Ngày cưới, Nghĩa không có được niềm vui trọn vẹn. Chẳng phải vì đám cưới có gì trục trặc. Mọi việc diễn tiến hoàn hảo đúng như dự trù của anh. Cũng chẳng phải vì anh bị ép buộc gì. Anh và Diệu yêu nhau, lấy nhau giữa sự vui mừng của cả hai gia đình. Cái khoảng hụt hẫng của anh chính là vì thiếu sự hiện diện của hai người bạn nối khố từ những ngày mài đũng quần ở trường tiểu học.
Vũ đang dạy ở trường Võ Bị Đà Lạt
một hai đoan quyết thế nào cũng về. Tao mà không có mặt thì đám cưới mày đâu có
thành được. Vậy mà cái lệnh cấm trại trăm phần trăm đã níu chân anh. Khoác vào
người bộ đồ lính thì cuộc sống có gì là chắc chắn kể chi tới cái phép đã cầm
trong tay mà giờ chót lại trở thành tờ giấy lộn. Sáng sớm ngày cưới, đoàn người
đi rước dâu chưa ra khỏi cổng, một bó hoa hồng đỏ au tươi rói gửi về từ Đà Lạt
đã thay Vũ nói lời chúc mừng với người bạn thiết. Kèm theo bó hoa là một cánh thiệp
đẹp và trang nhã. Gửi tới hai đứa mày những lời chúc mừng đẹp đẽ nhất. Tao đã
dành sẵn một phòng tại Palace cho tuần trăng mật của tụi mày. Thằng Tước có về
làm phép cưới cho mày không?
"Thằng" Tước nay đã là một
linh mục. Nhưng, với Vũ, bạn bè ngày cũ muốn làm gì thì làm, vẫn cứ là thằng
hết. Ba thằng học chung lớp với nhau suốt 5 năm tiểu học tại trường nhà thờ Hàm
Long ở Hà Nội. Tại sao thân với nhau thì chỉ có trời biết. Vì trời sinh ra ba
đứa tính tình khác hẳn nhau.Tước củ mĩ cù mì luôn nhường nhịn và nhỏ nhẹ với
bạn bè nhưng có tính khôi hài lạnh rất tới. Nghĩa thì tròn như hòn bi chẳng có
cái gai nào của cuộc đời có thể chích làm anh mưng mủ được. Vũ bộc trực chẳng
có điều gì nằm ở trong bụng anh lâu quá được một phút, lại có cái miệng nói
năng thẳng băng chẳng ngán thằng tây nào cả. Học ở trường đạo dĩ nhiên Hiệu
Trưởng là một linh mục. Một bữa, trong giờ ra chơi, Vũ đứng há miệng nghe lén
cha Hiệu Trưởng nói chuyện với bà mẹ già tới thăm ở ngoài sân. Nghe cho đã
xong, Vũ hộc tốc đi tìm Nghĩa và Tước.
- Thật là buồn cười!
Nghe cái giọng vừa hậm hực vừa mỉa
mai của Vũ, Nghĩa biết trong bụng Vũ óc ách có cái gì sắp sửa chui ra khỏi
miệng. Nhưng, để cho đỡ mất giờ chơi, Nghĩa hỏi đưa:
- Lại chuyện gì nữa đó ông nội?
- Hai mẹ con nói chuyện với nhau.
Con thì gọi mẹ xưng tôi, mẹ thì gọi cha xưng con, tao chẳng hiểu ra làm sao cả.
Mẹ con thì suốt đời là mẹ con chứ thoắt một cái, con đi tu làm linh mục, mẹ
phải gọi con bằng cha là sao? Tao đếch hiểu nổi!
Tước có cái miệng hơi hô, phảng phất
giống như hàm ếch, nhưng cười thì lại thấy có duyên và ấm áp vô cùng. Anh thủng
thẳng tiếng một với Vũ:
- Mẹ con thì lúc nào chẳng là mẹ
con. Nhưng đối với những người ngoan đạo, chức linh mục là một chức thánh đáng
kính nên nằm trên các quan hệ ngoài đời. Thành ra gọi thì gọi bằng cha nhưng
vẫn đối đãi như con.
Vũ cướp lời Tước:
- Rắc rối bỏ cha! Nói gì thì nói tao
vẫn đếch chịu được. Tao nói cho mày biết, sau này nếu mày có đi tu làm cha thì
tao vẫn gọi mày bằng thằng như thường. Đừng có hòng tao gọi mày bằng cha đâu
nghe con!
Tước nhe răng cười. Nụ cười ấm áp và vị tha trông ra đã có dáng vẻ nụ cười của một ông cha hiền từ. Tước là con út trong một gia đình có 8 anh chị em tất cả. Trừ người anh cả lấy vợ, sinh con nối dõi dòng họ, 6 người kia, trai cũng như gái, đều dâng mình cho Chúa. Một người đã thành cha, 2 người đã thành sơ, còn 3 người vẫn ăn cơm nhà dòng chờ ngày chịu chức thánh. Việc Tước đi tu nghe ra là việc trước sau gì cũng tới.
Mùa hè, 3 đứa có cái thú đi bắt ve
sầu. Con đường Ngô Thời Nhiệm chạy dọc bên nhà thờ Hàm Long, đầy cây cao bóng
cả, ve sầu kêu ra rả suốt ngày, là đất hoạt động lý tưởng của cả bọn. Ban ngày
trời nắng chang chang, Vũ vác cây sào dài, Nghĩa ôm lọ keo chế bằng những đế
dép crêpe cũ ngâm xăng, Tước ôm chiếc hộp có đục lỗ để nhốt các anh ve tù tội.
3 cặp chân lê bước chậm chậm để 3 cặp mắt nhìn ngất ngưởng lên những tàn lá cao
vòi vọi. Trông thấy chú ve sầu nào đang gân cổ lên ca là nhúng keo vào đầu sào,
hì hục giơ lên chấm vào cánh ve dính ngắc. Hạ sào xuống, nhẹ nhàng gỡ cánh ve
cho khỏi rách, mang về buộc ve bằng sợi chỉ cột vào những cây cảnh nho nhỏ ở
nhà, nghe ve than khóc cho số kiếp tù đày. Buổi tối chơi cách khác. Mỗi đứa cầm
một đèn pin tự chế bằng một cục pin phế thải của quân đội cột dây cao su cho
dính vào một bóng đèn có dây điện nối vào hai cực của pin. Những chú sâu từ
dưới đất chui lên, bám vào các thân cây chờ lột xác thành ve, là mục tiêu của 3
tên học trò. Chỉ việc soi đèn, giơ tay ra chộp là xong. Đêm đó, sau khi buông
màn đi ngủ, cho sâu bám vào màn, nằm nhìn sâu chờ giờ hóa xác mà giấc ngủ chập
chờn không yên. Sáng sớm tỉnh dậy đã thấy ve sầu bay túi bụi trong màn. Sướng
cách chi!
Chính trong một buổi trưa đi bắt ve
sầu vào những ngày cuối năm học lớp nhất, Tước đã giơ khuôn mặt mồ hôi mồ kê
nhễ nhại ra, giọng run run cảm động:
- Tao sắp đi tu!
Hai khuôn mặt lem luốc của Nghĩa và
Vũ khựng nhìn bạn. Nghĩa ngập ngừng nhìn Tước chưa biết nói gì thì Vũ đã nhanh
miệng:
- Biết là mày cũng sẽ đi tu như các
anh các chị mày nhưng tao hỏi thật nghe. Tu có gì thú vị mà cả nhà mày rủ nhau
đi tu vậy?
Tước cúi mặt rơm rớm nước mắt:
- Tu có gì thú vị không thì tao
không biết, nhưng từ nhỏ tới giờ tao vẫn cứ nghĩ là tao sẽ đi tu. Bây giờ đủ
tuổi nhập Tiểu Chủng Viện thì tao đi. Có điều là tao sẽ nhớ hai đứa mày lắm.
3 đứa lặng thinh nhìn nhau. Tiếng ve
sầu ra rả trên cao như vọng về từ một cõi nào xa xôi lắm. Chiếc sào dài vô tình
nằm chắn ngang ở giữa chia ra một bên là Tước và một bên là hai cặp mắt đang
đăm đăm nhìn xuống đất. Tước phá vỡ mùi chia ly quanh quất giữa ba cái bóng hắt
hiu trên mặt đất bằng nụ cười gượng gạo:
- Tao hứa sẽ về làm phép cưới cho
chúng mày khi chúng mày lấy vợ.
Trong những ngày bận rộn sửa soạn
đám cưới, Nghĩa đã cố công tìm Tước. Anh đã phóng vespa trên xa lộ nắng chang
chang từ Saigon xuống Hố Nai, vô nhà thờ gặp một ông anh của Tước. Nắm được cái
địa chỉ dài dằng dặc của bạn nơi một xóm làng hẻo lánh tuốt tận ngoài Quảng
Ngãi, Nghĩa tưởng đã có bàn tay của cha Tước làm phép kết hợp chồng vợ cho anh
với Diệu. Nhưng thư đi thì có mà tin về thì không. Anh sốt ruột gửi tới ba lá
thư. Chẳng vân mòng gì. Cú điện tín anh đánh đi vào những ngày áp cưới như một
tiếng kêu hối hả cũng chẳng bắt được tay Tước. Không có Tước, không có Vũ, hớp
rượu lễ anh nhận trong lễ cưới vừa đắng vừa chua.
Tuần trăng mật, vợ chồng Nghĩa cũng
không có mặt trong căn phòng nơi khách sạn Palace mà Vũ đã dành sẵn. Đường bộ
mất an ninh, đường máy bay Saigon-Đà Lạt không dễ gì mua được vé, tiếng súng
ngày càng gắt gỏng đã giữ chân cặp tân hôn tại Saigon. Cả Nghĩa lẫn Diệu tiếc
ngẩn tiếc ngơ. Cuộc tình của họ khởi đi từ Đà Lạt nhưng chẳng được thăng hoa
tại vùng cao này. Trên thành phố hiu hắt, người lẩn khuất sau cuộc tình của bạn
đã lặng lẽ hồi lại căn phòng trăng mật đã đặt trước.
Vũ đi ra đi vào, hết đọc sách đọc
báo lại thừ người nằm nghe nhạc. Bài vở cần soạn cần chấm nằm bừa bộn trên bàn
mà anh chẳng muốn động tới. Sáng nay anh cáo ốm xin nằm nghỉ tại cư xá, sĩ quan
chỉ huy đã linh động gật đầu. Dù sao giữa đơn vị và cư xá sĩ quan độc thân chỉ
cách nhau một đường dây điện thoại lúc nào cũng có thể reng chuông được. Đầu Vũ
vẫn cấn cái về cái lỗi hẹn một đời với Nghĩa. Ngày nào Nghĩa còn nườm nượp bay
từ Saigon lên ở căn phòng này nuôi cuộc tình với Diệu. Hôm nay, cuộc tình chín
anh lại chẳng có mặt cho trọn tình bạn khởi đi từ những năm tháng ngây ngô. Vũ
nằm lơ mơ nghĩ tới chuyện xưa cười buồn một mình. Cái thằng!
Nghĩa bắt được Diệu lúc nào, Vũ
không biết. Cư xá sĩ quan độc thân Thủy Tiên của trường Võ Bị nằm trên đồi cao
đối diện với học xá nữ sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt. Chẳng biết bằng cách nào
mà thằng bạn nối khố lên ở nhờ phòng anh lại vượt qua được con đường hẹp giơ
tay qua phía bên học xá nắm được tay người con gái đang chăm chỉ dùi mài đèn
sách. Chỉ khi cuộc tình đã lớn, Nghĩa mới rủ anh đi ăn ở nhà hàng Shangai để
giới thiệu Diệu. Vừa ngồi yên chỗ, Vũ đã oang oang:
- Bà ở bên học xá à? Sao tôi không
bao giờ thấy bà?
Máu tếu của Diệu ỡm ờ nhỏ nhẹ:
- Tôi ở trong phòng chứ có ở ngoài
đường đâu mà ông thấy được!
Vũ tức tối:
- Thế sao cái thằng ma gà này thỉnh
thoảng mới lên ở phòng tôi mà nó lại thấy được?
Nghĩa chậm rãi:
- Thế mới có chuyện hữu duyên và vô
duyên chứ!
Vũ gắt chơi với Nghĩa:
- Sư mày! Mày ăn gì mà mắt tinh thế.
Câm miệng lại để tao nói chuyện với bà này!
Từ đó Vũ là con thoi giữa hai người
mỗi khi có chuyện về Saigon. Mà Vũ thì về Saigon lia chia. Trước khi đi bao giờ
Vũ cũng tạt qua học xá xem Diệu có gửi gì về cho Nghĩa không. Về tới Saigon,
bao giờ Vũ cũng dùng cái giọng hách dịch phôn gọi Nghĩa ra quán Pagode. Chờ cho
ly cà phê sữa nóng được đặt trên bàn, hớp vội một hớp,liếm môi xongVũ mới giở
cái giọng mai mỉa ra: - Trình mày, lần này mẹ mày gửi cho mày bức tình thư dày
cộm.
Vũ móc túi áo ném bức thư trên bàn:
- Chắc mẹ mày thức cả đêm mới ra
nhiều chữ đến thế.
Nghĩa làm bộ bất cần chẳng để ý tới
bức thư nằm tênh hênh trên bàn. Vũ ngứa mắt bồi thêm:
- Sư mày! Còn làm bộ làm tịch! Làm
ơn mở thư ra đọc giùm tao đi. Tao biết tỏng là bụng thì như lửa đốt mà mặt thì
cứ gân lên ra cái điều tỉnh bơ như không. Trông chướng mắt đếch chịu được!
Mắng xong, Vũ quay ghế ngồi nhìn
mông ra đường, nhấm nháp cà phê, không quên thỉnh thoảng liếc nhìn Nghĩa đang
chôn mắt vào những dòng chữ thân thương. Khi Nghĩa thẫn thờ xếp những tờ thư
lại, Vũ mới quay ghế trở lại, hách xì xằng:
- Sao? Mẹ mày ra lệnh bao giờ phải
lên hầu? Có lên thì làm ơn ngôn cho tao một tiếng trước để tao dọn dẹp phòng.
Mốt tao về lại. Có tí chữ nghĩa nào thì thở ra cho hết đi, tao mang lên cho. Mẹ
kiếp! Chắc mẹ mày thích hiện vật hơn mớ chữ nghĩa tào lao của mày. Liệu mà đi
bắt chai nước hoa coi bộ có lý hơn!
Lệnh giới nghiêm trăm phần trăm lằng
nhằng như một con đỉa đói. Nó chẳng bao giờ tha cho Vũ về Saigon mở miệng nói
lời chúc mừng cho phải phép. Nhưng cuối cùng anh cũng về được Saigon: trong
đoàn quân từ trường Võ Bị Đà Lạt di tản về Saigon khi Đà Lạt sắp thất thủ.
Trong tình thế dở khóc dở cười đó
thì miệng mồm đâu mà chúc với mừng. Gặp lại nhau, ai cũng chỉ tính tới chuyện
đi. Nhưng tính là một chuyện mà đi được hay không là cái số. Số của Vũ và vợ
chồng Nghĩa không phải là con số hên. Ngày Saigon đổi chủ họ vẫn còn ở nguyên
trong nhà. Cũng chẳng được lâu. Cuộc đổi đời phũ phàng đã đưa Nghĩa và Vũ vào
trại cải tạo. Hai người, hai cái ba lô lép kẹp, cùng đi trình diện một chỗ nên
cùng ở chung một trại. Thời gian đầu, nhờ thế, cũng bớt cô quạnh. Cái cốt ở tù
có bao giờ là không rũ người ra, nhất là cái loại tù không có thời gian giam
giữ nhất định. Người Nghĩa hao mòn mau chóng. Vũ cũng chẳng hơn gì nhưng, chỉ
một thời gian sau, thấy buồn mãi cũng chẳng ăn cái giải gì, Vũ trở lại với con
người cũ. Miệng anh lại rổn rảng mắng mỏ bạn:
- Sướng chưa con? Ai bảo táy máy lấy
vợ, bây giờ rũ ra như tàu lá chết. Cứ cu ki như tao là đếch có gì phải lo. Ở
thì ở, về thì về, mặc mẹ chúng nó muốn làm gì thì làm. Ông chấp hết.
Vũ sống nghênh ngang bất cần nhưng
cũng đủ khôn ngoan để không bị cán bộ hay quản giáo chú ý. Anh thương bạn xuống
tinh thần, đầu óc chỉ tơ tưởng tới chuyện về. Những lúc kiếm được củ khoai,
miếng cháy hoặc bắt được con rắn, con ếch, anh chẳng bao giờ quên Nghĩa. Thương
đó nhưng nhiều lúc thương quá anh lại vênh mỏ lên mắng mỏ lay tỉnh bạn. Thường
thì Nghĩa chỉ nhếch miệng cười gượng cho vui lòng Vũ. Ruột gan anh vẫn bời bời
lo lắng cho Diệu ở nhà. Ngày nhận được gói quà thăm nuôi đầu tiên của vợ qua bưu
điện, Nghĩa ngồi ôm gói quà 5 kí, hồn như đi lạc đâu đâu, nước mắt nhẩn nha lăn
trên gò má hom hem. Vũ ngồi lặng yên bên cạnh, lòng nặng trĩu như đeo đá. Có
cái gì chắn ngang miệng làm anh không nói được gì. Khi mặt trời đã khuất sau
đám ruộng cằn cỗi trước mặt, anh mới ngăn tiếng thở dài, nhỏ nhẹ thúc giục bạn:
- Cất gói quà rồi đi tắm chứ!
Nghĩa vẫn nước mắt lăn dài, đưa gói
quà cho Vũ, đứng dậy bước chậm rãi ra mép ruộng, nhặt từng cục đất, dang thẳng
tay ném mạnh vào mục tiêu vô hình trước mặt.
Cuộc chuyển trại đầu tiên đã tách Vũ
ra khỏi Nghĩa. Hai người từ đó chẳng còn tin tức gì của nhau. Cái thân tù tội
như trái banh mặc tình bị ném qua hết trại này đến trại khác. Có năm di chuyển
tới ba lần, bạn bè rơi rụng dần hết. Khi Nghĩa lê được tấm thân héo úa về với
Diệu thì anh nghe tin Vũ đã vọt đi được rồi. Mừng cho bạn nhưng cũng cay đắng
cho mình. Cuộc sống vật vờ tiêu hao ngày tháng bên lề xã hội thúc đẩy vợ chồng
Nghĩa kiếm đường đi. Đường thì có nhưng đi được thì không.
Cũng vì không đi được nên Nghĩa đã
có dịp há hốc miệng, ôm chầm lấy Tước vào một sáng Chủ Nhật khi Tước khoan thai
bước qua cửa nhà Nghĩa. Tước chẳng áo chùng thâm, chẳng thánh giá trên áo,
chẳng miếng mi ca trắng trên cổ, chỉ lè phè áo bỏ ngoài quần nhầu nát trông như
một anh ba tàu buôn bán tạp hóa. Nụ cười vẫn ấm áp, bộ điệu vẫn khoan thai hiền
hòa, chỉ có cặp mắt đỏ hoe bày tỏ chút xúc động. Tước vỗ vỗ vai Nghĩa:
- Chúa thương mình còn gặp lại
nhau.Sao cậu gầy thế?
Nghĩa quả có lúng túng trong cách
xưng hô với Tước. Mày tao như xưa thì không ổn mà cha con thì ngượng miệng.
Tiếng cậu của Tước làm Nghĩa thoải mái. Tuy vậy anh cũng chưa biết tự xưng là
gì cho ổn. Đành nuốt hết chủ từ cho chắc ăn:
- Chơi trò cải tạo thì cậu nghĩ mập
làm sao được?
- Giêsu lạy Chúa tôi, cậu phải đi
cải tạo à? Thôi, lành lặn mà về được với vợ con là phúc rồi. Chị ấy đâu? Cho tớ
chào chị ấy chứ!
Thấy Diệu bước ra, Tước chắp hai tay
cúi đầu:
- Chào chị! Tôi đến đây để tạ lỗi
với anh chị. Tôi đến chậm mất 10 năm.
Diệu luống cuống trước vẻ trịnh
trọng của Tước:
- Thưa cha...
- Tôi xin chị. Tôi là bạn với anh
Nghĩa. Chị cho tôi tiếng anh là quí rồi.
Diệu quả không được chuẩn bị cho
tình huống này. Nàng lí nhí lời chào rồi xin phép tháo lui. Còn lại hai người,
Nghĩa đã chíp được tiếng tớ của Tước trước đó, hồn nhiên với bạn:
- Thế ra cậu có nhận được thư của tớ
hồi đó hả?
- Tớ nhận được nhưng trễ mất gần một
năm. Dạo đó vùng quê rất thiếu linh mục nên tớ phải đi rong mỗi chỗ một chút.
Khi biết tin cậu lập gia đình, tớ chỉ có thể âm thầm dâng lễ cầu nguyện cho vợ
chồng cậu. Này, tớ nói thật với cậu nghe. Không được làm phép cưới cho cậu như
đã hứa, tớ khó chịu vô cùng.
Nghĩa hạ nhỏ giọng, bông đùa:
- Khó chịu chi! Để lúc nào lấy vợ
hai tớ sẽ nhờ tới bàn tay của cậu!
Tước phá ra cười giọng tỉnh bơ:
- Xong ngay. Tớ sẽ làm phép bằng tay
trái!
Khởi đầu bữa cơm trưa hôm đó, Tước
đã làm phép thực phẩm bằng tay mặt. Cơm đãi khách mà lèo tèo gọn ghẽ. Tước cầm
đũa gắp đồ ăn cho hai đứa con của Nghĩa:
- Mình chịu cực khổ quen rồi không
sao. Chỉ tội cho đám con nít!
Hai đứa con của Nghĩa thấy bữa ăn
hôm nay có vẻ trịnh trọng khác thường. Chúng đã tròn mắt nhìn ông bạn của bố
giơ tay múa may trước khi chúng được cầm đũa. Mẹ chúng thì nghiêm trang như
đang ở trong nhà thờ. Khi Nghĩa bảo chúng Tước là một ông cha thì chúng càng
ngạc nhiên hơn. Cha gì mà kỳ cục chẳng giống cha trong nhà thờ. Nhưng được cái
ông cha này nói chuyện vui và luôn tay gắp thức ăn vào chén của chúng.
Bữa ăn kết thúc chóng vánh. Nghĩa
kéo Tước ra ngồi uống trà ngoài hàng hiên. Khoảng sân rộng trước nhà rậm rạp
những hành ngò thơm húng. Những luống hoa ngày xưa nay chẳng còn dấu vết. Hai
người lặng thinh nhìn vào đám lá xanh buồn bã nhưng thực tế. Tước lên tiếng hỏi
Nghĩa mà như không chờ câu trả lời:
- Vũ nó đi được rồi phải không?
- Cũng hơn năm nay rồi.
- Còn cậu tính sao?
- Tính đã vài lần nhưng tiền mất tật
mang.
- Còn tính nữa không?
- Tính thì lúc nào chẳng tính. Nhưng
láng đâu còn bao nhiêu.
- Để tớ tính cho nghe! Tụi nhỏ không
thể lớn lên ở đây được đâu!
- Cậu cũng tính luôn chứ?
- Không! Tớ đã hiến mình để phục vụ.
Nơi nào cần, tớ phải có mặt ở đó. Chưa bao giờ ở đây lại cần linh mục như bây
giờ.
Đường dây Tước đưa gia đình Nghĩa đi
là do một bổn đạo thân tín của anh tổ chức. Êm ả và hữu hiệu. Một tuần trên
biển, một năm trên đảo, gia đình Nghĩa đã có mặt ở Canada. Một tháng sau, tiếng
Vũ đã ậm ừ trên điện thoại:
- Thưa có phải ông Nghĩa đấy không
ạ?
Mắt Nghĩa mờ đi khi nghe lại được
cái giọng quen thuộc. Anh muốn nằm lăn trên sàn nhà, duỗi thẳng chân tay để tận
hưởng cái sảng khoái này. Nghĩa vừa thở vừa hồi hộp thả giọng nhỏ:
- Mày đấy hả Vũ?
Vũ không kềm được
câu chửi thề:
- Chứ còn ai nữa! Lâu lắm mới nghe
lại cái giọng của mày mà sao câu đầu đã thấy vô duyên.
- Sư mày! Mày ở đâu vậy?
- Ở xa mày lắm. Muốn máy bay nó đưa
đi thì tốn mất 8 tiếng đồng hồ và gần một xín tiền mẽo.
- Lại giở cái giọng úp mở! Bao nhiêu
năm mà mày vẫn chẳng đứng đắn thêm được chút nào. Mà sao biết tao ở đây vậy?
- Trình mày, tao ra lệnh cho cả CIA
lẫn FBI kiếm thì dù mày có là con kiến chúng nó cũng kiếm ra. Diệu khỏe chứ?
Mấy nhóc vui chứ? Mà tụi mày có mấy đứa tất cả? Tao phải cập nhật hóa chứ tụi
mày lộn xộn hồi nào tao đâu có biết được.
- Cám ơn mày, khỏe cả. Tụi tao vẫn
chỉ có hai đứa thôi. Còn mày, vợ con gì chưa?
- Mẹ kiếp, đầm nhiều quá làm sao lấy
vợ được?
- Thì đừng lấy hết. Lấy một đứa
thôi.
- Tội chúng nó, mày!
- Không lấy, mai mốt già đầu chó nó lấy!
- Thảm kịch là ở chỗ đó. Già thì
phải lấy già trong khi đầm thì toàn đầm non.
- Sư mày! Làm như ngon lắm!
- Hạt già mới là hạt quí, mày! Thôi
không giỡn nữa. Tao với mày thử nói chuyện đứng đắn một chút coi có được không.
Mày đã có việc vàng gì chưa?
- Đang cố kiếm tí việc đây nhưng coi
bộ hơi vất vả.
- Nhân danh bạn mày, tao nhập môn
cho vài điều. Thứ nhất, ở bên này đếch đói được đâu, đừng lo. Thứ hai, chỗ nào
nó cho mượn tiền thì cứ giơ tay ra, đừng sợ nợ. Thứ ba, tạm thời tao sẽ gửi cho
mày ít tiền chi dùng lúc ban đầu, sau đó sẽ tính sau, đừng từ chối.Rõ chưa?
- Nghe như vẫn còn giọng quan hai thầy giáo ấy nhỉ?
- Lên chức rồi. Bây giờ là thợ tiện
ca 3!
Tiếng điện thoại của nhà Nghĩa đã
quen reo lên mỗi sáng Chủ Nhật, đúng 9 giờ, không bao giờ sai chệch. Vũ thường
nói chuyện với Nghĩa, nhưng đôi khi với Diệu, lúc với hai đứa con của Nghĩa.
Anh như một thiên thần bản mệnh chăm lo cho gia đình bạn.Một thiên thần chăm
chỉ và biết chửi thề vung vít.
Có một lần điện thoại reo chệch giờ.
12 giờ khuya, thứ bảy. Giọng Vũ thiếu rổn rảng:
- Nghĩa hả mày? Ngủ chưa? Sao tao
vừa nằm xuống thấy bụng cấn cái. Đưa tay nắn thấy u lên một cục bằng trái
chanh. Chẳng biết là cái đếch gì đây. Cũng hơi giật mình nên kêu mày.
- Cái gì thì cũng phải đi bác sĩ
coi. Mai đi liền đi. Chẳng nên để lâu.
Giọng Vũ chán chường:
- Ngại bỏ mẹ đi. Phanh bụng cho mấy
anh lang tây khám thì ra nhiều chuyện lắm nhưng chắc cũng phải đi.
Trái chanh bất thường đó gây nhiều
chuyện thật. Khi biết chắc mình bị dính ung thư, Vũ như mất phương hướng. Anh
gọi báo tin cho Nghĩa, giữ điện thoại cả giờ xoay quanh nói chuyện với cả Diệu
và hai đứa con Nghĩa. Nghĩa phờ người chán chường. Anh quyết định bỏ việc qua
thăm Vũ. Vũ gay gắt gạt đi:
- Qua làm gì, vô ích! Đừng bỏ công
ăn việc làm. Tao buồn là từ nay chẳng giúp gì được gia đình mày nữa.
- Đừng nghĩ tới mấy chuyện vặt đó.
Tao muốn có một thời gian ở bên mày trong lúc mày bệnh hoạn.
- Tao bảo không là không. Đừng có
cãi lời tao!
Nghĩa muốn đi lắm. Diệu cũng giục
Nghĩa phải đi cho trọn tình bạn. Nhưng mỗi lần hỏi là mỗi lần Vũ nổi cục. Nghĩa
lo ngại cho sức khỏe bạn nên không muốn làm trái ý Vũ. Anh chỉ còn cách điện
thoại thăm hỏi cầm chừng. Sức khỏe Vũ mỗi ngày thêm tệ hại. Giọng nói bơ thờ
dần. Mỗi lần điện thoại, Nghĩa vẫn để Diệu nói ít câu với bạn. Anh nghĩ tiếng
nói của người đàn bà trong lúc này ít ra cũng mang lại chút êm ả cho Vũ.
Một bữa khuya thật khuya, Vũ điện
thoại qua:
- Tao trằn trọc không ngủ được, nằm
nghĩ lại chuyện xưa, nhẩm tính ra thì tới tháng 8 này, chúng mày cưới nhau được
25 năm rồi ấy chứ nhỉ? Chớp mắt đã cưới bạc rồi đó! Lần này chẳng ai cấm trại
mà tao cũng chẳng có mặt được. Chó má thiệt!
- Mày còn nhớ được như vậy làm tao
cảm động lắm. Chắc tụi tao cũng chẳng tổ chức gì đâu!
Tiếng rè rè trong máy cộm lên. Khá
lâu Nghĩa không thấy Vũ nói gì:
- Mày có nghe tao nói không Vũ?
- Nghe chứ. Tao có chút chuyện muốn
nói với mày.
- Chuyện gì vậy?
Lại tiếng máy âm âm rè rè. Nghĩa áp
sát ống nghe vào tai đón tiếng Vũ. Mãi mới nghe được một giọng ngập ngừng:
- Nhớ thương yêu Diệu suốt đời nghe!
Nghĩa ngẩn người không biết trả lời
sao. Anh nghe Vũ nói tiếp:
- Mày hứa với tao chứ?
Nghĩa chiều ý bạn:
- Tao hứa!
- Cám ơn mày! Thôi nghe!
Tiếng điện thoại chậm chạp gác
xuống.Nghĩa nghe tiếng trật vuột một hồi rồi điện thoại mới cúp hẳn. Đó là lần
chót Vũ điện thoại cho Nghĩa. Anh mất hai ngày sau đó.
Tháng tám,
hai đứa con Nghĩa ngỏ ý muốn tổ chức lễ cưới bạc cho bố mẹ. Nghĩa đang buồn,
bảo thôi. Hai đứa nài nỉ, Nghĩa chiều con nhưng căn dặn chỉ làm thật đơn giản
và chỉ mời những người thật thân. Gần tới ngày, nghe con hỏi muốn mời những ai,
Nghĩa tần ngần ngồi lặng thinh. Tước ở xa không thể tới được, Vũ còn xa hơn
nữa. Anh buồn bã bảo các con:
- Chẳng có ai đâu!Thôi, chỉ gia đình
mình với nhau vậy!
Song Thao
No comments:
Post a Comment