Friday, March 22, 2024

Người Máy Trong Kỹ Thuật Giải Phẫu - Trần Lý Lê

 

Người máy hay “robot” lần hồi thay thế con người trong nhiều công việc, không cần “ăn no” nhưng vẫn “vác nặng”. Các công việc nặng nề đã thế nhưng người máy tiếp tục dấn bước vào các lãnh vực khác, các công việc nhẹ nhàng tỉ mỉ đòi hỏi sự khéo léo của con người. Máy thêu, máy đan đã vượt xa con người về công suất, vừa nhanh vừa đều, sản phẩm nào cũng in hệt như nhau… Khéo “tay” kim chỉ như thế nên người máy đang giúp các bác sĩ làm công việc mổ xẻ, chữa trị bệnh tật. Người máy khéo tay có tên là “surgical robot”, tạm gọi là người máy giải phẫu.

Cho đến nay, người máy giải phẫu vẫn chỉ là một cỗ máy hoàn toàn do con người [bác sĩ giải phẫu] điều khiển, dẫn dắt trong công việc cắt cứa, “hàn” gắn. Tạm hiểu, người máy giải phẫu chỉ là một dụng cụ tựa như con dao, cái kẹp giúp chuyên viên làm công việc mổ xẻ một cách chính xác và dễ dàng hơn.

Người máy giải phẫu đầu tiên được FDA chuẩn thuận cho phép sử dụng vào năm 2000 là cỗ máy Da Vinci Surgical System do công ty Intuitive chế tạo; cỗ máy ấy khá kềnh càng, cao cỡ 8 bộ Anh, có 4 “tay”. Khi mổ, ta chỉ cần xẻ một vệt nhỏ trên da để đặt các ống rỗng đường kính cỡ đầu ống hút. Qua các “ống hút” ấy, bác sĩ giải phẫu và phụ tá có thể chuyển máy ảnh, dao mổ … nhỏ xíu vào cơ thể bệnh nhân. Bác sĩ giải phẫu dùng dụng cụ điều khiển, console, để di chuyển người máy, từa tựa như khi mổ cần xoay trở dao kéo, theo hình ảnh ba chiều (3-D) trên màn hình.

Thủa ban đầu, người máy giải phẫu “gặp” khá nhiều sự chống đối từ nhiều chuyên viên, họ e ngại việc máy móc “lỡ tay” nên không mấy tin cậy nhưng dần dà kỹ thuật dùng người máy tinh tiến hơn tạo nên các kết quả khả tín. Thế là người máy giải phẫu trở nên phổ thông hơn. Theo bài tường trình trên tạp chí Journal of the American Medical Association năm 2020, việc sử dụng người máy giải phẫu đã gia tăng từ 1.8% (năm 2012) đến 15.1% vào năm 2018.

Riêng với một số kỹ thuật giải phẫu, nhất là trong ngành tiết niệu (urology) và phụ khoa (gynecology), việc sử dụng người máy giải phẫu đã gia tăng nhiều hơn.

Bác Sĩ Alisa Coker, director of robotic surgery education tại đại học Johns Hopkins, tự gọi là “robotic surgeon”, chuyên về các kỹ thuật giải phẫu như hernias (bộ phận không nằm đúng chỗ trong cơ thể hay “thoát vị”?), bariatric surgery (phẫu thuật giảm cân), và foregut surgery (giải phẫu phần đầu tiên của bộ tiêu hóa). Bà ấy đã dùng cỗ máy Da Vinci trong 98% các cuộc giải phẫu kể trên. Quen tay như thế nên khi được yêu cầu, bác sĩ Coker đã đứng ra huấn luyện các đồng nghiệp trẻ, bác sĩ thường trú (residency), cách sử dụng người máy giải phẫu. Từ đó, trong chương trình huấn luyện, một số bệnh viện tại Huê Kỳ đã kèm thêm phần thực tập với người máy giải phẫu.

Riêng tại Johns Hopkins, ngay từ năm thứ nhất, các bác sĩ thường trú được học cách sử dụng người máy giải phẫu, đầu tiên là dùng simulator, một loại máy “mô phỏng” thân thể con người với đầy đủ bộ phận kể cả thần kinh, mạch máu…để thực hiện các kỹ thuật giải phẫu và bác sĩ Coker có thể thẩm định mức khéo léo của học trò qua những lần thực tập ấy.

Huấn luyện bác sĩ giải phẫu theo truyền thống thường bao gồm nhiều ca mổ [bệnh nhân], bắt đầu từ công việc phụ tá, quan sát rồi dần dần tiến đến việc tự mổ dưới sự giám sát của bác sĩ chính. Chương trình huấn luyện ấy kéo dài ít nhất là 5 năm. Khi người máy giải phẫu trở nên phổ thông, chương trình huấn luyện bác sĩ giải phẫu bao gồm cả việc thực tập dùng máy móc qua kiểu mẫu “mô phỏng”. Việc sử dụng máy móc để thực tập gặp ít nhiều chống đối vì sự đặc thù của con người, không phải cơ thể ai cũng in hệt như hình ảnh 3-chiều trên màn hình phẳng. Tuy nhiên simulator vẫn cần thiết và quan trọng trong chương trình huấn luyện và thực tập của các bác sĩ giải phẫu. Qua simulator, sinh viên có thể nhìn rõ những chi tiết mà bác sĩ [chính] nhìn thấy, không như việc đứng quan sát từ xa. Bác Sĩ Ashutosh Tewari, khoa trưởng chuyên khoa tiết niệu & sếp lớn của trung tâm robotic surgery tại Mount Sinai, New York cho rằng sinh viên học được nhiều hơn khi nhìn thấy rõ ràng những chi tiết. Ông ấy đã từng được tham dự cuộc giải phẫu cắt bỏ tuyến tiền liệt lần đầu tiên sử dụng người máy giải phẫu vào năm 1999 và từ đó đã thực hiện trên dưới 9,000 cuộc giải phẫu tương tự.

Đi xa hơn, bác sĩ Tewari còn áp dụng các kỹ thuật khác vào chương trình huấn luyện bác sĩ mới vào nghề, như khuếch đại hình ảnh Magnetic Resonance Imaging (MRI) trên bệnh nhân khi mổ để thấy các chi tiết rõ ràng hơn; dùng thảo trình trí tuệ nhân tạo (AI) giúp sinh viên nhận diện các cấu trúc, bộ phận trong cơ thể con người …

Việc sử dụng người máy giải phẫu để thực tập dẫn đến câu hỏi là người quen chơi các video game có khéo léo hơn không so với những người khác? Nôm na là quen tay với video game thì sẽ sử dụng người máy giải phẫu thuần thục hơn? Ta không có câu trả lời ngắn gọn vì nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự khéo léo của bác sĩ giải phẫu.

Theo bài tường trình năm 2023 trên the Journal of Robotic Surgery, chơi video game giúp bác sĩ thuần thục hơn khi dùng người máy giải phẫu, nhất là khi nhìn màn hình, đổi dụng cụ …  Nhưng bác sĩ Asher Mandel, tại Department of Urology at Mount Sinai, cho rằng “giỏi chơi bóng chày chưa chắc đã giỏi chơi bóng rổ vì hai môn thể thao kia khác nhau” vì đòi hỏi các kỹ năng khác biệt. Ta có thể tạm kết luận là mức kiến thức về cơ thể con người với các đặc thù ngoại lệ, càng hiểu biết, càng quen thuộc thì tay “nghề” mổ xẻ càng tinh xảo. Bác sĩ chuyên mổ tim thì khéo léo hơn so với bác sĩ toàn khoa khi mổ tim. Kế đến là sự tinh xảo khi phối hợp các hoạt động giữa tay-và-mắt lúc điều khiển người máy giải phẫu; sự phối hợp này khác với sự phối hợp khi chơi video game. 

Tạm hiểu là việc sử dụng người máy giải phẫu đang chiếm phần quan trọng trong các cuộc giải phẫu, từ lúc thực tập cho đến khi hành nghề của các bác sĩ giải phẫu.

Tính đến nay, bằng sáng chế (patent) của các cỗ máy Da Vinci đã bắt đầu hết thời hạn, công ty Intuitive tiếp tục sản xuất các cỗ máy mới hơn, tối tân hơn (kiểu mẫu “new and improve”) để kiếm bạc. Các công ty khác cũng chen chân vào thị trường máy móc ấy, các cỗ người máy giải phẫu sẽ rẻ hơn và các món phụ tùng (hay “thiết bị”?) liên quan đến người máy giải phẫu cũng xuất hiện. Như công ty OssoVR đang bán loại “kính” để sinh viên có thể quan sát mọi chi tiết như thể đang có mặt trong cuộc giải phẫu ấy, một loại “virtual reality”.

Như mọi ngành khoa học khác, y học cũng thay đổi theo các khám phá mới, kỹ thuật mới để việc chữa trị bệnh tật được chính xác và dễ dàng hơn. Ngừng học hỏi tìm kiếm và cập nhật là ta sẽ bị bỏ lại phía sau!?


Trần Lý Lê

February 23rd, 2024

No comments:

Post a Comment