Con đường xưa em đi,
vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê…..
Con đường xưa em đi,
thời gian có quên gì, đá mòn kia vẫn ghi….
(Nhạc Châu Kỳ-Lời Hồ
Đình Phương)
“Con đường xưa em đi” gợi tôi nhớ đến con đường Duy Tân rộn rã tiếng cười của
nữ sinh viên trường Luật, với mái tóc thề chấm ngang vai, với tà áo trắng tung
bay. Con đường xưa tôi đi, trên miền đất lạnh, đem tôi về một dĩ vãng có ba
giai đoạn của cuộc đời: thời sinh viên, những bước đầu tỵ nạn và lúc tuổi xế
chiều. Ba tâm trạng khác nhau.
Ở tuổi mười chín, tôi bước chân trên con đường rợp bóng cây phong dưới chân đồi
đại học Montréal với bầu nhiệt huyết của một du học sinh đến miền đất văn minh
để xây dựng tương lai. Vào tuổi trung niên, từ trại tị nạn tôi trở lại đây, lạc
lõng, bơ vơ, đến trường cũ xin bản sao văn bằng để đi tìm việc. Và ngày hôm
nay, ở tuổi xế chiều, tôi trở lại con đường xưa, trên những bước đi chậm rãi,
tôi suy gẫm về cuộc đời.
Con đường tôi đi mang
tên Maplewood, có ý nghĩa là rừng phong nay đổi lại là Edouard Monpetit. Tôi
đến đây lần đầu tiên vào mùa thu, lá đã thay màu, để tìm nhà trọ và viếng ngôi
trường mới, Trường Bách Khoa, Đại học Montréal. Cuộc đời sinh viên của tôi thật
êm ả, được hòa mình vào một môi trường sống thật hiền hòa, lương thiện. Khó có
thể chối cãi ảnh hưởng tốt lành của việc sùng đạo công giáo của người Québecois
lúc ấy. Con người đối xử với nhau rất chân thật, và đặt nặng chữ bác ái của
Ki-tô giáo.
Có lẽ bản chất nông dân hiền hậu từ đất Bretagne, Normandie của nước Pháp được
bảo tồn đến ngày nay qua cuộc di dân. Hầu như không có trôm cắp, báo La Presse,
Le Devoir, giá 5 xu, 10 xu để bên lề đường tự người mua ý thức bỏ tiền vào hộp.
Xe đạp, moto, không cần khóa. Giáo sư rất khiêm tốn, không giữ khoảng cách với
sinh viên, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi dù có khó khăn, đặc biệt là rất khoan
dung với những anh chàng không cưỡng được cơn buồn ngủ, gục đầu trên bàn học.
Sinh viên chỉ cần một cái búng tay kêu tiếng “tách” để gọi giáo sư hướng về
mình để đặt câu hỏi. Giờ ra chơi, trò cùng thầy phì phà khói thuốc tiếp nối câu
hỏi dở dang. Đó là những nhận xét về trường của tôi cách đây hơn nửa thế kỷ.
Mỗi ngày tôi phải leo
hơn 100 bậc thang và một đoạn đường dốc để đến trường nằm trên đỉnh ngọn đồi.
Không màng cái mệt thể xác, ngay cả lúc mùa đông giá rét, đường trơn trượt. Có
lẽ nhờ tâm hồn vui vẻ, đầy phấn khởi và nhiều hy vọng ở tương lai. Bạn trong
lớp thật là tốt bụng, thường đặt câu hỏi: đề thi có quá khó không? Họ không
biết là những câu hỏi như thế chạm tự ái của những người đã đậu tú tài hạng Ưu
hay Bình mới được học bổng du học. Lần đầu tiên họ tiếp xúc với thanh niên một
nước chậm tiến nhưng bộ óc không chậm chút nào.
Lúc ấy Canada có mức sống cao hạng nhì trên thế giới, đứng sau Mỹ, nhờ nông
nghiệp và khai thác khoáng sản, còn nước VN thật bé nhỏ, nghèo nàn. Nhưng tôi
hãnh diện về lịch sử và văn hóa của nước tôi, nhất là nơi ấy tôi đã có một cuộc
sống hạnh phúc, không có nhiều nhu cầu vật chất của một xã hội tiêu thụ.
Sự học không ngăn cản
được cái khao khát tình yêu ở tuổi thanh niên nhất là trong khung cảnh tự do,
xa gia đình, nơi xứ người. Nhưng sinh viên nữ VN quá ít nên chỉ có những anh
chàng nhanh chân, khéo miệng mới được các nàng gật đầu chấp thuận một cuộc hẹn
tay đôi, biến thành sự gắn bỏ cả cuộc đời. Cái cô đơn làm cho các chàng bớt
khắt khe về dung nhan của người con gái. Có những cô nàng cẩn thận đi đâu cũng
đòi có vài nhân chứng chaperons đi kèm cho đến khi chọn được một ứng cử viên
vừa ý mới tách đi cặp.
Thời gian thử thách khá lâu. Có anh chán nản bỏ về VN lấy vợ đẹp. Tôi thấy rõ
sự khao khát “cây nhà lá vườn” của đàn anh đến trước tôi ba năm nhưng lớn hơn
tôi 5-7 tuổi. Nhân có một đoàn y tá và nữ hộ sinh VN được Gia Nã Đại cho qua tu
nghiệp một năm tại các bệnh viện, các đàn anh của tôi đã tình nguyện dẫn các
chị đi dạo chơi, xem thắng cảnh, đi mua sắm, ăn cơm tàu, để sau cùng quỳ gối
trân trọng nói câu: “Anh muốn đem lại hạnh phúc cho em”! Cái bằng kỹ sư du học
lúc ấy cũng có giá lắm, thêm vào đó, cái cung cách tôn trọng phụ nữ, học của
tây phương, cùng với làn da hồng hào sau mấy năm thoát khỏi ánh nắng gay gắt
của miền nhiệt đới. Làm sao em có thể từ chối tình yêu của anh được!
Thế rồi các chàng cùng các nàng về quê nhà thành thân bỏ lại sau lưng giấc mơ
lấy bằng tiến sĩ. Chỉ có các anh cùng khóa với tôi xuống học ở ĐH Laval, vắng
bóng hồng VN, chuyên tâm dồi mài kinh sử, hầu hết trở thành giáo sư đại học.
Tại sao không có ai yêu mái tóc vàng, mắt xanh, da trắng? Có chớ sao không. Nhà
văn KT, tốt nghiệp ĐH Laval, có nhiều mối tình nóng bỏng được anh kể lại rất
hấp dẫn trong tiểu thuyết của anh, có nhiều đoạn rất là “kích dục”. Vậy thì còn
“công lực” đâu để học lên tiến sĩ. Thôi, làm kỹ sư bachelor cũng được.
Ở phương trời Tây bây giờ, anh có còn nhớ thời oanh liệt hay không lúc tuổi đã
về chiều? Tại Montréal có vài chàng thành thạo ăn chơi từ quê nhà, chê gái VN
là “xấu, ngực lép, chân cong, hay õng ẹo”, họ đi săn tìm những cô gái tóc vàng
bất chấp tuổi tác, trình độ văn hóa, giai tầng xã hội. Họ thành công trong việc
thỏa mãn tình dục. Nhưng khó biết họ có được tình yêu hay không khi tìm sự kết
hợp vội vàng trong quán bar, sàn nhảy, quán ăn, trên autobus… rồi không dứt ra
được? Điều có thể thấy về sau là họ không có được những đứa con thông minh sáng
láng như con của rất đông người tỵ nạn nghèo nhưng có văn hóa, có truyền thống
giáo dục gia đình.
Tôi trở về quê hương
lòng không vướng bận như các đàn anh dù đã có một lần mang một vết thương. Tôi
trả được hiếu, đáp lại được ước mong của bà mẹ quê mòn mỏi trông con. Nhưng rồi
mẹ tôi sớm qua đời và tôi cùng với hàng triệu đồng bào miền Nam đã trải qua bao
khổ đau bên trong bức màn sắt của thiên đàng cộng sản. Đói khát, tù đày, tinh
thần uất ức trước bao cái ngu, cái ác của bọn quỷ đỏ. Sau cùng, tôi cũng đã
thành công đến được bến tự do.
Ở tuổi trung niên, với
thân phận người ti nạn trắng tay, tôi trở lại con đường xưa, lên trường cũ xin
bản sao văn bằng nộp đi tìm việc làm ở đầu thập niên 80. Tôi tìm thấy sự ấm áp,
niềm nở nơi những người bạn làm việc ở VN thoát đi năm 1975. Chỉ trong 5 năm,
họ đã thành công, có việc làm tốt, mua được nhà ở ngoại ô. Còn bạn du học thuở
xưa thì sao? Có kẻ thủy chung cũng có người bội bạc. Tôi chỉ có một chút ngỡ
ngàng vì ngạc nhiên trước cái bội bạc. Nhưng nó chỉ là một cơn gió thoảng so
với những trận cuồng phong mà tôi đã trải qua trong lao tù cộng sản. Rồi tôi
vững tin tiến bước trên con đường tạo dựng sự nghiệp trên quê hương mới.
Theo nhận định hạn hẹp
của tôi, chân dung tổng quát của các du học sinh trước 1975 tại Montréal như
sau. Những anh còn độc thân, dần dần bớt đi cái hợm hĩnh trí thức lúc ban đầu
để đi tìm những bóng hồng trong đám người tỵ nạn giúp họ chấm dứt nỗi cô đơn.
Những kẻ đã có gia đình kết hợp hai đầu lương đại học đều có cuộc sống thoải
mái trong căn nhà ngoại ô, tập trung ở Brossard, Longueuil, Saint Lambert, Laval.
Trong thập niên 80, họ bỏ ngoại ô chuyển về Ville Mont-Royal, khu nhà giàu,
đồng thời với các nhà giàu mới trong ngành y, nha, dược, đã hội nhập thành công
nơi quê hương mới. Một số ít muốn tìm sự khác biệt, đến sống ở Outremont trên
núi cao, thủ phủ của nhà giàu và quyền thế nói tiếng Pháp, hoặc Wesmount có một
thời được xếp là nơi cư dân có lợi tức trung bình cao nhất nước. Tôi có vài
người bạn chọn Hampstead, khu nhà giàu Do Thái vì cho là nhà nơi đây mới hơn
nhà Ville Mont Royal. Cô em vợ tôi, hai vợ chồng bác sĩ, tích lũy tiền bạc sau
mấy năm làm việc ở vùng xa, trở về mua nhà ở Hampstead vì cơ duyên gặp một căn
nhà đúng ý thích. Họ sống thoải mái cho đến một ngày cô nàng gặp một anh Do
Thái đặt câu hỏi khi gặp nhau giữa đường: Cô làm bonne (người giúp việc nhà)
cho nhà nào? Sao nó có thể nhìn người bác sĩ VN thành người bonne Philippines
được!
Trách ai? Nhà Do Thái nào ở Hampstead lại không có bonne Philippines. Họ lấy
tiền lương của bonne cho vào chi phí của xí nghiệp để trừ thuế. Thôi thì nhà
anh anh ở, nhà tôi tôi ở, tránh tiếp xúc. Mấy anh Do Thái thật có tính tự tôn.
Phải có chiếc Mercedes hay BMW bóng loáng chạy ngoài đường họ mới biết cái giàu
của nghề bác sĩ. Khổ nỗi cô em vợ tôi tính cần kiệm, không thích khoe khoang,
cảm thấy hạnh phúc với chiếc Corolla. Mặc cho mọi người đàm tiếu nói ta hà
tiện. Đồng tiền mua nhà mới là đồng tiền khôn. Mua xe, tiền hao mất, mua nhà
tiền nhân lên.
Tôi hòa mình với đồng
bào tỵ nạn giống như tôi, có cùng một ý chí phấn đấu kiên cường, có tình thương
sâu đậm hướng về thân nhân còn sót lại ở quê nhà. Tuy lợi tức còn ít oi, người
tỵ nạn ào ạt cho tuôn về VN những món quà cứu đói cho cha mẹ, anh em, vợ hay
chồng bị VC giam giữ, lưu đày. Các cháu của tôi, trong lúc anh tôi bị đày ra
Bắc phải nuôi sống bằng bo bo và nước muối khi mẹ của chúng đắm chìm trong điên
loạn. Ta hãy đọc lại lời ca thâm thúy, gây xúc động của Việt Dũng trong “Một
chút quà cho quê hương”:
Em gởi về cho anh dăm
bao thuốc lá. Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay. Gởi về cho mẹ dăm chiếc
kim may. Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy… Con gởi về cho cha một manh áo
trắng. Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây…
Các cửa hàng gởi thuốc
về VN của bà B., ông T. làm ăn phát đạt cạnh tranh với Trạm Beaudry do một số
du học sinh thân cộng quản lý. Những người nầy đã hoạt động tích cực trong
phong trào phản chiến đả phá VNCH. Suy nghĩ kỹ, tôi thấy họ chỉ là nạn nhân lầm
lạc của một chiến dịch truyền thông chống chiến tranh trên toàn thế giới. Họ
không biết hay không thẩm lượng được cái ác, cái ngu của VC, tàn phá xứ sở, hủy
diệt con người. Tôi đã chứng kiến sự thức tỉnh của nhiều người. Nếu họ là những
người có tâm huyết chắc chắn họ phải đau lòng vì sự tụt hậu của VN sau 44 năm
dưới quyền thống trị của một chế độ khát máu, phi nhân.
Tôi cảm thấy phải vinh
danh người phụ nữ VN tỵ nạn trong đầu thập niên 80. Họ trở thành trụ cột gia
đình, miệt mài lao lực ngày đêm trên chiếc máy may hay trong nhà bếp của các
quán ăn. Họ giúp chồng yên tâm ăn học để sớm hội nhập vào xã hội mới. Nhiều
người bác sĩ ở thế hệ đầu tiên phải mãi mãi mang món nợ ân tình nầy của người
vợ đảm đang. Sau người mẹ là những đứa con ở thế hệ hai. Gương phấn đấu và sự
cực khổ của cha mẹ đã rèn luyện cho đứa trẻ nhiều nghị lực và quyết tâm vươn
lên trong xã hội. Chúng thành công rực rỡ làm thành thế hệ trẻ đông đảo trong
ngành y, nha, dược. Truyền thống giáo dục gia đình nghiêm khắc của VN là nhân
tố đem nhiều thành công cho con cái.
Tôi rất khâm phục đứa con gái lớn của một anh bạn thân vừa qua đời. Có chồng là
trí thức nhưng cô ta lao lực cả đời với lương tối thiểu sống cần kiệm nuôi 4
người con tất cả thành bác sĩ. Tôi nhìn quanh tôi có những anh bạn có vợ
Québecoise. Họ thường có một quan niệm giáo dục phóng khoáng, không ép buộc, để
cho đứa trẻ phát triển theo sở thích của nó. Chơi hockey giỏi cũng kiếm được
nhiều tiền cần gì phải làm anh mọt sách. Kết quả là tôi ít thấy có cô hay cậu
“tây lai” nào làm nghề bác sĩ ở Montréal. Thông minh thì có nhưng “cote R”
(điểm trung bình để xét vào các đại học ở Quebec) không cao vì thiếu cố gắng
trên toàn bộ các môn học.
L’homme est un
apprenti, la douleur est son maître (Alfred de Musset). (Con người là kẻ tập
sự, đau khổ là thầy của họ). Có đau khổ người thi sĩ mới cho ra những vần thơ
hay. Có thử thách con người mới rèn nên nghị lực. Thế hệ thứ hai của người tỵ
nạn thành công nhờ thử thách của bản thân hay gương thử thách của gia đình
trong những năm đầu sống khó khăn trên quê hương mới…
Nhưng trong gia đình
nào cũng có câu hỏi khó giải đáp về hôn nhân của con mình: lấy Việt, lấy Tây,
lấy Tàu, lấy Rệp, lấy da đen. Đây là câu tự hỏi về ước mơ của cha mẹ chớ có ai
điều khiển được con mình. Nói đến làm mai là chúng giẫy nẩy lên cho là một hủ
tục. Nhiều bà mẹ tuy ít biết ngoại ngữ nhưng thích con lấy Tây để lai giống
đẹp. Dù dân tộc ta có anh hùng, có mỹ nhân, ta khó thể phủ nhận là dân da trắng
được Thượng đế ban cho nhiều nét đẹp. Tôi thấy nhiều ông bà thật sự hạnh phúc
khi nâng niu những đứa cháu lai đẹp như thiên thần.
Nhưng không phải lúc nào cũng có quyền gặp chúng nó, hôn chúng nó. Phải
có hẹn trước như hẹn bác sĩ! Chưa kể phải tắm rửa sạch sẽ để khỏi nhiễm trùng
cho trẻ con. Một bậc cha mẹ khác nói: “Tôi cũng thích có cháu lai nhưng chỉ sợ
lấy Tây họ ăn ở không có cái “nghĩa”, dễ ly dị, gây khổ cho con và cho cháu. Do
đó tôi thích con tôi lấy Việt Nam, bền vững hơn.” Nhưng cái nghĩa vợ chồng của
xã hội VN, giới trẻ có hiểu nổi không? Có thực hành được không trong một xã hội
đặt nặng chủ nghĩa cá nhân? Trong cái nghĩa phải có hy sinh và chịu đựng. Con
cháu chúng ta có thấm nhuần ý nghĩa nầy không?
Cái duyên gặp gỡ VN để
thành gia thất đôi khi rất hiếm mà người Tàu chung quanh thì lại khá đông. Đài
Loan, Trung Cộng, Hong Kong, Tàu nào tốt hơn? Hy vọng Tàu nào cũng còn giữ được
chút truyền thống Á Đông, cùng một nền văn hóa với VN nên vợ chồng dễ cảm thông
nhất là trên vấn đề ẩm thực, vấn đề hiếu đạo và giáo dục con cái.
Vậy tâm lý vợ chồng Việt Hoa có bị chi phối bởi những sự kiện lịch sử không?
Tôi nghĩ là không, đối với giới trẻ quen với giá trị bao dung. Nhưng biết đâu
những cặp lớn tuổi khó tránh được cãi vã khi Tàu cộng xâm lăng VN. Gương nước
Mỹ ngay trước mắt. Chồng bênh Trump, vợ chửi Trump. Kẻ bênh Clinton, người thóa
mạ Clinton. Chồng vợ, con cái, cãi nhau vì Obamacare và Trumpcare… Đã có thăm
dò ý kiến sâu rộng về sự xích mích nầy trong gia đình người Mỹ chớ không phải
đoán mò.
Ở Montréal có rất
nhiều người Á Rập Hồi Giáo vì chính quyền Québec thích nhận di dân nói tiếng
Pháp nhưng lại ngứa mắt vì cái khăn đội đầu của phụ nữ. Họ ăn nói rất hay, có
học thức cao, nước da từ café sữa đến trắng như Tây. Vợ tôi có thành kiến với
người Á Rập vì lúc ở Phi Châu bà có một người bạn VN đau khổ vì người chồng Ai
Cập. Lấy nó vì tưởng nó là Tây thiệt! Ngoài ra, bà lại thấy trước mắt con của
một người bạn bị một anh sinh viên Á Rập bỏ rơi sau nhiều năm chung sống. Không
có tình yêu, hắn chỉ lợi dụng để có quốc tịch rồi cao bay xa chạy.
Hơn nữa cái truyền thống đa thê của Hồi Giáo luôn luôn đe dọa người vợ dù
ở Canada. Rất nhiều người mẹ đơn thân ăn trợ cấp xã hội của chính phủ là vợ
hai, vợ ba, vợ bốn của những người Á rập. Đây là chuyện đau đầu tràn lan tại
Pháp và đương nhiên đã hay sẽ xảy ra ở Montréal làm người đóng thuế không hài
lòng.
Nói đến da đen là một vấn đề tế nhị. Thượng đế quá bất công đối với họ. Người
Việt chúng ta rất kỳ thị màu da đen. Vì thẩm mỹ chớ không phải vì dòng máu hay
địa vị xã hội. Khi tôi làm việc ở Phi Châu, một anh kỹ sư da đen nói với tôi:
Tôi có một người bạn ở Abidjan yêu một cô gái VN nhưng không đi đến được hôn
nhân vì cha mẹ của nàng đòi tự tử. Nó không hiểu tại sao!
Trên đây là lời luận
bàn về những ước mơ của bậc cha mẹ. Trên thực tế sau cùng con muốn sao thì ta
phải chịu vậy. Ta có thể rèn luyện nghị lực cho nó nhưng khó uốn nắn trái tim
của nó. Thôi đành nhắm mắt xuôi tay, để xem con tạo xoay vần tới đâu.
Tôi nhịp bước trên con
đường xưa lòng miên man suy nghĩ. Sau 5 tháng làm loài chim tuyết xuống phía
Nam hưởng nắng ấm, tránh mùa đông phương Bắc, tôi lại quay về cố hương. Tận
hưởng mùa hè, mùa thu ở Gia Nã Đạị rồi lại bay đi khi tuyết đến. Tôi hiểu bí
quyết để sống vui sau khi về hưu là quẳng gánh lo đi. Có thì giờ chia sẻ công
việc nhà với người vợ đảm đang, trong bao nhiêu năm làm người nội trợ thầm lặng
rất mệt nhọc để tôi dành thời gian cho sự nghiệp.
Cái âu lo cho cá nhân không còn nhưng cái đau khổ cho đất nước vẫn luôn luôn
làm ray rứt tâm hồn tôi. Thật đau lòng khi thấy phụ nữ VN phải đi làm nô lệ tại
gia ở các nước Á Châu hay các nước Á Rập. Nam giới thì làm lao nô ở nước ngoài
với đồng lương thấp kém làm giàu cho bọn tham ô Cộng Sản ngồi hưởng huê hồng.
Nhiều người bạn của tôi đem sấm Trạng Trình ra bàn, đã quả quyết là cộng sản
sắp chết khi có cách mạng hoa lài ở Tunisie. Nhưng họ đã ra đi trước khi nó
chết. Những tưởng sự sụp đổ bức tường Bá Linh làm chúng thức tỉnh trả tự do cho
dân tộc nhưng chúng lại van xin Tàu Cộng cứu chúng, được trao đổi bằng văn kiện
bán nước: Hiệp Ứớc Thành Đô.
Bao giờ Cộng Sản mới chết để em về thăm VN? Nhà tôi đặt câu hỏi. Dieu seul le
sait! Trời biết. Đã gần nửa thế kỷ chờ mong.
Trần Anh Kiệt
No comments:
Post a Comment