Hình minh họa
Trong phòng đợi chỉ còn
hai người bệnh, một bà cụ quen mặt, nhìn là Tri nhớ ngay tên, bà Julie, đến để
đo huyết áp và xin thuốc cho bệnh khớp xương, và một thanh niên lạ mặt. Khi cầm
hồ sơ của bà Julie, liếc nhìn con số của hồ sơ còn lại, Tri biết là một hồ sơ
mới. Anh đưa mắt nhìn người bệnh mới đang ngồi chờ. Đó là một thanh niên cao
lớn, có bộ ria trên lưa thưa màu râu ngô. Anh ta mặc chiếc sơ mi xanh nhạt, tay
dài được xắn lên và một chiếc quần jeans xanh đậm. Người thanh niên trả lại cái
nhìn của Tri bằng ánh mắt nửa làm thân nửa dò xét.
Tri gọi tên bà Julie rồi quay gót đi trước vào văn phòng mình. Trong khi ngồi
chờ bà cụ đang lụm cụm đi vào, Tri phỏng đoán về người khám bệnh còn lại. Chắc
là thành phần chuyên đi xin thuốc loại bị kiểm soát. Kinh nghiệm sau ba năm làm
chung phòng mạch ở đây với hai đồng nghiệp khác, Tri biết bệnh nhân thuộc loại
này thường chọn những lúc gần hết giờ làm việc để vào khám, với hy vọng bác sĩ
vào lúc đó đã mệt mỏi, muốn gấp về mà dễ dãi với họ. Chọn giờ gần đóng cửa là
chọn lúc phòng mạch còn ít khách, ít người để ý và bệnh nhân loại này dễ thao
túng, dễ hăm dọa bác sĩ nếu cần. Loại bệnh nhân này khi đến khám bệnh lần đầu
thường chọn một trong hai cách: hoặc tỏ ra hung dữ vừa xin thuốc vừa đe bác sĩ,
đại loại nếu ông không cho tôi thuốc không chừng tối nay tôi sẽ tự tử, tôi sẽ
giết người và ông sẽ là người chịu trách nhiệm. Cách thứ hai là ngồi kể lể,
khóc lóc rồi năn nỉ. Đối mặt với thành phần bệnh nhân này, Tri đã chọn cho mình
một lối hành xử mà anh tin là hữu hiệu, đó là cứng rắn nhưng không để họ rời
phòng mạch mà không được gì hết. Từ chối loại thuốc người bệnh xin, nhưng Tri
lại thế vào đó một hai thứ thuốc mẫu cho không người bệnh.
Thường thường thì họ vẫn bất mãn nhưng cũng ra về với một ít thuốc mẫu mang
theo. Cùng lắm Tri mới gián tiếp mời thành phần bệnh nhân này ra khỏi phòng
bằng cách xé trước mặt họ tờ giấy ruột của hồ sơ mới mở và nói, xin ông bà hay
cô cậu đi khám nơi khác và coi như chưa bao giờ khám ở phòng mạch này. Tri
không bao giờ tỏ ra sốt ruột vì đã hết giờ làm việc mà bệnh nhân còn ở trong
phòng khám bệnh. Ngồi thì vẫn ngồi, nghe vẫn nghe, cần thì giải thích nhưng cho
thuốc theo ý muốn của bệnh nhân thì Tri không cho. Và bao giờ anh cũng chấm dứt
cuộc tiếp xúc bằng câu nói: Nhiệm vụ của người thầy thuốc là giúp đỡ bệnh nhân
chứ không phải trở thành đồng lõa với bệnh nhân.
Tri chậm rãi đi theo sau bà Julie trở ra phòng đợi. Anh cầm lấy hồ sơ cuối
cùng, liếc nhìn tên rồi cất tiếng gọi:
-Ông Robert.
Người thanh niên đưa cánh tay mặt với ngón trỏ chỉ lên trời rồi đứng lên lặng
lẽ bước theo Tri. Anh ta húng hắng ho và hắc xì vài cái. Chờ cho người
bệnh ngồi xuống ghế đối diện, Tri mới ngồi xuống ghế của mình, hỏi giọng sốt
sắng:
-Anh mới đến khám lần đầu? Anh đau sao?
-Mấy hôm nay tôi ho.
-Ho khan hay ho có đàm?
-Ho khan.
-Có sổ mũi không?
-Có hơi hơi. Rát cổ và nhức đầu nữa.
Tri cảm thấy nhẹ người. Nghi anh ta là bệnh giả hoá ra anh ta có triệu chứng
bệnh thật. Tri đưa Robert sang phòng khám và khám thật kỹ. Robert bị cảm thật,
nhưng cảm thường thôi, không có biến chứng. Trở lại bàn viết, Tri lấy toa định
biên thuốc thì Robert bỗng cất tiếng:
-Nói thiệt với ông tôi vừa “ở trong” ra, không có tiền mua thuốc. Ông có thuốc
gì cho tôi uống đỡ vài ngày.
Dân ở đây dùng hai tiếng “ở trong” để chỉ nhà tù. Tri làm thinh đi lại tủ thuốc
mẫu, lấy một ít thuốc cảm viên, lấy nguyên một chai thuốc ho đưa cho Robert và
nói:
-Thuốc viên anh uống một viên cách sáu tiếng cho đến khi hết đau nhức,
thuốc ho anh uống một muỗng cà phê cách bốn tiếng nếu cần. Sau năm ngày nếu
không bớt trở lại khám.
Robert cầm thuốc tươi cười nói cám ơn. Bây giờ Tri mới để ý có một chút gì
tương phản nơi con người của Robert, một tia mắt buồn buồn, một nét cười trẻ
thơ nơi một vóc dáng cao lớn lực lưỡng.
Chừng một tháng sau Robert trở lại phòng mạch. Anh không khám bệnh mà dẫn một
cô bạn gái đến khám. Robert giới thiệu cô gái với Tri:
-Đây là Sylvie bạn gái tôi, tôi giới thiệu đến ông. Cám ơn thuốc của ông cho
lần trước, thuốc xi rô tốt lắm, tôi chỉ uống có hai ngày là hết ho ngay. Tôi có
hỏi nhà thuốc Tây, chai thuốc ho đó đắt tiền lắm, hai mươi đồng cái chai tí
xíu!
Tri cười:
-Chai thuốc đó tôi định để dành cho tôi dùng đấy. Thấy anh ho thật nên tôi
nhường cho anh.
Robert chắc không hiểu Tri dùng chữ thật với ngụ ý đối với chữ giả nên chỉ cười
rồi quay qua nói với Sylvie:
-Em đau gì thì khai với ông đốc đi, anh ra ngoài chờ.
Còn lại một mình, Sylvie nhìn Tri ngập ngừng:
-Mấy hôm nay tôi bị huyết trắng và ngứa ở âm đạo.
-Cô có dùng thuốc ngừa thai không?
-Dạ có.
-Cô sang bàn nằm tôi khám.
Tri khám phụ khoa và nghĩ Sylvie bị nấm. Trong khi anh đang viết toa thuốc đặt
âm đạo cho Sylvie thì nàng bỗng hỏi:
-Có thể nào anh Robert đi chơi bậy bạ rồi lây sang cho tôi không?
Tri ngừng viết nhìn nét mặt lo âu của Sylvie. Cô gái có mái tóc vàng, khuôn mặt
xinh đẹp và ăn nói có vẻ con nhà lành. Tri trấn an nàng ngay:
-Có nhiều nguyên nhân gây ra nấm, nhưng nơi phụ nữ, thuốc ngừa thai là một yếu
tố gây ra nấm khá thường xuyên.
***
Bẵng đi một thời gian không thấy Robert đến phòng mạch. Một hôm, vào lúc trưa,
cô thư ký chuyển cho Tri một cú điện thoại:
-Allô, ông đốc, ông khoẻ không? Tôi là Robert đây, ông còn nhớ tôi không?
-Nhớ.
-Phòng mạch ông giờ nào thì ít bệnh?
-Không chừng, nhưng thường thường từ hai đến bốn giờ thì tương đối vắng.
-Độ ba giờ tôi xin đến gặp ông. Gặp ông có chuyện riêng chứ không phải khám
bệnh. Xin ông nói với thư ký cho tôi vào ngay nhé.
-Được rồi.
Khoảng sau ba giờ một chút thì Robert tới. Khi thư ký báo, Tri cho anh ta vào
văn phòng ngay. Robert ăn mặc xốc xếch, râu cằm mọc lởm chởm. Vừa ngồi xuống
ghế Robert nói ngay:
-Tôi đang cần tiền. Có món nữ trang này đẹp lắm, tôi bán rẻ cho ông, ông mua để
tặng vợ ông.
Vừa nói Robert vừa rút trong túi ra một sợi dây chuyền vàng. Tri tinh ý nhận ra
ngay sợi dây chuyền bị đứt khoen. Anh nghiêm mặt:
-Anh vừa… giật sợi dây chuyền này của ai phải không?
-Tôi thề với ông, tôi không cướp giật của ai hết. Nó là của tôi. Tôi thề với
ông…
-Của ai thì của ai, nhưng tôi không mua đâu, vợ tôi không thích nữ trang.
-Ông mua giùm tôi, tôi bán cho ông hai mươi lăm đồng thôi.
Tri đưa tay đẩy sợi dây chuyền nằm trên bàn về phía Robert rồi đứng lên:
-Nếu anh cần tiền tôi đưa cho anh hai mươi đồng, chừng nào có thì trả. Chứ mua
tôi không mua. Lần sau anh đến đây, nếu để khám bệnh thì đến, chứ không nên đến
để bán những thứ như vừa rồi. Tôi không bằng lòng. Bệnh nhân đang chờ, tôi phải
đi khám tiếp.
Tri mở ví lấy tờ giấy bạc hai mươi đồng đưa cho Robert rồi mở cửa văn phòng.
Robert cầm tiền, miệng ấp úng:
-Cám ơn ông, làm ăn khá tôi sẽ trả lại ông.
***
Robert biến mất cho đến hôm 23 tháng 12 thì xuất hiện. Thành phố Montréal
đang chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Phòng mạch mở cửa ngày cuối. Phòng đợi rực rỡ
ánh đèn màu chớp tắt dọc theo bờ tường và từ cây thông nhỏ đứng ở góc phòng.
Điệu nhạc quen thuộc Jingle Bells tưng bừng phát ra từ chiếc máy thu thanh nhỏ
đặt trên bàn cô thư ký.
Năm giờ chiều. Phòng mạch vừa hết khách. Tri chắp tay sau lưng, đi đi lại lại
trong phòng đợi, thỉnh thoảng qua cánh cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời sáng rỡ một
màu trắng tuyết trên vệ đường và trên các mái nhà. Một người đàn ông mở cửa
bước vào phòng đợi. Tri không nhận ra ai vì ông ta mặc áo măng tô, đầu đội mũ
len, quàng khăn che kín cả mặt chỉ chừa hai con mắt. Tri quay người trở vào văn
phòng chờ cô thư ký mở hồ sơ xong gọi. Chưa đầy một phút cô thư ký gọi báo:
-Có người đàn ông, không khám, chỉ xin gặp ông.
-Cô mời ông vào.
Có tiếng chân mạnh mẽ bước tới văn phòng của Tri.
-Chào ông đốc!
Robert hiện ra ở cửa, nét mặt tươi tắn. Anh ăn mặc tươm tất, râu tóc sạch sẽ.
-Chào Robert.
Tri khựng lại đó không biết nói gì thêm. Cái cảnh Robert năn nỉ anh mua sợi dây
chuyền vẫn còn như một cục nghẹn khó trôi trong trí nhớ của anh.
-Độ rày tôi làm ăn khá lắm ông đốc.
-Tôi mừng cho anh.
Robert khom người lấy trong túi xách tay một cái hộp đặt lên bàn. Tri nhận ra
là hộp đựng chai cognac Rémi Martin. Anh chưa kịp phản ứng thì Robert nói ngay:
-Có chút quà Giáng Sinh biếu ông.
Tri xua tay nghiêm mặt:
-Chai rượu này anh lấy của…?
-Của tôi mua tặng ông, ông đừng nghĩ oan cho tôi. Tôi vừa ở Hoa Kỳ về, tôi mua
ở biên giới. Ông không tin tôi đưa hoá đơn cho ông xem.
Tri thấy mình cũng hơi quá lời nên dịu giọng :
-Nếu thật quà của anh thì tôi rất quí.
-Tôi đã dặn lòng, mỗi năm vào dịp Giáng Sinh, tôi phải nhớ mang biếu ông một
chai rượu. Ông đã xử sự tốt với tôi. Xin ông nhận cho tôi vui lòng.
***
Năm thứ hai, gần hè, Robert đến khám bệnh, đi cùng Sylvie. Robert vào trước một
mình.
-Chào ông đốc. Tôi vừa từ Colombie về được hai hôm. Thú thiệt với ông, qua bên
đó tôi có đi chơi bời. Mấy ngày nay đi tiểu buốt quá! Về hai ngày rồi mà tôi
không dám gần Sylvie. Cô ấy thắc mắc lắm. Nhờ ông trị cho tôi hết bệnh cách nào
nhanh nhất. Sau đó nhờ ông nói sao cho Sylvie tin bệnh tôi không phải do chơi
bời mà ra nhưng phải không được gần đàn bà trong một tuần.
Khám cho Robert, Tri nghĩ anh ta bị lậu mủ. Tri phân vân giữa hai cách trị
liệu. Anh nói với Robert:
-Tôi nghi anh bị lậu mủ. Nhưng cũng có thể do thêm các vi trùng khác nữa. Cách
điều trị chính xác nhất là gởi anh vào khu thí nghiệm của bệnh viện để cấy mủ.
Rồi tùy theo kết quả mà chọn kháng sinh. Có điều chờ kết quả hơi lâu, có khi
vài ba ngày, có khi cả tuần.
Robert giẫy nãy lên:
-Thế thì chết tôi rồi, lâu quá không được đâu ông đốc. Cho tôi uống hay chích
thuốc ngay, liều tối đa!
-Thôi để tôi thử cho anh uống trụ sinh loại một liều duy nhất. Nếu không lành,
bắt buộc phải cấy mủ.
-Cứ như vậy đi ông đốc. Bây giờ tôi ra gọi Sylvie vào để ông nói giúp cho cô ấy
yên tâm.
Tri không quen nói dối, nhất là nói dối với bệnh nhân về bệnh tật. Anh
ngần ngại:
-Tôi biết nói sao đây?
-Ông thiếu gì cách nói. Mà chỉ ông nói Sylvie mới tin.
Robert ra phòng đợi gọi Sylvie vào. Chờ cho cả hai ngồi xuống ghế, Tri mới nói
với Sylvie, giọng từ tốn:
-Robert bị bệnh đường tiểu, có thể do khí hậu xứ nóng gây nên. Cần chữa trị
trong một tuần. Trong thời gian điều trị hai người nên tránh gần nhau, được thì
tốt, bằng không thì Robert phải dùng bao cao su nhưng phải cẩn thận đừng để bao
vỡ, để an toàn cho cả đôi bên. Tuần sau Robert trở lại khám.
***
Tri đi làm về thì vợ anh cho biết có Phan gọi điện thoại. Phan là bạn nhậu của
Tri, gốc người Trung. Gọi là bạn nhậu nhưng thật ra Tri thích đồ nhậu trong khi
Phan chỉ thích uống rượu. Trong nhóm nhậu tám người thì bảy người kia thích
uống, chỉ mình Tri thích ăn. Thành ra buổi nhậu nào cũng thế, mấy tay kia ăn
cầm chừng và uống thả giàn trong khi Tri lại uống cầm chừng và lấy ăn làm gốc.
Tri lớn tuổi nhất và có địa vị cao trong xã hội nên được tôn làm đại ca.
Ăn cơm tối xong, Tri gọi Phan:
-Sắp có mục chi đó Phan?
-Đại ca đi làm về trễ dữ hi! Cuối tuần ni đại ca có rảnh không?
-Ừ, rảnh thì cũng rảnh.
-Vợ chồng thằng Toàn mới làm chủ cái bar rượu được mấy tháng nay, đông khách
lắm đại ca. Hắn nhắn em mời đại ca ghé thăm bar của vợ chồng chúng nó. Mình đi
thăm dân cho biết sự tình, đại ca.
-Tao ngán bar lắm. Nghe nói du đãng với xì ke không à. Vào đó lớ xớ ôm đầu máu
nghe bây.
-Thằng Toàn bảo đảm an ninh cho mình, đại ca.
-Ừ, tao cũng liều một cái xem sao. Nhưng nói trước, tình hình không yên là tao
rút sớm đó nghe.
Tri ngộp thở trong cái bar rượu chật ních người, đặc khói thuốc và inh ỏi tiếng
nhạc disco. Vợ thằng Toàn ăn mặc khá khêu gợi đi xẹc rượu bia cho khách. Cô ta
có vẻ chấp nhận những cái véo mông, vỗ đít để đổi lấy tiền típ. Thằng Toàn thì
làm như vợ hắn không phải là vợ hắn. Nó đứng ở quầy pha rượu, mở bia không
ngừng tay. Phan ghé tai Tri nói như hét trong tiếng ồn ào:
-Hai vợ chồng thằng Toàn hốt bạc, đại ca. Tụi nó thiệt có thời. Tụi nó sẽ giàu
hơn đại ca cho mà xem.
Tri không trả lời, chỉ gật gù bên ly pinacolada do Toàn đặc biệt pha cho anh.
Bỗng có tiếng ồn ào ở cửa vào của bar. Rồi có tiếng la hét, chửi thề. Tri đưa
mắt nhìn Phan hỏi dò. Phan đứng lên, chen lấn đi đến chỗ quầy rượu. Một lát
Phan trở về, cho Tri biết có đứa định vào bán cần sa bị mấy tay gác bar của
Toàn chặn lại và đuổi đi. Nhưng không đầy nửa tiếng sau, một bọn nhiều tên xông
vào bar gây sự và đập phá. Vợ chồng thằng Toàn bị hành hung nặng nhất. Phan
nóng ruột xông vào cứu bạn, bị một vỏ chai bia đập vào đầu máu chảy lênh láng.
Tri nhanh trí chui xuống gầm bàn, vừa lúc mấy cái vỏ chai nổ đôm đốp trên mặt
bàn. Tiếng la hét, tiếng bàn ghế đổ, tiếng mảnh chai vỡ, tiếng đấm đá tạo nên
một âm thanh hỗn loạn. Tri không rõ ai đánh ai nữa. Anh chỉ muốn chờ dịp chạy
thoát ra ngoài. Bỗng một bàn tay lông lá thò xuống gầm bàn, bóp chặt gáy Tri
lôi anh ra. Tri thoáng thấy một vỏ chai bia đang bổ xuống đầu anh. Tri nghe nổ
bốp một cái nhưng anh không nghe đau ở đầu, không thấy máu chảy, trái lại anh
thấy một cánh tay to lớn của ai đó đưa ra đỡ cái vỏ chai bia vừa đập
xuống. Tri nhìn lên và mừng rỡ kêu:
-Robert!
-Ông đốc, có tôi đây. Núp sau lưng tôi để tôi đưa ra cửa.
Robert như một hung thần, hai tay khoa lia lịa đấm đỡ, chân đạp đá lung tung.
Tri bám gót Robert ra được tới cửa. Robert nói lớn:
-Ông đốc, chạy ra đường nhanh lên. Mau kẻo cảnh sát tới.
Tri phóng ra tới đường thì nghe tiếng còi hú của mấy xe cảnh sát cũng vừa ập
tới. Tri may mắn không bị một thương tích nào. Về nhà, anh giấu biệt vợ tai nạn
kinh khiếp vừa qua. Hôm sau, Tri gọi điện thoại cho Phan để biết thêm tin tức.
Phan bị đánh tét đầu phải khâu năm mũi. Toàn bị nặng nhất, gãy ba cái xương
sườn và hai cái răng. Vợ Toàn bị bầm mặt, bầm ngực, quần áo bị xé rách. Tri
không biết tin tức gì về Robert.
Một tuần sau Robert đến phòng mạch Tri để cắt chỉ các mũi khâu. Robert bị một
vết thương cắt sâu ở cánh tay mặt. Mười mũi khâu. Nhưng vết thương đã lành và
sẹo tốt. Cắt chỉ mấy mũi khâu cho Robert xong, Tri hỏi:
-Hôm ấy anh làm gì ở đó?
-Ngồi bàn chuyện làm ăn. Tôi thấy ông ngồi với bạn ông nhưng không lại chào, sợ
quấy rầy ông. Mãi đến khi ông sắp bị nạn mới can thiệp.
-Những người gây rối là ai vậy?
-Nói thiệt cho ông đốc nghe, cái nghề bán bar rượu ở đây không dễ đâu. Không
nằm trong sự kiểm soát của chúng, chúng không để yên lâu đâu. Chúng nó gây sự
là có sắp đặt hết cả.
Bar rượu của vợ chồng Toàn đóng cửa sau hôm xảy ra vụ đánh lộn. Đến khi bar
hoạt động trở lại, chủ mới, nghe Phan học lại, là một người gốc Ý.
Đúng 23 tháng 12, Robert đến thăm Tri vào lúc chiều. Anh biếu Tri một chai rượu
chát đỏ hiệu Bordeaux. Robert nói:
-Năm nay làm ăn bình thường thôi ông đốc. Có chai rượu chát này ngon biếu ông
để uống cho vui.
Tri nhận rượu của Robert như nhận quà của một người bạn. Tri còn coi Robert là
ân nhân của anh nữa, người đã can đảm đưa cánh tay ra đỡ cái vỏ chai bia, hứng
lấy thương tích thế cho anh.
******
Giữa tháng bảy, một sáng chủ nhật, vợ chồng Tri và đứa con trai chuẩn bị đi
picnic thì có điện thoại reo. Vợ Tri bắt điện thoại nghe rồi gọi Tri đến, trao
máy:
-Có con đầm nào gọi cho anh.
-Đầm nào vậy?
-Ai mà biết! Anh thử hỏi nó đi.
-A lô.
-Phải bác sĩ Tri?
-Phải. Cô là ai ?
-Tôi là bạn của Robert.
-Tôi biết Robert. Sao cô có điện thoại nhà tôi ?
-Tôi tìm trong niên giám vàng.
-Cô gọi tôi có chuyện gì?
-Robert hiện đang “ở trong”. Anh sốt và sưng cổ họng. Ở trong cuối tuần không
có bác sĩ. Anh nhờ tôi liên lạc xin bác sĩ cái toa. Tôi sẽ mua thuốc mang
vào ngay cho anh.
-Cô đang ở đâu?
-Bác sĩ ở đâu tôi sẽ lái xe đến tận nơi.
-Hẹn cô nửa giờ nữa ở đường Saint Denis góc Beaubien. Tôi sẽ đậu xe trên đường
Saint Denis. Xe tôi hiệu Pontiac Grand Am màu ve chai.
Tri kể sự việc cho vợ nghe, vợ anh cằn nhằn:
-Anh hay thiệt! Ai nhờ gì cũng làm. Dân bụi đời ở tù nhờ, anh cũng giúp! Làm
trễ hết buổi đi chơi của mình.
Tri làm thinh xuống phòng khách ngồi xem ti-vi. Đến 9 giờ kém 5 anh lái xe đến
chỗ hẹn. Chừng 10 phút sau Tri thấy một chiếc xe hiệu Cavalier màu đỏ sẫm cũ kỹ
đậu sau xe anh, cách hai chiếc khác. Một người đàn bà rời xe đi lại phía anh.
-Bác sĩ Tri?
-Phải.
-Tôi là Ginette, bạn của Robert.
Tri nhìn nhanh người đàn bà, tự hỏi thầm cô ta là bồ mới của Robert hay là đồng
bọn. Nhan sắc của Ginette, nếu đem so với Sylvie, thì kém xa. Cô ta có mái tóc
xưng xửng màu cánh gián, mặt lưỡi cày, đôi môi mỏng gần như mím chặt cả trong
khi nói. Nàng mặc chiếc gi-lê màu nâu với quần jeans đen. Tri ngửi cả mùi thuốc
lá bốc từ người Ginette. Anh muốn chấm dứt cuộc tiếp xúc sớm nên lấy toa ra
biên thuốc kháng sinh, thuốc giảm sốt rồi đưa cho Ginette:
-Cô nói Robert uống cho đủ 10 ngày thuốc kháng sinh. Nếu “ra” sớm, cần thì ghé
phòng mạch tôi coi lại, bằng không thì khám bác sĩ “ở trong”.
23 tháng 12 năm thứ ba, Robert lại đến tặng quà Giáng Sinh cho Tri. Anh tặng
Tri một chai rượu Sake. Trông Robert ốm đi và nước da tái xanh. Tri tỏ ý lo
ngại :
-Tôi thấy sắc diện anh hôm nay không được tốt.
Giọng Robert buồn buồn :
-Dạo này làm ăn khó khăn, ông đốc ơi!
-Hỏi thật anh, làm ăn với giới của anh, anh có chích hay hít gì không?
-Chích thì không, nhưng hít thì… có. Nhưng cũng… thỉnh thoảng thôi. Tốn
tiền lắm ông đốc.
-Anh cẩn thận chứ lún sâu vào là rút chân không ra nổi đó.
-Tôi cũng biết lắm. Chắc tôi sẽ phải kiếm một nghề gì khác để sống.
Tri cổ võ ngay:
-Tôi thấy anh nên như thế lắm.
***
Cuộc đụng độ đầu tiên và cuối cùng giữa Tri và Robert xảy ra bốn tháng sau đó.
Robert lại đến khám bệnh với lối ăn mặc lôi thôi, tóc râu lởm chởm. Ngồi xuống
ghế, anh vào đề ngay:
-Hôm nay ông biên cho tôi 30 viên codeine 30mg. Ông cứ viết trong hồ sơ tôi ho
và đau lưng, không sao đâu.
Tri nghiêm mặt:
-Anh cũng biết tôi không cho thuốc như thế được.
Robert nhìn Tri với đôi mắt van lơn. Chưa bao giờ Tri thấy vẻ buồn đậm nét như
thế trong đôi mắt Robert.
-Ông làm ơn cho tôi đi. Ông không cho, chúng nó… chúng nó sẽ… giết tôi!
Tri lặng người. Anh tin lời Robert. Anh nghe nhiều về những bệnh nhân đi khám
xin những loại thuốc bị kiểm soát về nộp cho các nhóm băng đảng. Thuốc sẽ được
pha trộn rồi đưa ra chợ đen tiêu thụ. Tri vừa thương hại vừa bực mình. Anh vẫn
dành cho Robert một thứ cảm tình không nói được tại sao. Có thể anh thấy Robert
là một thứ bụi đời có tình nghĩa. Nhưng hôm nay Robert đã đặt anh vào một thế
khó xử. Không cho thì nguy hiểm cho Robert, cho thì anh trở thành đồng lõa, một
hành động mà Tri thấy sẽ làm vẩn đục sự thanh cao của nghề nghiệp mình. Tri cúi
đầu suy nghĩ. Sau cùng anh nói với Robert:
-Tôi sẽ biên cho anh số thuốc đó với một điều kiện duy nhất: Từ nay anh đừng
đến đây khám bệnh nữa.
Robert cầm cái toa, miệng lí nhí:
-Tôi xin hứa sẽ không làm phiền ông nữa. Chỉ xin ông tiếp tôi khi tôi ghé thăm
ông vào mỗi dịp Giáng Sinh.
***
Robert giữ lời hứa không đến khám bệnh Tri nữa. Nhưng điều làm Tri băn khoăn là
Robert cũng không đến thăm anh hôm 23 tháng 12 như đã xin. Điều càng làm Tri
băn khoăn hơn nữa là, trước đó hai tuần, nhân ngồi ăn trưa trong quán Dunkin
Donuts, lật tờ báo Journal de Montréal, tình cờ Tri đọc một cái tin: “Một xác
chết tấp ở bờ sông Saint Laurent, người chết cỡ một thước bảy mươi lăm, mặc áo
sơ mi xanh nhạt, quần jeans xanh đậm, không tìm thấy giấy tờ nào trên thi thể.
Nhà chức trách đang mở cuộc điều tra”.
Hôm Robert đến khám bệnh Tri lần đầu, anh cũng mặc áo sơ mi xanh nhạt với quần
jeans xanh đậm. Robert cũng cao cỡ một thước bảy mươi lăm. Nhưng rồi Tri lại tự
cười mình. Thành phố Montréal có cả hàng trăm người cao cỡ một thước bảy mươi
lăm, hàng ngàn người mặc áo xanh nhạt, quần xanh đậm, chứ đâu riêng gì Robert.
Anh ta không đến có thể vì anh ta thấy không còn lý do để đến nữa, thế thôi.
Thế nhưng suốt năm tiếp theo, khi nào chợt nhớ tới Robert, Tri vẫn nghe có điều
gì không ổn trong lòng trước sự vắng bóng của anh ta. Tri chỉ nghi chứ không
dám chắc cái xác chết tấp vào bờ sông Saint Laurent chính là Robert.
Và rồi chưa bao giờ Tri nghe lòng mình bồn chồn như chiều ngày 23 tháng 12 năm
nay. Anh mong Robert xuất hiện, tay xách một chai rượu hay tay không xách gì
cũng được, miễn là cho Tri thấy mặt, cho Tri biết anh còn sống, dù là sống
trong cảnh huống nào.
Đến năm giờ chiều, Tri bắt đầu sốt ruột. Anh tự đi lục tìm hồ sơ của Robert,
tìm số điện thoại. Máy tự động trả lời số điện thoại vừa gọi không còn hoạt
động. Bảy giờ tối cũng không thấy Robert đến. Cô thư ký đóng máy điện tử, chúc
Tri một Giáng Sinh vui vẻ rồi hối hả ra về.
Tri nán lại thêm mấy phút, một mình trong phòng mạch. Biết đâu Robert có thể
đến muộn. Nhưng hình ảnh mô tả cái xác chết tấp ở bờ sông Saint Laurent lại lởn
vởn trong đầu anh.
Mang xong đôi ủng, khoác lên người chiếc măng tô, vừa đi vừa đội mũ rồi quấn
khăn ấm quanh cổ, Tri cố nhen lên cho mình một tia hy vọng: Thành phố Montréal
có cả hàng trăm người cao cỡ một thước bảy mươi lăm, cả ngàn người mặc áo
xanh nhạt, quần xanh đậm, chứ đâu riêng gì Robert…
Anh ta không đến có thể vì anh ta thấy không còn lý do gì để đến nữa…
Thế thôi.
Trang Châu
No comments:
Post a Comment