Tôi đến nước Đức 3 lần để thăm gia đình con gái. Mỗi lần ở lại 3 tháng, có dịp tiếp xúc với một số người Việt Nam ở Berlin. Có nhiều người đi bằng con đường hợp pháp như “xuất khẩu lao động”, học nghề … cũng có người du lịch qua một số nước Đông Âu rồi … trốn ở lại. Không ít bạn trẻ đi bằng “đường dây” nhập cư lậu vào Đức …
Tàu điện trên tuyến đường đến và đi ngang chợ Đồng Xuân đều chở người Việt
Nhẹ dạ cả tin
Nghe lời đường mật của nhiều công
ty chuyên “xuất khẩu lao động”, dịch vụ du lịch là “đường dây” móc nối người qua CHLB Đức, nhiều gia đình đã hí hửng … đầu tư cho con em. Họ sẵn sàng “cắm sổ đỏ”, vay
ngân hàng … 4,
5 trăm triệu đồng cho con lên đường vì một … tiền đồ hứa hẹn. Tìm đến Đức, trốn
lại, kiếm việc chi đó làm hòng gỡ lại tiền! Đức có là nơi dễ kiếm ra tiền,
lương cao như nhiều người chưa đặt chân đến đã “vẽ” ra một tương lai xán lạn?
Đã qua rồi, cái thời của những thập niên 80, 90 thế kỷ trước!
Chiều nọ, tôi ngồi đợi tàu điện ở trạm Antonplatz. Trời lất phất mưa, se lạnh. Từ xa, một cô gái đi lại. Cô ta ngoài 30 tuổi một chút, khuôn mặt dễ nhìn. Cô chào tôi với giọng Huế: “Cháu chào chú!”. Tôi gật đầu cười và chủ động hỏi chuyện. Cô ta kể: “Cháu quê ở Huế, đi xuất khẩu lao động sang Hungary, nghe theo lời đứa bạn cùng quê rủ. Cháu sang Đức được 4 năm rồi… hiện đang làm nails, và ở chung với người bạn gần chợ Đồng Xuân. Cuộc sống quá bấp bênh, chưa ổn định chú ơi!”. 4 năm mà vẫn chưa ổn định!? Cô ta vừa học nghề vừa làm cho một tiệm nails ở quận Pankow. Tiệm đang sửa chữa nên hơn 2 tháng tới cô không biết lấy tiền đâu để ăn uống và góp với bạn trả tiền nhà, điện, nước …
Chị bạn người Quảng Bình, xót lòng
kể với tôi. Chị có đứa cháu gái đang học đại học năm thứ 2 tại Ba Lan. Không hiểu
thế nào, năm 2018 lại sang Berlin. Sau gần 1/2 tháng ở lại nhà chị, cháu … bỏ
đi với lý do là sợ cảnh sát “bế”! Bẵng đi gần 3 năm, chị nghe tin dữ từ Việt Nam báo sang, cháu vừa học vừa làm
nghề nails cho một cửa tiệm tại Berlin đã bị bắt vì không có giấy tờ…“Sau dịch
COVID-19 không biết cháu ra sao. Cả nhà bên Việt Nam cũng không có tin tức gì”,
giọng chị bạn chùng xuống.
Chỉ biết xin tiền người đồng hương quê Việt
Mới đây, tôi gặp và trò chuyện với
một cô gái trên tàu điện. Cô ta khoảng ngoài 40, quê ở Vinh, Nghệ An, sang Đức
nay đã 9 năm. Hai vợ chồng có 3 đứa
con. Chồng đi làm lo trả tiền nhà, mua vé tàu điện…Cô lo việc ăn uống, tiền học
cho con … Hiện cô đang phụ việc cho một quán bán sushi. Thu nhập không đủ lo ăn
uống, sinh hoạt cả nhà, kể cả “ăn” vào tiền trợ cấp của mấy đứa con nhỏ. “Bên
này đủ loại chi phí chú ạ! Hai vợ chồng cháu đều đi làm mà còn phải “bơi”. Huống
chi nhiều người qua đây thất nghiệp. Cháu thấy gần cha mẹ, gia đình có thiếu thốn
vẫn dễ thở hơn đó chú!”, cô nói rồi gượng cười.
Tiếng kêu bi thương
Vào một trang mạng xã hội của nhóm
người Việt bên này, đọc thấy nhiều bạn trẻ kêu gọi người đồng hương giúp đỡ mà
thương xót cho thân phận cô đơn, thiếu thốn nơi xứ người của họ. Một bạn nam,
quê Nghệ An, viết: “Sau bao ngày tìm kiếm công việc nhưng vẫn không được. Bây
giờ thất nghiệp ở ké bạn, không còn tiền bạc thật sự rất bất tiện. Nhà bạn còn
có con nhỏ. Biết bạn bè giúp nhau vậy nhưng em cũng thấy ngại vì quấy rầy mà
tìm việc thì không ra để làm. Giờ khó khăn quá mọi người ạ! Ai có công việc gì
cho em theo với. Bất kể tốt hay xấu, nguy hiểm gì cũng được, miễn có ít đồng
trang trải cuộc sống hiện tại và chỗ ăn ở là tốt lắm rồi. Nhiều khi nghĩ bất lực,
tuyệt vọng cùng cực luôn!”.
Và một bạn
khác: “Em có vài lời tâm sự khi thấy tình hình việc làm quá khó khăn cho những
người mới sang. Nước Đức giờ đang khó khăn. Dân tị nạn Ucraina (Ukraine)gần 1
triệu người. Giờ Hungary họ mở cửa lao động, nhiều anh chị em nghe lời ngon ngọt
của môi giới, qua mới biết cuộc sống không phải là màu hồng, mà đen như tiền đồ chị Dậu. Cộng thêm chi
phí hàng hóa ngày càng đắt đỏ. Làm ăn thì đi đâu cũng gặp người Việt cạnh tranh với nhau … Đi đâu cũng toàn mấy ông Thổ. Em
ngán lắm rồi!”.
Hầu hết nhân viên trong chợ Đồng Xuân là người Việt
Đôi vợ chồng trẻ nọ ở Berlin vừa mới sinh con nhỏ. Do mâu thuẫn gì đó, chủ nhà người Việt, nuốt lời hứa đòi đuổi ra khỏi nhà. Họ tìm nhà thuê trong vô vọng! Chỉ đơn giản là thuê 1 căn phòng trú
ngụ qua mùa Đông
băng tuyết sắp tới. Liệu có phép màu trong đời thực nơi xứ người?
Ai tha hương tìm kế mưu sinh cũng
khó hết, biết kêu ai? Mà đâu chỉ có mỗi gia đình nhỏ của đôi vợ chồng trẻ người
Việt này lâm vào cảnh…cùng cực? Một bạn khác chia sẻ trên mạng xã hội: “Đợt này
đường Hungary và Ba Lan thông nên người tràn qua quá nhiều. Đồng nghĩa với thất
nghiệp quá đông. Mình thấy có mấy bạn trẻ đi nhặt vỏ chai ở Alexanderplatz để
kiếm sống. Mình góp ý thế này. Những ai chưa sang hoặc nếu sang theo diện nước
thứ 3 thì hãy ở yên, làm 1 thời gian để kiếm tiền và cứng giấy tờ đã. Những ai
sang rồi, đang thất nghiệp mà vẫn còn giấy tờ công ty ở nước thứ 3 thì xin hãy
quay về đó mà làm. Chứ nước Đức mình thấy càng ngày họ càng siết chặt về lao động
nên không có giấy tờ rất khó xin việc”.
Chợ Đồng
Xuân hiện cũng quá tải người lao động trong nhiều nhà hàng, quán ăn, tiệm nails
… Người thì đông mà việc thì ít! Một số nhà hàng, quán ăn tại Berlin trong năm
2024 sẽ không còn được giảm thuế vì ảnh hưởng dịch covid như mấy năm qua nữa …
Sống trong lo âu, thấp thỏm
Báo người Việt tại Đức đưa nhiều
tin cảnh sát Đức đã triệt phá đường dây đưa lậu người Việt vào Đức. Hơn 30 căn
nhà và cửa hàng của 7 tiểu bang từng bị kiểm tra. 6 người bị bắt và 30 người bị
tạm giữ, thêm Berlin có 5 người bị bắt. Tháng 6/2023, cảnh sát và cơ quan điều
tra Đức đã kiểm tra 2 tiệm nails của người Việt ở thành phố Dortmund. Họ phát
hiện cùng lúc tới 11 người nhập cư lậu! Chủ 2 tiệm nails bị bắt tạm giam để điều
tra. Thỉnh thoảng cảnh sát Đức mở các cuộc khám xét bất ngờ sau khi có các cuộc
điều tra về nạn buôn người từ Việt Nam sang Đức. Tình hình kinh tế-xã hội hiện
nay ở Đức đang đối mặt với nhiều thách thức. Việc tăng cường kiểm tra không chỉ
ở biên giới mà còn trong nhiều thành phố, đã khiến những người không có giấy tờ, làm chui tại Đức
sống trong lo âu, thấp thỏm. Đã có không ít bạn trẻ thất nghiệp ở Đức bây giờ
muốn quay lại Ba Lan hoặc Hungary mà không biết đi đường nào cho an toàn!? Có
vài bạn rủ nhau nhập trại hy vọng được cho vé máy bay hồi hương!
Một bạn nam, tên Th. gần 30 tuổi,
quê Hà Tĩnh, thật thà nói: “Bán sức khỏe sống qua ngày bác ạ! Làm ở đây bằng giấy
tờ của người khác cũng sợ bị bắt đuổi về lúc nào không biết!”. Sống trong tâm
trạng lo âu, đầy áp lực như vậy liệu chịu đựng đến bao giờ? Người thân ở quê
nhà có biết? Còn bao nhiêu người đang ở Việt Nam dự định sẽ đưa con em mình
sang Đức … tìm đường … ở lại?!
Bài & ảnh LKD
No comments:
Post a Comment