà cứ giữ lấy những quan điểm, những định kiến cũ rít của mình.
Một cái ao tù muốn đem lại sức sống mới thì không còn cách nào khác ngoài việc bỏ
đi những khối nước tù đọng và nghèo nàn, thay vào đó là những dòng nước mới và
giàu phù sa. Chúng ta không thể tiếp thu một điều mới mẻ và cấp tiến nếu cứ giữ
lấy những tư tưởng bảo thủ. Giống như chúng ta không thể nào cầm lấy những quyển
sách mà trên tay chúng ta lại ôm lấy cả một đống giấy vụn. Cách duy nhất là
chúng ta hãy bỏ đống giấy đó xuống và đưa tay đón lấy những quyển sách. Hãy đặt
cái tôi của chúng ta xuống và đón lấy những điều mới mẻ.
Khi
xem xét sự hiểu biết trong mối quan hệ với cái tôi, chúng ta có thể thấy rằng
người có cái tôi lớn là người hiểu biết rất ít về chính họ. Còn người có cái
tôi nhỏ hóa ra lại là người biết rất nhiều về bản thân. Dựa trên đặc điểm của
cái tôi, chúng ta dễ nhận ra rằng, người có cái tôi càng lớn thì càng hành động
theo cảm xúc. Có thể chỉ cần một lời nói tựa như một giọt nước lạnh đụng chạm đến
cái tôi to lớn của họ, chê bai hay chỉ trích chẳng hạn, thì họ tưởng chừng như
đang bị dội cả một gáo nước lạnh hay cả một xô nước lạnh lên đầu, thế là họ có
thể đã bực tức, cau có phản ứng dữ dội và để cảm xúc lấn áp lý trí. Những người
như thế thật thiếu hiểu biết về chính mình. Ngược lại, người có hiểu biết sâu rộng
sẽ tìm để biết mình và hành động dựa trên lý trí, thay vì tình cảm. Người càng
hiểu biết thì càng bình tĩnh và điềm đạm, họ suy xét kỹ lưỡng và sẽ nhận ra được
những khiếm khuyết của bản thân. Từ đó, người càng hiểu biết thì càng hiểu bản thân
hơn. Khi đã nhận ra yếu đuối của bản thân, thì cái tôi của họ sẽ càng ngày càng
nhỏ lại. Dù có bị dội cả xô nước thì họ vẫn cảm thấy mát lạnh, sảng khoái, và
thậm chí là họ còn cảm ơn người đã giúp họ rửa sạch những nhơ bẩn nơi họ.
Sau
khi phân tích mối quan hệ giữa cái tôi và sự hiểu biết, chúng ta có thể khẳng định
rằng Albert Einstein đã đúng khi cho rằng “Hiểu biết càng nhiều, cái tôi
càng bé. Hiểu biết càng ít, cái tôi càng lớn”. Cái tôi là một
khái niệm thật khó để diễn tả hết. Cái tôi nằm trong ngay chính mỗi người,
nhưng không phải ai trong chúng ta cũng đủ hiểu biết để nhận thức và làm cho nó
nhỏ lại. Không ai trong chúng ta muốn bị người khác gán cho cái mác là “cái tôi
lớn” và cũng không ai muốn trở thành một kẻ ngu si, thiếu hiểu biết, nên mỗi
chúng ta cần nhận biết và kiểm soát cái tôi của mình. Chúng ta cần làm cho mình
trở nên hiểu biết hơn và làm cho cái tôi bé hơn mỗi ngày.
Micae
Thân Trọng Hưng, MF
Chí lý!
ReplyDelete