Saturday, March 23, 2024

Ký Ức Một Thời - Phước An Thy


Thật không dễ để nói hết những cảm xúc của mình khi nhớ về một thời, bỗng dưng cuộc đời trở thành “bể dâu”, và cũng khó để diễn tả được tâm trạng sung sướng như thế nào khi đang sống trong cảnh nghèo hèn, bỗng nhiên trở nên giàu có còn hơn cả trúng số độc đắc.



Cuộc đời “dâu bể”, lúc tôi mới 15 tuổi với sáu đứa em nheo nhóc mà đứa út chưa tới một tuổi. Chưa đầy một năm, sau ngày 30/4/1975, chúng tôi như bầy chim non đang chập chững, rạn rỡ tươi sáng thì bỗng nhiên mẹ chết, cha bị bắt. Đang ở nơi thành thị đầy đủ tiện nghi, phút chốc chúng tôi bị ném vào giữa rừng sâu, trên núi cao làm láng giềng với những người dân tộc thiểu số. Tôi không nhớ rõ hết cảm xúc của tôi lúc đó là gì, chỉ biết tuổi thơ ấu, thời vui vầy của chúng tôi đã chấm dứt.


Khi cha đi tù, mẹ con chúng tôi bị đi “kinh tế mới” và chỉ mấy tháng sau mẹ chúng tôi chết vì bị bệnh sốt rét cấp tính. Đúng là “mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Tuy còn cha nhưng cũng “như nhà không có nóc, như con nòng nọc đứt đuôi”. Còn cha, nhưng không “gót đỏ như son” mà “gót con đen sì”. Anh em chúng tôi lúc ấy chịu chung cảnh “Nước mất, nhà tan”, khốn khổ cùng bao người.


Sau một thời gian khóc mẹ, nhớ cha, tiếc thương những ngày đầm ấm đã mất, anh em chúng tôi cũng phải đào bới kiếm miếng ăn để tồn tại. Chúng tôi đành chấp nhận hoàn cảnh, không còn sợ hãi và không còn khóc mỗi đêm dưới ngọn đèn dầu leo lét, trong túp lều tranh giữa rừng già.


Dù mùa hè nắng chói chang hay mùa đông gió rét căm căm, chúng tôi cũng phải phơi mình dưới trời để làm rẫy hay đi rừng. Chúng tôi chặt củi, chặt lồ ô, chẻ thành hom đem xuống các làng bán lấy tiền mua thực phẩm. Thời gian đầu, vì chưa quen nên tay anh em chúng tôi bị bọng nước, bị cắt khứa chằng chịt. Vết thương cương mủ, làm độc đau đến nổi các ngón tay không co vào được. Không cầm được chén đũa, chúng tôi phải kẹp chén vào giữa hai bàn tay, ngửa mặt lên trời mà húp thức ăn.


Nhờ có đói khổ, chúng tôi mới biết sung sướng khi tìm được những thứ có thể ăn được ở trong rừng, thấy hạnh phúc như thế nào khi cầm những củ khoai, củ mì do tự tay mình trồng ra.

Vì tuổi còn nhỏ và bận kiếm thức ăn, áo mặc nên anh em chúng tôi không có nhiều thời gian để nghĩ cuộc sống của mình đau khổ như thế nào và xem đó là chuyện bình thường. Nhưng những hôm bị bệnh sốt rét, nằm bẹp dí trong căn lều tranh hiu quạnh, tôi mới có thời gian suy ngẫm hoàn cảnh của anh em mình.


Sáng sớm trời lạnh, tôi nằm lặng nhìn ra màn sương mù bao trùm khắp nơi. Nhìn các em thức dậy, đi làm vệ sinh, mặc những bộ áo quần rách vào người, nhét mấy lát mì khô luộc, nắm bắp rang vào trong túi rồi vác dao rựa lên vai, đi vào rừng. Nhìn bóng dáng bé nhỏ các em lẫn vào màn sương trông thật tội nghiệp. Khi ấy tôi thấy thương cho mình và các em phải sống thiếu thốn, chịu khổ cực đến như vậy.


Sau khi nôn ra cả mật xanh, mật vàng, thân thể mệt mỏi rả rời, nước mắt tôi chợt chảy ra, tôi nghĩ thà anh em tôi sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi này thì cũng đành và đỡ băn khoăn nghĩ ngợi hơn về cuộc đời của mình. Trong khi tuổi thanh xuân của chúng tôi phải sống với những gian khổ và sự thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần trên vùng rừng núi hoang vu này thì chúng tôi biết ở một nơi nào đó, vẫn có những người thật là may mắn, có cuộc sống đầy đủ tiện nghi, sung sướng hơn rất nhiều so với mình ở đây.


Bệnh sốt rét làm lạnh đến nỗi dù đắp bao nhiêu là mền mà cũng không thể nào dừng người bớt run lên,  răng bớt lập cập. Rồi nhiệt độ tăng cao, đến cơn nóng sốt, mồ hôi đổ ròng ròng. Sau cơn sốt lạnh nóng, người thấy dễ chịu hơn và tôi rơi vào cơn ngủ chập chờn với những giấc mơ huyễn hoặc.

Sau cơn sốt tôi trở dậy ăn uống, rồi đi làm lại bình thường, nhưng nỗi buồn và những suy nghĩ khi bị bệnh vẫn còn ở lại trong đầu.



Sau gần 20 năm sống dưới chế độ Cộng sản, rồi điều may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống đã đến với chúng tôi là được đi Mỹ, nhờ những năm tháng tù tội của cha. Ngày đi, mỗi người chúng tôi chỉ có vài bộ quần áo sờn rách làm hành trang để đi từ vùng “kinh tế mới” hoang dã đến một thế giới văn minh tiến bộ bậc nhất thế giới. Vì sao tôi viết, đang sống nghèo hèn bỗng nhiên trở nên giàu có còn hơn cả trúng số độc đắc? Bởi trúng số độc đắc mình chỉ có tiền, còn chúng tôi bỗng dưng được sống ở Mỹ, giàu cả vật chất và tinh thần.


Bây giờ ở Mỹ đã hơn 20 năm, nhưng khi nghe hay xem một bản nhạc được ghi nổi tiếng từ tháng năm nào, tôi thường nghĩ, năm đó mình đang ở đâu và đời mình như thế nào. Mỗi khi cầm viên thuốc hoặc chén cơm trắng lên, tôi lại nhớ đến hạt gạo khó kiếm và viên thuốc quý giá như thế nào khi còn sống vùng “kinh tế mới” ở Việt Nam.


Đôi lúc những kỷ niệm đau khổ hay hạnh phúc tưởng chừng đã rất xa xưa, bỗng dưng quay về, khơi gợi lại nhiều nỗi niềm buồn vui trong lòng tôi. Tôi muốn viết ra, lưu lại phần nào những ký ức, những suy nghĩ và cũng muốn được chia sẻ để cảm thấy ấm áp nếu có người đồng cảm với mình.


Một hôm, trên đường đi đến nhà ông bà ngoại xin gạo, bắp đem về ăn vì đói quá, chúng tôi được một mục sư Tin lành làm nghề bán kem cây dạo, đưa về nhà cho ăn cơm. Sau “giải phóng”, nhà của mục sư là một chòi tranh nép sau lưng nhà máy cưa, trên triền đồi nghiêng nghiêng khô cằn.

Mục sư kể cho vợ nghe hoàn cảnh của chúng tôi, rồi hối vợ nấu cơm. Dưới ngọn đèn dầu vàng vọt, vợ mục sư dọn lên bàn một nồi đầy cơm trắng và một dĩa cá kho. Mục sư cầu nguyện xong rồi bảo anh em tôi ăn cơm. Tôi mắc cỡ vì các em tôi xuýt xoa “ Cơm tinh, cá kho” và vừa thổi phì phì vừa ăn xì xụp. Anh em chúng tôi đói đến cầm chén cơm mà run cả tay, bụng sôi cào lên, tay gắp miếng cá kho rớt lên rớt xuống. Chưa bao giờ chúng tôi ăn ngon và nhiều đến thế.

Dọn dẹp chén bát xong, vợ chồng mục sư trải chiếu dưới nền nhà cho anh em chúng tôi ngủ. Vợ chồng mục sư và hai con nhỏ ngủ bên trong phòng ngủ được ngăn cách bằng một tấm ván mỏng. Nằm chừng vài tiếng đồng hồ chưa kịp ngủ, tôi thấy vợ chồng mục sư dậy, rón rén cầm đèn dầu đi ra nhà sau. Họ lôi ra nhiều ống tôn tròn, dài gấp đôi cán dao và một cái chậu nhôm lớn hình bầu dục, hai đầu túm lại, đáy hơi cong trông như một chiếc đò nhỏ đựng đầy nước muối. Vợ mục sư pha bột với đường nấu kem, mục sư kéo một bao tải đựng nước đá dưới đống mạt cưa ra, chặt nhỏ bỏ vào chậu nước muối hình bầu dục. Đợi nước kem nguội, hai vợ chồng mới chế vào những ống tôn tròn, hai đầu ống được bịt ni-lon, cột bằng dây thun. Sắp đầy những ống kem vào chậu nước muối trộn đá, hai người ngồi hai đầu kéo chậu nhôm lên xuống, qua lại khiến nước muối trộn đá và những ống kem chao đi đảo về liên tục.

Không biết đến bao giờ kem mới đông, nhìn cảnh vợ chồng mục sư gập lưng đung đưa chậu kem qua lại trong đêm, tiếng lục cục đều đều của những ống kem va vào nhau làm mắt tôi xụp xuống, trôi vào giấc mộng có hình dáng hai người níu kéo một chiếc thuyền kem.

Tôi giật mình thức giấc bởi tiếng ồn ào bên nhà máy cưa, trời đã sáng. Không thấy mục sư đâu, chắc đã dắt xe đạp đi bán kem. Anh em chúng tôi rửa mặt chuẩn bị ra ga xe lửa, vợ mục sư đưa cho tôi một gói cơm và hai cây tiền. Hai cây tiền là những đồng tiền tròn mười đồng bằng kẽm, cuộn tròn trong tờ giấy học trò. Vợ mục sư nói, các em mua vé tàu mà đi. Có lẽ vợ chồng mục sư đã cho chúng tôi số tiền để dành phải lâu lắm mới có. Tôi cám ơn rồi dẫn các em bước vội xuống đồi để ngăn những cảm xúc có thể trào ra trên mắt mình. Trên đường đi ra ga xe lửa, tôi vừa đi vừa nhìn quanh hy vọng sẽ thấy mục sư bán kem đâu đây để nói lời giã từ, nhưng không thấy. Đó là một trong những kỷ niệm nằm sâu trong ký ức, theo tôi suốt cuộc đời.


Tuy có nghĩ là sẽ không ai quan tâm các kỷ niệm của riêng mình, nhưng vì muốn mở rộng trái tim ra khỏi không gian riêng của mình và cũng để lưu lại phần nào những ký ức cho chính bản thân, nên tôi mạnh dạn viết ra. Như tôi đã viết trong một bài trước, “đa số những kỷ niệm của tôi ở Việt Nam là những kỷ niệm buồn, còn những kỷ niệm trên đất Mỹ thì ngược lại. Mặc dầu vậy, tôi lại thường nhớ đến những kỷ niệm ở Việt Nam hơn, có lẽ chúng đã có đủ thời gian để thấm nhập, bám chặt vào ký ức của tôi”, nay tôi xin kể thêm một kỷ niệm đã bám chặt vào ký ức của tôi.


Từ ngày nơi nơi đều vào hợp tác xã nông nghiệp, đến mùa gặt, anh em chúng tôi được dịp đi mót lúa. Trời mờ mờ sáng, cầm vài lát sắn khô luộc, ôm thúng rỗ tre, anh em chúng tôi đi hàng mấy cây số, xuống những cánh đồng của các hợp tác xã để mót lúa.

Không phải ngày mùa gặt lúa nào cũng như trong sách, nào ngày mới nắng lên rực rỡ, đồng lúa trĩu hạt vàng tươi, người gặt kẻ đập hát cười vang cả cánh đồng... nhưng thực tế có nhiều ngày gặt thật buồn thãm, bầu trời xám xịt, gió hây lạnh, mùa màng thất bát, đồng lúa hạt vàng chen nhiều hạt trắng. Anh em chúng tôi và nhiều người mót lúa, chẳng ai nghe thấy tiếng cười hát ở đâu. Mọi người cúi gầm mặt xuống tìm nhặt những bông lúa sót lại trên mặt ruộng đã gặt xong, mắt dáo dát trông chừng kiểm soát viên của hợp tác xã.


Vì các ban quản trị hợp tác xã không muốn sai chính sách, không muốn bộ mặt “ Ăn nên làm ra ” của hợp tác xã bị hoen mờ bởi những con mót và cũng để dành lúa rơi rớt nuôi đàn vịt của hợp tác xã nên họ cấm mót lúa. Hợp tác xã ra lịnh nếu xã viên hay con em xã viên đi mót lúa bị bắt thì một phạt thành mười, sẽ trừ vào công điểm nên nhiều người ở hợp tác xã này đi qua hợp tác xã khác mót lúa vì khi bị bắt chỉ bị tịch thu lúa chứ không bị trừ công điểm. Ngược lại, ban quản trị hợp tác xã khuyến khích kiểm soát viên nào bắt được con mót thì một thưởng thành mười, nên các kiểm soát rất tích cực trong việc rình mò, rượt bắt bọn con mót chúng tôi.


Chúng tôi phải chạy đua bì bõm trên ruộng sình lầy dành ăn với đàn vịt, chậm chân để đàn vịt đi qua trước thì một hạt cũng không còn chứ đừng nói gì một nhánh lúa rơi. Chúng tôi cắp rổ bên hông, chạy trốn mấy kiểm soát viên đang la hét vang khắp cánh đồng. Trên đồng trống, chúng tôi luôn giữ một khoãng cách an toàn với kiểm soát viên. Như mèo với chuột, nếu họ đi từ từ tới, chúng tôi lui từ từ, nếu họ rượt chúng tôi chạy. Con mót thì đông, kiểm soát viên chỉ vài người nên người nào xui lắm mới bị họ bắt.


Chiều đến, khi tất cả xã viên gặt lúa đã ra về hết, dù lạnh cóng anh em chúng tôi vẫn tha thẩn như những cái bóng trên cánh đồng, tìm bắt ốc bưu, hái rau dại trên bùn lầy đầy dấu chân. Khi không còn nhìn thấy bàn tay, bàn chân, chúng tôi mới băng đồng về để tránh những kiểm soát viên rình rập, núp trong các bụi rậm trên đường đi. Chúng tôi đã từng bị rình bắt như vậy, tha hồ khóc lóc, xin xỏ mà vẫn bị tịch thu cả thúng lẫn lúa.


Sau nhiều ngày mót lúa, chúng tôi đạp lúa, sàn sẩy, phơi khô cũng được hơn chục ký lúa. Năm nào cũng vậy, ngày đầu giã gạo nấu cơm, chúng tôi tạm quên thói hà tiện, nấu một nồi cơm không độn một thứ gì, chúng tôi gọi đó “cơm tinh”. Thời ngăn sông cấm chợ, cả năm chỉ ăn rau lá, khoai sắn dính vài hạt cơm mà cũng không có đủ, nay tay bưng chén cơm nóng trắng muốt, anh em tôi mhìn nhau, không thể tả hết được cảm xúc lúc ấy. Từng hạt, từng nhánh lúa rơi vương vãi trên ruộng đồng, góp nhặt thành chén cơm trắng tinh. Mùi cơm nóng bốc lên mũi đánh tan mùi bùn lầy, mùi tanh của máu bị đỉa cắn, xóa đi hình ảnh những ngày lạnh lẽo chạy lúp xúp trên cánh đồng. Ăn hạt cơm mềm, thật ngon, dù ăn với nước mắm nấu lại, loại nước mắm từ ba muỗng nước mắm nấu với một lít nước lạnh, vài giọt nước màu và nữa chén muối hột. Một năm chúng tôi chỉ có vài lần được ăn chén cơm không độn một thứ gì như vậy mà thôi.



Ở Mỹ, anh em chúng tôi vẫn giữ truyền thống gia đình như khi cha còn sống là gặp nhau trong những ngày lễ của gia đình, cũng như những ngày lễ lớn của nước Mỹ. Vì mỗi người đều có những công việc riêng, dành nhiều thời gian làm việc để có cuộc sống ổn định và cũng vì có vài người em lấy chồng, cưới vợ ở xa nên việc gặp nhau đầy đủ trong những ngày lễ là một điều khó khăn.


Ngay cả một gia đình nhỏ muốn ngồi ăn chung với nhau cũng không dễ, vì cả vợ lẫn chồng đều phải đi làm, mà hãng xưởng lại cách xa nhau, thời gian làm thì chênh lệch, còn con cái cũng phải đi học, đi làm thêm... Thường thì cả gia đình chỉ có thể ngồi quây quần bên mâm cơm trong dịp cuối tuần hay những ngày lễ lớn được nghỉ làm việc.


Tuy khó khăn để có những buổi họp mặt với nhau như vậy, nhưng anh em chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện những buổi sum vầy bên nhau, để anh em, con cháu được gắn kết tình thân ái với nhau hơn. Trong những bữa cơm gia đình đó, chúng tôi chia sẻ với nhau những sung sướng, vất vả, vướng mắc của mỗi người ở trên đất Mỹ này và ôn lại những năm tháng khó khăn trong cuộc đời của mình ở Việt Nam.


Chúng tôi rất trân trọng từng giây phút bên nhau. Chúng tôi dùng thời gian sum họp, quây quần ăn uống bên nhau để hồi tưởng lại những tháng ngày quá khứ khổ cực, để nhắc nhở nhau biết trân quý cuộc sống tương đối ổn định, no ấm mà mình đang có. Nhất là để con cháu sinh ra ở đây, nay lớn lên, đang học, đã ra trường đi làm hay đang phục vụ trong quân đội, biết đất nước này đã cưu mang, giúp đỡ gia đình mình từ những ngày mới nhập cư như thế nào.


Chúng tôi thường hay kể lại với nhau về khoảng thời gian nỗ lực học hành, cần cù làm việc của mình để có cuộc sống ổn định và cũng nhắc lại thời kỳ đói khổ để thấy mình bây giờ đã giàu có như thế nào. Tôi tự nhận mình giàu, vì tôi hài lòng với những gì mình đang có, vì tôi có cố gắng kiếm bao nhiêu là tiền, nhưng không cảm thấy mình giàu thì mình vẫn nghèo.


Tôi tự tin cho rằng mình giàu có vì tôi đang so sánh cuộc sống hiện tại của mình với những người nghèo về nhiều mặt, thiếu thốn của cải vật chất cũng như tinh thần ở những nơi khác.

Chắc chẳng bao giờ tôi thấy hoặc cảm nhận được sự đói khổ thực sự của người khác là như thế nào, nếu cuộc đời tôi chưa từng cùng kiệt. Khi xem trên TV hay trên báo chí các hình ảnh những thân xác gầy ốm, da bọc xương, đói rách dành nhau những miếng nhỏ thức ăn thì tôi có thể tưởng tượng ra họ đói và sống khổ cực tới mức nào.


Vì tôi đã được nhiều ân nhân, những người không sống dựa trên mối quan hệ giá trị vật chất, giúp đỡ mình trong cơn hoạn nạn nên tôi không chỉ định giá giàu nghèo qua mỗi vật chất mà tôi còn định giá giữa giàu và nghèo qua lòng nhân hậu và sự quảng đại. Chính các ân nhân, những người sống với tình yêu thương giản dị, chân tình đã giúp tôi giữ được niềm hy vọng trong lòng, nhờ đó mà tôi tự tin để vượt qua những khó khăn trong đời.

Tuy nhìn lên tôi không bằng ai, nhưng nhìn lại quá khứ và nhìn xuống nhiều người, tôi phải cảm tạ ơn trên đã cho tôi quá nhiều may mắn và tôi cảm thấy mình giàu có quá rồi.


Cho đến bây giờ, sống nơi đất khách quê người đã hơn hai mươi năm mấy qua, vật đổi sao dời, số phần mỗi người anh em chúng tôi đã khác, nhưng mỗi lần anh em sum họp ăn cơm chung, bưng chén cơm lên tôi lại nhớ những chuyện xưa cũ.

Những kỷ niệm xưa cũ ấy luôn âm thầm len lỏi ở trong lòng tôi, những kỷ niệm mà không có tiếng cười nói lao xao sum họp như bây giờ. Những kỷ niệm cúng giỗ mẹ chỉ bằng những trái cây hái trong rừng và nén hương là lòng lặng lẽ trong đêm, cầu xin Thiên Chúa đưa linh hồn mẹ về trời. Những kỷ niệm dành giụm tiền, với những bao khoai sắn khô làm quà thăm nuôi để đi thăm cha ở tù ngoài miền Bắc. Những kỷ niệm đón Tết, thay tiếng pháo bằng tiếng gõ vào nồi niêu, thúng rỗ để mong xua tan buồn bã đượm đẫm cuộc sống nơi rừng sâu, chốn hẻo lánh buồn thiu. Ngày đầu năm, anh em chúng tôi xuống làng, đến những nhà có đốt pháo để xem. Các em tôi ngây ngô hốt những xác pháo đỏ hồng trước sân nhà người ta, đem về rải đều trước hiên nhà mình để cầu may mắn và mong quên được những ngậm ngùi của một năm đã qua...

Niềm vui trong những buổi họp mặt của anh em là kể cho nhau nghe những ngày xa xưa khi còn cha mẹ hạnh phúc, khi ấy trong nhà có đầy đủ mọi thứ. Kể lại chỉ để níu kéo, cố tìm lại những ngày của tuổi ấu thơ sum vầy đã qua mà bây giờ chẳng bao giờ còn có được. Cứ mỗi lần họp mặt, chúng tôi lại kể cho nhau nghe những chuyện cũ, thời mới lớn, tuổi thanh xuân bỗng dưng đã phải khắc khoải, sống lạc lõng giữa rừng xanh.
Để không làm nỗi mừng vui của những buổi sum họp trên quê hương mới này vơi đi, anh em chúng tôi đã dặn nhau, thôi nhắc chuyện xưa và đừng kể một thời đã qua nữa, nhưng khi mở rượu ra, câu chuyện loanh quanh một hồi rồi những kỷ niệm cũ kỹ vẫn lãng đãng quay về trong lòng mỗi người. Có lẽ, lòng chúng tôi đã già!


Phước An Thy

1 comment:

  1. Cám ơn bài tự truyện chân thành của tác giã. Có hàng triệu người đã sống cảnh tang thương, đói khổ sau ngày 30/04/75 như gia đình của tác giã. Gia đình của chúng tôi cũng vậy. Bây giờ phần đông sống ở nước ngoài và có cuộc sống ổn định. Nhưng mỗi lần chúng tôi họp mặt, câu chuyện loanh quoanh rồi cũng nói tới những cảnh nghèo khi xưa của mình. Và nhờ như vậy, khi gặp nghịch cảnh, chỉ cần nhớ tới những ngày khốn khổ ở VN, khi bộ óc bị cái bao tử chi phối, thì tôi có đủ sức để vươn lên, chỉ cần tự an ủi : dầu sao hoàn cảnh cũng không tệ như lúc ở VN.

    ReplyDelete